Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 September 2018

HÒA ÁI * PHIM SAIGN 68

HÒA ÁI * PHIM SAIGN 68
   Phơi bày nửa sự thật bị cố tình lãng quên 50 năm trước

Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-02-14
Nhân viên của Phòng Triển lãm Nghệ thuật New South Wales chuẩn bị treo bức hình "Saigon Execution" của Nhiếp ảnh gia Eddie Adams hồi ngày 23/11/2000 tại Sydney.

Nhân viên của Phòng Triển lãm Nghệ thuật New South Wales chuẩn bị treo bức hình "Saigon Execution" của Nhiếp ảnh gia Eddie Adams hồi ngày 23/11/2000 tại Sydney.
AFP
Truyền thông trong nước, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nhắc lại sự kiện bức ảnh lịch sử “Hành quyết tại Sài Gòn” (Saigon Execution) của nhiếp ảnh gia Eddie Adams, mà họ gọi là kẻ sát nhân Nguyễn Ngọc Loan hành quyết chiến sĩ biệt động giữa phố Sài Gòn gây sốc dư luận thế giới.

Đã 50 năm trôi qua, hành động hành quyết của vị tướng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi, mặc dù tác giả tấm ảnh đoạt giải Pulitzer này từng tuyên bố rằng bức hình chỉ nói lên một nửa sự thật. Đạo diễn Douglas Sloan, cũng là nhà sản xuất phim ở Hoa Kỳ đang thực hiện phim tài liệu “Saigon ‘68” để chuyển tải phân nửa sự thật còn lại mà nhiều người không thể thấy qua bức hình lịch sử đó.
Phóng viên Hòa Ái có cuộc trò chuyện với cô Thùy Lan Phan, một điều phối viên của dự án phim, Đạo diễn Douglas Sloan và cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa liên quan sự kiện lịch sử này.

Nhân chứng lịch sử lên tiếng

Hòa Ái: Xin chào Thùy Lan Phan. Rất cảm ơn Thùy Lan đến Đài RFA để chia sẻ với quý khán thính giả về bộ phim “Saigon ‘68’”. Hòa Ái được biết phim tài lệu này đã được trình chiếu rồi và vì sao dự án phim lại được tiếp tục nữa?

Thùy Lan Phan: Ông Douglas Sloan thực hiện một bộ phim, gọi là “Saigon ‘68”. Cách đây vài năm, phim được trình chiếu ở New York Film Festival và trên toàn thế giới. Thông thường tại các liên hoan phim thì giới chuyên môn bình luận về cách quay phim và kỹ thuật. Nhưng đặc biệt, phim “Saigon ‘68”của đạo diễn Douglas Sloan thì đề tài được quan tâm nhiều hơn so với kỹ thuật làm phim. Ông Douglas Sloan được nhận giải thưởng cho phim này và các trường đại học mong muốn ông thực hiện bộ phim dài hơn.
Ban đầu, đạo diễn Douglas Sloan chỉ phỏng vấn những người Mỹ, trong đó có các sử gia và những người làm việc trong ngành báo chí. Lúc đó thì ông Douglas Sloan làm phim “Saigon ‘68” cũng giống như các nhà làm phim ngoại quốc khác trong cùng đề tài nói về chiến tranh Việt Nam. Nhưng đạo diễn Douglas Sloan nhận ra ông cần nghe quan điểm của người Việt, nên ông muốn làm cuốn phim đặc biệt hơn và ông đã tìm đến cộng đồng người Việt. May mắn là ông đã gặp được Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.
Những gì mà phim mang lại được, đó là tạo ra cảm hứng và một cuộc thảo luận về tính chất đạo đức của chiến tranh, và những gì đã thực sự xảy ra trong bức ảnh đó cần được được thông hiểu vào thời điểm nó được phổ biến
-Đạo diễn Douglas Sloan
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là một người hiền hậu và hiểu biết rất nhiều. Giáo sư Bích đã giúp ông khỏang 2 năm, nhưng không ai chịu phỏng vấn vì nói chung tấm hình “Hành quyết tại Sài Gòn” làm tổn thương rất nhiều người, nhất là gia đình của Tướng Loan.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời và tôi gặp ông đạo diễn Douglas Sloan tại đám tang của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Tôi được nghe ông chia sẻ không biết làm gì với dự án phim này nữa nên ông cần giúp gì thì tôi giúp. Tôi tìm những người có mặt tại hiện trường và những người làm việc trực tiếp với Tướng Nguyễn Ngọc Loan là những người biết sự thật ra sao.
Hòa Ái: Thùy Lan có nhắc đến Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, ông từng giữ vai trò Giám đốc của Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do. Sau khi Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời, Hòa Ái được biết Thùy Lan là một điều phối viên của dự án phim gốc Việt duy nhất. Thông điệp của Thùy Lan muốn gửi đến khán giả của bộ phim sắp công chiếu là gì?
Thùy Lan Phan: Thông điệp của tôi là thứ nhất mình muốn nói lên sự thật. Tôi cũng hy vọng giới trẻ người Việt sau này, kể cả những người trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ biết được sự thật về chiến tranh Việt Nam và biết được những câu chuyện của các nạn nhân trong chiến tranh. Và, tôi cũng muốn giải oan cho Tướng Loan, không phải bênh vực cho Tướng Loan mà là vì sự thật đã bị chôn vùi trong 50 năm qua.
Thông điệp của tôi là khi chúng ta nhìn thấy một bức ảnh thì nó không nói hết sự thật. Người Mỹ có câu nói là “một nửa sự thật không phải là sự thật”.

Nửa sự thật chưa được kể

Hòa Ái: Vừa rồi là chia sẻ của cô Thùy Lan Phan về dự án phim tài liệu “Saigon ‘68”. Và bây giờ, chúng tôi mời quý vị cùng gặp gỡ với đạo diễn và nhà sản xuất phim “Saigon ‘68” Douglas Sloan để tìm hiểu nhiều hơn về quá trình ông thực hiện bộ phim này. Xin chào đạo diễn Douglas Sloan, câu hỏi đầu tiên dành cho ông là cơ duyên nào ông quyết định làm bộ phim “Saigon ‘68”, thưa ông?

Đạo diễn Douglas Sloan: Tôi quyết định làm bộ phim này là vì hầu hết mọi người, trong đó có tôi tại thời điểm xảy ra vụ việc đã không biết được câu chuyện sự thật ở phía sau bức hình Tướng Loan hành quyết tên Việt cộng giết người. Đây là một lý do và lý do thứ hai nữa là vì tôi nhận thấy chúng ta đang tiếp cận thời đại mà hiểu biết bằng thị giác. Hiểu biết về xã hội là điều vô cùng quan trọng và chúng ta cần phải biết cách nhận thức qua hình ảnh.
Hòa Ái: Khán giả xem phim “Saigon ‘68” đã có những bình luận như thế nào?
Đạo diễn Douglas Sloan: Chúng tôi đã làm một phim ngắn, ban đầu là một đoạn giới thiệu để giúp gây quỹ cũng như gây chú ý cho cho dự án phim. Phản ứng của khán giả ở các liên hoan phim khác nhau trên khắp thế giới, có thể nói là vô cùng “cảm tính thị giác” (visual). Tôi nghĩ rằng đó là môt từ ngữ tốt nhất mà tôi có thể diễn tả. Mọi người phản ứng với cả hai mặt của cuộc tranh luận. Có người biện minh cho hành động của Tướng Loan xử bắn những người trong cuộc nổi dậy. Ngược lại, cũng có người cho rằng đó là tội ác chiến tranh. Nhưng tôi có thể nói một cách tổng quát rằng phim tài liệu này đã tạo nên sự quan tâm của dư luận để bàn cãi về tính chất đạo đức. Những gì mà phim mang lại được, đó là tạo ra cảm hứng và một cuộc thảo luận về tính chất đạo đức của chiến tranh, và những gì đã thực sự xảy ra trong bức ảnh đó cần được được thông hiểu vào thời điểm nó được phổ biến.
Hòa Ái: Tôi được biết ông đã gặp gỡ với nhiều nhân chứng lịch sử, là những người từng làm việc cũng như có mặt ở hiện trường nơi xảy ra sự kiện liên quan đến bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn”. Những người này nói gì về nhân cách của Tướng Nguyễn Ngọc Loan?
Đạo diễn Douglas Sloan: Tất cả đều nói rằng Tướng Loan làm việc với anh em trong quân ngũ rất thân tình và ông ấy không phải là người mà có lòng dạ muốn giết người hay hành quyết ai cả. Tướng Loan chịu trách nhiệm chỉ huy hơn 70 ngàn cảnh sát cũng như phụ trách về an ninh tại thời điểm đó, tương đương với tổ chức CIA của Hoa Kỳ và Tướng Loan là một người rất mạnh mẽ, ông đã quên đi bản thân để làm tròn trách nhiệm theo những yêu cầu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó.
Tướng Loan đã làm việc và tin cậy binh lính của ông. Một số người cho rằng tình huống xảy ra là tâm điểm của cuộc chiến và bức ảnh đó đã hủy hoại cuộc đời của Tướng Loan. Những người biết Tướng Loan mà chúng tôi được tiếp xúc nói rằng nhân cách của ông hoàn toàn ngược lại với hành động đã hủy hoại thanh danh bởi dư luận Hoa Kỳ. Một tình huống mà những người Mỹ chúng tôi phê phán chỉ qua những gì nhìn thấy trên truyền thông, thì không nên vội vã phán đoán về sự việc đã diễn ra đó.
Một, hai người đã nói với chúng tôi rằng tại thời điểm đó có thiết quân luật được ban hành, quy định nếu như một người bị bắt mà mặc quần áo thường dân nhưng có súng trong tay thì sẽ bị giống như là hành quyết và Tướng Loan chỉ thi hành luật pháp. Đây là một câu chuyện khác.
Thông điệp của tôi là muốn giải oan cho Tướng Loan...vì sự thật đã bị chôn vùi trong 50 năm qua và khi chúng ta nhìn thấy một bức ảnh thì nó không nói hết sự thật. Người Mỹ có câu nói là “một nửa sự thật không phải là sự thật
-Thùy Lan Phan
Bộ phim được đổi tựa là “Khoảnh khắc của sự thật” (Moment of the truth). Và, tôi nghĩ rằng rất tương tự với thời buổi bây giờ của xã hội chúng ta. Chúng ta không đón nhận thông tin bằng chữ viết nữa, mà bằng hình thức giao tiếp qua âm thanh và hình ảnh. Và chúng ta không hiểu được ngôn ngữ hình ảnh là một ngôn ngữ rất giàu cảm xúc, tác động nhanh hơn ngôn ngữ của chữ viết, bởi vì chúng ta nhìn thấy điều gì đó và lập tức chúng ta phản ứng ngay, nhanh hơn đối với những gì chúng ta đọc được.
Điều này đã xảy ra đối với bức ảnh “Hành quyết tại Sài Gòn” của Eddie Adams. Họ đã phản ứng trước khi họ biết được chuyện gì đã xảy ra. Quan trọng là cần phải có thời gian để hiểu được những gì chúng ta nhìn thấy, không nên phản ứng theo quan điểm cá nhân hoặc thực tại của chúng ta với những gì chúng ta nhìn thấy.
Hòa Ái: Bộ phim được dự kiến khi nào trình chiếu?
Đạo diễn Douglas Sloan: Chúng tôi hiện giờ đã hoàn chỉnh kịch bản phim dài 90 phút, khoảng 90% bộ phim được hoàn thành. Chúng tôi vẫn còn một số việc phải làm, như thực hiện thêm các cuộc phỏng vấn. Giống như các công ty sản xuất phim, thì chúng tôi cũng cần gây quỹ để hoàn thành bộ phim. Nếu như chúng tôi gây quỹ thành công, nhiều người lắng nghe và chú ý tới dự án phim và hỗ trợ tài chính cho chúng tôi thì hy vọng bộ phim sẽ được phát hành trong vòng 6 tháng nữa.

Người có trách nhiệm giống Tướng Loan sẽ làm gì?

Hòa Ái: Thưa quý vị, chúng ta được nghe cô Thùy Lan Phan và đạo diễn Douglas Sloan chia sẻ họ đang cố gắng thực hiện một phim tài liệu nói lên sự thật phía sau bức hình “Hành quyết tại Sài Gòn” vào năm 1968. Tiếp tục cuộc trò chuyện hôm nay, còn có sự góp mặt của cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Mời quý vị nghe ông chia sẻ về vai trò của Tướng Nguyễn Ngọc Loan trong thời điểm lịch sử Biến cố Mậu Thân năm 1968 tại Sài Gòn. Xin chào cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo. Thưa ông, sau khi hình ảnh Tướng Loan bắn chết người chiến sĩ biệt động Sài Gòn là Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp được phổ biến thì dư luận thế giới phản đối rất dữ dội, bởi vì họ cho rằng đó là một hành động rất dã man và tàn ác. Còn dư luận ở trong nước tại thời điểm đó như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Minh Đảo: Bây giờ để nói cho có đầu có đuôi, thứ nhất là năm 1968 gọi là Mậu Thân, Cộng sản từ trong rừng họ đã đem chiến tranh vào thành phố. Họ vi phạm hiệp định ngừng bắn và thủ đô Sài Gòn lúc đó đang an bình trở thành một chiến trường rất ác liệt và đẫm máu. Tôi nói về sự liên quan của Việt Nam Cộng Hoà đối với Cộng sản, thì Việt Nam Cộng Hoà thường gọi Cộng sản Việt Nam không phải là Cộng sản đơn thuần mà gọi là Cộng sản khủng bố. Không phải chỉ Việt Nam Cộng Hoà gọi thôi. Tôi xin nói là các nước chống cộng sản như Malaysia, Anh quốc, họ gọi là Cộng sản khủng bố như chúng tôi gọi. 
Điều này được dẫn chứng là khi tôi đi học ở trường quân đội, học về chương trình chống du kích trong rừng, thì người Anh cũng gọi Cộng sản ở Malaysia là “CT” (Communist Terrorist) y như chúng tôi đã gọi. Và, trong luật pháp của Việt Nam Cộng Hoà từ đời Tổng thống Diệm cho đến đời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đều đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, chứ không có xét xử theo luật pháp thông thường. Thành ra, khi đặt công Cộng sản khủng bố đem đặc công vào Sài gòn, đánh vào toà Đại sứ, vào các nơi…trong đó tên khủng bố Bảy Lốp này trước đó đã giết rất nhiều đồng bào, sát hại đồng bào và xua đuổi đồng bào ra trước làn đạn để che đạn cho chúng nó thì bị bắt và đã bị hành quyết.
Ông tướng chỉ huy trưởng cuộc hành quân đó là Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Trong một chiến trường đang sôi động như vậy, thì việc loại một tên khủng bố tại chiến trường là không có gì sai trái cả. Tôi cũng xin nói thêm về việc này, thế giới sau đó làm rùm beng, còn đối với trong nước, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trở xuống cho đến một người binh sĩ khắp mọi nơi trong vùng miền Nam Việt Nam, cho đến đồng bào dân chúng ở thủ đô và thậm chí cả những nhà báo độc lập tự do tư tưởng, tự do phát biểu, họ không có một sự phê phán nào về hành động loại trừ tên Bảy Lốp do tướng Loan làm; ngầm hiểu rằng tất cả mọi người trong nước chúng tôi đều đồng tình, không có gì sai trái về hành động của tướng Loan cả.
Nếu bây giờ phong trào khủng bố ở tại Timesquare, New York có một tên khủng bố Hồi giáo y như Bảy Lốp, nó thảm sát đồng bào ở đó và vị chỉ huy trưởng của một lực lượng bảo vệ an ninh tại đó thanh toán anh ta liền tại chỗ, bắn anh ta để anh ta không làm những việc gây thêm thảm khốc cho đồng bào nữa, thì vị chỉ huy trưởng đó đối với quý vị có phải là người anh hùng không?...Do đó, những vị chỉ huy nào có trách nhiệm đều phải thi hành giống như Tướng Loan
-Cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo
Hòa Ái: Dạ thưa, thêm một câu hỏi dành cho ông rằng trong cương vị một vị tướng và giả định sự việc đó diễn ra đối với ông thì ông sẽ hành xử ra sao?
Ông Lê Minh Đảo: Câu hỏi này thì tôi xin được nói như thế này, từ đầu cuộc chiến tranh thứ nhất cho tới chiến tranh thứ hai và thậm chí cho đến ngày tết Mậu Thân năm 1968 thì nước Mỹ được diễm phúc đặc ân của ơn trên Thượng đế ban cho cũng như các nước Âu Châu lúc đó khác với chúng tôi chịu sự đau khổ của chiến tranh, sự tàn phá của chiến tranh,  sự tàn ác của Cộng Sản khủng bố đất nước chúng tôi gần 30 năm. Do đó mà mình thấy rằng cái cách nghĩ, cách nhìn và cách giải quyết của những người Hoa Kỳ và những người Âu Châu khác hẳn với những người Việt Nam phải chiến đấu một mất một còn để gìn giữ đất nước mình. Điều này khác nhau rất nhiều.
Tôi thấy có một điều là sau khi Osama bin Laden và al-Qaeda làm một cuộc khủng bố đánh sập hai toà tháp đôi ở New York, mà chúng ta thường gọi là vụ khủng bố 911 và tiếp theo là những phong trào khủng bố lan rộng khắp thế giới, xảy ra ở Anh, Pháp và các nước trên thế giới, thì bây giờ cái nhìn của quý vị có lẽ đã khác. Quý vị có lẽ phần nào thông cảm những việc làm của chúng tôi lúc đó. Và tôi đặt thử thế này, nếu bây giờ phong trào khủng bố ở tại Timesquare, New York có một tên khủng bố Hồi giáo y như Bảy Lốp, nó thảm sát đồng bào ở đó và vị chỉ huy trưởng của một lực lượng bảo vệ an ninh tại đó thanh toán anh ta liền tại chỗ, bắn anh ta để anh ta không làm những việc gây thêm thảm khốc cho đồng bào nữa, thì vị chỉ huy trưởng đó đối với quý vị có phải là người anh hùng không? Người anh hùng mà dân chúng New York tôn vinh, quý vị có nghĩ vậy không?
Điều mà chúng ta thấy quan trọng và cách cấp bách nhất là những người chỉ huy, những người có trách nhiệm là phải bảo vệ cho đồng bào của mình khi bị khủng bố, làm thế nào tránh cho đồng bào sự thảm sát có thể do tụi khủng bố gây ra. Do đó, những vị chỉ huy nào có trách nhiệm đều phải thi hành giống như Tướng Loan cả. Ở vào trường hợp đó, những người cấp chỉ huy chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, chúng tôi cũng phải làm như vậy, bởi vì chúng tôi nhắc lại lần nữa là đặt Cộng sản khủng bố ra ngoài vòng pháp luật và nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi là bảo vệ, đừng để chúng gây tan tốc cho đồng bào. Đó là ý kiến của tôi.
Hòa Ái: Xin chân thành cảm ơn cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, đạo diễn Douglas Sloan và cô Thùy Lan Phan dành thời gian cho cuộc trò chuyện này với RFA.

KỶ NIỆM 50 MẬU THÂN

Việt Nam kỷ niệm 50 năm chiến dịch Mậu Thân - 1968

RFA
2018-01-31
Lực lượng Nam Việt Nam đang bắn trả trong thành phố Sài Gòn trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.
 
Lực lượng Nam Việt Nam đang bắn trả trong thành phố Sài Gòn trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.
AP
Việt Nam vào ngày 31 tháng Một tiến hành lễ kỷ niệm biến cố được gọi tên là ‘Cuộc Tổng tấn công và Nổi dậy’ Tết Mậu Thân 1968.
Hãng tin Pháp AFP loan tin cho biết cuộc tấn công quân sự gây ngạc nhiên vào năm 1968, do cộng sản Bắc Việt phát động ngay vào đêm giao thừa tết Mậu Thân, nhắm vào hơn 100 thành phố và đồn bót tại miền nam Việt Nam.
Cuộc tấn công cuối cùng khiến Hoa Kỳ phải rút ra khỏi cuộc chiến đẫm máu; mặc dù vào thời điểm đó chiến dịch tiến đánh của cộng sản miền Bắc tại miền nam hoàn toàn thất bại với con số bộ đội thiệt mạng được ước tính chừng 58 ngàn người.
Có hơn 80 ngàn bộ đội Bắc Việt và chiến binh cộng sản tham gia trong những cuộc tấn công phối hợp thuộc chiến dịch Tết Mậu Thân. Trong đó có những cuộc tấn công tại hai thành phố Huế và Sài Gòn.
AFP dẫn phát biểu của một cựu chiến binh cộng sản tham gia chiến dịch Mậu Thân có mặt tại lễ kỷ niệm diễn ra ở Sài Gòn, ông Nguyen Van Duoc, nói rằng nhóm của ông chiến đấu đến khi không còn viên đạn nào rồi bỏ lại súng và rút chạy. Người cựu chiến binh này nói thêm 8 đồng đội của ông thiệt mạng trong trận đánh lúc đó đến nay vẫn chưa tìm được xác.
Theo AFP thì những người ở miền nam Việt Nam đến nay hồi tưởng biến cố Mậu Thân với những cảm xúc khác nhau; đặc biệt những lính Việt Nam Cộng Hòa, họ không đồng ý với những đánh giá về chiến dịch Tổng tấn công và Nổi dậy Mậu Thân do Hà Nội đưa ra.

NGÔ ĐẮC HÒA * KHÓC MẬU THÂN

Đón xuân Mậu Tuất, khóc nạn nhân Mậu Thân 1968 - Huế

Ngô Đắc Hòa
2018-02-15
Người phụ nữ khóc than trên xác người chồng được tìm thấy cùng 47 thi thể khác ở một mộ tập thể gần Huế hôm 11/4/1969
Người phụ nữ khóc than trên xác người chồng được tìm thấy cùng 47 thi thể khác ở một mộ tập thể gần Huế hôm 11/4/1969
AP
Từ hàng ngàn năm nay trong văn hoá người Việt, Tết Nguyên Đán là những ngày thiêng liêng nhất của dân tộc. Đó cũng là những ngày vui nhất trong năm. Nên dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, những ai tất tả ngược xuôi làm ăn mua bán đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Trong một ý nghĩa thiêng liêng nào đó, Tết còn là dịp đoàn tụ với cả những người thân đã mất. Tết cũng là cơ hội để người ta quên đi hận thù, giận hờn năm cũ, hàn gắn những bất hoà. Đó là triết lý về lòng rộng lượng, tính bao dung vào ngày đầu xuân năm mới của người Việt từ bao đời nay. Nói tóm lại, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam mà ai đi xa cũng nhớ và phải trở về.
Ngay trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất chúng ta cũng có 5, 3 ngày hưu chiến để gia đình đoàn viên, chiêm bái tổ tiên, viếng thăm thân thuộc, bằng hữu, xóm giềng với những lời cầu chúc tốt đẹp đầu năm. Người Việt tỵ nạn hải ngoại nhiều chục năm qua dù sống xa quê hương vẫn không quên tập tục tốt đẹp này. Thế nên ở đâu có cộng đồng gốc Việt sống quần tụ chúng ta dễ dàng nhận thấy không khí mua sắm rộn rịp những ngày cuối năm để chuẩn bị cho ba ngày tết. Khói hương nghi ngút, không khí uy nghiêm trước bàn thờ tiên tổ trong những ngày đầu năm để tỏ lòng tôn kính.
Vào những ngày này đúng 50 năm về trước, mùa xuân năm Mậu Thân 1968; bất hạnh thay, người dân miền Nam nói chung và nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng đã không có những ngày lễ hội lớn nhất mà họ thường có hằng năm! Họ không được chứng kiến những giây phút thiêng liêng nhất của ngày đầu năm với trầm hương nghi ngút! Không có những giây phút uy nghiêm trước bàn thờ tiên tổ! Họ không có những ngày vui nhất trong năm! Họ không có cơ hội để đoàn tụ với gia đình trong bình yên an lạc! Không có dịp để viếng thăm bà con thân thuộc, bè bạn hương lân! Vì ngay trong những giờ phút thiêng liêng và uy nghiêm nhất đó tiếng súng của cộng quân đã ròn rã vang lên khắp các nẻo gần xa thay cho tiếng pháo giao thừa truyền thống.
Đúng như thế, không khí chết chóc, sợ hãi, hoảng loạn đã thế chỗ cho uy nghiêm, tĩnh lặng, bình an. Cộng Sản Bắc Việt đã lợi dụng những ngày giờ ngưng bắn để bí mật chuyển quân. Tiếp cận những nơi đồn trú xung yếu và quan trọng của QLVNCH với sự tiếp tay của bọn Cộng sản nằm vùng. Để rồi ngay trong những giây phút giao thừa truyền thống thiêng liêng, Hà Nội đã đơn phương phá vỡ thỏa thuận hưu chiến mà họ đã cam kết. Chúng bất ngờ và đồng loạt mở cuộc tổng tấn công trên khắp lãnh thổ miền Nam mà Huế được xem là một trọng điểm phải chiếm cho bằng được.
Tuy nhiên, sau 25 ngày đêm chiếm đóng, quân đội chính quy của Bắc Việt đã hoàn toàn bị lực lượng Tổng Trừ Bị Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Sư Đoàn I Bộ Binh và quân đội đồng minh Hoa Kỳ đẩy lui khỏi Thành Nội, đánh bật khỏi Thành phố Huế và các quận xã thuộc tỉnh Thừa Thiên. Nỗ lực của cái gọi là “giải phóng” Thừa Thiên Huế của Cộng Sản đã để lại hàng ngàn vành khăn tang cho những thiếu phụ, mẹ già và con trẻ. Những người có chồng, con, cha đã nằm xuống không phải vì chiến trận mà vì đã bị họ bắt đi học tập, và không bao giờ có cơ hội trở về.
Hơn một năm sau, vào khoảng tháng 3 năm 1969 nhờ vào lời khai của những cán binh Cộng Sản hồi chánh; chính quyền và người dân Huế mới lần lượt tìm kiếm, khám phá và đào bới ồ ạt ở Gia Hội, Bãi Dâu, Xuân Ổ, Xuân Đợi, Phú Vang, Phú Thứ, Đồng Di, khe Đá Mài… những mồ chôn tập thể… Những người chết được tìm thấy ở các nấm mồ tập thể này với đủ tư thế: nằm ngồi qùy đứng. Họ đã bị bắn, bị đập đầu bằng cuốc, bị chôn sống và bị buộc chặt lấy nhau bằng kẽm gai, dây điện thoại, và cả lạt tre thành từng chùm từ 3, 5 đến 10 người. Huế đã trải qua những ngày dài lê thê sống trong hãi hùng lo sợ và bây giờ là nước mắt và nước mắt: Nước mắt trên gò má khô nhăn của những người mẹ gìa còm cỏi ngóng trông, trên đôi mắt quầng thâm, thất thần của những người vợ trẻ đã tận cùng của chịu đựng khổ đau, trên những đứa trẻ thơ bỗng dưng ngây dại vì chờ đợi cha về! Ôi có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người dân xứ Huế!…
Theo thống kê từ lời khai của những gia đình có người thân mất tích và của Ủy Ban Truy tầm và Cải Táng Nạn Nhân: đã có hơn 6,000 người bị chết trong biến cố Tết Mậu Thân chỉ tính riêng ở Huế. Đấy là một tội ác có một không hai trong lịch sử Việt Nam! Tội ác rùng rợn, dã man chỉ có thể xảy ra từ thời Trung cổ!
Sau 40 năm đất nước đã thống nhất chưa có lãnh đạo nào của chính quyền Cộng Sản lên tiếng nhận lấy trách nhiệm. Không những không nhận lấy trách nhiệm, Hà Nội còn cố tình vu vạ, đổ tội cho quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH đã sát hại những nạn nhân này trong chiến dịch phản công rồi vùi chôn tập thể. Và để xoá đi dấu vết của tội ác này; sau ngày cưỡng chiếm Miền Nam, Hà Nội đã cho phá bỏ những tấm bia tội ác ở nghĩa trang Ba Đồn, xã Thủy Phước gần núi Ngự Bình. Nghĩa trang Ba Tầng ở Núi Bân làng Đình Môn, Kim Ngọc thuộc quận Nam Hòa: Những nơi đã cải táng hàng ngàn bộ hài cốt mà thân nhân không còn nhận dạng được. Hà Nội còn trâng tráo, trơ trẽn hơn khi vào những năm 1998 tại Hà Nội, 2008 tại Sàigòn, và 2013 tại Huế đã cho tổ chức cái gọi là kỷ niệm chiến thắng lịch sử của chiến dịch Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân như là thành tựu đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Chỉ có những con người vô luân và chủ nghĩa phi nhân mới xem việc tàn sát đồng loại, tay không, là chiến công oanh liệt! Tất cả những hành động này của Hà Nội là nhằm viết lại lịch sử để đánh tráo khái niệm thiện ác, đúng sai, chính nghĩa và phi chính nghĩa để đánh lạc hướng các thế hệ mai sau.
Hôm nay chúng ta, những người Việt tỵ nạn hải ngoại, trong niềm vui thiêng liêng của ngày đầu năm mới, cùng hướng về tổ quốc để nhớ đến cội nguồn. Chúng ta không quên những người đã nằm xuống để chúng còn được sống hôm nay. Đó là những chiến sĩ, những cán bộ, công chức, những người đã bảo vệ và phục vụ đất nước. Những người mẹ, người vợ chiến sĩ, các bạn trẻ sinh viên học sinh đã chọn thể chế tự do, dân chủ làm lẽ sống mà phải chết dưới bàn tay Cộng Sản vào những ngày tưởng chừng là bình yên, thiêng liêng và hạnh phúc nhất trong năm! Họ đã chết vì quê hương và vì lý tưởng tự do! Trong bốn câu thơ sau đây, tôi xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo mà tôi vô cùng tâm đắc như là chân lý ngàn đời để tưởng nhớ những nạn nhân Tết Mậu Thân ở Huế:
Anh linh người hỡi về đây chứng,
Lịch sử bao giờ có bất công?
“Những ai đã chết vì sông núi,
Sẽ sống muôn đời với núi sông”.
Tôi xin dùng những lời đầu năm này như là nén hương, những giọt nước mắt để khóc thương và tưởng nhớ các bạn. Xin kính cẩn và chân thành cầu chúc anh linh những người đã mất được yên nghĩ. Cầu chúc vận hội tốt đẹp sẽ đến với những nhà đấu tranh dân chủ để nhân dân Việt Nam sớm hưởng được không khí tự do.
Kính cầu chúc người Việt trong và ngoài nước một năm mới – Năm Mậu Tuất – Thân Tâm Thường An Lạc!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

NGƯỜI VÔ GIA CƯ VÀ TẾT

NGƯỜI VÔ GIA CƯ VÀ TẾT

RFA
2018-02-16
Một người vô gia cư ở Sài Gòn những ngày giáp Tết.
Một người vô gia cư ở Sài Gòn những ngày giáp Tết.
RFA

Hoàn cảnh

Những người già, những đứa bé lang thang, những người mất khả năng lao động, họ có mặt ở con phố này mỗi khi đêm về. Lý do chính tại con đường này có nhiều nhà từ thiện đến giúp đỡ cho những mảnh đời cơ nhỡ với những suất cơm, bịch sữa, gói bánh…
Tất cả những con người chúng tôi gặp nơi đây đều có cùng một điểm tương đồng là họ không nhà không cửa, nhưng mỗi người lại có một câu chuyện khác nhau đẩy họ vào cảnh trạng hiện tại.
Một người vô gia cư, trước kia có sức khỏe tốt nhưng sau khi gặp tai nạn nghiêm trọng, ban ngày chỉ còn có thể nhặt ve chai và đêm về nằm vỉa hè trên con phố này tâm sự:
Mấy ngày Tết vui vẻ. Thấy người ta dắt con cái mình cũng tủi thân.
Anh bị gãy tay, giờ cũng chẳng đi làm hồ được. Phải đi lượm đồ ve chai sống qua ngày. Tay trái bị gãy cong vầy nè. Cũng chẳng làm được gì hết em à. Phải vác bao đi lượm sống qua ngày tháng.”
Hoàn cảnh gia đình anh vốn dĩ đã khó khăn, cũng không thể nương tựa vào ai cho nên phải sống trong cảnh này, anh cho biết thêm:
Bố mẹ giờ mất rồi. Bán đất đi phải trả nợ tiền đám ma đám chay. Buồn quá, ở với bà chị không được vì vướng đến chồng nữa. Một bên bà chị theo bên chồng, mà ông anh thì đi ở rể. Một bên là cậu một bên là chú. Mỗi mình anh, ở không được, còn con cái người ta nữa. Bắt buộc anh phải ra đường sống thôi.”
Ông lão đạp xích lô cũng có hoàn cảnh đáng buồn. Nhà cửa mất hết, vợ ông cũng đã qua đời. Ông rời nhà trọ trên Hóc Môn để về con đường này vì khi mà sức lao động chẳng còn nhiều thì làm sao có đủ tiền mướn chỗ ở.
“Tại sao tui phải ra đây là vì tui không còn nhà nữa. Trước kia tui còn nhà, nhà cửa ngon lắm nhưng mà tại vì vợ tui chết tui phải chịu, tui phải trôi dạt trên Hóc Môn tui về đây.”
Hay như một hoàn cảnh khác, bà cũng không còn người thân nào. Ban đầu bà lên Sài Gòn để kiếm sống. Nhưng buồn thay, sau thời gian lao động bà mắc bệnh.
Cô ở tuốt Cà Mau lận. Cô đâu có còn ai đâu mà ở dưới. Lúc trước cô lên đây cô còn sức khỏe cô làm mướn, giờ cô bệnh hoạn rồi, bị tim mạch mệt lắm nên không có làm được gì hết. Không có tiền về, nếu mà về cũng không có ai.”

Mong ước

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện, tất cả chỉ mong sao có những người hảo tâm giúp họ một bữa ăn lót dạ qua ngày, đặc biệt là vào dịp Xuân về chứ chưa dám nghĩ đến có một chỗ gọi là nhà.
Thôi đừng nhắc tới Tết, chán lắm. Nhắc mất công nhớ nữa.
Cô chỉ kiếm sống qua ngày thôi, chứ mong muốn gì đâu nữa con, già rồi. Kiếm ăn đủ sống thôi.”
Chạy xích lô nè. Chở hàng chở đồ. Mà lúc này chạy vòng vòng không à, ế lắm. Lúc này te tua. Chạy qua ngày tối ngủ mái hiên. Đám từ thiện cho gì ăn nấy à.”
“Tết năm ngoái người ta cũng cho lai rai. Tối người ta đi bao lì xì hay ổ bánh chưng bánh tét bánh giò. Hay là cho mền cho mùng, quần áo mặc. Tết năm ngoái cũng đủ sống qua ngày. Mấy ngày Tết vui vẻ. Thấy người ta dắt con cái mình cũng tủi thân tại người ta có con cái có gia đình, có nhà có cửa, mình lại không có nhà có cửa…”
Gia đình người ta có tiền nong về thăm bố mẹ vui vẻ trong gia đình. Tụi anh giờ nhà đâu mà về nữa, tiền đâu mà về quê. Không có tiền để mua quần áo mà mặc nữa. Cũng nhờ mấy anh em đi tài trợ gom góp mấy quần áo xấu xấu lại cho. Anh chỉ biết cám ơn thôi.”
“Thôi đừng nhắc tới Tết, chán lắm. Nhắc mất công nhớ nữa.”
Nhưng một số trường hợp chúng tôi gặp, họ cũng còn người thân, nhưng lại không muốn nương tựa bởi con cháu cũng có hoàn cảnh khó khăn, nên không muốn làm gánh nặng cho con cháu. Đã nhiều năm ông không còn về quê, dù đó là ngày Tết:
“Không muốn gặp tại vì gặp mình không có kinh tế về cho con cháu thấy cũng tủi cũng tội lắm.”
Còn đó khá nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được sự giúp đỡ. Tuy nhiên các nhóm từ thiện trong cộng đồng chỉ có thể phụ họ phần nào; còn cách giải quyết cho đến nơi đến chốn hẳn phải do quyết tâm của chính quyền.

No comments:

Post a Comment