Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday 28 September 2018

VÕ ĐẠI TÔN * VÀI KỶ NIỆM VỀ TẾT TRONG TÙ HÀ NỘI


VÀI KỶ NIỆM VỀ TẾT TRONG TÙ HÀ NỘI

Trải qua 10 “cái gọi là Tết” trong lao tù Cộng sản Hà Nội, tôi còn nhớ rõ nhiều kỷ niệm, tất nhiên chỉ có nỗi buồn chứ không thấy bóng Xuân sang ngay trên quê hương mình. Thời gian đã trôi qua từ lâu nhưng mỗi lần Tết đến, dù là Tết lưu vong, cũng gợi lại trong lòng tôi nhiều ý tưởng xót xa ngậm ngùi về cảnh sống trầm luân của cả Dân Tộc dưới chế độ cộng sản.

 Đặc biệt là Tù nhân chính trị - từ hải ngoại xâm nhập về lại Quê hương để mưu đồ kháng chiến Phục Quốc, bị ghép tội là “đại phản động chống phá Cách mạng” - là nạn nhân bị đày đọa cực hình bằng mọi kỹ thuật bạo lực tàn khốc nhất, ít ai hiểu được hoàn cảnh sống trong đáy ngục trần gian này. Với thời gian bị giam cầm hơn 10 năm, tôi có nhiều kỷ niệm vẫn còn nhớ rõ, nhưng chỉ ghi lại một vài sự kiện xảy ra trong dịp Tết tù đày, hòa chung vào nỗi đau của quê hương hiện nay vẫn còn tiếp diễn.
Thèm một chút đường trước khi chết: - Tôi thường bị biệt giam, nhưng có một thời gian gần 3 năm, từ cuối năm 1984 đến Tết năm 1987, có một bạn tù chuyển đến sống bên cạnh xà lim số 7, có khi lại chuyển qua sống chung buồng giam với tôi, xà lim số 8, Khu D, trại tù B-14 (Thanh Liệt, ngoại ô Hà Nội), khi tù nhân nhiều quá không còn chỗ giam riêng. Ông ta già yếu, khoảng 72 tuổi, người gốc Long Xuyên, miền Nam. Du học tại Pháp thuở còn niên thiếu, đậu bằng Tiến Sĩ Công Pháp Quốc Tế tại Pháp, có vợ đầm, sống ở Pháp hơn 40 năm. Thời gian đầu, chúng tôi không dám tâm sự gì với nhau vì còn e ngại nhiều điều, nghi ngờ bị “cài ăng-ten”.


Nhưng dần dà, sống chung với nhau trong một xà lim chật hẹp, nói chuyện với nhau thường bằng tiếng Pháp, ban đêm rù rì tâm sự, biết rõ quá khứ của nhau, trở nên thân tình. Tên thật ông ta là Tô Cẩm Sơn. Hơn nữa, mỗi người chúng tôi tự biết mình cận kề cái chết, cho nên cũng chẳng còn lo sợ gì nữa, thường kể cho nhau nghe nhiều chuyện về quê hương, cuộc đời, gia đình, năm tháng lưu vong, đặc biệt về nước Pháp mà cá nhân tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Vì sống cô đơn trong lao tù, cho nên tôi coi ông ta như người anh cả.


Khi đã tin cậy nhau, ông ta mới cho tôi biết rõ là đã bị bắt giam oan ức tại nhiều trại tù khác nhau từ nhiều năm qua. Bộ Nội Vụ cộng sản dường như muốn bỏ quên ông ta, và không cho gia đình tại Pháp biết tin tức gì cả, chính phủ Pháp và tòa đại sứ Pháp tại Hà Nội cũng không biết tin. Coi như là biệt tăm. Trong tù, chúng tôi tự coi như là tù “tồn kho” hoặc R.X (rục xương). Sau 40 năm sống tại Pháp, ông ta xin về thăm Hà Nội vào khoảng tháng 3 năm 1975, trước ngày miền Nam bị mất độ một tháng. Đang đi dạo chơi ở bờ hồ Hoàn Kiếm (1975), chợt có xe công an đến hốt về giam, chuyển qua nhiều trại tù, rồi bây giờ (1984) thì về trại tù Thanh Liệt. Qua thời gian chung sống với nhau, ông ta cho tôi biết mấy chục năm trước ông ta có quen với Nguyễn Hữu Thọ ở Toulouse (Pháp), lúc Thọ còn học luật tại đây.


Sau này, lúc Thọ về lại Việt Nam, tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và dần dần leo lên chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước, chủ tịch Quốc Hội CSVN ở Hà Nội. Thọ có hai người con gái, một người lấy chồng Mỹ, và một người lấy chồng Pháp. Sự kiện gia đình riêng tư này, Thọ không muốn cho ai biết vì sợ các đối thủ phanh phui làm mất tính đảng (chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ mà lại gã con gái cho Pháp và Mỹ !).

Lúc ông Tô Cẩm Sơn về Hà Nội (1975) có đến thăm Nguyễn Hữu Thọ, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ và một người bà con làm y sĩ riêng cho Lê Duẩn. Sau những buổi gặp nhau và ăn cơm xã giao với mấy người này, ông ta bị bắt giam mà không cho biết tội trạng gì. Khi chúng tôi gặp nhau trong tù thì ông ta đã bị giam tại các nơi khác gần 9 năm rồi, không cho liên lạc với gia đình và chưa hề bị kết tội gì cả. Họ đặt cho ông ta một bí số là H-74 cũng như trường hợp của tôi là X-1. Ông ta tự suy nghĩ có lẽ mình là người biết quá nhiều về đời tư của các kẻ đang cầm quyền cho nên họ đã ra lệnh bắt giam để bịt miệng. Tiến sĩ Công Pháp Quốc Tế cũng phải chịu thua luật rừng!
Vào những tháng cuối năm 1987, ông Sơn bị bệnh nặng, thường ho ra máu, đồng thời ngày nào cũng ra máu tươi lúc đại tiện, đầy gần nửa bô nhựa. Ông ta đã báo cáo nhiều lần nhưng trại không có đủ thuốc men để cấp và cũng không cho đi bệnh viện. Vào dịp Tết, bệnh ông ta ngày càng nặng, tôi bàn với ông ta là sáng hôm sau đừng đổ bô vào thùng, cứ để đấy, tôi sẽ có cách. Sáng ra, lúc được mở cửa xà lim để chạy ra lấy cơm và đổ bô vào thùng vệ sinh lớn ngoài cửa, tôi giả vờ vô ý vấp chân làm đổ cái bô nhựa của ông ta, máu chảy ra đầy đường đi. Tên cán bộ quản giáo hoảng hốt nhảy tránh và la lên : “Gì đấy, máu đâu lắm thế ?”. Tôi thản nhiên nói : - “Báo cáo cán bộ, máu của ông bạn tù, bệnh nặng lắm”. 
Nhưng cũng chẳng được cấp thuốc men gì. Một đêm gần Tết, ông ta thức tôi dậy và phều phào nói không ra hơi : - “Người ta chỉ mong cho mình chết. Chú cố gắng sống. Anh chết là thoát nợ, chẳng biết nợ gì đây. Có lẽ là định mệnh. Chú có biết bây giờ anh thèm cái gì nhất không ?” - Tôi đau xót hỏi : - “Anh thèm gì ? Trong tù này thì mình thèm đủ thứ mà”. - Ông ta im lặng một lúc, có lẽ để thở rồi nói : - “Anh thèm ngọt quá. Phải chi có một muỗng đường để ngậm trong miệng trước khi chết thì sướng quá” ! (*Bản thân tôi suốt hơn 10 năm trong tù cũng không bao giờ có một muỗng đường). 
Tôi chợt thấy cuống họng mình khô nghẹn, rồi nước miếng bỗng trào ra đầy miệng. Tôi cũng đang thèm đường quá. Cơ thể thiếu chất ngọt từ lâu rồi, mỗi lần nghĩ đến đường là nước miếng chảy ra. Có nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình chết, xác trôi nổi bồng bềnh trên một dòng sông đầy nước đường ngọt quánh. Nước đường màu vàng óng ả dưới ánh trăng. Đường phèn, đường phổi, đường thốt nốt, mạch nha, cuồn cuộn chảy quanh xác tôi. Sáng hôm sau, ông bạn già của tôi bị chuyển đi khu khác. Tôi nghe nói ở buồng giam A-1 và đã qua đời. Bị tù hơn 12 năm, trên 72 tuổi, Tiến Sĩ Luật Khoa, không có án và khi chết trong tù, giây phút cuối chỉ mơ ước có được một muỗng đường để ngậm, nhưng làm sao có được ?!. 
Những tiếng cười vang, “được” tù chung thân: - Vào khoảng cuối tháng 10/1989 cho đến gần Tết, (tôi ở tù gần 9 năm rồi), có nhiều đêm tôi nghe có nhiều tiếng chân chạy và tiếng mở cửa sắt buồng giam khắp các khu trại. Tôi nghĩ chắc có nhiều “lính mới” ở đâu chuyển về. Nhiều ngày sau, người bạn tù “tự giác” (tù hình sự sắp mãn án) đi quét dọn vệ sinh, lén cho tôi biết có mấy chục người bị giải từ Lào về, toàn là kháng chiến quân hải ngoại. Tôi không biết thuộc tổ chức nào. Dãy khu D có giam mấy người, còn phần đông là giam ở khu A. Mấy ngày sau, lợi dụng đêm khuya lúc vắng bóng cán bộ an ninh tuần tra, tôi giả vờ tằng hắng và ho, cùng lén huýt sáo mật mã của tổ chức Phục Quốc anh em chúng tôi nhưng không có tiếng huýt sáo trả lời. 
Tôi lại lén hát vài câu bài Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa để làm mật hiệu bắt liên lạc xem sao. Có tiếng ai huýt sáo trả lời, cũng theo điệu nhạc Quốc Ca “Này công dân ơi…”. Một thời gian sau, chẳng biết vì sao anh em này, cùng khu xà lim của tôi, lại biết được tin tôi bị giam ở đây, có nhiều tiếng la lên vội vàng giữa đêm khuya rồi im bặt, vì sợ cán bộ bắt gặp, liên lụy cho nhau. - “Ông Thầy ơi, Papa ơi, biết rồi, biết rồi !”. Bây giờ nhớ viết lại tổng quát như vậy, bạn đọc có thễ nghĩ là dễ dàng thông tin, nhưng hoàn cảnh tù của chúng tôi - từ hải ngoại về bị bắt giam - đôi khi chỉ một vài chữ, vài tiếng lóng, một câu ngắn, muốn lén tin cho nhau cũng phải mất mấy đêm khuya lúc không có bọn cán bộ đi tuần tra. 

 Chúng tôi bị kết tội là “ngụy phản động từ nước ngoài về”, chứ không phải như anh em khác bị giam cầm trong các trại tù gọi là “học tập cải tạo” sau ngày 30.4.1975, còn được chút không khí sống tập thể, đi lao động, nói chuyện với nhau, được gia đình thăm nuôi tiếp tế, ngoại trừ những người thuộc “diện nguy hiểm” đã bị biệt giam.
Khoảng gần Tết, suốt ba ngày liên tiếp, lúc mờ sáng và lúc đêm khuya, tôi nghe có tiếng khóa cửa sắt các buồng giam và nhiều tiếng cán bộ quản giáo. Mấy hôm sau, tôi hỏi dò tên tù “tự giác” và được biết một số anh em ở khu D và khu A đã bị đưa ra tòa để kết án phản động. Một đêm, có lẽ vào khoảng gần sáng, có tiếng gà gáy ở xóm bên kia tường vọng lại, trại tù vắng lặng, tôi nghe có tiếng gọi nhau và nhiều tiếng cười vang. - “Ông Thầy ơi, bọn này sắp bị chuyển đi rồi. Được tù chung thân rồi !”. Lại tiếp thêm nhiều tiếng cười vang khác, rồi im bặt từ đấy.
Tôi không được biết thêm tin gì nữa kể từ hôm ấy. Nhưng, những giọng cười vang ngạo nghễ giữa đêm khuya vắng trong tù, mãi cho đến nay, vẫn thêm hành trang đấu tranh cho tôi mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn giữa chợ đời. Anh em đã tận hiến cuộc đời Phục Quốc và đã “được” tù chung thân rồi. Lòng tôi vừa hãnh diện vừa xót xa, có lẽ chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ mới cảm thông được nỗi niềm này.

Câm mẹ cái mồm lại, ngụy quân ngụy quyền! : - Năm đầu tiên bị giam tại trại tù Thanh Liệt - (1981), sau khi bị chuyển từ Paksé (Lào) về Hà Nội, thỉnh thoảng vào buổi chiều tôi nhìn qua khung cửa gió xà lim thấy có một bé gái thơ thẩn qua lại, chơi một mình. Trông bé thật dễ thương, có lẽ khoảng 4-5 tuổi, tôi đoán là con của cán bộ quản giáo nào đó trong trại tù. Tôi nhìn bé mà nhớ thương con tôi ở Úc, lúc tôi từ giã gia đình lên đường kháng chiến Phục Quốc thì cháu mới có 2 tuổi. Lòng tôi nao nao xúc động, biết bao giờ gặp lại gia đình ?. Có một hôm, cháu gái đến cạnh cửa buồng giam của tôi, nhìn tôi mỉm cười. Tôi vẫy tay chào cháu với tất cả lòng thương. 
Đột nhiên cháu hỏi : - “Ông có biết làm con cá bằng giấy không ?” - Tôi nghĩ là cháu muốn nói xếp giấy, nên trả lời có. Cháu lại mỉm cười rồi bỏ chạy đi. Một lúc sau, có một cán bộ đến mở cửa buồng giam, đưa cho tôi mấy tờ giấy báo, bảo tôi xếp giấy đồ chơi cho trẻ em, rồi ngồi đợi, không nói thêm gì nữa. Tôi xếp vội hình một con cá, một chiếc máy bay và một chiếc tàu thủy, lại nghĩ đến con tôi. Xong rồi, anh ta lấy đi, không nói một lời. Mấy hôm sau, tôi lại thấy cháu gái chạy chơi, trên tay cầm chiếc máy bay bằng giấy, tôi nhìn theo, xúc động. Từ đó, tôi không còn thấy cháu nữa. Khoảng 5 năm sau, tôi lại thấy cháu đi học về, lớn lắm rồi, có lẽ đã lên 10 tuổi. Tôi mừng quá, gọi cháu : - “Bé ơi, lâu lắm không gặp, lớn quá rồi !”. 
Cháu đứng lại, nhìn tôi, rồi bỏ đi không nói gì cả. Tôi ngậm ngùi nhìn theo. Rồi từ đấy lại không còn thấy cháu nữa. Đến Tết năm 1990, tôi ở tù gần 10 năm, một buổi chiều tôi lại vui mừng thấy một cô gái khoảng 15 tuổi đi qua buồng giam của tôi. Đấy là bé gái tôi gặp lần đầu lúc khoảng 5 tuổi, nhờ tôi xếp giấy con cá, bây giờ đã thành một thiếu nữ nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi mừng quá, quên mất kỷ luật trại tù, la to lên : - “Bé ơi, còn nhớ ông không ?” - Cô gái quay nhìn tôi rồi thản nhiên bước đến gần cửa gió buồng giam, trừng mắt nhìn tôi, nghiêm mặt nói : - “Ai là bé của anh ? Câm mẹ cái mồm lại, đồ ngụy quân ngụy quyền” - rồi bỏ đi. 
Tôi sửng sờ trước sự phủ phàng đó. Suốt đêm tôi thao thức, lại nghĩ đến thân phận tù đày, nghĩ đến chính sách giáo dục nhồi sọ của một chế độ chuyên dùng bạo lực và sự gian dối để cai trị con người. Từ một bé gái 5 tuổi ngây thơ mỉm cười gọi tôi bằng “ông” và nhờ xếp giấy làm con cá để chơi, đến 10 tuổi thì im lặng không nói với tôi một lời, lúc lên 15 tuổi thì gọi tôi là “anh” và mắng tôi là “Ngụy quân ngụy quyền, câm mồm lại”. Có lẽ cô gái này, cũng như toàn thế hệ trẻ dưới chế độ cộng sản, “đoàn thiếu nhi khăn quàng đỏ Hồ chí Minh”, cũng không hiểu nghĩa “Ngụy quân ngụy quyền” là gì, chỉ biết lặp lại như máy. Tôi nhớ lại bản trường ca tôi đã sáng tác, có những câu khi nằm thầm đọc lại trong xà lim tăm tối cô đơn mà lòng xót đau, nghĩ đến tương lai đen tối của cả Dân Tộc :

Tôi sẽ về

Để cho em trái tim không bằng thép.
Mà bằng máu Con Người.
Trái tim em sẽ biết nở nụ cười tươi.
Vì không nung bằng lò sản xuất.
Tôi sẽ đưa em ra khỏi công trường u uất.
Cho em làm Người, biết quý thịt xương,
Biết cười vui, biết cả Tình Thương.
Để em không còn làm Máy !!! …


Ta biết tình Em : - Sống trong đáy ngục trần gian với những trận đòn thù tra tấn, tù không có án, bặt tin vợ con, anh em, bạn bè, khung trời quê hương chỉ là bốn vách tường giam, mỗi ngày đêm tôi thường “thấy” qua những giấc mơ hình bóng gia đình thương yêu. Hình bóng chập chờn qua những dòng máu đen ngập chìm tâm hồn cô đơn. Dù cận kề cái chết, tôi vẫn cố tồn tại. Tự ôn ngoại ngữ, thuyết trình, viết hồi ký, làm thơ… qua trí nhớ vì không có giấy bút. Tôi tự luyện cho mình một kỷ luật sắt bản thân để thực hiện chương trình hoạt động trí óc mỗi ngày đêm để không đầu hàng, bỏ cuộc, trước mọi hoàn cảnh cay nghiệt nhất của một đời người. 
Gần đến Tết năm 1990 (tôi ở tù gần 10 năm rồi), một hôm có anh bạn tù trẻ được chuyển đến, gọi là sống tạm chung với tôi. Thông thường vào các dịp Tết, trại tù không đủ chỗ nhốt, phải cho sống chung mỗi buồng giam vài người, tạm thời vài tuần lễ. Đây là loại tù hình sự, án nhẹ vài năm về tội trộm cắp, buôn lậu, giang hồ. Anh bạn tù này còn trẻ, người Hải Phòng, nhà nghèo, can tội trộm xe gắn máy, bị kết án 3 năm, đã ở tù được hơn 2 năm rồi, sắp mãn án. Có vợ và một con trai nhỏ. Biết tôi là người miền Nam, ở “nước ngoài” về, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ hỏi thăm về chuyện chính trị, và về các hoạt động của tôi. Chỉ hỏi chuyện về đời sống tại miền Nam và ngoại quốc, và thường gọi tôi là “Bố”. Đặc biệt, anh ta rất thích đọc thơ, ban đêm thường đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ rất cảm động về cảnh sống ngoài đời, không biết tác giả là ai. 
Một đêm, anh ta nằm khóc, nói là nhớ vợ con vào dịp Tết, và hỏi tôi có biết làm thơ không ? Tôi cười và hỏi thêm về chuyện gia đình của anh ta. Sau vài tuần lễ chung sống, nhận thấy anh ta rất dễ thương và có vẻ kính trọng tôi, nói chuyện tâm tình rất lễ phép, khác lạ với những tên tù du đảng khác. Tôi nghĩ ngay trong đầu tựa đề một bài thơ, và từ hôm đó, mỗi đêm tôi làm được vài đoạn, nằm đọc cho anh ta nghe để học thuộc lòng. 
Tôi cũng muốn mượn tâm sự này để gửi về cho vợ con tôi qua không gian nỗi lòng của riêng mình từ lao tù. Tôi làm được đoạn nào là anh ta nằm học thuộc lòng, đọc đi đọc lại không sót một chữ một câu nào. Tôi cảm thấy vừa ngậm ngùi vừa vui trong hoàn cảnh đặc biệt này và thấy anh ta chăm chú học thơ như một đứa học trò ngoan. Bài thơ làm xong, anh ta nằm ngâm nga suốt đêm và hết lòng cám ơn tôi. Vài tuần lễ sau thì anh ta được chuyển ra ngoài để làm lao động “tự giác”, chờ ngày mãn án tù. Tôi không còn gặp lại nữa. Tôi còn nhớ rõ bài thơ này, xin ghi lại vào dịp Tết.

Ta Biết Tình Em.

Ta biết lòng em cũng xốn xang.
Khi nhìn thiên hạ đón Xuân sang.
Khi nghe pháo nổ bên hàng xóm.
Và thấy hoa mai nở sắc vàng.

Ta biết sầu đau đẫm mắt em.
Chờ con thơ ngủ, khóc từng đêm.
Thương ta trong cảnh đời lao lý.
Em khóc cho vơi bớt nỗi niềm.

Không tiền mua áo Tết cho con.
Chiếc áo ngày xưa, cưới vẫn còn,
Em đành cắt áo cho con mặc,
Từng mũi kim khâu, nát cả hồn.

Ta đi, nhà vắng lại nghèo thêm.
Nắng mưa tần tảo một mình em.
Bàn tay lao động ngày hai buổi.
Ai đón em về trong bóng đêm ?

Giờ đây Xuân đến giữa mùa Đông.
Ta biết em đau cả cõi lòng.
Em gượng cười vui qua nước mắt.
Và gắng nuôi con, cố đợi chồng.

Nhìn gói quà Xuân em gửi ta.
Ta biết tình em vẫn thiết tha.
Lòng ta chua xót tràn thương nhớ.
Lặng lẽ trong đêm mắt lệ nhòa.

Quà em : lao động thấm mồ hôi.
Nâng niu từng hạt muối vừng xôi.
Một đời chung thủy trong bao nhỏ.
Một trái tim yêu vẫn rạng ngời.

Giao Thừa đang đến, pháo nổ vang.
Trời khuya bừng động, rộn không gian.
Ngậm ngùi ta đứng bên song sắt,
Tường cao cũng chắn lối Xuân sang.

Ta biết lòng em cũng tái tê.
Con hỏi : Cha đâu chẳng thấy về ?
Thôi em, nín khóc, lau dòng lệ,
Em hãy vì ta, giấu não nề.

Ngày mai sum họp cảnh đoàn viên.
Ta về, nối lại mối tơ duyên.
Cùng em, ta đón mùa Xuân mới.
Cho thỏa tình xưa, vẹn ước nguyền.

Ta sẽ lùa tay qua tóc mây.
Thương em, hôn nhẹ cánh vai gầy.
Ta gửi tình ta qua ánh mắt.
Dù không men rượu cũng lòng say.

Xin em gắng đợi một ngày mai.
Ta về - vui sống với tương lai.
Tình ta thắm lại hai lần cưới.
Pháo nổ mừng Xuân, đón mộng dài !


Suốt thời gian dài sống trong lao tù Hà Nội, tôi còn nhiều “kỷ niệm” chẳng bao giờ quên. Trên đây chỉ là một vài chuyện tượng trưng vào dịp Tết. Với tâm nguyện hiến dâng của mỗi người, xin được đồng hành cùng Dân Tộc, nhất định chúng ta sẽ mừng đón Mùa Xuân Đống Đa trên Quê hương một ngày gần đây. Xin kính chúc Quý Độc Giả bình an.

Võ Đại Tôn
 Tết Đinh Dậu 2017 Hải Ngoại.

  

LÊ THỊ HOÀNG ANH * XẾP VÀO KỶ NIỆM



XẾP VÀO KỶ NIỆM
  LÊ THỊ HOÀNG ANH 

Thúy đang loay hoay xếp lại chồng sách báo ngổn ngang trên giường thì nàng nghe tiếng con trai gọi: 
- Mẹ ơi! Con làm bài toán đố này không được, Mẹ chỉ cho con đi Mẹ! - Ừ, chờ Mẹ một chút. Cầm quyển vở của con lên tay, chỉ đọc thoáng qua, Thúy không khỏi cau mày khó chịu khi thấy lối tuyên truyền rẻ tiền của các cấp lãnh đạo ngay cả trong việc giáo dục trẻ con: " Trong một trận đánh, ngày đầu quân ta anh hùng giết được 4 tên lính Ngụy. Ngày thứ hai, giết thêm được 8 tên. Ngày thứ ba, giết được 2 tên.
 Vậy ba ngày đánh giặc, chiến sĩ ta diệt được bao nhiêu tên lính Ngụy cả thảy?". Thúy thừ người suy nghĩ. Bé Kiệt thấy Mẹ im lặng quá lâu, nó tựa đầu vào bắp vế Mẹ, hỏi khẽ: - Bộ khó quá, Mẹ cũng không làm được hả mẹ? Thúy cười buồn vì nàng cũng không biết phải giải thích thế nào với con. Từ biến động Bẩy Lăm, chồng đã theo gia đình di tản,Thúy và hai con còn kẹt lại, lòng Thúy đã nhen nhúm ý nghĩ táo bạo là sẽ tìm đường để dẫn hai con vượt biên; giờ đây thêm một vấn đề con của mình với một trí óc non nớt đang bị đầu độc bởi những tư tưởng hèn hạ thế này thì chuyện lìa bỏ nơi đây chỉ là sớm muộn mà thôi! 
Nàng chỉ giúp con bằng cách bảo nó viết ngắn gọn:4 + 8 +2 = 14 và cố tình né đi chữ "Lính Ngụy" mà nàng biết chắc con mình khi nộp bài lên cho "giáo viên" chấm sẽ không đạt được điểm cao. Những đêm thức trắng, ngồi suy nghĩ đủ phương cách hầu kiếm ra tiền để thực hiện một cuộc vượt biên, cứ mỗi ngày nghe tên một người quen ra đi, có người thoát, có người bị bắt lại, có người thì chưa nghe tin gì cả, tức là coi như mất tích, Thúy như ngồi trên lửa. Phương cách nào để tìm cho ra tiền làm lộ phí, ngày càng đi vào ngõ cụt! Vào một đêm thanh vắng, Thúy đang vặn nho nhỏ chiếc radio cassette để lén nghe những lời ca ngọt ngào của những ca sĩ đã thoát ra nước ngoài mà chế độ mới có lệnh cấm. Tiếng gõ cửa nhè nhẹ khiến Thúy vội vàng tắt máy, nhét vội cái "đài" xuống gầm giường. Tiếng gõ cửa lớn hơn.

 Nàng lên tiếng: - Ai đó? - Tui đây! Mở cửa cho tui "dô" rồi nói "chiện"! - Nhưng bà là ai? - Tui là A Múi! - A Múi là ai, tui đâu có quen! - Chời ơi! Mở cửa đi mà! Có tin dui! Thúy yên tâm, mở hé cửa ra nhìn. Một bà xẩm không xấu, không đẹp, mặc chiếc áo hoa nhỏ li ti với quần tây mầu nâu, bà nhìn Thúy một lúc lâu rồi hỏi: - Cô có phải là Lê Thị Thúy không? - Dạ, đúng! Mời bà vào nhà. Có gì không bà? - Có phải cô có hai thằng "con chai"?

Thúy nghi ngờ: - Có gì nói lẹ lên, hỏi như điều tra, nghe ghê quá! - Mà có đúng hông đã? - Thì đúng! - Ờ, cô có người "dà" đưa "dàng" cho cô đây nè! À, mà cô cho tôi coi thẻ chứng minh nhân dân đi! Thúy lặng người, bán tín, bán nghi, chỉ sợ đây là một cái bẫy. Nàng dè dặt: - Thẻ chứng minh của tôi làm rồi mà công an phường chưa phát, chỉ có giấy tạm đây thôi. - Ờ thì giấy đó cũng được. Đưa cho tui coi có đúng tên thì tui mới giao "dàng" chớ! 

Thúy vẫn cố gắng kiên nhẫn, mặc dù lòng đã tin tưởng không bị lừa gạt đến bảy tám chục phần trăm. - Không! Tôi không nhận đâu! vì tôi đâu có biết ai gửi cho tôi? - Chời ơi! "dàng" mà chê! Nè, ông Đỗ ở Mỹ, chịu chưa hả bà? Giọng của bà ta thay đổi tiếng Bà thay cho tiếng Cô, Thúy nghe và biết bà ta đang giận. Thúy hồi hộp vào trong tủ lấy tờ giấy hộ thân đưa cho bà ta xem. Nàng không quên đưa ta chỉ hai đứa con đang nằm ngủ say trên giường như ngầm cho biết về gia đình của mình. - Đó! Hai thằng con của tôi! Bà xẩm rút trong cái bao vải lớn ra một bao vải nhỏ, cầm săm soi kỹ rồi mới giao cho Thúy: - Nè, đếm cho đủ đi, mười tám cây tất cả!

Thúy run run đón nhận, đặt xuống bàn, đổ ra, hất từng lượng vàng để đếm. Bà xẩm lên tiếng: - Mở "da" coi cho kỹ đi, tui đưa toàn "dàng" tốt không đó! Thúy lặng người một lúc mới đếm hết, nàng không dám tin đây là sự thật. Bà đưa cho Thúy quyển sổ và bảo Thúy: - Ký "dận" vô đây đi! - Viết gì bây giờ hả Dì? - Thì ký tên nói mình "dận" đủ mười tám cây! Thúy răm rắp làm theo. Bà ta thấy xong công việc bèn cáo từ, lúc đó Thúy mới hoảng hốt: - Mời Dì uống miếng nước rồi đi! Bà ta lắc đầu từ giã, vội vàng bước đi khiến Thúy áy náy vì sự nghi ngờ lúc ban đầu của mình.


 Áp bao vàng vào lòng. Thúy nghe mắt cay cay, nàng muốn đánh thức hai con dậy để nói cho chúng nghe là ba còn thương nghĩ đến ba mẹ con mình. Nàng thì thầm với chồng ở nơi xa xôi mịt mùng nào đó:" Bất chấp sống hay chết giữa biển khơi, em nhất định sẽ tìm anh! Đợi em! Chờ em, nghe anh!" Cuối tháng ba 1979, Thúy theo lời chỉ điểm của một người bạn thân nàng móc mối được với một chuyến đi và tin chắc sẽ tới bến một cách an toàn - Đó là con đường Ra Đi Bán Chính Thức do nhà nước tổ chức. Ngày hẹn giao nộp vàng, người anh trai của Thúy đã đi thế, anh ngụy trang trong lon nhôm Guigoz đựng cơm và để vài miếng cá kho nằm trên mặt cơm.
Trong lòng Thúy lúc nào cũng run sợ, có thể nàng chỉ cần một người nào đó thét lên một câu "Có gì khai thật đi" là nàng sẽ phun ra tất cả không thiếu một chi tiết nào, nhưng lúc nào nàng cũng im lặng, không nói không cười với ai và cũng không dám bước ra khỏi nhà. Đêm cuối, nàng và hai con tá túc trong nhà người anh để sáng hôm sau ra đi cho được an toàn. Lòng Thúy buồn rười rượi, nàng cứ cầm tay cha già áp lên má mình mà nước mắt tuôn ra, không nói được một lời từ giã vì anh nàng đã dặn:" Ba già rồi, cho ba biết rủi ba lẩm cẩm nói lại với chòm xóm là chết cả lũ đó!" Ba mẹ con ôm nhau ngủ đêm cuối cùng trên đất Sài Gòn, nhưng Thúy không tài nào chợp mắt được.
Hai mắt nàng cứ mở thao láo. Thấp thoáng bóng ông anh đứng lấp ló nhìn vào, Thúy nhoẻn miệng cười để anh không ngượng vì Thúy thấy mắt anh long lanh. Thúy tự dặn lòng: "Đến mỹ, bất cứ giá nào em cũng tìm cách cho anh thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng này ". Ba năm anh đi "cải tạo" về, anh đã đi mòn không biết bao nhiêu đôi dép vẫn không tìm được việc làm bởi lý lịch Sĩ Quan Chế Độ Cũ! Tập trung tại một ngoi chùa Tàu tại Bạc Liêu, đêm đầu tiên Thúy vô cùng vui sướng và tưởng chừng mình chỉ còn gang tấc thôi là đến Mỹ vì đây cũng là nơi tập trung của đám người Hoa cùng cảnh ngộ: Muốn ra khỏi Việt Nam để có một cuộc sống khác ở nước ngoài.
Thúy nghĩ chỉ tới khuya là sẽ được gọi lên xe, ra tầu vì tiền vàng đã đóng cho "chính phủ", ba mẹ con nàng mười sáu lượng. Có sự bao che của nhà nước thì cầm chắc cái thắng trong tay! Thế mà... Đã bốn tuần trôi qua, tiền cầm theo đi đường của ba mẹ con đã gần cạn. Hai hôm nay, hai con còn được ăn cơm để cầm hơi, còn Thúy thì ăn bánh mì không xịt xì dầu, ăn để cốt cầm hơi. Đêm ấy, vừa thiu thiu ngủ thì tiếng la hét ầm ầm cách mùng của ba mẹ con chừng một chiếc chiếu. Đèn bật lên.
Một bà xẩm tay túm một thanh niên, tay còn lại đập lia lịa thật mạnh vào mặt cậu ta bà la bài bài: - Ngộ lang ngủ mà mày dám mò ngộ hả? Một tay bị nắm quá chặt, tay kia xá lia lịa, chàng thanh niên nói: - Cháu không phải mò bác đâu! Cháu hết tiền rồi định ăn cắp của bác để ăn chờ ngày đi thôi. Chờ tầu lâu quá cháu hết tiền rồi! Nghe câu giải thích rõ ràng của cậu ta, bà xẩm dịu bớt, xô hắn ngã sấp xuống nền gạch và bà la lên: - Cái lồ chó lẻ!
Lụng tới tao lần nữa, tao quýnh bỏ mẹ mày! Tiếng cười xen lẫn tiếng thở dài của mọi người khi vở kịch kết thúc; nhìn mặt mũi chàng thanh niên sưng vù lên, Thúy bặm môi quay đi hướng khác không bật cười nổi. Nàng chạnh nghĩ đến mình mai mốt đây, trong tình trạng này, sẽ biết xoay sở làm sao?
Căn phòng này, mỗi ngày bao nhiêu tấn kịch vui buồn diễn ra một cách bất đắc dĩ. Đã có lần chủ tầu cho biết là được công an báo tin rằng vì quốc tế lên án chế độ " nhà nước " phải tạm ngưng, chờ lệnh mới sẽ cho đi ngay. Ai cũng hy vọng có tin ra đi đến một cách bất ngờ, nên không người nào dám rời khỏi ngôi chùa, chỉ ra tiệm mua vài món đồ dùng lặt vặt rồi lại về ngay điểm tập chung! Hôm sau, mặt cậu thanh niên sưng mọng lên, cậu vừa mượn được ít tiền của bà sư cô người Hoa để làm lộ phí về lại Sài Gòn xin thêm tiền mẹ già ăn chờ ngày đi. Có lẽ ni cô cũng biết chắc chắn tiền tầu chàng ta đóng đủ rồi thì thế nào cũng phải quay trở lại nên mới yên chí mà cho mượn.

Nhưng định mệnh thật trớ trêu! Ngay đêm ấy đoàn người đi cùng chuyến với mẹ con Thúy có lệnh rời chỗ đến chỗ mới sẵn sàng lên "con cá lớn ". Tất cả đều vui mừng nhưng không khỏi xót xa cho cậu thanh niên bất hạnh ấy... Ba ngày vật lộn với tử thần vì biển động bất ngờ, mọi người chen chúc ngồi trong tầu, vừa đói, vừa khát...
Những cơn sóng dữ...đập vào hông tầu khiến tầu bị nứt một đường nhỏ, nước từ từ chảy vào khiến cả tàu náo loạn. Nhiều người thay phiên nhau múc nước chuyền lên boong tàu đổ nước ra ngoài trong lúc tiếng cầu kinh vang lên rì rầm trong hầm tầu nhỏ bé, chật chội. Cuối cùng thì tầu của Thúy cũng may mắn gặp được tầu của Mã Lai vớt và cho vào bờ, một hòn đảo nhỏ vô danh. Đêm đầu tiên kinh hoàng với những lính Mã Lai về việc chúng lục lọi tìm vàng và...tìm gái.
Đêm thứ hai, cả hoang đảo chìm đắm trong im lặng nặng nề đến nghẹt cả thở khi những tiếng bước chân của lính Mã nghe xào xạo trong đêm. Bỗng một tiếng thét vang dội cả khu vực. Thì ra một cậu bé bị bò cạp...kẹp! Những ngày đói khát, những đêm hãi hùng khiến ai cũng lơ láo như là bị đói khát lâu năm. Ngày nóng như thiêu đốt, đêm thì lạnh buốt xương. Cuối cùng...một dịp tình cờ vì có người đói người đói quá. Trèo lêm trộm dừa, gặp lúc máy bay Hồng Thập Tự bay ngang qua, ông ta đánh liều vẫy tay cầu cứu. Thế là người trên máy bay phát giác ra được tầu vượt biển của Thúy bị đám lính Mã Lai giam lỏng để làm tình làm tội.
Chiều đó, một chiếc tầu của Hồng Thập Tự đến đảo, thương lượng với đám lính Mã chúng mới chịu cho đoàn người khốn khổ rời đảo để vào đảo khác: đảo Pulau Bidong! Đến đây rồi, mọt người lại trực diện với những kinh hoàng mới: Không có tiền để dựng lều thì không thể nào có chỗ trú mưa, tránh nắng. Ba mẹ con núp tạm dưới mái hiên của Trạm Y Tế, nhìn vào những căn lều có giường, ghế đóng bằng gỗ thô sơ mà thèm thuồng một chỗ đặt lưng! Ngày cũng như đêm, đi đâu, Thúy cũng đều ôm kè kè cái bao đựng quần áo của ba mẹ con, đó là gia tài duy nhất của mẹ con Thúy! Đứa con trai lớn đột ngột hỏi mẹ: - Mẹ nói tới đây gặp ba mà sao con chẳng thấy ba? Thúy im lặng vì nàng cũng đang lo âu không biết phải tìm chồng bằng cách nào?
Vì lúc Thúy còn ở Việt Nam thì chồng nàng còn có địa chỉ nàng để nhờ người đem "quà" đến, Thúy chỉ biết mù mờ rằng chồng "ở Mỹ", không rõ ở đâu trên nước Mỹ. Nhìn con thơ cứ ngước mặt lên chờ câu trả lời, Thúy đành phải trả lời bừa đi cho xong: - Thì phải vài ba bữa nữa người ta mới cho mẹ con mình gặp ba chứ con! Đứa con của Thúy đưa tay lên gãi đầu và càu nhàu: - Sao ai cũng có nhà mà mình không có nhà hả mẹ? Con không muốn ở đây, nắng quá hà! Nhìn tấm lưng trần đen đủi của hai đứa con ốm tong ốm teo, Thúy cố nén xúc động, bảo: - Các con mặc áo vào để che nắng thì bớt nóng! Danh sách tầu của Thúy đã được Cao Ủy Tị Nạn chấp thuận. Lần đầu tiên cả tầu được phát lương thực. Thúy vui thật sự khi nghe hai đứa con nói với nhau: - Bữa nay mẹ nói mình được ăn no!
 Đứng dưới cái nắng gay gắt của Mã Lai, hơi nước biển tỏa lên không đủ cho mọi người một chút mát mẻ nào, thêm chứng kiến chứng kiến chuyện một thanh niên lớn tuổi cứ trần truồng ngớ ngẩn đi lang thang, nhiều lần cảnh sát Mã Lai túm lại lôi vô lều mặc quần áo cho, vài giờ sau người vẫn y như cũ! Hỏi thăm mới biết anh ta vượt biển cùng gia đình, khi tàu ra khơi bị ngu phủ Thái Lan giở trò hải tặc xáp vào tàu anh và đàn bà, con gái trên tàu hầu như không thoát khỏi bàn tay hung bạo của chúng. Trong số đó có vợ anh, có em gái anh!

Anh đã chống lại và anh bị chúng ôm ném mạnh vào khoang tầu va đầu quá mạnh nên bây giờ ra nông nỗi thế! Vợ anh, em gái anh bị bọn hải tặc hành hạ xong ném xuống biển cùng với trẻ con, trong đó có đứa con nhỏ của vợ chồng anh. Không phải chỉ có hai người đàn bà xấu số, còn nhiều nữa! Người thanh niên này khi được cứu vớt (cùng với những người khác) thì trở nên...vô hồn, khi thì nhớ, nhớ mang máng, khi thì quên, lắc đầu lia lịa và nước mắt ngập mặt! Anh ta có lúc thấy thật hiền, có lúc tự dưng hung dữ, la hét om xòm!
Anh điên rồi! Anh thật sự là một người điên! Cũng may cho anh, anh không biết mình cô đơn! Anh không biết mình đang ở trên đất lạ, anh vẫn tưởng mình còn ở trong trại Cải Tạo, nhiều lúc anh gào tên "Bác Hồ" và hát bài quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao " Thề phanh thây xác quân thù..." Qua tuần lễ sau, cũng trong lúc chờ đợi để lãnh phần rau tươi, Thúy thấy hai thanh niên gầy gò đang dìu một cô bé đến trạm Y Tế với nét mặt đau đớn. 
Nàng tò mò hỏi han thì biết cô bé ấy mười ba tuổi, trên đường vượt biển bị đám hải tặc Thái Lan gồm năm tên thay phiên nhau hãm hiếp. Vì cô còn quá nhỏ, từ tuổi tác đến vóc dáng nên chúng đã dùng dao xẻ ra cho rộng hỏng thỏa mãn thú tính. Thúy chỉ biết im lặng dõi mắt nhìn theo từng bước chân của những người đồng bào mình mà lòng còn hơn bị ai xé rời ra từng mảnh! Một buổi sáng, Thúy đang dùng sức để kéo hai đứa con lên con dốc để đến nhà một người quen hứa cho Thúy một ít sữa bột bồi dưỡng cho hai con.
 Bỗng một trong hai thằng bé hét toáng lên. Thúy hoảng hốt bế thốc nó đến trạm Y Tế. Thằng nhỏ út thì không biết chuyện gì, thấy mẹ bế thằng anh thì cứ cắm đầu chạy theo mẹ, vừa vấp vừa khóc, rồi lại lật bật ngồi dậy, đứng lên lảo đảo chạy theo như cái bóng...đến trạm Y Tế. Bác sĩ khám, mới biết: bệnh thòng ruột của nó bị tái phát.
Đợi tin chồng từ hy vọng đến tuyệt vọng, Thúy mệt mỏi với bao nhiêu áp lực đè nặng. Thúy đã gửi đi ba mươi lá thư nhờ người mang đi khi họ rời đảo với địa chỉ ghi ở Pháp trên họ của người em chồng (cô ta có chồng là người Ấn Độ). Bức thư thứ ba mươi ba, câu cuối cùng, Thúy nhớ hoài nàng đã viết trong đau đớn: " Nếu anh đã có gia đình cũng xin cho em biết để em định liệu đời em và hai con - Thúy." Bức thư này Thúy nhờ hội Hồng Thập Tự chuyển hộ với địa chỉ KBC 3750 dưới họ tên cấp bậc của chồng chớ không với cái địa chỉ tại Pháp. Lá thư viết trên giấy bạc của một gói thuốc lá Thúy nhặt được trên bờ biển Bidong.
 Thư đi, gặp lúc phái đoàn Úc dến nhận thêm một số người di dân gọi là "Hốt Rác" ( tiếng lóng có nghĩa là ai -không -có - thân - nhân, hai chữ hốt rác từng lọt vào tai phái đoàn Mỹ, họ đã giải thích nghe rất cảm động:" Chúng tôi làm việc nhân đạo và các anh chị không phải là rác rến! ). Các phái đoàn không biết có cảm thông trước tình trạng số người vượt biển phải ở trại ngày càng đông, ngày càng lâu, tự họ đã cảm thấy mình chẳng khác nào đồ bỏ rồi! Thúy nản lòng lắm, nàng xin đi Úc và được phái đoàn Úc gọi lên phỏng vấn.
 Chỉ hôm sau là có người tới đón số người nhập cư Úc. Thúy không còn tin tưởng ở số may của mình nữa (nàng có đi coi bói ở Việt Nam, bà thầy bói nói Thúy có số may, chao ôi!). Điều duy nhất lúc này nằm trong đầu Thúy là làm sao cho hai con lên được một lục địa văn minh, vào một bệnh viện xin chữa bệnh thòng ruột cho thằng con lớn. Hai đứa con của nàng ngày một héo hắt, tiều tụy, trông thương quá là thương.
Nhưng cái thư viết trên tờ giấy thuốc lá thế mà may mắn! Hội Hồng Thập Tự đã làm phóng ảnh nó và gửi đi các hội thiện nguyện nhờ tìm hỏi giùm người sĩ quan có họ tên đó, từng ở KBC đó và trời ơi...chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thì ba mẹ con Thúy lên tàu đi Úc, loa phóng thanh vang dội tên nàng gọi lên văn phòng trại nhận một điện tín khẩn! Thúy đâm đầu chạy lên phòng thông tin! Nàng run rẩy đón nhận tờ điện tín, mở ra đọc liền: " Em vẫn là dâu nhà họ Đỗ. Anh luôn yêu và chờ em cùng hai con. Anh sẽ làm thủ tục bảo lãnh gấp ". 
Nàng lao đầu chạy thẳng vào chỗ phái đoàn Mỹ và Úc, may mắn gặp một người Mỹ biết nói tiếng Việt, người đó chận Thúy lại, hỏi: "Bà cần gì? ". Thúy chìa tờ điện tín và nàng nói, nói thật nhiều, bao nhiêu uẩn khúc trong lòng nàng tuôn ra hết, không cần biết người trong phái đoàn Mỹ có hiểu hay không... Không lâu sau đó, ba mẹ con Thúy đoàn tụ với chồng, với gia đình chồng thì đúng hơn. Tới Mỹ, Thúy vỡ lẽ ra là người em bà con bên chồng nàng không ở Pháp nữa, lâu rồi, cả gia đình dọn qua Mỹ trước khi thư nàng từ đảo tị nạn gửi đi. Ba mươi hai bức thư không được phát hoàn, cũng đúng thôi vì phương tiện ở đảo thủa ấy thật khó khăn. Đi về phía mặt trời mọc, nhiều khi Thúy bồi hồi nhớ lại câu của người tài công chiếc tàu vượt biển đã nói: " Cứ nhắm hướng mặt trời mọc mà đi tới, tới đâu cũng được, càng xa Việt Nam Xã Hội Chủ NGhĩa càng tốt ".
Chiếc tầu của Thúy tắp vào Mã Lai có lẽ vì xuôi dòng nước và con sóng. Từ năm 1979 đến nay, 2002, Thúy nhớ lại, giật mình, tưởng mình vừa tỉnh một cơn mơ... Chuyến đi của Thúy có gian nan thật đó, nhưng cũng nhiều may mắm là đã tới bến bờ, trong khi bao chuyến khác, cái may thật ít, cái rủi thì nhiều. Mấy câu thơ của ai làm ra trong thời dân mình bỏ nước, đơn sơ, mộc mạc mà thâm thúy lạ lùng:" Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con! " Ai cũng hiểu rằng nếu đến vùng đất tự do an lành thì con sẽ giử tiền về để đền ơn công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ, nếu chẳng may gặp phong ba bão táp giữa biển khơi thì xác con làm mồi cho cá.
 Là nếu bất hạnh hơn cả cái chết là bị công an biên phòng bắt được thì..."Má ơi! Con đang bị tù tội đây, má hãy bán....bán máu để nuôi con!" Những cuộc hành trình trên biển Đông là một niềm đau của dân tộc Việt. Hầu như ai cũng muốn quên đi để sống, hôm nay có người khơi lại, Thúy nghe nhức nhối như muôn vàn mũi kim châm vào tim, và Thúy viết - một lần sau cuối rồi vĩnh viễn....và vĩnh viễn nàng xếp vào kỷ niệm. ::: Lê Thị Hoàng Anh:::




PHẠM VŨ * CHUYỆN TÌNH THƠ MỘNG: LƯU TRỌNG LƯ & PHÙNG THỊ CÚC

 

PHẠM VŨ 

 CHUYỆN TÌNH THƠ MỘNG: LƯU TRỌNG LƯ & PHÙNG THỊ CÚC

Nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh của Lưu Trọng Lư
Chúng ta tìm hiểu về Tiểu sử và Mối tình nên thơ của ông:

Lưu Trọng Lư là tên thật, sinh ngày 19 tháng 6 năm 1912 tại Cao La Hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình quan lại xuất thân nho học.
Học trường Quốc Học Huế đến năm thứ ba thì bỏ ra Hà Nội học tư, rồi bỏ đi làm thơ, làm báo, viết văn. 

Chủ trương Ngân Sơn Tùng Thư tại Huế năm 1933-1934. Sau 1954, ông làm vụ trưởng Vụ Sân Khấu Bộ Văn Hóa, và là Tổng thư ký Hội Nghệ Sĩ Sân Khấu Việt Nam.
Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Tiếng Thu (1939), Người Con Gái Sông Gianh (1966), Từ Đất Này (1971), Hồng Gấm. Tuổi Hai Mươi (kịch thơ, 1973). 

Mặc dù Lưu là một trong những người cổ động cho Thơ Mới ồn ào nhất, đọc thơ ông, người ta vẫn có cảm tưởng nó chẳng mới bao nhiêu. Thơ Lưu Trọng Lư vẫn là một khúc đàn xưa, giàu tình cảm lẫn nhạc điệu với những rung động chân tình, dễ gây ấn tượng trong người đọc.
Nhận xét của Hoài Thanh - Hoài Chân: "... thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta".


Chuyện tình thơ mộng giữa thi sĩ Lưu Trọng Lư với nữ sinh Phùng Thị Cúc
Trong Thi nhân Việt Nam (của Hoài Thanh, Hoài Chân), Lưu Trọng Lư được đánh giá cao với những bài thơ nổi tiếng như: Nắng mới, Tiếng thu, Thơ sầu rụng, Một mùa đông, Giang hồ, Còn chi nữa, Thú đau thương, Chiều cổ… Bài thơ “Một Mùa Đông” kể lại một câu chuyện tình thơ mộng nhưng dang dở của thi sĩ với cô gái xinh đẹp Phùng Thị Cúc.

- Phùng Thị Cúc sinh ngày 18/8/1920 tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, ven đô Huế, quê nội ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Bà là con ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm tham công chỉ huy việc xây lăng Khải Định. Mồ côi mẹ từ lúc 3 tuổi, bà theo cha sống ở Tây Nguyên. 6 tuổi đã theo cha sống khắp các tỉnh vùng cao nguyên trung phần ròng rã 9 năm, rồi mới về Huế học Trường Đồng Khánh.

Năm 1946, bà tốt nghiệp nha khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Toàn quốc kháng chiến, bà ra vùng tự do phục vụ cho cách mạng. Vì một cơn bạo bệnh,
 
  
 
 Phùng Thị Cúc được đưa sang Pháp điều trị. Tại Pháp sau khi khỏi bệnh, Phùng Thị Cúc tiếp tục theo học và tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Sau đó Phùng Thị Cúc đã kết hôn với bác sĩ Bửu Điềm. Tên Điềm Phùng Thị ra đời từ đó. Mãi đến năm 30 tuổi, bà mới đến với nghệ thuật điêu khắc. Vào năm 46 tuổi, bà có cuộc triển lãm đầu tiên và được công chúng Pháp chào đón nồng hậu. 36 tác phẩm điêu khắc của bà được đặt khắp lãnh thổ nước Pháp. Tên tuổi của Điềm Phùng Thị đã nổi danh khắp châu Âu. Những năm cuối đời bà quay về sống ở quê hương và đã mất ở Huế năm 2002.

Trở lại với thời điểm và nguyên cớ ra đời của bài thơ Một mùa đông.
Khi đó Cúc mới là một cô nữ sinh, từ Huế ra Hà Nội học Trường Thăng Long. Trên chuyến tàu tốc hành Huế – Hà Nội, cô được người chị là bạn của Lưu Trọng Lư gửi gắm nhà thơ trông nom giùm em gái, với lời dặn thân tình “Dọc đường giúp em một chút”.

Cúc là một cô gái Huế sang trọng, đài các, hoa khôi của Trường Đồng Khánh. Gương mặt kiều diễm với đôi mắt đẹp mang nét buồn vời vợi cùng nụ cười thiên thần có má lúm đồng tiền đã hút hồn nhà thơ đa tình của chúng ta ngay từ phút đầu gặp gỡ. Suốt chặng đường dài hai người cũng chẳng có chuyện gì nhiều để nói với nhau. Cúc im lặng ngắm cảnh dọc đường. Và nhà thơ thì lẳng lặng nhìn ngắm giai nhân.

Khi tàu về đến ga Hà Nội, nhìn thấy trên gương mặt người đẹp thoáng chút lo lắng, vì đây là lần đầu tiên cô tới Thủ đô, nhà thơ đã hỏi địa chỉ và tình nguyện đưa cô đến tận nơi. Thi sĩ đã thực hiện đúng lời bạn dặn dò và chắc hẳn đó cũng là “mệnh lệnh của trái tim” chàng.
Tìm đến đúng địa chỉ, Lưu Trọng Lư đưa Cúc lên tận căn gác nhỏ, nơi có căn phòng của những người bạn, người chị của cô đang ở. Chào hỏi, dặn dò rồi bịn rịn chia tay.
 
 Khi vừa xuống gác, ra đến đường thì tình cờ Lưu Trọng Lư gặp thi sĩ Phạm Hầu – người bạn nhỏ của nhà thơ khi đó đang học Cao Đẳng Mỹ thuật ở Hà Nội. Phạm Hầu mời Lư vào nhà chơi. Khi lên gác, bước vào một căn phòng, mở cửa sổ ra, nhà thơ giật mình khi nhìn thấy người bạn đường xinh đẹp mà mình vừa chia tay ít phút trước đây đang ở ngay bên khung cửa sổ của căn phòng đối diện. 
 
Vậy là không một chút đắn đo, Lư quay sang nói ngay với bạn: “Mình ở luôn đây với cậu được không?”. Phạm Hầu nhiệt tình vui vẻ đồng ý ngay. Lưu Trọng Lư vui sướng ngây ngất. Nhà thơ chỉ còn biết cảm ơn trời đất đã run rủi cho mình được gặp mối duyên may mắn kỳ lạ này. Suốt mùa đông năm đó, giữa cái giá lạnh của tiết trời Hà Nội nhà thơ đã được sống trong sự ấm áp dịu nhẹ của một mối tình sáng trong, thơ mộng.

Ở căn phòng bên này cô gái cũng không thể vô tình. Bởi ngay lần đầu tiên, khi nhà thơ nhìn qua cửa sổ đã bắt gặp đôi mắt Cúc mở to, sững sờ nhìn người anh “dẫn đường” rồi sau đó bối rối mỉm cười rời khỏi khung cửa. Sau này, thật lạ lùng mỗi khi nhà thơ bất thần mở cửa sổ lại nhìn thấy Cúc: khi thì đang ngồi đọc sách ôn bài, khi thì đang cắm một lọ hoa. 
 
Cũng có khi Cúc chẳng làm gì, ngồi suy tư mơ mộng. Cũng có khi nghe một tiếng ho nhẹ, nhà thơ mở hé cửa nhìn sang lại bắt gặp nụ cười bối rối, e thẹn của người đẹp. Cũng có lần khi mở cửa sổ, nàng không hề ngước lên nhìn, cho đến lúc cánh cửa như tự nó khép lại. Lại có lần không biết vì chuyện gì, Cúc ném sang bên này một cái nhìn hờn giận, trách móc khiến nhà thơ ngơ ngẩn suốt một buổi chiều.

Bài thơ lấy cảm hứng từ mối tình Lưu Trọng Lư - Phùng Thị Cúc
Mọi việc dường như chẳng có gì khác lạ: Cửa sổ mở rồi lại đóng, đóng rồi lại mở. Thế nhưng sự trông đợi nhớ nhung đã thấm vào gan ruột từng ngày từng ngày một. Làm sao có thể nhớ hết được biết bao lần Cúc đã vào trong giấc mơ của thi sĩ đa tình, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ Một mùa đông ra đời. Bài thơ gồm 4 đoạn kể lại một “love story” trong mộng ảo mà thấm đẫm những nỗi đau có thật.
 
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.


Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.


Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.


Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa.


Đây là dải Ngân Hà,
Anh là chim Ô thước
Sẽ bắc cầu nguyện ước
Một đêm một lần qua.
Để mặc anh đau khổ,


Ái ân giờ tận số,
Khép chặt đôi cánh song!
Khép cả một tấm lòng!
 
Nhà thơ đã lí giải thật tài tình tâm trạng và nỗi lòng của mình. Có lẽ đây là đoạn thơ có những câu thơ ấn tượng hơn cả:

…Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời,
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.


Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau khổ?
Ai bảo em ngồi bên cửa sổ
Cho vướng víu nợ thi nhân?
Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm xuân?
Cho tình tràn trước ngõ?
Cho mộng tràn gối chăn?

Thật thú vị khi được biết rằng trong bài thơ lãng mạn này lại chứa đựng những câu chuyện hoàn toàn có thực. Nhà thơ Lưu Trọng Lư kể rằng, sau một thời gian sống cạnh nhau, tình cảm của hai người cũng có “bước phát triển” mới. Theo sự sắp đặt của những người bạn, có lần hai người đã đi chơi chùa Thầy cùng với một nhóm bạn. 
 
Sau một hồi leo núi, nhìn chung quanh chẳng thấy ai, chàng và nàng ngượng ngập đi bên nhau. Đến trưa cả nhóm mới trở lại sân chùa cùng ăn trưa. Bữa trưa có gà quay và rượu vang Pháp. Bắt chước mọi người, Cúc cũng uống vài li rượu nho. Đôi má ửng hồng và cặp môi nhuốm màu nho chín, rơi trên trán vài lọn tóc đen nhánh… 
 
Tất cả đã tạo thành một hình tượng nghệ thuật có sức ám ảnh lớn:
… Ngày hôm tiễn biệt buồn say đắm
Em vẫn đùa nô uống rượu say.
Em có biết đâu đời vắng lạnh,
Lạnh buồn như ngọn gió heo may.


Môi em đượm sặc mùi nho tươi,
Đôi má em hồng chúm nụ cười,
Đôi mắt em say màu sáng lạn,
Trán em để lỏng làn tóc rơi.


Tuy môi em uống, lòng anh say,
Lời em càng nói càng chua cay
Anh muốn van em đừng nói nữa,
Lệ buồn sẽ nhỏ trong đêm nay.


Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.


Hãy như chiếc sao băng băng mãi
Để lòng buồn, buồn mãi không thôi.

Câu chuyện tình thơ mộng đã không dẫn đến một kết thúc có hậu. Họ mãi mãi là một đôi tình thân giữa một nghìn trùng xa cách. Đến năm 1975 họ mới có dịp gặp lại nhau. Cúc từ Pari về Hà Nội. Người em gái bé bỏng ngây thơ hôm nào đã là bà Điềm Phùng Thị – một điêu khắc gia nổi tiếng thế giới. 
 
Hôm đó Hội Nhà văn mở tiệc mừng các trí thức, nghệ sĩ ở nước ngoài về, trong đó có Điềm Phùng Thị và họa sĩ Mai Trung Thứ là người đã say mê vẽ bức chân dung Tôn Nữ Lệ Minh (vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư) năm 17 tuổi. Nhà văn Nguyễn Tuân đã dắt tay Điềm Phùng Thị đến chỗ vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư đang ngồi và nói: “Đối mặt nhau rồi, ngâm lại bài thơ ngày xưa đi.” Tên tuổi của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị được lưu danh trong từ điển Larousse, đó là một niềm tự hào đáng kể. Nhưng cũng là một niềm vinh hạnh lớn khi bà trở thành nhân vật chính trong một bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Lưu Trọng Lư


Người em sầu mộng
(Nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc bài thơ “Một Mùa Đông” và lấy tên bài hát là “Người em sầu mộng” )
Em là gái bên khung cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn năm trong nhung lụa

ĐK:

Em chỉ là em gái thôi
Người em sầu mộng muôn đời Tình như tuyết giăng đầu núi
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời
Ai bảo em là giai nhân
Cho đời anh đau buồn
Ai bảo em ngồi bên song
Cho vương vấn nợ thi nhân
Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ đêm dâng tràn
Cho tình giăng đầy trước ngõ
Cho mộng tràn gối chăn.


TÓM TẮT
Lưu Trọng Lư thuộc thế hệ mở đầu của phong trào Thơ Mới. Những bài thơ mang âm hưởng trữ tình lãng mạn, thanh thoát, giàu nhạc điệu của ông, được công chúng đương thời nồng nhiệt chào đón, đã góp phần đem lại sự chiến thắng cho Thơ Mới trong buổi ban đầu.

Phùng Thị Cúc tức là Điềm Phùng Thị - là nhà điêu khắc nổi tiếng trên thế giới, được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu. Bà được đưa vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse.
Mối tình giữa thi sĩ Lưu Trọng Lư và cô nữ sinh Phùng thị Cúc thật là một mối tình nên thơ, trữ tình nhất và cũng xứng tầm “trai tài, gái vừa sắc lẫn tài” – dù có ngang trái, chính sự ngang trái này khiến cho cả hai tình nhân nhớ mãi không thôi, vì

“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở…” (Hồ Dzếnh)

___________________________________

(Tham khảo: Tài liệu về Lưu Trọng Lư và Điềm Phùng Thị trên sách báo) 

© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 16.05.2013 theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SaìGòn .
. Đăng tải lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com

TRẦN VĂN VIỆT * SÁU CHUYỆN GIÁNG SINH

TRẦN VĂN VIỆT 

 SÁU CHUYỆN GIÁNG SINH



1. Con yêu mẹ

Tuy là đã là ngày giáng sinh và còn vài ngày nữa là đón năm mới. Người mẹ mệt mỏi trở về từ cửa hàng sau một ngày làm việc dài đăng đẵng, kéo lê túi hàng trên sàn bếp. Đang chờ bà là đứa con trai tên David lên 8 tuổi, đang lo lắng kể lại những gì mà em nó đã làm ở nhà: “… lúc con đang chơi ngoài sân còn bố đang gọi điện thoại thì Tom lấy bút chì màu viết lên tường, lên chính tờ giấy dán tường mới mà mẹ dán trong phòng làm việc ấy! Con đã nói với nó là mẹ sẽ bực mình mà!”.
Người mẹ than thở rồi nhướng lông mày: “Bây giờ nó đâu?”. Thế rồi bà bỏ hết hàng ở đó, sải bước vào phòng của đứa con trai nhỏ, nơi nó đang trốn. Bà gọi cả tên họ của đứa bé, mà ở các nước phương Tây, khi gọi cả tên lẫn họ như thế này là thường thể hiện sự tức giận. Khi bà bước vào phòng, đứa bé run lên vì sợ, nó biết sắp có chuyện gì ghê gớm lắm. Trong 10 phút, người mẹ nguyền rủa con, là bà đã phải tiết kiệm thế nào và tờ giấy dán tường đắt ra sao! Sau khi rên rỉ về những việc phải làm để sửa lại tờ giấy, người mẹ kết tội đứa con là thiếu quan tâm đến người khác. Càng mắng mỏ con, bà càng thấy bực mình, cuối cùng bà ra khỏi phòng con, cảm thấy cáu đến phát điên!
Người mẹ chạy vào phòng làm việc để xác minh nỗi lo lắng của mình. Nhưng khi nhìn bức tường, đôi mắt bà tràn ngập nước mắt. Những gì bà đọc được như một mũi tên xuyên qua tâm hồn người mẹ. Dòng chữ viết: “Con yêu mẹ” được viền bằng một trái tim!
Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng treo để bao bọc lấy nó. Đó là một sự nhắc nhở đối với người mẹ, và với tất cả mọi người: Hãy bỏ một chút thời gian để đọc những dòng chữ viết trên tường!
2. Câu Chuyện Giáng Sinh
Nhân ngày Giáng sinh gần kề, xin gởi tới quý vị thính giả câu chuyện cảm động trong mùa Giáng Sinh đuợc biên soạn dựa trên câu chuyện “Christmas Shoes”
Tôi vội vã bước vào tiệm trong mall để sắm khẩn cấp mấy món qùa giáng sinh vào phút cuối cho đứa con gái. Kinh hãi nhìn đám đông, có lẽ tôi sẽ bị kẹt trong tiệm đến muôn đời, trong khi việc phải làm còn chồng chất, văn phòng còn bao nhiêu văn kiện chưa duyệt xọng. Từ lúc nào chẳng rõ, Giáng sinh đã trở thành gánh nặng nề. Chẳng hiểu tại sao phải có cái ngày lễ phiền phức như vầy với bao nhiêu là thứ phải lo, quà cáp phải mua cho nguời này nguời kia, tôi mong có thể  lăn quay ra ngủ cho qua muà Giáng Sinh như mấy chú gấu tỉnh bơ an giấc suốt mùa đông. Tôi cố lách qua đám người đông đi lại như kiến để xông vào chỗ bán đồ chơi, và tự hỏi không biết đứa con gái có thèm chơi đồ như vậy không.
Tôi duyệt qua mấy dãy hàng bán đồ chơi, và chọn đại một con búp bê nhìn cũng xinh xắn, chạy lẹ ra xếp hàng tính tiền. Tình cờ tôi nhìn thấy 1 chú bé đứng gần đó, tay mân mê một đôi hài màu đỏ thật xinh sắn dễ thương. Chú bé ôm đôi hai trên tay mặt sáng rỡ. Tôi nhìn chú bé và hơi ngạc nhiên chú bé độ 7 tuổi nhìn đôi hài mắt sáng như nhìn một mốn đồ chơi nó rất yêu thích.
Trong khi đó chú bé nói với nguời tính tiền:
- Cô có chắc là cháu thiếu tiền không? Cháu tính rồi là đủ tiền cơ mà!
Cô gái trả lời có vẻ như chịu hết nổi:
- cháu biết là cháu không đủ tiền rồi mà còn hỏi nhiều, lôi thôi quá đi. Cháu đứng qua một bên để cô tính tiền cho nguời khác, khi nào tìm đủ tiền thì đến trả.
Tôi nhìn chú bé khuôn mặt buồn bã mình đứng nhìn đôi hài. Quan sát một lúc tôi hỏi:
- Cháu mua đôi hài cho em gái cháu hả.
- Dạ không, cháu mua cho Mẹ của cháu. Mẹ cháu bịnh rất nặng, và ba nói Mẹ sắp đi gặp Chúa Giêsu rồi. Đôi hài này Mẹ cháu thích lâu lắm rồi, cháu muốn mua cho Mẹ, để Mẹ mang đi gặp Chúa Giêsu. Mẹ sẽ đẹp lắm, sẽ vui lắm!
Nghe đến đây, tôi mới hiểu ra
 là Mẹ của cậu bé đang hấp hối, nhưng cậu bé còn quá nhỏ để hiểu chuyện tử biệt. Và một nỗi đau xót tràn vào hồn tôi. Chú bé nói tiếp:
- Cháu nói với ba rằng dặn mẹ đừng đi ngay, nói mẹ đợi con đi chợ về. Cháu còn thiếu vài đồng nữa mới mua đuợc đôi hài, tất cả các tiền cháu để dành lâu nay vẫn còn chưa đủ. Chú có thể giúp cháu không? Mai mốt cháu sẽ đi làm trả lại cho chú.
Nhìn chú bé tiu nghỉu cúi đầu im lặng. Tôi thò tay vào túi lấy tiền trao cho chú bé.
--Đây, cháu lấy đi trả tiền rồi lo về với Mẹ, đôi hài đẹp lắm!
Khuôn mặt chú bé chợt tươi rói và nói:
- Vâng, cảm ơn chú rất nhiều! Chúa sẽ chúc lành cho lòng tốt của chú. Mẹ cháu sẽ vui lắm khi mang đôi hài này đi gặp Chúa Giêsu.
Tôi bước ra cửa tiệm, trên đuờng lái xe về nhà tôi vẫn còn nhìn thấy khuôn mặt ngây thơ của chú bé đáng thương. Tình yêu của chú bé dành cho mẹ qúa mãnh liệt. Như một thiên thần Chúa gởi, cậu bé đã nhắc nhở tôi ý nghĩa của Giáng Sinh, mùa của yêu thương và ban tặng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con một trái tim nhậy cảm để có thể nghe được, cảm nhận được những niềm đau nỗi khổ của những người bé nhỏ xung quanh mình, để chúng con biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn.  Đặc biệt là trong mùa Giáng Sinh này, xin cho chúng con ý thức những món quà trao nhau và khi cầm trong tay món quà của người thân, xin nhắc con nhớ đến những người nghèo khổ chưa bao giờ từng được nhận quà.  Trong bận rộn mua sắm của mùa Giáng Sinh, xin cho con ý thức món quà qúy nhất con nhận được trong Mùa Giáng Sinh chính là sự sống của Ngôi Hai.  Amen!
6 cau chuyen giang sinh

3. Giáng Sinh Yêu Thương 
Em không phải là người theo Chúa, em có niềm tin tuyệt đối vào Phật và những lời răn dạy của Người. Bởi vậy, Giáng sinh với em cũng như bao ngày bình thường khác, một ngày trước đó của em màu xám chứ không phải của sắc đỏ lung linh và những quả chuông ngũ sắc, thậm chí có lúc Giáng sinh trở thành hai từ xa lạ nhất trong từ điển của em.
Chỉ có điều lễ Noel hàng năm đều diễn ra dưới tiết trời lạnh se của mùa đông và từ lâu người ta mặc nhiên đã coi nó như một dịp đặc biệt để ủ ấm những yêu thương và trao nhau hẹn ước, một sự mặc định vừa có lý lại vừa vô lý. Gần một tháng trước ngày lễ đó ở ngay cả những nơi hẻo lánh nhất của phố phường đã vang lên những bản tình ca mừng Giáng sinh bất hủ, đó là điều duy nhất gợi nên trong em đôi chút cảm hoài.

Có thật nhiều Giáng Sinh đi qua em buồn tẻ và đơn điệu. Khi người ta nô nức kéo nhau ra ngoài đường, mắt trao mắt, môi trao môi, tay trong tay thì em ngồi một mình trên căn gác nghe những bản nhạc buồn, em không khóc như em vẫn vốn thế, nhưng nụ cười thì không được trọn vẹn. Em thờ ơ với những món quà Noel em được tặng và đọc những tin nhắn chúc mừng với một thái độ dửng dưng đáng ghét. Em một mình, luôn luôn một mình kể từ một mùa Giáng sinh xa lắc nào đó em không còn nhớ nữa. Em không thích ra đường để thấy mình đơn độc, em cũng chẳng biết làm gì giữa phố phường náo nức và càng không thích đi với một người mà em không cảm nhận được hơi ấm từ trái tim em dành cho họ… Ừ đấy, em cô đơn, thì sao? Mọi cái dường như đã trở thành thói quen, một thói quen em không hề muốn giữ nhưng không biết làm thế nào để thay đổi nếu như…

Nếu như anh không đến vào một ngày kịp làm trái tim em xôn xao trở lại, kịp làm cho mỗi ngày bình thường trở thành những thời khắc đặc biệt, kịp chuyển sắc xám thành những sắc màu lung linh. Và em đã được ủ ấm suốt cả một mùa đông... Hàng đêm em vẫn nghe nhạc nhưng lẫn trong những giai điệu buồn em thấy những thanh âm trong trẻo, dịu dàng cất lên. Dù vậy em vẫn chưa có khái niệm thật rõ ràng về Giáng sinh nếu như nó không gần với một ngày với em là vô cùng đặc biệt... Em đã muốn quay trở lại với phố phường nô nức đêm Giáng sinh, mình cùng nhau ngồi ở một góc quán yên ả nào đó nghe hơi thở hòa quyện trong nhau lẫn giữa hương thơm của trời đất.



Nhưng giáng sinh năm nay em và anh xa nhau cả nữa vòng trái đất... Nhưng em chưa bao giờ thấy một mình của em lại có ý nghĩa đến vậy. Chưa bao giờ một mình lại không đơn độc như vậy! Em thức dậy bằng niềm tin mỗi sáng, một niềm tin tuyệt đối như niềm tin vào tôn giáo của em, em đi ngủ bằng nỗi nhớ trong lành....


Khi gặp anh em biết mình cảm nhận được hạnh phúc là có thực, và vì cuộc sống anh vẫn ở rất xa nhưng em vẫn thấy hạnh phúc và niềm vui đang hiện hữu xung quanh, không phải là một giấc mơ. Không còn mơ hồ nữa, không còn là những Giáng sinh buồn tẻ và đơn độc nữa…
Và em muốn nói với anh rằng: HAPPY BIRTHDAY n' MERRY X-MAS TO YOU. Hãy mãi là chỗ dựa vững chãi cho em anh nhé!
Ngoài kia, bài hát Jingle Bell vang lên như một tiếng chuông ngân dài dịu dàng và ấm áp:
... Jingle bell, jingle bell, jingle all on the way
Oh what fun it is to ride in a one-horse open sleigh...
4. Câu chuyện đêm giáng sinh cảm động.......!!!
Như thường lệ,mỗi mùa giáng sinh, tôi đều nhận được quà từ anh trai của tôi. Giáng sinh năm ấy tôi cảm thấy vui nhất không phải chỉ vì món quà anh tôi tặng-một chiếc xe hơi mà vì tôi đã học được một bài học rất thú vị vào cái đêm đông lạnh lẽo ấy...
Đã 7 giờ tối, mọi người trong công ty đã ra về gần hết, tôi cũng đang đi đến gara để lấy xe và về nhà ăn Giáng sinh.
Có một cậu bé, ăn mặc rách rưới, trông như một đứa trẻ lang thang, đang đi vòng quanh chiếc xe tôi, vẻ mặt cậu như rất thích thú chiếc xe. Rồi cậu chợt cất tiếng khi thấy tôi đến gần, "Đây là xe của cô ạ?". Tôi khẽ gật đầu, "Đó là quà Giáng sinh anh cô tặng cho." Cậu bé nhìn tôi tỏ vẻ sửng sốt khi tôi vừa dứt lời. "Ý cô là...anh trai cô tặng chiếc xe này mà cô không phải trả bất cứ cái gì?" "Ôi! Cháu ước gì...". Cậu bé vẫn ngập ngừng.
Tất nhiên tôi biết cậu bé muốn nói điều gì tiếp theo. Cậu muốn có được một người anh như vậy. Tôi chăm chú nhìn cậu bé, tỏ vẻ sẵn sàng lắng nghe lời nói của cậu. Thế nhưng cậu vẫn cúi gằm mặt xuống đất, bàn chân di di trên mặt đất một cách vô thức. "Cháu ước...", cậu bé tiếp tục "...cháu có thể trở thành một người anh trai giống như vậy". Tôi nhìn cậu bé, ngạc nhiên với lời nói vừa rồi. Bỗng nhiên tôi đề nghị cậu bé, "Cháu nghĩ saonếu chúng ta đi một vòng quanh thành phố bằng chiếc xe này?". Như sợ tôi đổi ý, cậu bé nhanh nhảu trả lời: "Cháu thích lắm ạ!"
Sau chuyến đi, cậu bé hỏi tôi với ánh mắt sáng ngời đầy hy vọng, "Cô có thể lái xe đến trước nhà cháu không?". Tôi cười và gật đầu. Tôi nghĩ mình biết cậu bé muốn gì. Cậu muốn cho những người hàng xóm thấy cậu đã về nhà trên chiếc xe to như thế nào. Thế nhưng tôi đã lầm..."Cô chỉ cần dừng lại ở đây, và có phiền không nếu cháu xin cô đợi cháu một lát thôi ạ..."

Nói rồi cậu bé chạy nhanh vào con hẻm sâu hun hút, tối om, tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống trong ấy. Ít phút sau tôi nghe thấy cậu bé quay lại qua tiếng bước chân, nhưng hình như lần này cậu không chạy như lúc nãy mà đi rất chậm. Và đi theo cậu là một cô bé nhỏ nhắn, mà tôi nghĩ đó là em cậu, cô bé với đôi bàn chân bị tật. Cậu bé đẩy chiếc xe lăn em cậu đang ngồi, một chiếc xe cũ kĩ, xuống những bậc tam cấp một cách rất cẩn thận, và dừng lại cạnh chiếc xe của tôi.

"Cô ấy đây, người mà lúc nãy anh đã nói với em đấy. Anh trai cô ấy đã tặng một chiếc xe hơi cho cô nhân dịp Giáng sinh mà cô chẳng phải tốn lấy một đồng. Và một ngày nào đấy anh cũng sẽ tặng em một món quà giống như vậy. Hãy nghĩ xem, em có thể tận mắt thấy những món quà, những cảnh vật ngoài đường phố trong đêm Giáng sinh, và anh sẽ không phải cố gắng miêu tả nó cho em nghe nữa!".
Tôi không thể cầm được nước mắt, và tôi đã bước ra khỏi xe, đặt cô bé đáng thương ấy lên xe. Ánh mắt cô bé nhìn tôi đầy vẻ cảm phục và thân thiện.
Ba chúng tôi lại bắt đầu một chuyến đi vòng quanh thành phố, một chuyến đi thật ý nghĩa và tôi zẽ không bao giờ quên, khi những bông tuyết lạnh giá của đêm Giáng sinh bắt đầu rơi.
Và cũng trong đêm Giáng sinh ấy, tôi đã hiểu được sâu sắc ý nghĩa một câu nói của chúa Giê-su: "Không gì tốt đẹp hơn việc làm cho người khác hạnh phúc."
6 cau chuyen giang sinh

5. Cổ tich Giáng Sinh 
Có một cô bé mồ côi cha sống với mẹ tại một vùng quê hẻo lánh. Nhà rất nghèo, hai mẹ con phải làm việc quần quật cả ngày mới kiếm đủ ăn. Cô bé không có bạn bè, không có đồ chơi nhưng cô không bao giờ cảm thấy buồn và cô đơn. Gần nhà cô là một khu rừng, lúc nào cũng tràn ngập tiếng chim hót ...và những bông hoa rực rỡ...Vào mùa đông năm đó, mẹ cô bé bị bệnh và không thể làm việc được, cô bé bận rộn cả ngày với việc đan len để sau đó mang ra chợ bán những đôi vớ bằng len, dù rằng ngay chính đôi chân trần của cô luôn tái xanh vì lạnh. 
Gần đến ngày Giáng sinh, cô bé nói với mẹ: “Không biết năm nay ông già Noel có mang quà đến cho con không, nhưng con vẫn đặt đôi giày trong lò sưởi. Chắc ông già Noel không quên con đâu phải không mẹ?”. Bà mẹ âu yếm vỗ về: “Đừng nghĩ đến điều đó trong ngày Giáng sinh năm nay con gái ạ. Chúng ta chỉ cầu mong có đủ thực phẩm để qua mùa đông khắc nghiệt này là quý lắm rồi”. Nhưng cô bé không tin rằng ông già Noel có thể quên cô. Vào buổi tối trước ngày Giáng sinh, cô đặt đôi giày trong lò sưởi và đi ngủ với giấc mơ về ông già Noel. Người mẹ nhìn vào đôi giày của con và buồn rầu khi nghĩ đến sự thất vọng của con gái, nếu buổi sáng hôm sau cô không nhìn thấy một món quà nào trong đó. Năm nay, ngay cả một món quà Giáng sinh nhỏ cho con, bà cũng không lo được.
Buổi sáng hôm sau, cô bé thức dậy sớm và chạy đến nơi cô đặt đôi giày. Đúng như sự mơ ước của cô, đêm qua ông già Noel đã đến và mang cho cô bé một món quà. Đó là một con chim nhỏ bé nằm thiêm thiếp trong chiếc giày, có lẽ vì đói và lạnh. Nó nhìn cô bé với đôi mắt long lanh và kêu lên mừng rỡ khi cô vuốt nhẹ lên bộ lông mềm mại của nó. Cô bé nhảy múa vì vui mừng và ôm chặt con chim nhỏ bé vào ngực mình. Cô chạy đến bên giường, nơi mẹ cô đang nằm và reo lên: “Hãy nhìn con đây mẹ ơi. Ông già Noel không quên con và đã mang đến cho con món quà ý nghĩa này!”. Những ngày sau đó, cô bé săn sóc con chim, sưởi ấm và cho nó ăn. Con chim líu ríu bên cô bé và đậu lên vai cô trong khi cô làm việc. Khi mùa xuân đến, cô bé mở lồng cho con chim bay vào rừng nhưng nó không chịu bay xa, cứ loanh quanh gần nhà cô bé và mỗi buổi sáng, cô bé lại thức giấc bởi tiếng hót líu lo bên ngoài song cửa sổ....
Bà mẹ nhìn con trong niềm hạnh phúc vô bờ...Vì không muốn làm con thất vọng, bà đã vào rừng đêm hôm đó hy vọng tìm thấy một thứ gì làm qùa thay ông noel tặng con, và đã gặp chú chim sắp chết vì lạnh và đói này....
6. Nụ hôn cho ông già Noel làm thuê
TT - Câu chuyện xảy ra đã hơn năm năm nhưng tôi vẫn nhớ như in món quà mà một cô bé đã tặng tôi mùa đông năm ấy, một mùa Giáng sinh lạnh lẽo nhưng ấm áp tình người.
Tháng mười hai, trời ở miền Bắc mưa rả rích kèm theo cái lạnh như cứa vào da thịt. Khoảng không gian chật hẹp của căn gác nhỏ không làm dịu được nỗi buồn và cảm giác nhớ nhà. Noel này cả lớp tôi lại lên kế hoạch đi chơi nhưng giờ mẹ vẫn chưa gửi tiền. Chắc mùa này quê mình lại bão lụt nhiều nên gia đình không thu hoạch được gì.
Sáng qua, mấy đứa cùng xóm trọ mách nhau chuyện làm thêm cho các tổ chức từ thiện. Mấy đứa rủ nhau đi kiếm việc. Công việc không nặng lắm nhưng khá mất thời gian bởi tôi và Hải vào vai hai ông già Noel. Chúng tôi xuất phát từ nhà lúc sáu giờ tối và về cũng phải sau nửa khuya. Có hôm làm ở trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo, có hôm làm ở hội người tàn tật, cũng có khi là các trại mồ côi.
Những ngày cận kề Giáng sinh chúng tôi lại càng phải đi nhiều. Hôm đứng ở cổng trường tiểu học vùng ven ngoại thành, trời đã khuya lắm rồi nhưng có một cô bé vẫn chưa về. Bé nhìn tôi chằm chằm nhưng không dám tiến lại gần. Tôi đến cạnh bé, hỏi nhỏ: “Cháu sao vậy?”. Bé cười, đôi mắt vẫn còn nhiều niềm vui: “Ông già Noel ơi, có phải đứa trẻ nào học giỏi mới nhận được quà? Sáng nay cháu bị điểm kém môn toán, cháu sợ không có quà”. Tôi cười nhẹ: “Không đâu, ông cho tất cả. Nhưng nếu cháu nào ngoan thì ông sẽ vui hơn”. Bé ngạc nhiên, nhìn sang tôi, nhìn cả Hải: “Vậy là cháu đã làm hai ông buồn rồi à?”.

Bé khóc, những giọt nước mắt nóng hổi rớt đầy trên tay tôi. Hình như trong suốt buổi tối qua, vì quá mệt nhọc mà chúng tôi quên mất nở nụ cười với nhiều đứa trẻ, trong đó có bé. “Thôi, cháu nín đi. Hai ông già này không buồn đâu, nhưng cháu phải cố gắng hơn nhé”. Bé cười, đôi mắt vẫn còn ngân ngấn nước: “Vậy đi phát quà cho trẻ em, hai ông có nhận được quà của ai không?”. Hải bước tới: “Không, hai ông chỉ đem quà và giúp các cháu thực hiện ước mơ thôi. Là ông già Noel rồi thì cần gì nữa”.
Bé đi lại gần tôi, gần Hải: “Cháu tặng hai ông nhé”, rồi hôn nhẹ nhàng lên má của chúng tôi. Hai đứa ngớ người ra nhưng vẫn không quên nở nụ cười với bé trước khi bé đi mất. Cảm giác ấm áp lan tỏa trên má tôi, rồi cả người. Một chút vị ngọt ngào xen lẫn niềm thích thú. Tôi chợt nghĩ chưa bao giờ mình ước cho bản thân một món quà gì đó. Hình như tuổi thơ của tôi đã qua và chuyện ông già Noel đã chìm vào quá khứ lâu lắm rồi.
Thì ra không phải cứ mặc bộ trang phục đỏ trắng, phát quà cho trẻ em là mình đã tròn vai ông già Noel. Ông già Noel chỉ hiện hữu thật sự khi chúng ta được giao cảm với nhau. Sự chia sẻ tình người không chỉ là những hộp quà phát vội mà còn là những nụ hôn hồn nhiên và giàu ý nghĩa. Cảm ơn cô bé dễ thương đã cho những “ông già Noel” làm thuê như chúng tôi một kỷ niệm thú vị trong mùa Giáng sinh.
http://thuthuat.taimienphi.vn/6-cau-chuyen-giang-sinh-hay-xuc-dong-nhat-13300n.aspx
Không chỉ là những câu chuyện Giáng sinh hay, xúc động nhất thôi đâu. Bạn hãy gửi những truyện cười giáng sinh đến bạn bè của mình để mang lại nụ cười cho những người ta yêu mến. Với nội dung ngắn gọn, nhưng đầy tính hài hước, nhân văn trong những mẩu truyện cười giáng sinh, chắc chắn đó sẽ là những kỷ niệm vui đáng nhớ với bạn bè trong dịp Noel 2016.

Tác giả: Trần Văn Việt  

PHAN VĂN SONG * CHỈ CÓ VĂN VÀ NHẠC

PHAN VĂN SONG


2017-12-09 : Chỉ Còn lại Nghệ thuật : Văn và Nhạc

 

Chỉ Có Văn và Nhạc  ! Chỉ có Đời Sống và Tình Yêu  !

Cám Ơn - Merci  Jean d’O & Johnny.

 

Phan Văn Song

Đôi lời xin lỗi :

 

Nói đến văn, nói đến nhạc, là nói đến sở thích của mỗi con người, là ít nhiều bắt buộc, phải kể đến cái cá nhơn, khi nói đến cái ý thích, cái sở thích, cái « goût » của mỗi con người, không ai giống ai, có giống chăng, là do sự tình cờ, do cùng « yêu » cái độc đáo, cái riêng biệt của mỗi tài tử, mỗi nhà văn, nhạc sĩ, ca sĩ... Người viết chúng tôi, xin phép, và xin tất cả quý thân hữu tha thứ, nếu quý vị thấy bực mình, vì tôi sẽ kể chuyện về tôi rất nhiều … Nếu hợp « goût » nhau, xin chia sẻ, trao tặng nhau một nụ cười, hề hà với nhau… nếu không chia sẻ với nhau được xin quý vị rộng lượng, tha thứ cho !

Hôm nay, xin phép, bỏ qua tất cả, những thời sự, quê nhà, quốc tế, chiến tranh xa gần, thật giả, cả bom nguyên tử, cả thời lẫn tiết nắng hạn, tuyết rơi, bão lụt... Xin phép … bỏ ngoài tai tất cả ! Hôm nay, xin phép kể chuyện thời xưa, thời của những năm cuối những năm ‘50, đầu những năm ‘60 ;  thời cái tuổi mới lớn của thế hệ chúng tôi và chúng ta ; thế hệ nay cùng lứa, « già 7 bó, non 8 bó » !

 

Tuần qua nước Pháp đầy văn hóa bổng mất hai nghệ sĩ khổng lồ, hai cây cổ thụ. Kẻ nhà văn, người ca sỉ : Hàn lâm Viện sĩ Jean d’Ormesson, nhà văn 92 tuổi với gần 40 tác phẩm và Johnny Hallyday, 74 tuổi ca sĩ, cũng với 50 tuyển phẩm với hàng ngàn bản nhạc. 

Nếu Jean d’Ormesson thuộc thế hệ trước của người viết, sanh năm 1925, thì Johnny Hallyday, lại cùng thế hệ, sanh năm 1943. Cả hai đều sanh vào tháng 6, tháng Juin - cùng tháng với ông Cụ người viết - kẻ, cùng ngày 15 – Johnny ; người, sau một ngày - Jean D’O, ngày 16. Nhưng Jean d’Ormesson lại chết ngày 5 tháng 12 nầy, sanh sau một ngày, lại chết trước một ngày, Johnny ra đi ngày 6 tháng 12. Và ông Cụ tôi cũng ra đi tháng 12 (ngày 15 năm 1967, tại Sài gòn).

 Thật là một ngẩu nhiên, trùng hợp kỳ lạ, thât là những tình cờ của cuộc đời !

Có lẽ vì thế, thằng tôi có duyên, thích mến đọc sách Jean d’Ormesson và thích và mê nghe nhạc do Johnny hát. Thật tình, tôi cũng chẳng khác gì ai cả, cũng như bao nhiêu người khác thôi. Cũng cùng thuộc thế hệ thanh niên, thanh nữ lớn lên trong những năm bản lề của sau thời kỳ thế giới vực dậy sau Thế Chiến II, với những « năm ‘60  đầy Sự Sống và nhiều Tình Yêu » của thế hệ chúng tôi và chúng ta đó thôi !

Vì những thế hệ trước « thế hệ ‘60 chúng ta », âu tây hay á đông gì cũng thế, thường « bị » giáo dục  gia đình, thủ tục xã hội, gò bó : Sống theo ý gia đình, nhơn danh truyền thống hàng xóm láng giềng đất nước tổ tiên ; Yêu cũng theo ý cha mẹ, trầu cau dạm ngõ, cân đo, gia đình phải môn đăng, hộ đối , cũng nhơn danh truyền thống tổ tiên, văn hóa đất nước!

 

Và cả hai nghệ sĩ, kẻ viết văn, người ca nhạc đều ca tụng « cuộc Sống đầy Sự Sống tự do », và những « cuộc Tình đầy Chất Yêu tự do ». Hai vế chánh của cuộc Đời !

Cả hai đều được người viết, thằng tôi ngưởng mộ và mê thích.

 

1 / Jean d’Ormesson : Chúng ta đang mất đi Một Ánh sáng -

une clarté qui nous manquera et nous manque déjà.(điếu văn của Tổng Thống Pháp E. Macron)

Người viết, có cái may mắn, đã được đọc sách d’Ormesson thuở chơn ướt chơn ráo đến đất Pháp.  Tháng 11/ 1961, đến Paris, để nhập học Viện Chánh trị Học, đã may mắn được dịp, đọc ngay, trong những ngày đầu bở ngở ấy, cuốn sách đầu tay của ông. Khi viết những giòng nầy, hồi tưởng cuộc gặp gở với cuốn tiểu thuyết « L’amour est un plaisir – Tình yêu là là một lạc thú »– Nxb Juillard 1956 đó. Ngay tủ sách của nhà trọ, đường Henri Barbusse, tỉnh Clichy, ngoại ô Bắc Paris. Lúc ấy trạm métro cuối cùng – terminus, là Porte de Clichy, phải lội bộ hay đi xe bus – 1 trạm - để về nhà trọ, là nhà của một người bạn của ông bà Cụ, chú Đoàn Xứng ; lúc ấy tùng sự tại Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa, số 45, avenue des Villiers, quận 15, Paris.Thím Simone, vợ Chú Xứng là người Pháp, Giáo Viên, nên nhà đầy sách. Gặp Jean d’Ormesson vì tình cờ, hay duyên số ? Nhưng đọc, vì tò mò, chỉ vì đã nghe tên ông, qua lời khen của thầy Bornecque – dạy Pháp Văn - Français, lớp - classe de Première M1, năm thi Tú tài Bac 1, 1960, Lycée Yersin Dalat, nhưng không có dịp đọc, vì không tìm ra sách.

Thật sự, đọc Jean d’Ormesson, lúc ấy, đúng hơn, chỉ muốn để so sánh với Françoise Sagan, nữ văn sĩ đang lên, đã được, thằng tui, người viết (và nhiều bạn cùng lứa, cùng thời) đã đọc say mê. Với cái tuổi mới lớn đầy mơ mộng, với cái thời trung học tại một trường Pháp dạy phải lắm tò mò học hỏi, với cái không khí  đầy lãng mạng của Dalat ; mê văn Sagan, mê tiếng hát Dalila (với bài Bambino), mê tài tử James Dean, mê nhạc Rock, mê jazz, mê Be bop …  với nào Be bop a Lula, với nào Blue Berry Hill gần như là chuyện bình thường, chuyện của thời đại – Thuở ấy, khoảng những năm 58, 59, 60, Việt Nam thanh bình, tuổi trẻ, giới học trò mới lớn của đám Yersin Dalat chúng tôi, thực sự sống xa thực tế, mơ mộng với sách vỡ, ảo tưởng, văn chương âm nhạc... ngoại quốc, Pháp, Mỹ ...  đứa nào cũng ca tụng, cũng mê sống như Françoise Sagan, giống cuốn tiểu thuyết đầu tay của nàng. Sách pháp được truyền tay nhau đọc, … nhạc Mỹ bu đầu nhau nghe. Ngày ngày, ngoài cái học trường, thì chỉ bắt chước học đời. Học chữ đã đành, học suy nghĩ dĩ nhiên, nay thêm học chưn diện, học chải chuốc, học ăn, học uống, học yêu, học sống ...và học nhảy đầm… Mẫu, modèle là những tài từ phim, tây mỹ...Thằng tôi tuy còn nhỏ, chưa đầy 17 tuổi, học cở Seconde-Đệ tam, đã bắt đầu, bắt chước Sagan, thèm những cuộc tình « vượt biên giới » - bạn gái cùng lứa tuổi, đều chê là choai choai, xem như đàn em, con nít, chỉ thích được « các chị » thương thôi ! - Các nàng chắc cũng vậy, xem tụi tui là con nít luôn – kết luận suốt ngày « cu ky, và cũng trồng cây si » – dáng tóc phồng, đầu gục, vai rút, suốt ngày thất tình, kiểu James Dean !

 

(Hồi tưởng lại, dạo ấy, được xem có cả hai phim tạo bởi  hai cuốn tiểu thuyết của thiên tài Françoise Sagan, chiếu ở rạp Ngọc Lan Dalat. Nay nhớ rõ phim Buồn ơi, chào mi - Bonjour Tristesse do Jean Seberg và David Niven thủ vai chánh và còn phim  Un certain sourire - A certain smile, quên nội dung tuồng chỉ nhớ bài ca với giọng ca Johnny Mathis diễn tả, rầu đứt ruột : « A certain smile, a certain face. Can lead an unsuspecting heart on a merry chase …. »

 

Đọc sách ấy, trong những ngày đầu Paris đó, vì khi nhìn thấy sách nầy, tại tủ sách của Thím Simone, bèn nhớ lại, tác giả Jean d’Ormesson đươc giới thiệu bởi nxb Juillard, như là một Françoise Sagan thứ hai. Ngày nay, với kỷ niệm, quên hẳn nội dung sách, mại mại ấn tượng mơ hồ  rằng không bằng Sagan, nhưng chắc khá hấp dẫn vì, theo trí nhớ, đã tìm đọc, suốt thời gian ấy, ở Paris và sau đó khi về Toulouse, năm sau đọc, những cuốn tiếp theo như « Un amour pour rien – một cuộc tình vô tích sự » hay « Du côté de chez Jean – bên lề cuộc đời Jean »… Sau đó, một phần bận bịu với gia đình, vợ con, vừa đi làm, vừa phải soạn luận án. Tiếp theo đó, trở về Sài gòn phục vụ đất nước, rồi thân phận cá nhơn, cũng như toàn dân miền Nam đất Việt chúng ta, cùng nổi lẫn trôi theo vận nước ; nước mất, nhà tan, người người tứ tán… Riêng thằng tôi, 4 năm tù tội xong, hết tỵ nạn, đến lang thang, tha phương cầu thực, lúc lên voi, làm « giám đốc thuê » châu Phi phè phởn, khi xuống chó, đi « bán mướn » lội khắp châu Âu …, lúc lên hương, đóng phim, tài tử, hào hoa hái bạc, lúc hết thời tạp hóa, quán ăn, sớm khuya bạc cắc từng xu, chắc chiu tằng tiện, độ nhựt kiếm cơm ; thằng tui, quên hẳn Jean d’Ormesson, và quên cả văn chương, tiểu thuyết, ... chỉ biết cuộc sống và gia đình thôi !

Và khi thằng tôi trở lại với tiểu thuyết văn chương, với những truyện của Jean d’O – Jean d’Ormesson nay đã trở thành Jean d’O, tác giả đại thành công và đại nổi tiếng – tuổi đời thằng tui cũng đã khá cao rồi – xêm xêm trên dưới 60 – sóng đã lặn, gió đã ngừng  … và đã hưu trí tại Hồi Nhơn Sơn, nơi đất lành chim đậu, đã hơn hai thập niên ; hai thằng trai út đã vào Đại học, hai thằng trai lớn đã thành tài, đã là hai con chim vững cánh bay xa và lập riêng tổ ấm rồi !

Với Jean d’O, với tuổi già hưu trí của tôi, vì nay tôi đã hưởng đủ tinh túy đầy vị ngọt của đời, nên dễ dàng tìm được qua hương vị của giọng văn nhẹ nhàng ngọt ngào, yêu đời của ông, với nào là « Saveur du temps – Mùi vị của thời gian », với nào là « C'est l'amour que nous aimons – Chỉ có tình yêu là ta thích nhứt », hay « La Conversation - Cuộc Đàm thoại » hay , nhưng cuốn tôi thích nhứt, vừa đọc xong cách đây một tháng « Je dirai malgré tout que cette vie fut belle - Cuối cùng, tôi khẳng định rằng cuộc sống bao giờ cũng đẹp ». Tôi yêu văn Jean d’O, là tôi yêu cái Sống trong văn chương của ông.

Con người Jean d’O rất bình dân. Mặc dù sanh trưởng « có giòng có giống », quý phái… với cái tên dài « dòng dọc » có chữ đuôi - de - thuôc về. Tên Jean d’O trọn vẹn là :  

Jean Bruno Wladimir François de Paule Lefèvre d’Ormesson.

 Ông quả thật là đẻ bọc điều :

- Con nhà giàu : sanh, lớn ở lâu đài - Château Fargeau vùng Bourgogne Đông Nam Pháp ;

- Học giỏi : École Normale Supérieure – Đại học Sư phạm – tuy Cử nhơn Sử, nhưng quyết chí thi cho được Thạc sĩ Triết học – Agrégé de Philosophie ;

- Vợ đẹp : tuy lấy vợ trễ - vào năm ông đã 37 tuổi – nhưng « lọt vào hủ đường ».

- Ngày 2 avril 1962, ông lấy cô Françoise Béghin, sanh năm 1938, nhỏ hơn ông 13 tuổi, con gái út cưng, của Ferdinand Béghin, chủ nhựt tờ nhựt báo số một của nước Pháp tờ Figaro, và chủ Hảng đường (số một Pháp) Beghin-Say.

- Con ngoan : Cô gái duy nhứt Héloïse, nay là chủ nhơn một nhà xuất bản lớn ở Paris.

- Dù chỉ chủ nhiệm báo Figaro có 3 năm – 1974 đến 1977, nhưng ông vẫn tiếp tục  cộng tác cho báo nầy đến những năm gần đây, đến nỗi dư luận vẫn cho rằng Figaro là « tiếng nói » của Jean d’O.

Tôi thích Jean d’O, bởi cái tinh thần yêu nước (Pháp) của ông. Một tình yêu nước điềm đạm, ôn hòa, cởi mở. Tuy ủng hộ hướng chánh trị phái hữu, ủng hộ các vị Tổng thống phái hữu, nhưng ông là người cuối cùng được Tổng thống phái tả François Mitterand mời vào Viện Élysée ăn chia xẻ buổi cơm cuối cùng đời Tổng thống.

Xin trích một đoạn trong bài điếu văn  của Tổng thống Macron nói về Jean d’Ormesson :

« Có phải ông là người của Ánh sáng ?

Không một chổ nào, không một buổi thảo luận nào, không một cơ hội nào, đi đến đâu, ông đều mang ánh sáng đến đó. Và rõ ràng hơn nữa, ông mang sự yêu đời đến cho người chán nãn, và mang tương lai đến cho người tuyệt vọng  -

« Ne fut-il pas lui-même un être de clarté?Il n'était pas un lieu, pas une discussion, pas une circonstance, que sa présence n'illuminât. Il semblait fait pour donner aux mélancoliques le goût de vivre et aux pessimistes celui de l'avenir. »

Tóm lại, tôi ngưởng mộ  Jean d’O, do Jean d’Ormesson là một nhà văn, vừa được quần chúng – bình dân ưa chuộng, nhưng cũng được giới văn hoá - thượng lưu quý trọng. Bằng chứng, tác phẩm của ông được in trong Bộ sách La Pléiade  ( Chòm Sao Thất Đẩu ) một ấn bản đặc biệt của nhà xuất bản Gallimard dành cho những nhà văn có uy tín trên thế giới. Thường thường là những nhà văn đã qua đời, vì chỉ sau khi mất, tổng kết cuộc đời, mới tổng kết giá trị được sự nghiệp. Ông được nhập bọn Nhóm Sao Thất Đẩu nầy năm 2015. Đặc biệt với các nhà văn rất hiếm hoi - đứng đầu là André Gide, người đầu tiên (năm 1939) – mà các tác phẩm được in lúc còn sống - Tất cả chỉ 11 người tính đến năm 2011 với Milan Kundera. Ông nay là thứ 12 đó thôi !

2/ Jean d’O và Việt Nam Cộng Hòa chúng ta :

Giám đốc nhựt báo Le Figaro, năm 1975, ông đã cùng với Raymond Aron (1905-1983) tích cực bênh vực miền Nam Việt Nam, trong khi cả xứ Pháp cộng sản và thiên tả vỗ tay reo mừng Sàigòn và Pnompênh « bị » giải phóng, và phía phe hữu im lặng khóc thầm. Ngày nay, vẫn còn người nhắc nhở những cuộc tranh luận nẩy lửa giữa Jean d’O và các ký giả thiên Cộng Sản Pháp về chiến tranh Việt Nam. Ông đã từng (dám) viết : « việc Cộng Sản chiếm Pnompenh và Sàigòn là một đại họa. Bởi vì người ta muốn nói gì thì nói, không ai có thể chối cãi có « một luồng gíó tự do » ( un air de liberté ) trước khi rơi vào tay Cộng Sản ». Ca sĩ cộng sản nổi tiếng Jean Ferra ( làm sao có thể vừa là ca sĩ vừa là cộng sản được ? Chỉ có ở Pháp – nó vừa hát cho Đảng vừa bán dỉa hát – hành động tư bản với lợi nhuận tư bản !!) làm một bản nhạc, Un air de liberté, kết án d’Ormesson tay vấy máu vì đã bênh vực những người chống Cộng. Bài hát không được hát, trong buổi phát hình ký giả Jacques Chancel giới thiệu nghệ sĩ Jean Ferrat ngày 15 tháng 11, năm 1975, của Đài truyền Hình 2  Pháp lúc bấy giờ, vì lời bài hát của Jean Ferrat đã đụng chạm, mạt sát Jean d’O (bàn tay vấy máu). Năm 1978, Jean d’O có làm đơn yêu cầu cấm bài hát nầy, nhưng thất bại. Quyền tự do dư luận là một quyền công dân rất được tôn trọng ở Pháp. Khác hẳn Việt Nam Cộng Sản ngày nay !

Merci  Monsieur Jean D’Ormesson  pour cet Air de Liberté !

3/  Với Johnny : Và tôi yêu em, và tôi yêu em , và tôi yêu em -

 Et je t’aime et je t’aime, et je t’aime …

Và Johnny ? Nói đến Johnny, là nói đến Rock and Roll, nói đến Elvis, nói đến Chuck Berry, nói đến  Blue Berry Hill, nói đến Be Bop A Lula, … Và nói đến Tình Yêu ! Nhớ lại, thuở ấy, chúng tôi, một bầy trẻ « mồ côi địa dư », nội trú trường Trung học Yersin, Đà lạt, sau giờ ăn trưa, sau khi tan trường, trước vào « étude - phòng học » họp nhau tại « phòng chơi - foyer », một căn nhà sàn – sur pilotis, gỗ nhỏ. Ở đấy, một chiếc đàn piano, một lô dĩa hát . .. thường để đọc báo, chơi cờ, đờn ca,… nhưng chúng tôi lại ...nghe nhạc Rock… và dạy nhau nhảy « danse « de salon »– nhảy « đầm » ( tiếng người lớn nói : dạ vũ, tại sao « dạ » - đêm ?, ban ngày tụi tui cũng nhảy tuốt ! ): Dạy nhau nhảy tất cả các kiểu : từ « cha cha cha », đến  boléro, valse, hay tango ...hay « bôp ». Nhảy « bộp » tức là « bebop », tức là « rock », phải tay giỏi, tay hay truyền nghề. Nào phải « giữ ligne », nào phải « giữ nhịp » tempo, nào phải ... Nhờ được luyện như vậy, mà thằng tui, vào một tối, hè năm 63, đi « nhót » ở một Cave (hầm), gần Place Odéon Paris, lãnh được một cái Giải Nhảy Rock. Ở Pháp không dùng từ Bop, dùng từ Rock. Được các bạn Yersin truyền nghề, tôi đã làm tây lé mắt… Hãnh diện một thời !

Xin lỗi quý thân hữu, kể chuyện thời trai trẻ, thật tình thế hệ chúng tôi, biết lắm chuyện.

Trở lại nhạc Rock ! Và chuyện Johnny Hallyday với chúng tôi người viết ! Nhạc Rock là tuổi trẻ chúng tôi. Chúng tôi biết Rock trước khi Mỹ đến Sàigòn, biết trước cả Elvis Phương hát Rock. Năm 1961, khi thằng tui đến Paris, Johnny đã nổi danh, nên thằng tui đã, tốn tiền, hao dầu, mỗi tuần thứ Sáu đi đến quán Golf Drouot, 2 rue Drouot quận 9 Paris – métro Richelieu Drouot, nghe Johnny hát. Hồi ấy, ở đấy cũng có nhóm Chaussettes Noires - Vớ đen, hát độc lắm. Sau nầy ca sĩ của nhóm Vớ đen là Eddy Michel (sanh ngày 3/07/42 hơn tôi 4 ngay!) ra hát ra riêng, ngày nay cũng còn nỗi tiếng lắm ! Lúc ấy cũng có những tay hát Rock hay lắm như Gene Vincent hay là Vince Taylor…

Với Johnny, tôi học nhảy Twist, ngay tuần đầu khi đến Paris ! Noël 61, lễ gia đình, tôi « mồ côi địa dư », đi nhót ở một Cave gần đường Saint Michel, cùng với một cô bạn, cũng dân Sciences Po, cùng lớp, cũng mồ côi địa dư, nhà xa không tiền về quê ăn Giáng Sanh được. Lần đầu tiên, tôi cặp một « cô em tóc đỏ, mắt xanh tím như Elisabeth Taylor thần tượng », và em đi « bop » tuyệt điệu. Tiếc cuộc tình đấu ấy ở Pháp không bền lâu… Không có cảnh « Người em mắt nâu, ... ngồi vườn Lục Xâm… Tóc vàng sợi nhỏ ... » như thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Valse của Phạm Duy bất hủ.

Vì vậy, nhạc Rock và Johnny rất gắn bó với thế hệ chúng tôi « thế hệ lớn lên của những năm 60 » của chúng tôi, và cá nhơn chúng tôi. Yêu với nhạc Johnny, Xa nhau cũng với nhạc Johnny, gặp lại cũng với nhạc Johnny …Chúng tôi lúc ấy Sống và Yêu với nhạc Johnny nhiều ... Johnny đi cạnh cuộc đời tình ái của chúng tôi ! Cũng có qua những thời kỳ Beatles, hay Stones… tôi có nghe đấy, nhưng vẫn gắn bó với Rock xưa cũ, với những Chuck Berry, với những Elvis,…

Để Kết Luận :

Tôi rất thủ cựu, xưa cũ, rất nhà quê. Ngày nay, tuy già rồi, với nhạc Việt Nam hay nhạc « tình yêu » chỉ thích tiền chiến, « Nỗi lòng... Yêu Ai yêu cả một đời ... » , hay « Em đến thăm Anh một chiều mưa »... hay Boléro thật mùi thật « Sến ». Nhạc Pháp thì vẫn Yves Montand với « les Feuilles Mortes », hay Aznavour với « Sur Ma Vie »… cả nhạc Mỹ  cũng thế, Johnny Mathis với « A Certain Smile », hay Bing Crosby, Nat King Cole, hay Frank Sinatra...

Nói dông nói dài, cá nhơn tôi là một thằng nhà quê, với cái goût nhà quê ; ciné Mỹ thì phim cao bồi,  chưởng Tàu chỉ có hai ba phim với Lý Tiểu Long, một hai phim với Khương Đại Vệ thời những năm 72/73 Sài gòn, thuở ấy thường chiếu ở rạp Oscar, đường Trần Hưng Đạo thôi !

Hôm đám ma Johnny, tôi ngồi xem truyền hình suốt 4 tiếng đồng hồ, xem cái ngưởng mộ của dân bình dân Pháp, xem cái ngưởng mộ của dân thượng lưu Pháp, và khóc cho cái tuổi thiếu thời – nay đã mất - hẳn của tôi.

Merci Johnny ! Tu as emporté un bout de ma jeunesse avec toi. Cám ơn Johnny, bồ đã mang theo một mãnh tuổi trẻ của tôi !

Xin cảm ơn quý thân hữu đã chia sẻ cùng tôi một khoảng quá khứ !

Hồi nhơn Sơn , 10 tháng 12 2017

Phan Văn Song

No comments:

Post a Comment