Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday 27 September 2018

Tuesday, September 26, 2017

SONG QUÂN * LỜI NGUYỀN DƯỚI TRĂNG



LỜI NGUYỀN DƯỚI TRĂNG
SONG QUÂN 

Những tưởng rằng sẽ chẳng bao giờ có dịp nhắc lại chuyện xưa nữa, gần 14 năm trôi qua kể từ ngày bỏ nước ra đi, xa rời cố hương yêu dấu, lìa bỏ cha mẹ anh chị em, lìa bỏ vợ con bạn bè và cả những khung trời thân yêu xưa cũ...


Đó là là cả một nỗi niềm chua xót day dứt vô vàn, tôi đã cố nhiều lần không nghĩ đến, cố không dám moi trong ký ức những kỷ niệm thân yêu ngày xưa, mà để hình dung, mà để tưởng tượng, để mà sống triền miên trong niềm hạnh phúc hư vô của môt thời quá khứ son trẻ. Cũng chỉ vì mỗi jhi nghĩ đến ngay tự trong tôi, trong tâm khảm của chính mình luôn hằn lên nỗi đau nhức nhối, để luôn cảnh tỉnh cho tôi biết rằng cái thời điểm diễm phúc tuyệt vời của ngày xa xưa ấy giờ đã qua rồi, và qua đi từ lâu và hơn thế nữa đất nước giờ đây đã ngập chìm trong màu máu tanh tưởi.

Quê hương thần tiên của tôi giờ đã nằm trong tay bọn vô thần, bọn tôn vinh một thứ chủ nghĩa ý thức hệ quái đản. Đau đớn đã quá nhiều rồi, và thêm vào đó có càn phải chắc lại không? Gợi ra làm gì những chua xót của chuyến vượt biên đầy gian nan, đầy sóng gió trên biển cả mênh mông, vật vã với thiên nhiên để cốt tìm một chân trời nào đó, nơi có tình người, có lẽ sống, một nơi mà con người có đủ thứ tự do căn bản định hướng cho cuộc đời, một nơi có đời sống văn minh nhân bản đúng nghĩa của nó. Và để có được những điều ấy mà hơn hai triệu người Việt Nam nói chung và bản thân tôi nói riêng, đã phải đem sinh mạng của chính mình ra đánh đổi như một canh bạc, được thì có tất cả, nhược bằng không thì cũng đành phó mặc cho số phận vậy.

Riêng bản thân tôi may mắn nhờ ơn trên phù hộ đã đến được bến bờ bình an, dù cho cuộc hành trình này chúng tôi đã trải qua ít nhiều chua xót và đầy xúc động, tàu chúng tôi tuy không gặp những điểu nguy hiểm kinh khủng nhưng những con tầu khốn khổ khác nhuugn ít nhiều bién chuyển định mệnh trong chuyến đi cũng đã làm cho tôi ray rứt xót xa một thời gian dài. Gần 14 năm trôi qua rồi. Thật sự thời gian đó không đủ để cho tôi xóa đi những hồi ức cũ và có thể trong tương lai vĩnh viễn một kiếp đời tôi sẽ không thể nào quên những cảm giác bàng hoàng thảng thốt của tôi khi ấy. Câu chuyện dưới trăng trên biển cả mênh mông đêm ấy đối với tôi không có giá trị như một kỷ niệm đẹp đầy lãng mạn trữ tình, mà thay vào đó là một lời nguyền đáng sợ báo trước một cái chét đầy tức tưởi, đau thương của một cô gái...


Bao năm tháng đã trôi qua rồi, biết bao vật đổi sao dời, dòng đời cứ thản nhiên trôi nhưng lòng tôi cứ mãi quặn thắt, nỗi ray rứt luôn gặm nhấm tâm khảm không bao giờ nguôi ngoai, mỗi lần nghĩ lại, nhớ lại buổi nói chuyện đêm ấy dưới trăng vằng vặc và tôi không bao giờ ngờ rằng chính tôi là người được chọn để báo trước cho một định mệnh đầy đau thương tức tưởi...Mãi dến hôm nay dù đã quá xa, quá lâu đi rồi, cái kỷ niệm buồn xa xưa đó tôi đã luôn dằn nó trong ký ức của mình, và mãi mãi vẫn còn trong tiềm thức và luôn hiện hữu trong cuộc đời tôi không bao giờ quên nổi. Tình cờ lại có chương trình kể chuyện biển đông, hiểu được ý nguyện của những người tổ chức, thật sự trong tôi những cảm giác rùng mình xa xưa trở về thôi thúc mãnh liệt.

Cái ý tưởng của ban tổ chức thật là hay, chỉ nghĩ đến thôi là tôi đã thấy tâm tư tôi nhẹ hẳn đi. phải kể ra thôi. Tuy rằng với bạn đọc thì đây chỉ là một chuyện nhỏ thương tâm so với những hãi hùng của bao chuyến tàu bạc mệnh khác, nhưng đối với tôi là người trong cuộc được nói ra, được chia xẻ về những ẩn ức về tâm lý có lẽ rồi tôi sẽ được nhẹ nhàng thanh thản cõi lòng hơn chăng? Bài biết này tôi không mong gì hơn trước là cất đi gánh nặng trong lòng mình và hơn thế nữa là hy vọng sẽ góp thêm vào lịch sử một chút đau thương mà dân tộc mình vốn quá nhiều thiệt thòi đau khổ,mong lắm thay! Trước tiên tôi muốn hỏi các bạn có tin vào tâm linh hay không?

Các bạn có tin vào sự linh cảm huyền bí báo trước những điều sắp xảy ra không? Và sau nữa là những giấc mơ trong đó được kết thành bởi những ám ảnh nặng nề về tinh thần, về những giác quan mà hiện nay khoa học chưa giải thích được. Riêng tôi thì tôi tin lắm, tôi tin tưởng vô cùng bởi vì chính tôi là một nhân chứng được chứng kiến những điều kỳ lạ đó. Tôi muốn kể một câu chuyện xảy ra cho tôi và một chuyện nữa bi thảm hơn, cảm động hơn và tràn đầy thương tâm đã xảy ra cho một cô gái đi chung tàu với tôi. Trường hợp của tôi có thể là do một ám ảnh mơ hồ nào đó mà vì quá ao ước nên trong vô thức tôi đã cảm nhận được. Số là sau 30 lần đi không lọt. bị bể, bị rượt chạy cũng có, rồi xuống tàu nhỏ đón hụt tàu lớn cũng có, có khi lên tàu lớn rồi không ra cửa biển được, rồi nào bị gạt, bị gài.

Tổng cộng tôi bị đưa đi gỡ lịch 2 lần gần 3 năm, có như vậy mới nếm được mùi đời, mới rõ được bộ mặt gian trá của lũ cướp đã làm đau thương và nhục nhã cho cả một dân tộc. Có như vậy tôi mới rõ được quyết định bỏ nước ra đi của tôi là hoàn toàn đúng, những chuyện bị gài, bị bắt...không hề làm tôi nản trí sờn lòng, những việc đó chỉ làm tăng thêm trong tôi sự quyết tâm thực hiện cho kỳ được, vì luôn luôn tôi quan niệm rằng ở đời này muốn làm một điều gì trước hết phải có ý chí, nghị lực, cộng thêm vào đó một chút may mắn nữa thì hy vọng thành công sẽ rất lớn, vì vậy thua keo này tôi cố tìm, cố bày keo khác. Đầu năm 1989 tình cờ tôi được bạn bè giới thiệu qua Miên đi, tôi muốn nói gọn ở điểm này vì lẽ khâu tổ chức cũng chẳng khác gì những nơi khác, quẩn quanh cũng chỉ bằng nấy chuyện nên dù có kể ra cũng sẽ làm bạn đọc nhàm chán thôi. Vả lại bài viết có giới hạn nên tôi muốn đi vào câu chuyện chính ngay. Vào thời điểm sau cùng được thông báo lên đường, cái chân tôi vẫn còn đau lắm.

Trước đó một tuần chúng tôi đi Hồng Ngự, sau đó qua bến phà Nek Lương để vào Miên thì rủi xe bị lật ở nga ba An Hữu, vì là xe khách chạy lậu nên họ chỉ chở những người bị thương nặng đến bệnh viện thôi, còn sơ sơ nứt xương ngón chân như tôi thì họ bỏ mặc cho nằm đó, cố gượng đau tôi leo lên ruộng và bao xe ôm về Sài Gòn, tôi vào ngay bệnh viện bó bột và bất chấp lời khuyên của bác sĩ phải dưỡng ba tuần, tôi đón xe đò khác đi ngay cho dù cả thân mình đau ê ẩm và xương ngón chân bị nứt hành tôi nhức nhối vô cùng.

Ngay tối hôm đó tôi tới Nam Vang và gần một tuần sau thì được tin chuẩn bị đi, sau khi biết chắc chắn là đi tôi mượn cưa, cưa bỏ ngay lớp băng bột đi. Sáng hôm sau bằng nhiều phương tiện chúng tôi được tập chung trong một nhà kho kín đáo và nằm chờ xe đến. Trời hôm ấy nắng nhẹ, gió mát thổi từng cơn làm dịu cả lòng người, lòng tôi rộn vui vì nghĩ đây là một điềm lành và yên tâm ngồi chờ xe đến.

Sự háo hức và hồi hộp làm tôi đánh mất óc nhận xét và phán đoán, xe chạy ngang qua trung tâm thành phố mà hầu hết là chung cư, vì vậy ai có ngồi trên lầu tình cờ nhìn xuống sẽ thấy rõ chúng tôi mồn một vì chúng tôi chẳng có gì để che dấu cả, ai nấy chỉ cố thu mình cho gọn lại,chỉ ước ao mình nhỏ như kiến để chẳng ai nhìn thấy...và thế là việc gì đến phải đến, xe chúng tôi ra khỏi thành phố vừa gần đến ngã ba Svay Rieng là một đoàn xe Cup Honda rượt theo vây chúng tôi lại, nhìn những tên công an răng hô mã tấu hí hửng cười lòng tôi lại quặn thắt ngáo ngán thở dài..

.Ôi ông trời ơi! chúng tôi có tội lỗi gì đâu, chúng tôi có đòi hỏi gì đâu, chỉ mong được sống yên ổn tự do và cái điều ấy chúng tôi đã có được hưởng và vào một cái thời điểm đen đủi mà chúng tôi đã bị cướp đi một cách đầy tức tưởi và trắng trợn...Ới, ơn trên sớm cho chúng con thoát khỏi những trấn áp bạo tàn, xin ơn trên phù hộ cho chúng con sớm được hưởng một đời sống yên ổn tự do và hạnh phúc.

 Thế rồi bỗng dưng không hiểu là tôi có lòng thành tâm cầu khẩn hay là một ám ảnh ao ước về tâm lý quá lớn mà tự nhiên có chuyện lạ xẩy ra, là khi chúng đem chúng tôi về đồn, gom chúng tôi lại một chỗ trong khi làm thủ tục đem nhốt thì bỗng nhiên tai tôi nghe văng vẳng một tiếng nói: " Đi đi, hãy đi về đi!"...và tự nhiên có một lực kỳ lạ hay là bản năng thôi thúc mà tôi đã bước qua những tên công an cô hồn đang canh gác gần đó và ra đường cái trốn mất. Sau này các bạn bị bắt chung có hỏi sao liều thế và thực sự tôi đã không trả lời được.

Một tuần sau khi đã chuộc mọi người ở tù ra đông đủ là chúng tôi lên đường ngay, kỳ này cẩn thận hơn chúng tôi...Được thoải mái ngồi trên một chiếc xe bus du lịch xuôi về hướng cảng Shihanoukville. Vài tiếng sau xe rẽ vào một cánh rừng và từ đây chúng tôi phải băng rừng mà đi, đến lúc này thân tôi mới thật khốn khổ, hai ngón chân chưa lành nhức nhối vô cùng mà đi trong rừng thì mạnh ai nấy theo bước chân người kia, họ đi gần như chạy vậy, khổ thân tôi phải cố nhịn đau ráng theo cho kịp. Tôi cứ lẽo đẽo đi theo sau cùng, hai chân gần như mất hẳn cảm giác, cũng may ở trong rừng mau tối, mọi người phải đi chậm lại nhờ vậy tôi cũng ráng theo kịp.

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến bờ biển, nơi này khuất nẻo, như một cái vịnh nhỏ, cách xa bờ khoảng 200m đã có sẵn một chiếc tầu neo ở đó, lù lù đen đặc trong đêm tối. Cũng may lần này có chủ đi theo tiễn đưa nên mọi người được sắp xếp lên tàu đâu vào đó, sự hỗn loạn khi lên tàu không diễn ra như một vài lần trước tôi đã bị.

Khi mọi người đã yên vị trí là chúng tôi khởi hành ngay, đêm ấy thời tiết mát mẻ, chung quanh đều an ổn tạo cho tôi một cảm giác sảng khoái vô cùng. Đứng trên mũi tàu nhìn trời nước một mầu đen sẫm, sau lưng là núi rừng trùng điệp âm u, xa xa bên phải những bọt sóng đèn lăng quăng hiu hắt trải dài quấn quít trên mặt nước đen ngòm rọi từ cảng Shihanouville. Những le lói vàng ảo trong bóng đêm mờ mịt bất chợt gợi cho tôi chạnh lòng nhớ quê nhà, nhớ gia đình cha mẹ vợ con và nỗi buồn ly hương man mán dâng lên đầy cảm xúc, đúng là:
Thôi thế cũng xong một đoạn đời
Giã từ cố quận, lệ đầy vơi Sầu dâng tê tái hờn vong quốc Khóc kiếp giang hồ phận nổi trôi


Đã ba ngày đêm rồi vẫn chỉ toàn mênh mông trời nước một mầu, xa xa thỉnh thoảng xuất hiện một vài chấm đen ở chân trời xa thăm thẳm, khi ẩn khi hiện, sự thèm khát đủ thứ luôn tạo cho chúng tôi những cảm giác lạ lùng, những cơn nóng bức như thiêu như đốt dưới ánh mặt trời sáng tạo thêm nhiều ảo ảnh giả tưởng kích thích vô cùng sự đói khát mà chưa bao giờ chúng tôi gặp phải.

Rồi ngày cũng qua đi, chiều đã tàn, hoàng hôn buông xuống khi mọi người đang ngầy ngật ngủ say mê mệt, tôi chợt sảng khoái một chút vì khi đêm về cũng chính là lúc tôi mệt nhất vì xuốt cả ngày tôi rất là bận rộn, khi thì đôn đốc anh em bơm nước ra, khi thì người này sốt người kia ói, khi thì bận chia nước cho đều, vả lại còn phải canh giữ hai thùng nước nữa, khi rảnh tay một tí lại leo lên mui tầu quan sát khắp phương trời để mong tìm một cứu cánh nào đó, cho dù tôi vẫn biết rõ ràng điều đó khó còn có thể xẩy ra nữa khi cả thế giới đều đã quá mệt mỏi với người tị nạn Việt Nam, và cũng như chúng tôi không ngờ rằng những ngày chuẩn bị xuống tàu ra đi là ngày các trại tị nạn Đông Nam Á đóng cửa vĩnh viễn.

Đêm thứ ba rạng ngày thứ tư, như thường lệ tôi ra sau lái nằm nghỉ một chút, vừa mới chợp mắt mơ màng thì nghe có tiếng động nhẹ, mở mắt nhìn thì ra là một cô gái người Hoa ngồi ở trong cabin, những ai có con nhỏ chúng tôi đều ưu tiên dành cho họ chỗ tốt. Và đây là những gì chúng tôi đã nói với nhau tôi vẫn còn nhớ được phần nào.

 Cô ấy nhẹ nhàng hỏi tôi bằng tiếng Việt khá chuẩn: " Xin phép anh cho em nằm cạnh được không?" Ngạc nhiên tôi vội đáp: " Không sao cô nằm đi, nhưng sao cô không ở trong cabin, ở ngoài này đêm khuya khá lạnh và gió dữ lắm." Cô lắc đầu bảo: " Anh cứ cho em nằm đây đi, em không hiểu sao em sợ quá! Em lạnh và cô độc quá! Em lại vừa nằm mơ thấy lạ quá nên em sợ, em run quá, em muốn nói với anh điều này..." Cô tuôn một hơi không đầu không đuôi, tôi chẳng hiểu gì cả, và tôi cũng thấy lạ lùng nữa, vì cô ở trong khoang đã ba ngày đêm rồi, suốt ngày chỉ ôm con nằm ngủ thôi...

Tôi cũng khá mệt nên không còn thì giờ thắc mắc nữa, tôi nhích qua và đưa mền cho cô đắp. Cô vừa run rẩy vừa thổn thức... Tôi hỏi lại: " Cô lạnh hả? Cô đau hay sao? Có cần thuốc không?" Thì bỗng nhiên cô bật khóc, cô nói như mê sảng: " Anh ơi em sợ quá! Em lạnh quá! Áo quần em ướt hết rồi " Tôi thấy kỳ kỳ lại hỏi tiếp: "Cái gì vậy? Cô làm sao vậy? " Cô sụt sùi khóc và nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Anh ơi em mơ thấy kỳ lạ quá! Em thấy có một người đàn bà tóc xõa rũ rượi, mặc một cái áo dài trắng toát, bà ta lướt đi chầm chậm trên mặt nước, đến gần em bà chỉ ngay mặt em mà nói, ta nguyền rằng ngươi phải đi khỏi nơi đây để lo cho con và cho mọi người.

Vừa nói bà vừa vẩy nước vào mình em, lạnh quá và sợ quá nên em giật mình tỉnh dậy, em không dám ở trong đó nữa. Ôi em sợ quá!..." Rồi cô lại thở hắt ra, đôi mày nhướng lên sáng rực trong một thoáng rồi lại mơ màng xa xăm và rồi cô bật ngồi dậy như chợt tỉnh, rồi...run giọng cô nói: " Anh ơi em tin anh! Cho em gửi con anh chăm sóc giùm, bé Mimi nó còn nhỏ lắm, em chỉ tin anh thôi, anh nhớ nghe anh!"

 Rồi cô lại lẩm bẩm gì đó xong lại nằm vật xuống hai tay khua nhè nhẹ trước mặt, cô bắt đầu cất tiếng hát, giọng ca của cô nghe khàn khàn buồn não ruột và ngậm ngùi đứt quãng, tuy không hiểu lời vì cô hát bằng tiếng Hoa nhưng bản nhạc này tôi có biết. Đây là một bản nhạc hay của vùng Trung Mỹ và tôi được nghe bằng tiếng Anh do hai ca sĩ nổi tiếng thập niên 60 ca, đó là bản "El Condo Pasa" do Simon & Garfunkel hát.

 Tôi nghe đã nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe bằng tiếng Hoa, lời thì tôi không hiểu nhưng tôi cũng cảm nhận được âm hưởng của cô hát như chất chứa cả một nỗi niềm tuyệt vọng đầy nỗi ưu sầu như mang cả những lời tạ từ mãi mãi đi về cõi hư vô nào... Đêm đã về khuya lắm rồi, tôi cảm thấy hơi nhức đầu và mệt mỏi thực sự, muốn an ổn để ngủ một tí nên tôi rời cô leo lên nóc cabin nằm, và chẳng bao lâu tôi thiếp đi để rồi bật choàng dậy lúc gần sáng khi nghe có tiếng hét: " Có người rớt xuống biển "

Tôi cố mở mắt nhìn, sau đuôi tàu kéo dài hai vệt nước vẫn còn hơi mờ mờ sương sớm, tôi còn nhìn thấy một cái đầu người hai tay đang quạt nước, tạm yên tâm vì nghĩ rằng người đó biết lội, tôi cũng la hét phụ cùng mọi người, hối tài công quay lại.

Đến khi tàu quay sát lại bên người rớt xuống, tôi vẫn không biết đó là người nhảy xuống cứu mà cứ nghĩ rằng đó là người bị rớt xuống biển, trời mới hừng sáng ai cũng còn say ngủ, nên chẳng ai biết gì, thực sự nếu tôi biết rằng cô ấy rớt xuống biển không hiểu tôi có nhảy xuống cứu không? Và xuống rồi thì số phận tôi sẽ ra sao khi đang mặc bộ đồ ấm dầy như đang mặc? Như vậy có phải chăng lời nguyền kia đã ứng nghiệm và cô ấy đến số phải ra đi, đi cho con cô ấy và chúng tôi được sống.

Tôi còn nhớ rằng tâm trạng tôi lúc ấy bình ổn trở lại khi trên tàu quăng giây xuống cho người ấy leo lên, và cũng chẳng bao lâu sau tôi lại bực bội vô cớ vì vòng đầu không cứuđược, lý do là trên tầu quăng dây xuống nhưng lại không cột vào tầu, phải đến vòng hai mới cứu được...Sau khi thoa bóp, chà sát bằng dầu nóng, thì anh kia tỉnh lại. Bằng một giọng yếu ớt hoảng hốt anh cho hay một tin kinh hoàng rằng anh chỉ là người nhảy xuống cứu, còn người kia thì tuột tay mất rồi, chúng tôi xúc động quay lại vòng vòng tìm, riêng tôi khi biết người rớt xuống biển là cô ấy thì tôi đã run rẩy toàn thân.

 Một nỗi xúc cảm trào dâng ngùn ngụt, tôi đã la hét không cho tàu bỏ đi mà quay lại hai ba vòng để tìm, nhưng hỡi ơi chỉ là vô vọng. Đó đây chỉ là sự mênh mông im lặng ghê rợn, không một nơi nào có dấu hiệu vừa cướp đi sinh mạng một cách phũ phàng, thật là đau đớn và nỗi đau càng tăng lên khi anh bạn đã hồi tỉnh kể lại rằng anh dậy sớm nấu cơm và kịp nhìn thấy cô ấy hụt chân rơi xuống là anh bay theo xuống và chụp kịp được, anh bảo cô bình tĩnh chờ tàu quay lại, và khi tàu quay lại sát bên anh chụp được dây từ trên tàu ném xuống anh đã bảo cô: " mình sống rồi, cô vịn vai để tôi phăng dây ", nhưng hỡi ơi đầu dây kia trả lại không cột vào tầu, khi anh phăng sợi dây thì tầu từ từ trôi đi, người anh bắt đầu chìm xuống và ngay khi ấy vai anh nhẹ hẫng đi, cô ấy đã buông anh ra mà đi rồi, tay chân anh lúc ấy mỏi nhừ, anh đã đuối không còn cách gì chụp lại cô ấy được...

Thế là cô ấy đã đi, đi thật sự rồi, cô đi một cách đầy đau xót, đi để ứng với lời chiêm bao cho một lời nguyền siêu nhiên không thể tránh được, cô ấy đi cho bé Mimi và chúng tôi được sống, một sự ra đi huyền bí đã được cô ấy linh cảm trước, những gì cô ấy nói với tôi đêm qua giờ trải ra rõ ràng và tôi là người đã được cô chọn để trao gởi và trối trăn cho những ước muốn sau cùng, mà vì mệt mỏi tôi không nhận ra được, mà nếu có nghĩ đến thì tôi cũng chỉ kết luận là cô ấy vì quá lo nghĩ khiến thần kinh bị căng thẳng nên nói năng hồ đồ lẩm cẩm vậy thôi.

Khi đã hết cách rồi cũng đến lúc phải tiếp tục hành trình, lòng lâng lâng đau xót tôi rót dâng cô một chum nước, một ít cơm, ít cá khô và chân thành khấn vái:" Kính xin linh hồn cô sớm được siêu thoát và xin cô phù hộ cho tầu chúng tôi đến được bờ bến bình an. Về phần cháu, chúng tôi xin hết sức chăm sóc và sẽ tìm cho cháu sớm được đoàn tụ với gia đình ".

Và thật kỳ diệu, tuy tai nạn vẫn còn tiếp diễn kể cả những khi tôi cận kề với cái chết khi tàu bị hư máy lênh đênh trôi dạt trên biển cho đến khi gặp được một tàu đánh cá Thái Lan. Không cần biết là loại người gì, hiền hay dữ, chúng tôi chèo chống đến sát bên rồi tôi và một người bạn uống mấy ngụm nước mắm cho ấm người xong là nhẩy xuống biển lội qua tàu họ bám lưới leo lên, mặc cho họ dí búa hăm dọa, vì ở lại cũng chết thôi thì cứ lì lợm mặc may còn có cơ sống sót.

Có lẽ nhờ vong hồn cô độ trì nên chúng lại nhẹ dạ nghe lời chúng tôi, không lấy vàng bạc chỉ vét hết số tiền Miên chúng tôi còn giữ lại và sau đó họ kéo thuyền chúng tôi vào bờ, khi ấy trời đã gần sáng, xa xa tít mù là một dải đất mờ mịt, thì cũng vừa lúc họ cắt dây kéo tàu, vì họ được lệnh không được cứu người tị nạn. Chúng tôi tranh thủ chèo bằng mọi phương tiện trước khi gió đổi hướng thổi ra khơi, nhắm hướng nơi vệt đen thăm thẳm ấy là đất liền, là cõi sống, là nơi chúng tôi bắt đầu sống cho một cuộc đời mới, tươi sáng và có ý nghĩa hơn.

 Phỏng chừng hai tiếng đồng hồ sau tầu chúng tôi tiến gần sát bờ, khi ấy những tàu đánh cá Thái Lan mới hay biết, họ ào ra hơn mười chiếc vây boc lấy chúng tôi lại. Đến đây xin kết thúc câu chuyện, với các bạn câu chuyện này có chăng chỉ đem lại một xúc cảm nho nhỏ đáng thương thoáng qua rồi cũng sẽ vào quên lãng, nhưng với tôi, được kể ra sự thật những trăn trở trong lòng tôi cũng vơi đi ít nhiều.

Ôi nhẹ nhõm biết bao khi tạm không cất giữ trong ký ức những hoài niệm với quá nhiều chuyện chua xót. Tôi xin kể nốt những điều sau cùng của câu chuyện thương tâm này. Vì tôi là đàn ông nên không tiện giữ cháu bé của gười con gái vắn số kể trên, vì vậy cả tàu đồng ý giao cho mẹ của chủ tàu nuôi, thỉnh thoảng chúng tôi đến vui đùa với cháu, và có một đôi lần đang nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt thì cháu quay lại ngay giữa trời mà nói bằng tiếng Hoa như là đang nói chuyện với ai đó, làm cho chúng tôi phải rùng mình.

Cháu ở được nửa năm thì VNHCR cho đưa cháu về Việt Nam theo yêu cầu của bố cháu, vì anh ta không muốn bé Mimi qua Canada đoàn tụ với gia đình bà ngoại.Tôi cũng có liên lạc với người nhà ở Việt nam để thỉnh thoảng đến thăm cháu. Thêm một điều nữa vẫn còn gây thắc mắc trong tôi là khi tôi kể lại câu chuyện thì có một anh bạn người Hoa nói:"

Nghe anh kể mà tôi rùng mình" Hỏi vì sao thì anh ta đáp: " Tôi còn nhớ bản nhạc cô ấy hát có câu: xin cha mẹ tha thứ tội bất hiếu của con, con xin mượn dòng nước này đưa con về với gia đình ".Lời anh ta dịch đúng hay không thật sự tôi không biết. Chỉ xin kể lại với một sự đồng cảm trong nỗi chua xót đến tận cùng. Cuối cùng tôi xin được mượn những dòng chữ này để kính dâng lên cô lời khấn nguyện cho linh hồn cô sớm được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng, và mong cô tha thứ cho tôi đã không làm tròn được ước nguyện sau cùng của cô. Người ta thường nói chết là hết, giữa cô và tôi mình có quen biết gì nhau đâu thế mà sao bao năm qua rồi lóng tôi sao vẫn còn nhiều cay đắng thế. Ôi! Ngỡ ngàng trông như một giấc chiêm bao Thoảng không rơi rụng giữa ba đào Thương kiếp hồng nhan đà bạc mệnh Hồn phơi phách rụng lá nơi nào!:

::Song Quân:::° An Trần ° Học lực: Năm thứ nhất Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. ° Nhập ngũ: 23-9 -1973 tại trường Đồng Đế, Nha Trang. ° Ra trường: 15-9-1973 ° Phục vụ tại: Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang ° Chức vụ: Sĩ Quan Huấn Luyện Không Quân Phi Hành ° Vượt biên: năm 1989 ° Sang Pháp năm 1991 ° Sang Mỹ năm 1995 ° Hiện cư ngụ tại Garden Grove, California

HUỲNH KÝ ANH TÚ * CHÚNG TÔI VẪN SỐNG


HUỲNH KÝ ANH TÚ * CHÚNG TÔI VẪN SỐNG
Dưới đây là bài viết Chúng Tôi Vẫn Sống của Huỳnh Kỳ Anh Tú, người con của một cựu Sĩ Quan QLVNCH, một người trẻ rất đáng khâm phục.
Huỳnh Kỳ Anh Tú (Danlambao) - Tôi là một bác sĩ, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng sau này tôi đi du học và đã định cư tại nước ngoài từ lâu. Nhân tháng 4 năm nay, tôi muốn viết một thông điệp cho gia đình, bạn bè tôi, cùng tất cả những người từng là công dân Việt Nam Cộng Hòa, con cháu của họ, nhất là những đứa trẻ cùng thế hệ 8X như tôi.... 

Cha tôi là một sĩ quan quân lực VNCH, cấp bậc Trung úy. Ông có may mắn hơn nhiều bạn bè, khi chỉ phải đi tù cải tạo một thời gian ngắn. Năm 1979 cha tôi ra tù và về sống ở Sài Gòn (xin lỗi vì tôi không thể viết tên của kẻ tội đồ dân tộc mình), một năm sau tôi sinh ra. 

Từ khi tôi biết nhận thức thế giới xung quanh cho tới năm 18 tuổi, cha và mẹ KHÔNG BAO GIỜ nói với tôi bất cứ điều gì có liên quan đến chính trị hay nói xấu chế độ mới, cha tôi sống hiền lành, nhẫn nhục nuôi con cái, hòa đồng với tổ dân phố. 
 
Cha ghét chiến tranh và không bao giờ nhắc đến thời chiến đấu xa xưa của mình, đến mức không cho tôi chơi những món đồ chơi như súng, máy bay. Mẹ tôi thì cấm tôi nghe nhạc vàng hay những bài ca về lính, dù vậy sau này tôi vẫn lén nghe. Họ để cho tôi tự do lựa chọn con đường mình đi, ngay cả tôn giáo. Vì thế những gì tôi viết cho các bạn xem đưới đây là do CHÍNH BẢN THÂN tôi nhận thức được từ cuộc sống xung quanh mình. 

Với tính cách giang hồ lãng tử của cha tôi, trước 30-4 ông vốn đã không coi trọng tiền bạc, không nhà cửa, tiền vàng, chỉ có 2 bàn tay, chiếc xe máy cùng người vợ hiền nên sau 30-4 ông không mất gì cả về vật chất. Tuy nhiên, nỗi mất mát về tinh thần ám ảnh ông suốt đời như một vết thương không bao giờ lành được. 

Nhà tôi rất nghèo, lại phải chịu bất công từ mọi phía, mẹ tôi bị ép phải nghỉ sớm do lý lịch của cha, bà phải đi buôn thuốc men, thực phẩm để nuôi tôi lớn.... Lúc tôi 3-4 tuổi cha tôi đi làm vắng nhà cả ngày, ông làm đủ thứ nghề, buôn bán hàng phế liệu, đạp xích lô, đến tối mịt mới về nhà.
 
 Ngày nghỉ ông chở tôi lang thang trên các con đường ở Sài Gòn bằng chiếc xe đạp. Đường phố Sài Gòn thập niên 80 còn hoang vắng, tôi để ý một điều là ông luôn gọi những con đường bằng tên cũ, chỉ cho tôi những tòa nhà và tên gọi của chúng, nhiều khi tôi thấy ông dừng rất lâu ở một nơi nào đó và khóc.
Lớn lên một chút, ông luôn tìm cách hướng tôi về những điều chân thiện mỹ, thay vì phó mặc cho sự nhồi sọ của trường lớp, đội nhóm. Tôi còn nhớ ông mua sách báo cũ thời VNCH cho tôi đọc, nhất là Thiếu Nhi tuần báo. Ngày tôi được kết nạp đội, cha tôi ôm tôi vào lòng và ông rất buồn, nhưng ông dắt tôi đi xem phim Batman và đêm đó trước khi ngủ kể cho tôi nghe ông đã phải đi bộ hơn 5 cây số để mua sữa cho tôi uống như thế nào.
Tôi nhìn ra rất sớm sự giả dối, bất công, ngay trong trường lớp của mình, những bài văn mẫu, những người thầy ép học sinh học thêm tại nhà, những bài học lịch sử dối trá. 

Tôi muốn nói một điều với các bạn cùng lứa tuổi, rằng thế hệ sinh ra năm 78-80 tại Sài Gòn như chúng tôi PHẢI nhận thức rõ một điều rằng: Dù thể chế Việt Nam Cộng Hòa đã chết vào ngày 30/4/1975, nhưng nó vẫn tiếp tục cưu mang, nuôi dưỡng những đứa trẻ như tôi bằng tất cả máu thịt từ còn sót lại. Bọn cộng sản KHÔNG góp một chút công ơn nào hết trong việc nuôi dưỡng, che chở và giáo dục chúng tôi, thậm chí ngược lại là khác, chính bọn chúng là nguyên nhân gây ra mọi đau khổ, bất công, rủi ro cho số phận những đứa trẻ sinh ra giai đoạn này. 

Tôi ra đời trong một nhà bảo sinh của VNCH, khi tôi đau ốm, các bác sĩ và nữ hộ sinh được đào tạo từ ngành y tế VNCH đã chăm sóc cho tôi, dù họ là những người bị ngược đãi, phải sống cực khổ ăn không đủ no vì chính sách nô dịch của cộng sản, nhưng vẫn giữ trọn y đức và trách nhiệm. Từ khi cắp sách đến trường tôi may mắn hơn những đứa trẻ miền Bắc, vì được che chở dưới những lớp học, mái trường do cha anh chúng tôi, công dân của VNCH xây nên, chúng tôi may mắn được xem phim trong những rạp ciné hiếm hoi còn sót lại ở Sài gòn của VNCH. 

Trong khi đó, bọn cộng sản Bắc Việt đã làm gì cho chúng tôi? Từ tuổi sơ sinh, toàn bộ trẻ em như tôi phải chịu cảnh suy dinh dưỡng, ăn không đủ no, không có sữa để uống. Cha mẹ chúng tôi phải chạy ăn từng bữa, hy sinh những gì tốt nhất cho chúng tôi trong khi họ phải ăn độn bobo, khoai mì. Khi đau ốm bệnh tật không có đủ thuốc men chữa trị, phải đi vay mượn, đi mua kháng sinh ngoài chợ đen. Chúng tôi lớn lên, đứa thì lùn đứa thì còi xương, tội lỗi đó là do ai gây ra? 
 
Khi đi học chúng tôi bị nhồi sọ bằng những chuyện dối trá nhảm nhí, bị những cô giáo xã hội chủ nghĩa đánh đập không thương tiếc, phải đi nhặt lon, nhặt rác, dùng những cuốn sách giáo khoa cũ nát, đen thui, đêm về phải học bài dưới ánh đèn dầu tù mù, chịu nóng, muỗi đốt để mà kiếm cho được tấm giấy khen vô nghĩa. Lớn lên một chút, chúng tôi lại bị những thầy cô giáo bóc lột đến tận cùng bằng những chiêu trò dạy thêm tại nhà, ai không đến nhà thầy học thêm thì bị đì, bị đối xử bất công trên lớp. Lúc trưởng thành ra đời thì tương lai u tối vì 2 chữ lý lịch gia đình, phải hối lộ đút lót khắp mọi nơi mới kiếm được miếng ăn. 

Tôi lại muốn nói điều này cho bọn cộng sản và con cháu của chúng: Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống, và chưa bao giờ chịu khuất phục bởi bạo lực và sự đàn áp của cộng sản. Những người con của thế hệ VNCH vẫn sống, dù nhẫn nhục, nhưng không cúi đầu, không bao giờ chấp nhận đi chung đường với điều ác và dối trá... 

Bọn cộng sản không bao giờ khuất phục được ý chí và tinh thần của những công dân VNCH, chúng không bao giờ hiểu được tại sao cha mẹ chúng tôi đặt tên cho con cái mình là Nguyễn Đình Bảo, Nguyễn Khoa Nam hay Phan Nhật Nam (cha tôi đặt tên cho tôi là Huỳnh Kỳ Anh Tú, và tôi tự hào vì điều đó!). Tại sao mấy chục năm nay người ta vẫn thích nghe nhạc của Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương và dòng nhạc này đang hồi sinh. 

Bọn cộng sản muốn trả thù hèn hạ con cháu của VNCH bằng cách xét lý lịch, thì chúng tôi, những công dân VNCH cũng dùng lý lịch, căn cước của cha anh mình như một dấu hiệu nhận diện nhau, đùm bọc nhau. Cuộc đời tôi đã trải nghiệm không biết bao nhiêu sự ưu đãi, giúp đỡ từ bạn bè của cha tôi, hay thậm chí những người xa lạ, mỗi khi họ tình cờ biết cha tôi từng là sĩ quan quân lực VNCH, một người thầy nổi danh đã nhận tôi vào lớp luyện thi đại học và miễn học phí (hơn 2 triệu đồng) vì tôi là con của lính VNCH, nhiều bác sĩ đã chữa bệnh cho tôi hồi nhỏ không nhận thù lao khi biết cha tôi từng đi lính, một linh mục tại nhà thờ Dòng chúa cứu thế dạy kèm tiếng anh và tiếng Pháp cho tôi suốt 3 năm mà không lấy tiền. 

Bọn cộng sản cũng không bao giờ hiểu được tại sao bên cạnh chúng không bao giờ có mặt những người trí thức, nhân tài hậu duệ của VNCH, vì những cá nhân này không bao giờ chấp nhận vào đoàn thanh niên cộng sản, không bao giờ đi làm cho nhà nước, và một khi ra nước ngoài du học không bao giờ quay trở lại để phục vụ cho chúng, chúng có kêu gào 1000 năm nữa và dụ dỗ bằng tiền tài hay danh lợi, những người này cũng sẽ không bao giờ trở về cộng tác với chúng. Chúng chỉ tìm thấy những kẻ cơ hội, bợ đỡ, bất tài và ngu ngốc chấp nhận làm nô lệ cho chúng mà thôi. 

Đối với một số người, ngày 30-4 có thể là ngày đau buồn, họ cho đó là quốc hận, một số những kẻ ăn trên ngồi trước thì hoan hỉ ăn mừng, mừng cho việc họ đã giết, cướp chính anh, chị em một nhà của mình, nhưng tôi nhận rõ một điều là Việt Nam cộng hòa vẫn chưa chết, Sài gòn có thể bị chiếm đóng, chúng ta có thể bị đô hộ, nhưng công dân và hậu duệ của VNCH vẫn sống, vẫn vươn lên, vẫn đang giúp đỡ nhau, chúng tôi miễn dịch với mọi sự dối trá và độc ác của cộng sản, nhiều người vẫn đang đi tìm tự do, và sẽ có ngày chân lý sẽ chiến thắng.
Huỳnh Kỳ Anh Tú

HUỲNH KIM QUANG * 100 NĂM CỘNG SẢN NGA

100 Năm Cách Mạng Cộng Sản Nga, Làn Sóng Đỏ, Những Thống Kê Đen Tối

20/02/201700:05:00(Xem: 3968)
1- Lenin trong cach mang thang 10 nam 2017_wikipidiaLenin trong cách mạng tháng 10 của Nga. (Hình Wikipedia)

Cách mạng tháng 10 năm 1917 tại Nga do Đảng Bolshevik cầm đầu là biến cố lịch sử tang thương nhất không chỉ cho dân tộc Nga mà còn cho cả Nhân Loại. Bởi vì biến cố này làm Chủ Nghĩa Cộng Sản lan rộng khắp thế giới và giết chết hơn 100 triệu người. Một trăm năm nhìn lại, nó đã gây vô số hệ lụy thống khổ cho hàng tỉ người.

Bối Cảnh Xã Hội Nga và Cách Mạng Tháng 10 Năm 1917

Trong tác phẩm “Comrades! A History of World Communism” [Các Đồng Chí! Lịch Sử Chủ Nghĩa Cộng Sản Thế Giới] (1), sử gia chống Cộng người Anh chuyên về lịch sử Liên Bang Sô Viết Robert Service (2) viết rằng, “Nghèo đói và áp bức tạo ra mảnh đất phì nhiêu cho chủ nghĩa Marx nảy nở.”

Đúng vậy! Cách mạng tháng 10 năm 1917 của những người Cộng Sản Nga bắt nguồn từ bối cảnh xã hội nghèo đói và áp bức của nước Nga. Sau này cũng thế, các cuộc cách mạng Cộng Sản tại Trung Quốc, Việt Nam, v.v… đều khởi đi từ bối cảnh xã hội nghèo đói và áp bức.

Đầu thế kỷ 20, Đế Quốc Nga vẫn còn bị cai trị bởi chế độ quân chủ của Sa Hoàng (Tsar) (3), với hàng triệu nông dân chiếm đa số trong dân số sống nghèo khổ. Lòng dân bất mãn triều đình thối nát và độc tài của Sa Hoàng lên đến cực độ vào năm 1905 qua sự ra đời của hội đồng công nhân được biết với tên “Sô Viết” tại nhiều thành phố ở Nga để buộc Sa Hoàng phải thực hiện cải tổ dân chủ, đưa tới việc ra đời chính quyền dân cử, gọi là Duma.

Khi Nga Hoàng Nicholas II lôi kéo 11 triệu nông dân vào Thế Chiến Thứ Nhất [1914-1918], dân Nga cảm thấy chán nản cùng cực vì chết chóc và thương tật. Nước Nga lâm vào tình trạng lụn tàn làm cho cách mạng chín muồi. Vì vậy, vào tháng 2 năm 1917, cuộc biểu tình vĩ đại của các nữ công nhân bùng phát.
Lo sợ hỗn loạn đưa tới sụp đổ, triều đình Nga Hoàng kêu gọi quân đội đàn áp biểu tình. Nhưng giới phụ nữ đã thuyết phục binh sĩ buông súng đứng về phía họ để lật đổ Nga Hoàng Nicholas II và biến cuộc biểu tình thành cuộc Cách Mạng Tháng 2 mà kết quả là Chính Quyền Lâm Thời được thành lập.
Tuy nhiên, Chính Quyền Lâm Thời được lãnh đạo bởi các nhà ngân hàng, luật sư, kỹ nghệ gia, và các nhà tư bản, vốn không chuyên môn về chính trị, nên không đủ mạnh để thực hiện cam kết chấm dứt sự can dự của Nga vào chiến tranh. Điều này khiến nước Nga tiếp tục day dưa với cuộc chiến và làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chính Quyền Lâm Thời vì vậy lại bị chống đối, mà lần này cũng là các Sô Viết, hay “hội đồng công nông”. Họ muốn có được quyền tự quyết đối với vận mệnh của chính họ và của đất nước Nga.
Vào đầu tháng 10, người lãnh đạo Đảng Bolsheviks là Vladimir Lenin tổ chức cuộc nổi dậy chống Chính Quyền Lâm Thời. Những công nhân có trang bị vũ khí được biết với tên Hồng Quân và nhiều nhóm cách mạng khác được lệnh của Ủy Ban Cách Mạng Quân Đội của Sô Viết vào đêm ngày 6 và 7 tháng 11 năm 1917 chiếm các trạm bưu điện, nhà máy điện, nhà ga xe lửa, và ngân hàng quốc gia. Khi tiếng súng nổ ra từ Tàu Chiến Nga Aurora, thì hàng ngàn người trong Hồng Quân như vũ bão tràn vào Dinh Thự Mùa Đông. Chính Quyền Lâm Thời sụp đổ và được thay thế bởi chế độ Bolshevik. Sau khi nghe tin Dinh Thự Mùa Đông bị chiếm, người dân ở các nơi liền nổi dậy và đổ dồn về đó. Vladimir Lenin tuyên bố xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Nga. Chính quyền mới này được dựng lên bởi các Sô Viết và được lãnh đạo bởi những người Bolsheviks.
Vậy mà vào đầu tháng 11 năm 1917, ngay sau cách mạng, không ai nghi ngờ gì về chuyện giai cấp vô sản đã hậu thuẫn châm ngôn của Đảng Bolsheviks, “Tất cả quyền lực đều thuộc về các Sô Viết!” Thực chất đó chỉ là tuyên truyền mị dân, vì quyền lực thực sự đã không thuộc về các Sô Viết mà là nằm trong tay Đảng Cộng Sản Nga. Trường hợp này đã tái diễn tại Việt Nam khi Cộng Sản núp dưới cái bóng của Việt Minh để cướp chính quyền vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

Đảng Bolsheviks do Vladimir Lenin lãnh đạo là một nhánh chiếm đa số của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga (The Russian Social Democratic Labour Party) và nhánh thiểu số còn lại có tên Mensheviks do Julius Martov lãnh đạo. Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga còn có tên là Đảng Công Nhân Dân Chủ Xã Hội Nga (The Russian Social Democratic Workers’ Party) hay cũng được gọi là Đảng Dân Chủ Xã Hội Nga (The Russian Social Democratic Party) là đảng chính trị cách mạng xã hội được thành lập vào năm 1898 tại Minsk - thời đó là một thành phố nằm trong Đế Quốc Nga, bây giờ là thủ đô của Belarus - để thống nhất các tổ chức cách mạng khác nhau của Đế Quốc Nga.

Năm 1912 đảng này bị chia làm 2 nhóm, Nhóm Đa Số là Bolsheviks và Nhóm Thiểu Số là Mensheviks. Đảng Bolsheviks sau trở thành Đảng Cộng Sản của Liên Bang Sô Viết. Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga dựa trên lý thuyết Duy Vật Biện Chứng và Duycủa Karl Marx và Friedrich Engels. Nga lúc đó chủ yếu là một nước nông nghiệp, đảng này lại dựa vào lực lượng công nhân để làm cách mạng, dù Nga chỉ có ba triệu công nhân, chiếm 3% tổng dân sổ.

Trước Đại Hội lần thứ hai của Đảng Lao Động Dân Chủ Xã Hội Nga được tổ chức vào năm 1903 tại Bỉ, một tri thức trẻ có tên là Vladimir Ilyich Ulyanov, lấy tên giả là Vladimir Lenin, gia nhập vào đảng. Trước đó, tức là năm 1902 Lenin công bố bản phác họa nhiệm vụ và phương pháp luận của đảng có tựa đề “What is to be done?” [Điều gì cần được làm?] để thành lập “đội ngũ tiên phong của giai cấp vô sản.” (4)

tre em doiKhủng bố Ảo sau “Cách Mạng Tháng 10” tại Nga đã gây nên nạn đói làm 5 triệu người chết trước tiên là trẻ em.

Chế Độ Cộng Sản Nga

Ngày 8 tháng 11 năm 1917, Đại Hội Đảng Bolsheviks đã bầu Hội Đồng Ủy Ban Nhân Dân (Council of People's Commissars [Sovnarkom]) dưới sự lãnh đạo của Lenin trong cơ chế Chính Quyền Sô Viết, là chính quyền đầu tiên được dựng lên sau cách mạng tháng 10. Năm 1921, Lenin đề xuất Chính Sách Kinh Tế Mới, là hệ thống tư bản chủ nghĩa nhà nước khởi đầu tiến trình kỹ nghệ hóa và phục hồi từ Cuộc Nội Chiến giữa những người Cộng Sản và thành phần chống Đảng Bolsheviks kéo dài 4 năm. Năm 1922, Nhà Nước Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Sô Viết (the Union of Soviet Socialist Republics – USSR) được thành lập.

Lenin lãnh đạo chính quyền Cộng Sản Nga thực hiện các cải tổ xã hội chủ nghĩa, gồm chuyển giao nhà cửa và ruộng đất địa chủ cho các sô viết của giới công nhân. Lenin chủ trương cách mạng thế giới nhưng trước tình hình chưa ổn định của Nga, ông đã phải tập trung vào việc củng cố quyền lực trong nước. Vì vậy, ngay sau cách mạng tháng 10, Lenin chủ trương chính sách hòa bình với các trung tâm quyền lực thế giới và chấp thuận hiệp ước trừng phạt của quốc tế để nhường lại rất nhiều lãnh địa của Cựu Đế Quốc Nga cho Đức. Hiệp ước này đã bị phá bỏ sau khi Đồng Minh chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Nhất.

Ngày 9 tháng 3 năm 1923, Lenin bị tai biến mạch máu não làm ông tàn phế và đưa tới sự chấm dứt vai trò lãnh đạo chính quyền của ông. Ông chết vào ngày 21 tháng 1 năm 1924. Người kế nhiệm là Joseph Stalin.

Năm 1925 đảng Cộng Sản Nga của Lenin trước đó được đổi tên thành Đảng Cộng Sản Toàn Liên Bang. Trong thập niên 1930s, Stalin bắt đầu chiến dịch Đại Thanh Trừng, một thời kỳ hoang tưởng và đàn áp lan rộng lên đến cao điểm trong hàng loạt vụ án công khai và thanh trừng gần như tất cả Đảng viên. Với sự trỗi dậy của chủ nghĩa Phát Xit tại Ý và Đức, Đảng CS Nga tích cực hình thành các liên minh “an ninh tập thể” với các cường quốc Tây Phương. Khi chưa làm được điều đó, thì Liên Bang Sô Viết ký hiệp ước bất tương xâm với Đức, mà bị phá đổ vào năm 1941 khi Đức xâm lăng Liên Bang Sô Viết, khởi động cuộc “Chiến Tranh Yêu Nước Vĩ Đại”.

Sau chiến thắng của Đồng Minh vào năm 1945 của Thế Chiến Hai, Đảng Cộng Sản Nga thực hiện lý thuyết thành lập chính quyền của Stalin trong thời kỳ hậu chiến đi xâm chiếm lãnh thổ và mở rộng không gian ảnh hưởng, dùng chiến tranh ủy nhiệm và gián điệp cung cấp huấn luyện và tài trợ để khuyến khích phong trào Cộng Sản quốc tế.

Đêm ngày 2 tháng 3 năm 1953, Stalin bị tai biến mạch máu não và được chính thức tuyên bố đã chết vào ngày 5 tháng 3 năm 1953, thọ 74 tuổi. Trong hồi ký chính trị của Vyacheslav Molotov được xuất bản năm 1993, cho rằng Stalin bị ám sát chết, khi kể chuyện bộ trưởng nội vụ Lavrentiv Beria khoe với đệ nhất phó thủ tướng Vyacheslav Mikhailovich Molotov rằng ông đã đầu độc Stalin.

Sau cái chết của Stalin, Khrushchev lên lãnh đạo sau cuộc tranh giành quyền lực nội bộ với bộ trưởng nội vụ Lavrentiv Beria và thủ tướng Georgy Malenkov kéo dài tới năm 1955 mới yên. Khi ổn định vị thế lãnh đạo Đảng, Khrushchev bắt đầu chiến dịch đạp đổ thần tượng Stalin và chấm dứt triều đại khủng bố tập thể của Stalin trong nhiều thập niên trước đó, đã làm giảm sự áp bức xã hội. Trong Đại Hội Đảng lần thứ 20 được tổ chức vào năm 1956, Khrushchev lên án tội ác của Stalin. Dù nhiều chính sách kinh tế của Khrushchev có mang lại phần nào tiến triển, vẫn không đủ sửa sai quá nhiều vấn đề khó khăn nền tảng của nền kinh tế kiệt quệ của Liên Bang Sô Viết. Dù về đối nội có giảm áp bức xã hội, nhưng các chính sách đối ngoại của Khrushchev không đạt hiệu quả để thiết lập bang giao và quan hệ tốt đẹp với nhiều nước Đông và Tây Âu, đặc biệt với Đảng Cộng Sản tại Yugoslavia và vụ nổi dậy năm 1956 tại Ba Lan. Nói chung, tất cả đều muốn giữ thế độc lập với Nga. Khrushchev bị lật đổ ngày 14 tháng 10 năm 1964.

Người kế nhiệm là Leonid Brezhnev trong vai trò Tổng Bí Thư Đảng lần đầu tiên của lịch sử Đảng Cộng Sản Nga. Brezhnev tiếp tục sự nghiệp của Khrushchev trong việc chống lại phương thức khủng bố và bạo hành chính trị của Stalin. Tuy nhiên, Brezhnev chỉ trích các chính sách khác của Khrushchev. Trong Đại Hội Đảng lần thứ 25 vào năm 1976, tất cả mọi vấn đề khó khăn trong lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội dưới triều đại của Brezhnev đều lên cao điểm khiến chính quyền của ông trở thành bất lực. Sức khỏe ông ngày càng suy nhược đến nỗi ông bị nghiện thuốc giảm đau. Brezhnev chết vào ngày 10 tháng 11 năm 1982 giữa lúc nước Nga rơi vào tình trạng thất bại trầm trọng về kinh tế và đối ngoại với vụ sa lầy trong chiến tranh tại Afghanistan.

Sau khi Brezhnev chết, Andropov, lãnh đạo cơ quan tình báo KGB dưới thời Brezhnev, lên cầm quyền. Sau đó ông thất bại khi muốn đưa Mikhail Gorbachev lên thay thế vị trí lãnh đạo. Andropov chết ngày 9 tháng 2 năm 1984. Người kế nhiệm là Konstantin Chernenko. Nhưng Chernenko không thể xây dựng vị thế lãnh đạo vững vàng trong Đảng và chính quyền bởi vì tất cả đều bị Gorbachev kiểm soát. Chernenko mất ngày 10 tháng 3 năm 1985 để Gorbachev lên nắm quyền ngày 11 tháng 3 năm 1985.

Khi mới lên nắm quyền, Gorbachev thực hiện ngay cải tổ. Ông đẩy tất cả những cán bộ lãnh đạo đảng cựu trào ra khỏi guồng máy chính quyền. Ông hồi sinh lý tưởng của đảng bằng quan điểm mới và cải tiến quan niệm cũ. Một trong những hệ quả của cải tổ này là dẫn tới việc cho phép “đa nguyên tư tưởng” và kêu gọi thành lập “chủ nghĩa đa nguyên xã hội.” Năm 1986, Gorbachev ban bố chính sách “tái cơ cấu” mà tiếng Nga gọi là “perestroika” nhằm mục đích đưa nước Nga vượt qua khỏi nền kinh tế đang trì trệ bằng cách tạo ra cơ cấu tương quan và hiệu quả để thúc đẩy tiến trình kinh tế và xã hội. Năm 1988, Gorbachev đưa ra chính sách cởi mở [tiếng Nga là glasnost], trao cho người dân Nga quyền tự do mà họ chưa bao giờ có trước đó, gồm tự do ngôn luận.

Tháng 6 năm 1988, trong Đại Hội Đảng Cộng Sản Nga, Gorbachev đề xuất cơ chế hành pháp theo hệ thống tổng thống và lập pháp cũng được cải tổ gọi là Quốc Hội Đại Biểu Nhân Dân (Congress of People’s Deputies) được người dân bầu cử trên khắp Liên Bang Sô Viết vào tháng 3 và 4 năm 1989. Chính sách này đưa tới làn sóng dân chủ hóa ngoài ý muốn của chính quyền. Theo học giả Archie Brown, dân chủ hóa tại Liên Bang Sô Viết giúp Gorbachev làm suy yếu các thành phần chống đối thuộc phe giáo điều bảo thủ trong đảng nhưng cũng làm bùng nổ sự phản kháng quyết liệt của những người bảo thủ. Cuộc đấu tranh giữa Gorbachev và phe bảo thủ kéo dài cho đến khi ông bị đảo chánh vào tháng 8 năm 1991, lúc ông vắng mặt tại thủ đô Moscow.

Ngày 29 tháng 8 năm 1991 Liên Bang Sô Viết bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 25 tháng 12 năm 1991 Gorbachev từ chức thì một ngày sau Liên Bang Sô Viết cũng bị xóa sổ. (5) Đó cũng là ngày kết thúc 74 năm có mặt và thống trị của Chủ Nghĩa Cộng Sản trên nước Nga.

Làn Sóng Đỏ Cộng Sản Lan Khắp Thế Giới

Cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917 không chỉ tạo ra chế độ Cộng Sản Nga mà làn sóng đỏ Cộng Sản còn lan khắp nơi trên thế giới, tới Á Châu, Đông Âu, Trung Mỹ, v.v…

Tư tưởng Mác Xít bắt đầu truyền tới Trung Quốc sau Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919. Vào tháng 6 năm 1920, Quốc Tế Cộng Sản, được biết như là Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản tại Nga, đã phái Grigori Voitinsky tới Trung Quốc để gặp Lý Đại Chiêu và một số người khác. Grigori đã tài trợ và lập ra Đoàn Thanh Niên Xã Hội Chủ Nghĩa. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại tô giới Pháp ở Thượng Hải vào năm 1921 như là một hội nghiên cứu và mạng lưới không chính thức. (6) Trong Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 1 vào năm 1921 tại Thượng Hải có 23 đại biểu tham dự gồm, Lý Đạt, Lý Hán Tuấn từ Thượng Hải; Trương Quốc Đạo, Lưu Nhân Tĩnh từ Bắc Kinh; Mao Trạch Đông, Hà Thúc Hoành từ Hồ Nam; Đổng Tất Vũ, Trần Đàm Thu từ Hồ Bắc; Vương Tấn Mỹ, Đặng Ân Minh từ Sơn Đông; Trần Công Bác từ Quảng Đông; Chu Phật Hải đại diện các du học sinh ở Nhật Bản. Trong Đại Hội này, Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu không tham dự vì bận công việc.

Đại Hội do Trương Quốc Đạo chủ tọa, Mao Trạch Đông và Chu Phật Hải làm thư ký. Đại Hội đã bầu Trần Độc Tú là Thư Ký Trung Ương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đầu tiên, tương đương với chức Tổng Bí Thư Đảng sau này. (7) Trong chiến tranh Hoa-Nhật lần thứ 2 diễn ra từ năm 1937 tới 1945, Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Trung Hoa Quốc Dân Đảng tạm thời hợp tác để chống kẻ thù chung là Nhật Bản. Trong 8 năm này, Đảng Cộng Sản Trung Quốc gia tăng số lượng đảng viên từ bốn vạn lên tới một triệu hai còn quân đội tăng từ ba vạn tới một triệu.

Sau Thế Chiến Hai, nội chiến giữa Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại tiếp tục. Dù lúc đầu Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch thắng thế, kết cuộc thì bị Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông đánh bại và bị buộc tháo chạy ra Đài Loan. Sau đó, Tưởng Giới Thạch tái lập Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan và Mao Trạch Đông lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Lục Địa.

Cộng Sản xâm nhập vào Việt Nam rất sớm. Vào mùa xuân năm 1925, người thanh niên có tên Nguyễn Sinh Cung lấy tên giả là Nguyễn Ái Quốc tức là Hồ Chí Minh đã thành lập Hội Thanh Niên Cách Mạng Việt Nam mà đọc theo kiểu Hán Việt là Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Hội (Vietnamese Revolutionary Youth Association), là một tổ chức chính trị Cộng Sản.

Hội này lợi dụng lòng yêu nước muốn đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước để chiêu mộ hội viên. Hội tuyên truyền mục đích giành độc lập cho nước nhà và tái phân phối đất đai cho nông dân có ruộng làm ăn. Hồ Chí Minh lúc đó là một thành viên của Quốc Tế Cộng Sản được Quốc Tế Cộng Sản Nga phái tới Quảng Châu của Trung Quốc vào tháng 12 năm 1924 để thực hiện sứ mệnh kết nối vào tổ chức Cộng Sản các thành phần trí thức Việt Nam chống Pháp đang hoạt động tại Trung Quốc, rồi huấn luyện và gửi về Việt Nam hoạt động. Tới năm 1928, thì Trung Hoa Quốc Dân Đảng cấm Hội Thanh Niên của Hồ Chí Minh hoạt động tại Trung Quốc, nên hội phải hoạt động bí mật. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, 20 đại biểu khu vực Bắc Kỳ họp tại Hà Nội tuyên bố giải tán Hội Thanh Niên và thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1930 cuộc họp tại Hồng Kông đổi tên đảng thành Đảng Cộng Sản Việt Nam. Bị Quốc Tế Cộng Sản chỉ trích và áp lực vì không đặt chủ trương của phong trào cộng sản quốc tế lên trên hết, vào tháng 10 năm 1930 trong cuộc họp cũng tại Hồng Kông Đảng Cộng Sản Việt Nam lại phải đổi tên thành Đảng Cộng Sản Đông Dương trở lại.

Điều này cho thấy ngay từ đầu sự lệ thuộc sâu xa của Cộng Sản VN với Cộng Sản Quốc Tế. Trong cuộc họp này ông Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư Đảng đầu tiên. Tháng 2 năm 1941, Hồ Chí Minh về lại Việt Nam và thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, thường được gọi tắt là Việt Minh. Việt Minh tổ chức Cách Mạng Tháng Tám thành công để sang đoạt chống Pháp nhưng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản của ông thật sự cướp công cách mạng trong lễ tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội. (8)

Trận chiến đánh đuổi thực dân Pháp để giành lại độc lập cho đất nước vẫn tiếp tục đối với người dân Việt Nam. Sau biến cố Mùa Thu năm 1945 đó, lợi dụng lòng yêu nước và nhu cầu cấp bách đó của toàn dân, Cộng Sản núp sau danh nghĩa của Việt Minh tiếp tục xây dựng cơ sở, phát triển sức mạnh của đảng cho tham vọng lâu dài. Nhờ sự tiếp sức mạnh mẽ về nhân lực và tài lực từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Cộng Sản Việt Nam thắng Pháp tại trận Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 với sự hy sinh xương máu của hàng ngàn thanh niên Việt Nam yêu nước.

Biến cố này đưa tới Hiệp Định Geneva ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia cắt Việt Nam làm hai miền Nam-Bắc với hai thể chế Tự do và Cộng sản khác nhau. Bất chấp các điều khoản của Hiệp Định Geveva, đặc biệt điều khoản tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc để người dân quyết định vận mệnh tương lai của đất nước, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiến hành cuộc chiến xâm lược miền Nam với sự hỗ trợ tiền bạc, quân đội và vũ khí từ Trung Cộng, Nga Sô và các nước trong khối Cộng Sản Quốc Tế. Cuối cùng, lợi dụng việc Hoa Kỳ rút quân theo Hiệp Định Paris năm 1973 và cắt viện trợ sau đó, Cộng Sản Bắc Việt một lần nữa xẻ bỏ Hiệp Định Paris để thôn tính miền Nam vào tháng 4 năm 1975 để nhuộm đỏ cả nước và đặt nền cai trị độc tài toàn trị lên dân tộc Việt Nam từ đó đến nay.

Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, các nước như Bắc Hàn, Đảng Cộng Sản Bắc Hàn được thành lập vào năm 1925 (9); Mông Cổ, Đảng Cách Mạng Nhân Dân Mông Cổ thành lập năm 1924 đồng minh với Liên Sô (10); Cam Bốt, Đảng Cộng Sản Campuchia hay Khmer Rouge [Khờ Me Đỏ] được thành lập năm 1968 (11); Lào, những người Cộng Sản Lào thành lập lần đầu tiên vào năm 1950 Mặt Trận Lào Tự Do để chống chính quyền (12), cũng đã bị làn sóng đỏ tràn ngập một thời hay còn tồn tại tới ngày nay.

Xe tangTại Prague, tháng 8 năm 1968, quân đội Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc.

Tại Đông Âu và Trung Âu, sau Thế Chiến Thứ II, Hồng Quân Liên Sô xâm chiếm nhiều nước và dựng lên nhiều chế độ Cộng Sản tại các quốc gia này. Hầu hết các nước Cộng Sản Đông Âu và Trung Âu đều nằm trong liên minh với Liên Bang Sô Viết, ngoại trừ Yugoslavia đã tuyên bố độc lập. Quá trình Cộng Sản Nga nhuộm đỏ Đông Âu không hoàn toàn xuôi chèo mát mái, như trường hợp Hungary và Slovakia là bằng chứng cụ thể. Cách Mạng Hungary năm 1956 phát sinh ra tinh thần độc lập không muốn bị lệ thuộc Nga Sô đưa tới sự đàn áp đẫm máu hàng ngàn người dân phản kháng bằng quân đội do Đảng Cộng Sản Hungary điều khiển. Tương tự, tại Slovakia vào ngày 20 tháng 8 năm 1968, khi Đảng Cộng Sản Czechoslovak Communist Party do Alexander Dubcek lãnh đạo bắt đầu rục rịch vận động cải tổ để hạn chế tập quyền trung ương và đưa nền kinh tế thoát khỏi lệ thuộc, thì lãnh đạo Nga Sô Brezhnev ra lệnh quân đội Nga Sô xâm chiếm.(13)

Chủ Nghĩa Giết Người Nhiều Nhất Lịch Sử

Tổ Chức giáo dục và nhân quyền bất vụ lợi có trụ sở tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ có tên The Victims of Communism Memorial Foundation nói rằng “Cách Mạng Bolshevik tháng 10 năm 1917 đã đẻ ra một ý thức hệ giết người nhiều nhất trong lịch sử loài người, đó là Chủ Nghĩa Cộng Sản.” Tổ chức này cho biết trong vòng 100 năm qua, Chủ Nghĩa Cộng Sản giết chết hơn 100 triệu người trên toàn thế giới, và ngày nay vẫn còn tiếp tục cai trị một số quốc gia.(14) Giáo Sư sử học người Mỹ dạy tại Đại Học UC Berkeley, California, chuyên về lịch sử Nga là Martin Malia trong lời tựa cuốn “The Black Book of Communism” [phiên dịch từ công trình nghiên cứu của các học giả Pháp là “Le Livre Noir du Communism” - Hắc Thư Của Chủ Nghĩa Cộng Sản] cho rằng Chủ Nghĩa Cộng Sản đã giết từ 85 triệu tới 100 triệu người.(15)

Tại Nga

Sau khi Liên Bang Sô Viết giải thể, các hồ sơ chính thức của chính quyền được tìm ra cho thấy Cộng Sản Nga đã hành quyết tám chục ngàn tù nhân dưới thời Stalin, khoảng một triệu bảy bị giết trong các trại tù lao động khổ sai gọi là Gulag và 39 vạn bị giết trong các vụ cưỡng bách định cư - hồ sơ của chính quyền CS Nga ghi có tới ba triệu nạn nhân trong các loại giết người này. Riêng dưới thời Stalin cầm quyền, một số sử gia phỏng đoán có tới 61 triệu người bị giết. Trong khi đó nhiều học giả, trong số đó có nhà viết tiểu sử cho Stalin là Simon Sebag Montefiore và giám đốc loạt tài liệu “Annals of Communism” [Biên Niên Sử của Chủ Nghĩa Cộng Sản] của Đại Học Yale là Jonathan Brent thì cho rằng khoảng 20 triệu người bị giết chết dưới thời Stalin. Theo Giáo Sư Donald Rayfield trong vụ Khủng Bố Đỏ vào cuộc Nội Chiến Nga năm 1918, CS Nga đàn áp và giết chết hàng chục ngàn người trong các cuộc nổi dậy Kronstadt và Tambov. (16) Theo Nicolas Werth thì vào những tháng đầu của năm 1919, CS Nga hành quyết 12 ngàn người sau khi các làng mạc của Cossacks bị san bằng. (17) Từ năm 1937 tới năm 1953 dưới thời Stalin có khoảng bảy chục vạn người bị hành quyết bằng đạn vào đầu từ sau lưng, nhiều người bị tra tấn dã man tới chết trong lúc thẩm cung, nhiều người bị bỏ đói khát, bị bệnh tật và làm việc quá sức trong các trại tù lao động khổ sai. Từ tháng 10 năm 1936 tới tháng 11 năm 1938, ít nhất một triệu bảy người bị bắt giam và 724 ngàn bị xử tử. Michael Ellman trong tác phẩm “Stalin and the Soviet Famine of 1932–33 Revisited,” [Xét Lại Nạn Đói Năm 1932-33 Dưới Thời Stalin và Sô Viết] cho biết rằng khủng bố đỏ cũng được CS Nga thực hiện với các tu sĩ Giáo Hội Chính Thống Giáo và các tôn giáo khác. (18) Trong tác phẩm “Century of Violence” [Thế Kỷ Bạo Động] Alexander Nikolaevick Yakovlev cho biết các tài liệu của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga nói rằng có tới hơn 10 vạn tu sĩ nam nữ đã bị xử tử trong thời gian từ năm 1937 tới 1938.(19)

Tại Mông Cổ

Mùa hè và thu năm 1937, Stalin đưa nhân viên của Bộ Nội Vụ Nga tới Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ để thực hiện cuộc Khủng Bố Lớn Nhất Mông Cổ để bắt và hành quyết tới 35 ngàn người, trong đó khoảng 18 ngàn nạn nhân là các vị Lạt Ma Phật Giáo Mông Cổ.(20)

Tại Ba Lan

Mùa xuân năm 1940, Bộ Nội Vụ Nga hành quyết khoảng 21,857 tù nhân chiến tranh và các nhà trí thức Ba Lan trong vụ thảm sát tập thể được biết với tên Katyn.(21)

Tại Trung Quốc

Các thống kể của nhiều sử gia cho rằng sau khi Mao Trạch Đông nắm quyền hành cai trị Trung Cộng, các chính sách và những cuộc thanh trừng chính trị của ông đã giết hại khoảng 10 triệu người. Các tài liệu khác cho thấy Mao chịu trách nhiệm tới 70 triệu cái chết. (22) Các cuộc tàn sát quy mô nhất dưới thời Mao Trạch Đông xảy ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Các tài liệu nghiên cứu chính thức được phổ biến vào năm 1948, cho thấy Mao dự trù “sẽ tiêu diệt” “một phần mười nông dân” hay khoảng 50 triệu người để tạo điều kiện cho kế hoạch cải cách ruộng đất. Số người bị giết chết thực sự trong cải cách ruộng đất không nhiều đến thế, nhưng ít nhất là một triệu người đã bị giết. (23) Các cuộc đàn áp vì lý do phản cách mạng đã xử tử ít nhất 712 ngàn người, và bắt bỏ tù lao động khổ sai tới một triệu 290 ngàn người và một triệu hai bị quản thúc.(24) Trong tác phẩm “Mao's Great Famine: The History of China's Most Devastating Catastrophe, 1958-62,” [Nạn Đói Lớn Nhất Của Thời Kỳ Mao: Lịch Sử Thảm Họa Tàn Hại Nhất Của Trung Quốc] sử gia Frank Dikotter nói rằng kế hoạch Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại của Mao đã làm 45 triệu người chết vì đói. Dikotter phỏng đoán rằng ít nhất hai triệu rưởi bị giết chết hay bị hành hung tới chết trong thời gian Bước Tiến Vĩ Đại (1958-1962). Trong cuộc họp bí mật tại Thượng Hải vào năm 1959, Mao cho rằng thà để một nửa dân số Trung Quốc chết đi để một nửa kia có đủ lương thực để sống.(25) Trong tác phẩm “Mao’s Last Revolution,” hai nhà Hán học Roderick MacFarquhar và Michael Schoenhals phỏng đoán chỉ riêng ở nông thôn Trung Quốc có từ 750 ngàn tới một triệu rưởi bị giết trong Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). (26)

4-Thien An Mon 1989Một sinh viên đứng cản đường đoàn xe tăng tiến vào đàn áp biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989 tại Bắc Kinh, Trung Cộng. (Hình Wikipedia)

Ngày 4 tháng 6 năm 1989 đánh dấu Phong Trào Dân Chủ hay Biến Cố Thiên An Môn bị đàn áp và tiêu diệt. Tài liệu Từ Điển Bách Khoa Mở cho biết rằng ngày 15 tháng 4 năm 1989 khi Tổng Bí Thư Đảng CSTQ Hồ Diệu Bang bị đứng tim chết thì phong trào sinh viên đòi dân chủ cũng bùng lên trước tiên tại các đại học và sau đó lan rộng ra 400 thành phố khắp Trung Quốc. Cao điểm của cuộc biểu tình đòi cải cách và dân chủ diễn ra ngày 17 và 18 tháng 5 năm 1989 với hơn một triệu người dân Bắc Kinh xuống đường biểu tình. Ngày 20 tháng 5 năm 1989, Đảng CSTQ do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo ban hành lệnh thiết quân luật và đưa ba trăm ngàn quân vào Bắc Kinh. Ngày 4 tháng 6 năm 1989 thì chính quyền CSTQ triệt hạ cuộc biểu tình bằng bạo lực quân sự với xe tăng, súng ống. Ngày 6 tháng 6 năm đó, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên của chính quyền nói rằng số người chết là gần 300 gồm quân đội, 23 sinh viên và thường dân, cộng với năm ngàn công an và binh lính bị thương và hai ngàn thường dân cũng bị thương. Nhưng ký giả Nicholas D. Kristof của báo The New York Times cho biết vào ngày 21 tháng 6 rằng có tới 50 công an và từ 400 tới 800 thường dân bị giết. Trong một bài báo vào năm 1990, tạp chí Time nói rằng có tới hai ngàn 600 người chết trong buổi sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Thiên An Môn. (27)

Tại Cam Bốt

Chế độ Khờ Me Đỏ [Khmer Rouge], thống trị Cam Bốt từ năm 1975 tới 1979, đã hành quyết ít nhất hai trăm ngàn người tại những Cánh Đồng Chết và các chính sách của Khờ Me Đỏ cộng với bệnh tật và đói khát làm cho từ 1.4 triệu tới 2.2 triệu người dân Cam Bốt bị thiệt mạng trên tổng số dân lúc đó là bảy triệu người. (28) Trong khi đó Chương Trình Cambodian Genocide Program của Đại Học Yale cho rằng có khoảng 1.7 triệu người Cam Bốt bị chết.(29) Nhà nghiên cứu Craig Etcheson của Trung Tâm Tài Liệu Về Cam Bốt cho rằng số người chết là từ 2 triệu tới 2.5 triệu người. Sau 5 năm nghiên cứu khoảng hai vạn ngôi mộ, ông kết luận rằng “những ngôi mộ tập thể chứa 1.112.829 nạn nhân bị hành quyết.(30)

Tại Đông Âu

Tại Bulgaria, từ năm 1944 tới 1989, kế hoạch tập trung ruộng đất và đàn áp chính trị đã giết chết 31 ngàn người, theo Dinyu Sharlanov trong bộ sử “History of Communism in Bulgaria” [Lịch Sử Chủ Nghĩa Cộng Sản Tại Bulgaria].(31) Tại Đông Đức, theo Valentino, bắt đầu từ năm 1945 do đàn áp chính trị từ Liên Bang Sô Viết, đã có từ tám tới 10 vạn người bị giết.(32) Tại Romania, từ năm 1945 trong kế hoạch tịch thu ruộng đất và đàn áp chính trị đã có từ 60.000 tới 300.000 người bị giết chết.(33) 
Tại Bắc Hàn


Theo Rummel, R.J. trong tác phẩm “Statistics Of North Korean Democide: Estimates, Calculations, And Sources,” [Thống Kê Về Sự Tàn Sát Của Chính Quyền Bắc Hàn: Các Phỏng Đoán, Con Số, và Nguồn Thông Tin], (34) thì từ năm 1948 tới 1987, đã có hơn một triệu người chết vì lao động khổ sai, bị hành quyết và tù cải tạo tại Bắc Hàn. Những phỏng đoán khác thì cho rằng có tới 400 ngàn người chết chỉ trong các trại tù tập trung. Theo sử gia Pháp Pierre Rigoulot thì có tới 100 ngàn vụ xử tử, một triệu rưởi chết trong các trại tù tập trung và lao động khổ sai, nửa triệu qua đời vì đói khát, và một triệu 300 ngàn người bị giết trong chiến tranh Triều Tiên. Nạn đói thập niên 1990s đã làm chết tới 850 ngàn người dân Bắc Hàn.(35)

Tại Việt Nam
Theo Giáo Sư Kinh Tế Học tại Đại Học North Carolina Steven R. Rosefielde trong tác phẩm “Red Holocaust,” thì trong thập niên 1950s Hồ Chí Minh và Đảng CSVN tại miền Bắc đã giết chết tới 900.000 người trong cải cách ruộng đất và xử tử các thành phần đảng phái Quốc Gia khác.(36) Cải Cách Ruộng Đất là thảm họa kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Đảng CSVN mở những cuộc đấu tố và kết án thành phần trí thức, địa chủ mà không hề trải qua quá trình điều tra, thụ lý hồ sơ của tòa án có thẩm quyền và độc lập về tư pháp. Trong các cuộc đấu tố này đã diễn ra những cảnh trạng thống hận ngất trời với con tố cáo và xử tử cha mẹ ngay giữa cái gọi là tòa án nhân dân phi pháp. Đó là thảm kịch bi thương nhất của dân tộc làm đảo lộn luân thường đạo lý và đạo đức truyền thống lâu đời vốn là giềng mối giữ gìn kỷ cương gia đình và xã hội.
Chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất chính thức bắt đầu vào ngày 19 tháng 12 năm 1953 sau khi Quốc Hội VN thông qua Dự Luật Cải Cách Ruộng Đất 197/HL và ông Hồ Chí Minh ký ban hành và chấm dứt vào năm 1956. Theo Szalontai Balazs trong tác phẩm “Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955-1956,” thì số người bị ảnh hưởng chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc VN lên tới hơn bốn triệu. Chương trình giảm tá điền đã ảnh hưởng tới tám triệu người khi dân số tại miền Bắc VN lúc bấy giờ là 15 triệu người.(37) Số người bị xử tử trong Cải Cách Ruộng Đất lên tới hai trăm ngàn theo Từ Điển Bách Khoa Mở. (38) Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi CS Bắc Việt xâm chiếm miền Nam, chính quyền CSVN thi hành chính sách trả thù tất cả quân dân cán chính phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam trước đó. Chính sách trả thù đưa tới việc chính quyền CSVN đẩy hơn một triệu quân dân cán chính VNCH vào các nhà tù khổ sai mà họ gọi trại tù học tập cải tạo được dựng lên khắp nước. (39) Trong số người bị CSVN bỏ tù, nhiều người phải ngồi tù hơn 20 năm mới được thả ra với thân mang tật bệnh và suy nhược tinh thần. Tác giả Robert S. McKelvey trong tác phẩm “A Gift of Barbed Wire” [Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai] cũng đưa ra con số một triệu quân dân cán chính VNCH bị CSVN bỏ tù. Theo trang mạng Victims of Communism Memorial Foundation thì CSVN đã đẩy 850 ngàn người vào các trại tù cải tạo.(40) Việc miền Nam bị Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm năm 1975 không chỉ dẫn tới thảm họa một triệu quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đẩy vào các nhà tù khắp nước, mà cũng bắt đầu một thời kỳ bỏ nước ra đi của khoảng hai triệu người không chấp nhận chế độ Cộng Sản. Trong những ngày trước và ngay ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã có hơn 130 ngàn quân dân cán chính VNCH làm việc thân cận với Hoa Kỳ tại miền Nam đã di tản. Hầu hết đều được chính phủ Mỹ cho định cư tại Hoa Kỳ trong Chiến Dịch Cuộc Sống Mới và Chiến Dịch Những Ngưới Mới Đến (Operation New Life and Operation New Arrivals).

Vuot bienCuộc vượt biển vô tiền khoáng hậu của lịch sử Dân Tộc VN và thế giới làm chấn động lương tâm nhân loại.

Sau đó, cuộc di tản hay vượt biên, vượt biển vô tiền khoáng hậu của lịch sử Dân Tộc VN và thế giới làm chấn động lương tâm nhân loại và Liên Hiệp Quốc mở cửa nhiều trại tị nạn tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Hồng Kông, Tân Gia Ba, để tiếp nhận Thuyền Nhân [danh từ quốc tế đặt cho người Việt vượt biển], bắt đầu từ năm 1978 tới đầu thập niên 1990s. Chỉ riêng số người thuyền nhân không thôi đã có tới 800.000 từ năm 1975 tới 1995. Năm 1978, khoảng 250.000 người Việt gốc Hoa tại Việt Nam vượt biên bằng đường bộ sang Trung Quốc Lục Địa. Theo tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) có khoảng từ 200.000 tới 400.000 người tị nạn Việt Nam đã chết trên biển. Các phỏng đoán khác cho rằng tới 70% số thuyền nhân Việt Nam đã chết dưới biển.(41)
Kết Luận
Thảm họa mà Chủ Nghĩa Cộng Sản đã và đang gieo rắc cho loài người trong vòng 100 năm qua thì nhiều vô số kể, từ các cuộc tàn sát tập thể cho đến những vụ đàn áp khủng bố đỏ, từ những thất bại thê thảm về kinh tế làm người dân đói khổ, bệnh tật cho đến những phá sản nghiêm trọng nền tảng đạo đức, văn hóa truyền thống của các dân tộc bị Chủ Nghĩa CS cai trị.
Sử gia người Mỹ gốc Ba Lan dạy tại Đại Học Harvard và Cornell Hoa Kỳ Richard Pipes, đã có lần nhận định về sự thất bại và sụp đổ của Chủ Nghĩa Cộng Sản trên thế giới, “Chủ nghĩa Mác Xít, nền tảng lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản được dựng lên trên tiền đề sai lầm về sự chiếm hữu của con người – là lòng tham chiếm hữu và tích trữ tài sản cá nhân – là hiện tượng lịch sử tạm thời, nếu được giáo dục đúng mức thì có thể cải thiện. Chủ nghĩa Mác Xít muốn đưa loài người tới chỗ đó trong niềm tin rằng từ bỏ lòng tham tài sản sẽ đưa tới xóa bỏ bất bình đẳng kinh tế là nguồn gốc của xung đột giai cấp.”(42) Richard Pipes nói đúng vì mọi đảng viên CS trên thế giới đều tham quyền cố vị, tham nhũng bốc lột và cường hào ác bá hơn bất cứ chế độ nào trong lịch sử loài người từ trước tới nay.
Chủ nghĩa Cộng Sản trên thế giới sụp đổ còn vì nhiều lý do khác như họ không đủ khả năng để lãnh đạo và điều hành nền kinh tế từ nông nghiệp đến công nghiệp để đuổi kịp đà tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của xã hội loài người. Chủ nghĩa CS còn tiêu diệt tự do, khai phóng và sáng tạo cá nhân vốn là chất liệu cốt lõi để phát triển con người và xã hội theo hướng tiến bộ. Các chế độ CS trên thế giới, mà ngày nay còn lại ở vài nước như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba, đã cai trị đất nước bằng độc tài toàn trị, bịt miệng người dân, đàn áp và chà đạp nhân quyền, dân quyền của người dân đưa dân tộc đến tình trạng lạc hậu, chậm tíến và phản lại trào lưu tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền của tòan nhân loại. Một chủ nghĩa như thế thì sụp đổ là đương nhiên.
Nhưng có điều đau thương là nhân loại đã phải trả giá quá đắt cho sự có mặt của Chủ Nghĩa CS với hơn 100 triệu mạng người bị tàn sát!
***
Nguồn Tài Liệu Tham Khảo:
(1) Do Nhà Xuất Bản Harvard Univsersity Press, Cambridge, Massachusetts, xuất bản năm 2007; http://www.hup.harvard.edu/catalog.php?isbn=9780674046993

(4) https://en.wikipedia.org/wiki/October_Revolution

(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Communist_Party_of_the_Soviet_Union

(6) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Communist_Party_of_China

(7) http://onggiaolang.com/21-05-su-ra-doi-cua-dang-cong-san-trung-quoc /

(8) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Communist_Party_of_Vietnam

(9) https://en.wikipedia.org/wiki/Communism_in_Korea

(10) https://en.wikipedia.org/wiki/Mongolian_People%27s_Republic

(11) https://en.wikipedia.org/wiki/Khmer_Rouge

(12) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Laos_since_1945#Communism_in_Laos

(13) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_communism 

(14) http://victimsofcommunism.org/mission/

(15) Malia, Martin (1999), "Foreword" in “The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression,” Harvard University Press. trang 9-20.

(16) Donald Rayfield, “Stalin and His Hangmen: The Tyrant and Those Who Killed for Him,” Random House, 2004.

(17) Nicolas Werth, "A State against its People: violence, repression, and terror in the Soviet Union" trong The Black Book, trang 98.

(18) Michael Ellman, “Stalin and the Soviet Famine of 1932–33 Revisited,” Europe-Asia Studies, Routledge. Vol. 59, No. 4, June 2007, 663–693.

(19) Yakovlev, “Century of Violence,” 2002, trang 165;

(20) Hiroaki Kuromiya, “The Voices of the Dead: Stalin's Great Terror in the 1930s,” Yale University Press, December 24, 2007, trang 2. Hoặc Christopher Kaplonski, “Thirty Thousand Bullets, In: Historical Injustice and Democratic Transition in Eastern Asia and Northern Europe,” London 2002, trang 155–168.

(21) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes

(22) Chang, Jung and Halliday, Jon, “Mao: The Unknown Story,” Jonathan Cape, London, 2005, trang 3. Hoặc Rummel, R. J. “China’s Bloody Century: Genocide and Mass Murder Since 1900,” Transaction Publishers, 1991, trang 205. Trong đó Rummel nói rằng Mao đã giết tới 77 triệu người. Hoặc Fenby, Jonathan, “Modern China: The Fall and Rise of a Great Power, 1850 to the Present,” Ecco, 2008, trang 351. Tài liệu này cho rằng Mao chịu trách nhiệm cho cái chết của từ 40 triệu tới 70 triệu người trong các vụ tàn sát tập thể lớn hơn Hitler hay Stalin.

(23) Rummel, Rudolph J., “China's Bloody Century: Genocide And Mass Murder Since 1900,” Transaction Publishers, 2007, trang 223.

(24) Yang Kuisong, “Reconsidering the Campaign to Suppress Counterrevolutionaries,” The China Quarterly, 193, March 2008, trang 102–121.

(25) Dikưtter, Frank, “Mao's Great Famine: The History of China's Most Devastating Catastrophe, 1958-62,” Walker & Company, 2010, trang x, xi.

(26) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes

(27) https://en.wikipedia.org/wiki/Tiananmen_Square_protests_of_1989

(28) Chandler, David, “The Killing Fields.”

(29) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes

(30) Sharp, Bruce, "Counting Hell: The Death Toll of the Khmer Rouge Regime in Cambodia", ngày 1 tháng 4 năm 2005, bổ sung lại ngày 5 tháng 7 năm 2006.

(31) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes

(32) Valentino (2005), “Final Solutions,” 2005, trang 75.

(33) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes

(34) Rummel, R.J., “Statistics Of North Korean Democide: Estimates, Calculations, And Sources,” 1997.

(35) https://en.wikipedia.org/wiki/Mass_killings_under_Communist_regimes

(36) Steven R. Rosefielde, “Red Holocaust,” 2009, trang 110.

(37) Szalontai, Balazs, "Political and Economic Crisis in North Vietnam, 1955-1956", 2005, Cold War History, Vol. 5, No. 4, trang 401.

(38) https://en.wikipedia.org/wiki/Land_reform_in_North_Vietnam

(39) https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%8Dc_t%E1%BA%ADp_c%E1%BA%A3i_t%E1%BA%A1o

(40) http://victimsofcommunism.org/mission/

(41) https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_boat_people 
42) http://www.discoverthenetworks.org/viewSubCategory.asp?id=58

Huỳnh Kim Quang

TU VIỆN ĐÀ LẠT BỎ HOANG


Kiến trúc tu viện bỏ hoang của Đà Lạt



Tôi đến đó vào một buổi sáng trời mùa thu trong xanh. Con dốc lên đồi thông quanh co, vắng lặng. Sau rèm thông và cây cỏ um tùm, hiện lên một không gian kiến trúc mang sắc thái Trung cổ – một monastère (tu viện).
Từ trên ngọn đồi nhìn xuống cảnh vật u tịch, ngôi nhà nguyện của tu viện như kéo tôi về dăm bảy thế kỷ trước, lạc giữa một thế giới cổ kính bí ẩn mà tôi đã gặp đâu đó trong quyển tiểu thuyết Tu viện thành Parme của Stendhal hay Tên của đóa hồng của Umberto Eco. Vẫn đó, những đường khối khỏe khoắn, những bức tường điểm xuyết bằng đá chẻ và vòm cổng thâm nghiêm. Vẫn đó mái ngói sủi rêu qua thời gian và dãy hành lang âm u, lối đi mọc đầy cỏ dại. Vẫn đó, những cánh cửa gỗ đã bong tróc nước sơn và mọc lên những tai nấm độc… Tất cả ẩm ướt và chìm sâu trong một màn tối của cánh đồi nhọc nhằn gánh trên mình một phế tích khó minh định lai lịch.




Tiếng chim ngân trên tháp chuông phế tích – Nhà nguyện dòng Franciscaines.
Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên


Kiến trúc cổ xưa của ngôi nhà dòng này vốn đã nhuốm màu huyền bí thì cái thực tại bị lãng quên của nó lại càng vẽ nên trong hồn người đối diện bức tranh thời gian bể dâu u hoài. Nếu Umberto Eco đã phải sao lục cả một pho sách trong thư viện để tạo tác nên câu chuyện nhuốm màu trinh thám về những bí mật phía sau trận hỏa hoạn thiêu rụi tu viện dòng Benedict trên ngọn núi tuyết Apennine,

nước Ý những ngày cuối tháng 11-1327, nếu Adso (chủng sinh dòng Benedict xứ Melk, Đức), và William (tu sĩ và là học giả dòng Francisco) đã từng đi xuyên qua những bức tường dày để khám phá thế giới đầy hiểm họa của một tu viện ám chướng trong Tên của đóa hồng, thì lúc này đây, tôi, thật không may khi đứng trước khung cảnh hoang liêu của một monastère trên ngọn đồi thành phố cao nguyên Đà Lạt này, đã bất lực vì không tìm ra một manh mối tiểu sử nào, cho dù là tiểu sử trôi nổi về phương diện kiến trúc thuần túy để có thể tái hiện bất cứ đời sống nào bên trong thời gian.



Nhà nguyện dòng Franciscaines một sáng tháng 3/2017.
Ảnh: Hoàng Việt Đà Lạt


Không có án mạng nào ở đây, không có cơn hỏa hoạn nào ở đây, không có những cuộc biển thủ tri thức ở đây, không có những bản văn Khải huyền viết bằng tiếng Hy Lạp tẩm độc dược để đầu độc những kẻ hiếu tri hay những thư viện hiện thân của vũng lầy tội lỗi như trong văn của Eco… Chỉ có thể lần tìm được mối liên hệ rất nhỏ giữa câu chuyện bên trong cuốn tiểu thuyết trinh thám kia với lai lịch hiếm hoi tìm được về tu viện này, đó là cái tên hội dòng Francisco.




Tượng Đức Mẹ bên hông Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn


Trong Tên của đóa hồng, tôi gặp nhân vật William, một thầy dòng Francisco thông thái, một nhà ký hiệu học uyên bác đầy ý thức khai phóng, người đã cùng cậu chủng sinh Adso tìm ra sự thật của tu viện Benedict trong bảy ngày, thì ở đây, tôi lại gặp dáng dấp thông tuệ đó của William qua cái tinh thần khắc kỷ và tôn chỉ thừa sai của hội dòng có tên Franciscaines (tức, nhánh nữ của dòng Francisco) đã được Việt hóa thành Nữ Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ. Nói đầy đủ là Franciscaines Missionnaires de Marie.




Bên trong khuôn viên Tu Viện nhìn ra ngoài.
Ảnh: Biu Nguyễn


Lạ lùng thay, với một trường dòng, tu viện mang tính đặc thù về mặt kiến trúc như thế ở xứ cao nguyên, mà không hiểu sao việc tìm kiếm tư liệu về sự hình thành của nó hết sức khó khăn. Thi thoảng trên không gian mạng, có vài hé lộ xa xa gần gần của những tu sĩ, cựu học sinh nhưng chưa đủ kết nối thành bức tranh toàn cảnh.





Những lớp kính cửa sổ bị bể dần theo thời gian.
Ảnh: Biu Nguyễn
Phải chăng cái tinh thần Francisco nghèo khó và triết lý thừa sai quá đỗi thầm lặng nơi những “nhà du ca của Thiên Chúa” đã chi phối lối hành xử của những nữ tu sĩ mà màu áo xám khổ hạnh vốn đã trùng với màu đất đai, màu sương bạc của lãng quên. Họ đến và đi khỏi nơi đây không để lại một dấu vết gì ngoài cảnh hoang tàn của ngôi nhà nguyện và khu trường dòng ẩn mật và hiu quạnh.




Tượng đài Đức Mẹ.
Ảnh: Ngoc Tran


Tôi đã nhọc công kiếm tìm, như cậu chủng sinh Adso trong cuốn tiểu thuyết của Umberto Eco ngơ ngác bước vào cuộc viễn du thời gian trong một tu viện thâm u.



Con đường mòn dẫn vào Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn
Franciscaines Missionnaires de Marie quyến rũ không bởi những bóng ma, án mạng hay những điều gì quá khốc liệt, mà bởi sự lãng quên không âm vọng của nó. Những nữ tu sĩ Phan Sinh thừa sai nay về đâu? Họ còn ký ức nào về đời sống của một tu viện thời vang bóng? Họ còn lưu giữ mảy may nào những mảnh dữ liệu từ kiến trúc đến lề lối sinh hoạt trường dòng vào nửa thế kỷ trước?



Cây cối mọc um tùm tạo nên không gia hoang vu của Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn Nửa thế kỷ mà tưởng như đã chìm sâu vào cõi hun hút của đêm trường thời gian. Cỏ rêu lên um tùm. Lối đi u tối. Một phần mảng ngói trước tháp chuông nguyện đường đã bị bàn tay thô thiển nào đó ốp lên một miếng tôn màu trắng bạc.



Thánh giá trên mái nhà Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn
Không gian bên trong bỏ hoang và được tận dụng làm nơi ở, thiếu chăm sóc, phơi bày vẻ nhếch nhác, ẩm thấp. Duy chỉ có tháp chuông là một vòm khoét mềm mại như đôi mắt tu viện vẫn nhìn ra ngọn đồi, khi u hoài theo sương núi, lúc trong veo kể với lữ khách câu chuyện bể dâu, không đầu không cuối.


Những tầng lầu bỏ trống của Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn

Khi tôi đến, đã không còn tiếng chuông ngân nga trên đồi sương và những buổi kinh nguyện trên môi những nữ tu đồng trinh, mà chỉ có một bóng chim ngơ ngác đậu vào song thép lạnh trên vòm tháp chuông, đưa mắt nhìn khách lạ rồi hót vu vơ một tiếng. Thanh âm ấy nhói lên giữa thinh không rồi lịm tắt.



Những ron sắt bị hoen rỉ theo thời gian.
Ảnh: Biu Nguyễn
Như một khúc nhạc không phân biệt được là mô tả nỗi sầu muộn hay hân hoan.



Gian nhà phụ của Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn


Bên hông Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn


Lối vào Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn


Mặt sau Tu Viện.
Ảnh: Biu Nguyễn


Tượng Đức Mẹ vẫn trường tồn với cảnh vật hoang vu.
Ảnh: Biu Nguyễn


Toàn cảnh Tu Viện bị bỏ hoang.
Ảnh: Biu Nguyễn


Tu Viện bị bỏ hoang trong thời gian dài khiến cây cỏ leo lên đến nóc nhà.
Ảnh: Biu Nguyễn
Thông Tin Đà Lạt


(*) Bài được trích đăng từ tạp chí văn “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách” do NXB Trẻ ấn hành, 12-2014.
28/03/2017
-https://kienviet.net

TS.PHAN VĂN SONG * ÔNG THẦY TUỒNG



2017-09-21 : Hậu trường các sân khấu chánh trị:
Ông thầy tuồng vỡ kịch chánh trị.
Phan Văn Song
Dưới thời nhiệm kỳ cựu Tổng thống Pháp François Hollande, dư luận xứ Pháp đã hơn một lần thắc mắc « hỏi giấy » Ngài về cái lương « khổng lồ » Ngài trả cho anh thợ hớt tóc, ngày đêm túc trực hầu hạ tóc tai Ngài - 8 000 euros mỗi tháng - ! Nhiệm kỳ nầy, ông tân Tổng thống Macron cũng tạo một « scandale » do tiền trang điểm, son phấn, vẽ mặt, vẽ mày, làm dáng của Ngài cũng vượt mức - 26 000 euros, chỉ cho ba tháng đầu - !
Dĩ nhiên đã là Tổng thống thì phải là người của quần chúng, của toàn công dân. Vì khi ra gặp quần chúng, cộng đồng, tiếp khách, ông bắt buộc phải « chưn hình » dù có già có xấu như ma lem đi nữa, cũng phải tạo dáng đẹp đẻ vì thể diện quốc gia, vì quốc thể ! Phải ví ông như  là một kịch sĩ, một diễn viên, phải tóc tai tươm tất, dồi phấn thoa son, phải khuôn mặt hồng hào, tóc tai mướt đẹp, đầy sanh khí, dù rằng tối hôm trước, vì một lý do gì đó, Ngài phải thức khuya, thiếu ngủ, « long thề » bất an ! 
Ngài bắt buộc phải có một dàn giá bộ sậu người săn sóc, hầu hạ… Một lực sĩ đá banh kia mà còn có người đấm bóp, còn phải có tắm hơi nóng, tắm nước đá lạnh… phải thầy thuốc chăm lo, thuốc bổ an thần, thức ăn tẩm bổ ! Huống chi, là một Ngài Tổng thống, một ông Vua tân thời, dù rằng của một chế độ Cộng hòa Dân chủ ! Chẳng những phải cần cả một bộ sậu giàn giá hầu cận Ngài, còn phải có một anh Thầy tuồng, nhắc chừng, vẽ bài, vẽ bản, viết tuồng, ... để chàng kịch sĩ Tổng thống diễn xuất nữa ! Nếu chẳng may lâu lâu gặp phải diễn viên « hát cương » ẩu, « tuýttơ » liều, nay « tuyên » một đường, mai « bố » một nẻo ... kiểu Donald Trump ... chắc cũng phải xẩu mình ! Và anh Thầy tuồng của hí viện Cộng hòa, của một nhà hát dân chủ nầy, là anh :
Trưởng ban Nghi thức – Le Chef du Protocole
1/ Nghi thức : Vì từ cái cà vạt của Tổng thống đến chổ cắm điện của máy điện từ, qua đến những chổ ngồi quanh bàn ăn, đều do anh Trưởng ban nghi thức – Le chef du protocole lo lắng tổ chức cả.
Phải, chính anh trưởng ban nghi thức, kín đáo, đã sắp đặt, tổ chức, chỉ trong vòng một tuần lễ, tất cả những nghi thức của chương trình Tổng thống Huê kỳ cùng phu nhơn Donald Trump đến dự lễ Quốc khánh Pháp ngày 14 tháng 7 năm 2017
Cũng chính anh trưởng ban nghi thức, vào vào một đêm của tháng 8 năm 2011, tại Beijing, Cộng hòa Trung Hoa Cộng sản, phải lãnh cái nhiệm vụ rất khó khăn, là phải làm sao  thuyết phục một Tổng thống Nicolas Sarkozy của Công hòa Pháp, quá mệt mõi, chán ngấy bởi thái độ không thân thiện của lãnh đạo Tàu (vì bà vợ ở nhà tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma), muốn rời bỏ chương trình đang vừa công du vừa thăm viếng xứ Tàu và thủ đô Beijing, quá nãn, do cuộc hành trình quá dài, và chương trình quá nặng, rằng Tổng thống không thể bỏ cuộc, vắng mặt buổi họp sáng sớm hôm sau, phải tiếp xúc, phải bắt tay toàn bộ các người tham dự, và - mặc kệ, bỏ mặc, lơ là, không chiều chuộng cậu công tử Louis, đang nằng nặc, nhỏng nhẻo đòi phải cùng đi chơi, đi viếng Beijing, cùng với bố. 
Tối hôm đó, khi đến gặp Tổng thống, để là nhiệm vụ ấy, anh rất lo lắng, vì vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh, năm trước, cũng trong một trường hợp tương tự, ông Tổng thống nóng tánh nầy, quá bực mình, nổi nóng bởi một anh thuộc hạ dám cưởng ý mình, đã đuổi ngay anh trưởng ban nghi thức tiền nhiệm, mặc dù còn đang trên đường công vụ.
Cũng trong vai trò anh trưởng ban nghi thức, khi máy bay của Tổng thống sửa soạn đáp xuống phi trường của Camp David, Mỹ, đã nhắc nhở Tổng thống Pháp Hollande, rằng giấy mời của Tổng thống Obama, đã rõ ràng ghi chú rằng « y phục » phải thường phục thoải mái-casual, và các người khách đến dự phải, ít nhứt, là tháo bỏ cái cà vạt ra. Vậy mà, Tổng thống Hollande vẫn không nghe. Và cuối cùng, trong buổi gặp mặt ấy, ông là vị khách duy nhứt mang cà vạt ! Quê ơi là quê !
cũng chính trưởng ban than trời khi Tổng thống Hollande leo lên xe mình đóng cửa, trước khi Bà Hoàng Anh Quốc Elisabeth II leo hẳn lên xe bà. Và quê hơn nữa, ngày hôm trước Tổng thống Hollande đã, vụng về đưa tay ra bắt tay Bà Hoàng trước khi Bả chìa tay ! Hoàn toàn trật chìa với nghi thức và nghi lễ của Triều đình Anh Quốc !
Cũng chính anh (trưởng ban nghi thức) cũng đã, hết hồn, chỉ trước vài giờ trước khi máy bay của Bà Hoàng Anh Quốc (cũng Bả nữa !) và của 109 nguyên thủ và đại diện các nguyên thủ các quốc gia đáp xuống vùng Normandie, để cùng tham dự kỷ niệm Ngày D Day, ngày đổ bộ của quân đội đồng minh, 6-6-1944, mới được biết Bà Hoàng đội một chiếc nón đặc biệt cao, và chợt hiểu rằng, chiếc nón ấy của Nữ Hoàng Anh Quốc sẽ gặp khó khăn, vì cái trần của mui chiếc xe DS5 tân thời cáu cạnh dành riêng để chở Bà quá thấp, và sẽ làm bẹp chiếc nón. 
Và, cuối cùng vào phút chót, anh tìm tất cả mọi phương tiện (dùng cả trực thăng lớn chuyên chở), để đưa đến Normandie, một chiếc Vel Satis cũ, cất trong một góc của nhà xe của Phủ Tổng thống ở Paris, với chiếc mui cao, kịp thời cứu cái nón của Nữ Hoàng Anh Quốc ! Và chẳng những chỉ chuyện cái nón, cũng trong ngày ấy, trong chương trình ấy, với đầy những chi tiết, tỷ mỷ, đo lường bằng từng phút một, phải chọn một khoảng thời gian 15/20 phút để Nữ Hoàng Anh Quốc -  cũng Nữ Hoàng nữa ! Phải có 15/20 phút để cho cặp giò Bả nghỉ ngơi. Phải tìm chổ, một căn phòng tiện nghi, trên con đường hành trình chánh thức. Và quan trọng hơn, trong thời gian Bà Hoàng nghỉ ngơi, đoàn tùy tùng Anh Quốc hộ tống Bà phải không được biết, Tổng thống Pháp sẽ lợi dụng thời gian, tại một căn phòng gần đó, để tạo một cuộc gặp gỡ kín đáo để Tổng thống và Bà Thủ tướng Đức tồ chức một cuộc họp mật giữa hai đối thủ Nga và Ukraine…
Và cũng lại chính ông trưởng ban lễ nghi Pháp, với một khuôn mặt tỉnh khô, « thật thà khai báo » kể một câu chuyện hiền lành, vô thưởng vô phạt, cho vị trưởng đoàn ngoại giao Anh quốc khi vị nầy - vì nghe thấy những đi lại xào xáo ngoài hành lang của lâu đài, nơi Bà Hoàng nghỉ chơn - bước ra khỏi phòng bà Hoàng, để hỏi lý do… Ngoại giao ơi ! … bao xảo quyệt cũng vì mi ! – Ô Diplomatie ! que d’hypocrisie en ton nom !
Tổ chức, tiên liệu, nhắc nhở, khuyên nhủ, cố vấn, đối mặt với những bất ngờ, hát cương, nhập đề ngay, sáng kiến nhanh, quyết định nhanh, … xuất khẩu thành thơ, đối ứng bất ngờ, nhanh, chụp giựt, nhưng phải hợp thời hợp cảnh, đó là tất cả tài nghệ, ứng phó, nhanh nhẩu, nghề nghiệp của vai trò trưởng ban nghi thức của Điện Élysée, Phủ Tổng thống Pháp. « Muốn thiện hiện đúng vai trò của nghiệp vụ nầy, không cần một người am hiểu thời thế, lão luyện sự đời, không cần một người miệng lưỡi, khéo léo, chỉ cần một người siêu nghề tiếp vụ, với con mắt thiên nhãn ngó, đặt, theo dõi mọi nơi » Laurent Stefanini, 6 năm phục vụ ở Phủ Tổng thống, sau 5 năm làm việc ở Phủ Thủ tướng Matignon tả nghề mình. Nay, về hưu, nhường vai trò lại cho anh cựu phụ tá, Fédéric Billet, vào tháng 5 năm 2016, để tiếp tục công vụ, với năm cuối cùng của Tổng thống François Hollande, và nay, với Tổng thống Emmanuel Macron.
Từ ngữ « Nghi thức – Protocole » đến từ chữ hy lạp « protos » nghĩa là thứ nhứt-premier-first. Người giữ chức vụ trưởng ban nghi thức, tuy với một chức vụ chỉ ngang hàng với chức vụ Đại sứ, có một đặc quyền là đi vào mọi nơi, cổng/cửa « trước - số một » ông Tổng thống mình phục vụ, mỗi khi anh đi cùng, làm việc với Tổng thống. Anh vào mọi phòng ốc, trước vị nguyên thủ, nhiệm vụ thứ hai là nhắc nhở tên tuổi chức vụ các vị khách. Một bổn phận nữa là phải đạo diễn mọi thái độ, nhắc chừng, khi cần đi chậm, khi cần đi nhanh, nào chớ quên, nào nên nhớ …
Ngày 11 tháng Giêng năm 2015, sau khi khủng bố Hồi giáo quá khích Daesh giết hại 17 người ở Paris, khi được lệnh phải tổ chức cuộc diễn hành cộng hòa – la marche républicaine để ủng hộ nước Pháp và Paris đau thương, với 44 nguyên thủ quốc gia tham dự. Khi cần phải tiếp tất cả từng nguyên thủ một tại Điện Élysée, anh trưởng ban phải bố trí một người phụ tá đứng sau một chiếc cột, với một bản listing có hình để « thổi tên từng vị một, với tên gọi chức tước đàng hoàng -  tiếng Pháp lắm rắc rối, khi thì chỉ Ông-Monsieur, khi thì Ngài-Monseigneur, khi thì Son Altesse, lúc lại Son Excellence … !». 
Bộ Ngoại Giao Pháp, Quai d’Orsay, có một « bộ sậu 105 người » chuyên cái nghiệp nầy. Hệ thống gồm tiếp vụ, thông ngôn, phiên dịch, nghi lễ, chỉ đặc biệt để tiếp khách -750 lần một năm, chỉ riêng nội cho năm 2016 thôi ! Riêng một bộ phận chỉ lo cho phần đặc quyền, đặc nhiểm ngoại giao – immunité diplomatique, với toàn phần các nhơn viên ngoại giao các sứ quán ở Pháp. Sở đặc nhiệm nầy rất bân rộn, vì chỉ ở ngay trên đất Pháp đã có tất cả 10 000 diplomates- ngoại giao nhơn, và 40 000 « người có quy chế đặc biệt – personnes à statut particulier ». Đất Pháp cũng là nơi có rất nhiều tư thất riêng hay nhà phụ-résidences secondaires của nhiều nguyên thủ hay thủ tướng ngoại quốc, vào khoảng trên 60 chục căn.
Nghi thức của Phủ Thủ Tướng do Bộ Ngoạo giao lãnh, với một ê kíp riêng, 4 người. Riêng Phủ Tổng thống gồm khoảng chục người và ăn ở hẳn tại chổ, ở Phủ. « Tổng thống Pháp là người giao tế rộng, đặc biệt với ngoại quốc » Laurent Stefanini nói rõ. Nào G7, G8, G20, rồi các hội nghị thượng đỉnh, nào Pháp thoại, nào Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ La tinh … rồi thương mãi, môi trường, khí tượng …song phương, đa phương … ấy là chưa kể những tiếp đón, hay những đi viếng thăm các nguyên thủ bạn, tuần nào cũng có, tháng nào cũng có. 
Anh trưởng ban nghi thức biến thành một trưởng ban nhạc, có khi cả một nhà đạo diễn, viết tuồng, tạo tuồng, dựng tuồng, luôn luôn phải tạo dựng một không khí chánh trị một màn kịch chánh trị an lành, mưa thuận gió hòa, mặc dù trong một chánh trường quốc tế đầy sôi động. Những màn bắt tay, những bài hát đầy nụ cười, những khúc nhạc đầy ôm nhau, vỗ lưng nhau, từ cách hôn tay, siết tay, đứng gần, đứng xa, hàng hai, hàng ba, xa gần… đều có nghĩa cả, đó là những nhịp của những khúc dạo, khi moderato, khi moderato nhưng cantabile, có khi saccato, giựt gân, nhưng phải làm dịu lại để qua vivace …. Thế giới là vậy…trình diễn, đi đêm… cười trước mặt, đâm sau lưng. Chưỡi nhau, hù nhau, hôm nay, bạn hiền hôm sau ! Không bạn muôn đời, không thù muôn kiếp !
Nhưng « Nếu được, nên tổ chức tại nhà mình, nhiều lợi thế hơn ! Nơi đây mình là chủ nhà, chủ tình hình, chủ chương trình ! » Laurent Stefanini nhắc rõ. Nhưng khi, chẳng may, nếu thất thế, phải làm khách mời, anh trưởng ban nghi thức phải đi trước một tuần, vài ngày, dò đường, thương thuyết chương trình « được tiếp » cho đầy thuận lợi cho « xếp mình » : từ nơi nghỉ ngơi, nơi họp, các phòng ốc tươm tấp phải « đáng giá vai vế, gương mặt quốc gia, quốc thể », tươm tất, ngon lành, sang trọng là cái dỉ nhiên rồi, và không được xa nơi phái đoàn làm việc, với đầy đủ hệ thống an toàn và thông tin, nếu cần, phải đi hẳn vào chi tiết … như đầy đủ những ổ điện để cắm điện cho các tất cả các máy điện tử của phái đoàn, từ viết đến in ấn, chụp sao hình... 
Một trận chiến về « ego diplomatique – tự ái, quốc thể ngoại giao » vì tất cả mọi phái đoàn đều cho mình là quan trọng cả không ai nhường ai. Thí dụ phòng riêng làm việc của phái đoàn Pháp nếu quá xa phòng họp, sẽ làm mất thì giờ vị Tổng thống mình, và khi cần tiếp vận mất thì giờ đi lại …Vì Pháp là … đệ nhị quốc gia Liên Âu, đệ … ? của thế giới ! Phải cần một nơi để sửa sang, chỉnh hình … Ngài Tổng thống, lúc trang điểm, khi cắt tóc, lúc nghỉ ngơi, khi xả uế … !
2/ Nghi lễ: Thiên hạ thường nhầm lẫn nghi thức-procole với nghi lễ-cérémonial !
Nghi lễ là một phần phụ thuộc của nghi thức. Nghi lễ là những thể thức sắp đặt hệ thống ưu tiên thứ tự trong các vai vế các yếu nhơn ngoại giao hay quốc thể.
Tháng 7 năm 1804, Napoléon I - cũng Napoléon I - đã viết ra bảng hệ thống hóa nghi lễ cho các yếu nhơn quân đội, công chức và cả tang lễ. Bảng nghi lễ nầy được Đệ tam Cộng hòa Pháp tái áp dụng vào năm 1907, và được tân thời hóa vào năm 1989 bởi Tỉnh ủy Cộng hòa-Préfet Jacques Gandouin, cũng do ông cập nhựt lại năm 1995. Chiếu bảng nghi lễ nầy, Tổng thống Cộng hòa Pháp là vai thứ nhứt của mọi nghi lễ nước Pháp, kế đến là Thủ tướng, đến Chủ tịch Thượng Viện, vai thứ tư là Chủ tịch Hạ Viện, sau đến các cựu tổng thống, các cựu thủ tướng, … tất 61 hạng người cuối cùng là Chủ tịch Công ty Quốc gia các kiểm soát viên ngân khố - Président de la Compagnie nationale des commissaires aux comptes…
Càng sắp hàng cao, càng quan trọng, thì phải đến và khi cần phát biểu một ý kiến, càng phải nói sau cùng, và càng quan trọng càng rời đi về càng sớm. Đó là lễ nghi của xứ Pháp. Và nhức đầu hơn, khi gặp phải những khách mời ngoại quốc. Trộn thứ tự thế nào để khỏi phật lòng thiên hạ đây ? Cả người nhà, cả khách quý!Nghi lễ buộc rằng, theo cùng một hàng chức vụ, ưu tiên cho người lớn tuổi. Theo lẽ thường, một vị lãnh đạo già nua một quốc gia tý con, nghèo yếu ưu tiên hơn anh lãnh đạo trẻ tuổi tài cao một quốc gia tiên tiến cường quốc. Đó là lý, nhưng về tình thì phải thương thuyết mặc cả trả giá thiệt hơn. Ngoại giao … trường tình … tuồng hát  !
Bàn ăn cũng thế, chổ ngồi quan trọng, chủ nhà ngồi giữa, xong bên phải, rồi đến bên trái … Sắp đặt ai nói trước, ai nói sau … đều do anh trưởng ban nghi thức đạo diễn cả. Nhưng có khi cũng bị ọc rơ – hors jeu. Như khi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hollande do cựu Tổng thống Sarkozy trao tay cho tân Tổng thống … Trên đường nhậm lễ, bổng bà bồ của tân Tổng thống, bà  Valérie Trierweiler, nổi hứng bất tử, rời phái đoàn, đi bắt tay các quan khách, báo hại ông Tổng mới chờ, ông Tổng cũ cũng chờ… phái đoàn phải ngưng, nghi lễ trễ nãi … Bài vỡ bể, tuồng hát bắt đầu phải cương ...
Nghi thức, nghi lễ là do con người, không qua con người và cá tánh con người được !
Thế kỷ XVII, Vua Louis XIV, có nói «  Nhơn dân, quân chúng, công dân, thần dân của chúng ta, không thể thấu hiểu nỗi chiều sâu của triều đình, chỉ biết nhìn và đánh giá vào bề ngoài, mặt nổi , nên chỉ biết nhìn vào nghi thức, nghi lễ và phẩm trật để tỏ lòng mến mộ và khâm phục – Les peuples sur qui nous régnons, ne pouvant pénétrer le fond des choses, règlent d’ordinaire leur jugement sur ce qu’ils voient au dehors, et c’est le plus souvent sur les préséances et les rangs qu’ils mesurent leur respect et leur obéissance » !
Dù là tuồng hát, nhưng nghi thức, nghi lễ rất cần thiết cho thuật trị dân. Đau !
Hồi Nhơn Sơn, đầu mùa gió lạnh
Phan Văn Song

No comments:

Post a Comment