1. Hai cánh tay trói chặt
Còn đưa lên khỏi đầu
Đòi ôm lấy trời cao
Đòi ôm hết các vì sao…


Đầu tháng 7 năm 1976, tuy đã vào Thu nhưng trời vẫn còn oi bức trong trại cải tạo Cây Cày, vùng Tây Bắc tỉnh Tây Ninh khu sát biên giới Miên - Việt.

Tối hôm đó, như thường lệ, chúng tôi họp tổ để thông báo công tác lao động cho ngày hôm sau. Vì là tổ trưởng - anh em luôn đẩy tôi ra làm tổ trưởng từ ngày nhập trại bên Trảng Lớn, chuyển sang Đồng Ban và rồi đến đây – tôi được dịp thao thao “lên kế hoạch” với anh em:
- "Ngày mai công tác chúng ta vẫn là mỗi người chặt và mang về hai cây tre, dài ít nhất 10 mét, khúc ngọn nhỏ nhất cũng phải bằng một chít tay".

Rút kinh nghiệm hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ không làm như những tổ khác, nghĩa là sẽ không dùng thang leo lên khỏi lớp gai rồi mới chặt mỗi người hai cây, nhưng tổ chúng ta sẽ chia làm hai nhóm, mỗi nhóm sáu người, chọn hai bụi tre lớn gần nhau, sau đó áp dụng chiến pháp “công thành triệt mộc”, ta sẽ phá từ ngoài phá vào, gặp gì chặt đấy, không phân biệt tre hay gai. Cách này sáu thằng thay phiên chặt, chỉ ba, bốn tiếng đủ tre để nộp cho hai ngày.

Tôi đưa mắt nhìn một vòng:
- Rồi! Kế hoạch như vậy, có thằng nào ý kiến gì không?

Tổ tôi may mắn gồm toàn những tay trẻ, độc thân, vì chúng tôi luôn tìm cách đứng chụm vào nhau nên sau mấy lần chuyển trại và “biên chế”, phần lớn vẫn còn chung một tổ và xưng hô “mày tao” thân mật.

Trong tổ cũng có vài anh ngoài ba mươi, như nhà tiến sĩ ngôn ngữ học, nói được năm thứ tiếng, mới từ Pháp về, hay anh Bác sĩ Quân Y đã ra trường vài năm, có điều cả hai anh này đều cù lần, chậm chạp, sau một thời gian được kính trọng, giờ đây cũng đã được xếp đồng hạng… “thằng” và xưng hô “mày, tao” tự nhiên. (1)

Hùng, giặc lái L19, to con nhưng rất nhát, rụt rè lên tiếng hỏi:
- Mình “đạt chỉ tiêu”sớm qúa nó bắt mình làm nữa thì sao? Mày không nhớ...

Tôi lắc lắc đầu, chép miệng:
- Không trách tụi nó gọi mày là Hùng khờ! Ai bảo mày chặt được bao nhiêu nộp hết bấy nhiêu. Chỉ nộp mỗi thằng hai cây thôi, số dư dấu dười suối, hôm sau mình cũng làm bộ chặt như người ta nhưng chỉ hai thằng ở ngoài canh bi-đông (bộ đội) thôi, còn tất cả rúc vào bụi, nấu cà phê, châm thuốc lào nghe thằng Phong kể Jack London, thằng Hợp kể Leon Tolstoy hay tao kể Hồng Lâu Mộng. “Nắm bắt” được chưa? Còn thằng nào muốn hỏi nữa?

Hùng lẩm bẩm:
- Thì mày nói sao tao làm vậy, tao nhận chân . . khuôn vác, như tuần trước.

Hùng có sức vóc và rất hiền lành, chân thật. Tuần trước đi cắt tranh, mỗi người phải nộp hai gánh mỗi ngày. Cắt tranh tuy không quá cực nhọc nhưng rất nguy hiểm, ban quản giáo họ lùa chúng tôi vào cắt trong những chỗ vốn từng là mật khu, toàn mìn bẫy. Ngay bữa đầu đã có người mất giò, người bị thương.

Vì là công tác cả B (khoảng đại đội), sau vài ngày, đống tranh đã lên cao như trái đồi nhỏ. Tôi cũng chia tổ ra làm hai, một nửa gánh tranh về nộp, đang lúc chất tranh, chờ nếu thấy không ai để ý, sẽ đưa chân đạp những bó tranh cho lăn vào gần ruộng mì cao rậm bên cạnh.

Một toán khác do tôi hướng dẫn, gồm những tên liều và lì, chờ sẵn kéo tranh đi dấu.
Ngày đầu tiên chúng tôi đã “kiếm” được trên trăm bó, mấy ngày sau việc chính của tổ tôi là tìm chỗ thật kín, thật khuất, cắt vài thằng thay phiên gác còn phần lớn chui vào bụi, nhấp trà hay cà phê, phi thuốc lào, hát nhạc vàng, nghe kể chuyện.

“Hùng khờ” và “tiến sĩ ngôn ngữ” chậm chạp nên tình nguyện gánh tranh về nộp chứ không dám tham dự màn chôm chỉa.

Thấy anh em không ai có ý kiến gì nữa, tôi với bộ bàn đèn (điếu cày chế bằng vỏ bom), tính phi một hơi trước khi giải tán ngủ, bỗng có tiếng chân rập rập trước cửa, anh quản giáo xuất hiện với hai bộ đội, vừa qua cửa anh ta hô lớn:
- Tất cả ngồi nguyên tại chỗ.

Anh quản giáo xăm xăm tới trước mặt tôi, hai người bộ đội chĩa súng đi hai bên, anh quản giáo rút ra tờ giấy dõng dạc đọc:
- Chiếu sắc lệnh số . . ngày . . của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời . . . . Chiếu . . . của Ủy Ban Quân Quản Thành Phố . . . về chính sách HT CT các sĩ quan ngụy . . . Tên PMT thời gian qua đã không thực tâm học tập để tiến bộ mà còn lén lút chơi và phổ biến nhạc vàng, lọai nhạc phản động, đồi trụy…

Anh quản giáo đọc “án lệnh” xong, tai tôi vẫn còn lùng bùng. Tôi đưa tay ấp úng:
- Quản giáo coi lại xem, tôi đâu có…

Người quản giáo lớn tiếng cắt ngang:
- Anh muốn phản ứng hả?

Hai người bộ đội cùng lên cò súng. Cả tổ im phăng phắc. Tôi thoáng nhận ra, tôi có thể bị bắn bỏ như một con chó hoang. Trong tầm mắt, Phong người bạn thân, khóa 25 Võ Bị, nhìn tôi lắc đầu.

Anh quản giáo lách người đến chỗ nằm của tôi, kéo ra dưới gối một quyển sách, quăng lên bàn trước mặt tôi lớn tiếng:
- Cái gì đây?!

Tôi lặng người, quyển độc tấu tây ban cầm viết bằng Anh ngữ của Segovia Tiến mới gởi vào!.
Tiếng anh quản giáo lại dõng dạc:
- Tôi cho anh một phút, mặc áo vào đi theo chúng tôi.

Tôi chỉ kịp khoác chiếc áo lành nhất, đưa mắt tạm biệt anh em, trước khi lủi thủi đi theo anh quản giáo. Hai người bộ đội chĩa AK-47 phía sau áp giải tôi lên “cây da xà”, chỗ biệt giam của trại Cây Cày.

“Cây da xà”, một căn chòi thấp và dài, trống trải, bệ rạc hơn cả “lán” tôi đang ở, cột kèo, chõng nằm đều bằng tre nguyên cây chưa chuốt vót.

Trời bắt đầu nhá nhem tối nhưng cũng đủ cho tôi thấy nơi biệt giam này hiện đang giữ hai người.
Cách chỗ tôi vài chõng, một người đàn ông đang nằm, chân trong còng, coi quen quen . . À đúng rồi Hoàng Qúy người sáng tác thánh ca nổi tiếng tôi vẫn hằng ngưỡng mộ, dưới đáy vực thẳm thẳm lạnh căm, tôi thấy loé lên vài tia sang ấm.

Dẫy chõng bên kia, nơi gần cuối, hình dáng một cô gái, tóc xổ tung, dáng tiều tụy, nhếch nhác. Trong khi tra chân vào còng để người bộ đội khóa, tôi đưa mắt tò mò hướng về cô gái, dáng cô như qủy dạ xoa, hai mắt toé lửa nhìn trừng trừng về phía hai người bộ đội.

Cô ta bỗng cất tiếng chửi, giọng khàn đặc, chắc vì đã la hét nhiều, lời chửi rất tục tằn, dữ tợn:
- Đồ khốn nạn, gian xảo. Đồ lưu manh côn đồ,…”

Một người bộ đội chỉ mặt cô gái chửi lại, lời lẽ hắn còn tục tĩu hơn:
- Câm ngay, con đĩ chó! Tao đập nát cái mặt L của mày ra bây giờ.

Cô gái vẫn tru tréo:
- Mày giết tao đi. Mày tưởng tao sợ chết hả? Nếu sợ tao đã không trốn trại, đã không dám chửi cha cái thằng Hồ Chí Minh…

Cô ta còn đang chửi, người bộ đội đã đến nơi, anh ta dơ thẳng tay táng vào mặt cô gái. Tiếng “chát” rợn người, máu từ mũi và miệng cô trào ra, cô chỉ phát ra được những tiếng “ư. ử . .”. Người bộ đội xốc lại súng, một tay quấn tóc cô gái rị xuống xạp, tay kia thẳng tay tống vào mặt cô. Cảnh tượng quá dã man, tôi quên hết vị thế của mình, buột miệng:
- Các anh phải tôn trọng…

Chưa dứt câu tên bộ đội đang xiềng chân tôi hét lên:
- Mày nói gì?

Tôi lập lại:
- Các anh…

Một báng súng vung lên hết cỡ đập mạnh vào quai hàm tôi. Ánh chớp lóa lên trước mặt, tiếng “kịch” vang trong đầu, tôi té bật ngửa ra xạp, gáy đập vào sàn tre người rũ ra vô cảm.

Tôi nằm bất động không biết bao lâu, lúc tỉnh lại, cảm giác đầu tiên nhận được là cơn đau nhức khủng khiếp từ cằm và hàm dưới. Lờ mờ tôi nhận ra Hoàng Qúy đang cúi nhìn. Tôi há miệng, định đưa tay sờ cằm, cơn đau nhói bùng lên, máu từ miệng ứa ra, tôi một lần nữa đi vào hôn mê. . . Thượng đế thật kỳ diệu, khi cơn đau trở nên qúa đỗi, Ngài cho giấc ngủ ập xuống, tê liệt mọi thần kinh, tránh bớt cho con người sự chịu đựng đớn đau.

Lần thứ hai tôi tỉnh lại, người vẫn như đang ngồi trên thuyền chao đao, nhưng trí nhớ đã dần hồi phục, tôi biết mình bị đánh một báng súng vào cằm dưới, quai hàm không biết có bị bể không nhưng chắc chắn đã bị trật khớp. Tôi không dám điều khiển hàm dưới vì mỗi lần thử ngậm miệng, cơn đau nhói lại bùng lên.

Thấy tôi mở mắt, H.Q. đứng bên cạnh từ lúc nào thì thầm:
- Tạ ơn Chúa, bạn đã tỉnh lại, bạn mê sảng cả đêm.

Anh ta đến gần tôi hơn, chắc vì tôi bị thương, cả hai chúng tôi đều được mở còng. Anh đưa mảnh vải nâu cũ lên lau máu chung quanh miệng tôi và thiết tha hỏi:
-Bạn bị trật khớp quai hàm, tôi cố nắn lại cho bạn nhá? Cũng khá đau đấy.

Tôi chớp mắt cám ơn và ráng gật đầu. Hoàng Qúy một tay giữ hàm trên một tay nắm chặt hàm dưới bóp mạnh. Tôi đau đớn như bị một báng súng nữa, mặc dù nghĩ trong đầu mình phải “ngon” hơn Quan Công (một tay đánh cờ, một tay đưa ra cho mổ), tôi vẫn giãy giụa. Lần đầu chưa thành công, HQ cố bóp lần hai rồi lần ba, càng những lần sau càng ráng sức hơn. Tôi vùng vẫy trong đau đớn, miệng tuy không hét được thành tiếng chắc cũng kinh khủng như tiếng heo bị chọc tiết.

Người bộ đội gác ngoài cửa thấy vậy cũng phải quát lên:
- Thằng kia! đếch biết làm thì thôi đi. Đ. được việc gì!

HQ thõng tay buồn rầu nhìn tôi, mồ hôi đầy mặt. Nằm im một lúc, tôi ra dấu muốn viết, HQ với tay lấy bút chì và tập giấy trên đầu xạp (dùng để viết kiểm thảo) đưa tôi. Tôi nguệch ngoạc: “Thiên, tổ 11, B2 giúp”. Tôi nghĩ đến anh BS Quân Y cùng tổ. Mãi đến chiều, Thiên đi lao động về mới có thể lên giúp tôi. Hắn mang theo mấy viên thuốc, chắc gom được của anh em dưới lán, hòa vào ly nước lạnh, trút từng muỗng sâu vào họng tôi.

Trong lúc Thiên đưa tay mò vào miệng tôi lấy ra hai, ba chiếc răng gẫy, anh giải thích:
- Tao không có thuốc tê, nhưng những viên thuốc này cũng làm mày bớt đau và ngủ yên đêm nay.

Thiên quay lại HQ giải thích:
- Tuấn nó bị trật hàm chứ may chưa bể, có thể bị nứt nhưng sẽ lành. Muốn bỏ lại khớp mình phải kéo hàm dưới ra, chớ bóp ngang vào, hai xương cấn nhau, không vào được.”

Sau khi Thiên giúp bỏ lại khớp xương, những gân và thần kinh chung quanh miệng như những giây đàn đang căng thẳng nay được buông chùng, cơn đau của tôi giảm đi qúa nửa, chỉ còn ê và miệng còn xưng vù, hết hẳn những cơn đau nhói, tôi đi vào một giấc ngủ sâu.

Trưa hôm sau anh em dưới lán quạy cho tôi một loong Bích Chi đường hột gà. - Dưới lán tôi “tư bản” hơn phần lớn anh em, vẩn còn vài chục gói bột Bích Chi Tiến mới tiếp tế và con gà mái đẻ. Tuy rất đuối sức tôi vẫn có thể tự ăn, nhưng lạ làm sao, người bộ đội gác cho phép cô gái “nhân phẩm” - Tệ đoan xã hội, đi cải tạo để phục hồi nhân phẩm - giúp đút bột cho tôi (2).

Hoàng Qúy vừa lấy gối tre kê vào lưng tôi vừa thì thào:
- Ông được người đẹp chăm sóc chắc sẽ mau lành.

Tôi gượng cười cám ơn ông nhạc sĩ có dáng như thầy tu, đến nước này mà ông còn ráng nói diễu cho tôi vui.
Đưa tay sờ cằm, miệng tôi xưng lớn quá, nửa mặt dưới vẫn tê dại như người vừa ra khỏi phòng Nha Sĩ. Cô gái trước mặt gầy gò đen đủi, mặt cô ta chỗ bầm tím chỗ xưng vù, lúc đưa muỗng bột lên cao tôi mới để ý: áo cô mặc chỉ còn một tay, tôi nhớ đến miếng vải cũ HQ hay dùng lau máu, tôi nhìn cô cảm kích.

Trong hoàn cảnh này, những ý tưởng và phán đoán về danh giá, đẹp xấu hình như không còn nữa, tương quan giữa người và người chỉ còn lại nỗi cảm thương. Đột nhiên người con gái đưa mắt nhìn tôi, ánh mắt cô vừa linh hoạt vừa nhu mì trái hẳn vẻ trợn trừng hằn học ngày hôm qua. Cô im lặng chậm rãi đút từng muỗng bột vào miệng tôi, toát ra vẻ kiên nhẫn cũng khác hẳn nét dữ tợn hôm qua khi cô gào lên những câu chửi dữ tợn, chua ngoa.

Trong tâm trạng đớn đau pha lẫn nỗi sợ hãi và niềm cô đơn tuyệt vọng, khi nhìn ánh mắt hiền dịu của cô, tôi liên tưởng đến mẹ tôi với tình yêu thiết tha, đến những ân tình của nhiều người đã dâng tặng tôi. Tôi nhắm mắt nhủ thầm: “Nguyện cam tâm chịu những thống khổ này để bù lại phần nào ân tình người đã trao ban.” Những kỷ niệm mang nhiều xúc động thoáng hiện về, nước mắt tự nhiên ứa ra, tôi cố lẩm bẩm tự bào chữa cho mình: “Nhưng anh luôn sống thật, chưa hề lừa dối ai”. Có tiếng nấc trước mặt, tôi mở mắt, người con gái đang đút bột cho tôi cũng nước mắt lưng tròng, tay cầm muỗng bột run run. Chúng tôi đăm đăm nhìn nhau chắc cùng thương cho hoàn cảnh và tội cho số phận của nhau.

Tiếng kẻng bỗng vang lên đưa chúng tôi về thực tại. Người bộ đội gác ngoài cửa lớn tiếng:
- Hết giờ ăn, đến lúc ra ngoài.

Hoàng Qúy giải thích:
- Mình được tháo cùm, xuống suối tắm giặt, đi lại một giờ.
----------------------------
(1)Tổ cải tạo chung với tôi tại trại Cây Cày, Đồng Ban gồm 18 người, may mắn qua Mỹ được hơn nửa. Nguyên tại vùng San Jose chúng tôi có dịp gặp lại 6 người. (UTT, UTL, NCH, CS, NTN, NVN).
(2)Khi còn trong các trại tù cải tạo tôi tưởng lầm các cô “nhân phẩm” toàn là chị em ta. Nhưng khi ra tù tôi mới biết, có rất nhiều vợ con của “ngụy quân, ngụy quyền”. Có người bị bắt vì bán chợ trời, người vì phát biểu phản động chống phá cách mạng, v.v...

**********

2. Ngã gục xuống lòng đất
Cố níu vai cuộc đời
Thủy chung với loài người


Một tuần sau tôi bắt đầu bị gọi lên “làm việc” với “khung” và viết kiểm thảo. Sau mấy lần tờ kiểm điểm bị trả lại kèm lời phê: “Chưa thành thật khai báo”, tôi nhận ra họ (những người thẩm vấn) đã biết qúa nhiều, họ rành cả những chuyện “mật” mà chắc nhiều anh em trong tổ cũng không hay.

Không nghi ngờ gì nữa, trong nội bộ đã có đứa làm ăng-ten! Tôi bị kỷ luật và biệt giam không phải chỉ vì nhạc “vàng” mà còn bị gán thêm hai tội nặng: “sỉ nhục chiến sĩ Cách Mạng” và “phá hoại tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa”!

Việc “sỉ nhục chiến sĩ” xẩy ra do hôm tổ đi trồng mì gần khu dân cư kinh tế mới, một chú chó nhỏ luẩn quẩn đến chỗ chúng tôi, đuổi cũng không chịu đi. Tới chiều chúng tôi về lại lán, chú chó cũng lẽo đẽo theo sau. Khi lội qua suối, vì không muốn bỏ lại con chó giữa rừng hoang, một anh ôm nó về trại. Tối hôm đó chúng tôi lấy ý kiến đặt tên cho chó. Tôi vừa đề nghị tên “Bi Đông” anh em đã vỗ tay “hồ hởi nhất trí”.

Kể từ đó, tội nghiệp con có nhỏ có bộ mặt dễ thương đã trở thành đối tượng để anh em chỉ trích: “Ê Bi Đông! Nhìn mặt mày là thấy lưu manh, gian ác, chỉ được cái nói như vẹt…”, “Mày vừa ngố vừa khờ mà vỗ ngực xưng ta đây đỉnh cao trí tuệ! phét lác . .”.

Anh cán bộ khi tra vấn tôi và lập lại những câu đó, anh ta đập bàn gằn giọng:
- Như vậy là các anh đã sỉ nhục BĐ, chiến sĩ cách mạng chứ còn gì nữa?!

Tôi lúng túng biện hộ:
- Thưa cán bộ, đúng ngày có con chó là ngày tôi bị mất cái bi-đông đựng nước, tôi đặt tên nó vậy chỉ vì nghĩ đến cái bi-đông mất chứ không có ý gì khác.

Anh ta rít một hơi thuốc lào thở khói mù mịt rồi mới hằn học:
- Còn chuyện ăn cắp gà bộ đội thì sao? Không thấy anh khai ra?

Tôi lắp bắp:
- Gà . . gà nào đâu.

Anh cán bộ lớn tiếng:
- Gà của quản giáo dẫy nhà số hai chứ gà nào, anh tưởng chúng tôi không biết phỏng?”

Thôi chết rồi! Số là trong trại tôi có thằng em kết nghiã tên Dương Hợp, thua tôi một tuổi, khóa cuối Võ Bị Đàlạt ra trường “non”. Hợp rất tư cách, anh em chung tổ từ bên Trảng Lớn. Trưa đó trên sân “Tinh Võ” (sân phơi lúa và khoai mì khô của Cây Cày), Hợp đang lui cui trở thóc, tên “Bộ Đội chó” đến sau lưng quất Hợp một gậy! Sở dĩ gã bộ đội này có bí danh “chó” vì hắn giải ngũ đã lâu nhưng không về quê ngoài Bắc, cứ quanh quẩn trong trại, mỗi dịp tù nhân được thăm nuôi hắn giết chó đèo vào chiếc xe đạp cũ, đạp tới các tổ rao: “Chó chó! Chó chó”.
Chỉ có lúc bán thịt chó hắn mới “dễ thương”, những lúc khác hắn cực kỳ hắc ám.

Mỗi khi thấy quản giáo đang “lên lớp”, bộ đội cờ tây nhà ta dựng xe đạp lại, chống nạnh chửi ké:
- Chúng mày trây lười đã quen, ngồi không ăn bám đã thành nếp, không thấy lao động là vinh quang,..

Rồi hắn ta vung hai cánh tay khẳng khiu lên:
- Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sói đá cũng thành cơm...

Nhiều khi hắn ba hoa quá, quản giáo phải đuổi hắn mới chịu đi. Hắn còn thói xấu rất đáng trách mà cũng vì thói này, sân phơi lúa Cây Cày được mệnh danh “sân Tinh Võ”.

Lúc anh em đang cắm cúi làm việc, hắn đến sau lưng bất ngờ giơ gậy quất. Bữa đó Hợp bị một hèo, tôi tức lắm, nhìn đi chỗ khác tôi chửi đổng: “Đồ hèn!”. Tên “cờ tây” xăm xăm đi lại, cứ hắn tiến thì tôi lùi, luôn giữ khoảng cách xa hơn tầm gậy, tôi lùi vòng vòng trong sân, anh em ngưng làm theo dõi. Mặt bộ đội khuyển tái ngắt, miệng thở phì phò. Mãi đến lúc chính ủy trung đoàn ra đứng chống nạnh, “cờ tây” ta mới chịu lủi vào khu nhà quản giáo.

Buổi chiều tan giờ lao động, tôi ra hiệu cho Hợp biết anh em sẽ về sau cùng. Trên đường về giữa các ruông bắp, tôi nhanh chóng vồ được hai chú cào cào. Trong lúc Hợp canh chừng, tôi cột con cào cào vào sợi chỉ bao cát (vải áo tôi đang mặc). Lúc đi qua nhà quản giáo, tôi liệng chú cào cào vào giữa đàn gà, một con nhào ra mổ. Tôi chỉ việc chậm rãi kéo con gà lại, vì mồi đã mắc trong họng, gà ta ngoan ngoãn đi theo sợi chỉ, đến vừa tầm tay, tôi chụp đầu gà vặn ngược. Quái kê được giải thoát không một tiếng động. Hợp há hốc mồm khâm phục, hắn ngồi thụt xuống, banh cổ áo ra cho tôi nhét gà vào. Tối đó chúng tôi liên hoan món gà luộc, trả thù cho Hợp cú đòn hèn . . .

Nghe người cán bộ thẩm vấn hỏi về “kỳ tích” này tôi khá nao núng nhưng cũng tìm cách chống chế:
- Dạ có gà thật, nhưng đầu đuôi vì bữa đó tôi lao động về mệt quá, lại “tranh thủ” vác khúc củi về cho anh nuôi (bộ phận nấu ăn), chân nam đá chân xiêu, đàn gà lại cứ quẩn vào chân nên tôi có . . dẵm chết một con . . .

Người cán bộ đang “làm việc” bỗng gầm gừ ngắt lời:
- Thôi! Lý do của anh đến trẻ con cũng không tin được… Rồi! Thế còn vụ ăn cắp xa cá?

Tôi giật nảy mình, chết mẹ! vụ này giải thích sao đây? Số là bộ đội có cách bắt cá rất hay, họ đóng một dàn cầu tre ngang suối, phía dưới cầu tre họ đặt dàn lưới tre. Cá theo dòng nước chảy xuống sẽ bị mắc vào lưới. Nhiều lần đi lao động ngang xa cá bộ đội, phe cải tạo thèm nhỏ dãi, những ngày chúng tôi có thịt cá trong năm chắc đếm không hết năm đầu ngón tay.

Bữa đó chúng tôi bốn người - Phạm Minh Lại (giặc lái trực thăng ngoài Pleiku), Nguyễn cửu Hiệp (bộ TL Không quân) và Dương Hợp quyết định “chôm” cá của “bi đông”. Hợp và Hiệp đi trước thám sát, tôi sẽ chôm cá còn Lại quan sát phía sau.

Tôi và Lại cố tình chần chờ, lùi lại cuối đoàn cải tạo đi phá rẫy. Khi đi ngang cổng gác sau, một anh cán binh mặt mày non choẹt đứng lên quát:
- Hai anh kia! Đi nhanh lên! Đi đứng thất thểu như hai thằng chết đói.

Lại với giọng thều não thủng thỉnh trả lời:
- Đói chứ sao không đói.

Anh bộ đội nhí tức mình quát:
- Đói! Lúc nào cũng than đói. Sáng không ăn gì à.

Vẫn giọng nhừa nhựa, Lại nói như rên:
- Có gì đâu mà ăn.

Anh bộ đội lúc đó chắc chợt nghĩ ra: Tù cải tạo đâu có được ăn sáng. Anh ta chửi đổng:
- Chỉ bố lếu bố láo. Chây lười lao động… Đi nhanh lên.

Đến xa cá tôi nhìn phái trước thấy Hợp đứng xa xa ngay chỗ rẽ ra dấu an toàn, quay lại phía sau Lại cũng gật đầu, tôi dòm dẫm leo lên cầu khỉ đi trôm cá. Nhưng xui cho chúng tôi bữa đó chỉ có một con lớn bằng cổ tay. Vì không có đồ đựng, tôi nhét đại cá vào túi quần. Lại đến thấy đuôi cá còn lòi ra ngoài, hắn nghiến răng vừa cắn vừa bẻ đứt đuôi cá vất xuống suối.

Hôm đó tổ đứng thành hàng ngang cuốc đất trồng mì, tôi không có chỗ nào dấu đành cứ để cá trong túi. Sau mấy tiếng làm dưới trời nắng, mùi tanh của cá chết bốc lên lợm giọng…

Bị chất vấn về vụ trộm cá, tôi không biết đường trả lời nên chỉ còn cách chối. Nhất định nói rằng bị báo cáo gian. Mấy lần tra hỏi vặn vẹo không kết quả, anh cán bộ thẩm vấn hậm hực ra lệnh cho người cán binh điệu tôi trở lại phòng biệt giam.
Sau lần “làm việc” thứ tư, bản tự kiềm vẫn bị trả về kèm lời phê “chưa thành thật khai báo”, tôi thấy đấu trí kiểu này không xong. Họ có sở trường ù lì, chờ đợi.

Còn tôi, liệu chịu đựng được bao lâu vớì những cơn đói ngày đêm hành hạ?! Đói luôn ám ảnh tâm trí, trong giấc ngủ tôi thường chỉ mơ thấy ăn, tới những món tầm thường như chén chè, củ khoai. Có lần trên đường xuống suối tắm, chỉ cách họng súng mấy bước, vừa qua khúc quặt, tôi liều ra chiêu “diệu thủ” vặt một bó bo-bo nhét vào bụng. Nhưng than ơi “hoạ vô đơn chí”, trong bo-bo có qúa nhiều kiến lửa, chúng nhào ra cắn phồng da ngực, tôi đành giả bộ đi vệ sinh để nhét nắm bo-bo vào bụi!

Cách mạng muốn tôi viết về những điều họ chưa rõ, tôi lại chỉ dài dòng về những điều “trên” đã quá hay. Khung muốn tôi nói nhiều về người khác, tôi chỉ một mực viết về mình, có nhắc đến anh em cũng chỉ chung chung, cách “vô thưởng vô phạt”. Hôm đó sau khi nhận xấp giấy mới kèm những lời răn đe, tôi quyết định không viết tự kiểm nữa mà viết về . . tình yêu, dưới tiêu đề “Tình Yêu Đích Thực”. Tôi nảy ra ý định này vì nhớ vài ngày trước khi bị kỷ luật, anh quản giáo đến yêu cầu tôi giúp thực hiện tờ báo Tết cho trại.

Tôi sửng sốt rồi xin từ chối với lý do thiếu khả năng, anh ta cười:
- Chúng tôi được báo cáo cả rồi, trong trại huấn luyện sĩ quan ngụy (quân trường), anh từng làm trưởng ban báo chí.

À ra thế! Nay quyết định viết bài, tôi biết mình phải viết làm sao để mấy anh này thấy hay, thấy thích, từ đó họ không bắt tôi viết tự kiểm nữa. Và biết đâu - phải biết đâu, tôi còn được tha về lán. Dưới đề tài tình yêu, tôi mổ xẻ, phê bình các lọai liên hệ tình cảm: tình yêu trai gái; tình yêu giữa cha mẹ và con cái; tình bạn bè, tình họ hàng, . . tất cả những loại tình yêu này đều đáng tôn trọng nhưng đều . . vị kỷ. Con người mới trong một xã hội mới, cần tiến đến tình yêu vị tha, cần vượt ra ngoài biên giới ích kỷ hạn hẹp, đè bẹp những dục vọng đam mê bản thân, để có thể tiếp giáp với tha nhân.

Trong thiên đường Cộng sản, tình yêu nhân quần xã hội thôi thúc con người cùng nắm tay nhau đấu tranh, hủy bỏ xiềng xích bất công, trả tự do cho người bị áp bức. Với tình yêu vị tha được thăng hoa, con người sẽ giúp tha nhân dẹp bỏ mọi gánh nặng, chia cơm sẻ áo cho kẻ đói rách, tiếp rước những người phiêu bạc không nhà. Con người không chỉ biết chăm xóc chính bản thân mình mà còn cảm nhận những nỗi khốn khổ của đồng loại,…

Gần mười trang giấy tôi viết ra những ý tưởng tốt đẹp nhất tôi có thể hình dung được về tính vị tha, về tình yêu cao thượng đối với cả… loài người. Thậm chí tôi không giới hạn “tình yêu” của mình vào phạm vi quốc gia dân tộc, với quan điểm “thế giới đại đồng”, nếu chưa yêu . . toàn thế giới, hết nhân loại, tình yêu đó còn tính “cục bộ”, vẫn “chưa đạt”!...

Anh cán bộ nhận bài viết của tôi thay vì bản tự kiểm, lúc đầu mặt anh ta nghệt ra nhưng đọc một lúc, những thớ thịt trên mặt anh giãn dần. Cuối cùng, người cán bộ nói lấp lửng:
- Được rồi, chúng tôi sẽ làm việc với anh sau.

Ngay chiều hôm đó, tôi được “bố trí” lên làm việc với chính ủy trại. Từ chỗ biệt giam “cây da xà” cuối trại, muốn đi lên “khung” hai người cán binh phải điệu tôi đi băng qua lán. Anh em có toán đã đi làm về, thấy tôi đi giữa hai người bộ đội tay lăm lăm AK, đã nhìn theo với ánh mắt ái ngại, chắc anh em đoán tôi đang bị dẫn đi xử. Riêng tôi thật bình thản, từ thiếu thời tôi đã có niềm tin lạ lùng rằng sau lưng tôi có một quyền lực vô hình khi cần sẽ bảo vệ, giúp tôi vượt thắng gian nguy. Trường hợp tệ nhất, lát nữa đây hồn tôi sẽ theo những đám mây đang lơ lửng trên bầu trời để ngao du, quên hẳn thế gian tục lụy.

Người chính ủy trại giam tiếp tôi sau chiếc bàn gỗ, gói thuốc Sài Gòn Giải Phóng đè trên xấp giấy tái sinh vàng nhạt, bài viết của tôi đã được anh ta đọc, gạch sửa, phê bình bằng mực đỏ như một bài luận học trò.

Với lối phát âm nặng của vùng Nghệ-Tĩnh, anh chính ủy chậm rãi:
- Về mặt tích cực, bài viết của anh đã chứng tỏ việc học tập của anh đã có ít nhiều tiến bộ. Nhưng về mặt tiêu cực, nhận thức của anh còn nhiều chỗ chưa đạt, chưa chuẩn.

Anh ta trao xấp giấy cho tôi và tiếp:
- Anh viết lại, cô đọng trong ba trang thôi, để ý đến những chỗ tôi đề nghị. Bài này sẽ đăng trong báo Xuân của trại.

Tôi đứng dậy, người chính ủy đến vỗ vai nói nửa khuyên nửa đe:
- Vì qúa trình học tập của anh có dấu hiệu tiến bộ, chúng tôi tạm ngưng việc thi hành kỷ luật của anh, nhưng anh phải ra sức phấn đấu, lần sau chúng tôi sẽ không khoan hồng nữa.

Sau đó anh ta đưa cho hai anh vệ binh một mảnh giấy viết sẵn và chỉ thị họ đưa tôi về lán thay vì trở lại chỗ biệt giam. Trên đường về lán, tôi nghĩ mình được thả về với anh em vì “khung” vào thế kẹt. Không lẽ cho đăng bài của một tên đang bị kỷ luật.

**********

3. Người đi trên giao tuyến
Sống chết như đêm ngày
Tim đau hồn ứa máu
Tự do một tiếng thôi


Về gặp lại anh em, những biểu lộ mừng vui chân thành của họ khiến tôi nghẹn lời. Tuy mặt còn xưng, hàm còn ê, tôi như vừa thóat cơn đại nạn.

Hợp khi biết tôi được tha về vì bài viết “Tình yêu đích thực”, hắn ngồi tư lự dáng không vui, nhưng Phong (đàn anh Hợp, khoá 25) sau khi đọc bài tôi viết, hắn phá ra cười:
- Mày viết tình yêu loại này chắc chỉ có trên thiên đàng!”.

Tôi nghiêm mặt:
- Chứ sao, thiên đàng CS, thế giới đại đồng mà lị.

Mặt Hợp, La, Hồng trở nên rạng rỡ. Tôi nghĩ họ nhớ tới những buổi học tập chính trị, nếu có mặt cán bộ quản giáo tôi luôn đưa tay phát biểu, tôi ráng giữ ở mức quản giáo thấy tôi “hăng say phát biểu”, “thành thật khai báo” nhưng vừa đủ để với anh em họ thấy nó “hơi lố”, “hơi sạo” và tôi đang ngầm mang đề tài thảo luận ra… diễu. Nhờ vậy những buổi học tập chính trị đỡ căng thẳng. Có khi tôi chưa kịp nói anh em đã đề nghị tôi phát biểu.

Tối hôm đó quản giáo đến họp với tổ tôi, anh ta giải thích vì học tập có dấu hiệu tiến bộ tôi được tạm ngưng kỷ luật và “đề nghị” tôi vẫn giữ tổ trưởng. Anh em hò reo hưởng ứng. Sau khi cán bộ về, tổ ăn mừng bằng màn nước trà, thuốc lào và hát nhạc… cách mạng. Cả tổ hợp ca “Những bước chân đi tới” và “Tiếng hát những đêm không ngủ”.

Chúng tôi thích hai bản này vì những câu như: “… Đêm nay ta cất cao tiếng hát giữa những trại giam.” hay “… Dù cho máu đổ quyết tâm giữ vững lòng son…” Đến phần điệp khúc anh em phụ họa bằng tiếng vỗ tay, đập bàn, cùng nhau rống lên:
- Dậy mà đi đồng bào ơi! Dậy mà đi đồng ới! Mẹ VN có hay chăng…”

Cả tổ đang gân cổ “cất cao tiếng hát giữa những trại giam”, bỗng anh quản giáo hồng hộc chạy tới:
- Im ngay, im ngay. Các anh không được hát những bài này nữa. Cách mạng đã thành công rồi còn “dậy mà đi”, dậy mà đi làm gì?

Sau khi anh em gỉai tán về sạp, tôi hỏi Phong:
- Sao không thấy ông già Tỏ nhỉ?

Phong hậm hực thấp giọng:
- Ngay sau hôm mày bị kỷ luật, thằng gìa đó được khung điều lên làm đầy tớ, nấu cơm rửa chén rồi!

Tôi buột miệng:
- Không ngờ!

Như vậy rõ ràng người phản thùng, báo cáo tôi cũng là người tôi đã cưu mang gần năm nay.

“Già Tỏ” (tên chúng tôi gọi ông) đã nổi tiếng làm “ăng-ten” từ Trảng Lớn, nghe nói ông ta có hai vợ năm con, người vợ hai còn rất trẻ dọa sẽ bỏ đi lấy bộ đội nếu ông không về sớm. Khi chuyển về Đồng Ban, có lúc ông ta đau đi phải chống gậy. Một ngày cuối năm, nhân dịp ra ngoài cắt tranh, ông “liên hệ” với dân mua được xị đế.

Đúng đêm Ba Mươi năm đó, ông qúa nhớ vợ con, một mình tu hết xị rượu rồi ra giữa sân chửi đổng. Ông chửi từ “đồng chí bí thư” đến anh quản giáo. Sợ liên lụy tôi ra dìu ông vào sạp, mắc mùng và dỗ ông ngủ.

Sau Tết mấy ngày chúng tôi chuyển trại về Cây Cày, anh em không ai muốn cho ông nhập toán, tôi thấy ông già yếu, bệnh hoạn bị mọi người ghét bỏ, nên ráng thuyết phục nhóm thân thiết của tôi cho ông ghép vào. Những ngày đầu ông rất dễ thương, phần công tác của ông chúng tôi gánh hết, bù lại ông đóng vai anh nuôi rất chu đáo. Ông pha trà, cà phê, đi kiếm đọt chùm bao, rau dền dại về nấu với ếch nhái chúng tôi vồ được. Có bữa cao hứng ông còn mở keo muối mè dấu trong bọc, múc cho anh em mỗi người một muỗng.

Vài tháng sau khi chuyển trại, ông trở bệnh nặng, đi đứng khó khăn, tôi thường xuyên phải dìu ông đi vệ sinh. Có lúc vội vàng ông tè cả vào chân tôi, nước tiểu pha máu đỏ lòm. Hằng ngày ông chống gậy lên bệnh xá nơi có hai anh quân y trực, để nhận mấy viên “xuyên tâm liên”. Những thuốc của bồ và gia đình tôi gởi vào từ thuốc bổ đến ký ninh, thuốc lọc nước… đều chuyển cho ông phần lớn.

Mãi khoảng nửa tháng truớc khi tôi lên cây da xà, ông mới tạm bình phục, đi đứng tự nhiên và xin lên làm tạp dịch cho khu nhà quản giáo. Từ đây ông có dịp gặp gỡ cán bộ, báo cáo lập công. Chỉ không ngờ người ông báo cáo đầu tiên lại là tôi, không trách họ biết tất cả từ vụ chơi nhạc vàng đến con chó Bi Đông! (1)
. . . .

Sau đó vài tuần, chúng tôi có công tác đi nhổ mì về cho nhà máy làm bột ngọt Cây Cày - đây có lẽ là nhà máy làm “mì chính” lớn và lời nhất Tây Ninh (vì nhân công toàn là tù khổ sai). Bửa đó trời mưa tầm tã, chúng tôi sáu thằng ngồi vắt vẻo trên chiếc Molotova chất đầy khoai, thằng nào cũng ướt - lạnh tím môi. Mỗi lần đi qua đám dân kinh tế mới chúng tôi hốt một mớ mì liệng xuống, trả thù cho việc “nhà nước” bắt chúng tôi trồng bạt ngàn mấy chục mẫu mì nhưng không bao giờ cho phép chúng tôi ăn một củ.

Xe về đến nhà máy, chúng tôi lo chạy vào lấy giỏ cần xế hốt mì mang vào cho toán gọt vỏ - toàn là đàn bà, các chị “phục hồi nhân phẩm”. Tôi và Hợp khiêng một giỏ cần xế, Hợp không khỏe hơn tôi nhưng hắn cố tình khiêng gần lại để chịu nặng nhiều hơn. Tôi bỗng khựng lại, trước mặt tôi hình ảnh một người con gái quen thuộc, cô ta nhìn nhếch nhác tiều tụy quá sức, có lẽ còn tệ hơn người ăn mày chợ cá!


Tóc cô ta cột bằng sợi dây chuối, quần áo rách rưới vá chằng vá đụp. Cô ngồi chống gối, ống quần te tua tệ hơn miếng ghẻ rách. Cô không xấu lắm nhưng mặt mày xanh lét, môi thâm tím mắt vô hồn. Thân tôi đã bệ rạc nhưng nhìn cô tôi vẫn thấy quá xót xa quá. Cô cũng đã nhận ra tôi nên buột miệng: “Anh Tuấn!”. Tôi gật đầu, tôi ngừng hẳn lại tính nói câu gì đó với cô nhưng Hợp nói nhỏ:
- Chắc cô anh gặp trên cây da xà phải không? … Phải đi anh ơi, có thằng bộ đội nhìn mình nãy giờ.

Tôi đưa mắt chào cô rồi vội vã đi. Trong cải tạo họ kết tội rất nặng nếu đám sĩ quan “ngụy” liên hệ với tù hình sự, nhất là với các chị em “phụ hồi nhân phẩm”.

Trên chuyến xe đi nhổ mì lần sau, thấy tôi ngồi một mình trong góc xe buồn buồn, Hợp đến hỏi:
- Chắc anh thấy tội cho cô trên cây da xà?
- Ừ! Chắc anh sẽ kiếm gói bột Bích Chi hay vài thẻ đường cho cô ta. Anh vẩn mang ơn cô đút cháo cho anh bữa đầu anh bị đánh.

Phong xen vào:
- Trong tù mày biết các bà các cô cần nhất cái gì không? … Băng vệ sinh.

Tôi vội lắc đầu:
- Đi thăm tao là cô bồ và cô em. Không lẽ nói hai người này mang bang lên? Làm sao giải thích làm gì? Cho ai?
Cả bọn đều gật gù đồng ý. Đi tù mà “order” món hàng này coi bộ không ổn.

Lúc mang mì về chuyến nhì, tôi có ý kiếm “cô cây da xà” nhưng không thấy – tôi đến lúc đó vẫn không biết tên cô, còn cô biết tên tôi có lẽ nghe HQ gọi - Mãi đến khi khiêng hết mì vào, đang rửa tay mới nghe một giọng nói gần gần:
- Anh Tuấn lúc về đến kiếm trong bụi chuối.

Tôi nhìn lên, cô “te tua” đang đứng gần, tay cô đang cố che những chỗ áo rách lòi da, mắt cô hướng về bụi chuối kế nhà vệ sinh. Tôi gật đầu tỏ ý hiếu. Sau đó tôi làm bộ đi vệ sinh rồi tạt vào bụi chuối, mò ra được ba củ khoai mì nướng gói trong lá khô.

Chúng tôi sáu thằng vừa đói vừa lạnh chia nhau những củ mì nóng, ngon ơi là ngon. Lạ một điều khoai mì sau khi luộc hay nướng ăn rất ngon và lành nhung khi còn sống lại vô cùng nguy hiểm.

Có lần Muôn - nhà tiến sĩ ngôn ngữ - đói quá cạp đại một củ mì tươi, ăn xong mắt anh trợn trừng, miệng xùi bọt. Từ đó đói mấy chúng tôi cũng không dám ăn mì sống. Thời gian đi nhổ mì khoảng hơn nửa tháng bữa nào chúng tôi cũng được chén mì nướng. Để đền đáp tôi và Phong cũng kiếm được ít gói bột, vài thẻ đường cho lại – Hợp vốn “con bà phước”, chưa bao giờ được thăm nuôi.

Một lần chúng tôi đi lao động, mới ra khỏi nhà thấy một đám đàn bà xa xa đi đến. Một thằng réo:
- Tụi mày ơi! Bồ thằng Tuấn tới.

Đám trong lán nhao nhao chạy ra:
- Đâu đâu? Có phải cô đẹp nhất không?
- Tao thấy ngược lại.
- Không đẹp nhưng mà có duyên.
- Tao không biết có duyên không nhưng rất tốt. Cho mình ăn mì hoài…

Đám đàn bà con gái đi ngang. Một thằng lên giọng diễu:
- Anh Tứng ơi! Anh Tứng. Em nè.

Các cô có vẻ mắc cở líu ríu dạt qua bên kia đường. Cô “cây da xà” vẫn tiều tụy xanh sao, lệt bệt đi gần cuối.
Tôi tự nhiên thấy tức quá nạt tụi bạn:
- Tụi mày câm bớt cái miệng lại. Mình là cái thá gì mà phê bình người ta, đẹp với xấu… Bồ bịch khỉ gì. Trong tận cùng bằng số, còn lại chút tình người đối xứ với nhau…

Bẵng đi cả mấy tháng chúng tôi không có dịp tiếp xúc với phe “phục hồi”. Hôm đó không biết tình cờ hay do linh tính dẫn dắt khiến tôi tự nhiên đến bụi chuối đặc biệt, nơi chúng tôi vẫn dùng để trao đổi. Không có củ khoai mì nướng nào nhưng có một mảnh giấy nhỏ gấp dấu dưới cục đá: “Yến mất hôm qua. Đã chôn sáng nay.”

Tôi bàng hoàng. Lần đầu tiên biết tên cô “cây da xà” cũng là lúc cô không còn ở thế gian. Ôi một kiếp người. Tôi làm dấu Thánh giá, thầm cầu cho cô được Thiên Chúa bù lại những gì cô đã phải chịu đựng ở trần gian.
--------
(1) Bên Mỹ tôi cũng có lần gặp lại “Già Tỏ”. Bữa đi biểu tình chống triển lãm hình HCM trên Oakland. Trong đám biểu tình đứng gần tôi, một ông già nhỏ thó nhưng la “Đả đảo” rất to.

Thấy dáng quen quen tôi nhìn kỹ: A! Đúng cha già dịch. Tôi đến gần hất hàm: “Ê! Sao hồi ở Việt Nam ông không la lớn như vậy giùm tôi?”. Già Tỏ nhận ra tôi nhưng đáp tỉnh bơ: “La để bị chết hả? Bên đây mình biểu tình. đả đảo có cảnh sát gác, sợ gì không la.”


Phạm Mạnh Tuấn