Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 29 February 2020

Tháng ba của má

01/03/2020 09:53 GMT+7

TTO - "Lên phố ở với bay không biết má có trụ được vài cái tháng ba nữa không!" - câu nói vội vàng của má trong cuộc điện thoại rưng rưng sự hờn dỗi. Nhưng điều làm má chếnh choáng hơn là chính thằng con má rút ruột đẻ ra cũng chẳng buồn để ý.

Tháng ba của má - Ảnh 1.
Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
Má chỉ mong nó ừ à hay chặc lưỡi kiểu nói dối "má ở thử thời gian đi rồi tính tiếp". Đằng này nó quyết luôn "lên phố điều kiện thuận lợi, má phải theo con để tiện bề chăm sóc!". Càng nghĩ, tim má như cứa thêm vài nhát bởi má nhận ra lòng thằng con không còn thuộc nơi quê nhà...
Bao năm qua, tháng ba của má đều bắt đầu khi cái nắng ấm áp nhón chân nhẹ nhàng e ấp ngoài cánh đồng lúa. Hàng trăm cánh bướm, cánh chuồn rập rờn bay. Đấy cũng là thời điểm bầu trời quê tràn ngập nắng như lát cắt củ nghệ phủ lên. 
Thuở má gánh thằng con ra đồng làng, giữa mùa xuống giống đậu phộng, đôi tay gầy gò, thoăn thoắt của má vung đậu giống. Từng hạt rào rào đáp xuống mặt ruộng, hết bên phải lại đến bên trái, trông thật đều đặn, bắt mắt. 
Đứa trẻ thơ tầm bốn tuổi ngày ấy đứng lút trong cỏ, trong những luống khoai lang và trong cả nắng chiều tắt muộn. Nó chỉ biết vô tư đội cái nón cời của má, lút chút chạy ra thật xa phía sau chân má, đùa giỡn với những chú châu chấu, chuồn chuồn, bươm bướm, thi thoảng má giật mình đưa mắt thảng thót tìm con.
Cũng có năm tháng ba chào đón má với từng cơn cảm cúm, rồi sọt sẹt sổ mũi bởi càng lớn tuổi thân hình gầy còm của má chưa kịp thích nghi với thời tiết hôm trước trời còn oi nồng, hôm sau đã lạnh tê người. 
Cái lạnh tháng ba rất vô thường nên con người dễ mắc nhiều bệnh. Hồi còn sống, nội thường dặn má: "Buổi sáng và nhất là khi sâm sẩm chiều, bay đưa thằng Tèo ra ngõ chơi thì nhớ đội mũ thóp. Đừng để nó ốm bệnh vào những chuyện lãng xẹt đó nghe".
Nội hay cằn rằn vậy mà má vẫn không tắt nụ cười rực rỡ. Ừ thì chịu khó, chịu cực một tí vì má chỉ có thằng con trai duy nhất này. Đôi tay gầy gò của má đã chăm con qua bao tháng ba khó khăn như thế.
Tuổi đời má ngày một nhiều, thằng con bé tí của má ngày nào đã bỏ cái làng quê trung du lên thành phố mưu sinh ngót hơn mươi năm. Làm ăn khấm khá, lấy vợ, xây nhà trên phố, thường xuyên gửi tiền, quà, thuốc thang về cho má. 
So với trước, cuộc sống của má cũng dư dả hơn. Chỉ có điều, một năm con cháu chỉ về với má được đôi lần, lần nào cũng chóng vánh, vội vàng. Bù lại má biết chắc gia đình con vẫn khỏe mạnh, bình an và đang hạnh phúc là được.
Không hiểu sao gần tháng ba năm nay, gió bấc thổi về nhiều, từng cơn rét mướt kéo dài. Căn bệnh đau đầu của má lại tái phát. Má trằn trọc đến khuya vẫn chưa ngủ được, mọi việc bắt đầu từ cuộc gọi của thằng con khi chiều. Nó bảo đã quyết rồi, tuần sau nó về đón má lên phố. Vậy là tháng ba này má rời quê, "ra ở hẳn phố" - như lời con trai để cho nó an lòng.
Nhưng má sợ lên ở phố má có trụ được thêm vài cái tháng ba nữa không. Và sợ nhất sẽ nhớ quay quắt đám rau, vạt cỏ. Má đã dần quen lủi thủi với con gà ngoài vườn, làm bạn với lũ chim chíu chít mỗi buổi chiều thong thả quét lá, un khói sau vườn hay nhổ cỏ trên gò mả của ba nó. 
Mỗi khi mệt mỏi, đau đầu chỉ cần nghe tiếng ví trâu, bò của người cày bừa; tiếng nói cười xôn xao của các cô Sáu, chị Tư hàng xóm, cả tiếng rúc rích của lũ chim hoang là tự nhiên thấy người má khỏe hẳn.
Biết làm sao được, con trai má chưa nhận ra mỗi người có một cuộc sống riêng. Nó cũng như sắp trẻ bây giờ, cuộc sống hiện đại, sung túc là thiên đường. Còn với má, quê hương mới chính là thứ dưỡng chất đặc biệt giúp má đi qua mấy chục cái tháng ba lẻ bóng, đơn chiếc.
Mẹ tôi bán vé số Mẹ tôi bán vé số
TTO - 'Con cái ngoại đâu, tụi nó làm gì mà để bà già lếch thếch đầu đường cuối hẻm thế này? Hông ấy ngoại về dang chưn (chân) biểu tụi nó chui lại vô bụng đi!'.
PHAN THỊ THANH LY

No comments:

Post a Comment