Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 29 April 2019

Lê Đức Anh - Giang Trạch Dân và cuộc họp 'kiên định con đường XHCN'

  • 26 tháng 4 2019
  • Bản quyền hình ảnh TASS
    Image caption TBT Giang Trạch Dân của Trung Quốc ký hiệp định biên giới với những lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô tại Moscow năm 1991. Sau đó, Liên Xô tan rã, gây choáng cho ban lãnh đạo Trung Quốc.
    Báo Việt Nam vừa giới thiệu lại lời cố Đại tướng Lê Đức Anh và lãnh đạo Giang Trạch Dân của Trung Quốc hồi 1991 cùng đồng ý 'bảo vệ Chủ nghĩa Xã hội' và sự lãnh đạo của hai đảng cộng sản trong bối cảnh Liên Xô tan rã.
    Trang VietnamNet (24/04/2019) có bài "Phút gặp riêng giữa Đại tướng Lê Đức Anh và ông Giang Trạch Dân" trích lại nhiều đoạn trao đổi giữa hai người mà ông Lê Đức Anh ghi lại trong hồi ký.
    Tại cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 7/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh với tư cách là đặc phái viên của TBT Đỗ Mười, đã cùng ông Hồng Hà, trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, được các quan chức cao cấp Trung Quốc đón tiếp.

    Cùng nhau vì chủ nghĩa xã hội

    Đây là thời điểm mà như TBT, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân nói với khách Việt Nam, người Trung Quốc "giật mình" (xúc mục kim tâm) trước sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô.
    Giới quan sát cho rằng đây là lý do khiến ai đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam "tìm đến nhau" sau nhiều năm thù địch, kể từ Cuộc chiến Biên giới 1979.
    Những gì đoàn Việt Nam và phía chủ nhà phát biểu xác nhận điều này.
    Đại tướng Lê Đức Anh đã cảm ơn viện trợ của Bắc Kinh cho Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến và ca ngợi Trung Quốc trong hoàn cảnh mới, làm chỗ dựa cho Việt Nam:
    "Bây giờ Trung Quốc hơn một tỷ dân, đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là viện trợ to lớn nhất, không thể đánh giá hết được."
    Đáp lời, TBT Giang Trạch Dân nói:
    "Tôi nghe thông báo về Đại hội 7, thấy các đồng chí kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tự đáy lòng tôi thấy rất phấn khởi."
    Ông Lê Đức Anh nói thêm, khẳng định "sự phấn khởi trước lập trường quan điểm" của lãnh đạo Trung Quốc, và "niềm tin ở tương lai xã hội chủ nghĩa".
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Hai ông Lê Đức Anh và Giang Trạch Dân gặp nhau trong tình đồng chí hồi tháng 7/1991
    "Trong thời điểm này, Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ to lớn trước sự tồn vong, còn hay mất của chủ nghĩa xã hội, của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Đó là nhận thức sâu sắc của chúng tôi.
    "Về phía Việt Nam, chúng tôi kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên không cần lập mặt trận chống ai, nhưng Trung Quốc ổn định, vững, là niềm cổ vũ lớn cho phong trào cộng sản quốc tế."
    Cũng tại cuộc gặp, ông Giang Trạch Dân nêu ra các nguy cơ và cho đoàn Việt Nam biết sự kiên định bảo vệ Đảng CS và đường lối XHCH của Trung Quốc là gì.
    Bản quyền hình ảnh South China Morning Post
    Image caption Trung Quốc mở cửa nhưng kiên quyết duy trì chế độ không có đối lập và quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng CS
    • Đó là chống mọi âm mưu lật đổ, chống cách dùng chế độ đa đảng để lật đổ Đảng Cộng sản.
    • Ngoài ra là việc coi các nước phương Tây muốn dùng chiêu bài dân chủ, tự do, nhân quyền để thực hiện "diễn biến hòa bình".
    • Trung Quốc kiên quyết bác bỏ con đường nghị viện kiểu phương Tây, không cho phép có đảng đối lập, cảnh giá với tư tưởng luân phiên nắm chính quyền.
    • Thêm nữa, quân đội nhân dân phải tuyệt đối đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
    • tuyên truyền quả thật phải không ngừng cải tiến, đi sâu vào lòng người...Về công tác tư tưởng, phải tính đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật, dùng truyền thông hiện đại cho tuyên truyền.
    • Trung Quốc cũng nói họ chống cả tự do hóa tư sản nhưng học tập kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý khoa học, văn hóa ưu tú của tư sản.
    • Cuối cùng là quan điểm chuyển hướng cải cách mở cửa, khuyến khích nước ngoài đầu tư nhưng phải tôn trọng pháp luật.
    Một kết quả ngay lập tức của cuộc gặp Giang Trạch Dân - Lê Đức Anh là vào tháng 11/1991, TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm chính thức TQ.
    Hai bên đã ra bản thông cáo chung và ký hiệp định chính thức bình thường hóa quan hệ .
    Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM
    Image caption Cho đến nay, giống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên định theo con đường 'CHXH'
    Đặc biệt họ cũng ký kết "quan hệ bình thường giữa hai đảng sau hơn 10 năm trắc trở", theo báo Việt Nam.
    Sau nhiều năm nhìn lại, hiện có hai dòng quan điểm về việc bình thường hóa quan hệ Trung - Việt những ngày cuối của Chiến tranh Lạnh.
    Một quan điểm cho rằng đây là điều tích cực cho môi trường địa chính trị chung tại Đông Nam Á, sau nhiều 'cuộc chiến Đông Dương' liên tiếp và tạo cơ hội cho VN có hòa bình để đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
    Một quan điểm khác, phổ biến trong một số giới ở Việt Nam và hải ngoại, cho rằng để đổi lấy bình thường hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nghiêng về phía Trung Quốc trong nhiều năm sau đó.
    Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời ở Hà Nội hôm 22/04, hưởng thọ 99 tuổi.
    Ông cũng từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian có các cuộc pháo kích xuyên biên giới Việt - Trung của cả hai bên, và khi xảy ra trận Gạc Ma 14/3/1988, với ít nhất 64 bộ đội Việt Nam bị Trung Quốc bắn chết hết và chiếm đảo.
    Xem thêm:
    Hội nghị Thành Đô 1991
    Lập đài tưởng niệm Gạc Ma và nhìn lại
    Tiền Kỳ Tham, 'người quen thuộc Việt Nam', qua đời

    No comments:

    Post a Comment