Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 29 April 2019

THẾ UYÊN * TÌNH DỤC DƯƠNG THU HƯƠNG

Thế Uyên
Tình dục trong văn chương Dương Thu Hương
 
Từ 1951, năm Đảng Cộng sản Việt Nam sau một thời gian lẩn vào quần chúng, xuất hiện công khai trở lại với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam, miền Bắc Việt Nam bắt đầu theo một thứ đạo lý mới, thường gọi là đạo đức cách mạng hay đạo đức xã hội chủ nghĩa, bắt nguồn từ Liên Xô, cải biến bởi Trung Quốc, trước khi nhập nội. Nội dung về phương diện tình yêu và tính dục tương tự như chế độ thanh giáo trung cổ của các nước theo Công giáo, nên còn có thể gọi là thanh giáo XHCN. Đã là thanh giáo thì thanh giáo nào cũng giống nhau, cũng tìm đủ cách kiềm chế khống chế bản năng tình dục, kiểm soát tối đa có thể cái giống của con người, nam cũng như nữ. Sự kiểm soát này được đẩy tới cao độ trong hoàn cảnh có chiến tranh, đẩy tới đỉnh điểm trong mọi chế độ thần quyền chuyên chế, nhất là chuyên chế kiểu toàn trị, vô sản như trong những nước theo chế độ XHCN. Hậu quả dễ thấy nhất là trong địa hạt văn học.

Trong các tiểu thuyết xuất hiện thời kỳ này, đàn bà kể như là không được phép yêu đương lãng mạn như kiểu tiền chiến, thậm chí ngay vú, mông, đùi, âm hộ và các thứ linh tinh như phấn son, nước hoa, quần áo đẹp, gợi tình... đều không được phép nhắc tới. Cùng lắm, nhà văn chỉ được nhắc tới kinh nguyệt là chấm hết. Các thi sĩ vẫn được dùng hai đại danh tự "anh" và "em", nhưng không được chỉ người nam và người nữ đang yêu nhau. Khi chữ "em" lỡ phải xuất hiện, thì "em" phải vô tính, không nam không nữ. Nếu cùng lắm phải là nữ, thì phải chưa dậy thì. Hậu quả là xã hội "thanh khiết", ít nhất trong những biểu hiện bên ngoài, đến độ sau ngày 30 tháng 4. 1975, phụ nữ miền Nam, nhất là giới kinh doanh bằng vốn trời cho (bây giờ gọi là "vốn tự có"), thường chế nhạo quân đội miền Bắc là "chim bộ đội chỉ dùng để đái"...

Trong một hoàn cảnh như thế, khi giới văn nghệ sĩ được "cởi trói" trong một vài năm khi mới Đổi Mới 1986, xuất hiện hiện tượng mà sau này hải ngoại gọi là phản kháng, với một số nhà văn mới, trẻ, có tài, như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài... Và tương tự như trong mọi phong trào phản kháng, cách mạng... đã xẩy ra trước đó, ngoài việc tranh đấu cho tự do sáng tác, tự do nói chung và nhân quyền tối thiểu, các nhà văn cũng đả phá những ràng buộc của nền đạo lý cũ, được coi là lỗi thời, nhất là trong địa hạt tình yêu và tính dục. Báo chí tiếng Việt hải ngoại, một phần vì lý do chính trị (chống cộng quá đà...), một phần vì không ít chủ biên chủ báo theo Công giáo La Mã từ hồi còn ở Việt Nam, cũng chủ trương thanh giáo như ai, nên đã chỉ làm ồn ào về khía cạnh chính trị, không để ý đến hay cố tình bỏ qua khía cạnh cách mạng thứ hai, là về tình yêu và tính dục.

Những nhà văn thuộc lớp phản kháng Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương... đều thực hiện cuộc cách mạng thứ hai, mỗi người một kiểu, một cách, tuỳ văn phong và "tạng" mỗi người. Trong phạm vi bài này, chúng ta cưỡi ngựa xem hoa tiếp tục, nhìn vào khu vườn chữ nghĩa của Dương Thu Hương, thưởng thức những bông hoa cấm, qua hai truyện dài mới chỉ được in nguyên văn tại hải ngoại, là Tiểu thuyết vô đề Chốn vắng.


Tiểu thuyết vô đề

Cuốn này Dương Thu Hương viết tại Hà Nội và không thể in ở trong nước, chuyển bản thảo sang Mỹ, nhà xuất bản Văn Nghệ tại California in lần đầu năm 1991 với giới thiệu và phân tích của nhà bình luận văn học Thuỵ Khuê (Paris). Dương Thu Hương đưa ra một mẫu người bộ đội thật hơn, người hơn, với đủ tình yêu và tính dục bình thường. Đó là Quân, một quân nhân mang cấp bậc đại đội trưởng (quân đội miền Bắc hồi đó không dùng quân hàm, chỉ dùng chức vụ để gọi nhau). Quân được điều vào miền Nam tham dự cuộc nội chiến Nam Bắc 1960-1975, và như mọi người lính khác trước khi ra trận, Quân đến từ biệt người yêu tên Hoa. Thông thường theo ấn bản qui định trong nền văn học XHCN, chàng phải đứng bên này một cây cổ thụ mà động viên nàng ở lại phải "ba đảm đang, bốn sẵn sàng" và nàng cũng khuyên chàng "tuyệt đối tin tưởng ở Bác và Đảng và cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thần thánh..." Dương Thu Hương đã làm một cách mạng nho nhỏ [1] khi tả đôi trẻ Quân Hoa từ biệt như sau:

Hoa ngoái đầu lại, cười. Vì thế vấp, ngã. Đang đà bước tới tôi ngã chồm lên cô. Trời tối... nhưng tôi thấy rõ khuôn mặt Hoa kề dưới cổ tôi, khuôn ngực phập phồng dưới vòng tay tôi... Tôi choáng váng, xây sẩm mặt mày, lần đầu tiên chúng tôi gần gũi đến thế. Lần đầu tiên tôi thèm muốn điên cuồng... Tôi đã là một thằng con trai. Chuyện thầm kín giữa đàn ông và đàn bà như một trái cây chín đong đưa ngay trước miệng... Có lẽ đây là cơ hội đầu tiên tôi có thể trở thành đàn ông một cách toàn vẹn. Nhưng tôi nghe Hoa thì thào: "Đừng anh... "

Tay cô vẫn đặt trên ngực tôi, môi cô vẫn kề môi tôi trong nụ hôn mê man. Khi chúng tôi ngừng lại để thở, cô nói tôi, lần này rành mạch hơn:

"Đừng anh... Chúng mình chưa cưới. Bố mẹ sẽ đánh đuổi em nếu mà..." (Tiểu thuyết vô đề, tr, 125)

Vậy là chàng Quân vẫn còn trinh nam hay đồng nam khi vác súng vác đạn lên đường "sinh Bắc tử Nam", tham dự ngập đến tận cổ cuộc nội chiến dai dẳng. Với thời gian Quân được thăng lên cấp sĩ quan, và cũng có dịp để mất trinh:

Ấy là bận hành quân qua Nghệ An, một làng nhỏ ven núi. Con gái vùng ấy thực dễ dàng. Các cô sán đến cấu chí, trịn đùi cọ vú vào bọn tôi. Tối đến, chúng tôi lần mò lên đồi. Gió thổi mát rượi giữa những tiếng cười rúc rích, lướt qua những thảm cỏ mịn màng ấm nóng sau những tiếng thì thầm, tiếng rên, tiếng nấc của những bụi sim hổn hển, chao đảo, nhấp nhô... Trong vòng tay tôi, cô ta vừa ôm chặt lấy tôi, vừa líu ríu nói gì đó tôi nghe không rõ." (tr. 81, sđd.)

Đọc đoạn văn trên, thấy khi có dịp thuận tiện, thì người hùng cách mạng cũng biết chim mình không phải chỉ để đái mà thôi!

Sau nhiều năm chiến đấu gian nan, Quân được cái phép về Bắc thăm gia đình. Chàng đi ngược đường mòn Hồ Chí Minh, dĩ nhiên là đi bộ với tấm thân suy tàn vì chiến đấu quá nhiều, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật. Một ngày kia đến một trạm giữa rừng, người duy nhất hiện diện là trưởng trại, một phụ nữ xấu xí bẩn thỉu nhưng vạm vỡ, vừa mới kéo ba xác bộ đội đi chôn. Cô đơn giữa rừng lâu ngày, người đàn bà này thèm khát đàn ông kinh khủng. Cô tận tình tiếp đón anh chàng trung uý trẻ mới ở mặt trận trở về, cho ăn uống tắm rửa và nằm chung giường.

Rồi không kiên nhẫn được nữa, cô túm lủng quần tôi, lay... Tôi không dám mở mắt nhưng tôi xoay người lại, nói ôn tồn:

"Đồng chí Viềng... Chính vì đồng chí ở đây một mình nên tôi không dám gây phiền phức. Lỡ có chuyện gì không may xẩy ra thì chết mất..."

Dĩ nhiên đồng chí Viềng đang lên cơn động tình, lần đầu tiên cơn hứng tình của phụ nữ được nói tới trong văn chương miền Bắc, đã không nghe lời, tiếp tục "xách nhiễu tình dục" chàng trai, một cảnh tấn công tình dục kéo dài đến ba trang giấy, có lúc nàng"... riết chặt lấy tôi, ôm bổng lên bụng mình" và vân vân. Nhưng chàng bộ đội cương quyết không chịu và Dương Thu Hương cho biết không phải vì quân phong quân kỷ đạo đức cách mạng chi hết, chỉ vì nàng xấu và hôi như một phu đào huyệt chính cống, không phải như là, mà là người có nhiệm vụ kéo xác tử sĩ về rồi chôn cất... Sau cùng:

Viềng vụt đưa mắt hồ nghi nhìn tôi rồi bất chợt thọc tay vào bụng dưới tôi, khoảng giữa hai đùi... Lúc đó, rõ ràng cô đã thấy tôi là thằng đàn ông vô dụng! Cuộc khám nghiệm có kết quả đảo ngược tình thế. Nữ chủ nhân thu tay về, đưa mắt nhìn tôi im lặng, cái nhìn đầy bao dung và khinh bỉ. Kẻ bị thương hại bây giờ là tôi. "Thế là may rồi! Thật hú vía!" ... tôi thầm nghĩ… (tr. 48-151 sđd.)

Chàng và nàng ai trở về giường người nấy, và sáng hôm sau chàng tiếp tục cuốc bộ đi ngược đường Trường Sơn, tinh lực tình dục dồn nén từ mấy năm vẫn chưa giải quyết, để chàng thỉnh thoảng nằm mơ dâm tình:

Nhưng, thân thể vừa ấm, tôi chìm ngay vào cơn mê buốt lạnh. Tôi thấy Hoa. Cô đang ăn nằm với một gã đàn ông đen sì, dị dạng. Cô kêu ú ớ, mặt tái nhợt như kẻ chết trôi. Gã đàn ông bóp nặn cô với đôi cánh tay gầy, lông lá. Tóc hắn dựng đứng. Tấm thân gã cử động khó nhọc và quái dị như một con đười ươi. Tôi thấy gã nhìn tôi, nhăn nhở cười, phơi bầy cuộc chiến thắng bỉ ổi một cách hể hả... Tim tôi đau nhói vì ước muốn trả thù. Tôi định hét to lên một tiếng.

Sau một cơn bịnh làm Quân phải nằm bệnh xá một thời gian, chàng được chứng kiến sự xuất hiện của một cô gái ở giữa rừng xanh núi xám và đám lính xa nhà đã lâu. Dương Thu Hương tả cảnh đó tương tự như bức tranh "Vénus sortant de l'onde" (Vệ nữ ra khỏi sóng), và bà có lý, vì tự bản thân lúc trẻ đã đi thanh niên xung phong vào rừng núi Trường Sơn:

Sớm nay thứ hai, giao liên tới: "Nữ giao liên, anh em ơi...!" Có nhiều cậu nhẩy cẫng lên. Cả đám người xao động, nháo nhác chạy ngược xuôi. Tôi đứng lẫn trong đám đông, lòng rộn ràng. Mãi mười phút sau tôi mới thấy người con gái đó. "Cũng bõ công chờ đón..." Cô xinh xắn, nhưng không đẹp. Da trắng xanh, tóc đen, mắt đen, răng khểnh. Cô lại nhỏ bé, có vẻ yếu ớt.

Tất cả chúng tôi xô ra, ai cũng cố nói với cô một câu, chạm vào vạt áo đen mềm hay mái tóc xoã ngang lưng. Cô giao liên cười với tất cả, gật đầu chào tất cả bằng thái độ bình tĩnh, nhẫn nại. Chắc cô đã quen với cảnh rồ dại của đám đàn ông bị nhốt lâu trên rừng.

Khi Tiểu thuyết vô đề xuất hiện ở Mỹ, không ít độc giả Việt Nam hải ngoại cằn nhằn tác giả về đoạn bịa đặt biệt kích miền Nam tàn ác, sa-đích đối với các thanh niên xung phong miền Bắc đi lạc: "Chúng tôi hướng vào góc rừng đã toả ra mùi thối khủng khiếp. Tới vực Cô Hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ chung quanh."

Đó chỉ là một huyền thoại tuyên truyền thường được sử dụng trong chiến tranh để tạo lòng căm thù đối phương. Tương tự như huyền thoại do tờ Sài Gòn Giải Phóng phổ biến sau ngày 30 tháng 4. 1975: các dân quân của chi khu Hải Yến miền Hậu Giang, vốn gốc là dân tị nạn cộng sản Tàu, thích ăn thịt đàn bà, chứ không chỉ xẻo ra, vứt chơi không. Ai thích ăn vú, được gọi là Hai Vú, ai thích ăn thịt cái đó của đàn bà, gọi là chi... Có thể các huyền thoại kiểu như thế dùng để doạ các cô thanh niên xung phong vào Trường Sơn, trong đó có Dương Thu Hương lúc trẻ, để mấy cô đừng có rời đơn vị đi lang bang. Có ngáo ộp trong rừng đó!


Chốn vắng

Hơn một thập niên sau, tại hải ngoại mới thấy xuất hiện một cuốn truyện dài mới của Dương Thu Hương, là Chốn vắng, đăng nhiều kỳ trên tạp chí Hợp Lưu xuất bản tại California trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ 3. Sự vắng mặt lâu của Dương Thu Hương về văn học không làm ai ngạc nhiên vì biết bà bị một thứ quản chế mà G. Orwell trong tác phẩm nổi danh 1984 gọi là "bốc hơi", nghĩa là Đảng CSVN vẫn để cho bà sống ở Hà Nội, nhưng không được viết, hiện diện, nhắc nhở... trên mặt báo chí, sinh hoạt văn học... tại Việt Nam nữa. Những nhận định tuyên ngôn này nọ đòi tự do tư tưởng, sáng tác và nhân quyền tối thiểu, chỉ ra được nước ngoài theo cách thế thường được gọi là "chui". Dĩ nhiên kể cả cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà: Chốn vắng.

Thời gian đã trôi qua hơn mười năm kể từ cuốn Tiểu thuyết vô đề, đã làm Dương Thu Hương chín chắn hơn, biết tiết chế ngòi bút, nghĩa là nói tóm tắt: bà viết hay hơn, vững hơn hồi còn trẻ.

Thời gian của truyện: Sau khi cuộc nội chiến 60-75 chấm dứt. Về phương diện xã hội, miền Bắc gần như cũ, nhưng đã bắt đầu nhẹ thở và dễ sống hơn, dù công cuộc Đổi Mới mới chỉ bắt đầu ở miền Nam.

Không gian: Lần này không ở trong núi rừng Trường Sơn như Tiểu thuyết vô đề, mà ở một tỉnh nhỏ, hay thị xã nửa tỉnh nửa quê miền Bắc, gần biển nhưng không xa núi.

Nhân vật chính: Vẫn bộ ba cổ điển, như trong huyền thoại Táo quân hai ông và một bà, hay như trong nhiều tiểu thuyết và phim ảnh Pháp hiện đại. Người nữ chính: Miên, dĩ nhiên là đẹp và sexy. Người nam thứ nhất: Bôn, bạn từ nhỏ và 17 tuổi lấy Miên làm vợ, trước khi lên đường vào miền Nam "chống Mỹ cứu nước". Sau hơn mười năm Bôn mất tích kể như chết, Miên chính thức đi lấy chồng khác, là Hoan, tuy cùng lứa tuổi nhưng được miễn đi lính vì có gan bàn chân bẹt. Hoan mánh mung giỏi nên mang lại cho Miên một đời sống tương đối đầy đủ. Hai người đã sinh con thì chiến tranh chấm dứt và Bôn sống sót trở về, và như một lời ca của Phạm Duy, "anh trở về dang dở đời em". Bôn không què quặt nhưng mất sức toàn diện, nghèo (lính chiến giải ngũ xứ nào chẳng nghèo), thêm bệnh thối mồm vì thực quản bị hở.

Chính quyền địa phương và dư luận ép Miên phải trở về với ông chồng cũ, một anh hùng bộ đội. Không lẽ để kẻ đi chiến đấu nơi chiến trường xa, trở về lại mất vợ vào tay một người không một ngày lính. Vậy là thảm kịch bắt đầu. Trong một bầu khí hiếm khi có trong văn chương miền Bắc, là bầu khí dục tình. Thí dụ như khung cảnh mà Hoan, chồng số 2, đã sống qua:

Mùi biển đêm không chỉ còn là mùi nước mùi gió mùi rong rêu sóng táp vô bờ mùi lũ cá nóc trương phềnh trên cát mùi gỗ thuyền hớp nắng đang nhả dần vì nắng khét đổi chỗ mùi vỏ chanh đám người ăn sò huyết ném lại... mà còn là thứ mùi khác lạ hoà trộn với tất cả những mùi quen thuộc trên khiến không khí đặc thành thứ keo vô hình, và khi hít thở thứ không khí ấy, con người bị nhiễm cơn đói dục tình, ấy là mùi toát ra từ những cặp tình nhân đang quần thảo trong các kho chứa lưới, trên các cồn cát vàng và trong bóng tối rừng dương. Sóng vỗ không mỏi mệt không ngừng nghỉ như kẻ gác đêm trung thành để tiếng ầm ào ồn ĩ khoả lấp tiếng thì thầm tiếng kêu rên của cặp trai gái nhưng mùi biển không lấn át được mùi các cặp ái ân và vì thế không gian ướt đẫm nhục cảm đầu độc những kẻ đói khát ái tình không may lọt chân vào đó...

Đoạn văn trên gợi nhớ tới một đoạn văn của Lê Thị Thấm Vân tả không khí Sài Gòn khi bà trở lại thăm thành phố này (Xứ nắng). Hai phụ nữ thật khác nhau lại giống nhau ở cái mũi tinh tường: Lê Thị Thấm Vân ngửi thấy mùi tinh khí mùi cửa mình trong không khí Sài Gòn, còn Dương Thu Hương ngửi thấy mùi ân ái của các đôi trẻ đang làm tình ven biển. Các nhà văn lớp trước không hề ngửi thấy các mùi tương tự, không biết tại các cụ mũi không thính bằng lớp hậu sinh, hay tại những lý do gì khác...

Hoan, người chồng thứ hai của Miên, ngoại trừ khuyết điểm là bàn chân bẹt, là một người khá đẹp trai, cao lớn vạm vỡ. Chàng Bôn, người chồng cũ trở về, mới chỉ thấy quần đùi đang phơi của Hoan, đã thấy mọi sự như sau:

Bôn đứng lặng, trân trân nhìn chiếc quần đùi của tình địch như con bệnh tâm thần rồi khoảng khắc sau, không nén được lòng, anh giơ tay kéo nó xuống... Bôn thọc hai tay vào hai ống quần, giang rộng ra xem kích tấc người mặt. Anh biết hai bắp đùi người đàn ông này rất lớn. Bộ mông anh ta ít nhất cũng to gấp ba lần bộ mông teo tóp của anh. Và cùng với cặp mông và bộ đùi ấy anh hình dung đến bộ phận truyền thống của đối thủ... Anh chửi rủa mình. Nhưng não óc anh lại hiện về khung cảnh các phiên chợ xưa, khi anh còn bé tẻo teo. Trong các phiên chợ ấy, người ta mua trâu bò, heo giống, chó mèo giống... Khách thò tay nắn bóp hạ bộ con vật, xem hai hột tinh hoàn của nó cân hay lệch, mềm hay rắn, nây tròn hay méo lép... Rồi họ xoạc gang tay đo chiều dài dương vật... Bôn đau đớn nghĩ rằng chính anh vừa so đo, nắn bóp kiểm soát mình như khách mua kiểm soát một con vật làm giống... (tr. 230, Hợp Lưu số 59, 2001)

Vì là người to khoẻ như thế, Hoan đã có những kinh nghiệm dục tình phong phú hơn Bôn nhiều. Có lần một cô gái nhà giàu lỡ không chồng mà chửa, đã khéo léo dụ Hoang ngủ với mình để lấy làm chồng. Nhưng kinh nghiệm dục tình đáng nhớ nhất là lúc còn trẻ, thời kỳ sống trong một cái chòi tre lá đơn sơ, gần một xóm chài nghèo qui tụ những đàn bà goá chồng có con. Một phụ nữ nghèo, lam lũ kiếm sống nuôi con, mê và thèm muốn Hoan, đã lợi dụng một đêm tối trời leo lên chòi lá:

Rồi đột ngột chị úp mặt vào ngực anh, bàn tay thô thám của chị rờ rẫm trên da thịt anh: "Có nháp không?... Tôi có làm anh đau không?"... Rồi như cảm thấy những lời lẽ vụng về thô mộc đó không biểu hiện được sự hàm ơn chị cúi xuống hôn ngực Hoan. Bắt đầu từ lúc đó anh chàng còn biết đến gì ngoài những cảm giác xác thực và mạnh mẽ chị khêu dậy nơi thân xác anh. Cặp môi dạn dĩ đói khác của chị đưa anh vào cõi khoái lạc chưa từng nếm trải. Anh cảm nhận một cách minh bạch rằng anh hoàn toàn tỉnh táo, sáng suốt, không giọt men trong dạ dày, không một ý nghĩ hoặc liên tưởng nào làm hưng phấn dục tình trước khi người đàn bà xóm Hà đến, vậy mà chị dẫn anh leo trên từng nấc thang một, từng nấc liên tục không ngưng nghỉ trên cầu thang bất định đưa con người tới tột cùng sung sướng... "Hãy yên. Hãy lặng yên... Để mặc tôi...mặc tôi..." Chị thì thầm vào một lúc khác, họ chuyển tư thế. Tay chị nhẹ nhàng và kiên nhẫn, khi cởi từng chiếc khuy trên chiếc quần sọc anh mặc, khi đỡ tấm lưng anh vì anh ở vào vị thế chông chênh, cử chỉ nào cũng nương nhẹ, cẩn trọng... như trong cuộc làm tình này chính chị mới là đàn ông thứ thiệt, kẻ hùng mạnh rèn tập, dẫn dắt... bạn tình." (tr. 232-233 Hợp Lưu số 65, 2002)

Dĩ nhiên người đàn bà ra về trước rạng đông làm Hoan không nhìn thấy mặt mũi ra sao. Người đàn bà goá thô kệch còn trở lại vài đêm nữa trước khi biệt tích, và sau đó Hoan có tới xóm Hà nghèo khó, nhưng không tìm ra tông tích "người tình không chân dung". Mười năm sau chàng lại có dịp trở lại vùng này, lúc đó đã trưởng thành và giàu có, lại vào xóm Hà tìm kiếm người xưa. Khi kiếm ra nhà, nhìn thấy phía sau người bạn tình đam mê nhiều đêm năm xưa, này vì vất vả khó nhọc, đã biến thành một bà già tóc tiêu muối đang ngồi băm bèo cho heo. Hoan bỏ chạy không tìm nhìn mặt người xưa nữa, nhưng không quên để lại cho đứa con một món tiền lớn, dặn trao cho bà mẹ. Như vậy Hoan là một người có tình nghĩa và nhiều kinh nghiệm dục tình, trước khi lấy Miên làm vợ. Và sau này khi Miên bị chính quyền địa phương và dư luận ép phải trở về với chồng cũ, là Bôn, người chiến sĩ anh hùng trở về ốm o và nghèo khổ, Hoan vẫn cấp dưỡng cho Miên đầy đủ.

Khi được phục viên, Bôn đã biết mình bị bệnh hở thực quản nên thối mồm không ai chịu nổi và bác sĩ cho biết phải vài năm mới chữa nổi. Còn về tính dục, chắc là bình thường vì trong những năm rừng núi Trường Sơn,"... những đêm dài mong nhớ, quằn quại trên võng vì cơn đói dục tình, quằn quại trong hang sâu vì cơn sốt rét... mà nhìn mấy cô giao liên đi qua con giống vẫn dựng ngược lên như mãnh hổ chực vồ mồi..." (Hợp Lưu số 63 tr. 223, 02).

Bởi thế Bôn vẫn hân hoan đón Miên trở về với mình, trong căn nhà đơn sơ tồi tàn thiếu tiện nghi do làng xóm dựng hộ. Anh tự tin hoàn toàn, sung sướng khi được nằm cùng giường với Miên, sau biết bao năm tháng ước mơ trong rừng núi và chiến tranh khốc liệt. Và đúng như người xưa đã nhận xét, "tân thú bất như viễn qui" (mới lấy nhau không bằng đi xa trở về):

... anh cúi xuống cởi những chiếc khuy trên tấm áo màu xanh dương của chị. Miên không để tâm tới điều gì. Chị nằm như pho tượng, hoặc bằng thạch cao hoặc bằng cao su, kiều diễm như tạc bởi bàn tay nghệ nhân tài tình bậc nhất, lạnh lùng như khí núi mùa đông. Cặp mắt chị nhìn vào một điểm nào đó trên mái nhà. Anh cúi xuống hôn bụng vợ quanh cái rốn nhỏ mà anh nhớ có một cái mụn ruồi đỏ bằng hạt vừng ở chếch bên trái... Chiếc quần lụa của Miên mỏng tanh, mặt lụa mát lạnh, Bôn vo tròn chiếc quần lại vừa trong chét tay, và bằng cử chỉ ấy anh có cảm tưởng thâu tóm được người anh yêu một cách dễ dàng. Sau khi đã bóp chặt chiếc quần đó vài ba lần một cách khoan khoái anh ném nó sang một bên và đặt tay lên chiếc quần lót trắng... Trắng như bông và mềm hơn cả lông mèo. Sao mỗi thứ ở nơi Miên đều đẹp như thế?

Cơn thúc hối làm Bôn mờ mắt. Anh chỉ còn thấy tấm thân trắng nhễ nhại của Miên... Rồi anh chìm sâu vào chị.

Mặc dù Miên thụ động, lạnh nhạt vì không còn yêu thương Bôn như những ngày còn trẻ nữa, nhưng Bôn bảo làm gì, chị làm điều đó. Trục trặc, là do phía Bôn, phía người đàn ông. Thông thường khi đàn ông xa đàn bà lâu ngày, hoặc bị kích thích quá độ, như chú rể đêm động phòng, thường xẩy ra hiện tượng xuất tinh sớm. Hoặc mới nằm cạnh người nữ, đã xuất tinh trong quần rồi, như một nhân vật của nhà văn Lâm Chương đã bị, sau mười năm đi cải tạo trên rừng núi, hay như một thiếu niên sung sức trong phim khôi hài nặng dục tình American Pie của Mỹ khá ăn khách gần đây. Hoặc là bị, như một lời nói đùa của nam nhi miền Nam trước 1975, là "khóc ngoài quan ải", nghĩa là cái đó của đàn ông vừa mới diện kiến cái đó của đàn bà, tinh đã xuất rồi.

Nhưng ở đây sự trục trặc xẩy tới cho Bôn lại phức tạp hơn, như sau:

Trong khoảng ngắt của hai hơi thở, lời rên rỉ buột khỏi môi anh: thuyền anh nô dỡn trên con sóng dục tình, thấy lại tuổi trẻ của anh... Nhưng bỗng nhiên một luồng khí bị dồn nén chạy dọc sống lưng, xuyên suốt thân xác anh như một mũi tên, khoái lạc và mộng mơ cùng lúc vọt ra rồi tắt ngấm. Con thuyền đắm say rơi từ đỉnh sóng xuồng bờ cát, nằm vật vờ như mảnh ván mục... Rồi bỗng dưng bộ phận truyền giống của anh đi vắng, nó chẳng còn là của anh, mà như một thứ đồ vật ngoài thân thể, ngoài ý muốn và sự điều khiển của anh. Nỗi sợ hãi hùng hổ thẹn cùng lúc làm sống lưng anh lạnh toát trong khi hai thái dương và đầu anh nóng phừng phừng như lửa đốt... Anh lặng lẽ tụt xuống chân Miên, không dám nhìn vào mắt chị... vơ chiếc quần đùi mặt vội để che đi cái phần héo rũ trên cơ thể.

Trường hợp xẩy đến cho Bôn, tục thường gọi là "chưa lên xe đã tuột xích", chưa xuất tinh mà dương vật đã mềm xèo, rủ xuống như lá héo. Nếu Bôn sống tới thập niên này và ở những nước không XHCN, thì tình trạng "có vấn đề" như thế, có thể giải quyết bằng cách xin bác sĩ gần nhất một toa Viagra, Cialis hay Levitra. Đằng này Bôn sống ở miền Bắc Việt Nam sau chiến tranh...

Bôn buồn cho mình và xấu hổ với Miên, nằm thiếp ngủ tới gần sáng, khi tiếng gà gáy cất lên, thời gian cái giống đàn ông bình thường thường cương lên vì buồn tiểu, lại len lén "luồn tay xuống dưới háng như một thằng ăn cắp. Chẳng còn gì nữa để hồ nghi. Nó đã rũ xuống như tàu cải héo, một nhúm da vặt vẹo giữa hai bẹn. Anh biết ngay bây giờ, giá như Miên thay đổi thái độ, bỗng nhiên vuốt ve hôn hít anh bỗng nhiên tự cởi bỏ quần áo và chủ động bế thốc anh lên bụng chị... Giá như thế, anh cũng không thể nào đánh thức được cái nhúm da không gân cốt kia.. Anh muốn khóc, nhưng cố nghiến hai hàm răng. Khóc thì hèn quá. Anh đâu phải là đồ hèn?... Nhưng đây không phải trận mạc. Đây là cái giường đôi."

Cả khu vực có Miên, là một phụ nữ đẹp, Hoan, một người giàu có tháo vát to khoẻ, có Bôn, một chiến sĩ anh hùng trở về từ chiến trường xa xôi, ai ai cũng theo dõi mối tình Táo quân, nên sự kiện Bôn đã bất lực truyền đi rất nhanh. Ai có chút kinh nghiệm y khoa, kinh nghiệm sống, đều làm cố vấn không công cho Bôn, một phần vì lòng tốt tự nhiên của con người, một phần có lẽ vì hối hận đã ở trong số đông ép Miên trở về với chồng cũ. Dĩ nhiên Bôn đang lâm thế tuyệt vọng, ai khuyên gì cũng nghe: "Đã bao ngày trời anh kiên trì uống thứ thuốc ông già Phiêu tốt bụng kê đơn: Dâm dương hoắc - Nữ trinh tử - Tật lê tử... Anh theo chân loại dê lên núi cắt lá dâm dương hoắc. Già Đột cho anh rượu mạnh nấu bằng gạo nếp nương nhà. Mọi người cưu mang anh như cứu mạng một kẻ tật nguyền." Và cũng dĩ nhiên cũng vì bận bịu tìm thuốc uống thuốc, khóc lóc một mình, Bôn không đi kiếm việc làm. Hoàn toàn sống nhờ Miên, và nàng cũng đâu có tiền, phải về lấy của ông chồng số 2 là Hoan. Và Hoan là người tốt: "người tình không chân dung" của mười năm trước, Hoan còn trở lại tặng một khoản tiền. Nữa là Miên, người yêu, người vợ anh yêu mến, mẹ đứa con duy nhất của anh. Vậy Miên cần bao nhiêu, anh cũng đưa, dư biết cả nhà bên Bôn ăn bám vào Miên. Sự kiện đó lại càng làm Bôn, người hùng chiến địa, thêm tủi hổ. Nhưng tủi hổ thì tủi hổ, phải xin tiền Miên mua thuốc thôi. Và Miên là người vợ hiền chân chính, vẫn chi ra đều đều... Và bao dung ông chồng số 1, kể cả khi ông nghe lang băm, xin bắt huyết dê mới chọc tiết, pha rượu rồi ngâm dương vật vào. Bị bỏng rát muốn nhảy nhổm lên, lại đúng lúc Miên về, cuống lên làm đổ bát huyết lênh láng khắp phòng...

Thời gian cứ qua đồng đều cho tất cả, ban ngày Bôn bận bịu lo thuốc men phục hồi con chim của mình, đại khái như sau:"... Ông dạy cho anh cách uống rượu dê với những món ăn thích hợp, cách nấu lẩu tinh hoàn dê với hạt củ sen củ súng, cách hấp tinh hoàn dê với hành tỏi ướp ngũ vị hương và rượu mạnh, cách ăn gan dê nướng vào lúc người đang tháo mồ hôi và cách uống sữa dê vào buổi sáng..." Rồi cứ đêm xuống, anh lại tìm mọi cách khác nhau làm tình với vợ, nhưng "chị không đủ sức chịu đựng những nụ hôn đắm đuối và hôi hám của anh, đã đẩy anh ra nhoài người khỏi giường nôn thốc nôn tháo. Từ đó Bôn không còn dám hôn chị. Anh chỉ dám úp mặt xuống phần dưới cơ thể chị trút vào đó tất cả mối tình cuồng nhiệt và khổ sở của anh. Cùng một lúc, chị xót thương và kinh tởm..."

Mọi sự rồi sẽ ra sao, người viết bài này không biết vì truyện dài Chốn vắng tạp chí Hợp Lưu ngưng đăng tiếp, vì lý do kỹ thuật. Chúng ta cùng đợi thôi, đợi xem tác giả Dương Thu Hương giải quyết ra sao truyện vợ chồng Táo quân thời hậu chiến... Biết bản chất nồng nhiệt của tác giả, nếu dùng chữ của tạp chí Việt ở nam bán cầu trái đất, biết cái "tạng" đấu tranh cao độ của Dương Thu Hương, chúng ta chỉ có thể dự đoán hồi kết cục sẽ không êm đềm như nước ao hồ tù đọng cả ngàn năm Hà Nội, mà sẽ như sông Hồng mùa nước lũ. [2]

© 2007 talawas


[1]Trước đó nhà thơ Quang Dũng đã bị phê bình là "đồi truỵ" khi tả đôi má đỏ hồng của cô hàng, và nhà thơ Nguyễn Đình Thi bị kết án tiểu tư sản, có con mắt thứ ba khi làm hai câu thơ nổi tiếng: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại, Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".
[2]Theo người viết Việt Nguyên, đã được đọc hết bản dịch tiếng Anh Chốn vắng, truyện này có kết là một thảm kịch, có máu lửa điên khùng..., đúng văn phong nhà văn Dương Thu Hương. Nàng Miên sau cùng trở về sống sung sướng với chồng sau Hoan, sau khi bị chồng cũ bắn cụt mất hai ngón tay. Anh chồng cũ người hùng chống Mỹ cứu nước ngày nào sau cùng phát điên. Kết như thế, nhà văn Dương Thu Hương vốn đã bị Đảng CSVN ghét từ trước, nay bị ghét thêm.

No comments:

Post a Comment