TIẾNG NÓI CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM QUỐC NỘI VÀ HẢI NGOẠI TRANH ĐẤU CHO ĐỘC LẬP, TỰ DO & DÂN CHỦ
Search This Blog
Hoi Nghi Dien Hong
Monday, 29 April 2019
Miền Tây: Nhộn nhịp chợ trên sông
07 Th3, 2018
Người miền Tây từ xa xưa đã thích
nghi với cuộc sống sông nước. Những dòng sông đi cùng bao thăng trầm,
chuyển động lớn lao của vùng đất.
Sông không chỉ cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông
nghiệp, giao thông đường thủy mà còn tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho
đất và người miền Tây với hoạt động giao thương hàng hóa trên sông.
Về Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, qua Phụng Hiệp (Hậu Giang) thì có chợ
trên sông Ngã Bảy. Ngược xuôi miền Tây còn có chợ nổi Ngã Năm nằm tại
thị trấn Ngã Năm, của tỉnh Sóc Trăng. Vào những ngày đầu năm mới, các
chợ trên sông nhộn nhịp, náo nhiệt hơn, luôn thường trực khoảng 100 ghe
xuồng neo đậu, buôn bán.
Chợ Ngã Năm hoạt động sôi động nhất từ 3-8 giờ sáng, đây là thời điểm
mà các thương lái tập trung lại để trao đổi hàng hóa, mua các thực
phẩm, nông sản từ đó chuyển đi khắp các huyện, tỉnh lân cận…
Chợ Nổi Cái Răng – một nét văn hóa rất đặc trưng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cô Lê Thị Hằng là thương lái ở chợ nổi Ngã Năm hơn 10 năm, quê ở Cần
Thơ cho biết: Vào dịp lễ, tết ghe xuồng đông lắm, ngày thường tôi chở
xuống chợ chỉ một ghe vài tấn, tết là đi 2 đến 3 ghe chở cả chục tấn
hàng hoá, nhưng bán rất nhanh, được giá. Ở chợ nổi Ngã Năm các chủng
loại hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ các loại gạo ngon nổi tiếng
đến các loại rau củ, trái cây, nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt…
Theo Phòng Quản lý du lịch TP. Cần Thơ, lượng khách du lịch tăng hơn
năm 2017 trên 10%; trên 80% khách ngoài tỉnh có nhu cầu tham quan chợ
Cái Răng. Ngoài giao thương hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng còn có bè đờn ca
tài tử của ông Lý Hùng, quê thị trấn Bảy Ngàn (Châu Thành A, Hậu
Giang). Năm nay 52 tuổi, gắn bó với chợ 25 năm, trải qua nhiều chìm nổi.
Theo ông Hùng kể, nhà không ruộng đất, được người quen giới thiệu ra
chợ nổi Cái Răng chèo ghe gỗ tạp bán nước giải khát. Ăn ngủ trên ghe,
mỗi đêm tát nước dăm ba lần. “Nhờ có chút năng khiếu và đã học đờn ca
tài tử từ nhỏ, nên chuyển nghề kiếm sống bằng đờn ca phục vụ khách du
lịch”, ông Hùng tự hào. Ông kể, cách nay gần một năm, có du khách người
Mỹ đến chợ nổi, thấy ông đờn ca hay nên tặng ông cây đờn mới và bộ âm
thanh.
Chợ Nổi Cái Răng
Chợ trên sông tại các địa phương đều giống nhau về hình thức mua bán;
nhưng khác nhau là các hàng hoá tự sản, tự tiêu của địa phương, các nhà
vườn thường mang những sản phẩm mình sản xuất được ra bán cho các
thương lái neo chờ ở chợ nổi. Riêng chợ Ngã Năm chủ yếu các thương hồ
đón mua nông sản từ các miền khác về đây bán lại cho các tiểu thương và
ghe hàng lớn để xuôi về miệt Cà Mau, Bạc Liêu bán lại. Vì vậy, cũng có
những thương lái không nghỉ Tết, neo ghe lại ăn Tết ngay trên chợ, hay
tranh thủ về mua thêm hàng và quay lại Ngã Năm để tranh thủ bán Tết.
Chị Hạnh, thương lái từ Kế Sách (Sóc Trăng) tâm sự: “mấy năm rồi, tôi
không có nghỉ Tết, chở trái cây xuống chợ nổi Ngã Năm, năm nay xuống
ngay tối mùng 1 Tết, hàng đã có mối quen đặt hết rồi, còn ít bán lẻ cho
bà con, nghề thương lái nghỉ một vài ngày là không chịu nổi”.
Ngoài giao thương buôn bán hàng hoá trên sông, chợ nổi còn tạo nhiều
sinh kế cho người dân nơi đây như đưa đò, bán thức ăn, nước uống… Đặc
biệt, những ngày lễ tết, lượng thương lái, khách du lịch về chợ rất đông
để mua bán, thăm quan chụp ảnh, đã tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho
những người sống tựa mình vào chợ nổi.
Chị Trang Anh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “tôi rất thích thú
với cảnh buôn bán ở chợ nổi miền Tây, các thương lái cũng rất vui vẻ,
gần gũi. Nơi đây có nhiều điểm đặc trưng cho văn hóa miền sông nước mà
không lẫn với nơi nào được, nhất là đờn ca tài tử”.
Dấu ấn là vậy, nhưng qua tìm hiểu nhiều du khách cả trong nước và du
khách nước ngoài, họ nói rằng, họ không chắc chắn trở lại. Điều này cũng
dễ hiểu, chợ họp là nhu cầu phục vụ giao thương của dân sinh sống trong
vùng. Còn khách đến thăm quan là sự tò mò và tìm hiểu về đời thường của
người dân miền Tây.
Vì vậy, nếu kết hợp làm du lịch thu hút khách thăm quan, kéo chân
được du khách quay trở lại cần có một chiến lược phát triển du lịch phù
hợp với sự phát triển tự nhiên của mỗi chợ nổi. Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ
tịch TP. Cần Thơ cho biết: “Để tăng cường sức hút du lịch cho TP. Cần
Thơ nói chung và chợ nổi trên sông Cái Răng nói riêng, Thành phố đã kêu
gọi đầu tư, mở rộng các dịch vụ ăn ở, vui chơi hai bên bờ chợ nổi, tạo
thuận tiện cho du khách. Đồng thời phải giữ môi trường sạch đẹp, nâng
cao ý thức người dân trong văn minh du lịch, phát huy tối đa lợi thế của
vùng”.
No comments:
Post a Comment