Một chuyện khôi hài
Dương Quốc Hải
Như một "hoạt cảnh sân khấu làng", những xung đột của dân quê với nhau lâu lâu được nhắc lại không phải vì mấy chuyện đó vẫn diễn ra ở cái xó làng. Mà sâu hơn, nó vẫn là mối xung đột không hề dứt về quan niệm văn chương nghệ thuật chỉ mô tả hiện thực, hay là một "hiện thực thứ hai" trong sáng tác.
Tin anh Phương Đông con trai ông phó mộc Côn viết một truyện ngắn được đăng trên một báo lớn làm bà con xôn xao bàn tán. Cái anh Phương Đông ngày xưa vẫn gọi là thằng Còi mà tài lạ! Nom anh ta cao ngẳng cao nghẻo, gầy như cò hương, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Ai thấy anh ta tươi tỉnh thư thái bao giờ. Ngữ ấy chẳng có ai thọ được, đang đi trên đường nếu gặp cơn gió mạnh thổi, chắc sẽ bay như chiếc lá tre ra ngoài đồng. Thế mà chẳng hiểu thế nào anh ta thi được vào đại học, nhưng không vì vậy mà các cô gái làng chú ý đến anh hơn. Nay đột nhiên anh nổi danh, được mọi người nói về anh với một lòng tự hào, trân trọng.
Hôm đó trong làng có đám cưới, buổi tối mọi người ở rạp bàn tán sôi nổi về cái tin kia. Bỗng một người kiếm được tờ báo ấy mang ra. Cụ Sửu, một người già có uy tín trong làng bèn đứng dậy nói:
- Thưa các cụ! Việc anh Phương Đông viết được truyện đăng báo là một niềm vinh dự của cả làng ta, xã ta! Thằng Tô đâu? - Tô “dạ” ran - cháu tốt giọng, hát hay, hãy đọc to cho mọi người cùng nghe!
Thằng Tô sung sướng đứng dậy đón lấy tờ báo. Nó vuốt cho tờ báo thật phẳng phiu, đến đứng dưới ánh đèn sáng rực rỡ hắng giọng, nó chuẩn bị đọc thì có ai bỗng hỏi:
- Thế cô Côn, mẹ anh Phương Đông có đây không nhỉ?
- Dạ! Có con đây.
Cô Côn đáp và đỏ mặt đứng dậy. Nom mặt người đàn bà đến là vui sướng. Cụ Sửu cất tiếng:
- Cháu nó có về không, cô?
- Thưa cụ! - Cô Côn xúc động nói lí nhí - chắc là bây giờ cháu nó về rồi. Cụ có điều gì dạy bảo cháu ạ?”. “Có đấy! - Cụ Sửu nghiêm trang - Anh Tộ, anh là Bí thư Đoàn Thanh niên, đã từng là dũng sĩ, hãy đi đón anh Phương Đông, niềm tự hào của làng ta tới đây để các cụ hỏi chuyện. Anh hãy bảo với Phương Đông rằng: Các cụ muốn thế!
Anh Tộ đi ra, cụ Sửu nhắc thằng Tô:
- Nào, bắt đầu!
Thằng Tô lại hắng giọng. Nó run run đọc:
- Đầu đề truyện “Làng tôi”.
- Là làng ta đấy! Nó viết về làng mình - mọi người xì xào.
- “Theo con đường đất đỏ, dọc bìa rừng độ hai kilômét là đến làng tôi... Một căn nhà xinh xắn đầu làng hiện ra. Đầu nhà có một khóm hoa giấy xanh rờn khoe ra vô số những bông hoa màu hồng mỏng mảnh. Đó là ngôi nhà của vợ chồng anh Đức, chị Nhật, cùng hai cháu trai Xuân, Hạ và cháu Thu, con gái”...
- Chắc nó viết về nhà vợ chồng thằng út với cái Gái - cụ Sửu thì thầm vào tai người bên cạnh - cơ mà nhà ấy có năm đứa gái cả, làm gì có con trai?...
Tất cả lại im lặng. Chỉ có tiếng thằng Tô đọc đều đều:
- ... “Nhà cụ Mỗ ở giữa làng. Căn nhà ba gian bằng tre ọp ẹp. Cụ Mỗ là bố chị Nhật, vợ anh Đức. Cụ là người nóng nảy, hơi xấu bụng. Tuy đã già lắm, nhưng cụ còn minh mẫn, da dẻ đỏ đắn”...
- Chắc cụ Mỗ trong chuyện là cụ Sửu đấy! - Có ai đó nói.
- Thì cụ Sửu chả là bố vợ anh út không? - Một chị beo béo giải thích với một anh thanh niên chắc ở nơi khác đến. Cô gái ngồi cạnh anh ta trông rất xinh, buột miệng bâng quơ:
- Anh ấy viết khéo nhỉ!...
- Suỵt! Suỵt! Trật tự để nghe tiếp.
- ... “Vào những ngày giáp hạt, vợ chồng anh Đức vất vả lắm. Các cháu đói, kêu khóc ầm ĩ”...
Anh út nãy giờ ngồi yên. Nghe đến đây anh lắc đầu lẩm bẩm:
- Lạ thật! Nhà mình đã bao giờ để con cái thiếu đói đến nỗi phải kêu khóc ầm ĩ đâu? Cái đoạn này rồi phải bảo chú Còi sửa.
Anh út vẫn quen gọi Phương Đông là “chú Còi”. Dù ai có gọi anh là vàng là ngọc hay là gì đi nữa thì với làng này, anh vẫn chỉ là “chú Còi” ngày xưa.
Tô lại hắng giọng. Nó đưa lưỡi liếm một vòng đôi môi khô, đọc tiếp:
- ... “Bất đồ, một buổi đi làm về, anh Đức kinh hoàng thấy vợ mình đang nằm trong vòng tay của một người đàn ông lạ”...
Chị Gái, vợ anh út giật thót, kêu lên:
- Láo toét! Thằng Còi nghe ai nói tôi ngủ với giai?
- Kìa, chị Gái! - Ông giáo Thiu sẽ sàng - Cậu ấy viết như vậy đã chắc đâu viết về gia đình chị! Hãy cứ nghe cái đã...
- ... “Đức đứng như trời trồng” - tiếng thằng Tô vang lên - “Nhật không hay biết gì cả. Chị vẫn nồng nhiệt hôn lên má, lên môi người đàn ông nọ”...
- Giời ơi! - Chị Gái bật kêu - Đứa nào thối mồm nói với thằng Còi như thế để nó viết lên báo? Bây giờ cả huyện người ta tưởng thật - chị khóc nấc lên - Anh út! Có các cụ, có mọi người đây, anh nói đi... là tôi không có thế!...
- Thì mẹ nó không có thế!... - út làu bàu. Anh quay sang cô Côn:
- Chị Côn! Đứa nào nói với thằng Còi là nhà tôi đói nghèo? Đứa nào đặt điều vợ tôi ngủ với giai?
Nãy giờ nghe chuyện, cô Côn lo tím tái. Chết thôi! Cái thằng Còi... Con ơi, sao mày lại dại thế? Đương không lại bịa chuyện người ta mà đưa lên báo? Chuyến này rồi đền danh dự nhọc! Cô cúi thấp xuống để mọi người không nhìn thấy. Nghe anh út sừng sộ, cô run lên như giẽ:
- Nào tôi có biết! Thôi, con dại cái mang. Tôi xin lỗi các cụ, các anh chị...
Ông giáo Thiu quay về phía vợ chồng chị Gái, khẽ gắt lên:
- Cái nhà anh chị này buồn cười nhỉ? Việc đâu đâu lại vơ vào mình. Rõ dơ! Cậu ấy là nhà văn, cậu ấy hư cấu thế. Tên tuổi địa chỉ nào nhà anh chị?...
Chị Gái đang sụt sịt khóc, thấy ông giáo Thiu nói thế, chồm lên:
- Lại còn bênh! Hay chính ông đã đặt điều với nó? Ông thù oán gì vợ chồng tôi? Dè chừng nhé! Nhà văn là cái thá gì mà nói láo! Là cái thá gì mà dám dựng chuyện tày đình gán cho nhà người ta!...
- Hừ. Là cái gì? - Anh út cũng nổi xung - Được nói láo toét chắc? Nhà văn là nhằn ra! Là người mà làng nhằn ra, chứ là cái thá gì, cái thằng Còi?...
Cô gái xinh xinh lúc nãy lại buột miệng:
- Khiếp! Sao anh ấy liều thế nhỉ?
Cụ Sửu cũng đã ấm ức lắm. Cụ trót giới thiệu nó là “niềm tự hào” nên còn chưa tỏ thái độ gì. Ngay từ đầu truyện nó nói “cụ Mỗ xấu bụng” là cụ biết ngay nó ám chỉ cụ rồi. Cứ để nghe xem thằng Còi còn xỏ xiên gì cụ nữa!
- Cụ xua tay - cứ để thằng cháu Tô nó đọc...
Thằng Tô hoang mang. Nó phát hoảng lên, cầm tờ báo trong tay như cầm một cái gì mà người ta ghê tởm. Nhưng cụ Sửu giục, nó miễn cưỡng:
- “... Cụ Mỗ được con rể báo tin, cụ không nói năng được gì. Cụ ngồi lặng lẽ uống từng bát rượu. Lâu sau cụ cầm con dao nhọn, gầm lên”...
Đấy!... Cụ Sửu lặng đi. Đến cụ mà thằng Còi còn dám xỏ thì nó còn tha ai. Ô! Sao nó dám láo thế?...
- ... “Cụ đập vỡ cái bát vừa uống rượu, đứng phắt dậy. Đang chếnh choáng hơi men, cụ vung dao nhè anh Đức mà đâm một nhát. Anh Đức tránh được nhưng vẫn bị sượt bả vai, máu chảy ròng ròng. Anh túm lấy bố vợ, giật con dao. Cụ Mỗ mất đà ngã bổ chửng ra sân, cái răng hàm cuối cùng cũng rơi ra nốt”...
- Á!... - Cụ Sửu kêu lên đau đớn - Dừng lại!
Thằng Tô im bặt, nó sợ hãi nhìn quanh. Anh út vằn mắt lên vì tức giận. Chị Gái ôm mặt rên rỉ. Còn cụ Sửu, cụ ngồi ngây ra như pho tượng, choáng váng không thể nói nên lời. Xưa nay chưa bao giờ có ai xúc phạm cụ ghê gớm thế.
- Mẹ Côn đâu? - Cụ Sửu hỏi giọng khàn khàn chết chóc.
- Dạ! - Cô Côn run rẩy.
- Mẹ con nhà chị liệu mà bảo nhau xin lỗi chúng tôi nhé! Không thì khó sống đấy!
Cô Côn ứa nước mắt:
- Con đội ơn các cụ. Đội ơn các bác. Con cắn rơm cắn cỏ, dập đầu lạy các cụ. Con sẽ bắt thằng Còi đi từng nhà xin lỗi...
Ông giáo Thiu chỉ cười khẩy. Ông đứng dậy đi ra ngoài... Đúng lúc ấy anh Tộ đưa Phương Đông đến. Anh nắm tay nhà văn đưa lên cao, vui vẻ nói thật to:
- Thưa các cụ! Con đã hoàn thành nhiệm vụ đưa nhà văn Phương Đông, niềm tự hào của làng ta đến!
Đám đông gầm lên. Phương Đông ngơ ngác. Anh út thét:
- Thằng Còi kia! Nhà văn với chả nhằn ra! Ai cho mày nói xấu gia đình nhà tao?
- Ai đặt điều với mày là bà ngủ với giai? - Chị Gái lồng lộn - mày chết với bà!...
Phương Đông há mồm. Nụ cười méo xệch trên môi. Mặt anh tái đi. Cô Côn lao tới ấn đầu con trai xuống, rít lên:
- Còn đứng như phỗng thế à? Thằng trời đánh thánh vật! Dập đầu xin lỗi các cụ đi!
- Nào, kể tình đầu rồi xin lỗi các cụ! - Cụ Sửu nghiêm khắc.
Chỉ có cô gái xinh xắn nọ, chị beo béo và anh thanh niên là lè lưỡi thương hại nhà văn.
Đột nhiên, trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ trong anh hiểu ra tất cả. Anh thấy đau buốt trong ngực mình! Ôi trái tim anh. Trái tim yếu đuối từ rất lâu rồi người ta đã nghe thấy tiếng thổi tâm thu rõ ràng với một tiên lượng không lành. Anh lả người trượt thoài loài xuống sân như một cây gỗ vừa bóc vỏ, rất trơn...
Bạn đọc bình luận: |
Tôi ko thể nào hiểu nổi, tại sao mọi người trong làng lại có ý nghĩ như vậy với anh Phương Đông. Là một nhà văn, theo tôi nghĩ các tác phẩm của mình đâu phải lúc nào cũng phải thật, phải chính xác. Chẳng lẽ những người ấy có tật giật mình |
mình nghĩ đã là người nghệ sỉ thì cầncó trí tưởng tượng phong phú như anh phương đông đã miêu tả sự việc trong câu chuyện theo sự tưởng tượng nhưng rất thật ở ngoài đời những việc như vậy luôn xảy ra |
tui có đọc Nam Cao cũng đã từng nói đến chuyện mình viết khi không bị người ta vu vào nói ông viết về người ta. Làm nhà văn cũng có cái khổ. |
"Có tật thì giật mình" cổ nhân nói không sai, nhưng họ đã dùng quá nhiều trí tưởng tượng để suy luận khi thưởng thức văn chương, chỉ có điều tôi thấy rằng nếu viết về những nết tốt thì chẳng có ai phẫn nộ cả, suy ra rằng đừng nên viết về tật xấu, hãy viết toàn về điều tốt, anh sẽ được tung hô cho mà xem!!! ai chẳng thích ngọt mà |
Gởi bài bình luận của bạn |
Xem tiếp: |
No comments:
Post a Comment