Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 11 February 2020

Tiếp tục yêu cầu minh bạch việc dùng chất thải Formosa san lấp mặt bằng

Lực lượng an ninh làm hàng rào chắn đường đi của người dân vào khu đất bãi thải.
Lực lượng an ninh làm hàng rào chắn đường đi của người dân vào khu đất bãi thải.
Nguồn: Truyền thông Tây Yên
Vào ngày 8/2 vừa qua, hàng trăm người dân giáo xứ Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh đã xuống đường yêu cầu chính quyền cùng hai công ty An Việt Phát và Tâm Viết Hải dừng việc dùng chất thải chưa qua xử lý của nhà máy thép Formosa để san lấp mặt bằng. Trên các trang mạng xã hội, nhiều thông tin, hình ảnh, video với nội dung về cuộc biểu tình của người dân giáo xứ Tây Yên được lan truyền rộng rãi trong cuối tuần qua.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh ĐT., một người dân Tổ dân phố Tây Yên có tham gia trong cuộc tuần hành vì môi trường ngày 8/2 nhận định:
“Cuộc lên đường này không phải là biểu tình mà để đòi hỏi quyền lợi, yêu cầu công ty An Việt Phát và công ty Viết Hải, yêu cầu chính quyền dừng ngay việc san lấp mặt bằng, trả lại môi trường sạch cho nhân dân.”
Cuộc lên đường này không phải là biểu tình mà để đòi hỏi quyền lợi, yêu cầu công ty An Việt Phát và công ty Viết Hải, yêu cầu chính quyền dừng ngay việc san lấp mặt bằng, trả lại môi trường sạch cho nhân dân. - ĐT.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2019, người dân Tổ dân phố Tây Yên, tỉnh Hà Tĩnh đã lan truyền những kêu cứu trên mạng về việc một dự án mới ở Khu kinh tế Vũng Áng đang tiến hành san lấp mặt bằng với chất thải của Nhà máy thép Formosa chưa qua xử lý.
Cụ thể, người dân cho biết tại khu vực phía đông khu kinh tế Vũng Áng nằm cạnh trạm trộn bê tông Tâm Viết Hải, hoạt động thi công san lấp mặt bằng cho dự án mới đang được tiến hành. Theo nghi vấn ban đầu thì vật liệu san lấp mặt bằng là chất thải rắn từ nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh.
Người dân, đặc biệt những người đang sống tại Tổ dân phố Tây Yên gần sát dự án, tỏ ra lo ngại không biết chất thải đó đã được các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường lấy mẫu đối chứng để kiểm tra, phân tích chính xác và cho ra kết quả về mức độ nguy hại trước khi đưa vào sử dụng trong công trình hay chưa. Vì theo họ, nếu nền của dự án này được san lấp bằng chất thải không qua xử lý sẽ rất nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước, và hậu quả về lâu dài sẽ không lường trước được.
Dù họ đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được câu giải thích từ phía các ban ngành liên quan. Ngoài ra, phía chính quyền có các cuộc tiếp xúc và cung cấp các văn bản cho ban cán sự thôn và ban hành giáo tuy nhiên người dân chưa nhận được thông báo chính thức nào. Vì vậy, người dân đã kêu gọi cùng nhau đứng lên, như lời anh C., một người dân Tây Yên:
“Giải thích không đúng, người dân không hiểu hết nên dân bức xúc từ cấp lãnh đạo đến các công ty ‘ăn rơ’, cộng tác với nhau để lấp liếm những công việc san lấp mặt bằng đó. Người dân, đặc biệt là lớp trẻ cảm thấy phật lòng nên họ tự động lên tiếng phản đối việc dùng chất thải rắn chưa qua xử lý ở Formosa để san lấp mặt bằng.”
Tường thuật chi tiết hơn về buổi xuống đường đòi quyền lợi ngày 8/2, anh ĐT. cho biết chủ yếu tham gia là những người trẻ hiểu được chất độc hại, kêu gọi anh em, bà con làng xóm lên để phản đối vì trong ngày hôm ấy công ty An Việt Phát và công ty Viết Hải chuyển giao mặt bằng làm lễ động thổ. Đặc biệt, rất nhiều học sinh, sinh viên đồng hành cùng gia đình đi đòi lại quyền lợi:
Người dân xuống đường ngày 8/2.
Người dân xuống đường ngày 8/2. Nguồn: Truyền thông Tây Yên
“Sáng hôm ấy anh em kêu đi để cho bên chủ đầu tư biết lòng dân không an, chắc chắn có hành động xem xét lại việc này. Các biểu ngữ dân họ đưa lên gồm yêu cầu môi trường sạch, tẩy chay công ty Viết Hải, đòi hỏi chính quyền và công ty Viết Hải trả mặt bằng sạch cho người dân.”
Vẫn theo anh ĐT., khi đoàn người đến cách chỗ hai công ty An Việt Phát và Tâm Viết Hải đang bàn giao mặt bằng hơn 1km, phía ngoài cổng có rất đông công an, cơ động, chính quyền làm hàng rào chắn đường đi của người dân vào khu đất bãi thải.
“Cơ động, công an, hình sự rất nhiều, có cả Chủ tịch phường Kỳ Thịnh. Người dân đứng ở đây, người dân tìm mọi cách quyết tâm đi vào mặt bằng qua mọi ngả như đường ruộng, băng qua hồ, suối để vào. Cuối cùng cũng vào được thì bãi động thổ đã xong cuộc và đi về.”
Trong khi một số người tìm cách vào trong, số người còn lại vẫn đứng ngoài chờ tình hình. Theo anh ĐT., bên ngoài bãi đất đang được chính quyền bảo vệ, thỉnh thoảng lại nghe tiếng loa giải thích lý do không để người dân vào trong:
“Tôi có nghe một số người cầm loa nói khu vực này đang diễn ra lễ thi công, cấm không để dân đi vào. Có ông Nguyễn Tiến Bảy – Chủ tịch phường Kỳ Thịnh cầm loa nói đề nghị các giáo viên trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 để nhận diện phụ huynh học sinh con em mình sau này thi hành kỷ luật. Khi ông ấy vừa phát biểu như thế bị người dân phản kháng lại vừa câu nói không xứng đáng với người Chủ tịch.”
Cũng tham gia trong buổi xuống đường ngày 8/2, dưới góc nhìn khác, anh N. cho rằng phát biểu của người đứng đầu phường Kỳ Thịnh chỉ có hình thức răn đe.
“Thực ra người ta mang tính chất hù dọa cho các em về, không tham gia. Nhưng đây là việc chính nghĩa nên không sợ gì. Các cô thầy thông cảm với người dân, nói với người dân do cấp trên điều về như thế thì theo nhiệm vụ thôi, mong phụ huynh thông cảm. Bên phía người dân cũng không trách cứ gì các cô thầy vì biết là do cơ chế cấp trên nói cấp dưới nghe, cô thầy không phải vì thế mà hoạnh họe học sinh hay bắt nạt các em.”
Chúng tôi có gọi cho Ủy ban Nhân dân phường Kỳ Thịnh để hỏi về phát biểu của Chủ tịch phường Kỳ Thịnh nhưng bị từ chối đưa ra thông tin chi tiết:
“Gọi cho những người lãnh đạo chứ tôi không biết, không nắm cũng như không phát ngôn vấn đề đó được.”
Về phía ông Nguyễn Tiến Bảy Chủ tịch phường Kỳ Thịnh, sau khi nghe xong câu hỏi cũng không trả lời gì thêm.
Sau khi cuộc xuống đường ngày 8/2 điễn ra, trên mạng đã xuất hiện những bài viết cho rằng đây là cuộc biểu tình được các cá nhân, tổ chức nước ngoài xúi giục.
Anh C. nói rõ:
“Những thông tin tụi anh đăng lên thì một vài dư luận viên bên báo nào bày chuyện ra nói bà con giáo dân có người nước ngoài hay Việt Tân gì đó vào kích động làm cho bà con giáo dân Dũ Yên đi lên biểu tình trong dịp đang dịch bệnh.”
Khẳng định với Đài Á Châu Tự Do không có việc này xảy ra, anh ĐT. cho biết:
Những thông tin tụi anh đăng lên thì một vài dư luận viên bên báo nào bày chuyện ra nói bà con giáo dân có người nước ngoài hay Việt Tân gì đó vào kích động làm cho bà con giáo dân Dũ Yên đi lên biểu tình trong dịp đang dịch bệnh. - N.
“Cái này tự mọi người đứng lên, chỉ cần trên trang truyền thông của giáo xứ kêu gọi là tất cả đứng lên chứ không có ai đứng ra giật dây.”
Những người dân Tây Yên trong và cả ngoài nước khi trả lời phỏng vấn đều cho biết họ sẽ kiên quyết đứng lên để phản đối cho đến khi có kết quả minh bạch về mẫu chất thải được dùng để san lấp mặt bằng.
Trên trang Facebook Truyền thông Tây Yên có đưa ra 2 yêu cầu chính quyền Hà Tĩnh phải thực hiện vai trò phục vụ nhân dân trong trường hợp này. Bao gồm phải lấy mẫu xét nghiệm tại hiện trường mặt bằng được san lấp cũng như công bố công khai, minh bạch kết quả xét nghiệm. Nếu thật sự kết quả cho thấy có độc hại thì chính quyền Hà Tĩnh phải yêu cầu hai công ty An Việt Phát và Tâm Viết Hải nạo vét lên trả lại cho công ty Formosa.
Ngoài ra, các cấp chính quyền Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm nếu môi trường bị ô nhiễm, gây ra bệnh tật, chết chóc cho người dân bởi sự việc này.
Vụ công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển hồi năm 2016 dẫn đến thảm họa môi trường khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo 4 tỉnh miền Trung tác động đến cuộc sống của người dân ven biển. Sau vụ việc, Fomrosa đã phải công khai xin lỗi và bồi thường cho phía Việt Nam 500 triệu đô la nhằm khắc phục hậu quả ô nhiễm, hỗ trợ cho người bị thiệt hại.
Vào tháng 5 năm 2018, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường và các ban ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải của nhà máy Formosa. Số liệu cụ thể được nêu ra là mỗi năm Formosa xả ra môi trường hơn 3 triệu 300 ngàn tấn chất thải rắn.
Người dân lo ngại khối chất thải đó sau khi chất đầy nhà máy nay Formosa và công ty An Việt Phát ‘móc nối’ với nhau tuồn ra ngoài, gây nguy hại đến môi trường.

No comments:

Post a Comment