Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 20 April 2019

10- Kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương

15/09/201012:00 SA(Xem: 35662)
10- Kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương
NAM MÔ NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM VƯƠNG KINH HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT (3 lần)
KINH NHẤT THIẾT CÔNG ĐỨC TRANG NGHIÊM VƯƠNG
(MỘT QUYỂN)
Đời Đường, Ngài Tam Tạng pháp sư Nghĩa Tịnh
phụng chiếu dịch Phạn ra Hán.
Thích Viên Đức dịch thành Việt văn.



Như thật tôi nghe, một thời đức Bạc Già Phạm ở tại thành Vương Xá, nơi Yết Lan Đạt Ca, trong vườn Trì Trúc Lâm cùng các đại Bí sô chúng, đầy đủ 500 người. Các vị đại Bồ Tát gồm có 1.200 vị, đều đắc Đà Ra Ni, biện tài trôi chảy, được trí vô nhiễm, dạo vô ngại cảnh, khéo quyền phương tiện, nhiếp dẫn chúng sanh, quán sát thế gian, tâm hành bình đẳng, nhiêu ích từ bi, lòng ưa thuần tịnh, ở chỗ chư Phật, pháp mầu thâm sâu, thường hay thưa hỏi.
Các Ngài ấy gọi rằng: Từ Thị đại Bồ Tát, Thường Cần Dũng đại Bồ Tát, Bình Đẳng Trụ đại Bồ Tát, Đại Huệ đại Bồ Tát, Vô Biên Biện đại Bồ Tát, Dũng Huệ đại Bồ Tát, Quán Tự Tại đại Bồ Tát, Trừ Nghi đại Bồ Tát. Những vị đại Bồ Tát Ma Ha Tát như vậy đều là bậc Thượng thủ. Còn có các vị Thích, Phạm, Hộ Thế, Tứ Thiên Vương, Long, Thần, Bát Bộ và các ngoại đạo, số có sáu ngàn (6000) cùng đem quyến thuộc, thảy đều vân tập những đại chúng này đều đến chỗ Phật, lễ chân Phật rồi hữu nhiễu ba vòng, trời mưa hoa màu, tấu thiên âm nhạc, thiêu các danh hương làm lễ cúng dường.
Bấy giờ đại chúng đều thốt lên rằng: Lành thay! Lành thay! Giáo pháp Như Lai, đủ đại oai đức, hễ có lòng tin, hay đoạn phiền não, nói lời ấy rồi lại ngồi một bên.
Lúc ấy đức Thế Tôn nhập vào “Năng đoạn hoặc ly cấu Tam ma địa”. Khi nhập định này, đại địa tức liền sáu món chấn động. Trời mưa hương bột, mầu nhiệm chiên đàn, hoa thơm cõi trời rưới khắp nơi ấy. Phóng đại hào quang chiếu khắp thế giới, nếu các hữu tình đọa trong ác thú mong nhờ hào quang đều được giải thoát. Cho đến tất cả Thiên, Long, Dược Xoa những chúng Bát Bộ, chỗ ở cung điện thảy đều chiếu sáng, nghe thiên âm nhạc, hương trời mầu nhiệm. Chư Thiên thần kia thấy việc hy hữu không thể nghĩ bàn, lòng sanh suy nghĩ, ai làm thần lực, thù thắng như thế khiến đất đại động, trời mưa hương hoa, phóng đại hào quang chiếu sáng cung thất thảy đều rực rỡ. Suy nghĩ thế rồi cùng nhau bảo rằng: Đây là Như Lai hiện đại oai đức, không phải các trời, hay có điềm ấy. Chúng ta nay đây hãy đến vườn Trúc nơi chỗ Thế Tôn lễ bái cúng dường, nghe pháp mầu nhiệm. Các chư Thiên kia cầm hoa Ốt bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Phần đà lợi, hoa Tô kiện đề, hoa Mạn đà la, hoa Ma ha Mạn đà la. Đến chỗ Thế Tôn đầu đảnh lễ kính nơi hai chân Phật mà vì cúng dường, trời mưa các hoa khắp cả đại địa, ngập đầy đầu gối chân. Chấp tay cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan. Lại có Bồ Tát vô lượng phương khác như Ngài Chấp Kim Cang Bồ Tát, Trang Nghiêm Vương Bồ Tát, cùng muôn ức chư Thiên trì chú Thần vương, thấy hào quang lớn đều dùng oai lực làm diệu trang nghiêm, hương hoa đẹp đẽ, các thứ âm nhạc qua đến chỗ Phật cùng các quyến thuộc đều nhiễu ba vòng, chấp tay chí thành, lễ hai chân Phật, cúng dường đã xong, đầy đủ oai nghi, lui ngồi một bên.
Bấy giờ, Ngài Từ Thị và các đại Bồ Tát thấy các đại chúng đều đã vân tập khởi niệm thế này: Ta xem đại chúng đều đến chỗ Phật, chắc sẽ diễn nói, pháp đó thù diệu không thể nghĩ bàn, thảy đều lặng lòng chờ nghe lời mầu. Lúc lấy Thế Tôn biết các Bồ Tát tất cả đại chúng lòng nghĩ như thế liền xuất thiền định dạy Bồ Tát Trang Nghiêm Vương rằng: Này thiện nam tử! Ông hãy đi xem cõi đại địa này, sẽ thấy những gì. Khi ấy Trang Nghiêm Vương Bồ Tát thừa giáo chỉ Phật từ tòa đứng dậy liền xem đại địa, đã xem khắp rồi trở về chỗ Phật cung kính đảnh lễ nơi hai chân Phật, rồi đứng một bên mà bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Con vâng lời Phật, xem cõi đại địa đã có người trời, tất cả đại chúng đều đến vân tập, mong đức từ bi vì các chúng sanh làm việc nhiêu ích.
Lúc bấy giờ, Đức Phật dạy Trang Nghiêm Vương Bồ Tát rằng: Ông nên nhất tâm lắng nghe ta nói. Ta nay sẽ vì sáu mươi bốn ức chúng sanh hữu duyên, thọ ký đạo quả Vô thượng Bồ đề.
Bấy giờ Chấp Kim Cang Bồ Tát liền từ tòa đứng dậy chấp tay hướng Phật bạch đức Thế Tôn: Nay có vô lượng ức số Thiên Long, Dược Xoa và các La Sát, Càn Thát Bà, A Tô La, Yết Lỗ Trà, Khẩn Na La, Mạc Hô Lạc Già, Người và Phi nhân cùng các ngoại đạo đều đến vân tập. Bạch đức Thế Tôn! Nay chính là lúc, mong Ngài vì nói. Kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương hay tiêu hết thảy nghiệp chướng, hay diệt các tội khổ, hay dứt tất cả ma nghiệp, hữu tình chưa tin khiến sanh kính tín, trừ bỏ đói khát, thường được giàu vui, tiêu các bệnh tật, xa lìa uổng tử, cũng khiến hữu tình, dứt trừ hối hận đều được an ổn, thường thọ khoái lạc. Bạch đức Thế Tôn! Con lúc xưa kia từng ở chỗ Phật Điển Quang nghe thọ kinh này vừa được nghe xong, tất cả diệu pháp đều được hiện tiền, tất cả ác đạo thảy đều đóng bít, chỗ có nghiệp chướng đều được tiêu trừ. Cúi mong Như Lai từ bi xót thương vì chúng diễn nói. Thưa lời ấy rồi Thế Tôn yên lặng.
Bấy giờ Ngài Chấp Kim Cang Bồ Tát cũng lại ân cần ba lần thưa thỉnh, nói pháp như thế. Đức Phật dạy Chấp Kim Cang Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Ông chớ thỉnh ta nói kinh Nhất Thiết Pháp Công Đức Trang Nghiêm Vương, vì cớ sao thế? Ta nếu nói ra, đối với đời ác sau này sẽ có chúng sanh không thể tín thọ, lại nói như vầy: Kinh đây chẳng phải Như Lai tuyên nói, cũng chẳng khen ngợi, hủy báng kinh này hay chiêu hai món thiện ác nghiệp báo. Bởi chúng sanh kia vì tội xan tham, không hay cung kính cúng dường kinh điển, đối thuyết pháp sư cũng không gần gũi, hủy báng kinh này, rộng làm bất tín, ở trong hiện đời tạo các ác nghiệp, về đời mai sau đọa trong địa ngục, chịu khổ đốt cháy. Này thiện nam tử! Như Vương Kinh này càng nên tôn trọng cũng như cha mẹ, lại hay diệt trừ các ác nghiệp chướng. Tuy nhiên trong đời ác thế ngũ trược cũng chẳng phải thời nói, cũng chẳng phải thời nghe. Bởi vì sao vậy? Chớ nên khiến kia tất cả ngoại đạo và các hữu tình đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh, chịu khổ lâu dài. Vậy nên chúng sanh tín tâm kém thiếu, vui đắm các dục, siêng quản tục vụ, buôn bán tranh tụng, đối kinh điển này ắt khởi bán tâm. Những chúng sanh đây sau khi mạng chết đọa vào tám địa ngục lớn, phải chịu cực khổ.
Khi ấy trong chúng có tám muôn người, đều từ chỗ ngồi đảnh lễ chân Phậtbạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Chúng con đem lòng tin sâu kinh điển, tôn trọng cúng dường, biên chép đọc tụng, rộng truyền kẻ khác. Nếu có người ngu, không tin pháp đây vì bởi mạn pháp cũng lại hủy báng khinh chê nơi con, con lúc bấy giờ hết thảy nhẫn chịu. Báo ân kinh này trọn không hờn giận. Chỉ mong vì nói thù thắng kinh điển. Sở dĩ vì sao? Vương kinh mầu này nơi đời vị lai lơi ích chúng sanh, như Phật không khác. Nói lời ấy rồi, trở về chỗ ngồi.
Ngài Chấp Kim Cang Bồ Tát bạch Đức Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Bồ Tát Ma Ha Tát làm thế nào cầu thiện tri thức?
Phật dạy: Này thiện nam tử! Cầu thiện tri thức phải nên thành tựu bốn pháp như vầy: Một là thường đến thưa hỏi, hai là khởi lòng tin cần, ba là ý ưa thanh tịnh, bốn là tôn trọng mến pháp.
Chấp Kim Cang Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Làm thế nào Bồ Tát an trụ A Lan Nhã?
Phật dạy: Thiện nam tử! Thành tựu được bốn pháp thì an trụ A Lan Nhã:
Một là bỏ lìa nhà thế tục, hai là xa lìa ác tri thức, ba là xả bỏ hết tài vật, bốn là thường nhiếp tự tâm.
Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Con không thấy có người được nghe kinh này mà đọa ác thú. Bạch Thế Tôn! Kinh này có đại oai đức, khó thể nghĩ lường. Bạch Thế Tôn! Nếu có người tạm nghe kinh này mà lễ bái khen ngợi, cung kính cúng dường thì thu hoạch được phước vô lượng huống gì biên chép, lưu hành, thọ trì, đọc tụng, các thứ hương hoa vì đó cúng dường, còn đối thuyết pháp sư, nên đem những thứ y thực cúng dường. Người như thế đó được tất cả chư Phật cùng chung hộ niệm vì họ thọ ký sẽ được sanh sang thế giới An Lạc. Pháp sư như thế cùng Phật không khác. Phật dạy: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Ta cũng cúng dường Pháp sư như thế và sẽ thọ ký, được sanh An Lạc thế giới mau chứng Bồ đề. Nếu lại có người đối chỗ chư Phật và kinh điển này, tôn trọng cung kính rồi dùng hương thơm, hoa đẹp, hương hoa, hương bột, y phục anh lạc, các thứ âm nhạc, tràng phan, bảo cái, lọng tàn, màn trướng mà cúng dường ấy thì người này trọn không bao giờ hoạnh tử, không có oán giặc, binh chiến lo sợ, cũng không cha mẹ, vợ con quyến thuộc, bằng hữu tri thức, buồn khổ lo rầu! Có mong cầu chi đều được toại ý. Thiện nam tử! Chư Phật ra đời việc đó rất khó, được nghe kinh này lại càng khó hơn. Nếu kinh điển này lưu hành chỗ nào, hoặc là thành ấp, tụ lạc, lan nhã, tòng lâm, các nơi trụ xứ, phải biết chỗ ấy tức là chư Phật Thế Tôn đều đã nhiếp thọ.
Khi bấy giờ Chấp Kim Cang Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Ngài Quán Tự Tại Bồ Tátnhân duyên gì mà gọi tên Quán Tự Tại? Thế Tôn dạy rằng: Thường lấy mắt tịnh xem xét thế gian, nơi có chúng sanh an ủi dụ dẫn, thành thục từ bi, lợi ích an ổn. Nếu xưng danh ấy, có việc mong cầu đều khiến đầy đủ, bởi nhân duyên đó, tên Quán Tự Tại. Lại bạch Phật nữa rằng: Nếu có chúng sanh chỉ xưng danh hiệu của Quán Tự Tại Bồ Tát, mà việc mong cầu còn được đầy đủ huống gì có người cúng dường Như Laikinh điển này, biên chép đọc tụng, rộng vì kẻ khác, lưu hành truyền nói, y phục hương hoa mà vì cúng dường, người này được phước vô lượng vô biên.
Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Kinh này có đại oai đức hay làm Phật sự. Cúi mong Thế Tôn lại vì thương xót các chúng sanh ấy nên nói chú Đà Ra Ni.
Phật dạy: Thiện nam tử! Có Đà Ra Ni gọi rằng Thắng Diệu. Ta lúc xưa kia còn làm Bồ Tát, nơi Thắng Diệu thế giới chỗ Phật Diệu Âm, cùng các đại chúng đồng khen Thần chú Đà Ra Ni này, đã thọ được rồi chứng pháp Thập Địa Vô Lượng chúng sanh thảy đều đồng chứng Vô sanh pháp nhẫn.
Bấy giờ trong hội các chúng Bồ Tát đều đứng cả dậy mà bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Cúi mong từ bi thương xót lân mẫn, hết thảy chúng con mà nói Thần chú Đà Ra Ni ấy. 
Bấy giờ Thế Tôn dùng tiếng Phạn âm liền nói chú rằng:
“Đát Điệt Tha, Thệ Dã Thệ Dã, Thệ Da Phược Ha, Khê Phược Ha, Thệ Dã Phược Ha, Hốt Lỗ Hốt Lỗ Bát Đầu Ma, Bệ A Bà Ma Phạm Mê Tát Ra Tát Rị Nê, Địa Lỵ Địa Lỵ, Địa Ra Địa Lỵ Đề Bà Đả Bát Lợi Ba Rị Nê, Du Đà Ốt Đa, Lạt Nĩ Bát Ra, Chước Yết Ra Nĩ Bà, Lạt Nĩ Bô, Lạt Dã Bà Già Phạm
Ngã đệ tử tên …(tự xưng tên mình) do Phật gia hộ, tất cả sở cầu, nguyện mong viên mãn. hết thảy tội nghiệp đều được tiêu trừ TÓA HA.”
Phật dạy: Thiện nam tử! Thắng Diệu Đà Ra Ni chú này, hay trừ tất cả tội chướng, hay bẽ gãy tất cả tha quân, vĩnh viễn không đói khát, tật dịch tai nạn, các việc bịnh khổ. Thường được giàu có, kho lẫm dẫy đầy, tăng ích thọ mạng. Đà Ra Ni chú này là chư Phật Mẫu. Nu có kẻ trai lành và người gái tín nào tín tâm đảnh lễ, cung kính cúng dường, biên chép đọc tụng, thọ trì kinh chú, còn lại cúng dường pháp sư trì kinh thì người đó nghiệp chướng đều được tiêu diệt, không gặp hoạnh tử, nơi trong hiện thân thường được hoan hỷ khoái lạc. Cha mẹ vợ con bằng hữu quyến thuộc thảy được an ổn, có việc mong cầu đều được toại ý. Chấp Kim Cang Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Con cũng đem lòng cung kính trì dịch kinh điển ấy. Nếu lại có người đem hương hoa mầu nhiệm và các đồ ăn uống cúng dường pháp sưkinh điển này, con cũng tùy hỷ đồng tâm cúng dường kinh ấy. Những người nhơn dân và vị quốc chủ tại quốc gia kia con đều ủng hộ khiến khỏi suy hoạn khổ não, mong cầu điều chi thì được toại nguyện. Bạch đức Thế Tôn! Con nay khởi lòng phát tâm dõng mãnh, vì Quốc chủ kia và người tín thọ, cũng vì tuyên nói chú Đà Ra Ni đểủng hộ. Phật dạy, thiện nam tử! Ông hay vì các chúng sanh làm điều lợi ích an vui mà nói Đà Ra Ni nên ta tùy hỷ. Lúc ấy Chấp Kim Cang Bồ Tát nhờ Phật thần lực đã gia trì nên nói Thần chú Đà Ra Ni rằng:
“Nam ma tát bà bột đà, đát tha yết đa nẫm. Nam ma a di đa bà dã, đát tha yết đa dã. Nam ma tát bà bồ đề tát đõa nẫm. Nam ma tát bà mộ hiết địa kê tệ. Đát điệt tha hổ hô mê, hổ hô mê, mạt để mộ ha mạt để, bạt chiết la mạt để, điệt lật trà bạt chiết la mạt để, đát tha yết đa, a nô bát lị bà lợi đế, tát ra tát ra, a dũ mục xí, bậc lệ cu trí, tỳ cu đa mục xí, ngật lật bế, ngật lật ba, lộc kế, tát đế a nô táp mạt ra bạt già phạm bạt chiết ra ba nĩ tát bà ba bạt yết ma thật dã.
Ngã đệ tử tên … (tự xưng tên mình) sở hữu nguyện cầu, giai đắc toại ý, đương giữ ngã nguyện, dĩ Phật Đà thật ngữ, Bồ Tát thật ngữ, Thanh Văn thật ngữ TÓA HA.”
Bạch đức Thế Tôn! Nếu lại có người muốn vào địa vị Bồ Tát, nguyện thấy các đức Như Lai, muốn sanh về cõi tịnh độ, mong cầu phú quí, tài bảo giàu có, sống lâu không bịnh, nên trì kinh điển vi diệu này cho đến pháp sư, viết chép đọc tụng, hương hoa âm nhạc, y phục ẩm thực, tràng phan, bảo cái mà làm lễ cúng dường. Người như vậy con sẽ theo ủng hộ làm cho chỗ mong cầu nguyện mãn, thường khởi lòng thương mến coi như con một.
Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người bẩm tánh si độn muốn cầu thông minh và hộ cõi nước khiến không tật dịch. Phải nên đối với tháng bạch nguyệt, ngày mùng tám bắt đầu khởi công tu niệm một ngày đoạn thực niệm tụng chú này. Mười lăm ngày cho đến hết tháng. Trong thời gian ấy chỉ ăn ba thứ bạch thực, như cơm (bánh), sữa, bơ. Thanh tịnh tắm rửa sạch sẽ, tụng Thần chú này mãn mười vạn biến. Nếu có sức lực tụng mãn ba mươi vạn biến, thường nên tùy sức cúng dường Tam-Bảo. Hãy khiến một vị họa sư thọ bát quan trai giới. Thân y tinh khiếthọa tượng kia. Nơi giữa an bày tượng Phật Thích Ca, ngồi trên tòa sư tử, đang thuyết pháp nghi. Bên phía hữu an bày tượng Quán Tự Tại Bồ Tát, đồ phục sức trang nghiêm đầy đủ, đứng trên hoa sen, thân có bốn tay. Tay trên bên hữu cầm bổn Phạn kinh, tay dưới cầm tràng chuỗi, tay trên bên tả cầm hoa sen trắng, tay dưới cầm bình Quân trì. Bên phía tả an bày Chấp Kim Cang thần, tay hữu cầm Kim Cang xử, tay tả đưa lên nương cầm đầu xử. Nét mặt vui vẻ, anh lạc nghiêm thân. Nơi bốn bên an để Hộ Thế Tứ Thiên Vương. Những tôn tượng này đều đeo dây lụa, đầy Xá lợi Phật, qua lại nơi thân như trái quai lạc.
Lại nữa, ở trước tượng có thể làm một cái Đàn, (Mạn Đà La) tùy theo lớn nhỏ, bốn mặt mở bốn cửa, lấy ngưu phẩn thoa đắp (phân trâu trắng thơm ở tuyết sơn) các thứ hương hoa bày khắp trên ấy, lư hương phải đủ năm cái, để thiêu riêng năm thứ hương nghĩa là: Trầm hương, đàn hương, tô hạp hương, an tức hương, huân lục hương. Ở bốn cửa đàn, mỗi cửa an hai bình, hoặc đầy nước tịnh thủy, hoặc lại đầy sữa, đèn thắp mười sáu chén tùy chỗ mà an trí. Treo tràng phan, bảo cái và các âm nhạc, nước hương thơm rưới sái nơi đất, hương hoa đồ ăn uống, mà làm lễ cúng dường. Ở nơi đàn tứ giác, khiến người đọc tụng kinh này, thường thường tắm rửa, mặc y thanh tịnh, ăn ba món bạch thực. Người trì cầu nguyện ấy, lấy hoa để trong tay, hãy chấp tay lại trình bày việc mình sở cầu, khởi tâm từ niệm, tùy lòng phát nguyện, lấy hoa ấy tán rải cúng dường Phật, có việc sở nguyện gì đều được tùng tâm. Ở trong thời gian bảy ngày, con sẽ vì kia hiện tướng trạng thù thắng, khiến thấy hảo mộng, cùng chung nói chuyện, người kia tâm mong cầu đều được viên mãn, trừ lòng nghi không tin. Phật dạy: Hay thay! Hay thay! Ông hay thương xót hữu tình mà nói chú pháp này.
Lúc ấy Quán Tự Tại Bồ Tát bảo chấp Kim Cang Bồ Tát rằng: Kinh điển mầu nhiệm này khó có thể được gặp gỡ chúng sanh bạc phước ở trong quốc gia kia, tuy có kinh điển này mà không được thấy, cũng lại không thể biên chép đọc tụng, nghe học thọ trì. Bởi vì sao vậy? Do có ác ma làm sự chướng ngại. Lại nữa thiện nam tử! Nếu có chúng sanh khi biên chép đọc tụng kinh điển này có bốn thứ ác ma nó làm não loạn. Những gì là bốn thứ:
1. Là sanh lòng biếng nhác.
2. Là khởi tâm không tin.
3. Là đối chỗ của pháp sư không sanh tôn trọng.
4. Là tâm không thường định.
Người này liền biết đó là ma sự.
Lại nữa có bốn nghiệp ác ma. Gì là bốn:
1. Là xa lìa thiện tri thức.
2. Là không như lý tác ý.
(Khởi tâm không hợp chân lý)
3. Là không hiểu rõ văn tự.
4. Là chỉ thấy hiện tại, nói không vị lai, tạo các ác nghiệp, lòng không lo sợ, nói không nhân quả.
Ta nói kẻ đó còn làm những điều phi pháp, ưa quản tục vụ, tham nhiễm ràng buộc, chúng sanh như thế sẽ đọa địa ngục, trải vô lượng kiếp, chịu đại khổ não. 
Lại nữa có bốn thứ ma. Gì là bốn:
1. Là tham đắm tiền tài vật chất.
2. Là gần gũi bạn ác.
3. Là chướng ngại pháp sư.
4. Là đối phápthuyết pháp hay tìm vạch lỗi lầm.
Những chúng sanh ấy do nghiệp ác này cho nên sẽ chịu nghèo cùng khốn khổ. Không thấy bạnh lành, xa lìa tôn sư, khởi tướng tà kiến, nói không nhân quả. Phải đọa địa ngục chịu nhiều kịch khổ.
Phật dạy: Này đại chúng, ta nay trở lại ba lần, nói thật mà dạy các ông rằng, chớ nên buông lung coi nhẹ kinh điển này, phải một lòng kính thọ đừng sanh phỉ báng.
Khi ấy đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa trên mà nói lời tụng rằng:
Ta từng tuyên nói các Vương kinh,
Khiến các chúng sanh đắc Chánh giác
Nay đây lại nói chơn diệu điển,
Ông nghe cung kính khéo tu hành.
Về sau khỏi chịu cực thống khổ,
Đọa nơi địa ngục trải nhiều kiếp.
Hãy đối kinh này sanh tín tâm,
Đời đời thường làm Chơn tử ta
Còn lại cúng dường kinh điển này
Sẽ được sanh sang về cõi Tịnh.
Hiện không La Sát quỷ thần khi, 
Cũng không các ác đến nhiễm xâm.
Nếu Vương kinh này ở chỗ nào,
Không các tai ách hay hại người.
Cầu nguyện việc chi thảy tùy tâm,
An vui mau đến đạo Bồ đề.

Khi ấy Tứ Thiên Vương nghe tụng này rồi rơi lệ buồn khóc, khắp thân run rẩy, lễ hai chân Phật, bạch thưa Thế Tôn: Chúng con Tứ Thiên Vương, nếu thấy pháp sư thủ trì kinh này, con sẽ cúng dường khi họ thuyết pháp, đến các người nghe đều được phò hộ. Nếu có quốc vương đối kinh điển này biên chép đọc tụng, thọ trì cúng dường, con sẽ ủng hộ bảo vệ cho đến nhơn dân trong nước đó, cơi như con một, cũng đem y phục anh lạccung cấp, khiến cõi nước kia giàu có tài bảo, không còn kém thiếu, nếu khi chiến trận thường khiến đắc thắng. Nghĩ báo ân Phật, con không biếng nhác. Bạch đức Thế Tôn! Nếu lại có người nghe kinh điển này không sanh tín tâm cúng dường pháp sư. Con đối với người ấy không có phương tiện gì mà cứu thoát họ, chỉ sanh lo buồn!
Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Ông hộ Chánh pháp hay sanh tâm ân trọng như thế.
Khi bấy giờ, Trì Quốc Thiên Vương Càn Thát Bà chủ, từ tòa đứng dậy đảnh lễ chân Phật, chấp tay cung kínhbạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Về đời sau này có các chúng sanh thường làm không lành, không tin Như Lai, đối kinh điển này không thể cúng dường viết chép đọc tụng, cũng không làm điều bố thí, không tin bố thí là hiện đời được quả báo vui. Lòng đại từ của đức Thế Tôn vì những người không tin như vậy mà nói kinh điển khiến cho họ thọ hành. Phật dạy: Thiện nam tử! Có hai việc khiến các chúng sanh đọa đại địa ngục, sanh tử luân hồi: một là dâm dục, hai là giận hờn. Lại có bốn pháp khiến các chúng sanh được sanh trong cõi trời, người. Những gì là bốn:
1. Là các chúng sanh tâm hành bình đẳng.
2. Là đối ngôi Tam-Bảo sanh tâm ân trọng.
3. Là có của riêng mình đều đem bố thí.
4. Là kiên trì giữ gìn phạm hạnh (hạnh tốt) đừng cho khuyết phạm.
Bấy giờ đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này mà nói bài tụng rằng:
Bố thí hay có đại oai thần,
Nơi ba ác thú vớt chúng khổ.
Chúng sanh bị hoặc xan, tham, si,
Các thứ nhiễm dục não lòng kia 
Nghe kinh điển này không kính thọ,
Đối trong Phật pháp không tin thí.
Xả thân thường đọa nơi ác thú,
Phải chịu vô biên đại kịch khổ.
Ích lợi Quốc chủ và nhân dân,
Ta nói kinh này đủ oai đức.
Khiến lìa bịnh dữ các tà não,
Không bị dược xoa thảy làm hại.
Nếu có tin kinh người biên chép,
Cúng dường hay sanh vô lượng phước
Hết thảy chúng sanh trí như Phật,
Nhiều kiếp nói phước không thể hết.
Nếu có kinh nơi nhiều kiếp số,
Cúng dường tất cả chư Bồ Tát.
Không bằng đối Vương kinh mầu này,
Tạm thời lòng tin viết một chữ.
Công đức trước trì so phước này,
Đó là ức phần chẳng bằng một.
Vậy nên người trí đối kinh này,
Một lòng phụng hành không biếng trễ.

Bấy giờ Bồ Tát Quán Tự Tại bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Đời sau này nếu có kẻ trai lành và người gái tín nào đối với kinh điển này đem lòng tin kính thâm sâu, dùng hương thơm hoa đẹp và các đồ ăn uống, y phục, ngọa cụ, hết thảy đem cúng dường cho vị sư thuyết pháp cho đến người biên chép đọc tụng kinh này thì người ấy hiện đời quyết chắc sẽ thu hoạch được vô lượng phước lợi, thân họ được nhiêu ích lìa các bịnh khổ. Trong sáu căn như nhãn v.v… được thanh tịnh không bịnh hoạn, không gặp nạn ách nước, lửa, đói khát, cũng không bị độc dữ trúng thương, tất cả hữu tình thấy đều vui mừng, khi mạng gần chết, thấy Đức Phật Bất Động đến an ủi mà bảo rằng: Này thiện nam tử! Ông tu căn lành phước kia vô luợng, trong mười phương tịnh độ Cực Lạc thế giới hãy tùy ý thọ sanh.
Lúc bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Lành thay! Lành thay! Đức Thế Tôn vì muốn thương xót các chúng sanh trong Nam Thiệm Bộ Châu cho nên Ngài nói kinh điển này. Đời đương lai rộng làm Phật sự lợi ích chúng sanh. Đại Minh chú này hay trừ tất cả cực trọng nghiệp chướng.
Phật dạy: Thiện nam tử! Ác nghiệp chúng sanh tội kia sâu nặng, không nghe kinh này, không thể biên chép, thọ trì đọc tụng. Nếu có chúng sanh được nghe kinh điển này chép viết thọ trì, tôn trọng cúng dường, phải biết đó là sức oai thần của Phật. Nếu lại có người đối với kinh điển này, hay vì người khác mà nói chừng một chữ, hãy cúng dường người đó như Phật không khác. Bởi vì sao? Thiện nam tử! Kinh này là quá khứ bảy ngàn chư Phật đã tuyên nói, tất cả Bồ Tát thảy đều tùy hỷ, chư Thiên ủng hộBồ Tát mẫu.
Khi ấy, Chấp Kim Cang Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Kinh điển này nơi đời vị lai sẽ ở chỗ nào lưu thông đầy đủ?
Phật dạy: Thiện nam tử! Kinh đây sẽ ở trong cung Hải Long Vương và ba mươi ba cõi trời đều có đầy đủ. Trong Nam Thiệm Bộ Châu chỉ có phần ít tùy chỗ lưu thông. Phật dậy: Thiện nam tử! Ta nay đem kinh điển này giao phó (phú chúc) cho ông, phải nên thọ trì, cúng dường ủng hộ như Phật không khác. Tại chỗ lưu thông chớ khiến đoạn dứt, lợi ích chúng sanh rộng làm Phật sự.
Chấp Kim Cang Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Con nay thọ Phật giáo sắc lưu bố kinh này, cũng lại ủng hộ trì kinh pháp sư.
Phật dạy: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Đây chính thật là ông đã làm Phật sự đó.
Lại nữa, Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Con nay chí thành kính lễ, vi diệu kinh điển như vậy, đối với kẻ thuyết pháp và người biên chép thảy đều cúng dường. Bạch Thế Tôn! Nếu có nước bạc phước vô đạo quân vương, dẫu có kinh này không thể cúng dường, cho đến pháp sư, kinh này ẩn mất. Nước kia sẽ có tai nạn ác sự, họa biến hiện tiền. Như vậy phải biết Chánh pháp muốn diệt. Người trí thấy rồi hãy đem tâm ân trọng cúng dường.
Phật dạy: Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Như lời ông đã nói, giả sử có người mãn đủ ngàn tuổi, dùng đủ thú vui, cúng dường chư đại Bồ TátThanh Văn chúng, số kia như cát sông Hằng, lại lấy của thất bảo đồng như số cát ấy mà làm việc bố thí, sau rồi tự xả bỏ thân. Thiện nam tử! Như phước đó so với phước cúng dường trì kinh cho đến một câu, một chữ, trăm ngàn vạn phần kia không bằng một, huống gì đem hết khả năng biên chép đọc tụng. Vì sao thế? Bởi kinh chú này có đại oai lực, nếu thọ trì ấy, rõ thân không bền chắc như huyễn hóa, như chiêm bao, biết pháp vô ngã, mong nhờ Phật thọ ký đắc được đại Bồ đề.
Khi ấy đại chúng, tất cả Bồ Tát và các thiên, long, dược xoa, a tô la, yết lạc trà, người và phi nhơn v.v… đều cùng một lòng, đồng thinh khen Phật: Hay thay! Hay thay! Đây là lần thứ hai chuyển đại pháp luân. Chúng con thảy đều cung kính cúng dường. Kinh này ở quốc độ thành ấp nào cũng sẽ ủng hộ và người thuyết pháp ấy, nếu có chúng sanh hủy báng kinh này, thì hiện thân đắc vô lượng trọng tội, sau khi mạng chết sẽ đọa vào địa ngục. Con bỏ người ấy không còn ủng hộ.
Phật dạy: Thiện nam tử! Ta nay cũng đem kinh điển này phó chúc cho ông, đời sau này tuyên dương rộng rãi, chớ cho đoạn dứt. Kinh này có lợi ích lớn, an vui trời, người, ruộng phước thêm lớn, lìa ba ác thú. Chớ sanh nghi hoặc, thường khuyến thọ trì. Khi Phật nói kinh này, sáu vạn bốn ngàn người đều được Vô sanh Pháp nhẫn.
Quán Tự Tại Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh tín tâm biên chép, thọ trì, đọc tụng, cúng dường kinh này thì người ấy khi mạng chết sẽ sanh về chỗ nào? Được bao nhiêu phước?
Phật dạy: Này thiện nam tử! Ông có thể hỏi việc phước thù thắng ấy. Người này mạng chết xa lìa ác thú thường sanh Tịnh độ. Giả sử có người tu hành Bồ Tát hạnh, bỏ đầu, mắt, tay, chân và vợ con, cũng lại không bằng người trì kinh điển này. Kinh này ở chỗ nào địa phương nào chính đó là tháp, đều nên cúng dường.
Quán Tự Tại Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thưa đức Thế Tôn! Về đời sau người trì kinh này, con vì họ thọ ký, tiêu diệt ngũ nghịch cực trọng tội chướng, trong chín vạn kiếp thường được giàu sang, nơi tám vạn kiếp làm Chuyển Luân Thánh vương.
Phật dạy: Như vậy! Như vậy! Thiện nam tử! Ta nhớ thời quá khứ vô lượng kiếp, có đức Phật Thế Tôn gọi là Vô Biên Công Đức Pháp Trí Thanh Tịnh Tinh Tú Vương Như Lai. Ta khi bấy giờ làm Bà la môn, nơi chỗ Đức Phật kia được nghe kinh này, thọ trì đọc tụng đắc pháp Nhãn tịnh. Những kẻ đồng nghe từ đó về sau không đọa ác thú, lần lượt sẽ được Vô thượng Bồ đề. Thiện nam tử! Ta trong vô lượng nhiều đại kiếp, vì pháp này mà bỏ các tài bảo, đầu, mắt, tay, chân, vợ con, thành, ấp, tu tịnh phạm hạnh không lòng hối não. Các ông cũng nên như vậy tu tập.
Khi ấy đại chúng nghe nói việc khổ hạnh quá khứ, thảy đều rơi lệ buồn khóc, mà bạch Phật rằng: Hy hữu Thế Tôn! Đời sau đây có ai hay thọ trì, đọc tụng, cúng dường kinh điển này thì được phước vô lượng. Nếu có Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di v.v… đối với vương kinh này mà không hay đọc tụng, Đà Ra Ni chú cũng không chịu thọ trì, lại cũng không siêng năng tu lục độ, nơi kẻ khổ não, không lòng lân mẫn. Người như thế đó nơi vô lượng kiếp đọa trong biển sanh tử, chịu nhiều khổ não. Thiện nam tử! Thí như người phụ nhơn, thân mạng chửa nặng cho đến mười tháng, khi ấy phụ nhơn lại thêm bịnh khổ, thân thể chi tiết đau nhức dường như dao cắt, không thể uống ăn. Khi muốn sanh nở chịu đại kịch khổ, mà nghĩ như vầy: Nếu tôi qua khỏi nạn này, vĩnh viễn không còn dâm dục, thường tu phạm hạnh. Sau mới vừa sanh lại làm ác pháp, bèn quên khi trước khổ hoạn thống thiết. Thiện nam tử! Đời sau này chúng sanh ngu si cũng lại như thế! Không tin kinh này, cũng không đọc tụng, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tu định, tu huệ, tham đắm dục tình, ưa việc thế gian, không tu nhơn hạnh ba nghiệp thanh tịnh. Những chúng sanh này đọa địa ngục rồi, sanh lòng hối hận. Như người phụ nhơn thân mang dạ chửa, lại gặp cực khổ, chịu khổ não rồi, từ địa ngục ra đã được thân người, ham đắm ngũ dục. Địa ngục khổ kia không hay ghi nhớ, lại tạo nghiệp dữ.
Thiện nam tử! Thí như có người ham ưa uống rượu, uống rồi hôn mê, không biết xứ nhà, Phật Pháp Tăng bảo, cha mẹ vợ con, từng không nhớ nghĩ, không lòng cung kính, do rượu hôn mê, sa vào những chỗ thi lâm hiểm nạn cũng không lòng lo lắng sợ sệt, lại nghĩ như vầy: Đâu có loại trời, rồng, dược xoa hay làm ta sợ. Người hay như thế, tuy nơi khi ấy thân mình nằm lăn trên gai bén nhọn lại tưởng là vui. Sau khi tỉnh rượu ôm lòng hối tiếc, tự biết phi pháp , nói ta từ nay cho đến khi chết không dám uống rượu làm các lỗi lầm. Sau gặp ác duyên trở lại tham uống đồng như trước kia tạo các tội lỗi. Ngu si hữu tình cũng lại như thế! Do tham nhiễm ấy chứa nhiều tiền của, làm điều kiêu mạn buông lung phóng dật, không nhớ nghĩ Tam-Bảo, trái bỏ tôn thân, cung không tu hành thí giới nhẫn nhục v.v… không muốn mong cầu cõi Phật tịnh độ. Những hữu tình này thường ở trong biển khổ sanh tử không có kỳ hẹn, đọa trong địa ngục thọ khổ lâu dài, dẫu được làm người khi ở bào thai chịu các khổ não, thân bị bức bách liền lại nghĩ rằng: Ta nếu được khởi các ách nạn này, lại không làm tội để chịu cực khổ, thường tu nghiệp lành, nguyện sanh tịnh độ, kia được thân người do tánh ngu si, làm các tội nghiệp, trở đọa ác đạo. Vậy nên các ông phải khéo tu hành chớ có buông lung, đây là lời tóm lược của ta.
Khi ấy, Cù Thọ A Nan Đà bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Kinh này lại có tên gì? Làm thế nào thọ trì?
Phật dạy: Kinh này gồm có năm tên: 
1. Là tên Cứu tất cả chúng sanh khổ ách.
2. Là tên Bồ Tát chơn thật đã hỏi. 
3. Là tên Thần thông Trang Nghiêm Vương.
4. Là tên Hay thành chư Phật Chánh Giác.
5. Là tên Tất cả pháp Công Đức Trang Nghiêm Vương.
Phật nói kinh này rồi, các đại Bồ Tát và chúng Thanh Văn, thiên, long, dược xoa, a tô la, càn thát bà, người và phi nhân thảy đều đại vui mừng tín thọ phụng hành.

No comments:

Post a Comment