70% cử nhân công nghệ thông tin phải đào tạo lại - Giới công nghệ nói gì?
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, có đến 70% cử
nhân công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại. Ý kiến giới công
nghệ như thế nào?
Ông Phùng Xuân Nhạ đưa ra số liệu vừa nêu tại buổi tọa đàm “Phát
triển nguồn nhân lực ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) trình độ
cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học – doanh nghiệp” được tổ chức tại Hà
Nội hôm 30 tháng 3 năm 2019.
Cụ thể theo vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 235
trường đại học, trong đó có 50 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng
năm khoảng 50 ngàn sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên
qua khảo sát 50 ngàn cử nhân công nghệ thông tin ra trường thì chỉ có
30% làm việc được ngay, còn 70% phải đào tạo lại.
Tôi thấy điều đó đúng thôi, về bản chất, việc gọi là đào tạo lại thì ít nhiều nơi nào cũng phải đào tại lại cả. Nhưng đúng là ở Việt Nam việc đào tào chưa thật tốt nên việc đào tạo lại tốn công nhiều hơn.
-Nguyễn Tử Quảng
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 2/4/2019 về vấn đề này, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV, nhận định:
“Tôi thấy điều đó đúng thôi, về bản chất, việc gọi là đào tạo lại
thì ít nhiều nơi nào cũng phải đào tại lại cả. Nhưng đúng là ở Việt Nam
việc đào tào chưa thật tốt nên việc đào tạo lại tốn công nhiều hơn. Tôi
thấy những năm gần đây việc hợp hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp
tốt hơn trước. Tại vì thực chất hiện nay công việc về IT nhiều hơn trước
rất là nhiều, cũng như có nhiều công ty ở Việt Nam làm ‘Outsourcing’
(Gia công phần mềm) cho nước ngoài, nên nguồn nhân lực cũng khan hiếm.
Mặc dù chưa thật sự bài bản, nhưng tôi thấy việc hợp tác giữa nhà trường
và doanh nghiệp có tốt hơn.”
Còn ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền
Thông Số Việt Nam thì cho rằng, trách nhiệm trước nhất là thuộc về sinh
viên:
“Tôi nghĩ thanh niên bây giờ cũng ham chơi, nên chất lượng không
đạt được nằm ở chỗ sinh viên không chịu học nhiều hơn trách nhiệm của
nhà trường và doanh nghiệp. Thật ra sinh viên lười học, mà nhà trường
không có biện pháp ép các bạn học, tôi nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng
hiện nay. Còn bạn nào mà chăm chỉ thì thông tin có ở khắp nơi, các bạn
có thể học được hết, vấn đề nhà trường cũng xuê xoa, sinh viên thì lười
học. Kết quả là ra trường không biết làm gì.”
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, sinh viên không có kế hoạch dài hạn mà
thường học đối phó, để có điểm tốt nghiệp, còn kiến thức thì không được
coi trọng lắm, nên không làm được việc.
Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân
Nhạ cho biết, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu
cầu việc làm rất lớn, dự kiến năm 2020 cần 100 ngàn cử nhân công nghệ
thông tin.
Về việc đào tạo nguồn nhân lực thì bất cứ thời đại nào, chế độ nào,
xã hội nào cũng cần đào tạo. Nguồn nhân lực đó phải tương ứng với cái
hiện có và cái có thể có, của thực tế xã hội, của đất nước về khoa học,
về công nghệ, và phải tương ứng hợp lý với sự chuẩn bị cho bước tiến
tương lai. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện
Điện - Điện tử - Tin học, đào tạo nhân lực tại Việc Nam khó hơn các nước
tiên tiến, vì các nước này có mục tiêu và có sẵn phương tiện.v.v…
Ông Nguyễn Tử Quảng đưa ra nhận định:
“Ở Việt Nam, vấn đề ở khâu tổ chức, chẳng hạn như chúng tôi có thể
làm về an ninh mạng, sản xuất smart phone, tức là làm những thứ công
nghệ cao chẳng khác nào các tập đoàn lớn trên thế giới và nguồn lực thì
chúng tôi tự đào tạo. Vậy thì nếu mình biết cách, mình có thể đưa ra cả
chương trình đào tạo được, các bạn sinh viên có thể trở thành các kỹ sư
giỏi, có thể làm tất cả các việc như các nước phát triển đang làm, ở các
tập đoàn hàng đầu họ đang làm.”
Ông Nguyễn Tử Quảng tin tưởng năng lực của sinh Việt Nam là tốt, về
công nghệ bắt nhịp rất là nhanh, nhưng vấn đề là cần khâu tổ chức, cần
các nhà quản lý họ nhận ra điều đó, thiết kế chương trình bài bản hơn.
Ông Quảng chia sẻ kinh nghiệm tại công ty mình:
“Thực ra thì ở BKAV chúng tôi thường không tuyển dụng từ bên
ngoài, chúng tôi đào tạo các nhân viên từ sinh viên lên, giống như các
doanh nghiệp ở trường đại học ở Silicon Valley trước đây. Tại vì đặc thù
của BKAV làm những giải pháp mang tính chất nền tảng, do đó nguồn nhân
lực từ các trường mới tốt nghiệp là không đáp ứng tốt. Vì vậy chúng tôi
có truyền thống là tuyển rất nhiều sinh viên vào và đào tạo theo chương
trình riêng của mình, trong quá trình là sinh viên thực tập thì các em
làm việc luôn, phần nào đó tham gia vào các công việc, và khi ra trường
thì các em có đầy đủ kỹ năng để làm việc. ”
Chuyện thực hành thì có rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng không phải bạn nào cũng bỏ công ra làm. Bạn nào mà chịu khó đi ra ngoài, kể cả bạn không giỏi thì về cơ bản các bạn cũng làm được việc. Lười là cái nguy hiểm nhất.
-Nguyễn Lâm Thanh
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng, khi phát biểu
tại toạ đàm, đã nêu ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT
chất lượng cao cần phải thay đổi. Đó là truyền thống giáo dục Việt Nam
vẫn là học trước rồi làm sau, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa
là chính, học thuộc là quan trọng, giảng đường là cơ sở chính của đại
học, học nhiều thực hành ít. Theo ông, chính vì những điều vừa nêu, Việt
Nam vẫn đang “khát” nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin
có chất lượng cao.
“Ngành công nghệ thông tin thì công việc rất là nhiều, chỗ thực
tập rất nhiều, bạn nào chăm chỉ thì có rất nhiều cơ hội để thực hành.
Nhưng các bạn nào không thực hành, không chủ động tìm sẽ không có. Đi
học thì người dạy cũng tương đối lý thuyết, còn chuyện thực hành thì có
rất nhiều cơ hội bên ngoài, nhưng không phải bạn nào cũng bỏ công ra
làm. Bạn nào mà chịu khó đi ra ngoài, kể cả bạn không giỏi thì về cơ bản
các bạn cũng làm được việc. Lười là cái nguy hiểm nhất.”
Vừa rồi là ý kiến của ông Nguyễn Lâm Thanh, theo ông, ở Việt Nam khác
các nước, đầu vào thì chặt chứ đầu ra thì lỏng, cứ vào được đại học là
có thể tốt nghiệp. Vì vậy ông cho rằng, ngành giáo dục nếu thay đổi được
thì đầu vào nên mở rộng để mọi người cùng có cơ hội, nhưng khi ra thì
siết chặt để khi ra thì có cùng trình độ. Thay đổi được như thế thì mới
đảm bảo chất lượng.
Cũng tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh Phí
Anh Tuấn cho biết, sinh viên công nghệ thông tin của Việt Nam đang phải
đối diện với nhiều thách thức như tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh,
các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi nhanh. Bởi vậy
theo ông Tuấn, sinh viên công nghệ thông tin cần phải cập nhật, cải tiến
thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực công nghệ
thông tin và cũng cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và trường học
nhằm giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông
tin.
Theo Ông Nguyễn Tử Quảng con số 70% phải đào tạo lại thì phải xem xét
như thế nào là đào tạo lại? Đào tạo lại ở mức độ nào? Ông nói tiếp:
“Ngoài ra tôi nghĩ nguồn lực ngành công nghệ đang rất khan hiếm,
nên cũng không phải là vấn đề lớn, vấn đề lớn hơn nữa là quy hoạch, để
cho nhiều người nữa tham gia vào ngành công nghệ này ở Việt Nam, tôi
nghĩ tiềm năng ngành công nghệ này ở Việt Nam rất cao. Còn việc đào tạo
lại thì dần dần các trường phải tự tổ chức thôi, họ cũng phải làm cho
tốt, cũng phải cạnh tranh, tôi đang thấy điều đó trong khoảng hai năm
trở lại đây.”
Theo ông, tiềm lực đã sẵn sàng, vấn đề cơ quan chức năng có đứng ra
để tổ chức không? Ông cho biết, doanh nghiệp có thể sẵn sàng các chương
trình để đào tạo hiệu quả, nhưng vấn đề là cần sự tổ chức tốt.
No comments:
Post a Comment