Bản án của Mẹ Nấm – Những điều cần suy nghĩ
Đã hơn một tuần trôi qua, mọi ồn ào, xáo động sau phiên xử
phúc thẩm Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bắt đầu lắng xuống. Trong thời
gian đó, cho dù bộ ngoại giao Mỹ và bà Đặc Ủy Nhân Quyền của Đức, Bärbel
Kofler… mạnh mẽ lên tiếng phản đối với những tuyên bố cứng rắn, yêu cầu
chính phủ VN phải trả tự do tức khắc cho Mẹ Nấm, phải tôn trọng công
ước quốc tế về quyền Dân Sự và Chính Trị mà họ đã ký kết, CSVN vẫn trơ
mặt ra, không thèm trả lời, hay phản ứng.
Những lên án của bộ ngoại giao Mỹ, những chỉ trích của Đặc Ủy Nhân
Quyền Đức, Đại sứ Liên Âu tại VN…thật ra chỉ có giá trị như những giọt
dầu xanh Con Ó xoa lên bụng cho người bị loét bao tử. Người CSVN thừa
kiên nhẫn, lì lợm, dư thời gian để mọi chuyện tự chìm lắng xuống theo ý
muốn của họ, nôm na là để lâu cứt trâu hóa bùn.
Tôi không quan tâm đến phiên xử phúc thẩm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vì
biết rằng sẽ không có gì thay đổi về mức án. Ngay cả khi con gái Như
Quỳnh gửi 4 bức thư cho bà Melania Trump, khẩn thiết xin giúp đỡ cho mẹ
mình, tôi đã lắc đầu nói thầm hai chữ: -Vô ích! Bởi chỉ cần ít ngày sau
khi vinh danh Mẹ Nấm, chắc chắn bà Melania Trump sẽ quên bẵng Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh là ai. Vụ án của Mẹ Nấm bị quên lãng nhanh chóng hơn
chuyện tào lao cải cách tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền.
Gọi điện thoại mời thầy Ng đi ăn sáng , uống cà phê ở tiệm Starbucks
nằm trong thương xá KOMM. Trời lạnh và khô, nhiệt kế bên ngoài cửa sổ
chỉ 2° C nhưng thầy Ng không để tôi đến đón mà tự ý đi bộ ra thương xá. Ở
tuổi 78, thầy Ng rất năng hoạt động, trời lạnh nhưng nếu không có mưa,
tuyết, ngày nào thầy cũng mặc quần áo cho đủ ấm, ra ngoài đi bộ khoảng
30-40 phút dọc theo bờ sông Main.
Hai thầy trò ăn sáng với bánh croissant, trứng chiên, dưa leo, cà
chua và cà phê Espresso. Ăn sáng xong, nhâm nhi cà phê ly cà phê
Espresso đậm đặc của Starbucks, tôi đem chuyện Mẹ Nấm ra hỏi thầy nên
viết gì về phiên xử phúc thẩm?
Trầm ngâm một lúc như để suy nghĩ, thầy mới hỏi:
-Em định viết cho ai đọc?
Tôi ngần ngừ, chưa kịp trả lời, thầy Ng đã nói luôn:
–Khi viết về một đề tài gì, em phải xác định khối độc giả mà mình
muốn hướng tới. Độc giả của một tờ báo có thể bao gồm nhiều thành phần
trong xã hội, nhiều suy nghĩ, sở thích khác nhau. Tuy nhiên cho rõ ràng,
em có thể chia họ ra thành nhiều nhóm và đặt mục đích của bài viết mình
nhắm vào nhóm nào. Đại khái như sau:
-Nhóm 1. Gồm những người chưa nhận thức được thực trạng xã hội.
Đây là nhóm người vào trong các mạng xã hội chỉ nhằm mục đích khoe
khoang, trình diễn bản thân, thơ thẩn thương mây, khóc gió…Tất nhiên đây
không phải là nhóm độc giả phù hợp với các bài viết của em, bởi họ
không quan tâm đến những biến động chính trị, xáo trộn trong xã hội.
Nhóm 2. Là những người đã nhận thức được thực trạng xã hội nhưng
chưa có thái độ đúng đắn với nhận thức của mình. Những người trong nhóm
này đa số thuộc giai cấp trung lưu trong xã hội, họ là những người kinh
doanh, buôn bán hoặc hành nghề tự do. Họ nhận thức được thực trạng xã
hội, đất nước qua giao tiếp với nhiều thành phần nhưng chưa hiểu rõ
nguyên nhân gây ra thực trạng đó. Cũng có thể họ hiểu rõ nguyên nhân
nhưng do nhẹ dạ, dễ đổ thừa là nguyên nhân khách quan, từ đó dễ dàng dẫn
tới sự cực đoan theo chiều cộng hoặc trừ.
Nhóm 3. Những người đã có thái độ đúng đắn nhưng chưa có hành động
tích cực để thay đổi thực trạng xã hội. Đây là thành phần trí thức,
hiểu biết cặn kẽ nguyên nhân, hậu quả của vấn đề nhưng còn e ngại, sợ
hãi bản thân mình không đủ lực để tạo ra một sự thay đổi nào đó cho xã
hội. Họ có thể là một số đảng viên, cán bộ trong chế độ còn lương tri,
còn nghĩ đến tiền đồ dân tộc, đất nước nhưng trong hoàn cảnh hiện tại
chưa dám hành động vì sợ thất bại.
Do đó bài viết của em nếu muốn nhắm vào cả ba nhóm trên, cần phải nêu rõ được các điểm sau đây:
-Bản chất của chế độ CSVN. Phải nhắc lại quá khứ từ năm
1954 đến nay, chưa bao giờ chế độ CSVN tôn trọng các văn bản mà họ ký
kết với thế giới (trừ những văn bản mượn nợ, mua vũ khí, quân dụng…mà
CSVN âm thầm, bí mật ký kết với Liên Xô cũ, khối Đông Âu và Trung Cộng).
Hoàn toàn không một hiệp ước, một thỏa thuận nào được giữ đúng theo các
điều khoản cam kết cho dù có sự giám sát của quốc tế.
– Thế giới tự do Âu-Mỹ ngày hôm nay thừa hiểu những lọc lừa, gian
manh, quỷ quyệt của người CSVN, với những kinh nghiệm đã trải qua trong
quá khứ, từ hiệp định Genève 1954 đến hiệp định Paris 1973 qua hiệp ước
hồi hương 60.000 khách thợ ở Đông Đức cũ khi bức tường Berlin sụp đổ và
nước Đức thống nhất, những điều khoản, văn bản đã cam kết khi gia nhập
WTO, Ủy Ban Quốc Tế Nhân Quyền…
Thế tại sao Mỹ và Liên Âu vẫn tiếp tục dung dưỡng chế độ CS mà
không có những chính sách, biện pháp thực tế, đủ sức ép để buộc CSVN
phải tuân thủ những gì họ đã ký kết? Thưa! Họ thừa sức để ép Việt Cộng
thực hiện lời cam kết nhưng lại không thể hành động vì chính quyền lợi
của họ.
-Tuy nhiên, sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức trong tháng
08.2017 và Tuần lễ Cấp Cao hội nghị APEC ở Đà Nẵng tháng 11.2017 vừa
qua, bàn cờ thế giới đã thay đổi nhiều.
Dù tuyên bố thành công mỹ mãn nhưng với bài diễn văn của tổng
thống Mỹ Donald Trump đọc trong hội nghị, hơn ai hết, chế độ CSVN hiểu
rằng họ đang cô đơn cùng cực trên bàn cờ chính trị thế giới, họ đã trở
thành một con tốt không còn nhiều giá trị sử dụng. Chỉ còn con đường duy
nhất để đảng CSVN có thể tồn tại là ngã hẳn vào vòng tay của Trung
Quốc. Bản y án của Mẹ Nấm trong phiên xử phúc thẩm là điều đương nhiên
khi chế dộ CSVN muốn làm hài lòng ông chủ Tập Cận Bình.
-Mọi cuộc đấu tranh không nên quá trông chờ vào ảnh hưởng hay tác
động của quốc tế. Cần vận dụng triệt để sự ủng hộ của họ nhưng lực chính
vẫn là tự người dân trong nước.
-Khi đa số dân chúng ý thức được thực trạng của xã hội sẽ ảnh
hưởng nặng nề đến bản thân, gia đình, tương lai con cái họ, họ sẽ tự
động, nhanh chóng tham gia vào công cuộc đấu tranh không cần phải kêu
gọi, giải thích. Lúc đó sẽ không có một sức mạnh nào có thể cản nổi hay
chống lại.
Ngoài ra cũng cần phải đặt câu hỏi: – Tại sao các phong trào tranh
đấu trong nước không kết hợp được với nhau? Tại sao những người khởi
xướng phong trào không phát triển, không lôi kéo được sự tham gia đông
đảo của quần chúng? Làm cách nào để người dân bớt sợ hãi, sẵn sàng tham
gia các cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình?
Hơn thế nữa, trong suy nghĩ của những người có nhận thức ở VN hiện
nay, kể cả một số đảng viên trong nội bộ đảng, quân đội, công an, chính
phủ…đều mong muốn một sự thay đổi thể chế chính trị hiện tại, nhưng hầu
hết lại ngần ngại, băn khoăn, do dự khi phải trực tiếp, tham gia tác
động vào sự thay đổi đó. Họ nghi ngại, sợ hãi tương lai đen tối, bấp
bênh, xã hội rối loạn, bất an khi chế độ cộng sản sụp đổ. Làm sao để
thay đổi tâm thức này? Không thay đổi được tâm thức thì không thể mạnh
dạn hành động.
Hiện đang có một phong trào phản đối chế độ, có ý thức, bất bạo
động một cách sáng tạo, khôn ngoan, mềm dẻo. Đó là chuyện dùng tiền lẻ,
mệnh giá 100 VNĐ để trả phí của các tài xế xe vận tải đã và đang áp dụng
tại tuyến tránh BOT Cai Lậy có thể trở thành một làn sóng lan rộng cả
nước nếu được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. BOT Cai Lậy đã trở thành
khúc xương gà, hóc trong cổ chế độ CSVN, nuốt vào không được mà khạc
cũng chẳng ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của chế độ CSVN đã phải ra lệnh ngừng
thu phí tại trạm BOT Cai Lậy một tháng là một chiến thắng tạm thời trong
giai đoạn. Từ chiến thắng này, cần tìm tòi, sáng tạo thêm những hình
thức tranh đấu bất bạo động hợp lý và hợp pháp khác. Làm cách nào để
biến lệnh ngừng thu phí một tháng trở thành lệnh dẹp bỏ hẳn trạm? Những
người hoạt động nhân quyền nên làm gì để giúp đỡ, hậu thuẫn các tài xế
trong chiến dịch dùng tiền lẻ ép trạm thu phí Cai Lậy phải xả trạm?
Từ trạm thu phí Cai Lậy, nhìn lại Đồng Tâm, Formosa. Tương tự như
BOT Cai Lậy, Đồng Tâm cũng là một khúc xương gà bị hóc ở cổ của thành ủy
Hà Nội. Hơn thế nữa, những người hoạt động nhân quyền nên nhớ rằng
Formosa là tử huyệt của chế độ, nói đến Hoàng-Trường Sa là nói đến vết
thương đang mưng mủ mà lãnh đạo CSVN đang cố gắng quên đi. Phải tìm cách
đánh vào tử huyệt hoặc các vết thương của chế độ.
Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như
Quỳnh và nhiều người đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ khác sẽ
phải tiếp tục ngồi tù lâu dài nếu phong trào phản đối chế độ độc tài
cộng sản không có được những thay đổi tích cực, những tác động mạnh mẽ
bắt buộc các lãnh đạo cộng sản phải nhượng bộ.
Để đạt được mục tiêu đó, những người dấn thân hoạt động cần phải
thay đổi chính mình, thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách hành động, dẹp bỏ
tị hiềm, tự ái cá nhân, chịu khó lắng nghe, chịu khó tranh luận với nhau
để tìm con đường tốt đẹp nhất, ngắn nhất cho những mục đích chung.
Không làm được điều này, mọi hoạt động dấn thân đều trở nên vô
nghĩa và khó đi đến thành công. Hơn nữa, những thất bại trong quá khứ là
những bài học thực tiễn, từ những bài học đó cần phải rút ra được những
kinh nghiệm quý báu để tránh lập lại thất bại trong tương lai.
Đừng để những năm tháng bị giam giữ trong ngục tù cộng sản của
Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Phan Kim
Khánh… và nhiều người khác bị trôi qua một cách lãng phí mà không có
hành động thích hợp cho sự hi sinh của họ.
Thầy Ng nói một hơi, chỉ thỉnh thoảng dừng lại để lấy hơi, y như
những lúc thầy giảng bài về Tâm Lý Học trong lớp hơn 50 năm về trước.
Những điều tôi muốn viết, thầy đã nói ra hết. Tôi chỉ ghi lại và gửi đến
bạn đọc, độc giả báo Tiếng Dân, những người còn khắc khoải, lo lắng về
tiền đồ dân tộc.
Thạch Đạt Lang
No comments:
Post a Comment