Bản lĩnh giang hồ
Ngày 31/3/2019, mạng facebook tưng bừng đăng ảnh, bình luận,
bàn tán về chuyện một dân xã hội là Dương Minh Tuyền về “giải quyết”
chuyện cháu Nguyễn Thị Hải Yến bị 5 bạn học đồng giới đánh hội đồng đang
ầm ỹ công luận. Tôi gọi dân xã hội là theo đúng danh xưng của Tuyền khi
gọi điện thoại cho người nhà cháu Yến, còn trên mạng xã hội gọi là
giang hồ hoặc xã hội đen.
Mục đích của chuyến đi, như Tuyền đã gọi điện trước là thăm hỏi, tặng
quà cháu Yến và “dạy dỗ” những kẻ đã đánh hội đồng cháu, cần thì dạy
luôn cả bố mẹ chúng.
Tuyền được người dân địa phương đón chào nồng nhiệt, đặc biệt là giới
trẻ. Nhìn hình ảnh đón tiếp Tuyền, người ta nghĩ ngay đến cảnh quần
chúng vây quanh ông Hồ Chí Minh trước đây. Tuyền cũng ân cần cầm tay hỏi
thăm người lớn tuổi, cũng tươi cười với các em nhỏ. Không khí ấy át đi
hoàn toàn hình ảnh ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng về thăm cháu Yến
cùng ngày hôm ấy, như thể ông Nhạ lén lút về làng.
Mạng xã hội không tiếc lời ca ngợi Tuyền bằng những mỹ từ như cho
Tuyền là “thế thiên hành đạo”, “lập lại trật tự, công bằng xã hội”, muốn
Tuyền ứng cử đại biểu quốc hội, giữ chức này chức nọ, đòi Tuyền thay cả
Nguyễn Phú Trọng hay Phùng Xuân Nhạ. Tất nhiên, những người nói ra điều
ấy là thành ý hay mang tính giễu cợt còn tùy thuộc vào sự hiểu của
người đọc.
Người ta còn gọi Tuyền bằng “bác”, gán cho Tuyền những câu chuyện,
câu nói của ông HCM với dụng ý là tầm ảnh hưởng của Tuyền chẳng kém gì
so với ông.
Những người ca ngợi Tuyền dễ dàng bỏ qua hình ảnh một dân xã hội xăm
trổ đầy mình, trang phục sặc sỡ, lòe loẹt, đeo dây chuyền to như sợi
xích. Người ta cũng bỏ qua luôn những mặt khuyết của Tuyền mà hầu như
dân xã hội nào cũng có như văn hóa thấp, nói năng tục tĩu, ngọng nghịu
và đã từng vào tù ra khám, tất nhiên là tù thường phạm chứ không phải là
tù chính trị.
Việc Tuyền về tận nơi tặng quà cháu Yến, an ủi gia đình là một việc
làm đáng khen. Có thể khen Tuyền nữa ở chỗ có lòng nghĩa hiệp, bất bình
trước bất công, bênh kẻ yếu thế, hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, việc ca ngợi Tuyền thái quá là điều cần phải suy nghĩ. Nó
phản ảnh sự bế tắc của xã hội hiện nay. Khi xã hội thối nát, người dân
đã mất hết lòng tin vào luật pháp, vào lãnh đạo, quan chức, nói chung
mất hết lòng tin vào hệ thống chính trị này thì những gì hành xử khác
với quan chức đều là thứ để người ta bấu víu.
Nó phản ảnh một xu hướng thị hiếu nhạt nhẽo tầm thường và vô thức của
nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Đó là một thực tế rất đáng lo ngại.
Xét cho cùng thì hôm ấy, “bác Tuyền” cũng chỉ dừng lại ở việc thăm
hỏi, an ủi, tặng tiền cháu Yến và gia đình. “Bác” không đến được nhà 5
nữ quái để “dạy dỗ” vì bị cản trở. Tức là mục đích về để “giải quyết”
chuyện của cháu Yến không đạt được.
*
Phải chăng, giới giang hồ là một đối trọng với chính quyền và có thể
thay chính quyền để làm cái mà chính quyền không làm nổi, đó là thực thi
công lý?
Phải chăng giang hồ là lực lượng có luật lệ riêng bất thành văn, có thể lập lại được trật tự xã hội và không biết sợ ai?
Câu trả lời có ngay sau sự kiện Dương Minh Tuyền về úy lạo gia đình
cháu Yến một ngày. Ngày 1/4, Ngô Bá Khá (Khá Bảnh), một dân xã hội kiểu
như Tuyền bị bắt với cáo buộc sử dụng ma túy, tổ chức đánh bạc và liên
quan hoạt động tín dụng đen. Trước cơ quan điều tra, Khá Bảnh dúm dó, sợ
sệt, xưng cháu chú với cán bộ điều tra và sụt sùi như trẻ con, khác hẳn
với hình ảnh ngang tàng, tự tin của cậu ta trước đó.
Ngay sau khi “bác Tuyền về làng”, trước sự tung hô, ngợi ca Dương Minh Tuyển tôi đã đặt ra câu hỏi:
Trộm nghĩ, nếu giới xã hội dân sự bị ức hiếp như cháu Yến kia, như bị
đánh đập, bị canh nhà không cho đi đâu thì gọi cho các anh giang hồ,
các anh ý có về nói chuyện phải trái với công an không nhỉ?
Tôi đặt ra câu hỏi còn là vì Tuyển giới thiệu với gia đình cháu Yến
mình là người nổi tiếng, rất có tiếng nói trên mạng xã hội, thấy chuyện
bất bình bất kể ở đâu là tham gia giúp đỡ.
Câu hỏi không cần trả lời vì ai cũng trả lời được.
Tuyền nói về để “dạy dỗ” những kẻ đã ức hiếp cháu Yến, nhưng Tuyền
đâu đủ bản lĩnh nói chuyện phải trái với công an. Nói chuyện phải trái
với công an chỉ có thể là những tù nhân lương tâm nói riêng và những
người hoạt động xã hội nói chung. Họ đã nhiều lần dồn công an vào thế
không thể trả lời. Họ đấu tranh để xây dựng một xã hội không còn những
chuyện đau lòng như chuyện của cháu Hải Yến kia. Và trên con đường đấu
tranh đó, tù đày là việc họ đã xác định trước. Với họ, không có cảnh sụt
sùi trước cán bộ điều tra như giang hồ Khá Bảnh, không có cảnh khóc tu
tu trước tòa, xin “bác Trọng” coi như con cháu trong nhà, “xin lỗi bác”
và xin bác “tha thứ” như trường hợp cán bộ cộng sản Trịnh Xuân Thanh.
Chuyện dõng dạc đối mặt với cả một hệ thống chính trị chỉ có thể là
Lê Đình Lượng với nụ cường điềm tĩnh, mai mỉa khi bị kết án 20 năm tù,
là Nguyễn Văn Túc với tư thế hiên ngang bất khuất, chửi Đm tòa bất chấp
mức án 13 năm tù, là tư thế của Trần Thúy Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
v.v… và còn rất nhiều tù nhân lương tâm khác trước tòa án cộng sản.
Nói về hình ảnh thảm hại của Khá Bảnh trong phòng hỏi cung, có một số
người nhái lại hai câu thơ của Phạm Hữu Quang, tôi xin sửa lại vài chữ
theo ý mình:
Giang hồ ta chỉ giang hồ rởm
Mới gặp công an đã vãi tè.
Mới gặp công an đã vãi tè.
Nguyễn Tường Thụy (Facebook)
No comments:
Post a Comment