Bình luận vụ Vietjet từ chối hành khách khuyết tật
Vụ Vietjet từ chối phục vụ một hành khách khuyết tật cho thấy những khó khăn mà cộng đồng người khuyết tật Việt Nam gặp phải.
Mới đây một người khuyết tật đã đăng lên Facebook phản ánh Vietjet "phân biệt đối xử"
khi từ chối cung cấp dịch vụ bay vì lý do "không có nhân viên hỗ trợ"
cho hành khách khuyết tật cần sử dụng dịch vụ Wheelchair Cabin (WCHC).
Tiếp
xúc với BBC qua điện thoại hôm 19/4, anh Nguyễn Khánh Lâm, 36 tuổi,
nói anh đã đặt vé từ hôm 18/3 cho chuyến bay 16h55 ngày 4/4 và hôm 21/3
đã gọi điện cho Tổng đài Vietjet đặt trước dịch vụ WCHC.
Nhưng
điện thoại viên lại không có câu trả lời chắc chắn. Anh Lâm gọi đến
phòng vé thì không có người nhấc máy. Anh sau đó gửi email cho Vietjet
yêu cầu xác nhận nhưng vẫn không có phản hồi.
Mãi đến ngày 4/4, khoảng 3 tiếng trước giờ bay thì anh mới nhận được điện thoại từ Vietjet, thông báo từ chối cung cấp dịch vụ.
Bài đăng hôm 16/4 của anh đã nhận được nhiều sự quan tâm chia sẻ và đến hôm 18/4, theo Soha, đại diện hãng hàng không Vietjet nói "rất lấy làm tiếc và chân thành cáo lỗi" với anh Nguyễn Khánh Lâm.
"Đại
diện Vietjet Air đã thừa nhận sơ suất từ phía hãng, khi không tìm hiểu
kỹ về trường hợp của tôi, cũng như không nắm rõ quy trình hỗ trợ hành
khách khuyết tật, không xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên đã tự ý từ chối
cung cấp dịch vụ đối với hành khách khuyết tật là tôi, đồng thời đề xuất
với tôi về việc hoàn vé," anh Lâm nói.
Tuy nhiên, những lời xin lỗi ngày không phải là mục đích mà anh lên tiếng.
Phương tiện công cộng chưa đáp ứng người khuyết tật
Bị
khuyết tật từ 7 tháng tuổi do sốt bại liệt, anh Lâm lại bị thêm một tai
nạn cách đây 8 năm khiến anh rơi vào dạng khuyết tật vận động "đặc biệt
nặng".
Anh cho biết sau khi bị Vietjet từ chối cung cấp dịch vụ
bay, anh phải chuyển sang tàu hỏa, nhưng chuyến đi cũng không êm ái hơn
khi buồng tàu quá nhỏ khiến anh phải ngồi trên xe lăn suốt 16 tiếng đồng
hồ ở hành lang khoang tàu.
Không chỉ vậy, trong di chuyển sinh
hoạt hàng ngày với xe khách, xe buýt thì phải có người bế ngồi vào trong
xe chứ không có thiết bị nào giúp đẩy xe lăn vào một cách bình thường.
"Có
thể xã hội đang cho rằng những người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ chỉ ở
nhà thôi và chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Còn người khuyết tật nhẹ và nặng
có thể dễ di chuyển hơn, vẫn tiếp cận được và họ cho rằng như thế vẫn
tốt chán.
Nhưng thực tế thì không phải vậy, có rất nhiều người khuyết tật đặc biệt nặng vẫn có nhu cầu di chuyển."
Cần cải thiện cơ sở và tăng hỗ trợ
Anh Lâm không phủ nhận rằng cơ sở vật chất và dịch vụ đối với người khuyết tật đã được cải thiện trong nhiều năm qua.
Cụ thể anh không gặp bất kỳ khó khăn nào với hãng máy bay Vietnam Airlines.
"Ở Vietnam Airlines, họ chỉ đơn giản cung cấp nhân viên hỗ trợ từ xe lăn ra ghế, với những địa điểm có xe lăn và ống lồng.
"Không
có xe lăn với ống lồng, thì nhân viên Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ cả
mình lẫn xe lăn từ mặt đất lên cửa máy bay và từ xe lăn ra ghế, mình chỉ
cần hỗ trợ đúng hai việc đấy thôi," anh Lâm nói.
Nhiều doanh
nghiệp, cơ quan hành chính công và dịch vụ công cũng có các lối đi cho
xe lăn nhưng theo anh Lâm, phần lớn là "có vẫn như không".
Sinh
sống ở Hà Nội, anh Lâm cho biết, người khuyết tật nặng gặp khó khăn đi
trên vỉa hè vì chỉ có một số vỉa hè họ có thể tự lăn xe, vì vướng phải
rào chắn, điểm đỗ xe, ô tô.
Nhiều đường dốc cho xe lăn không đạt
tiêu chuẩn độ dốc, cũng có nhưng nơi lại chặn luôn đường dốc, cuối cùng
vẫn phải phụ thuộc vào những người hỗ trợ.
Hoặc một số cơ quan có
thang máy in chữ nổi cho người khiếm thị nhưng lại đặt ở vị trí quá cao
khiến người đi xe lăn không thể sử dụng được.
Anh cho biết thêm
rằng, nhiều người khuyết tật ở Việt Nam cần phải có người hỗ trợ đi
cùng, nhưng phải tự bỏ tiền túi ra thuê người đó, chứ nhà nước không hỗ
trợ.
"Và cái đó là hạn chế của người khuyết tật nặng và đặc biệt
nặng vì họ không được đảm bảo nhận hỗ trợ. Vì nếu họ không có tiền hoặc
gia đình họ là tầng lớp lao động thì đương nhiên họ phải ở nhà là một sự
lựa chọn bắt buộc.
"Tôi nghĩ nó không khác gì việc tước đi quyền
tự do đi lại của một con người. Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng
cần một nguồn hỗ trợ, để họ được đảm bảo bình đẳng và hòa nhập như người
không khuyết tật."
Anh Lâm thừa nhận đang có những sự thay đổi tích cực
mà chính quyền đang thực hiện nhưng cần phải có sự tham gia và tham vấn
của chính những người khuyết tật để đáp ứng nhu cầu sát thực của cộng
đồng này.
Về vụ việc với Vietjet, anh mong muốn có một buổi trao
đổi với Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cùng đại diện Hội
bảo vệ người khuyết tật và trẻ mồ côi, và luật sư và báo chí tham dự.
Anh
nói anh biết có một số bạn bè cũng là người khuyết tật bị Vietjet từ
chối dịch vụ bay nhưng không nói với báo chí nên không được giải quyết,
nên anh muốn lên tiếng để buộc Vietjet phải thay đổi cách phục vụ khách
hàng khuyết tật.
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia Người khuyết
tật Việt Nam, Việt Nam hiện có gần 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8%
dân số, trong đó có 1,2 triệu người là trẻ khuyết tật.
Theo Quyết định 1019 của Thủ tướng Chính phủ ký 5/8/2012,
giai đoạn 2016-2020 phải đảm bảo 100% công trình là trụ sở làm việc của
cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà
chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Và
ít nhất 80% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng
phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp
cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
No comments:
Post a Comment