Dối trá
Sơn Nghị (Danlambao) - Người
cộng sản nào ở bất cứ nơi nào trên trái đất này đều xem sự gian dối là
phương tiện để sống còn. Từ mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,
giáo dục, luôn luôn thấy sự dối trá. Họ nói dối dễ dàng, như người ta ăn
một bát cơm ngon. Mãi rồi sự dối trá thấm nhuần vào máu, hễ ngồi xuống
để bàn chuyện, lập tức trong tâm tư của họ phải nghĩ ngay đến việc phải
che dấu sự thật, làm thế nào để nói dối thật hay, hầu qua mặt được người
dân, hoặc con mắt quan sát quốc tế. Tôi có người bạn nói đùa rằng Thế
Vận Hội không có môn thi nói dối, và nếu có chắc chắn bọn cộng sản sẽ
chiếm hết cả ba huy chương, vàng, bạc, và đồng. Tôi bật cười nhưng nghĩ
quả không ngoa.
*
Gia đình tôi luôn cố gắng duy trì được bữa ăn tối chung với nhau. Nửa
giờ tuy ngắn ngủi nhưng quý giá vì đó là thời gian duy nhất trong ngày
mọi thành viên trong gia đình đều có mặt. Ăn được miếng cơm ngon, chung
quanh bàn cơm có ông bà, vợ chồng, con cái quây quần, chuyện trò vui vẻ
là điều thú vị nhất trong một ngày.
Một buổi cơm tối như thường lệ, đang khi vợ chồng con cái chuyện trò rôm
rả thì chuông điện thoại reo. Vì ngồi gần giá điện thoại nên tiện tay
tôi bấm nút phóng thanh trên phôn (speakerphone) để trả lời. Thường thì
tôi chẳng bao giờ bốc phôn trong bữa ăn vì “trời đánh còn tránh bữa ăn”
huống gì một cú điện thoại vẩn vơ, trừ trường hợp nhìn thấy tên của
người thân hiện ra trên khung cửa điện thoại. Thế mà hôm đó không hiểu
tại sao tôi lại nhấn nút phôn để nói chuyện với một người xa lạ, một
nhân viên chào hàng. Để kết thúc câu chuyện nhanh chóng, tôi vội trả lời
là tôi chỉ là người ở trọ khi anh ta nói muốn nói chuyện với chủ nhà.
Anh chàng Mỹ lịch sự nói cám ơn và cúp máy. Vì bật nút phóng thanh nên
cuộc đối thoại cả nhà đều nghe rõ. Ngồi xuống ghế, tôi bình thản tiếp
tục bữa ăn và bất chợt một trong hai đứa con tôi, lúc đó mới 10 tuổi,
cất tiếng phê bình: Bố nói dối.
Tôi chưng hửng. Ngừng ăn, tôi ngẩn người và chợt nhận ra con tôi nói
đúng. Tôi đã nói dối. Thật không ngờ chỉ vì muốn chấm dứt một chuyện
không đâu mà tôi đã làm gương xấu trước mặt con cái. Tôi vội giải thích
cho nó hiểu là lời nói dối của tôi không làm hại ai cả mà chỉ muốn chấm
dứt câu chuyện một cách lịch sự, thế thôi. Tôi còn giải thích thêm, nếu
lời nói dối mang sự thiệt hại đến cho kẻ khác thì mới có tội. Thằng bé
ngồi trầm ngâm một lúc suy nghĩ về lời giải thích của tôi, rồi sau cùng
nó buông thõng: bố vẫn nói dối. Có lẽ trong đầu óc non nớt của nó chưa
hiểu được thế nào là lợi, thế nào là hại nên nó vẫn không chấp nhận lời
giải thích (yếu ớt) của tôi. Đối với những đứa bé, hoặc là trắng, hoặc
là đen, không có màu xám. Chân lý chỉ có một, không thể nửa vời. Nói
dối, hoặc nói thật chứ không có luật trừ rằng đôi khi được nói dối.
Ngoài việc đứa con dạy tôi một bài học thật bất ngờ, tôi nghiệm ra rằng
nền giáo dục ở Mỹ đã hun đúc trong tâm trí đứa bé phải biết tôn trọng sự
thật và phải bảo vệ sự thật bằng mọi giá. Lời kết luận (kiên quyết) của
đứa con là một bằng chứng hiển nhiên. Trường học Mỹ không có môn Công
dân Giáo dục nhưng bài học vỡ lòng (nhất là các trường đạo) từ thuở mẫu
giáo là luôn luôn nói thật. Nhà trường khuyến khích và đề cao việc tôn
trọng sự thật. Câu chuyện cậu bé Washington lỡ chặt gãy cây đào và thú
nhận với ông bố có đứa trẻ nào mà không biết. Câu chuyện tiếp tục rằng
sau đó cậu bé Washington phải nhận lấy một hình phạt vì tội chặt gãy cây
cho dù đã thú tội (nói thật). Như thế, cho dù sự thật mang đến thiệt
hại cho chính bản thân nhưng vẫn phải tôn trọng sự thật. Có thể đây chỉ
là một huyền thoại nhưng một bài học luân lý như thế thật đáng truyền
tụng. Không riêng gì ở Mỹ, những đứa bé lớn lên ở bất cứ nơi nào trên
thế giới này, kể cả những nước nghèo đói thiếu ăn như ở Phi châu, đều
được dạy dỗ về sự thành thật.
Trước 75, những bài học luân lý trong cuốn Quốc văn Giáo khoa thư được
giảng dạy trong suốt những năm ở bậc Tiểu học. Tôi còn nhớ rõ chuyện cái
cân kể về một người buôn bán gian dối, làm một quả cân rỗng ruột dùng
để cân khi bán và một quả cân nặng hơn bình thường dùng để cân khi mua.
Có lần người này bổ quả cân ra và thấy ở giữa có một cục máu. Đồng tiền
kiếm được qua việc mua rẻ bán đắt một cách gian dối là tiền máu.
Nói đến gian dối là nói đến lừa đảo, bịp bợm. Luân lý Giáo khoa thư cũng
khuyên không nên nói dối dù rằng chẳng hại đến ai. Chuyện cậu bé giả có
cháy nhà lừa gọi những người hàng xóm chạy đến giúp rồi lăn ra cười. Họ
bị lừa nhiều lần nên khi cháy nhà thật chẳng ai đến giúp và kết quả là
cả căn nhà bị cháy rụi.
Những đứa trẻ ở miền Nam trước 75 đều được dạy dỗ về sự thành thật, lòng
hiếu thảo, yêu người v.v… Còn xã hội ngày nay ở Việt Nam dạy cho con
trẻ thuở cắp sách đến trường thế nào? Ban đầu, hào khí chiến thắng của
những người cộng sản nhẫn tâm gạt bỏ mọi tinh hoa giáo dục của miền Nam.
Những cuốn sách giáo khoa, sách văn học, khảo cứu nằm lăn lóc ở vệ
đường bán sỉ nhìn thấy thật đau lòng. Tôi có người dì họ ở ngoài Bắc
chưa bao giờ gặp mặt, chưa một lần nói chuyện. Cả hai dì cháu chỉ biết
nhau qua thư từ. Đó là một phụ nữ hiểu biết, tốt nghiệp khoa Văn tại Hà
nội. Cả tủ sách văn học của tôi bỏ đi thì uổng quá, mà giấu mãi không
được với những tên công an khu vực i-tờ nên tôi chuyển hết ra Bắc cho
dì. Dĩ nhiên phải chuyển lén vì là đồ quốc cấm. Người dì rất cảm kích về
những tác phẩm văn học nghệ thuật này, nhất là những truyện dịch của
Leon Tolstoi. Để trả lễ, dì biếu lại tôi cuốn Triết học Mác-Lênin dày
cộm (sic). Những tên nằm ở Bắc bộ phủ vào khoảng thời gian đầu mất nước
mang nặng đầu óc của một Mao trạch Đông và có hành động cuồng dại của
một Tần thủy Hoàng. Cái hào khí chiến thắng của một đạo quân từng đánh
bại hai đế quốc Pháp và Mỹ (sic) đã đẩy những kẻ với trình độ sơ cấp lên
trên hẳn đồng bào miền Nam bại trận. Vì thế, những cuốn sách văn học
nằm ngổn ngang từng đống ở vỉa hè là điều dễ hiểu. Những bài học luân lý
căn bản trong cuốn Giáo khoa thư cũng mang chung một số phận. Những câu
chuyện vỡ lòng về luân lý dạy cho cả một thế hệ bé thơ hoàn toàn bị
loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy ở bậc Tiểu học và thay vào đó bằng
những bài học dạy về lòng căm thù giai cấp đọc nghe đến lố bịch. Có lẽ
không một nước cộng sản nào hiện hữu trên trái đất này lại nhẫn tâm gieo
vào đầu óc trẻ thơ những tư tưởng giết người như ở Việt Nam.
Xét cho cùng, họ dẹp bỏ là phải vì những tư tưởng gói ghém trong cuốn
Luân lý Giáo khoa thư hoàn toàn trái ngược với lý thuyết căn bản cộng
sản. Đối với chủ thuyết cộng sản, sách lược là bạo lực, chiến lược là
dối trá được che dấu khéo léo dưới danh từ tuyên truyền. Làm gì có thành
thật đối với những kẻ ngồi trong Bắc bộ phủ. Bởi thế, dạy cho người dân
thế nào là ngay thẳng thì chẳng khác nào họ tự bôi phân lên mặt họ.
Chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tương tàn có “chính nghĩa”, mà mãi cho
đến bây giờ họ vẫn vinh dự (hão) về cuộc chiến chống Mỹ, bọn cộng sản
đã nhồi nhét trong óc đồng bào miền Bắc – kể cả những trẻ thơ – về một
miền Nam sa đọa, khổ sở trong nghèo đói, tha hóa trong trụy lạc, lạc hậu
về kiến thức, và kiệt quệ về kinh tế. Mới đây, một cán bộ (thức tỉnh)
miền Bắc kể lại trên mạng (viet.no) rằng trong thời gian cao trào chống
Mỹ Ngụy, theo tài liệu học tập từ trung ương đưa xuống thì tại miền Nam
số lượng đàn bà làm đĩ lên đến hàng trăm vạn. Bây giờ ngồi so sánh con
số mà đảng đưa ra thì vào thập niên 70 – với số dân 17 triệu toàn miền
Nam – phần lớn đàn bà con gái ở phía bên kia vĩ tuyến đều phải bán trôn
nuôi miệng; như thế mới phù hợp con số đảng đưa ra. Ông ta chua chát kết
luận, con số đảng tuyên truyền thời đó hiểu ra (khá trễ) là phóng đại
nhưng lại đúng với sự thật vào đầu thế kỷ 21 tại Việt Nam.
Đảng cố tình nhào nặn ra một hình ảnh bệnh hoạn về miền Nam và đẩy mạnh
công tác tuyên truyền hiệu quả đến nỗi cả miền Bắc bỗng thấy việc giải
thoát đồng bào miền Nam khỏi ách nô lệ của đế quốc là một nhiệm vụ phải
làm; chỉ vì đó cũng là đồng bào máu đỏ da vàng cả. Tầng lớp thanh niên
thiếu nữ hăng say lên đường đi B để làm cái công việc giải phóng “cao
cả” đó. Thế là một chiến dịch dối trá vĩ đại được hình thành ngay trong
thâm cung của Bộ Chính trị và được tuyên truyền học tập rộng rãi trên
khắp cõi miền Bắc. Trong suốt 21 năm, từ 1954 đến 1975, toàn bộ nhân dân
miền Bắc từ hạ tầng đến thượng tầng cơ sở (trừ những kẻ đẻ ra chiến
dịch nói dối) đều tin tưởng tuyệt đối rằng đó là những sự kiện có thật.
Dân chúng ở hậu phương còn được dạy bảo phải thắt lưng buộc bụng, hạt
gạo bẻ làm ba; một để lại miền Bắc, một đem vào miền Nam, và một giúp
đồng bào Lào và Cao miên. Thật tội cho đồng bào ở miền Bắc, họ cống hiến
tất cả bầu nhiệt huyết, hy sinh đến tận cùng những tình cảm riêng tư,
để phục vụ cho một chiến dịch giải phóng bắt đầu bằng một sự lừa bịp vĩ
đại. Phải nói là vĩ đại, vì chính những mỹ từ này mà biết bao thanh niên
thiếu nữ phải sinh Bắc tử Nam.
Cho đến ngày 30/4/1975, khi bước vào một miền Nam hoa lệ, thành phố sầm
uất, dân quê chất phác sống khá sung túc, trẻ con lễ phép (nhờ những bài
học vỡ lòng trong cuốn Luân lý Giáo khoa thư), thì những anh bộ đội mới
vỡ lẽ ra là những điều họ được học tập trái ngược với thực tế. Những
người cộng sản tuy (may mắn) chiếm được miền Nam nhưng đồng thời bộ mặt
xảo trá của Bộ Chính trị lộ nguyên hình. Thường thì khi biết bị lừa, tâm
lý chung của con người là cảm thấy tự ái bị tổn thương, uất hận và đâm
ra oán ghét kẻ lừa bịp. Phải dùng chữ uất hận vì cả một thời thanh xuân
đã bị chôn vùi dọc theo rừng Trường sơn; một phần thân thể bị bỏ lại
chiến trường B; những ước mơ tầm thường của một đời người cũng bị hy
sinh đến tận cùng.
Có hai biến cố để thử lửa thế hệ thanh niên Việt Nam, kể cả giới trí
thức. Thứ nhất là biến cố 30 tháng 4, 1975 khi họ khám phá ra một miền
Nam hoàn toàn trái ngược với sự tuyên truyền của đảng. Biến cố này chỉ
liên quan đến thanh niên miền Bắc. Thứ hai là ngày 9 tháng 12, 1991 khi
thành trì Sô-viết chính thức tan rã, cáo chung một chủ nghĩa cộng sản
không kèn không trống sau gần ¾ thế kỷ gieo rắc bao kinh hoàng cho nhân
loại. Biến cố này liên quan đến thế hệ trẻ của cả nước. Cả hai biến cố
này xác định rõ rệt ai là kẻ nói dối và ai là kẻ bị lừa.
Bị kẻ khác lừa mà không biết là bất trí. Khi biết bị lừa mà không có
phản ứng (dù tiêu cực hay tích cực) là nhu nhược. Con người Việt Nam
không thể bất trí. Nhân dân Việt Nam không bao giờ nhu nhược. Thế mà khi
bộ mặt xảo trá của đảng cộng sản bị phơi bày vẫn không thấy một phản
ứng – cho dù nhỏ nhoi – của bất cứ thành phần nhân dân miền Bắc nào, kể
cả những kẻ mang danh là kẻ sĩ, gồm cả các giáo sư, bác sĩ, học giả
v.v...
Phân tích cho kỹ hiện tượng thụ động này, tôi nghĩ ra được vài điểm:
1. Lính bộ đội có trình độ học vấn thấp. Nói ra điều này tôi hoàn toàn
không có ngụ ý chê bai mà chỉ nêu lên một sự thật. Những thanh niên
thiếu nữ này nếu điều kiện cho phép chắc chắn tên tuổi của họ cũng được
ghi danh trên bảng vàng như ai. Đúng ra, đảng không muốn thanh niên
thiếu nữ miền Bắc học nhiều. Họ cố ý rút ngắn chương trình trung học
trong những năm chiến tranh chỉ còn 10 năm (để mau ra chiến trường),
trong khi học sinh miền Nam phải học đủ 12 năm và phải qua biết bao kỳ
thi sát hạch để sàng lọc những người có khả năng học lên cao. Chỉ vì
trình độ nhận thức thấp kém theo chính sách ngu dân của đảng nên tầng
lớp thanh niên không cảm thấy uất hận khi bị lừa dối.
2. Tầng lớp cán bộ và bộ đội lóa mắt trước của cải miền Nam. Họ là những
nông dân chân chất, nghe lời đảng đi “giải phóng” miền Nam khỏi ách đế
quốc. Tài sản của họ ngoài căn nhà tranh vách đất, may ra được con trâu,
dăm con gà. Hiếm khi họ ăn được bữa cơm không độn. Bước vào miền Nam
thấy toàn cao ốc, nhà cửa khang trang, hàng tiêu dùng thừa mứa, họ bỗng
đâm thèm khát hết mọi thứ; từ cây kim may cho đến chiếc bình tích giữ
nước sôi. Phàm con người có ai không muốn hưởng thụ, sung sướng. Họ mong
đem về Bắc một chiếc xe đạp, trên cổ tay đeo chiếc đồng hồ (made in
Cholon cũng được), và trên vai lủng lẳng chiếc máy thu thanh. Ước mơ của
những anh bộ đội thật tầm thường đến tội nghiệp. Đảng biết như thế nên
cố tạo điều kiện cho những kẻ một thời nghe lời dụ dỗ của đảng bằng cách
đổi tiền, đánh tư sản mại bản, và nhiều trò cướp giật công khai khác,
với mục đích gián tiếp buộc đồng bào miền Nam phải đem hết đồ dùng trong
nhà ra bán dần ở chợ trời, cân bằng phần nào cán cân kinh tế giữa hai
miền Nam Bắc trong thời hậu chiến. Trong khi đồng bào miền Nam tiêu tán
dần sản nghiệp thì nhân dân miền Bắc bỗng được sở hữu chủ một vài thứ
tiêu dùng mà cả đời họ chưa bao giờ (dám) nghĩ đến. Trong thời chiến,
nhân dân miền Bắc tối đi ngủ gắng mơ được thấy bác Hồ và mãi đến năm 75,
họ âm thầm gạt bác qua một bên để phấn khởi thay vào đó là giấc mơ đạp,
đổng, và đài. Với giấc mơ hơn hai mươi năm bỗng trở thành hiện thực chỉ
trong vài tháng, nhân dân miền Bắc bỗng đâm ra dễ dãi và chợt quên đi
họ đã bị lừa.
3. Thành phần kẻ sĩ đã bị thuần hóa từ lâu, nhất là sau vụ Giai phẩm
Nhân văn năm 1956, vụ bắt “những kẻ chống đảng” năm 1967. Còn biết bao
vụ thanh trừng khác xảy ra nhan nhản trong suốt thời chiến tranh. Những
chuyện mưu sát công khai, những chuyện đầu độc nghe được qua rỉ tai,
từng ấy chuyện đủ khủng bố tinh thần của tầng lớp kẻ sĩ đến sợ hãi ngậm
miệng. Với phương pháp trấn áp cực kỳ tàn độc, đảng thành công trong
việc bào mòn lòng bất khuất của tầng lớp trí thức, nhận chìm khí phách
truyền thống của cha ông. Thật tội cho họ, biết bị lừa mà đành phải cắn
răng chịu đựng.
Chính vì những lý do đó mà trong muôn vàn kẻ chứng kiến cuộc “giải
phóng”, tất cả đều nhận ra một chiến dịch bịp vĩ đại ngay sau khi vào
thăm và tiếp xúc với đồng bào miền Nam, nhưng lại không mấy ai thổn thức
lương tri, hoặc thắc mắc lấy một lời về sự dối trá của đảng cộng sản.
Trừ hai người (ít ra là họ thú nhận như thế).
Đó là bà Dương Thu Hương và ông Nguyễn Khắc Toàn.
Nhà văn Dương Thu Hương kể lại là khi chứng kiến được sự sung túc của
miền Nam, bà ngồi bệt xuống lề đường Nguyễn Huệ và khóc tức tưởi. Trong
một bài viết, bà cho biết: Bà chợt nhận ra chân tướng của đảng cộng sản.
Bà biết bà đã bị lừa khi hiến thân cả cuộc đời để thực hiện cái gọi
là “giải phóng miền Nam”. Năm 1968, lúc bà vừa 21 tuổi, tuổi thiếu nữ
tràn trề nhựa sống, bà từ chối ân huệ của đảng gửi đi du học (giấc mơ
của tuổi trẻ miền Bắc) để lên đường vào Nam tham gia chiến dịch Tổng
công kích Tết Mậu Thân. Quyết định dứt khoát vào Nam đi “giải phóng”
cũng vì hoàn toàn tin tưởng vào sự tuyên truyền (nói dối) của đảng. Bà
quyết dùng tài năng của một văn công để an ủi tinh thần cho những anh bộ
đội trên đường chinh chiến gian khổ. Ôi! Bà khóc là phải lắm. Những
giọt nước mắt uất ức xứng đáng chảy dài trên má vì sau bao nhiêu năm
chiến đấu khổ cực để tàn phá những gì là ước mơ của toàn thể nhân dân
miền Bắc. Xét cho cùng, cách mạng là đổi mới, là tìm một đường hướng tốt
hơn hiện tại. Hóa ra không phải thế, người cộng sản chủ trương lột bỏ
hết tất cả những gì gọi là tinh túy của cha ông để áp đặt một chính thể
ngoại lại, những “luân lý” cộng sản, trong đó sự lừa dối được cổ võ rộng
rãi trong tầng lớp nhân dân.
Năm 2006, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, trong bài viết nhân ngày 30-4, với tựa đề: “Nhìn Lại Ba Mươi Năm Trước”, ông xác nhận: "Cuộc
chiến tranh "Huynh đệ tương tàn - nồi da nấu thịt" ấy đã để lại trong
tôi những chấn thương về cả tinh thần lẫn thể xác. Về phương diện tinh
thần, tôi đã có cái nhìn rất khác so với nhiều đồng đội của mình là
những người xuất phát đa phần từ nông dân, sinh trưởng từ nông thôn miền
Bắc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu." Ông lập lại những gì ông được học tập kỹ lưỡng trong suốt cuộc chiến chống Mỹ: "Rằng
đây là cuộc chiến tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam khỏi đế quốc
Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quyền tay sai!?" "Rằng đây là cuộc chiến
tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân Miền Nam khỏi ách kìm kẹp
của Mỹ Ngụy và đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thiêng
liêng...", như bộ máy tuyên truyền vĩ đại ở miền Bắc hô hào ngày đêm!!!? Và như một số ít oi kẻ sĩ còn biết sỉ, ông nhận ra rằng: Tôi đối chiếu, so sánh với cuộc sống ở Hà nội và cả miền Bắc XHCN thì những thứ "Tự do dân chủ " và đời sống khá giả ấy (ở miền Nam; chú thích của người viết)
quả là một sự xa xỉ và hoàn toàn xa lạ đối với người dân miền Bắc. Kết
luận của ông nghe thật đau lòng: Bi kịch lớn của dân tộc ta, tổ quốc ta
là ở chỗ cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” đã tốn biết bao núi
xương, sông máu của nhân dân cả nước nhằm hủy diệt một chế độ đa đảng
dân chủ, tự do, và một nền kinh tế thị trường đã từng tồn tại ở miền
Nam VN trước năm 1975, mà giờ đây nhân dân chúng ta đang phải đấu tranh
để được đi lại đúng con đường này. (in đậm theo ý người viết)
Đi lại đúng con đường này nghĩa là theo con đường tự do của chủ nghĩa tư
bản. Trong khi đó, Mác khẳng định chế độ tư bản sẽ dãy chết và toàn thế
giới sẽ được thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản. Lênin thần thánh hóa mớ
lý thuyết này, thêm vào “bạo lực cách mạng” để “vô sản các nước, đoàn
kết lại!”, và Nga xuất cảng chủ thuyết của hai ông tây râu xồm ra các
nước nhược tiểu. Bộ môn Triết học Mác-Lê được giảng dạy trong suốt những
năm ở đại học, và những người cộng sản rất tự hào về những lý thuyết
“tất thắng” trong cuốn sách dày cộm này. Bà dì họ mà tôi nói ở trên biếu
tôi cuốn Triết học Mác-Lê; mở ra, ngay từ trang thứ nhất nổi rõ nét chữ
của bà, tinh hoa duy nhất của nhân loại (sic). Với số tuổi mới
trên 20, bà là một tiêu biểu cho thế hệ trẻ lớn lên ở miền Bắc, thuộc
giới trí thức. Bà tin tưởng mãnh liệt vào mớ lý thuyết Mác-Lê, xem đó là
tinh túy độc nhất của nền triết học Tây phương, cốt lõi của một cuộc
cách mạng không thể tránh được trong lịch sử nhân loại. Tuổi trẻ Việt
Nam lớn lên cũng tin tưởng như thế, nghĩa là bên ngoài thành trì xã hội
chủ nghĩa các nước tư bản đang ngắc ngoải, dân chúng ở các nước này đang
sống ngất ngư, chỉ chờ chết. Họ cũng tin tưởng rằng chủ nghĩa tư bản
đang tiến đến bờ vực thẳm và chế độ cộng sản sẽ là chiếc thòng lọng siết
cổ bọn đế quốc tư bản. Sự thật như thế nào? Mấy tay lãnh đạo cộng sản
miệng nói xoen xoét như thế nhưng trong thâm tâm họ vẫn biết họ đang nói
dối. Một trong những tay tổ cộng sản là ông Gorbachev đã thú nhận như
thế."
Trong buổi thuyết trình vào ngày 12/3/2002 tại đại học Columbia (Hoa kỳ) với tựa đề "Russia: Today and the Future" (Nga
sô: Hiện tại và Tương Lai), ông Gorbachev đã nêu rõ vấn đề dối trá của
đảng cộng sản nhân dịp kỷ niệm 10 năm sau ngày sụp đổ của chế độ cộng
sản nhờ chính sách đổi mới “perestroika” của ông. Ông nói vào
thời điểm ông lên cầm quyền, khi các vệ tinh của Nga đang bay trên quỹ
đạo, những cán bộ lãnh đạo chỉ bàn về vấn đề kem đánh răng, bột giặt
v.v... nói chung chỉ là vấn đề hưởng thụ. Ông thêm: "những cán bộ đảng chỉ điều hành quốc gia với sự gian dối" (in đậm theo ý người viết). Chúng
tôi, trong số đó có tôi, từng nói 'Tư bản đang đi đến sự huỷ diệt,
trong khi chúng ta đang phát triển tốt đẹp', lẽ dĩ nhiên, đó chỉ là
những lời tuyên truyền (nói dối, chú thích của người viết). Trên thực
tế, quốc gia chúng tôi đang bị bỏ rơi đằng sau."
Sự dối trá đã bám rễ trong tâm trí của những người cộng sản. Họ dùng bất
cứ thủ đoạn nào để che dấu sự thật. Tất cả huyền thoại của một đảng
cộng sản được trang bị bằng vũ khí bách chiến bách thắng (?) là chủ
nghĩa Mác-Lê được bắt đầu bằng cuộc khởi hành xuống tàu đi Pháp của ông
Hồ Chí Minh. Trong khi ông đi tìm miếng cơm manh áo cho chính bản thân
ông bằng cách gửi thư lên ông Bộ trưởng Thuộc địa Pháp xin được theo học
ở trường thuộc địa để thành tài và có cơ hội phục vụ mẫu quốc thì đảng
cộng sản lại nói ông xuống tàu để tìm đường cứu nước. Sau này, ông Hồ
thấy nói dối như thế có lợi cho kế hoạch đánh bóng thân thế của ông nên
ông không hề cải chính. Khi nắm trọn miền Bắc, ông Hồ lại dối trá bằng
cách lấy bút hiệu Trần Dân Tiên để tự viết tiểu sử mở đầu bằng câu:
"một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và
đương lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi
nghe bình sinh của người được?" Ôi! Từ cổ chí kim, chưa thấy ai có được tính “khiêm tốn” như ông Hồ.
Bắt đầu từ chuyện tự viết tiểu sử bất hủ của ông Hồ để tuyên truyền rầm
rộ trong đám nhân dân miền Bắc đói khổ, đảng cộng sản ngày càng nhận
thấy “giá trị” của sự dối trá. Nó đánh lừa được đám dân chúng ít học, và
họ sẵn sàng xả thân để đi đúng theo con đường mà đảng cộng sản muốn.
Câu chuyện ngày xưa, mẹ thầy Tăng Sâm đang ngồi đan áo chợt có người
chạy đến báo tin con bà đã giết người và đang bị quan huyện lùng bắt. Bà
vẫn ngồi bình thản đan áo vì bà tin chắc chắn rằng đứa con không bao
giờ làm những việc tầy trời như thế. Nhưng khi có người đến báo tin lần thứ ba thì
bà đứng bật dậy và chạy trốn ngay khỏi nhà vì bà tin rằng quan quân thế
nào cũng đến bắt cả bà. Một việc không có được lập đi lập lại chỉ mới
ba lần mà đã có người tin thì huống gì những lời tuyên truyền của cộng
sản được nhai đi nhai lại hàng trăm nghìn lần. Những lời tuyên truyền
xuyên qua tai và găm vào óc của đám dân khốn cùng, ngay từ khi lọt lòng,
trong mọi sinh hoạt từ sáng đến khuya, từ trường học đến công sở, trong
nhà đến ngoài ngõ. Nó nói ra rả, cùng một luận điệu, cùng một ngôn từ,
cũng một khuôn mẫu đến nỗi người ta nghĩ ngay đến cuộn băng từ tính,
được phát thanh triệu lần như một. Vì thế, đồng bào miền Bắc cả tin vào
đảng cộng sản cũng là điều dễ hiểu.
Trong một xã hội xảo ngôn, người dân bị bưng bít mọi sự thật thì những
đứa trẻ lớn lên cũng tin đó là sự thật. Dĩ nhiên nhà trường không bảo
thẳng những trẻ thơ phải nói dối nhưng sớm gieo vào đầu óc chúng những
tư tưởng hận thù giai cấp; trong khi Luân lý Giáo khoa thư dạy phải yêu
thương đồng loại. Thêm vào đó, đảng lại dạy chúng sớm biết nghi ngờ hết
mọi người, ngay cả ông bà cha mẹ, để dám tố cáo những tư tưởng chống
đối, phản cách mạng; còn Luân lý Giáo khoa thư lại dạy phải biết tôn
kính những người già cả. Đây là một căn bệnh cố hữu của người cộng sản.
Họ nghi ngờ tất cả, lúc nào cũng thấy địch chung quanh, và họ cho đó là
“cảnh giác cách mạng”. Làng xã lại lập ra tổ “tam tam”, nghĩa là cứ ba
nhà làm thành một tổ nhưng thật sự là dò xét, canh chừng lẫn nhau. Vì
thế, ngay tại gia đình, mọi người đều kín miệng trong bất cứ chuyện gì,
không để nhà bên cạnh biết việc trong nhà mình. Dân chúng sống mãi trong
một bầu khí nghi kỵ, không dám tin ai, chẳng dám mở miệng nói với ai
một điều gì thật trong lòng. Đảng cố ý biến cả nước thành nhân vật Tào
Tháo thời Chiến quốc. Đã một thời, ở các làng Công giáo các cụ gặp nhau
thường hỏi thăm, dạo này có khỏe không? Câu trả lời thường là, nhờ ơn Chúa, gia đình tôi vẫn bình thường. Sau năm 1954, câu trả lời chung nhất là, nhờ ơn bác và đảng, gia đình tôi vẫn bình thường.
Biết mình đang nói dối nhưng vẫn phải nói, để sống còn. Ngay ở trong
một xóm đạo, nơi mà đời sống tinh thần tương đối khá hơn ngoài xã hội,
thế mà người dân còn phải nói dối thì huống gì bên ngoài lũy tre xanh,
người ta còn dối trá đến đâu mà kể.
Những đứa trẻ miền Bắc lớn lên trong một khung cảnh dối trá đầy dẫy nghi
ngờ như thế và dần dần chúng thấy dối trá là chuyện bình thường. Lớn
lên, ra ngoài xã hội, chúng cũng nhận ra những điều thầy cô đứng trên
bục giảng gân cổ tự hào về một xã hội cộng sản cũng chẳng đúng sự thật.
Tôi còn nhớ năm 1975, lũ sinh viên gần ra trường chúng tôi được dồn vào
giảng đường ở đại học Luật để học chính trị. Một giáo sư dạy Triết
Mác-Lê từ Hà nội vào huênh hoang đứng trên bục giảng quả quyết rằng Nga
đặt chân lên mặt trăng đầu tiên. Ngày lịch sử đó của cả nhân loại kể ra
vẫn còn mới, vì chỉ cách đó mới 6 năm. Ban đầu chỉ nghe tiếng xầm xì nổi
lên đâu đó; chỉ mấy phút sau cả giảng đường nhao nhao phản đối. Ông
giáo sư đứng ngẩn người không hiểu (hoặc giả vờ không hiểu?) chuyện gì.
Các tổ trưởng (cứ mười người có một tổ trưởng) yêu cầu chúng tôi yên
lặng và hứa sẽ trình lên trên. Sau 15’ nghỉ giải lao, chính ông ta lên
tiếng đính chính sự việc và nhìn nhận rằng Mỹ đã đưa người lên mặt trăng
đầu tiên. Từ chuyện này, tôi nghiệm ra một điều, đảng cộng sản của ông
nói dối hoặc chính ông nói dối. Vì nếu đó là sự thật, hoặc ít nhất đó là
điều ông được biết và tin qua sách vở của đảng từ năm 1969 thì bằng mọi
cách ông phải bảo vệ sự thật đó. Ông tin đó là sự thật vì lẽ đơn giản
là ông đặt hết niềm tin vào đảng. Tôi không nghĩ một niềm tin trong 6
năm lại có thể bị sụp đổ chỉ sau 15’ phù du. Khi đính chính sự kiện lịch
sử đó, vô tình ông đã chưởi thẳng vào mặt đảng cộng sản, gián tiếp tố
cáo sự dối trá của đảng, mà chính ông (tôi nghĩ) phải là một đảng viên.
Còn nếu đảng không dạy nói như thế, thì chính ông trong một phút say sưa
với chủ thuyết Mác-Lê, mê mẩn thành trì Xô-viết, đã bốc đồng cho mấy
ông tổ cộng sản đặt chân lên mặt trăng. Như thế, chính ông là người nói
dối. Một người được xem là đại diện cho giới trí thức miền Bắc, có học
vị, giảng dạy ở bậc đại học mà nói dối dễ dàng đến vậy thì quả thật con
người cộng sản không còn liêm sỉ. Chưa kể đến chuyện ông ta dám khinh
thường trình độ nhận thức của đám sinh viên miền Nam. Điều này tổn
thương tự ái bọn sinh viên chúng tôi nhiều nhất. Từ khinh bỉ đám trí
thức cộng sản miền Bắc đến tức giận vì tự ái, chúng tôi chỉ biết lặng lẽ
nhìn nhau thở dài.
Trừ những đứa trẻ lớn lên ở làng xóm giữ gìn một nếp sống tôn giáo
nghiêm nhặt, hoặc sinh trưởng trong một gia đình nho học, và cha mẹ còn
biết giữ lấy nho phong, tay quyết không nhúng chàm, còn lại phần lớn
những đứa trẻ này bước vào đời đều què quặt về mặt luân lý. Chúng không
được trang bị những giá trị luân lý căn bản của lòng Nhân, của tâm hồn
Lễ Nghĩa, và của cách hành xử Trí Tín. Hành trang của chúng là trái tim
chất chứa hận thù giai cấp, tâm hồn đầy dẫy nghi ngờ và trí óc với mớ
kiến thức khá chừng mực. Ủy viên Trung ương đảng Trần bạch Đằng, năm
1977, phải nhìn nhận con nít miền Nam lễ phép hơn con nít ở miền Bắc.
Nhưng đức Lễ này thảm thương thay đã chấm dứt ngay sau năm 1975 vì đảng
cộng sản đã áp dụng chính sách ngu dân (con cái trong chế độ cũ không
được học lên cao) và áp đặt nền giáo dục phi luân lý cho con em
miền Nam. Thế là nguyên cả một thế hệ đầu tiên thời hậu chiến sống mất
kỷ cương, lững thững đặt chân xuống cuộc đời với nhiều gương xấu của cha
ông, trong đó sự dối trá nổi bật hơn hết.
May mắn thay cho lớp trẻ thời hậu chiến là tôn giáo vẫn còn chiếm giữ
một vị trí quan trọng trong xã hội từ Nam chí Bắc. Nhà thờ, chùa chiền,
thánh thất vẫn là nơi dạy dỗ và cổ võ một nền luân lý truyền thống của
cha ông. Vai trò của các linh mục, sơ, thượng tọa và các thầy chưa bao
giờ bức thiết bằng lúc này, khi đất nước ngả nghiêng trong hỗn loạn luân
lý, khi tuổi trẻ đang mất dần định hướng. Tôn giáo có tác dụng như một
cái phanh, kìm giữ một tuổi trẻ bơ vơ đang lao mình xuống vực thẳm của
vật chất, thản nhiên buông thả mọi giá trị tinh thần. Sự giằng co giữa
tôn giáo và xã hội xem ra khá quyết liệt và tôn giáo đôi lúc phải ngậm
ngùi nhìn tuổi trẻ Việt Nam đang lún ngày càng sâu vào vũng lầy của cuộc
đời. Tôi có người bạn nhân chuyến về thăm địa phận Nha trang kể lại
rằng, các tu sinh (những người đang tập sự trong đời sống tu trì để trở
thành linh mục) vẫn thản nhiên nói dối không ngượng ngùng. Người bạn đơn
cử một thí dụ (theo lời tâm sự của cha Bề trên), khi ngài hỏi một tu
sinh đã quét nhà chưa, anh ta trả lời đã quét rồi, nhưng ngài biết là
anh ta chưa làm; khi hỏi gặng thì anh ta nói là sẽ làm. Thật rõ ràng ngay lúc trả lời anh đã nói dối.
Nên biết thêm, những tu sinh này đã được tuyển chọn trong muôn ngàn kẻ
muốn dâng mình cho Chúa. Họ là những người đã được sàng lọc, thế mà bụi
trần vẫn còn vướng trên áo, ngấm trong tim và lộ ra trong câu nói.
Ngày 27/4/2006, nhân chuyến đi Rôma về, Đức Hồng Y Phạm minh Mẫn đã
chuyện vãn với giới Liên Tu sĩ của Tổng Giáo phận Sài Gòn. Trong buổi
chia sẻ với khoảng 60 đại diện của các Dòng Tu và Tu hội nam nữ, ngài kể
lại chuyến đi Rôma, đồng thời đưa ra một vài đề nghị về tu sinh. ĐHY
Mẫn nói, “Liên quan đến Chủng viện, bây giờ có đề nghị năm thứ nhất
của chủng viện làm năm tu đức để rửa sạch bụi đời và trau dồi những khả
năng cần thiết khác. Vì nhiều chủng sinh đã học đại học mà viết một câu
tiếng Việt cũng không rồi. Bên cạnh thiện chí, còn có nhiều chuyện khác
không lành mạnh đi vào tâm thức của những người trẻ nhập tu. Do đó, phải
đào tạo cho các chủng sinh có ý hướng ngay lành, có kỹ năng đáp trả Ơn
Gọi, có khả năng bỏ mình vác thập giá. Tôi cảm nghiệm điều này hết sức
sâu xa: phải bỏ thói đời, phải bỏ thói ăn gian nói dối. Vì cả xã hội đã như vậy rồi.” (in đậm theo ý người viết), (LM. Nguyễn văn Khải, D.C.C.T., lược ghi)
Nhận xét của ĐHY Mẫn phản ảnh một sự thật phũ phàng ở xã hội Việt Nam
ngày nay. Sự dối trá đã bao trùm trong mọi sinh hoạt của người dân. Tuổi
trẻ từ nhỏ đã không được thấm nhuần tinh thần Luân lý Giáo khoa thư,
khi lớn lên bước vào công sở cũng gặp những cảnh dối trá lươn lẹo của
lớp cha ông, thì dĩ nhiên chúng cũng phải sống dối trá lươn lẹo cho phù
hợp. Ở ống thì dài, ở bầu thì tròn. Nói dối và ăn cắp là hai thói
xấu phổ biến ở những công ty quốc doanh. Trong thời bao cấp, công nhân
ra sức bòn mót của công. Trước hết vì công nhân quá nghèo, hai nữa là vì
mồ cha chung không ai khóc. Lấy được cứ lấy, lỗ lã đã có nhà nước lo.
Cấp dưới làm láo báo cáo hay vì để làm vừa lòng cấp trên. Còn cấp trên
chỉ là những người trưởng thành trong khói lửa, không có lấy một chút
kiến thức nào về điều hành, về quản lý nhưng lại muốn giữ bổng lộc của
nhà nước. Ôi! Chưa bao giờ câu nói của Hoài Nam Tử từ mấy nghìn năm
trước lại có ý nghĩa đến thế: “Trên đời có ba đại họa, đức ít mà ân sủng nhiều, tài ít mà địa vị cao, công nhỏ mà bổng lộc lớn.”
Những người cộng sản mang danh là lãnh đạo ở nước Việt Nam hiện nay, từ
các cơ quan hành chánh đến những bộ phận của đảng, đều mắc phải những
đại họa này.
Người cộng sản nào ở bất cứ nơi nào trên trái đất này đều xem sự gian
dối là phương tiện để sống còn. Từ mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, văn
hóa, giáo dục, luôn luôn thấy sự dối trá. Họ nói dối dễ dàng, như người
ta ăn một bát cơm ngon. Mãi rồi sự dối trá thấm nhuần vào máu, hễ ngồi
xuống để bàn chuyện, lập tức trong tâm tư của họ phải nghĩ ngay đến việc
phải che dấu sự thật, làm thế nào để nói dối thật hay, hầu qua mặt được
người dân, hoặc con mắt quan sát quốc tế. Tôi có người bạn nói đùa rằng
Thế Vận Hội không có môn thi nói dối, và nếu có chắc chắn bọn cộng sản
sẽ chiếm hết cả ba huy chương, vàng, bạc, và đồng. Tôi bật cười nhưng
nghĩ quả không ngoa.
Mới đây, báo Tuổi trẻ trong nước đưa tin về chuyện các quan cộng sản nói dối bên Tàu. Sự
thật giới quan trường một số địa phương ở Trung Quốc đã tồn tại một
“dây chuyền nói dối”: quan làng nói dối quan xã, quan xã nói dối quan
huyện, cứ thế nói dối lên trên. Ý kiến cư dân mạng tham gia “Diễn đàn
nhân dân Trung Quốc” trên hệ thống Nhân Dân Nhật Báo tập trung tóm tắt
mấy điểm sau:
Thứ nhất, các quan chức có tội, có sai lầm nhưng vẫn muốn giữ ghế.
Thứ hai, một số quan chức cho rằng muốn thăng quan tiến chức nhanh để mưu lợi nhiều hơn thì dùng các “kế hoạch nói dối”.
Thứ ba, một số quan chức bản thân sa đọa hưởng lạc nhưng cố tạo ra hình tượng “trong sạch”.
Thứ tư, có những lãnh đạo cấp trên thích nghe cấp dưới nói dối, bởi
những thành tích của cấp dưới làm tăng thành tích của cấp trên. Cấp trên
thích, cấp dưới ăn theo. Ở một số nơi, phong khí quan trường bất chính,
lãnh đạo thích nhiều công nên chỉ thích nghe thành tích, không thích
nghe khuyết điểm, do đó cấp dưới tha hồ nói dối. Ở một địa phương mà trò
nói dối “thịnh hành” thì người nói thật sẽ gặp rủi ro lớn.
Bây giờ đổi tên Tàu thành Việt Nam thì câu chuyện trên của các quan cộng
sản ở trong nước cũng y chang. Cũng từng ấy lý do mà nói dối. Ôi! Còn
gì đau đớn hơn khi tuổi trẻ Việt Nam lớn lên trong một xã hội đầy dẫy
những dối trá và họ phải uốn mình theo dòng đời để mưu sinh, kiếm sống.
Một đất nước Việt Nam như thế thì làm sao xây dựng cho thật sự phú
cường, hạnh phúc.
Chiến dịch trăm năm trồng người của Quản Trọng (không phải ý ông Hồ đâu
nhé!) bức thiết hơn bao giờ. Cần phải tôn trọng những luân lý trong cuốn
Giáo khoa thư. Cần phải cổ võ một nền luân lý căn bản cho con em ngay
từ thuở cắp sách đến trường. Phải làm ngay từ bây giờ và cũng phải mất
nhiều thế hệ mới lấy lại được thăng bằng luân lý cho xã hội Việt Nam.
Trễ nhưng vẫn còn hơn không.
No comments:
Post a Comment