Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 12 April 2019

HỒ CHÍ MINH- NGÔ ĐÌNH DIỆM: NHỮNG GIAO TIẾP LỊCH SỬ
#Kỳcuối: Những lời đồn đại
-----
1. BỐI CẢNH
Năm 1963, VNCH 'mở hàng' với trận Ấp Bắc mà kết quả được Trung tá cố vấn Vann đúc kết là "màn trình diễn tồi tệ chết tiệt." Hoa Kỳ lo lắng khi tâm huyết Chiến tranh Đặc biệt của họ không được như kỳ vọng. Các sự kiện tiếp theo càng làm suy giảm niềm tin của Mỹ vào Ngô Đình Diệm:
- Biến động Phật giáo bùng phát tháng 5.
- Tấn công chùa chiền vào tháng 8.
- Tổng thống Diệm phản ứng tiêu cực với đề xuất cải cách chính trị trước mặt bộ đôi McNamara- Taylor vào cuối tháng 9...
Tệ nhất với Mỹ là báo chí theo sát hầu hết các sự kiện trên, tạo sức ép dư luận từ Mỹ.
*
Hoa Kỳ càng tỏ ra khó chịu và tăng cường áp lực lên Diệm, thì những tin đồn về kết nối Bắc- Nam càng rộ lên trên chính trường miền Nam. Hãy cùng điểm qua ba tin đồn chủ yếu.
--
2. CÀNH ĐÀO CỦA MIỀN BẮC?
Theo cựu Bộ trưởng Lâm Lễ Trinh, ông Quách Tòng Đức, cựu Đổng lý Văn phòng của Tổng thống Diệm, kể [1]:
"Một Tết Nguyên Đán trước 1963, một cành đào đỏ lộng lẫy được trưng bày nơi phòng khánh tiết Dinh Độc Lập với tấm thiệp in tặng của “Chủ tịch Nhà nước Cộng hoà Xã hội Miền Bắc.”" [nước nào nhỉ?].
*
Theo cựu Giám đốc An ninh Quân đội Đỗ Mậu [2]:
"Đầu năm Quý Mão (tháng 2/1963), nhân buổi tiếp tân đầu Xuân tại dinh Gia Long, Tổng thống Diệm chỉ một cành đào được trưng bày trong đại sảnh rồi nói với quan khách rằng đó là cành đào do đồng bào Bắc Việt gởi tặng... Sau này có người khám phá ra đó là quà tặng Tết của tướng Văn Tiến Dũng [khi đó là Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN] cho ông Diệm."
*
Có lời đồn rằng người mang đào về dinh dịp Tết năm 1963, là Lê Châu Lộc, tùy viên của Tổng thống, nhưng ông Lộc lại không rõ ai gửi [3]. Lời đồn khác thì cho rằng chủ tịch ICC Goburdhun gửi với thiếp tặng đề tên Hồ Chí Minh [4].
*
Cần chú ý, Tết năm 1963, Tổng thống Diệm ngụ tại Dinh Gia Long (do Dinh Độc lập bị ném bom năm 1962, đang xây lại). Vậy cành đào chỉ có thể ở 'Dinh Gia Long trong Tết 1963' theo lời Đỗ Mậu, hoặc ở 'Dinh Độc lập trong Tết trước 1963' theo lời Lâm Lễ Trinh.
*
Chưa có tư liệu tốt hơn để khẳng định ai đã tặng đào: tướng Dũng, Hồ Chí Minh, hay ai đó 'mượn tên' Hồ Chí Minh...
--
3. NGÔ ĐÌNH NHU GẶP PHẠM HÙNG?
Theo tướng Trần Văn Đôn (Đỗ Mậu trích) [2]:
"Sự thật các ông ấy không đi săn mà đi thẳng tới một căn nhà lá trong rừng thuộc địa hạt quận Tánh Linh thuộc tỉnh Bình Tuy… Trung tá Bường lái xe đưa ông Ngô Đình Nhu đến chỗ hẹn. Đến nơi, Trung tá Bường và ông C. chờ ngoài xe, lo an ninh. Chỉ có ông Nhu vô. Hai người ngồi ngoài lắng nghe những lời đối thoại ở bên trong lúc nhỏ lúc to. Người đang nói chuyện với ông Nhu là Phạm Hùng, có hai người nữa ngồi bên cạnh…"
*
Theo Cao Xuân Vĩ (cựu Thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa) trả lời phỏng vấn của Minh Võ [5]:
"Chỉ biết chúng tôi cùng đến Quận Tánh Linh ở đây có một vùng do Cộng quân kiểm soát. Ban đầu cứ tưởng đi săn cọp như mọi khi. Nhưng đến nơi ông Nhu bảo chúng tôi ở ngoài, còn ông đi về phía trước độ vài trăm mét. Có Phạm Hùng chờ ở đó. Sau này về nhà tôi cũng không tiện hỏi ông Nhu. Nhưng qua những gì ông tự ý nói ra vào một lúc nào đó thì, nội dung câu chuyện trên một tiếng đồng hồ, gồm nhiều điều cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ..."
*
Về lý thuyết, nói chuyện hòa giải Bắc- Nam với Phạm Hùng là hợp lý khi ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Thống nhất Trung ương Đảng. Tuy nhiên Phạm Hùng lúc đó công tác ngoài Bắc, vì còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác: Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá nhà nước, Trưởng ban Tài mậu Trung ương Đảng. Đến năm 1967 ông mới vào giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam. [6]. Nhưng nếu cần, ông vẫn có thể nhanh chóng vào Nam qua ngả Phnom Penh bằng đường không, là kênh mà Hà Nội chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt [10].
*
Nếu các lời đồn trên là đúng, thì vẫn chỉ có mình Nhu giáp mặt 'Phạm Hùng'. Đó có phải là Ủy viên BCT Phạm Hùng vượt ngàn dặm hiểm vào Nam vì để gặp Nhu, hay một Phạm Hùng nào đó khác, cũng chưa có tư liệu tốt hơn để khẳng định.
--
4. VIỆT CỘNG VÀO DINH GIA LONG?
Trong năm 1963, Nhu từng chủ động 'hé lộ' cho sĩ quan VNCH và phía Mỹ rằng mình đã gặp một số chỉ huy Việt Cộng ngay tại Dinh Gia Long [7]. Dù nội dung gặp là 'quy thuận chánh nghĩa' hay 'hợp tác', thì Mỹ cũng lưu tâm khi Nhu có thể có tiếp xúc trực tiếp với Cộng sản trong bối cảnh quan hệ Mỹ- Diệm đang xấu dần.
*
Về việc này, Nhu có lẽ không hoàn toàn chỉ là khoa trương. Nhà tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc) năm 1963 từng phát hiện "1 bí thư tỉnh ủy, 2 tỉnh ủy viên và 1 cán bộ chỉ huy quân đội hàm cấp tá..." làm gián điệp cho Sài Gòn [8].
--
5. CIA ĐÁNH GIÁ TIN ĐỒN
Ngày 26/9/1963 (hơn một tháng trước đảo chính), CIA trình Giám đốc McCone báo cáo với tựa đề 'Khả năng nối lại quan hệ hai miền Nam- Bắc của Việt Nam'. Xâm nhập sâu nội tình VNCH và theo sát các tin đồn, CIA kết luận với một số nhận định đáng chú ý như sau [9]:
- Dù có tin đồn đi đêm Bắc- Nam, song loại trừ việc có tiếp xúc thực sự giữa hai miền.
- Động cơ của Nhu có thể là hù ngược Mỹ trước nguy cơ bị Mỹ đe rút hỗ trợ; đồng thời phòng hờ có thể có thêm 'đối tác' nếu Mỹ thực sự ngừng hỗ trợ.
- Nhu KHÔNG THỂ thực hiện kết nối Bắc- Nam mà không đánh động các tướng và cộng đồng tình báo [Mỹ]. Khi đó sẽ là cớ để các tướng đảo chính "cứu miền Nam".
*
Như vậy, dù là tin đồn hay sự thật, Mỹ đều không ngại; và Diệm- Nhu vì việc này chỉ thêm mất điểm với Mỹ.
<Hết kỳ cuối>
-----
PHẦN KẾT
Gặp nhau năm 1946 là cơ hội vàng để Hồ Chí Minh- Ngô Đình Diệm hợp tác. Cái chết của Khôi- Huân do Việt Minh gây ra, cộng hưởng với quan điểm chống Cộng quyết liệt của Diệm đã làm hỏng cơ hội này. Hồ Chí Minh khi đó không thể đoán được đã trả tự do cho một đối thủ khó chịu trong tương lai.
*
Năm 1954, cơ hội hợp tác tiếp theo giữa hai người đã đến trong khuôn khổ hiệp định Geneva. Ngoài hai lý do [từ chối hợp tác] đã có từ 1945, Diệm còn có thêm thứ để mất nếu thi hành hiệp định, là ngôi vị lãnh tụ miền Nam đoạt được từ Bảo Đại. Công khai phớt lờ hiệp thương thống nhất, Diệm đã phát triển quan điểm chống Cộng lên tầm cao mới, thành 'bảo vệ biên giới của thế giới tự do' [11], phù hợp với học thuyết Domino của Mỹ và được Mỹ nhiệt tình ủng hộ.
*
Với sứ mệnh thống nhất được tuyên bố từ ngày lập quốc, sau nhiều nỗ lực kêu gọi hiệp thương thống nhất thất bại chỉ được đáp trả bằng Luật 10/59, VNDCCH bắt đầu chính thức khởi động đấu tranh vũ trang tại miền Nam (1960), song vẫn tìm cơ hội tiếp xúc qua ICC.
*
Gặp khó khăn với việc Việt Minh miền Nam tái vũ trang, Diệm đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ (1961). Mỹ đáp lời với chiến lược Chiến tranh Đặc biệt, song hành với gia tăng yêu sách lên Diệm nhằm chống Cộng hiệu quả hơn. Cần Mỹ hỗ trợ, nhưng lại không chịu hy sinh chủ quyền chính trị, Diệm- Nhu xoay xở, và một trong các cách là lan truyền tin đồn kết nối Bắc- Nam. Mỹ không e ngại thông điệp 'ngừng hỗ trợ- dừng chống Cộng' này, đã chủ xướng việc kết thúc Đệ nhất Cộng hòa sau khi đã đủ bức xúc với Ngô gia.
*
Có lẽ là một tiếc nuối của lịch sử, khi giao tiếp Hồ Chí Minh- Ngô Đình Diệm theo thời gian dần thay đổi tiêu cực, từ gặp trực tiếp, sang ngoại giao đơn phương, đến thăm dò liên lạc và kết thúc bằng tin đồn.
<Hết>
-----
Tham khảo:
[1]: L.L. Trinh. Chín Năm Bên Cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm (mạn đàm của Lâm Lễ Trinh và cựu Đổng Lý Quách Tòng Đức).
baovecovang2012.wordpress.com/…/chin-nam-ben-canh-tong-tho…/
[2]: Đ. Mậu. Việt Nam máu lửa quê hương tôi. Chương 16: Từ Đồng minh với Mỹ đến thỏa hiệp với Cộng.
vnthuquan.net/mobil/truyen.aspx
[3]: Ông Bút [?]. Chuyện lạ: Những người Việt, không thích ăn c.... ơm !
hon-viet.co.uk/OngBut_ChuyenLaNhungNguoiVietKhongThichAnCom
[4]: Đ. Trọng. Nhìn lại sự thật lịch sử 50 năm qua- Anh Em Diệm, Nhu Thỏa Hiệp Với CSBV.
daovang.free.fr/NhinLaiLichSu50NamQuaTTDiemVaCVNhuThoaHiepV
[5]: M. Võ. Mạn đàm với ông Cao Xuân Vỹ.
motgoctroi.com/StLichsu/LSCandai/MVo/Mandam_CXVy02.htm
[6]: Thủ tướng Chính phủ: Đồng chí Phạm Hùng.
dangcongsan.vn/…/lanh-da…/thu-tuong-chinh-phu/pham-hung.html
[7]: V.N. Chiêu. Phiến cộng trong Dinh Gia Long.
nghiencuulichsu.com/20…/…/17/phien-cong-trong-dinh-gia-long/
[8]: Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng (kỳ 10): Sự vô dụng của máy phát hiện nói dối và cái hữu dụng của nghề... coi tướng số.
nhandan.com.vn/chinhtri/item/7812702-.html
[9]: Foreign relations of the United States.
history.state.gov/historicaldocuments/frus1961-63v04/d151
[10]: 5 đường mòn Hồ Chí Minh.
vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=11941.120;wap2
[11]: vietnam.ttu.edu/star/images/232/2321507006.pdf
-----
Ảnh: Ngô Đình Nhu, chiến lược gia của Đệ nhất Cộng hòa, tháng 9/1963.
#GPL

No comments:

Post a Comment