Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 3 April 2019

Mỹ-Philippines thảo luận triển khai tên lửa Biển Đông ngừa Trung Quốc


Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ được đưa ra trong cuộc tập trận chung "Balikatan 2016" giữa Mỹ và Philippines vào ngày 14/4/2016 ở Philippines.
Hoa Kỳ và Philippines đang thảo luận về việc đặt một hệ thống tên lửa được nâng cấp ở Biển Đông để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết hôm 3/4.
Hệ thống rocket của Lockheed Martin có khả năng phóng các tên lửa dẫn đường tầm xa chính xác, có thể tấn công bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, một chuyên gia nói với SCMP.
Theo lời các chuyên gia an ninh khu vực nói với SCMP, mặc dù Washington và Manila đang hợp tác để ngăn chặn đà “quân sự hóa” ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trên các đảo ở Biển Đông, nhưng hai bên đã không thể kết thúc được thỏa thuận vì Hệ thống pháo phản lực HIMARS có thể quá đắt đỏ đối với ngân sách của Manila.
Bộ quốc phòng Philippines đã được phân bổ ngân sách 3,6 tỷ đôla cho năm 2019, tăng 34% so với năm trước, nhưng vẫn không là gì so với ngân sách quốc phòng khổng lồ năm 2019 của Mỹ là 686 tỷ đôla.
Tiết lộ trên được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia về quốc phòng có ảnh hưởng thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) ở Washington cảnh báo trong một báo cáo mới rằng các hoạt động “tự do hàng hải” của Hoa Kỳ đã thất bại trong việc đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông .
Trung Quốc đã cài đặt các hệ thống tên lửa chống hạm địa đối không trên 3 đảo nhân tạo ở Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong chuỗi đảo Trường Sa, tạo ra một rào cản tiềm năng cho quân đội Hoa Kỳ trong khu vực tranh chấp. Trong các cuộc đàm phán an ninh và ngoại giao cấp cao vào tháng 11, Bắc Kinh đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi phải gỡ bỏ các tên lửa này.
Báo cáo được công bố vào ngày 21/3 của CNAS thúc giục Hoa Kỳ phải triển khai hệ thống HIMARS ở các nước Đông Nam Á để “chứng minh tính linh hoạt và khả biến trong hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ”.
Hệ thống tên lửa đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong cuộc tập trận quân sự chung hàng năm của Mỹ và Philippines có tên Balikatan vào năm 2016.
Năm ngoái, Trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng cảnh báo rằng Hoa Kỳ có khả năng thổi bay các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Hôm 1/4, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng đảm bảo “liên minh bền vững” giữa Mỹ và Philippines, và đồng ý về nhu cầu “tăng khả năng tương tác” giữa hai quân đội.
Hồi tháng Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào nhắm vào máy bay hay tàu của Philippines ở Biển Đông đều sẽ nhận phản ứng từ Mỹ.
“Việc xây đảo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh và sinh kế của Philippines, cũng như của Hoa Kỳ”, ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung ở Manila vào tháng Hai.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang tăng dần sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, một trong những thủy lộ bận rộn nhất trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã khai phá hơn 2.900 mẫu đất kể từ năm 2013.
Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động ngày càng tăng trên một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa, bao gồm việc xây dựng các sân bay trực thăng, phi đạo và các cấu trúc radar, theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ.
Hôm 1/4, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết họ gửi kháng thư để phản đối sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc ở gần đảo Thị Tứ mà Manila tuyên bố chủ quyền.

No comments:

Post a Comment