NATO tròn 70 tuổi
Thứ Năm ngày 4 tháng Tư này đánh dấu 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp
ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nền tảng an ninh và ngoại giao từ sau Thế
Chiến II.
70 năm là thời gian dài với bao biến đổi về tình hình an ninh khu vực
Âu châu và toàn cầu, cũng như sự thay đổi sâu rộng về tình hình chính
trị quốc tế. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ đầu thập niên 1990, người
ta tưởng chừng vai trò của NATO không còn cần thiết nữa và do đó có thể
bị giải tán. Nhưng gần ba thập niên qua, mặc dầu có những lúc khủng
hoảng về chức năng và lãnh đạo, NATO không những tiếp tục tồn tại mà còn
phát triển. Từ 12 quốc gia thành viên lúc thành lập, NATO trở thành tổ
chức với 29 thành viên, nước thành viên mới nhất là Montenegro tham gia
vào ngày 5 tháng Sáu năm 2017. Lý do cho sự tồn tại và phát triển của
NATO là vì các nước thành viên đều cảm thấy rằng mối đe doạ, tuy giảm
hẳn so với thời Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn hiện hữu. Liên Xô trước đây,
và Nga bây giờ, vẫn luôn là một cảm giác bất an đối với họ.
70 năm của NATO có thể chia thành ba giai đoạn khác nhau: tiền Chiến
tranh Lạnh (hay hậu Thế Chiến II); Chiến tranh Lạnh (năm 1947/1948 đến
1990/1991); và hậu Chiến tranh Lạnh cho đến nay. Các diễn giải về lý do
hình thành NATO nói riêng và nguyên do đưa đến Chiến tranh Lạnh nói
chung là vô cùng đa dạng, tùy theo cách nhìn nhận, phân tích và xu hướng
chính trị của mỗi người. Theo chuyên gia Strobe Talbott thuộc viện
Brooklings thì giai đoạn một
là lúc mà Joseph Stalin là người chính thức bắt đầu Chiến tranh Lạnh
trước khi tiếng súng của Thế Chiến II im lặng [1]. Nói cách khác, nếu
Liên Xô không có những chính sách thù nghịch và hung hãn đối với Hoa Kỳ
và Âu châu thì sẽ không có nhu cầu hình thành NATO.
Có thể nói một cách tóm tắc rằng sự hiện hữu của NATO có tỷ lệ thuận
với sự hung hãn của Liên Xô trước đây, và Nga ngày nay. Nga càng độc
tài, hung hãn thì vai trò và trách nhiệm của NATO càng chính đáng, cần
thiết. Nếu Nga, một ngày nào đó và một cách kỳ diệu nào đó, trở thành
một quốc gia có thể chế chính trị dân chủ thật sự, thì nhiệm vụ của NATO
sẽ phải chuyển đổi, trừ phi có mối đe dọa khác trổi lên.
Cách đây đúng 20 năm, ba quốc gia hậu cộng sản thuộc khối Liên Bang
Xô Viết cũ là Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi và Ba Lan đã chính thức trở thành
thành viên của NATO. Nhưng họ phải đến mất gần một thập niên để vận động
chứ nó không hề là một tiến trình vô chướng ngại. Bài viết mới đây trên
tạp chí Foreign Affairs của giáo sư sử học Mary Elise Sarotte
thuộc trường đại học John Hopkins SAIS GS đã soi sáng điều này [2]. Gs
Sarotte đã nghiên cứu các tài liệu được giải mật từ Thư viện Tổng thống
George H W Bush và gần nhất là từ Thư viện Tổng thống Bill Clinton. Bà
cho biết các bằng chứng tìm thấy khẳng định rằng từ đầu cho đến giữa
thập niên 1990, người Tiệp, người Hung và nhất là người Ba Lan đã vận
động để được vào làm thành viên, đặc biệt từ khi Bill Clinton lên làm
tổng thống.
Theo Gs Sarotte thì thật ra các nước trung và đông Âu đều muốn trở
thành thành viên của cộng đồng tây Âu và các định chế của nó, thay vì cứ
tiếp tục hiện hữu trong vùng xám giữa tây Âu và Nga. Họ vẫn lo ngại sự
trổi dậy trở lại của Nga ngay cả khi Liên Xô đang sụp đổ. Mà cái họ lo
ngại là đúng, như đã thấy qua các hành động của Nga dưới thời Vladimir
Putin, đặc biệt năm năm qua. Sống gần Nga, cũng như Việt Nam sống gần
Trung Quốc, người dân tại các quốc gia này hiểu Nga hơn ai hết.
Tài liệu mà giáo sư Sarotte điều nghiên cho biết vào tháng Hai năm
1990, Ngoại trưởng Tây Đức Hans-Dietrich Géncher cho Ngoại trưởng Anh
biết rằng để Moscow chấp nhận cho nước Đức thống nhất, Liên Xô cần sự
bảo đảm rằng Hung Gia Lợi sẽ không trở thành thành viên của NATO. Tóm
gọn, chủ trương của Liên Xô là không muốn NATO phát triển về hướng đông.
Mặc dầu Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker lúc đó biết rõ nhiều quốc gia
muốn gia nhập NATO nhưng, một lần nữa, Hoa Kỳ vẫn có thái độ thận trọng
trong việc quá can thiệp vào chuyện nội bộ Âu châu. Nên nhớ, đối với Thế
Chiến I, Thế Chiến II, và ngay cả việc hình thành NATO, thái độ của Hoa
Kỳ ban đầu là vẫn do dự, bởi phần lớn người dân Hoa Kỳ và ngay cả giới
lãnh đạo quốc gia vẫn chủ hòa chứ không chủ chiến. Ưu tiên của Hoa Kỳ
vào lúc đó là thống nhất đông và tây Đức càng nhanh càng tốt. Thế nhưng
lãnh đạo các quốc gia trung và đông Âu vẫn tìm mọi cách để vận động vào
NATO. Nhưng rồi cuộc chiến vùng vịnh với Iraq tại Kuwait đã đình trệ các
nỗ lực này. Sau khi Clinton lên cầm quyền, các lãnh đạo này tiếp tục
tìm mọi cách mang lại sự chú ý đối với chính quyền Hoa Kỳ mới. Tổng
thống Tiệp Khắc Vaclav Havel and Ba Lan Lech Walesa đã gặp riêng Clinton
và thuyết phục Clinton cứu họ từ sự sống trong khoảng trống rổng
(living in a vacuum) trong khi họ đều thấy họ là người Âu châu thể hiện
giá trị và tinh thần Âu châu. Tiến trình mất nhiều năm này đã cuối cùng
kết thúc, và ba nước Tiệp, Hung và Ba Lan đã chính thức gia nhập năm
1999.
Với bao thăng trầm và bao giai đoạn thách thức mục đích tồn tại của
NATO trong gần 7 thập niên qua, có lẽ không có thử thách nào làm lung
lây liên minh này như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm từ khi nhậm
chức cho đến nay. Đầu năm nay, một tường trình từ báo New York Times cho
hay ông Trump đã thảo luận riêng
về việc rút khỏi NATO bởi ông không thấy nhu cầu cho một liên minh quân
sự [3]. Theo các nhà làm luật và các chuyên gia pháp lý hàng đầu tại
Hoa Kỳ thì nếu ông Trump cuối cùng quyết định rút khỏi NATO thì phía lập
pháp cũng không thể ngăn cản
ông làm chuyện này [4]. Quyền hành của một tổng thống về mặt chính sách
ngoại giao là rất lớn trong khi lập pháp thường im lặng, và các rào cản
ngăn chặn quyền lực của tổng thống thường là truyền thống và chuẩn mực
chứ không phải là luật thực tế.
Tin đồn về ý định rút khỏi NATO của Trump đã làm cho các nhà lập
pháp, giới chuyên gia về ngoại giao cũng như quốc phòng tại Hoa Kỳ,
Canada và liên hiệp Âu Châu lo lắng.
Theo một số chuyên gia thì việc rút ra khỏi NATO là một trong những
điều tai hại nhất mà một tổng thống có thể làm đối với quyền lợi của Hoa
Kỳ. Có người cho rằng đây là một liên minh có lợi nhất và quyền lực
nhất được tạo ra trong một lịch sử kiên trì và đau thương kéo dài 70
năm, do đó quyết định rút khỏi NATO là một thành công ngoạn mục nhất mà
Vladimir Putin có thể mơ tưởng tới. Còn cựu Đề Đốc James G. Stavridis,
từng nắm vai tư lệnh đồng minh tối cao của NATO, cho rằng ý tưởng rút
khỏi NATO, khoan nói đến hành động, đã là món quà thế kỷ cho Putin; còn
nếu thật sự rút khỏi thì đó là “sai lầm địa chính trị có tỷ lệ khủng
khiếp”.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau bài tường trình trên, ông Trump tuyên bố
tại Lầu Năm Góc vào ngày 17 tháng Giêng năm nay rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ
NATO một trăm phần trăm, nhưng ông nói với các nước thành viên (Âu châu) rằng họ cần tiến lên và cần phải trả tiền [5].
Việc yêu cầu các quốc gia thành viên đóng phần của mình là đúng đắn
và cần thiết. Trong thời gian qua, trong khi trung bình đa số các thành
viên Âu châu chỉ đóng góp tài chánh dưới hai phần trăm tổng sản lượng
quốc gia (GDP) thì Hoa Kỳ trung bình đóng
trên ba phần trăm GDP, và cao nhất là dưới thời của Tổng thống Barack
Obama, trên bốn phần trăm [6]. Nhưng hai hoặc bốn phần trăm GDP của Hoa
Kỳ mang lại sự khác biệt chênh lệch so với sự đóng góp của tất cả các
quốc gia thành viên còn lại. Theo bài báo trên Washington Post năm 2012 thì Hoa Kỳ đã tài khoản cho 75 phần trăm tổng chi của NATO, tăng từ 50 phần trăm trong thời Chiến tranh Lạnh [7].
Cũng cần nên biết rằng không chỉ chính quyền Trump mới nhắc nhở và
tạo áp lực lên các thành viên Âu châu phải đóng góp vào việc duy trì thế
liên minh với Bắc Mỹ qua tổ chức NATO. Chính quyền Obama đã nhiều lần
cảnh báo các thành viên Âu châu của NATO là không thể tiếp tục mong đợi
Hoa Kỳ hứng chịu khoản chi lớn lao này mà không góp phần tương xứng của
mình. Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld vào năm 2004 cũng dự tính cắt
từ bốn xuống còn hai lữ đoàn quân đội Hoa Kỳ đang đóng quân tại các mặt
trận Âu châu để giảm phí tổn nhưng vì sự phản đối của các tướng lãnh
nên ý định này không thành công.
Sự cắt giảm ngân sách của nhiều quốc gia thành viên tại Âu châu là
một phần do sự trì trệ kinh tế do ảnh hưởng của vụ khủng hoảng tài chánh
toàn cầu vào năm 2008. Tuy nhiên một phần lý do khác là vì một số quốc
gia thành viên cũng không tán thành các nhiệm vụ và mục tiêu của NATO mà
họ xem là đã bị Hoa Kỳ áp đảo chủ trương và hành động trong khi họ
không có tiếng nói đáng kể nào. Chẳng hạn, phần lớn các hoạt động của
NATO kể từ biến cố 11 tháng 9 là chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq,
mà họ không thấy sự liên hệ trực tiếp đến an ninh và ngoại giao tại Âu
châu. Tuy nhiên sau một số vụ khủng bố tại Âu châu, và sự kiện Nga thôn
tính vịnh Crimea từ nước Ukraine vào tháng Hai/Ba năm 2014, các quốc gia
thành viên lại cảm thấy lo ngại về một nước Nga của Putin. Họ lo ngại
là vì từ đó trở đi Nga tiếp tục xâm chiếm phía đông của Ukraine, ủng hộ
chế độ độc tài hà khắc Assad tại Syria, bắn rớt máy bay của hãng hàng
không Malaysia, can thiệp vào bầu cử tại Hoa Kỳ, và gần đây nhất là dùng
chất độc Novichok tấn công thần kinh để ám sát cựu tình báo Nga là
Sergei Skripal và người con gái là Yulia ngay trên lãnh thổ Anh quốc.
Ngay sau sự kiện Nga thôn tính Crimea, Tổng Thư ký của NATO là Anders Fogh Rasmussen
cảnh báo là Âu châu bây giờ khác so với Âu châu của tháng trước, và do
đó cần phải đóng góp nhiều hơn nữa [8]. Các thành viên NATO sau đó đồng ý
là sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng lên 2 phần trăm. Nhưng từ khi lên
cầm quyền vào đầu năm 2017, Trump dùng mọi cơ hội để áp lực lên các nước
thành viên, tuyên bố rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không bảo vệ đồng minh Âu
châu nếu họ không chịu thanh toán hóa đơn [9].
Với áp lực này, NATO sẽ phải cải tổ hoặc chuyển hóa để tồn tại. Cung
cách hành xử của Nga làm cho vai trò của NATO càng cần thiết và ý nghĩa
hơn. Nhưng bị đe dọa bên hướng đông, và bị áp lực bên hướng Tây, các
quốc gia thành viên NATO tại Âu châu cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm
đồng thuận để nhận lãnh trách nhiệm của mình, chủ động vai trò lãnh đạo
như một cộng sự viên (partner) thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ
như đã và đang hiện nay. Mặc dầu quốc hội Hoa Kỳ đứng về phía Âu châu
coi trọng thế liên minh này, và mời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg
phát biểu tại quốc hội vào ngày 3 tháng Tư này đánh dấu kỷ niệm 70 năm,
đây là lúc cần phải suy xét lại mối quan hệ một cách thấu đáo. Cách cư
xử của Trump đối với NATO trong thời gian qua, và việc khen ngợi tài
lãnh đạo của Vladamir Putin nhưng coi thường các thành viên Âu châu, là
tiếng chuông cảnh tỉnh đối với bất cứ một quốc gia nào mong đợi rằng
quốc gia khác sẽ chiến đấu hay bảo vệ mình miễn phí. Nó cũng nhắc nhở
chúng ta rằng một quan hệ bất cân xứng, trong đó quyền lực nghiêng hẳn
về một phía, là một quan hệ không bền vững bởi vì trước sau gì phe mạnh
cũng có thể, và có những kẻ, lạm dụng và ngược đãi phe yếu.
(Úc Châu, 02/04/2019)
Tài liệu tham khảo:
1. Strobe Talbott, “A brief history of NATO, from Truman to Trump”, Brookings, 27 March 2019.
2. M. E. Sarotte, “The Convincing Call From Central Europe: Let Us Into NATO”, Foreign Affairs, 12 March 2019.
3. Julian E. Barnes and Helene Cooper, “Trump Discussed Pulling U.S. From NATO, Aides Say Amid New Concerns Over Russia”, The New York Times, 14 January 2019.
4. Robbie Gramer, “Trump Can’t Do That. Can He?”, Foreign Policy, 16 January 2019.
5. Rebecca Morin, “Trump: We will be with NATO ‘100 percent’”, Politico, 17 January 2019.
6. Mohib Iqbal, “Burdens and threats at NATO summit”, Lowy Institute,
7. Craig Whitlock, “NATO allies grapple with shrinking defense budgets”, The Washington Post, 29 January 2012.
8. Steven Erlanger, “Europe Begins to Rethink Cuts to Military Spending”, The New York Times, 26 March 2014.
9. Philip H. Gordon and Jeremy Shapiro, “How Trump Killed the Atlantic Alliance”, Foreign Affairs, 26 February 2019.
Phạm Phú Khải
Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.
Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.
Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu
nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural
Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học
thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và
hành xử của con người.
Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.
No comments:
Post a Comment