Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Tuesday, 2 April 2019

Người phụ nữ Việt 'truyền cảm hứng' cho Obama

  • 2 tháng 4 2019
  • Bản quyền hình ảnh Hong Hoang
    Image caption Chị Hoàng Minh Hồng trong lần đầu gặp cựu Tổng thống Obama
    Một trong 50 phụ nữ được tạp chí Forbes Việt Nam chọn là ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019, chị Hoàng Minh Hồng, chia sẻ hành trình trên đất Mỹ khi trở thành học giả Quỹ Obama.
    Từng là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn đặt chân lên Nam Cực, hơn 10 năm sau, nhà hoạt động môi trường Hoàng Minh Hồng trở thành người Việt đầu tiên đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Colombia (khóa đầu).
    Chị cũng là giám đốc, người sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE - nơi quy tụ các bạn trẻ hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường.
    Trên tài khoản Twitter cá nhân, cựu Tổng thống Mỹ Obama từng viết về chị Hoàng Minh Hồng như một trong những người trẻ truyền cảm hứng cho ông năm 2018.
    BBC có cuộc trò chuyện với chị Hoàng Minh Hồng về hành trình của chị.
    BBC: Cuộc gặp với cựu Tổng thống Obama hẳn để lại nhiều ấn tượng trong chị?
    Bản quyền hình ảnh Hong Hoang
    Tôi đã gặp cựu Tổng thống Barack Obama hai lần.
    Lần đầu là khi cả hai nhóm học giả của trường Columbia và trường Chicago tập trung học cùng nhau trong vòng một tuần ở Chicago vào tháng Tám - khi chương trình mới bắt đầu. Cựu tổng thống Obama xuất hiện không báo trước. Chúng tôi rất bất ngờ và thích thú khi ông thình lình bước vào lớp và "Hello" một cách vui vẻ.
    Ông chia sẻ thân tình, truyền cảm hứng, kêu gọi các học giả tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội để thế giới có một tương lai tươi sáng hơn. Ông ấy rất thân thiện và thông minh với cách nói chuyện hết sức truyền cảm, mà không kém phần hóm hỉnh.
    Trước khi gặp, ông đã đọc tiểu sử từng người nên ông nhận ra ngay tôi là cô Hồng ở Việt Nam và làm về môi trường. Ông nói một điều rất giống với suy nghĩ của tôi: "Chúng ta muốn 'thay đổi thế giới' thì chúng ta phải xây dựng cộng đồng. Và để làm được điều đó, chúng ta phải kết nối với mọi người thông qua những câu chuyện. Kể chuyện là cách tốt nhất để lôi kéo mọi người cùng hành động". Và truyền thông bằng cách kể những câu chuyện, chính là việc tôi và tổ chức CHANGE do tôi khởi xướng và lãnh đạo đang nỗ lực thực hiện nhiều hơn trong các dự án môi trường của mình tại Việt Nam.
    Bản quyền hình ảnh Jasmin Shah
    Image caption Chị Hoàng Minh Hồng và các học giả quốc tế gặp cựu Tổng thống Obama năm 2018
    Lần thứ hai còn thú vị hơn. Đó là khi chúng tôi tham dự Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của quỹ Obama tại Chicago. Hội nghị này có 700 người tham dự, phần đông là các thủ lĩnh trẻ tham gia nhiều chương trình của Quỹ Obama từ nhiều quốc gia và trên khắp nước Mỹ.
    Buổi gặp chỉ có 4 người, trong đó có tôi. Cũng không báo trước, ông Obama bước vào, chào hỏi chúng tôi hồ hởi và thân mật lắm. Có vẻ ông vẫn nhớ tôi rất rõ.
    Ông hỏi tôi về thời gian ở New York và học ở trường Columbia thế nào, nhóm học giả đã làm gì cùng nhau, có kế hoạch gì mới chưa. Tôi chia sẻ với ông về những dự định của mình khi về Việt Nam. Ông cũng chia sẻ với chúng tôi về kế hoạch xây dựng Trung tâm Tổng thống Obama tại thành phố Chicago, là một nơi vừa là bảo tàng về ông và bà Michelle Obama trong những năm tháng ông làm tổng thống Mỹ, vừa là trung tâm cho các hoạt động cộng đồng về giáo dục, nghệ thuật, thể thao, thư viện …. và sẽ mở cửa tự do cho tất cả mọi người. Cựu Tổng thống Obama là một người nói chuyện cực kỳ lôi cuốn, thông minh, và rất thân thiện, như bạn bè của mình vậy.
    Điều bất ngờ nhất là trong ngày cuối cùng của năm 2018, ông Obama đã đăng một dòng trạng thái trên trang Twitter của mình, nhắc đến tôi trong số những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông trong năm 2018. Ông Obama là người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, cho nên việc được ông ấy nhắc đến như vậy đối với tôi là vô cùng đặc biệt.
    Bản quyền hình ảnh Hong Hoang
    Image caption Cựu Tổng thống Mỹ Obama viết trên Twitter cá nhân rằng Hoàng Minh Hồng là người truyền cảm hứng cho ông
    BBC: Nghe nói chị cũng từng được gặp bà Michelle Obama và được bà khen ngợi?
    Lần đầu tiên tôi gặp bà Michelle ở New York khi bà tổ chức một buổi gặp gỡ với giới trí thức và phụ nữ ở trường Columbia, và lần hai ở Washington DC khi 2 nhóm học giả tham gia chương trình tập huấn ở đây.
    Bà Michelle là một phụ nữ tuyệt vời. Bà thông minh, tự tin, sắc sảo, nhưng cũng rất quyến rũ, và cực kỳ tình cảm. Khi gặp nhau, bà ôm hôn từng người trong đám bọn tôi, cái ôm rất chặt như những người bạn thân thiết, và bà hỏi thăm từng người. Bà Michelle là người rất quan tâm tới việc hỗ trợ cho chị em phụ nữ. Năm 2018 bà khởi động chương trình "Global Girls Alliance" để giúp đỡ các trẻ em gái tại các quốc gia, nên bà rất vui thích khi nhóm học giả của bọn tôi cũng có tới 8/12 người là nữ.
    Khi nói chuyện với tôi, bà "khen" tôi đã làm được nhiều cho môi trường. Còn tôi thì kể cho bà về đội ngũ "cứu thế giới" của tôi ở CHANGE đa số là nữ. Bà gửi lời nhắn nhủ tới các chị em nữ ở CHANGE, cũng như ở các tổ chức xã hội khác ở Việt Nam, là hãy cống hiến hết mình, nhưng hãy biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Hãy làm những việc làm cho mình vui, hãy tự làm cho mình hạnh phúc, chịu khó tập thể dục cho khoẻ mạnh, có như vậy thì mới làm việc lớn được. Và hãy là chính mình, dù bạn thích loại thời trang nào, thích nhuộm tóc màu gì, có sở thích âm nhạc gì …. chứ đừng vì áp lực xã hội.
    Tôi cũng nhiệt tình mời bà ấy qua thăm Việt Nam. Tôi nghĩ nếu chị em phụ nữ và các bạn trẻ ở Việt Nam mà được gặp bà ấy, chắc cũng sẽ được truyền cảm hứng nhiều lắm.
    Bản quyền hình ảnh Chuck Kennedy
    Image caption Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama gặp chị Hoàng Minh Hồng và các học giả quốc tế của Đại học Colombia, Hoa Kỳ
    BBC: Học bổng của Quỹ Obama có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
    Đối với tôi, học bổng này là một sự công nhận rất đáng tự hào. Không chỉ cho các nỗ lực của riêng tôi, mà cho công việc xã hội, dân sự nói chung.
    Tôi từng đi nhiều nước, tham gia nhiều chương trình, và nhận thấy rằng khắp nơi trên thế giới, các nỗ lực của những người hoạt động xã hội như chúng tôi luôn được đánh giá cao và nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo, các tổ chức danh tiếng, các trường đại học, các cộng đồng quốc tế. Và tôi rất mong ở Việt Nam bọn tôi cũng được ủng hộ như vậy.
    Ngoài ra, cá nhân tôi rất "thần tượng" cựu tổng thống Obama, tôi khoái những tư tưởng tiến bộ của ông, đánh giá cao tính nhân văn trong các quyết định chính trị của ông trong thời gian ông còn làm tổng thống, và đặc biệt là mê cách nói chuyện đầy lôi cuốn, và tính cách thân thiện hiếm có ở một nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu như vậy. Nên khi được chọn tham gia chương trình này, tôi mừng khấp khởi là chắc thế nào cũng có cơ hội được gặp ông Obama.
    Tham gia chương trình Học giả Obama khoá đầu tiên này, bên cạnh việc giúp tôi tăng thêm uy tín cho bản thân và cho tổ chức CHANGE, thì giá trị tuyệt vời của nó nằm ở việc tôi đã được học ở một trường Đại học hàng đầu nước Mỹ, được kết nối với các cá nhân và tổ chức uy tín hoạt động trong cùng lĩnh vực, để tôi có cơ hội mở rộng mạng lưới hợp tác trong tương lai. Riêng việc được làm quen và học hỏi từ 11 học giả còn lại của nhóm, vốn là những người đi đầu các phong trào xã hội nổi bật tại các quốc gia, đã giúp tôi rất nhiều trong việc phát triển bản thân rồi.
    BBC: Hiện thời việc học và hoạt động vì môi trường của chị ở Mỹ như thế nào?
    Chương trình học kéo dài 9 tháng tại ĐH Comlumbia, được thiết kế riêng cho 12 học giả, đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi được gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với nhiều học giả, diễn giả danh tiếng từ nhiều lĩnh vực. Chúng tôi được giúp nâng cao năng lực và kết nối với mạng lưới quốc tế để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các vấn đề toàn cầu phức tạp mà chúng tôi đang theo đuổi.
    Lịch học tại ĐH Columbia rất sôi động. Ngoài lớp học chuyên môn tự chọn, chúng tôi còn có các buổi làm việc riêng với người hướng dẫn. Nhóm 12 học giả chúng tôi cũng học chung hàng tuần về các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội của nước Mỹ và của thế giới.
    Ngoài ra, chúng tôi tham gia các hội thảo tập huấn để tăng cường các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giải quyết xung đột, diễn thuyết, sáng tạo. Được giao lưu với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức hoạt động rất tích cực trong các vấn đề xã hội và phát triển.
    Tôi cũng được mời "đứng lớp" tại một lớp ở trường Columbia dành cho sinh viên năm cuối và cao học để nói về vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu.
    Tôi còn có cơ hội làm diễn giả tại sự kiện của Đại hội đồng Liên hiệp quốc 2018; hoặc tại toạ đàm với chủ đề ‪"Women4Climate"‬ (phụ nữ vì khí hậu); tọa đàm chia sẻ về các phong trào môi trường tại Việt Nam.
    ‬Trong thời gian ở New York, tôi tham gia một số hoạt động môi trường ở đây. Như tuần hành vì khí hậu, vẽ tranh tường về khí hậu, và nhiều hội thảo về biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng bền vững … do các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ tổ chức.
    Làm việc và học kín mít thế, nhưng đêm đến tôi vẫn làm việc online với đội ngũ của CHANGE ở Việt Nam, cùng các bạn trẻ bàn kế hoạch cho các dự án mới. Thế nên lúc nào tôi cũng thiếu ngủ!
    BBC: Một ngày của chị ở Việt Nam trước kia như thế nào? Và hiện nay ở Mỹ ra sao?
    Một ngày ở Việt Nam của tôi trước đây là dậy lúc 5 rưỡi sáng để chuẩn bị đồ ăn sáng cho cậu con trai. 6h đánh thức cậu ấy dậy rồi ngồi "hầu chuyện" trong lúc cậu ấy mắt nhắm mắt mở ăn sáng rồi đi học. Rồi tôi cũng đi làm, đến tối mịt mới về, ăn tối xong thì kiểm tra bài về nhà của cậu con trai, chơi với cậu ấy một chút, rồi lùa cậu ấy đi ngủ. Sau đó mới rảnh rang một chút ngồi nói chuyện với chồng, nhưng nhiều khi cũng phải cắm mặt vào làm việc đến đêm. Đến cuối tuần cả nhà 3 người mới có thời gian ngồi nói chuyện với nhau nhiều hơn, hoặc tôi nấu cho cậu ấy món gì cậu ấy thích. Cuối tuần cũng là lúc phải đi siêu thị mua đồ ăn cho cả tuần. Hoặc thỉnh thoảng thì tổ chức ăn uống với bạn bè.
    Hiện nay tôi được rảnh rang hơn một chút, không phải làm việc nhà. Có những cuối tuần có thể được ngủ dậy muộn và nghỉ ngơi chứ không phải lúc nào cũng bị cậu con quấn chặt lấy. Nhưng lại cũng khổ vì nhớ nó. May mà có internet, hai mẹ con chat với nhau nhiều nên cũng đỡ. Lịch học và hoạt động quá dày đặc. Đến đêm tôi lại phải làm việc online với team ở Việt Nam, nên nói chung cũng khá mệt. Sang bên này tôi nhớ đồ ăn Việt, nên lúc nào rảnh ra chút là tôi hay nấu ăn, và rủ các bạn học giả tới ăn cùng và tám chuyện trên trời dưới biển vui lắm, cũng đỡ stress.
    BBC: Chị từng chia sẻ rằng trước đây chị đặt câu hỏi 'Vì sao chúng ta không có nhiều công viên?' Nay chị khẳng định 'Tôi muốn có thêm công viên'. Có phải cả một quá trình dài đi đó đây mới có thể giúp chị thay đổi cách suy nghĩ tưởng rất đơn giản như vậy?
    Đúng vậy. Có lẽ tôi đã có quá nhiều năm cứ đặt câu hỏi và không có ai trả lời, nên cuối cùng tôi cũng nhận thấy rằng thôi mình tự đi kiếm câu trả lời vậy. Trong mọi việc, ví dụ bảo vệ môi trường, đúng là "thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối".
    Tôi luôn mong muốn mọi người ở Việt Nam có nhận thức về các vấn đề môi trường trong nước, và lên tiếng vì nó. Thực ra, việc đặt câu hỏi "Vì sao chúng ta không có nhiều công viên", hay dùng câu khẳng định "Tôi muốn có nhiều công viên" đều để lên tiếng về một vấn đề mà mọi người thấy quan tâm. Tuy nhiên, theo tôi, câu hỏi thì thường theo hướng "phàn nàn", hoặc đổ lỗi cho một bên nào đó chịu trách nhiệm; còn câu khẳng định thể hiện quan điểm theo hướng tích cực hơn, và có thể hướng tới hành động để đạt được điều mình mong muốn.
    Bản quyền hình ảnh Đại học Colombia
    Image caption Chị Hoàng Minh Hồng trong một buổi diễn thuyết tại Đại học Colombia, Mỹ
    BBC: người Việt đầu tiên đặt chân lên Nam Cực, được Quỹ Obama lựa chọn đào tạo cùng 11 học giả khác trên thế giới, là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Có bao giờ chị tự hỏi làm thế nào chị làm được nhiều việc phi thường như thế?
    Tôi không nghĩ có một công thức nào có thể đảm bảo cho mình giành được học bổng này hay cơ hội kia. Từ thời trẻ tới giờ, tôi luôn nghĩ tôi thuộc nhóm người "tăng động", làm việc gì cũng làm hết sức có thể, đổ hết tâm huyết, đúng kiểu làm hết mình và chơi cũng hết mình. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ làm được như vậy với những việc tôi thật sự hứng thú. Tôi đã thử làm doanh nghiệp, thử kinh doanh, thử cả đi làm cho nhà nước, nhưng thấy không hợp, không thấy ý nghĩa là oải ngay, làm không ra gì ngay.
    Trong khi có những năm tháng cứ bò ra làm những công việc tình nguyện chẳng kiếm ra đồng xu nào, toàn sống dựa vào bạn bè, bạn cho ở nhờ, nuôi ăn, thì lại cứ tươi hơn hớn. Tôi nghĩ cũng có thể tuỳ tính cách nữa, không phải ai cũng như vậy. Nhưng rõ ràng đối với tôi, chỉ thật sự đam mê với công việc của mình thì mới làm tốt, và có đủ động lực để hôm sau làm tốt hơn hôm trước một xíu, và mới có đủ sức mạnh để vượt qua những lúc khó khăn, thất vọng và thất bại.
    Bản quyền hình ảnh Hong Hoang
    Image caption Chị Hoàng Minh Hồng và ông Robert Swan (người đầu tiên trong lịch sử đã từng đi bộ tới Nam Cực và Bắc Cực) chụp tại Nam Cực
    BBC: Sang Mỹ, chị nhớ nhất món gì của Việt Nam? Chị vẫn giữ những thói quen gì của Việt Nam?
    Nhớ phở. Tôi là người có thể ăn phở cả đời được. Và nói chung là nhớ đồ ăn Bắc, nhớ con gà ta thịt dai dai, chứ gà Mỹ to đùng ăn chán quá. Ở Việt Nam tôi rất lười nấu ăn, chủ yếu cũng vì đi cả ngày. Sang đây tự nhiên thành chăm nấu ăn nhất đoàn. Tôi nói với các bạn học giả ở đây là tôi không phải thuộc dạng biết nấu ăn, mà không ai tin. Cứ lâu lâu tôi lại phải lọ mọ xuống China Town để đến mấy cửa hàng đồ Việt khiêng về lỉnh kỉnh đủ thứ nước mắm, nước tương, măng tươi, gạo, bánh phở, mộc nhĩ nấm hương v.v. Cái bếp trong căn hộ ký túc xá của tôi cũng chẳng kém cái bếp của tôi ở Việt Nam là mấy.
    Ở Việt Nam tôi chẳng bao giờ mặc áo dài, sang đây tự nhiên lại thấy thích mặc áo dài cách tân mỗi khi đi dự các sự kiện cần ăn mặc lịch sự, vừa đỡ phải nghĩ, mà trông lại độc đáo, nhiều khi chưa giới thiệu người ta cũng biết là người Việt Nam rồi, lại vừa rẻ (tôi đặt mua của những cơ sở nhỏ ở Sài Gòn nên giá rất dễ thương).
    Bản quyền hình ảnh Đại học Colombia
    Image caption Chị Hoàng Minh Hồng cùng các học giả của Quỹ Obama và hai điều phối viên của Quỹ
    BBC: Chị có thể nói một chút về gia đình riêng của chị được không?
    Tôi rất may mắn là ông xã, tuy không hoạt động trong lĩnh vực xã hội, nhưng lại rất ủng hộ tôi làm những việc "bao đồng". Tôi nghĩ chắc cũng hiếm ông chồng Việt Nam nào mà chấp nhận làm việc tại nhà, trông con để vợ đi sớm về khuya, và đi công tác xa nhà xoành xoạch như vậy. Riêng vụ tham gia chương trình học giả này, lúc đầu tôi còn định không nộp đơn, vì thấy đi lâu thế làm sao hai bố con xoay xở được, nhưng chính anh ấy đã khuyến khích tôi nộp đơn và khẳng định là sẽ trông được thằng bé để tôi yên tâm đi học, vì theo anh ấy thì đây là một cơ hội quá tuyệt vời không nên bỏ lỡ.
    Thằng bé con tôi quấn mẹ lắm. Lúc nó biết tôi phải đi 10 tháng, nó vật vã khổ sở lắm. Nhưng rồi nó cũng "cho tôi đi" vì nó bảo tôi phải đi 'cứu thế giới'. Ở bên này thường xuyên chat với cu cậu cũng vui. Cu cậu 11 tuổi rồi, là cái tuổi đã đủ chững chạc để nói những câu chuyện như người lớn, nhưng cũng vẫn còn là trẻ con và còn yêu mẹ lắm chứ chưa đến giai đoạn "lạnh lùng" của tuổi teen. Nói chung tôi luôn nghĩ nếu mình không có hậu phương vững chắc như vậy, thì tôi cũng chẳng làm được việc gì. Hồi tháng 12 vừa rồi, thằng bé được nghỉ đông, 2 bố con đã sang đây thăm mẹ, vui lắm.
    Bản quyền hình ảnh Hong Hoang
    Image caption Chị Hoàng Minh Hồng cùng chồng và con trai
    BBC: Chị dự định gì tiếp theo sau khi học xong?
    Tôi vẫn đang trong quá trình hoàn thiện ý tưởng cho một kế hoạch 'tham vọng' để mang về Việt Nam, nên hiện nay chưa thể chia sẻ chi tiết với bạn. Có thể "bật mí" sơ sơ là sẽ có hai dự án, hướng tới hai đối tượng khác nhau: giới trẻ, và cộng đồng doanh nghiệp, để cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề môi trường trong nước. Tôi sẽ bàn với trường Columbia và Quỹ Obama để nhận được sự hỗ trợ cho ý tưởng dự án này, và sẽ cố gắng kết nối các nguồn lực ở đây để hỗ trợ cho việc thực hiện dự án tại Việt Nam. Và tôi rất hy vọng sẽ nhận được ủng hộ của cộng đồng ở Việt Nam cho dự án này.
    BBC: Nếu được mô tả ngắn gọn về bản thân trong một (hoặc vài câu), chị sẽ nói gì?
    Tôi là nhà hoạt động môi trường, thích lôi kéo giới trẻ vì tôi tin vào tương lai lãnh đạo của các bạn. Tôi là một người lạc quan, tin vào lòng tốt của con người và sức mạnh cộng đồng trong việc thay đổi xã hội. Và là một người mẹ hạnh phúc.
    Các bài viết của cùng tác giả:
    'Mẹ chọn để tôi có cuộc đời khác tốt đẹp hơn'
    'Mùa Cát Vọng': Bốn người đàn ông lần đầu xem lại đời mình
    Síu Phạm và phim 'Con đường trên núi'
    'VN cần trình giấy phép mua vây cá mập Chile'
    'Bán đảo Sơn Trà là miếng mồi ngon'
    Nghi vấn quanh vụ tàu dầu Việt Tín 01 tới Bắc Hàn
    Báo Tuổi Trẻ trước 'Đêm trước Đổi mới lần hai'

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment