Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 28 April 2019

Nhiều quốc gia đang 'cưỡng lại' Trung Quốc?

  • 27 tháng 10 2018
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Các nước trên thế giới đang tìm cách cưỡng lại sự ảnh hưởng và quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong vai trò của một cường quốc toàn cầu.
    Là quốc gia đông dân nhất trong số những quốc gia lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã luôn là một đối thủ nặng ký cạnh tranh với Hoa Kỳ về tầm ảnh hưởng và quyền lực.
    Và trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Bắc Kinh đã bùng nổ, khi Mỹ và châu Âu đang vực dậy từ các cuộc khủng hoảng tài chính.
    Và điều này đã khiến một số quốc gia lo ngại, đặc biệt là Mỹ, vốn muốn giữ lại vị thế thống trị của mình trên thế giới.

    Chiến tranh thương mại ... và hơn thế nữa

    Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong năm nay, đánh một mức thuế quan mới, cao hơn cho khoảng một nửa lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
    Washington cho rằng thuế quan là một phản ứng đối với thực tiễn thương mại "không công bằng" của Trung Quốc và cáo buộc tình trạng trộm cắp tài sản trí tuệ.
    Đó cũng là một phần trong chính sách bảo hộ của chính quyền Trump để rút khỏi các thỏa thuận thương mại đa phương và đàm phán lại, thách thức hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
    Nhiều người ở Bắc Kinh nghi ngờ rằng Hoa Kỳ thực sự đang muốn kiềm hãm sự phát triển của Trung Quốc - được xem là một thách thức đối với quyền bá chủ của Mỹ.
    Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vào năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Các nước có quyền phát triển, nhưng họ nên xem lợi ích riêng của họ trong bối cảnh rộng hơn. Và không nên theo đuổi lợi ích riêng của họ mà gây hại cho người khác. "
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Có phải phong cách của hai vị lãnh đạo, cũng như sự thiếu niềm tin ở lẫn nhau đang khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn?
    Tuy nhiên, kể từ khi tiếng súng khơi mào cuộc chiến thương mại nổ ra thì cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ leo thang mà còn nghiêm trọng sâu sắc hơn.
    Trong một bài phát biểu gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Trung Quốc đã chọn "gây hấn kinh tế" khi hội nhập với thế giới và dùng "ngoại giao bẫy nợ" để mở rộng ảnh hưởng của nó.
    "Không nghi ngờ gì nữa" Trung Quốc đang can thiệp vào nền dân chủ của Hoa Kỳ, ông nói.
    Với uy mô và số lượng của các cuộc đả kích, nhiều nhà phân tích cho rằng tranh chấp Mỹ-Trung không chỉ là về thương mại.
    "Người Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ muốn kiểm soát họ... Rất nhiều người ở Mỹ thì nghĩ rằng người Trung Quốc muốn thống trị thế giới," theo ông C. Fred Bergsten, người sáng lập của Viện Peterson về Kinh tế quốc tế ở Washington.
    "Tất cả người Mỹ hiện nay lớn lên trong một thế giới mà Mỹ chiếm ưu thế ... khi một ai đó nghiêm túc thách thức điều đó, như người Trung Quốc, nó sẽ được coi như là một nguy cơ và mối đe dọa."
    Trong khi chính phủ Mỹ đang chịu nhiều áp lực ngày càng gia tăng về một chính sách quyết đoán hơn đối với Trung Quốc trong nhiều năm qua, thì một số cho rằng ông Trump đang thực hiện một giải pháp rất "cực đoan" và "thô thiển".
    Trong khi đó, các tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về một quyền lực vĩ đại hơn đang khiến nhiều người lo lắng.
    Ông Bergsten, người cũng từng là Phó tổng thư ký chính phủ về kinh tế của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Kissinger cho biết: "Bản ngã lớn và lập trường mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo đang làm trầm trọng thêm và khiến hướng đến một cuộc chiến tranh lạnh."

    An ninh quốc gia

    Quốc hội Úc năm nay đã thông qua luật mới để ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài trong vấn đề nội bộ, nhưng luật này được hiểu là để nhắm vào Trung Quốc.
    Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cũng là một mối lo ngại ở New Zealand, nơi một nghị sĩ gốc Trung Quốc phải bác bỏ cáo buộc ông là gián điệp cho Bắc Kinh.
    Những lo ngại về an ninh quốc gia cũng đã dẫn đến việc kiềm hãm các công ty Trung Quốc, như hai công ty viễn thông khổng lồ Huawei và ZTE, và các nguồn đầu tư của Trung Quốc ở nước ngoài.
    Chính phủ Úc cấm Huawei và ZTE cung cấp công nghệ 5G cho các mạng không dây của nước này, trong khi ủy ban an ninh Anh đã bày tỏ một số lo ngại về hệ thống viễn thông của Huawei.
    Chính phủ Đức đầu năm nay cũng phủ quyết việc tiếp quản một công ty kỹ thuật của Trung Quốc trên cơ sở vì an ninh quốc gia.

    Ngoại giao 'bẫy nợ'

    Các quốc gia được cho là được hưởng lợi từ sự giàu có của Trung Quốc cũng dường như đang trở nên thận trọng hơn.
    Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, được công bố lần đầu tiên vào năm 2013, nhằm mục đích mở rộng mối liên kết thương mại giữa châu Á, châu Phi, châu Âu và xa hơn nữa.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Sri Lanka đã phải bàn giao cảng Hambantota cho Trung Quốc để giúp trả nợ nước ngoài
    Các dự án nhiều tỷ đô la đang gây ra một mối lo ngại về vấn đề nợ nần và bị cưỡng lại ở một số quốc gia.
    Sri Lanka, Malaysia và Pakistan đều bày tỏ lo ngại về các chương trình này. Các nước nhận viện trợ lo lắng về việc tích lũy nợ và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước nhà.
    "Tôi nghĩ đầu tiên và trước hết các dự án này là một công cụ để Trung Quốc mở rộng, để tăng cường ảnh hưởng quyền lực mềm của mình thông qua ngoại giao kinh tế," ông Michael Hirson, giám đốc châu Á của Eurasia Group cho biết.
    "Ngoài ra nó cũng cho thấy một hướng đi chiến lược khi nó nhắm vào các dự án năng lượng và cầu cảng phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc trong việc kiểm soát các khu vực chiến lược ở nước ngoài."
    Ông Pence nhấn mạnh những lợi ích chiến lược này trong bài phát biểu của mình, nhắc đến khu cảng Hambantota của Sri Lanka, đã bị bàn giao quyền kiểm soát cho Trung Quốc để giúp trả nợ.
    "Trung Quốc đang sử dụng thứ gọi là 'ngoại giao bẫy nợ' (debt diplomacy) để mở rộng tầm ảnh hưởng của nó.
    "Hôm nay, quốc gia đó đang cung cấp hàng trăm tỷ đô la cho các khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chính phủ từ châu Á đến châu Phi đến châu Âu và thậm chí cả Mỹ Latin, "ông Pence nói.

    Tin liên quan

    No comments:

    Post a Comment