Đọc “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần
Người Việt chúng ta tự hào về điểm mà ta thường được nghe trong các bài
diễn thuyết về văn hóa, thường đọc trong sách… Việt: chúng ta có hơn bốn
ngàn năm văn hiến.
Nhưng bản tính người Việt hiện nay, sau khi trải qua hơn bốn ngàn năm văn hiến, như thế nào thì ta phải xét kỹ.
Bàn về tính tình của người Việt, hơn 100 năm trước, cụ Phan Bội Châu đã viết:
“(…)
Vì vậy, giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân
cùng biết: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều
rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự
nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không
biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không
tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình
nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm. Dân được
cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước
ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì
không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những
việc vô ích xa hoa rồi.” (Việt Nam Quốc sử khảo, chương thứ năm – xuất bản năm 1909)
Mười năm sau (1919), trong Việt Nam Sử Lược, cụ Trần Trọng Kim cũng đã ghi khá rõ rệt:
“Về
đàng trí tuệ và tính tình, thì người Việt có cả các tính tốt và các
tính xấu. Ðại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay,
nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức,
quí sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm 5
đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy, vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi
quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ
và muốn có sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm,
biết giữ kỷ luật.”
Hay gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học, đã tóm tắt:
“Người
Việt rất đáng yêu trong quan hệ cá nhân và ở những nơi quan hệ cá nhân
đóng vai trò chủ đạo: gia đình, bàn tiệc, quán nhậu, và hàng xóm. Ở
những nơi đó, người Việt, nói chung, rất nhiều tình cảm và tình nghĩa.
Và cũng ở những nơi đó, ít ai phàn nàn về người Việt.
Nhưng
vượt ra ngoài quan hệ cá nhân thì khác. Bước vào không gian công cộng ở
Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban
nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện;
từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v…ở đâu người Việt Nam
cũng dễ ghét.” (Trích blog Nguyễn Hưng Quốc).
Nhưng
ta không thể mãi tự mãn với “Người Việt Đáng Yêu” (Doãn Quốc Sỹ) hay
“Người Việt Cao Quý” (A. Pazzi, tức Vũ Hạnh) mà phải luôn sửa mình bằng
cách bỏ dần tật xấu còn tồn tại và tập những nết tốt học được từ người
cho đồng bộ với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Do đó mới có phương
pháp tu thân là “Thuốc đắng giã tật”, người ta thường nói. Trong tác
phẩm nổi tiếng “Người Trung Quốc xấu xí” xuất bản vào hậu bán thế kỷ
trước, Bá Dương đã thẳng thừng vạch ra nhiều nét xấu của dân Trung Quốc.
Tác phẩm này đã trở thành một cuốn sách bán chạy. Chẳng biết thực tế
tác dụng của những bài tham luận mà Bá Dương đã đọc có cải biến người
Trung Quốc được mấy phần?
Còn
với người Việt thì sao? Không cần phải tìm tòi đâu xa, người Việt hiện
nay khá mang tiếng xấu trên thế giới với những tổ chức băng đảng quốc tế
khai thác dịch vụ cần sa ma túy, tật ăn cắp vặt, tải hàng lậu, khai
gian thuế, hối lộ, bằng giả bằng dỏm và chiếm ngôi vị đầu của cuộc tranh
giải xì phé thế giới (poker)… Nói tóm lại, hơn bốn ngàn năm văn hiến để
có một di sản là người Việt như thế này hay sao? Có cần một “liều thuốc
đắng” cấp kỳ không?
Trong
chiều hướng đó, tác phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ” của Lâm Nhược Trần có
thể coi là một bước đầu trong chuỗi: nhận biết bịnh, tìm nguyên nhân gây
bịnh, trị bịnh và phòng bịnh.
Tương
tự như Bá Dương, trong “Người Việt Nam Tồi Tệ”, Lâm Nhược Trần đã khai
triển những tật xấu của người Việt, bằng cách liệt kê ra những chi tiết,
gồm ít nhất 63 thói tật sau đây: dân trí thấp kém, giáo dục bất cập,
văn hóa lạc hậu, gia trưởng, độc đoán, bảo thủ, thiếu trung thực (hay
gian dối), xảo trá, lật lọng, thiếu uy tín, vô cảm, thiếu tự trọng, vô
trách nhiệm, thiếu ý thức (quan hệ cá nhân và cộng đồng), tùy tiện, cẩu
thả, thiếu kỷ luật, thiếu óc tổ chức, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu
chuyên nghiệp, thiếu tinh thần cầu thị, xuề xòa, thiếu nguyên tắc, mơ
hồ, nhập nhằng, thiếu minh bạch, hay nói nước đôi lập lờ, tính thực
dụng, cảm tính, nhẹ dạ, cả tin, mê tín dị đoan, khôn vặt, ăn xổi ở thì,
làm ăn chụp giật chỉ thấy cái lợi trước mắt, tham lam, nhiều chuyện, hay
ganh ghét, đố kỵ, thích gièm pha, bôi nhọ và đâm thọc, hay bắt chước, a
dua, học đòi, vọng ngoại, xô bồ, nhếch nhác, ăn dơ ở bẩn, thích ăn nhậu
bài bạc, lưu manh, thích bạo lực, hay nổ, háo danh, hay khoe khoang, tự
cao tự đại, thích phô trương và chuộng hình thức bề ngoài, cậy thần cậy
thế, cửa quyền, đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm…
Đọc một danh sách dài với gần như tất cả tĩnh từ chỉ thói hư tật xấu của con người, ai không sợ.
Khác
hơn Bá Dương, một nhà văn kiêm nhà báo dùng lối văn châm biếm điểm chút
hài hước để chuyển tải ý tưởng, Lâm Nhược Trần (một bác sĩ Tâm lý đã
sống ở Hòa Lan hơn 20 năm) đã dùng kinh nghiệm ông có được qua hơn 10
năm làm việc chung với người Việt trong nước cộng thêm những dữ kiện thu
thập qua báo chí để khai triển đề tài này theo phương pháp thống kê
khoa học.
Tác
phẩm là kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu về văn hóa và điều tra về xã
hội, như đã ghi trong tiểu tựa. Trong 18 bài tiểu luận, ông đã phân
những tật xấu của người Việt thành từng nhóm. Những trích dẫn từ báo
chí, trang mạng là từ những tờ báo, trang mạng có uy tín trong nước, và
phần lớn được dẫn nguồn. Đại đa số những dữ kiện này được ông thu thập
trong hai năm 2015 – 2016, chứng tỏ sự cập nhật của tác phẩm.
Để
tránh hiểu lầm, tác giả cũng minh định là “…đối tượng tôi muốn đề cập
là cái số đông, là những phần tử chiếm đa số trong hơn 90 triệu dân đang
sinh sống trên cái mảnh đất hình cong như chữ S này…” (tr. 30). Người
gốc Việt sống ở hải ngoại thoát nạn. Hú vía.
Với
tựa đề “Người Việt Nam Tồi Tệ”, những điểm son của người Việt hay của
xã hội Việt Nam trong tác phẩm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hình như
tác giả chỉ muốn nêu những điểm này ra cho thấy có một chút xíu khía
cạnh tích cực của xã hội Việt Nam mà thôi. Bởi vì luận đề của tác phẩm
là “tồi tệ”, không phải một cuộc nghiên cứu hai chiều. Nhưng mà phải vậy
thôi, nếu muốn trị bịnh bằng thuốc đắng.
Từ
những dữ kiện trích dẫn, ông đã đưa ra một số nhận định về nguyên nhân
đưa đến những tính xấu này, mà có cội nguồn sâu xa là vì do hấp thụ một
nền giáo dục truyền thống, và có gốc từ một xã hội thuần nông:
“… Đó
là nguyên nhân chính đưa đến sự trì trệ lâu dài mang tính hệ thống
khiến cho xã hội và đất nước chậm phát triển so với tiềm năng thực tế mà
thật ra nó phải có” (tr. 82).
Và
cũng chính vì tính đặc thù của gia đình họ hàng Việt Nam làm cho con
người khó có thể theo được sự tiến hóa của xã hội: “…do nhận thức thấp
kém cùng sự thiếu ý thức, thiếu hiểu biết của đa số người dân, cái quan
hệ chằng chịt bởi nếp sống ràng buộc của đại gia đình Việt Nam không
thường xuyên mang lại niềm vui và sự hạnh phúc, nó hầu như chỉ đem đến
những khó khăn sự phức tạp và nỗi thống khổ cho những người trong cuộc.”
(tr. 49).
Và
do “…nền tảng văn hóa bị đánh mất, nền giáo dục thì trì trệ, bất cập và
lạc hậu, từ đó, dân trí sẽ chậm phát triển nên ý thức của người dân
không có điều kiện và cơ sở để được nâng cao…” (tr. 174).
Tóm
lại, lỗi phần lớn, theo Lâm Nhược Trần, nằm ở một số khía cạnh đặc thù
của bản sắc dân Việt. Nhưng vì sao đến nông nỗi này, trong khi nếp sống
gia đình làng xã của Việt Nam khá giống xã hội nơi một số nước tiến bộ
khác trong vùng Đông Nam Á?
Tuy
tác giả không nói trắng ra vì sao đất nước, con người Việt trở nên tệ
hại như thế nhưng người ta có thể đọc giữa những hàng chữ là trách nhiệm
lớn nằm ở bộ máy cầm quyền, đã dung túng cho thuộc hạ các cấp từ cao
tới thấp mặc tình thao túng theo một chính sách tùy tiện, chắp vá. Chính
sách này, cộng thêm một số thói tật đã tạo nên một “…tư duy mang
ơn, cảm ơn theo cái cách quỳ lụy, xin xỏ cũng rất phổ biến… Nghĩ cũng
lạ, mà người dân có hiểu gì đâu, dân đóng thuế để nuôi cán bộ, cán bộ có
trách nhiệm giải quyết những bức xúc của dân, nhưng họ vẫn có thói quen
một cách rất quan liêu, ban ơn và hành dân.” (tr. 142). “Thực
tế là như vậy, nhưng để biện minh cho sự yếu kém, cho tiêu cực và những
bất cập tồn tại trong xã hội, nhiều người, nhất là các cơ quan công
quyền thường hay có thói quen đổ lỗi cho nhau hay cho kinh tế thị
trường… Sai phạm xảy ra, nếu chi với điệp khúc ‘rút kinh nghiệm, xử lý
nội bộ’ rồi ‘khiển trách hay cảnh cáo’ như trò trẻ con sẽ không giải
quyết được vấn đề.” (tr. 173).
Và còn nhiều nữa…, như “chạy theo thành tích là một vấn nạn có hệ thống và đã trở thành một nếp sống xã hội mang tính tiêu cực trầm trọng”
(tr. 42), là điều bất cứ người nào khi nhìn vào những công trình hoành
tráng kiểu đồ hàng mã đầy dẫy ở Việt Nam đều thấy rõ và ngán ngẩm trò
đời lẫn ngán sợ tai nạn chưa biết sẽ xảy ra lúc nào do tắc trách.
Đọc
hết 360 trang với đầy dẫy lời kết tội, khi gấp sách lại, người đọc sẽ
bàng hoàng tự hỏi: có thật vậy chăng? Nếu quả tình 90% dân Việt mang
nhiều tính xấu như vậy thì đất nước sẽ ra sao? Bởi vì, ngay chính bản
thân họ (có lẽ cũng do cảm tính chăng?), họ thấy những tật xấu này không
nằm trong họ và có lẽ những thành viên trong gia đình họ đâu có xấu xa
như thế.
Một câu hỏi nhức nhối đã được tác giả đưa ra cho mọi người, bất kể ở đâu, tự suy ngẫm: “Bạn
muốn con mình trờ thành người thế nào? Tử tế, có cuộc sống hạnh phúc?
Bạn thực sự nghĩ rằng bạn có thể dạy con thành người tử tế, khi chính
bản thân các bạn đang bị cuốn theo cái xã hội đầy xấu xa, và các bạn
không thèm làm gì khác ngoài nương theo cái xấu xa ấy để sống?...” (tr. 104).
Nhưng thực tế có lẽ đây là bài toán không lời giải, bởi vì: “…Một
số người bạn của tôi làm việc trong giới khoa học và nghệ thuật… trong
lúc bàn luận chuyện thế sự, nhìn thấy tình hình đất nước, xã hội, con
người ngày nay, họ cảm thấy ‘bó tay toàn tập’, không làm gì được chỉ
biết nhìn nhau mà chửi thề…” (tr. 112).
Đương nhiên, vì đúng như trong nhận định của Nguyễn Hưng Quốc nêu ở phần đầu về tâm tính của người Việt, là “khi ra ngoài quan hệ cá nhân thì mọi chuyện sẽ khác ngay”.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là một cuộc nghiên cứu dựa trên tài liệu
từ báo hàng ngày hay báo mạng bằng cách rút tỉa chọn lọc không có được
sự trung thực đúng mức. Báo chí đưa nhiều tin “giựt gân”, tai nạn cướp
bóc, chuyện gây sốc… để câu độc giả, điều đó ai cũng biết. Đây là một
trong những nhiệm vụ hàng đầu của những tờ báo đại chúng ngày nay, bất
kể ở nước nào. Đó là chưa nói tới chuyện ở Việt Nam, sự lèo lái quần
chúng để họ chỉ chăm chăm bàn tán về những tệ nạn xã hội, về cuộc sống
xa hoa của đại gia với siêu sao chân dài… theo kiểu những bài trên báo
sẽ làm cho dân chúng bớt quan tâm tìm hiểu thêm về những vấn nạn gốc rễ
của xã hội, nhìn theo mặt chính trị, văn hóa chính thống.
Vì
thế, nếu chúng ta đọc những trang mạng hay blog của các tổ chức tranh
đấu chẳng hạn, thì ta sẽ có cảm giác phần lớn người dân trong nước hằng
ngày quan tâm đến việc tranh đấu cho tự do dân chủ. Nếu chúng ta đọc
những thông tin từ những cơ sở tôn giáo thì chúng ta sẽ thấy người dân
nhường cơm xẻ áo cho nhau trong cơn hoạn nạn…
Người
đọc tinh ý có thể thấy những dữ kiện tác giả dẫn chứng phần lớn là
những trường hợp cá biệt. Sự giải quyết (hay không giải quyết) của chính
phủ Việt Nam trước những tệ nạn này không thấy tác giả đề cập. Hơn nữa,
có những chuyện không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam, như chuyện các quan
chức đổ lỗi cho nhau khi có sai phạm, như chuyện ăn tô phở 25.000 VND
vừa phải chịu đựng một cung cách phục vụ bất lịch sự, vừa bị nghe chửi
khi đưa tờ 500.000 (bằng 20 lần giá tô phở hay 1/10 của tháng lương của
dân trung bình) để trả tiền, hoặc như trường hợp của chính tác giả “…sau
khi tôi chính thức cho phát hành một văn hóa phẩm, một nhà văn nổi
tiếng rất có uy tín, lại là bạn thân, đã không ngần ngại, thẳng thừng
đặt điều kiện để anh ấy viết một bài quảng bá cho ấn phẩm.” (tr.
177-178). Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nói là còn có rất nhiều “chuyện lạ
bốn phương” động trời được tác giả nêu ra, mà nếu tác phẩm được dịch ra
ngoại ngữ và phổ biến thì chắc lượng du khách tới Việt Nam sẽ sụt giảm
đáng kể.
Do đó, nhận xét tác giả đưa ra trong Lời Mở Đầu là “…dân
tộc nào cũng có cái hay cái dở, nhưng cái xấu xí của người ta nó hạn
chế, bình thường, có thể chấp nhận được, chưa cần phải uống thuốc dể
điều trị, còn cái tồi tệ của người Việt Nam chúng ta thì thật sự đã ‘hết
thuốc chữa rồi’!” (tr. 28) tôi cho là có phần nào tiêu cực. Dù
sao, không thể chối cãi được là những tệ nạn ở Việt Nam đã lan tràn quá
mức, đến nỗi Việt Nam hiện đang đứng ngang hàng với nhiều nước ở Phi
châu hay Nam Mỹ châu. Đó là cái nhục chung của người Việt chúng ta,
nhưng lời giải thì không đơn giản. Đúng như tác giả nhận định: mọi người
đã trở nên vô cảm.
Tác
phẩm “Người Việt Nam Tồi Tệ”, xét cho cùng, sẽ tìm được hai đối tượng.
Thứ nhất là tuyệt đại đa số những người tị nạn trên khắp thế giới thuộc
thế hệ thứ nhất, họ mang theo những nét văn hóa đẹp của một xã hội Việt
Nam hơn 40 năm về trước để rồi chỉ thấy những chuyện trái tai gai mắt họ
gặp trên internet hay qua lời kêu rêu của thân nhân từ trong nước, thì
tác phẩm này là một sưu tầm khá đầy đủ những gì họ đã biết và đang muốn
biết. Thứ hai là những người trong nước còn đang trăn trở tìm một giải
pháp khả thi để có thể cùng nhau cứu vãn sự tuột dốc của văn hóa Việt
một khi nước nhà tới vận hội chuyển đổi, thì có thể coi tác phẩm này là
một phân tích khá có hệ thống những thói tật của đa số người Việt trong
nước.
Nguyễn Hiền
————————————————-
Người Việt Nam Tồi Tệ – Nghiên cứu văn hóa – Điều tra xã hội
Lâm Nhược Trần
360 trang, bìa mềm
Người Việt Books xuất bản (2016)
Giá US $20,-
No comments:
Post a Comment