Quan Tây & Quan Ta
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) –
Sự thật ngày nay đã chứng minh rõ ràng công cuộc giải phóng
thuộc địa có mục đích rất cao cả nhưng kết cục của nó nói
chung thường ngược lại. Phạm Hồng Sơn
Đến khi tôi đủ tuổi để dự thí tú tài thì Bộ Giáo Dục đã
quyết định bỏ thi vấn đáp. Thiệt khoẻ. Cứ theo như lời của
qúi vị đàn anh lớp trước thì phải trải qua oral – kỳ hạch
miệng – mới thiệt sự biết đá biết vàng, chớ “hai cái bằng tú
tài của thời chú mày thì kể như là đồ bỏ.”
Nghe cũng hơi tưng tức.
Coi: năm tôi đậu tú tài I, tỉ lệ trúng tuyển toàn miền Nam (VN)
cho ban C chỉ có 8 phần trăm. Một trăm đứa đi thi thì rớt hết
92, vậy mà cái bằng của tui bị “coi như đồ bỏ” là sao – hả
Trời?
Tôi chỉ bớt ấm ức, và bật cười ha hả (bên bàn nhậu) sau khi nghe chuyện vui về một cuộc thi vấn đáp:
Giám khảo, người Tây, hỏi:
- Vị quan toàn quyền nào ở Đông Dương đã trở thành vị tổng thống thứ mười bốn của nước Pháp?
Thí sinh vừa gãi đầu, vừa lầu bầu bằng tiếng Việt:
- Đ… mẹ, hỏi gì khó dữ vậy cà!
Vậy mà đậu oral vì giám khảo nghe “Đ.M” ra “Doumer.” Tôi sinh sau
đẻ muộn, đã dốt lại lười, không mấy khi đụng tới sách vở nên
chẳng biết Doumer là cái thằng cha (hay con bà) nào cả. Bữa
rồi, nhờ đọc Vương Hồng Sển mới học thêm được ba điều/bốn chuyện:
“… Viết về ông Doumer, tôi đã sửa ngòi bút, suy nghĩ thật nhiều: viết
sai thì hổ với lương tâm, bằng bốc thơm ông lại ngại tiếng gièm pha còn
mến tiếc Tây đầm. Nhưng ở Hà Nội cầu Long Biên còn đó, ai giẫm chơn lên
phải nhớ người xây dựng, mới không thẹn sao ‘uống nước nỡ quên nguồn’! Ở
Huế, cầu Tràng Tiền đổi tên mấy lượt, nhưng vẫn còn sờ sờ, ở Sài Gòn
này, cầu Bình Lợi cũng là kỳ công bất hủ của ông Doumer, chớ mấy ai
khác. Vậy tôi biết gì, cứ nói.
Doumer qua Việt Nam khi tuổi chưa đầy 40. Người khỏe mạnh, làm việc bằng mười, thêm tài ba xuất chúng.
Những kỳ công của ông là:
- Ông thấy xa, lập trường Viễn Đông Bác Cổ, để bảo vệ cổ tích, đền chùa khỏi bị phá phách cắp gỡ, tu bổ cổ tích còn lại…
- Ông lập trường cao đẳng ở Hà Nội …
- Chính ông năm 1901 đã đến tại chỗ, chọn Đà Lạt thay vì Dankia và đốc
thúc, tài trợ cho bác sĩ Yersin thành lập nơi nghỉ mát Đà Lạt như ngày
nay đã thấy.
Ba cây cầu sắt ông để lại, thật là kỳ công bất hủ …”
Ảnh: dulich24
Riêng về cầu Long Biên, tác giả Nguyễn Thông còn cho biết thêm một chuyện nhỏ bên lề:
“Thấy bảo rằng, cầu xây xong, có nhiều quan chức cả tây lẫn ta khuyên
ông Paul Doumer lập 2 cái trạm ở đầu cầu để thu tiền qua lại, bù đắp số
tiền đã bỏ ra, ông Paul liền bảo, các thầy chỉ nghĩ chuyện bóp nặn dân.
Cầu xây bằng ngân sách thuộc địa, do chính dân xứ này đóng góp, giờ lại
đòi người ta nộp nữa, sao các thầy bất nhân thế.”
Trời, tưởng gì chớ “bóp nặn dân” là chuyện rất bình thường
(hằng ngày vẫn xẩy ra ở huyện) ở Thời Cách Mạng nên đâu có
gì để phải lăn tăn. Tôi chỉ hơi băn khoăn về sự khác biệt (quá
lớn lao) giữa những ông quan Tây thời thuộc địa và những ông
quan cách mạng sau này. Đám trước đều có khuynh hướng kiến
tạo. Còn đám sau thì hoàn toàn ngược lại.
Xem qua tiểu sử trích ngang của nhiều vị lãnh đạo của ĐCSVN
mới thấy có điều trùng hợp lạ lùng là họ đều thích thú và
hăng hái trong việc phá hoại, hơn là xây dựng, trong mọi lãnh
vực.
- Hồ Chí Minh,
Chủ Tịch Đầu Tiên của nước VNDCCH (kiêm Chủ Tịch Đảng) tại
chức 24 năm, cùng với Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot, Lenin, Kim
Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Saddam Hussein… ông có tên trong danh sách
(History’s Great Monsters)
tội phạm chống lại nhân loại. Ông cũng được biết đến như là
người sẵn sàng đốt cháy rụi cả rặng Trường Sơn, nơi mà cho
đến nay vẫn còn hằng trăm ngàn hài cốt (vô thừa nhận) vương
vãi khắp nơi – dù đã có không ít “mẹ già lên núi tìm xương con
mình.”
- Lê Duẩn,
vị Tổng Bí Thư kế nhiệm – tại vị tới 25 năm – cũng có tên trong
danh sách tội phạm chống lại nhân loại ở mức đại trà (massive crimes against humanity)
nổi tiếng là người chủ chiến: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô,
đánh cho Trung Quốc…” Cùng với Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Lê
Đức Thọ, Lê Duẩn còn đánh luôn đồng đảng. Dù cả hai ông đều
đã chết, chiến tích của Cuộc Đấu Tranh Chống Bọn Xét Lại vẫn
còn sống âm ỉ trong lòng nhiều người dân Việt.
- Trường Chinh: T.B.T (lần thứ nhất: giai đoạn 1941-1956, lần thứ hai: 1986) được Tạp Chí Cộng Sản
mô tả ông là “nhà thiết kế đường lối đổi mới của Đảng ta.” Thiệt
ra, Trường Chinh không có “thiết kế” cái con bà gì ráo mà chỉ
ở vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn một thế cờ (“không đổi
mới thì chết”) đã sắp sẵn rồi. Thành tích đích thực của đương
sự là lãnh đạo cuộc Cải Cách Ruộng Đất khiến gần trăm ngàn nông dân bị hành hình.
- Đỗ Mười,
6 năm TBT, 3 năm Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng. Thành tích nổi
bật của ông cũng liên quan đến hai trận đánh đẹp, có thể ghi
thành sách: đánh tư sản ở miền Bắc sau 1954, và ở miền nam sau
1975. “không đổi mới thì chết.”
- Lê Khả Phiêu,
TBT 3 năm, có lẽ là nhân vật lãnh đạo duy nhất có khuynh hướng
xây dựng. Ông đã thuê người thiết kế một vườn rau sạch – với hệ
thống tiêu tưới tự động – ngay trên sân thượng của tư thất, để
khỏi phải dùng chung thực phẩm bẩn (vì nhiễm chất độc hoá
học) với đám thường dân.
- TBT Nông Đức Mạnh
cũng thế, cũng thích gieo trồng. Trong suốt 9 năm tại vị, đi
đến nơi đâu ông cũng đều nhắn nhủ người dân bằng một câu nói
duy nhất: “Trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện đời sống…”
Vì bị dư luận chê bai đây là tư duy tiểu nông nên sau khi nghỉ hưu
thì ông – cùng bà vợ kế, Đại Biểu Quốc Hội Đỗ Thị Huyền Tâm
– đã lao vào một lãnh vực làm ăn khác, rất tinh vi và tân
kỳ: kinh doanh BOT.
- Nguyễn Phú Trọng
nhận chức TBT từ năm 2011, đến năm 2018 kiêm nhiệm luôn Chủ Tịch
Nước. Khác với bác Hồ thời xa xưa trước, bác Trọng học theo
gương của bác Tập Cận Bình nên không đốt rừng Trường Sơn mà
xoay ra đốt lò. Ông tuyên bố: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi
vào đây cũng phải cháy.” Tuy thế, do bản tính cẩn thận, bác Trọng
lựa củi rất kỹ nên cái lò của ông có lúc cháy lúc không!
Trải qua cả chục ông TBT chả thấy ông nào xây được một cái
trường học, một cái nhà thương, hay một cái cầu nào ráo trọi –
cầu tiêu cũng không luôn. Theo Vietnam Heritage
(December 2016 - January 2017) thì Thành Phố Hồ Chí Minh Quang
Vinh chỉ có hai trăm cái nhà vệ sinh chung dùng cho 10 triệu cư
dân và 5 triệu du khách nước ngoài: “Ho Chi Minh City faces the
same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10
million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city
each year.”
Ảnh:pinterest
Sau 83 năm đô hộ Việt Nam – ngoài tội ác – người Pháp đã để lại cho
xứ sở này một số những thành quả đáng kể, thuộc nền văn minh chung
của toàn thể nhân loại: hệ thống cầu cống, giao thông, y tế, giáo
dục, ngân hàng, bưu điện, bệnh viện, thư viện, bảo tàng, kiến
trúc… Còn chủ nghĩa cộng sản thì không để lại nơi phần đất mà nó
cai trị bất cứ một thứ thành quả nào – ngoài bạo lực, nghèo đói, dốt
nát, dối trá, và rác rưởi.
Nói theo bác Nguyễn Gia Kiểng
thì “Pháp đã còng tay Việt Nam và dẫn vào thời đại mới.” Sau đó, dân
Việt tiếp tục bị còng tay – chặt hơn – bởi chủ nghĩa cộng sản,
rồi buộc phải… đi lùi. Chút hy vọng còn lại về vận mệnh của
dân tộc này là mong mỏi mọi người ý thức được rằng cả nước
đã lùi đến “chân tường” rồi.
No comments:
Post a Comment