Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 13 April 2019

SƠN TRUNG * CHIẾC ÁO GẤM THƯỢNG HẢI

CHIẾC ÁO GẤM THƯỢNG HẢI

Vương Như Minh vốn người Thanh Hóa, bỏ vợ con và quê hương vào Nam theo chúa Nguyễn. Ông cho các bạn biết ở ngoài Bắc ông là một võ sĩ, đã làm đội trưởng Vệ Thần sách, nhưng ông ghét chúa Trịnh tham tàn bạo ngược, và ghét quan lại Tàu nghênh ngang trên đất Bắc. Nhiều lần ông đã xung khắc và chống đối họ và bị họ đuổi giết cho nên ông tìm đường vào xứ Đàng Trong. Không hiểu ông làm thế mà được vào làm việc trong phủ Chưởng quản Sự Vụ,là phủ Tể tướng, và yêu con gái quan Chưởng quản Cả hai say đắm nhau, cùng làm thơ qua lại và sắp đi đến hôn nhân. Nhưng sắp đến ngày cưới thì biến cố xảy ra. Nguyên khi Nguyễn Phúc Khoát tức Vũ vương mất, người con trưởng thất lộc nên Vũ vương để di chiếu lập người con thứ hai song Trương Phúc Loan đổi di chiếu lập con thứ 16 của Vũ vương mới 12 tuổi lên ngôi tức Định vương. 

Định vương chỉ ngồi vì, quyền hành vào tay Trương Phúc Loan. Lúc này, họ Trương đã lên thay họ Nguyễn, mọi người anh em, dâu, rể họ Trương đều làm lớn trong các bộ viện và nắm mọi ngành kinh tế trong xứ. và lập nên một chế độ gia đình trị. Trương Phúc Loan giết hại, bắt giam và sa thải các quan lại đời trước khiến cho một số quan lại triều trước trong đó có quan Chưởng quản và gia đình cũng phải chạy ra ngoại quốc. Vì vậy cuộc tình duyên giữa Vương Như Minh và cô con gáì quan Chưởng quản phải đứt đoạn.

Kể ra lúc đầu, Trương Phúc Loan được một số người tín nhiệm vì ông khôn ngoan giương cao chủ nghĩa “dân vi quý” của Mạnh tử. Vì vậy, một số quan lại và tướng lãnh chúa Nguyễn đã bỏ chúa mà theo họ Trương trong đó có Vương Như Minh. Đến khi họ Trương lộ bộ mặt gian ác, ra tay vét thuế, cướp của công, dùng bọn thủ túc ngu dốt, nhất là sát hại và bỏ tù những ai bất đồng chính kiến thi Vương Như Minh bỏ con đường chính trị mà xoay sang con đường giáo dục. Mặc cho Trương Phúc Loan thao túng, mặc cho Nhạc Huệ tung hoành, ông chỉ lo học và đã đỗ cử nhân, rồi tiến sĩ, sau được vào dạy ở trường Quốc tử viện là một trường đại học ở kinh đô. Lúc này ông đã cò gia đình một vợ và ba con, gia cảnh cũng thanh bạch.

Ngày tháng trôi qua, chẳng mấy chốc mà quân Hoàng Ngũ Phúc đem đại binh vào bắt giết Trương Phúc Loan và chiếm Thuận Hóa. Tất cả quan lại và tướng lãnh xứ Đàng Trong đều bị bỏ tù. Một số lớn giáo sư bị ngồi tù hoặc bị sa thải trong đó có Vương Như Minh. Gia cảnh bầb bạch, bà vợ của Vương phải may thuê vá mướn lần hồi.

Quân Trịnh áp dụng chính sách thực dân, đem số lớn dân Đàng Ngoài vào cai trị xứ Đàng Trong. Từ quan trấn thủ cho đến phu xe, phu hốt rác cũng là người Bắc Hà còn người Nam Hà rất ít kẻ có công ăn việc ăn, mà tuyệt đại đa số đều thất nghiệp, lâm cảnh đói khổ, phải bán quần áo, bàn ghế mà sống qua ngày. Trong bao năm trời, dân chúng ngoài Bắc vào Nam mua vải vóc, máy móc, dụng cụ và lương thực và chở về Bắc không ngớt.

 Họ còn kéo nhau hàng triệu người vào Cao nguyên và Đồng Nai lập trại, lập đồn điền. Hàng trăm ngàn dân Đàng Ngoài được đưa vào Nam làm an ninh chìm. Người Đàng Ngoài vào tận thôn xóm xa xăm, làm tổ trưởng liên gia bảo, làm xã trưởng, quận trưởng. Người Đàng Ngoài giả dạng đi bán bánh, bán chè đi khắp hang cùng ngỏ hẽm nghe ngóng tin tức. 

Một số dân Nam Hà cam tâm làm tay sai cho họ Trịnh. Một số công khai khoe khoang họ là người chúa Trịnh biệt phái vào Nam nằm vùng. Họ tố cáo người nọ, người kia. Quân Trịnh cũng đưa tiền bạc dụ dỗ hoặc dùng quyền lực ép buộc dân chúng Nam Hà tố cáo, vu khống nhau khiến cho bè bạn, anh em nghi ngờ nhau. Một số nhà khoa bảng cũng như một số nhà tu hành đã cúi đầu làm tay sai cho bạo quyền.


Quân Trịnh cho một số công an chìm người Nam Hà đóng vai trò dẫn rắn bò ra khỏi hang. Những người này đến nhà này, nhà nọ, ban đầu lên tiếng chống đối, phê phán quân Trịnh, ai nhẹ lòng tin theo và lên tiếng chỉ trích họ Trịnh, thì bước sau, họ đưa ra ý kiến lập nhóm này, nhòm kia tranh đấu. Ai tin theo thì lập tức bị giam và đưa ra tòa lãnh án.

Trong thời gian Trịnh quân xâm chiếm Thuận Hóa, tôi cũng được một người bạn đưa đến giới thiệu với Vương Như Minh và chúng tôi trở thành bạn thân.

Vương Như Minh có ba tính đặc biệt. Thứ nhất là ông giao du rất rộng. Ngày nào cũng có hàng tá người đến trò chuyện. Thứ hai, tính tình bộc trực, dễ tin người. Và thứ ba là vị trí nhà của ông. Nhà của Vương Như Minh ở cạnh là nhà một tên an ninh của họ Trịnh. Tên này ở ngoài Bắc mới điều vào, và được phân phối căn nhà này là căn nhà do một gia đình người Nam Hà chạy theo chúa Nguyễn để lại. Bên cạnh và đàng trước nhà là đường thông trong xóm nghèo, luôn luôn có kẻ qua người lại nhìn vào trong nhà và thấy rõ mồn một. Đã thế, giọng nói của ông rất lớn, thành thử ông nói trong nhà mà ngoài đường cũng nghe rõ. Đó là những điều rất nguy hiểm trong loạn thế.

Một hôm, tôi đến thăm ông, thì một khách lạ cũng đến. Vương tiên sinh quen biết khách và giới thiệu tôi. Ngồi chưa nóng chỗ thì ông khách đã nói hăng hái:

-Chúng ta phải đi qua ngõ Vinh Sơn.

Lúc bây giờ giáo phái Vinh Sơn đã dùng khí giới chống lại quân Trịnh và hai bên giao chiến mấy ngày dài. Kết cuộc, đền thờ bị niêm phong, các tu sĩ bị bắt giam. Nghe khách nói vậy, tôi bèn viện cớ bận việc bỏ ra về. Lần sau nữa, tôi đến thăm Vương Như Minh thì có khách đang nói chuyrện với ông. Chủ nhân giới thiệu tôi với khách. Ông này cũng như ông trước, sau khi nghe giới thiệu tôi là thầy giáo , bèn nói với tôi và Vương Như Minh:

-Hai ông là giáo sư, có nhiều môn hạ. Nếu hai ông lên tiếng thì sẽ tập hợp được một lực lượng lớn.

Nghe khách nói như vậy, tôi bèn viện cớ bận việc, xin phép ra về.Tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Thời buổi khó khăn, công an đầy đường, đầy ngõ, Thời loạn, tính mạng treo chỉ mành. sống bên nhau lâu năm mà cũng chưa hiểu nhau, thế mà mới gặp mặt, chưa biết ất giáp gì cả mà dám bàn chuyện lớn một cách công khai. Những người như thế nếu không là công an thì cũng là những kẻ không làm được việc lớn. Dính với họ chỉ thiệt thân.

Thời bấy giờ tại kinh đô xảy ra một vụ lớn, nghe nói các luật gia và nhà khoa bảng lập kiến nghị dâng chúa Trịnh, yêu cần tôn trọng quyền lợi dân chúng và đất nước. Cả đám bị bắt. Khi bị lấy khẩu cung trong nhà giam, các luật gia và tay khoa bảng mới biết mình bị lừa vì người xướng xuất tranh đấu cho nhân quyền chính là một luật gia của Trịnh quân nằm vùng tại xứ Đàng Trong, bây giờ ông ta đứng ra làm quan tòa lấy khẩu cung và kết án mọi người. Những chuyện như thế rất nhiều.

Một hôm, Vương Như Minh bảo tôi:

-Ông có quen ai giòng dõi hoàng tộc không? Tôi muốn găp họ hỏi vài lời.

Tôi nể lòng, cũng đưa đi giới thiệu một ông bạn thân dòng Nguyễn quý tộc. Không biết câu chuyện sau này ra sao mà sau này ông bạn hoàng gia lạnh nhạt và xa lánh tôi. Một hôm, Vương Như Minh nói riêng với tôi:
-Chúa Nguyễn sắp trở về Thuận Hóa. Tôi được mấy bạn thân thông thạo tin tức cho biết như thế.

Tôi bảo ông:
-Trong tình thế hiện nay, chúa Nguyễn bị đánh tận và đuổi tuyệt, quân lính tan tác, tướng sĩ xiêu bạt, thân thế chưa biết về đâu, làm sao có thể khôi phục Thuận Hóa trong lúc này. Ông đừng tin những điều này.

Vì việc này, ông giận tôi. It lâu sau, ông bi quân Trịnh bắt giam, hình như về tội tôn phù chúa Nguyễn. Ông ở tù vài năm rồi được thả. Ngày ông về, tôi đến thăm ông, và chúng tôi nối lại mối tình bạn . Tôi rất thích Vương Như Minh vì ông rất giỏi Hán nôm, gặp những câu văn, bài thơ không hiểu rõ, tôi thường hỏi ông và được ông giải thích tường tận. Ngoài ra, tôi cũng thích ông vì tính ông bình dân, giản dị. Ông cho biết ông đã học được chữ nho lúc nhỏ do thân phụ ông dậy. Sau hai cụ bị chính sách cướp của giết người mà chết thảm trong các chiến dịch tàn ác của bạo quyền xứ Đàng Ngoài.


Chúa Nguyễn đã đào vong, song chúa Trịnh vẫn lo sợ. Họ ra sức bắt bớ các lực lượng bảo hoàng. Họ tung tin này, tin nọ, nhưng sự thực thì dân Nam Hà đa số yêu chúa Nguyễn. Một số nhân sĩ đã âm thầm lập tổ chức bảo hoàng phục quốc. Trong các tổ chức này, có người thực, kẻ giả. Do Vương Như Minh, tôi quen biết Phạm Bảo lão nhân là một nhân sĩ đã nổi tiếng một thời ở chốn kinh đô, gia tư cũng bậc khá giả.

 Lão nhân đã trên tám mươi nhưng vẫn mạnh khoẻ, hàng ngày thường luyện tập đi bộ. Phạm lão nhân tới thăm tôi vài lần và tôi đã tới đáp lễ. Phạm tiên sinh đã rủ tôi xem tướng một lần tại nhà một danh sư. Phải chăng Phạm lão nhân muốn dùng tướng pháp để chọn ngườI cộng tác? Ông thầy tướng này nổi tiếng từ lâu và quả thật là giỏi. Giữa tôi và Phạm lão nhân tình cảm ngày càng sâu đậm thì Phạm lão nhân lâm bệnh rồi chết. Lão nhân có bạn thân là Thanh Nhàn lão nhân, tuổi khoảng 70. Thanh Nhàn lão nhân có dáng điệu tiên phong đạo cốt, có lẽ lúc trẻ rất đẹp trai. Vương Như Minh đưa tôi đến thăm lão nhân nhiều lần, và nói với tôi rằng lão nhân thường vào chiến khu liên lạc với chúa Nguyễn.


Bên cạnh Vương Như Minh có hai chàng trẻ thường lui tới. Một chàng được Vương Như Minh giới thiệu là học trò của Vương Như Minh, còn chàng kia là đệ tử của Phạm Bảo lão nhân. Một hôm, Vương Như Minh bảo tôi rằng cuối tháng này, Thanh Nhàn lão nhân sẽ vào chiến khu gặp chúa Nguyễn và kêu gọi chúng tôi góp ít tiền làm lộ phí cho Thanh Nhàn lão nhân. Thường thường, nghe những chuyện như vậy, tôi không nói gì, chỉ im lặng. Sau đó, tôi được chàng đệ tử Phạm lão nhân nói riêng cho biết cuối tháng, chàng thấy Thanh Nhàn lão nhân đi ngoài phố chứ không phải đi họp trong chiến khu. It lâu sau, Thanh Nhàn lão nhân cũng lâm bệnh vài bữa rồi chết đi. Từ đó, tôi không còn nghe nói đến chúa Nguyễn nữa.

Ngày tháng trôi qua cũng đã vài năm sau khi quân Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú xuân. Bỗng nhiên quân Trịnh từ Thăng Long kéo vào rất đông. Họ tuyên bố vào dẹp tệ nạn xã hội tại Đàng Trong. Bao sòng bài, nhà chứa bị bắt. Một số thương gia bị bắt giam và tịch thâu gia sản vì tội trốn thuế hoặc chống triều đình. Bề ngoài quân Trịnh nói là dẹp tệ nạn xã hội, nhưng thực tế là họ tấn công nhân dân Nam Hà. Hàng ngàn, hàng vạn người bị bắt vì âm mưu khởi loạn.

Nghe đâu, tổ chức này rất to lớn được ngoại bang ủng hộ đàng sau và một số quan lại họ Trịnh cũng có liên quan. Kết quả, một số bị đem ra xử tử hình, trong đó có một số quan lại họ Trịnh. Hầu hết bạn bè tôi bị bắt giam trong đó có Vương Như Minh. Ba bốn năm sau, Vương Như Minh và các bạn tôi được thả ra.

Khi các bạn tôi được trả tự do, tôi liền đến thăm họ và chúng tôi lại tiếp tục họp mặt, uống rựơu giải sầu, mặc cho nhà Trịnh có theo dõi hay không. Các bạn tôi cho biết trong tù, quân Trịnh bắt cung khai các việc, và hỏi rất nhiều về tôi nhưng các bạn tôi khai thật rằng tôi không có hoạt động chính trị nào. Việc tôi không bị mắc vòng lao lý có lẽ là do tôi may mắn. Sau khi quân Trịnh chiếm Thuận Hóa, tôi về ẩn cư. Tôi biết những ngườI cũ ở xứ Đàng Trong luôn bị Trịnh quân theo dõi. Hễ ai ra khỏi nhà là có người đi theo rồi về báo cáo với xã trưởng hay cơ quan an ninh không sót một chi tiết.

Trong phố phường và xã thôn, quân Trịnh lập ngũ gia bảo, nghĩa là năm nhà thành một tổ, nhà này theo dõi nhà kia. Những kẻ bán hàng rong, những ngườI bán kẹo bánh, bán thuốc lào, sửa xe, sửa giày dép ở đầu ngõ có thể là công an chìm. Họ có nhiệm vụ theo dõi các khách lạ vào ra. Đền, chùa, miếu mạo cũng đầy rẫy an ninh, không biết ai sư thật hay sư giả, đạo sĩ thật hay đạo sĩ giả. Dẫu sao, tôi tự biết mình bất tài nên thủ phận, và cũng biết cái thế mạnh đang lên của họ Trịnh, không dám lấy trứng chọi đá. Phải chăng vì vậy mà tôi được yên? Một hôm, tôi đến thăm Vương Như Minh, chuyện gần, chuyện xa, ông nói:
-Người ngu si cho nên được hưởng thái bình.
Tôi cười mà bảo:
-Phúc họa tại trời, ông cũng nghiên cứu lý số, sao ông nói vậy?

Tôi nghĩ rằng ông tuổi già lại gặp tai họa liên tiếp cho nên lòng bực tức, cáu kỉnh. Vì vậy mà tôi không giận ông. Tôi vẫn lui tới và coi như không có chuyện gì.

Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện trong tù. Ông và các bạn tôi là tù chính trị, cùng bị giam trong kinh đô Phú Xuân, chứ không phải bị đày lên rừng sâu hay ra ngoài Bắc. Tuy cùng ở một nhà tù, nhưng mỗi người ở một khu khác nhau, it khi được thấy mặt nhau. Trong thời gian đầu, họ bị tra vấn và hành hạ đủ thứ. Nào khai lý lịch cha ông và bản thân.

Mỗi lần bắt cung khai như vậy là phải viết đi viết lại nhiều lần. Nhưng khi đã kết thúc điều tra, có thể họ bị kết án hay không kết án, dù không ra tòa, hay có ra tòa, cuộc đời tù nhân đã bước qua giai đoạn hai. Họ có thể bị giam trong tù hay chuyển lên nông trường canh tác, danh từ là “đi lao động”. Đi lao động thì thoải mái hơn là bị nhốt trong nhà giam. Trong giai đoạn đi cung, tù nhân bị hành hạ, chửi mắng và hăm dọa đủ điều. Có khi nửa đêm bị thức dậy đi cung. Có tên điều tra viên lễ độ, lịch sự, có tên hung hãn. Nhưng qua giai đoạn điều tra thì tinh thần tù nhân dễ thở hơn. Thỉnh thoảng, tù nhân phải đi điều tra bổ túc.

Cuộc sống trong nhà tù cũng giống như ngoài xã hội là có sự phân chia giai cấp. Những quan lại họ Trịnh tham nhũng mà không chùi mép sạch, hay là những con dê bị tế thần cho nên mới bị tù. Có vị chỉ ngồi tù vài bữa, thỉnh thoảng mới vào nhà giam, còn thường là về sống với gia đình. Có vị được ở phòng đặc biệt, không thiếu nem công chả phượng. Đám quan lại chúa Nguyễn tất nhiên kém vế hơn vì mang thân phận bại binh. Nhưng người giàu có thì vẫn sướng hơn kẻ nghèo hèn. Sau một thời cấm đoán, Trịnh quân mới mở lượng hải hà cho thân nhân tiếp tế tù nhân.

Kể từ khi tù nhân được tiếp tế, không khí trại giam biến đổi. Những tù nhân giàu có thì được tiếp tế ê hề. Kẻ ích kỷ thì giữ lấy mà ăn một mình. Kẻ hảo tâm thì chia xẻ cho bạn bè, hoặc tặng rượu, bánh cho cai tù, cho ngục tốt. Vì vậy mà mối tương quan giữa tù nhân và ngục tốt được cải thiện. Ngoài ra, tù nhân còn được gia đình tiếp tế tiền bạc, cho nên tù nhân có thể nhờ ngục tốt mua thức này thức nọ. Vì việc mua bán mà cả hai bên đều có lợi. Nghe đâu trong các trại cai thuốc phiện cũng có người vào bán đồ quốc cấm cho người nghiện nếu họ có tiền. Cuộc sống tù nhân và cai ngục cùng ngục tốt được cải thiện. Một số ngục tốt than thở cùng tù nhân:

-Trước đây, ngoài Bắc người ta nói rằng ở Xứ Đàng Trong nhân dân khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thậm chí không có bát sành mà ăn phải ăn bốc hoặc bằng gáo dừa. Vì vậy, mà thân nhân ngoài Bắc vào thăm trong Nam đã mang bát sành, chiếu lác vào tặng bà con.

 Nhưng khi vào đến nơi, thấy trong Nam không ai ăn bát sành, đắp chiếu lác, nằm chõng tre mà nằm giường Hồng Kông, hoặc giường gỗ, đắp mệm êm, chăn ấm, ăn bát Tàu, đĩa Nhật, hoặc hàng sứ, hàng men Biên Hòa. Tôi thấy xứ Đàng Trong sung sướng quá. Còn xứ Đàng Ngoài vừa nghèo, vừa không tình cảm. Tôi đi lính năm năm chưa được về phép, mà vợ con chẳng ai vào thăm. Nếu muốn vào thăm thì cũng chẳng đào đâu ra tiền mà mua bánh trái, cá thịt cho chồng!

Được ít lâu, nhân lễ lục tuần khánh thọ của chúa Trịnh, một số tù nhân được thả ra, trong số đó có Vương Như Minh. Ông cho tôi biết những ngày cuối cùng trong tù, các tù nhân được các ngục tốt bày tỏ tình cảm tốt đẹp. Những ngục tốt này cho biết số phận họ hẩm hiu cho nên phải coi ngục, trong khi các bạn có vây cánh thì đã làm lớn, có cơ ngơi đình huỳnh. Họ than rằng họ cũng như các tù nhân phải sống trong ngục. Vì bổn phận bắt buộc mà họ phải nghiêm khắc và tàn ác đối với các tù nhân. Sự thực, trong thâm tâm, họ không muốn thế.

Họ cho biết rằng bây giờ họ khá hơn trước, được đổi về kinh đô, còn trước kia phải lảm cai tù trên miền rừng thiêng nước độc, quanh năm ốm đau bệnh tật, thật khốn khổ vô cùng. Bây giờ về kinh đô thì khá hơn nhưng sinh hoạt đắt đỏ, gạo châu củi quế, lương bổng thấp kém, không đủ nuôi vợ con. Họ chúc mừng các tù nhân được về sum họp gia đình. Và họ ngỏ ý xin chiếc áo, cái quần, đôi giày và những thực phẩm và đồ dùng cá nhân còn lại.

Các tù nhân nghe họ nói, thương tình cho mọi thứ, trừ bộ áo quần mặc trong người để mang về nhà. Vương Như Minh có chiếc áo ngự hàn, là kỷ vật của thời ông làm đội trưởng Thần Sách vệ ở Thăng Long. Tấm áo ấm này trong độn bông, ngoài bao gấm Thượng Hải màu xanh đậm, sau hai tay bị rách, vợ của Vương lấy vải xanh vá lại. Tên ngục tốt thường ngày trông nom phòng Vương, kể lể thân thế nghèo hèn, ngoài Bắc có cha già bảy mươi bênh tật và đói rét, ngỏ ý xin chiếc áo ngự hàn này để mang về tặng cha già. Vương thấy anh ta tử tế và có lòng hiếu thảo, bèn trao tặng chiếc áo ngự hàn này.


Tại kinh đô Thuận Hóa, khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân thì nảy sinh ra những hiện tượng kỳ lạ, khác trước. Dân chúng mặc áo vá, quần đụp. Những người đi bán xôi, bán cháo, bán bún bò, bán chè, bánh khoái , bánh bèo đông hơn nhiều. Các tiệm cơm, tiệm trà mọc như nấm. Đường phố biến thành chợ trời bán đủ mọi thứ như bàn ghế, mùng màn, áo quần, vải vóc, sách vở. . . Người Trung Hoa có óc kinh doanh đã thu mua các đồ cũ, mở thành một khu chợ cũ, bán mọi thứ trên đời như giày dép, quần áo,cày bừa, kìm búa, dao, mác, bàn ghế, bút, mực, giấy, sách học, truyện. . . Một hôm Vương Như Minh ra chợ cũ mua một ít vật dụng. Ông đi suốt buổi, qua một của hàng bán đồ ngự hàn, ông thấy chiếc áo gấm Thượng Hải của ông, một chiếc áo có vá ở hai tay, rất đặc biệt, không thể lầm lẫn, được treo trên cao cùng một số áo lạnh khác.


Khi trở về nhà, Vương Như Minh đã mang chứng bệnh ung thư. Phúc bất trùng lai. Ông có đứa con trai tuổi 18 bị bắt sung quân. Thằng con trai của ông tính tình ương ngạnh, thích kết bạn kết bè rong chơi phố phường. Cu cậu thường lấy trộm sách của bố đem bán chợ Trời. Tính tình như vậy mà bị bó buộc trong khuôn khổ trại lính, cu cậu không chịu được đã trốn trại nhiều lần, và sau cùng bị tụi chúng nó đánh chết mà bảo là thằng bé mang bệnh sốt cấp tính. Vương Như Minh phải lội suối băng đèo ra biên cương lãnh xác con. Phần thì bệnh ngày càng nặng, phần thương con, Vương mất lúc gần 70.


Vương có bạn thân là người đồng hương, xưa nay thường lui tới thân mật. Vương đã tính giao cho người bạn đồng hương này đứng lo tang lễ sau này. Nhưng giữa chừng Vương đổi ý. Vương giao du rất thân mật với các nhà báo là Trăng Thanh và Mưa Bão, là hai nhà báo đã cùng Vương bị tù về tội ủng hộ chúa Nguyễn. Hai ông này đã vận động một nhà từ thiện lo việc tống táng cho Vương, trong đó có việc mua cho Vương một áo quan. Vương giao tất cả tác phẩm của ông cho nhà báo Trăng Thanh để sau ông này lo việc tái bản, xuất bản.

Nhà báo Trăng Thanh vì quen nhiều nên đã tái xuất bản hai quyển truyện của Vương, thu tiền nhưng không chia cho vợ con của Vương đồng nào. Bà vợ của Vương gặp nhà báo Trăng Thanh xin lại các tác phẩm của Vương nhưng nhà báo Trăng Thanh từ chối. Bà Vương nhờ tôi đứng ra lấy lại, nhưng tôi không tiện nhận lời vì phải đi xa. Tôi bàn với một ông bạn già nhờ ông đứng ra đòi lại nhưng ông cũng từ chối vì biết rằng họ không bao giờ trả lại. Họ không trả mà họ nói đã trả hết, thế là mình chỉ làm bung xung cho họ, gánh tội cho kẻ gian. Tôi đem việc này bàn với gia đình Vương, và nói rằng e họ không trả hết, chỉ trả vài quyển lấy lệ. Gia đình Vương bảo tôi cứ đòi, được quyển nào hay quyển nấy.


Tôi biết người Việt Nam rất quý sách. Họ không thích mua mà thích mượn. Sách cho mượn hoặc là không trả lại, hoặc là bị xé mất những bài hay, đoạn hay. Tôi đã có kinh nghiệm này. Gia đình tôi ở đất Bắc trong thời Kiêu binh, dân chúng cũng hùa vào cướp phá. Những sách cổ như Tứ thư ngũ kinh hoặc Bách gia chư tử mất đi chẳng tiếc, chỉ tiếc là các văn thơ gia tiên bị mất. Tôi đã hỏi thăm nhiều nguồn tin và cũng đã van nài mà chẳng ai trả lại dù họ là anh em trong họ hàng của tôi. Tất cả đều nói là không biết gì cả.

Nay những tác phẩm của Vương do Vương ký tên giao quyền cho họ, đây là mối lợi, họ không nhả ra. Tôi biết làm việc này bất lợi cho mình, và mình có thể bị mang tiếng, nhưng tôi nghĩ thiện tâm là đủ, không cần tính toán. Cuối cùng, tôi phải gặp nhà báo Trăng Thanh đề nghị trả sách cho gia đình Vương. Gặp ông hai ba lần, ông chỉ giao lại một vài quyển, tôi bèn giao lại cho con gái Vương mang về. Sau khi nhà báo Trăng Thanh mất, mà tôi thì đã dấn bước sông hồ, chưa trở về chốn cũ, không hiểu các tác phẩm của Vương còn hay mất, hay đi về đâu.

No comments:

Post a Comment