Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 13 April 2019

SƠN TRUNG * SỐNG KHÔN THÁC THIÊNG

III. SỐNG KHÔN THÁC THIÊNG

Khi Tần Thủy hoàng sai đại tướng Đồ Thư đem đại binh xâm lăng Bách Việt, nhiều dân chúng và quan lại bỏ chạy lên rừng lánh nạn. Tiêu Diêu tiên sinh vốn quê ở Lưỡng Quảng, cũng theo dân chạy loạn vào chiến khu. Đến khi Hán vương lên ngôi, ông về thành, ở dưới trướng của Cẩn thân vương. Lúc ở chiến khu về, ông mang theo bản thảo quyển Chu Triều Văn học của một người bạn, rồi cho khắc in thành sách mang tên ông. Quyển sách này là một tác phẩm khá tốt cho nên danh tiếng của Tiêu tiên sinh vang dậy như sấm. Sau này, thân nhân của ông kia nghe nói phát đơn kiện tụng ở dinh tổng đốc Lưỡng Quảng, nhưng rồi vụ này cũng được chìm xuồng vì Tiêu tiên sinh quen biết nhiều văn quan và võ quan triều đình. Trước đây, ông theo quan quân nhà Hán lấy được một số sách quý trong thư viện triều vua trước.

Ông khôn ngoan lợi dụng uy thế tân triều, mặt khác một số văn quan triều yêu quý sách cổ, muốn cùng ông giao dịch, nên họ đã đồng ý đưa ông vào Hoa văn cục, thuộc Quốc Học viện. Ông dạy Hoa văn nhưng không bao giờ ông viết lên bảng, ông bảo học sinh là ông bị đau tay, không viết chữ Hoa được. Trong nhà, ông nuôi một ông tú tài, chuyên soạn thảo tài liệu cho ông để ông dạy học và đăng nhật trình. Ông khoe với mọi người, ông thông thạo kim văn và cổ văn. Kim văn là lối chữ, lối văn được phổ biến đời Chu, đời Hán, còn cổ văn là lối chữ xưa được khắc trên mai rùa, có từ xưa, từ đời tam hoàng, ngũ đế mà lúc này người ta gọi là giáp cốt văn, một lối chữ như hình con nòng nọc.

Lúc này, it người biết giáp cốt văn, mà trong Hoa văn cục cũng chỉ có vài người quan tâm đến cổ học, trong số đó có Nhâm Mục tiên sinh. Nhâm Mục tiên sinh vốn thích đùa. Một hôm Tiêu tiên sinh dạy học, Nhâm Mục tiên sinh ung dung bước vào lớp dạy, chào hỏi Tiêu tiên sinh một cách vui vẻ thân mật, rồi viết một câu cổ văn lên bảng để nhờ Tiêu tiên sinh giảng nghĩa. Tiêu tiên sinh nhìn hàng chữ trên bảng mà sắc mặt không đổi, và chẳng nói năng gì cả. Học sinh chẳng biết hai câu đó có nghĩa gì. Một học sinh tinh nghịch, chép câu đó vào giấy, rồi đi hỏi các vị thông thạo cổ văn, họ bảo câu đó là:

Thầy Tiêu dốt như con bò,
Giáp cốt văn chẳng biết, chữ nho chẳng tường!

Câu chuyện đến tai Tiêu tiên sinh, từ đó Tiêu tiên sinh thù hận Nhâm Mục tiên sinh tận xương tủy. Trong mỗi buổi học, sinh viên đều nghe hai thầy châm chích, và tố cáo nhau đủ điều!

It lâu sau, Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán. Một số quan lại, trí thức và nhà giàu bỏ trốn qua Đông Dương (Nhật Bản) và Nam Dương, hoặc chạy sang Triều Tiên, nhưng đa số thì đi qua Giao Châu là đất hòa bình thịnh vượng trong vùng này.Trong số trí thức và quan lại Trung Hoa sang Giao châu lúc này có Mâu Bác, và tổ tiên Sĩ Nhiếp.

Vương Mãng khôn ngoan, không lấy thế làm thù hận vì bọn đó ra đi thì không còn ai chống đối. Hơn nữa , bọn chúng ra đi thì ông có khối đất đai, nhà cửa và tài sản do chúng để lại. Đã thế, Vương Mãng còn mở ra dịch vụ di dân bán chính thức và dịch vụ ra đi trong trật tự. Chương trình ra đi bán chính thức đã đem lại cho Vương Mãng hàng vạn, hàng triệu cân vàng. Tiêu tiên sinh có chú bác làm lớn trong triều Vương Mãng thế mà ông cũng xin phép đi di dân sang Giao Châu . Vì ông nộp tiền đầy đủ và chi tiêu rộng rãi nên việc xin giấy tờ cũng dễ dàng. Cuối cùng ông và gia đình được phép di dân.

 Công cuộc ra đi đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ tuần sau là gia đình Tiêu tiên sinh lên đường sang Giao Châu hưởng phước. Nguyên lúc bấy giờ Vương Mãng theo chính sách Tần Thủy hoàng, ra lệnh đốt sách, bỏ tù văn nghệ sĩ và quan lại tiền triều. Một số thế gia sợ hãi, đã âm thầm mang sách gửi nhà Tiêu tiên sinh vì họ biết tiên sinh là cháu của vị Thái sư đương triều Vương Mãng, có dù che vững vàng. Tiêu tiên sinh liền đem tất cả sách quý đóng gói chờ ngày lên tàu đem sang Giao Châu. Trước ngày lên đường vài bữa, đêm hôm đó, Tiêu tiên sinh lấy giấy viết thư, nhưng thay vài cây bút mà vẫn không ra mực.

Tiên sinh kêu con lại hỏi thì mới hay bút vẫn ra mực mà mắt không còn thị giác. Tiên sinh ngã xuống rồi chết ngay, miệng trào máu. Nguyên tiên sinh đã bị bệnh cao huyết áp nhiều năm, mặt lúc nào cũng đỏ bừng, thường thường là huyết áp cao khoảng 180- 200. Tiên sinh chết là do huyết áp lên cao, nhưng cũng có nguồn tin cho rằng tiên sinh có người em ruột làm đội trưởng thị vệ trong cung, tích cực tôn thờ Vương Mãng. Ông này cho rằng việc cháu của quan thái sư bỏ nước ra đi là làm mất thanh danh của gia tộc và của triều đình. Do đó mà người ta ngăn chận chuyến ra đi của Tiên sinh.

Trong những tháng ngày lên xuống Di dân quán thuộc Lễ bộ làm hồ sơ xuất cảnh, Tiên sinh quen biết hai vợ chồng nhà kia và kết thân. Đêm hôm Tiên sinh chết, hai vợ chồng người bạn bỗng thấy Tiên sinh đến báo tin: Hai bác đi đi, tôi phải ở lại!

Hai người vợ chồng người bạn đều chung giấc mộng. Họ bán tin, bán nghi, không hiểu sao lại có chuyện như vậy. vì xưa nay Tiên sinh là người quyết tâm bỏ nước ra đi! Nay không hiểu vì lý do gì mà Tiên sinh bỏ cuộc. Hai vợ chồng ông bạn chờ trời sáng, thuê kiệu đến nhà Tiên sinh thì thấy quan tài của tìên sinh đã nằm bên hè ( tại sao quan tài nằm bên hè mà không nằm trong nhà ? ) mà trong nhà vang lên những tiếng than khóc! Ngày hôm đó, gia đình lo việc khâm liệm tìên sinh nhưng quan tài quá ngắn mà người tìên sinh lại khá to cao. Người ta phải cực khổ lắm mới nhét tìên sinh vào lọt quan tài. Đêm hôm đó, ông chủ nhà hòm thấy Tiêu tiên sinh đến giận dữ trách mắng: Tại sao ông đóng cho tôi một cái hòm nhỏ như vậy? Chủ nhà hòm phải khấn vái và làm lễ tạ mới được yên..


--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tôn sinh là người thuộcgiòng vua chúa, ấm sinh là con quan lại.

No comments:

Post a Comment