Tác giả Nhật bỏ tiền túi nghiên cứu về nạn đói thảm khốc ở Việt Nam
Trước đây, nhiều người Nhật không biết, không tin nạn đói
1945 tại VN, nhờ công trình nghiên cứu của Viện Sử học VN và GS Furuta
Motoo, sự kiện này được nhận thức lại tại Nhật.
Vào giữa tháng 5, Zing.vn đăng
tải loạt bài về công trình nghiên cứu nạn đói 1945 do GS Furuta Motoo
(Nhật Bản) và GS Văn Tạo chủ biên. Sau những ngày về Nhật, GS Furuta
Motoo quay lại Việt Nam. Ông kể lại quá trình nghiên cứu dự án - nơi mà
vị GS.TS. người Nhật không chỉ bỏ thời gian, công sức, mà bỏ cả tiền túi
ra tài trợ để dự án có kinh phí tiếp tục thực hiện.
- Điều gì khiến Giáo sư tham gia nghiên cứu về Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam?
-
Những năm nửa đầu của thập niên 1990, tôi cùng với cố GS Văn Tạo (lúc
đó là Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) và một số nhà nghiên cứu thuộc
Viện Sử học triển khai điều tra thực địa về Nạn Đói năm 1945 ở Việt Nam.
Kết quả điều tra này được Viện Sử học xuất bản vào năm 1995.
Đó là cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch
sử do GS Văn Tạo và tôi đồng chủ biên. Cuốn sách này đã tái bản hai lần
vào năm 2005 và năm 2011. Ở Nhật Bản mặc dù cuốn sách chưa được xuất
bản bằng tiếng Nhật, nhưng kết quả của cuộc điều tra này đã được giới
thiệu tương đối rộng rãi tới công chúng.
Nạn đói
năm 1945 là một thảm kịch diễn ra trong thời kỳ quân đội Nhật Bản chiếm
đóng Việt Nam. Hầu như mọi người Việt Nam đều biết đến sự kiện này và
mức độ thảm kịch ghê gớm của nó. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, trước khi cuốn
sách của chúng tôi được công bố thì chỉ có ít người biết đến nạn đói
1945 ở Việt Nam và có người biết đến nhưng lại không tin mức độ ghê gớm
của thảm kịch này.
Tôi
cho rằng muốn khắc phục tình trạng như vậy ở Nhật Bản thì cần phải đưa
ra nhiều tư liệu mang tính khách quan về thực trạng nạn đói này. Với suy
nghĩ như vậy, tôi đã đề nghị Viện Sử học Việt Nam cùng nhau tiến hành
điều tra thực địa ở một số địa phương xảy ra nạn đói.
Cuộc
điều tra được tiến hành nửa đầu những năm 1990 lúc quan hệ Việt Nam và
Nhật Bản đã vượt qua được giai đoạn đình trệ và đang bước vào thời kỳ
phát triển.
Trong khi tại Việt Nam, nạn đói năm
1945 được coi là một sự kiện đương nhiên ai cũng biết thì tại Nhật Bản,
hầu như không được biết đến. Tôi cho rằng nếu cứ giữ nguyên tình trạng
này thì khó có thể có được một mối quan hệ Nhật-Việt mang tính xây dựng.
Mục đích chính tôi tham gia cuộc điều tra là làm sao thay đổi tình
trạng nêu trên ở Nhật Bản.
- Quá trình nghiên cứu của Giáo sư trong dự án đã diễn ra như thế nào?
-
Mục đích chính của cuộc điều tra là làm sao đưa ra nhiều tư liệu mang
tính khách quan về thực trạng nạn đói mà không ai có thể chối cãi.
Chính
vì thế cuộc điều tra của chúng tôi được tiến hành theo phương pháp xã
hội học lịch sử. Cụ thể, từ Quảng Trị trở ra Bắc, chúng tôi chọn ra 23
làng, đối với từng làng điều tra tổng dân số vào thời điểm năm 1945,
phân chia các hộ gia đình và làm rõ số người bị chết bởi nạn đói ở từng
hộ.
Tại
các làng được điều tra, những văn bản ghi lại các số liệu liên quan còn
sót lại rất ít, nên trong phần lớn các trường hợp, tư liệu chủ yếu là
hồi tưởng của các cụ già về thời kỳ đó. Bằng phương pháp như vậy chúng
tôi đã cố gắng tái hiện càng chính xác càng tốt thực trạng của nạn đói
năm 1945.
Những lời thuật lại của các cụ già
chiếm một vị trí rất quan trọng trong cuộc điều tra lần này. Khi tới các
làng, chúng tôi được giới thiệu với những cụ già vẫn còn nhớ rõ tình
trạng của làng năm 1945.
Diện mạo toàn thể của
làng được xây dựng lại chủ yếu trên cơ sở ký ức của những cụ già giờ đây
đã trên dưới 70 tuổi mà vào thời điểm năm 1945 họ mới ngoài 20 tuổi.
Người trẻ hơn không thể nắm được tình hình toàn làng lúc bấy giờ nên
không đóng vai trò nhân chứng chính của cuộc điều tra.
Đã
gần 20 năm trôi qua, đến hiện nay đại bộ phận các cụ nhân chứng của
cuộc điều tra này qua đời. Có thể nói rằng cuộc điều tra chúng tôi đã
chớp được thời cơ cuối cùng để thực hiện.
- Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn?
-
Khi gặp các cụ già, trước tiên chúng tôi giúp họ nhớ lại các hộ gia
đình trong làng. Một số cụ già có trí nhớ tốt có thể nhớ được khoảng một
trăm hộ gia đình, thậm chí trong một số trường hợp, chúng tôi thực sự
kinh ngạc trước những ký ức rất phong phú, súc tích của họ về cả làng.
Khi
đã biết được cấu trúc của làng và số người trong từng hộ gia đình,
chúng tôi tìm hiểu số người đã chết vì nạn đói. Những số liệu thu thập
được đưa cho các cụ già khác kiểm chứng. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhờ
các gia đình hiện nay kiểm tra lại tính chính xác của các thông tin liên
quan đến thân nhân và hàng xóm của họ.
Phương
pháp làm việc cơ bản của chúng tôi là từ những gì tập hợp được trong
thời điểm hiện tại để đưa ra được thông tin, số liệu có độ tin cậy cao
nhất. Nhờ những ký ức được tích lũy trong cộng đồng làng xã, người ta
mới có thể tái hiện được thực trạng thiệt hại nạn đói xảy ra nửa thế kỷ
trước.
Tại 23 ngôi làng mà chúng tôi điều tra,
tỷ lệ người chết đói tính trên tổng dân số vào năm 1945 được phân bố từ
8,37% của làng Nhượng Bạn tỉnh Cao Bằng đến 58,77% của làng Quần Mục
thành phố Hải Phòng. Trong 23 làng có 6 làng có tỷ lệ người bị chết đói
hơn 40%.
- Về mặt khoa học, Giáo sư có hài lòng với những kết quả nghiên cứu?
-
Tôi nghĩ rằng ở thời điểm 50 năm sau nạn đói xảy ra, đây là phương pháp
duy nhất có khả năng tiếp cận với thực trạng nạn đói năm 1945, và những
con số mà chúng tôi đạt được là có độ tin cậy cao. Không những chỉ ở
Việt Nam mà cả ở Nhật Bản và thế giới đều đánh giá cao độ tin cậy của
cuộc điều tra này.
Tuy vậy, phương pháp này cũng
tồn tại một số nhược điểm nhất định. Thí dụ, việc xác định liệu nguyên
nhân tử vong có phải là do nạn đói hay không là một vấn đề lớn.
Nếu
bỏ qua những trường hợp được các cụ già ghi nhận là chết do bệnh tật
hay thương tích, cuộc điều tra của chúng tôi chỉ dừng lại ở việc xác
định được là rõ ràng tỷ lệ số người chết vào năm 1945 cao hơn rất nhiều
so với tỷ lệ số người chết trung bình hàng năm vào thời kỳ đó.
Cuộc
điều tra của chúng tôi là điều tra điểm, chỉ được thực hiện 23 làng,
chứ không phải là điều tra diện. Tức là điều tra toàn diện cả vùng. Mặc
dù cuộc điều tra chúng tôi đã đưa ra chứng cứ nạn đói ghê gớm đã từng
xảy ra ở nhiều nơi miền Bắc Việt Nam vào năm 1945, nhưng cuộc điều tra
này không đưa ra một kết luận trực tiếp nào về quy mô thiệt hại của toàn
bộ nạn đói.
Mặc dù có một số nhược điểm khó
tránh khỏi như vậy, nhưng cuộc điều tra của chúng tôi đã cố gắng tái
hiện thực trạng nạn đói năm 1945 một cách chính xác nhất trong khả năng
có thể. Đây là một cuộc điều tra theo chủ nghĩa thực chứng.
Nguyên
nhân quan trọng nhất khiến chúng tôi lựa chọn phương pháp này là, thông
qua việc điều tra trên quy mô từng làng, chúng ta có thể đưa ra chứng
cứ cụ thể về mức độ thiệt hại tương đương giữa nạn đói năm 1945 ở Việt
Nam với nạn đói cuối thế kỷ thứ 18 ở Nhật Bản. Có như vậy mới xóa bỏ
được thành kiến của người Nhật Bản coi nạn đói năm 1945 diễn ra ở Việt
Nam trong thế kỷ XX như là một sự kiện không đáng tin cậy.
- Giáo sư nghĩ gì về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam sau khi tham gia nghiên cứu?
-
Qua cuộc điều tra này, nhận thức của tôi về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam
được phong phú thêm và thực tế hơn. Nhưng nhận định cơ bản của tôi về
sự kiện này không thay đổi. Tôi nghĩ rằng thay đổi lớn nhất mà cuộc điều
tra mang lại là nhận thức về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam tại Nhật Bản.
Sau khi cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử
được xuất bản tại Việt Nam, chúng tôi cố gắng giới thiệu kết quả nghiên
cứu này tại Nhật Bản. Qua việc giới thiệu này, nhiều người, nhất là
nhiều nhà khoa học Nhật Bản đã biết đến công trình nghiên cứu về Nạn đói
năm 1945 ở Việt Nam của chúng tôi.
Công trình
này mang tính khoa học cao nên có sức thuyết phục cao. Trước đây ít
người Nhật Bản biết đến nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và khi biết thì có
rất ít người tin mức tàn khốc của nạn đói này.
Tuy
nhiên sau khi công trình này được giới thiệu, số người Nhật Bản phủ
định việc xảy ra nạn đói ghê gớm ở Việt Nam vào năm 1945 đã giảm đi. Ở
Nhật Bản bây giờ mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy mô số
người bị chết đói, nhưng đại đa số nhà khoa học quan tâm đến Việt Nam
nhất trí nhận định một nạn đói rất tàn khốc đã xảy ra vào năm 1945 ở
Việt Nam. Phản ánh sự thay đổi này, một số sách giáo khoa lịch sử phổ
thông cấp ba của Nhật Bản đã bắt đầu đề cập đến nạn đói năm 1945 ở Việt
Nam.
- Sách giáo khoa Nhật đề cập như thế nào về nạn đói ở Việt Nam năm 1945?
- Sách giáo khoa Lịch sử Nhật Bản mới (do nhà xuất bản Kirihara xuất bản năm 2006, sử dụng tại các trường phổ thông trung học.
(Phần
nói về thiệt hại khu vực Đông Nam Á trong thời Nhật chiếm đóng)…Việc vơ
vét lương thực (của quân đội Nhật Bản) cùng với thiên tai đã gây ra nạn
đói ở nhiều nơi, trong đó điển hình là trường hợp Việt Nam năm
1944-1945, rất nhiều người bị chết đói.
Sách
giáo khoa Lịch sử Thế giới B trung học phổ thông (do nhà xuất bản Jikkyo
xuất bản năm 2010, sử dụng các trường phổ thông trung học) (Phần nói về
các khu vực bị Nhật chiếm đóng)... Ở Việt Nam, thiên tai cộng với việc
cướp đoạt gạo của Nhật Bản đã làm cho khoảng hai triệu người chết đói.
Qua
những mô tả trong sách giáo khoa lịch sử như vậy, nhiều thanh niên Nhật
Bản cũng đã biết đến nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Tôi thấy rằng đây là
ảnh hưởng có ý nghĩa lớn nhất của công trình này tại Nhật Bản. Hiện nay
mối quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam phát triển rất tốt đẹp,
lãnh đạo hai nước khẳng định hai nước là đối tác chiến lược.
Tôi
cho rằng hiểu biết về sự thật lịch sử là nền tảng vững chắc của tình
hữu nghị giữa nhân dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Với góc độ này,
công trình này đã cống hiến vào việc vun đắp nền tảng mối quan hệ “đối
tác chiến lược” giữa hai nước chúng ta.
- Quá trình nghiên cứu, những chứng tích, câu chuyện, sự việc nào khiến Giáo sư xúc động?
- Tôi rất ấn tượng với tinh thần hào phóng của những người già đã làm nhân chứng tại các làng Việt Nam tôi đi khảo sát.
Trước
khi triển khai điều tra, tôi lo lắng rằng việc người Nhật Bản như tôi
tham gia đoàn điều tra của Viện Sử học Việt Nam là điều khó chấp nhận
đối với gia đình nạn nhân nạn đói năm 1945.
Nhưng
trên thực tế, ở nhiều làng những người già làm nhân chứng hoan nghênh
học giả Nhật Bản như tôi tham gia cuộc điều tra nạn đói năm 1945. Tôi
rất xúc động thái độ như vậy của những người già Việt Nam làm nhân chứng
trong cuộc điều tra này.
Còn phần lớn người
Việt Nam mà tôi gặp dĩ nhiên coi tôi là một người Nhật Bản chứ không
phải là một nhà nghiên cứu lịch sử khách quan.
-
Cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử ” có
nói nguyên nhân gây ra nạn đói do phát xít Nhật và thực dân Pháp. Ông
nghĩ sao về điều này?
-Tôi vẫn cho rằng Nhật Bản
phải chịu trách nhiệm với nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Ở Đông Dương,
đến tháng ba năm 1945 chính quyền thực dân Pháp tồn tại, nên tôi cho
rằng Pháp cũng phải chịu trách nhiệm phần nào, nhưng nước gây ra chiến
tranh là Nhật Bản nên Nhật Bản phải chịu trách nhiệm chính.
Theo
tôi, chỉ khi bắt đầu quan tâm tới trách nhiệm của Nhật Bản trong chiến
tranh thì người Nhật mới có thể tham gia vào thế giới công lý phổ biến
cho cả nhân loại như tố cáo tác hại của chế độ thực dân và chiến tranh
đối với loài người. Nếu không đối diện với những trách nhiệm của Nhật
Bản trong nạn đói năm 1945, người Nhật sẽ không có quyền truy cứu trách
nhiệm chiến tranh của Pháp, Mỹ v.v... đối với Việt Nam.
Điều
mà tôi muốn nói ở đây là, nếu người Nhật muốn truy cứu trách nhiệm của
nước Pháp hoặc nước Mỹ, người Nhật Bản chúng tôi cần ghi nhớ rằng tại
nhiều nơi miền Bắc Việt Nam, số người chết trong nạn đói năm 1945 còn
nhiều hơn số người đã hy sinh trong ba mươi năm kháng chiến sau đó ở
Việt Nam.
- Sau khi biên soạn xong và ra mắt
công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử ”,
Giáo sư có tiếp tục tìm hiểu về đề tài nạn đói?
- Sau khi cuốn Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử
được xuất bản, rất tiếc là do tình hình công việc tôi không còn có điều
kiện tiếp tục điều tra điền dã ở nông thôn Việt Nam. Nên về đề tài nạn
đói năm 1945, tôi tập trung cố gắng giới thiệu nội dung cuốn sách này
bằng tiếng Nhật và tiếng Anh.
Thu Hiền (thực hiện)
No comments:
Post a Comment