SƠN TRUNG
Mùa hè
năm nay cả miền Nam nắng hạn. Các giếng nước khô cạn, ruộng đất nứt nẻ,
cây cối khô trụi. Trâu bò không có nước uống, chim chóc cũng không chút
nước thấm giọng. Sông Nhà Bè gần cạn, chỉ còn là một giòng nước nho nhỏ,
trên bờ bùn sình cùng bao nylon, giấy, lon, chai hiện lên dơ bẩn vô
cùng. Nước cạn nhưng cũng đủ cho tụi trẻ bơi lội tung tăng. Tắm xong,
chúng lội qua bên kia bờ chơi đùa thoải mái. Chơi chán chúng bơi trở về
bên này. Sau mấy giờ bơi lội, chúng mặc quần áo lên bờ. Thằng Trung
không quên mang theo khẩu súng bắn chim mà một ông bạn bố nó đã mua tặng
làm quà sinh nhật cho Trung. Đây là một khẩu súng bắn chim do Trung
quôc chế tạo. Nghe nói súng này đuợc Trung quốc chế tạo để xuât khẩu
riêng sang Việt Nam. Mục đích của họ là muốn nhờ bọn trẻ Việt Nam tiêu
diệt chim chóc, cũng như họ đã dùng mưu mua chân bò, rễ quế, mèo, và rắn
để phá hoại kinh tế và môi trường Việt Nam. Súng rất nhẹ, bắn chim rất
chính xác. Tháng đầu, chim ở Nhà Bè còn nhiều, nhưng sau vài tháng săn
bắn, một số chim bị bắn chết, một số sợ hãi bay đi nơi khác.
Thành thử đi hàng giờ,
bọn chúng cũng chẳng tìm thấy một con chim sẻ. Bọn chúng phải đi thật xa
mới thấy có bóng chim. Chúng vào tận chùa, các vị sư ra đuổi chúng,
chúng chửi lại, bảo sư là phản động, CIA, tay sai đế quôc Mỹ. Chúng ngứa
tay, bắn cả gà, chó, và bồ câu của đồng bào. Chúng nó là những đứa bé
khoảng 12 tuổi, học trường tiểu học quận Nhà Bè. Cha mẹ chúng là công
an, cán bộ ngoài bắc mới vào.Thằng Trung là con của ông trưởng chi công
an Nhà Bè. Ông tên là Bình, năm nay 40 tuổi. Ở ngoài bắc ông là thương
binh được trở về làng, lương mỗi tháng vài chục bạc không đủ sống. Ông
phải tham gia vào đám thương binh buôn lậu bằng đường xe lửa. Nhờ thế
lực này, ông kiếm ăn đủ sống. Hằng tuần, ông mang hàng hóa từ Hà Nội vào
Nghệ An, hoặc từ Nghệ An ra Lạng Sơn, buôn đồ Trung quốc về Hà Nội theo
lệnh của anh Sáu. Mặc dầu đi xe lửa hay xe đò, công an kiểm soát rất
gắt gao, riêng bọn ông, công an không dám làm khó dễ. Đoàn của ông tự do
vô ra bến xe, nhà ga, và lên tàu. Trước giờ tàu chạy, đồng bào chưa
được phép vào nhà ga, thì đoàn ông đã vào trước, đem hàng vào ga, lên
tàu, nhét chặt cứng chỗ để hành lý và dưới gậm ghế, khiến khách không
chỗ để hành lý và không chỗ gác chân. Bọn ông còn chiếm cả phòng vệ
sinh. Một toa tàu thường có hai phòng vệ sinh, nay chỉ còn một, trong
ngoài đầy phân và nước tiểu. Sau 1975, đoàn thương binh của ông vào nam
buôn bán. Lúc này thế lực của thương binh rất mạnh. Miền nam là miếng
mồi rất ngon. Khắp nước, công an làm chủ ở thành thị, bao lợi lộc như
thuế má, thương cảng, xí nghiệp, rạp hát, khách sạn, nhà hàng đêu do
công an nắm. Bộ đội đổ xương máu, cuối cùng chỉ còn nấm mồ và chân tay
cụt. Tình trạng phục viên của bộ đội đã được dân chúng mô tả rât bi
thảm:
Đầu đường đại tá vá xe,
Cuối đường trung tá bán chè, bán xôi.
Cuối đường trung tá bán chè, bán xôi.
Bộ đội đổ xương máu cho đám công an hưởng lợi cho nên bộ đội rất căm
thù công an, và bây giờ họ phải làm mọi cách để đền bù cho những năm
gian khổ trước kia. Ngoài bắc, thời trước, nhiều trận xô xát đã xảy ra
giữa công an và bộ đội khiến trung ương phải can thiệp. Khoảng cuối
1975, một thằng cháu họ của ông ở Kampuchia về thăm nhà, mang theo mấy
thước vải về cho cha mẹ. Khi về đến Phú Lâm, bị bọn công an tịch thu. Nó
hêt lời năn nỉ nhưng bị bọn công an chửi bới nó. Nó nổi máu anh hùng,
rút súng bắn chết mấy thằng công an. Bọn công an chống cự lại nhưng bị
bọn bộ đội đông người nổ súng phản công. Bọn công an sợ hãi bỏ chạy về
đồn. Sau chúng kéo hàng trăm tên tới cứu viện và tầm thù. Thằng cháu ông
may có bạn cứu vào Tân Sơn Nhất, sau theo xe bộ đội mà ra bắc. Sau vụ
đó, hai bên công an và bộ đội thêm hận thù nhau, nhưng cũng từ đó, bọn
công an bớt hống hách, bớt băt nạt mấy anh bộ đội đi phép lẻ tẻ.
Vì công an chiếm hết tiện nghi và quyền lợi cho nên bên bộ đội phải
giành quyền sống bằng cách chiếm núi rừng, lấy gỗ đem bán ra ngoại quốc ,
và buôn hàng lậu từ các biên giới về phân phối toàn quốc để lấy tiền
chia cho bộ đội từ ông cao cấp cho đến thương binh. Nhưng thương binh
mang tiếng mà chẳng được miếng nào vì phần to và béo vẫn là ở các tướng
tá cao cấp. Bọn thương binh như ông phải đem phần thân xác còn lại kinh
doanh cho các ông lớn. Người ta tưởng rằng thương binh là một nhóm khủng
bố. Cái đó cũng có. Chẳng qua đó là những anh thương binh hạng nặng,
không làm được việc gì, hoặc lười biếng, tụ năm tụ ba nhậu nhẹt, hết
tiền thì vác lựu đạn vào các nhà hàng nặc tiền, hoạc chận xe đò xin chút
đỉnh. Còn bọn thương binh như ông Bình là loại thương binh tích cực, đã
tham gia vào tổ chức kinh tài của quân đội. Họ là mặt nổi của quân đội,
mà huy hiệu của binh chủng này là gậy gộc và chân tay cụt. Chính nhờ
chân cụt, tay què mà họ được thong dong hành động trong những lãnh vực
đặc biệt. Quân đội Nhân dân có nhiều việc phải làm. Những thương binh
hạng khá được vào làm trong các công trường, như xây các đập thủy điện,
kiến thiết các thành phố, ăn khối tiền, và lập các nông trường quôc
doanh như trồng cà phê, tiêu, trà xuât khẩu, thu khối lợi. Bọn thương
binh của ông hàng ngày chở hàng từ Kampuchia về Sài gòn. Ông là người
can đảm lại lanh lợi, được cử làm trưởng đoàn. Mỗi tuần ông ba lần chở
hàng Thái Lan từ Kampuchia về Sài gòn bằng hàng đoàn quân xa, trí đại
liên trên mui xe, đi nghênh ngang giữa thành phố, công an chẳng dám lục
soát vì không tên công an nào dám mó dái ngựa. Bọn công an rât khôn.
Chúng chỉ chận bắt những anh bộ đội đi lẻ tẻ, xét giây tờ và tịch thu
hàng hóa để bỏ túi. Chúng bây giờ giàu rồi, cần sống lâu để hưởng thụ,
dại gì chọc tụi bộ đội dể ăn đạn, bỏ vàng bạc ai hưởng, và bỏ vợ con ai
nuôi. Và bọn công an cao cấp, cũng biết rằng dĩ hòa vi quý, và hòa khí
sinh tài. Họ đã hưởng quá nhiều, nước ao hồ không nên chạm nước sông,
nên nhắm mắt bỏ qua cho bên quân đội kiếm chút cháo.
Cuộc làm ăn của đám thương binh có cơ sở vững chăc vì họ có giây tờ
di chuyển của quân đội, hàng hóa dù là buôn lậu cũng có kho tàng chắc
chắn tại Tân Sơn Nhất. Cả một vùng Tân Sơn Nhất và phụ cận đều thuộc
quyền kiểm soát của quân khu IV. Nhà cửa của bọn ngụy quân để lại rât
nhiều, to và đẹp, anh em ta tha hồ ở. Những cán bộ cao cấp của quân khu
đã đưa hàng vạn bà con thân thuộc ngoài bắc vào lập căn cứ nơi đây.Tân
Sơn Nhất nay là giang sơn của quân khu IV, là giang sơn của quân đội,
của thương binh và bọn Băc Kỳ 75 chúng ta, cho nên bọn công an không dám
đụng tới. Tân Sơn Nhât cũng là kho hàng công khai, nhà chứa công khai,
vì nơi đây chúng ta đã kinh doanh lớn bằng mở các cửa hàng bia ôm, rạp
chiếu phim con heo, và nhà ngủ loại bình dân, khách có thể thuê ngày hay
thuê giờ, đủ hạng gái đẹp cho khách lựa chọn. Bọn công an đã nhiều lần
muốn vào khám xét nhưng lệnh trên cho phép nổ súng nếu có kẻ dám xâm
nhập vùng cấm địa. Bọn công an chịu thua, không lẽ im lặng, bất đắc dĩ
họ phải kiện lên trung ương, nhưng trung ương cũng không muốn mât lòng
phe quân đội, bởi vì các tướng tá trung ương đều được anh em thương binh
‘chi’ rất bảnh cho nên luôn ủng hộ phe ta.
Ông Bình có người cháu họ làm công an ở quận ba Sài gòn. Thỉnh thoảng
ông đên thăm anh ta, đươc anh ta cho biêt miền nam cần rât nhiều công
an vào phục vụ. Nhà nước cần tới ba trăm ngàn công an đặc biệt để theo
dõi tín tức tình báo. Anh ta khuyên ông nên nạp đơn xin gia nhập công
an, vì làm công an ngồi một chỗ có máy lạnh mà thu tiền còn hơn xông xáo
nơi biên cương lửa đạn. Vì ông là một thiếu úy thương binh cho nên đơn
của ông đuợc chấp thuận. Và cũng vì ông đã tốn gần hai lượng vàng để lo
thủ tục đầu tiên. Đàn bà và ông già thì đuợc bố trí vào loại công an
chìm, hàng ngày đạp xe hoặc đi bộ khắp nơi nghe ngóng. Còn như ông là
chiến sĩ Trường Sơn có thành tích nên được đảng cho vào công an thực thụ
tại Nhà Bè, và được cấp nhà. Nhà này vốn là nhà của một gia đình vượt
biên, nhà nươc tịch thu và giao cho ông. Lúc đầu mới vào, ông đi xe đạp.
Sau ba tháng ông đi vespa, và sáu tháng nữa, ông đã mua thêm một xe
Dream. Sau một năm, ông làm phó trưởng chi công an Nhà Bè. Và sau hai
năm, ông được thăng trưởng chi công an Nhà Bè. Vợ ông ở ngoài bắc làm
nhân viên cửa hàng ăn của huyện. Nay vào nam làm trưởng chi thương
nghiệp huyện Nhà Bè. Vợ ông cũng đuợc cấp phát một ngôi nhà của dân ngụy
quân bỏ chạy ra nước ngoài. Và sau vài tháng, chính phủ thực thi chính
sách hữu sản hóa cho cán bộ cao cấp, ngôi nhà được hóa giá ( bán rẻ), bà
vợ ông cũng bán ngôi nhà cũ, lấy tiền bỏ vào ngân hàng một ít.
Lúc này ông cũng đã bán ngôi nhà cũ và lấy một ngôi nhà của một gia
đình vượt biên khác, to lớn và đẹp đẽ hơn. Nhà này có vườn tược trồng đủ
loại cây ăn trái, lại có hồ tắm rộng rãi. Ngôi nhà vốn do một kiến trúc
sư xây cất. Ông kiến trúc sư này là trước kia cùng sang Pháp và quen
thân với Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm. Ông đã che dấu và giúp đỡ hai ông
khi hai ông hoạt động chống Pháp. Năm 1945, cộng sản giết hai ông, và họ
cũng thủ tiêu luôn ông. Ít lâu sau, bà vợ ông bèn bán nhà cửa, lui về
miền Hậu giang ẩn náu ở quê chồng. Lúc bấy giờ, ông giáo Bảo là người
Phan Thiết, vào dạy học tại trường tiểu học Bàn Cờ Sài gòn và đã đến
tuổi hưu trí. Ông đã nhiều lần về Nhà Bè thăm bạn bè nơi đây, thấy cảnh
trí ở đây hữu tình, có sông rộng, có ruộng đồng, không khí trong lành,
cảnh vật yên tĩnh cho nên đã bỏ tiền mua nhà của ông kiến trức sư cùng
ít ruộng đất làm gia sản.
Từ khi về hưu trí, ông giáo sống rất thanh nhàn và vui vẻ. Sáng dậy,
ông dậy sớm uống trà hay cà phê, và coi báo, đọc sách. Chiều ông ra vườn
chăm sóc vườn tược. Ông trồng cây mới, tưới bón cho rau và hoa quả. Ông
bỏ rât nhiều thì giờ để uốn các cây thành con lân, con phượng. Bà giáo
khi còn ở Sài gòn làm nghề buôn bán. Bà có một gian hàng bán vải tại chợ
Tân Định. Sau khi dời nhà về Nhà Bè, bà lại tiếp tục buôn vải tại đây.
Ông bà giáo sinh đưọc ba trai hai gái. Hai gái đã lấy chồng buôn bán và
làm việc ở Sàigòn. Người con trai lớn làm đại úy, người con trai thứ làm
quận trưởng và người con út làm thiếu úy. Ông đại úy và ông quận trưởng
đã có vợ con, riêng ông thiếu úy còn độc thân. Ông đại úy và thiếu úy
sống chung với bố mẹ. Khoảng 1970, ông giáo từ trần, bà giáo vẫn tiếp
tục buôn bán. Sau ngày 30-4-1975, ông quận trưởng theo anh em bỏ ra nươc
ngoài. Còn ông đại úy và thiếu úy vẫn ở với mẹ.
Khắp nơi, người ta vượt biên. Ông đại úy đem vợ con đi vượt biên, ông
thiếu úy cũng muốn đi nhưng bà mẹ không cho. Thương mẹ ở một mình đơn
chiếc, ông thiếu úy cũng dẹp chuyện đi xa. Sau khi ông đại úy ra đi,
công an vào nhà làm biên bản tịch thu cửa nhà vì dây là nhà ngụy quân
vượt biên. Lúc này ông Bình đã làm chi phó cảnh sát. Công an đuổi bà
giáo ra khỏi nhà, tịch thu tài sản . Bà giáo uất ức, không chịu ra đi.
Năm sáu công an xông vào kéo bà, bà tức giận đập đầu vào tường mà chết.
Ông thiếu úy thương mẹ, lớn tiếng chửi mắng công an. Chúng xông lại đánh
ông gần chết. Chúng giam ông và đưa ra tòa xử bắn về tộI phản động. Lúc
này căn nhà này hoàn toàn vô chủ, công an tịch thu, và ông Bình được ở
căn nhà này.
Lúc này, ông Bình lên tột đỉnh vinh hoa. Trong nhà ông đuợc trang bị
đầy đủ, có TV màu , radio kiểu mới, điện thoại, computeur , đủ các loại
đồ chơi đắt tiền và các máy chơi games mặc dầu lương tháng chỉ vài chục
đồng, không đủ hút thuốc lá.
Ông trưởng chi công an làm ăn càng ngày càng khá. Hằng ngày ông cho
bộ hạ mang đến mỗi cửa hàng ăn uống, mỗi chỗ nhậu năm muơi gói đậu phụng
da cá, năm mươi gói kẹo cao su, bắt buộc phải tiêu thụ hết. Chủ nhà
hàng thấy khách đến thì đưa ra, khách không ăn thì bọn chiêu đãi viên ăn
hết, hoặc bỏ túi và khách phải trả một số tiền rất đắt. Ngoài ra, ông
còn biết bao mối lợi khác to lớn vô cùng. Năm tháng qua, bố thằng Trung
đã trở thành một nhà tư sản.
Sau khi tắm sông và đi bắn chim, bọn thằng Phước về nhà thằng Trung
để bơi hồ tắm và chơi games. Thằng Trung được bạn bè yêu thích vì nó có
nhiều đồ chơi hiện đại cho dù nó là đứa học lười, học kém nhất trong
lớp. Tuy học kém, hàng tháng nó vẫn được điểm cao, duợc cả bảng danh dự
bởi vì ông hiệu trưởng vốn là đồng hương với bố thằng Trung. Chơi chán,
cả bọn tụ lại dưới gốc dừa hóng mát. Bỗng con chó cât tiếng sủa mấy
tiếng rồi chạy ào vào nhà. Cả bọn nhìn theo thì thấy con chó đuổi theo
mấy con chuột cống thiệt bự. Cả bọn vội đuổi theo . Chúng nó la hét rầm
trời và hào hứng mở cuộc săn chuột. Đứa cầm gậy, cầm chổi chặn các ngõ
ngách trong nhà thằng Trung. Một con chuột nhảy qua chân thằng Trung rồi
chui vào dưới gậm giường. Thằng Tư vội chui vào gầm giường xua đuổi.
Hai con chuột nhảy vọt ra. Cả bọn reo hò. Chúng đập lung tung và tiếp
tục la hét khiến cho mấy con chuột sợ hãi chạy quýnh quáng. Con chó sủa
om sòm và sục sạo khắp nơi. Thằng Năm suýt đập trúng con chuột. Thằng
Sáu chạy tới dánh một gậy. Con chuột nằm lăn ra. Chuột kêu eng ech như
heo kêu. Thằng Trung nhảy tới chụp trúng đuôi chuột, chuột quay lại cắn
tay thằng Trung một miếng. Thằng Trung không chịu buông, lấy chân đè con
chuột. Thằng Thành xông tới bắt con chuột trói lại. Cả bọn thắng lợi
hoàn toàn, vui vẻ ca hát vang trời. Thằng Trung bèn đề nghị lập tòa án
xử chuột. Cả bọn vui vẻ nhảy cà tửng.Thằng Trung đem chuột treo lên cây
ổi cách nhà tắm chưa đầy một thước. Cả bọn vây xung quanh gốc cây. Thằng
Trung được cả đám bầu làm chánh án. Thằng Trung sửa lại bộ tịch, bắt
chước bố nó trong vai chánh án xử tử ông thiếu úy và mấy tên phản động,
bước ra dõng dạc tuyên bố:
Thay mặt chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chánh án Lê
Văn Trung tuyên bố xử tử phản động Đinh Văn Chuột đã phạm tội chống đối
cách mạng.
Cả bọn ngồi dưới hô to: Xử tử, xử tử! Đả đảo Đinh Văn Chuột! Đả đảo Đinh Văn Chuột!
Thằng Thành em thằng Trung chạy vào nhà tắm rót một chai xăng nhỏ
rưới vào mình chuột. Thằng Phước lấy bật lửa Trung quốc châm lửa. Lửa
cháy rần rần bốc lên cao làm cháy dây cột chuột. Con chuột vùng chạy
thoát, mang theo một dòng lửa đỏ rực. Cả bọn chạy theo. Con chuột cuống
cuồng chạy vào nhà tắm, bỗng từ nhà tắm xăng bốc lên cháy ầm ầm và phát
sanh những tiếng nổ rất lớn. Lửa đỏ bốc cao và tỏa rộng làm bay nhà tắm
và đốt cháy cả bọn thằng Trung trong nháy mắt. Lửa cháy lên cao, từ nhà
tắm cháy sang nhà bếp và nhà lớn. Khi xe chửa lửa đến thì căn nhà rộng
rãi của thằng Trung đã hóa thành đống tro tàn, thêm vào đó xác bảy đứa
trẻ, và xác của ngưòi mẹ già của ông Bính, nay 60 tuổi lại mù lòa không
chạy thoát được.
Bố thằng Trung là
trưởng chi công an, mẹ nó là trưởng chi thương nghiệp, hai người là cán
bộ cao cấp của huyện nên được tiêu chuẩn xăng dầu rất cao, mỗi tháng hơn
100 lít xăng và khoảng 100 lít dầu hôi. Số xăng dầu thừa thải quá
nhiều, mỗi tháng ông đem bán cho tụi con buôn xăng lẻ ngồi đầu đường
cũng bộn tiền. Ông Bình vốn là người cẩn thận, ông đã đem mấy thùng xăng
để trong nhà tắm, còn dầu hôi bỏ trong bếp nhưng thằng Thành khi lấy
xăng đã quên đậy nắp cho nên con chuột mang lửa chạy vào đã đốt cháy cả
gia sản ông. Nghe nói cuộc hỏa tai này đã làm cho ông cháy mất hơn mấy
trăm ngàn đô la là số tiền tích trử trong bao năm làm ăn tại đất Sàigòn
của hai vợ chồng ông. Nhưng đau đớn nhất là ông Bình đã mất hai đứa con
và một mẹ già!
Sơn Trung
No comments:
Post a Comment