Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 13 April 2019

Vua ‘chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện chính phủ Việt Nam

Hình minh họa. Ông Trịnh Vĩnh Bình
Hình minh họa. Ông Trịnh Vĩnh Bình
RFA
Vua ‘chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình, việt kiều Hà Lan đã thắng kiện chính phủ Việt Nam trong vụ kiện ‘thế kỷ’ đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la. Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình cho Đài Á Châu Tự Do biết tin này vào ngày 10/4 vừa qua sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp.
Ông Trịnh Vĩnh Bình không muốn công bố cụ thể số tiền mà chính phủ Việt Nam sẽ phải trả ông là bao nhiêu và bao giờ sẽ phải thực hiện. Tuy nhiên bản tin của VOA vào ngày 11/4 trích phán quyết của tòa cho biết chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình tổng cộng 37.581.596 đô la thiệt hại và gần 7,9 triệu đôl a án phí. Trong số này có 10 triệu đô la tiền tổn thất về tinh thần. Đài Á Châu Tự Do chưa thể xác định được thông tin này. Tòa Trọng tài Quốc tế từ chối cung cấp thông tin về vụ án và phán quyết của tòa.
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do sau phán quyết của tòa, ông Bình nói “Chính phủ Việt Nam cần phải cẩn thận. Không dễ gì tịch thu tài sản của người khác. Chắc chắn sẽ còn những vụ kiện khác nữa trong thời gian tới”.
Ông Trịnh Vĩnh bình không cho biết cụ thể sắp tới ông sẽ kiện chính phủ Việt Nam những gì.
Đây là vụ kiện lần 2 giữa ông Trịnh Vĩnh Bình và chính phủ Việt Nam được bắt đầu vào năm 2014. Ông Trịnh Vĩnh Bình đòi chính phủ Việt Nam bồi thường vì vi phạm luật đầu tư liên quan đến Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Hà Lan và Việt Nam và vi phạm nhân quyền vì bắt giữ ông trái pháp luật.
Theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước, Việt Nam sẽ phải tuân thủ phán quyết của tòa.
Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu.
Công ty Bình Châu của ông Trịnh Vĩnh Bình trước khi bị tịch thu. Courtesy of Trịnh Vĩnh Bình
Nhà triệu phú  Trịnh Vĩnh Bình từng đem 3 triệu đô la Mỹ về đầu tư ở Việt Nam vào cuối năm 1987. Tuy nhiên vào năm 1998, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt ông với cáo buộc hối lộ và vi phạm các quy định về quản lý – bảo vệ đất đai. Ông bị giam 18 tháng 20 ngày và 1 năm 6 tháng quản chế. Năm 1999, ông bị tuyên án tù 11 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản.
Năm 2000, ông Trịnh Vĩnh Bình trốn ra ngoài và vượt biên về Hà Lan. Đến năm 2003, ông khởi kiện nhà nước Việt Nam tại Trung tâm trọng tài Thương mại Stockholm, Thụy Điển, đòi bồi thường trên 150 triệu đô la.
Vào tháng 12 năm 2006, trước khi vụ kiện diễn ra, Việt Nam đã thương lượng với ông Bình để ký một thỏa thuận tại Singapore mà theo đó ông Bình ngưng vụ kiện và chính phủ Việt Nam cam kết trả lại tài sản, bồi thường các khoản chí phí phát sinh từ việc theo đuổi phiên tòa, cũng như tạo điều kiện để ông trở lại đầu tư ở Việt Nam. Đổi lại, phía Việt Nam đề nghị ông Bình phải rút đơn khỏi tòa Trọng tài Quốc tế và không tiết lộ nội dung thỏa thuận.
Tuy nhiên đến năm 2014, ông Bình tiếp tục kiện chính phủ Việt Nam lần thứ hai tại Tòa trọng tài Quốc tế ở Paris, Pháp với cáo buộc Việt Nam không thực hiện đúng cam kết trả tiền và tài sản cho ông trong lần thỏa thuận ngoài tòa lần trước. Ông Bình mướn văn phòng luật sư King & Spalding LLP ở Houston, Texas, đại diện cho ông.
Vào tháng 8 năm 2017, sau phiên tòa ở Paris, ông Bình xuất hiện ngoài phiên tòa với gương mặt vui vẻ và ra dấu hiệu chiến thắng nhưng phán quyết của tòa vẫn chưa được công bố.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ, Phó Thủ tướng Mai Tiến dũng sau đó nói với báo chí trong nước rằng: “Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh rất bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào trong nước. Hiện nay tòa án quốc tế đang xem xét, với việc tranh chấp, vi phạm điều luật. Như các báo đều biết, vì vấn đề bảo hộ đầu tư nên một địa phương, một cơ quan nào vi phạm hoặc không thực hiện đúng cam kết, không thực hiện đúng điều luật thì nhà đầu tư nước ngoài đều kiện Chính phủ"
Nói với Đài Á Châu Tự do sau phán quyết của tòa, ông Trịnh Vĩnh Bình cho biết kết quả vụ kiện lần này của ông sẽ là án lệ cho các vụ kiện sau này tại Việt Nam đối với những người dân mất đất và tài sản khác.

No comments:

Post a Comment