Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 29 July 2019

Hơn hai thế kỷ nhộn nhịp Chợ Lớn - Sài Gòn



Hơn hai thế kỷ nhộn nhịp Chợ Lớn - Sài Gòn
Ông khói của một xưởng xay xát gạo được xây bên bờ rạch Chợ Lớn trong những năm 1910. Ảnh trích từ http://www.space-in-asia.net/arroyo-chinois/Nadal



Chợ Lớn - quận 5 được coi là huyết mạnh của Sài Gòn, là nơi cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân. Chợ An Đông, chợ Kim Biên, chợ Bình Tây, chợ vải Soái Kình Lâm, thương xá Đại Quanh Minh, phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông… nổi tiếng không chỉ ở Sài Gòn mà khắp vùng châu thổ Cửu Long đều biết đến.

Từ đồ gia dụng, tạp hóa đến thiết bị điện tử hay vải vóc, quần áo, tất cả đều có thể tìm được trong khu Chợ Lớn sầm uất, tấp nập. Được người Hoa thành lập vào thế kỷ XVIII, hiện Chợ Lớn vẫn chủ yếu là nơi sinh sống, kinh doanh của người gốc Hoa và là một điểm du lịch không thể bỏ qua khi tới Sài Gòn.
Trước khi sáp nhập với Sài Gòn vào năm 1931, Chợ Lớn là một đô thị riêng biệt, tự quản về mặt hành chính và tài chính. Ngay năm 1859, sau khi đã bình định được Gia Định (tên gọi Sài Gòn xưa), người Pháp đã từng bước mở đường nối liên hai khu đô thị, mở thêm tuyến tầu điện và cuối cùng là quy hoạch hai bên bờ rạch Chợ Lớn. Tên gọi chung « Sài Gòn-Chợ Lớn » được rút ngắn thành Sài Gòn vào năm 1956.
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), cho rằng không thể tách rời lịch sử Chợ Lớn với sự hình thành cộng đồng người Hoa ở Nam Kỳ.
« Đây là một đô thị có lịch sử khá lâu đời, vào khoảng thế kỷ XVIII. Người ta cho rằng Chợ Lớn có thể được hình thành khoảng năm 1779. Vào thời kỳ đó, tình hình ở Việt Nam bị xáo trộn khá nhiều. Có nhiều cuộc nổi dậy ở khu vực mà sau này trở thành Nam Kỳ (Cochinchine), trong đó phải kể tới cuộc khởi nghĩa Tây Sơn chống các chúa Nguyễn. Cũng chính vào thời kỳ đó, người Trung Quốc lập nghiệp và sinh sống ở Biên Hòa buộc phải tháo chạy và lánh loạn ở một thị trấn cách không xa Sài Gòn. Và từ đó, họ hình thành một khu dân cư đầu tiên, sau này được gọi là Chợ Lớn ».
Làn sóng người Hoa đầu tiên, gồm khoảng 3.000 người trung thành với triều đình nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ năm 1644 (do hai tướng người Hoa, Dương Ngạn Địch (Yang Yandi) và Trần Thượng Xuyên (Chen Shangchuan) dẫn đầu), chạy xuống miền nam Việt Nam vào năm 1679 và phục vụ chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền). Chúa Hiền để họ xuống lập cư ở vùng đất hoang vu, lúc đó vẫn thuộc vào vương quốc Champa, để gây ảnh hưởng. Người Hoa đã lập nên nhiều thị trấn, như Biên Hòa, và phát triển các nghề nông nghiệp và trồng lúa. Đợt di cư thứ hai của người Hoa đến Nam Kỳ diễn ra trong cuộc nổi dậy Thái Bình (1851-1864) ở Trung Quốc.
Nguồn gốc tên gọi Chợ Lớn
Theo ông Laurent Gédéon, rất khó truy tìm được gốc tích tên gọi Chợ Lớn, được đặt cho thị trấn nhỏ hình thành bên bờ rạch Bến Nghé nhờ một số người Hoa chạy khỏi Mỹ Tho vì bị quân Tây Sơn trấn áp do giúp chúa Nguyễn :
« Trước khi được gọi là Chợ Lớn, khu vực sinh sống của người Hoa có thể có một tên gọi cổ hơn nhưng chưa có đủ tài liệu chứng minh, đó là Tignan (phát âm theo tiếng Quảng Đông là Taingon). Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là tên gọi của loại cây bông gòn, nhưng tên gọi này cũng chưa được các nhà nghiên cứu kiểm chứng. Họ giả định rằng có thể cách phát âm « Taingon » sau này được đặt cho khu vực người Hoa sinh sống. Còn tên gọi « Chợ Lớn » dường như là cách gọi của người Việt dành cho khu vực đó và có liên quan đến hoạt động thương mại của người Trung Quốc ».
Thực vậy, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, cụm từ « Sài Gòn » vẫn là tên gọi dành cho khu người Hoa. Còn Bến Nghé (lấy tên từ rạch Bến Nghé) là tên gọi của Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Chỉ bắt đầu từ năm 1860, Sài Gòn và Chợ Lớn, tên gọi chính thức của hai đô thị, bắt đầu xuất hiện trong các tài liệu lưu trữ Pháp.
Rạch Bến Nghé, nhánh sông Sài Gòn nối hai đô thị, cũng được đổi tên nhiều lần dưới thời Pháp thuộc, như arroyo de l’Avalanche (tạm dịch : rạch lở) và arroyo chinois (rạch người Hoa). Tên gọi rạch người Hoa thường được người Pháp sử dụng vì con rạch này nối đô thị của người Việt với thị trấn của người Hoa, cách đó 5 km.
Chợ Lớn : Từ khu sình lầy thành trung tâm thương mại
Sau khi nhà Nguyễn được thành lập, người Hoa di cư từ Mỹ Tho ở lại khu vực sình lầy toàn cây gòn, gần Bến Nghé. Họ đồng sức biến khu đất hoang vu thành nơi định cư lâu dài với những cây cầu gỗ nối hai bờ rạch Bến Nghé, gia cố bờ kè bằng đá, lập bến bãi cho tầu hàng, mở rộng và đào thêm những con rạch mới… Nhà nghiên cứu Laurent Gédéon nhận xét :
« Sự chuyển hóa này liên quan đến cách tự tổ chức của người Hoa. Họ có xu hướng quây quần với nhau, thường là do quan hệ họ hàng, nhưng nói chung, họ rất đoàn kết. Cần phải biết là điều bảo đảm cho việc người Hoa có thể tiếp tục tồn tại được trong vùng là họ phải phát triển được quan hệ hợp tác, trao đổi với người dân địa phương. Đây có lẽ là lý do chính để họ chú tâm đến phát triển hoạt động kinh tế, giúp họ trở thành những nhân tố có sức hút tích cực đối với người dân địa phương.
Chính khả năng tự tổ chức và làm việc tập thể chắc chắn đã góp phần vào việc họ đã thích ứng được với môi trường, được cho là khó sống, vì đó là vùng đầm lầy và cần phải xây dựng, rồi quy hoạch thì mới biến thành vùng sinh sống được.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cuộc sống địa phương khá phức tạp và chắc chắn là người Hoa, cũng như những cộng đồng người Việt khác sinh sống ở đó, phải đối mặt với rất nhiều căn bệnh mãn tính liên quan đến độ ẩm, côn trùng và khí hậu ».
Năm 1820, trục giao thương của Cam Bốt thông qua Chợ Lớn và Mỹ Tho được hoàn thành và ngay từ năm 1830, người Hoa ở Chợ Lớn xuất khẩu hàng năm 12.000 thùng tô-nô gạo, 2.200 thùng sợi bông, 400 thùng đường, 20 thùng sáp ong… ngoài ra còn phải kể đến hải sâm, ngà voi, các loại cây thuốc…
« Giai đoạn thực dân Pháp là thời kỳ rất thuận lợi đối với người Hoa vì khi đến Nam Kỳ, người Pháp đã chú ý đến cộng đồng này. Chính quyền Pháp cũng nhanh chóng hiểu rằng họ sẽ có lợi khi hợp tác với người Hoa, một mặt nhờ vào cách tổ chức xã hội rất chặt chẽ của người Hoa, mặt khác là nhờ vào việc họ duy trì được mối tiếp xúc liên tục và tích cực về mặt kinh tế với người dân Việt ở địa phương.
Vì thế, người Pháp để cho khu Chợ Lớn tự quản lý. Cộng đồng người Hoa tổ chức thành các phường hội, có nghĩa là những nhóm người có cùng nguyên quán hoặc thổ ngữ. Họ thay nhau quản lý về tất cả những vấn đề liên quan đến tài sản tập thể như bệnh viện, nghĩa trang, trường học... Còn chính quyền thuộc địa quản lý tất cả những vấn đề về kinh tế, luật pháp, thuế khóa trong quan hệ trực tiếp với các đại diện của cộng đồng người Hoa ».
Nhờ được tự quản, khu Chợ Lớn ngày càng phát triển về kinh tế cũng như dân số. Rất nhiều người từ Trung Quốc sang gia nhập cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Khu đô thị được mở rộng, nhiều cửa hàng lớn mọc lên dọc phố Quảng Châu (rue de Canton), những kho hàng rộng hơn được dựng bên bờ kè Gia Long và xuất hiện nhiều xưởng đóng tầu, xưởng công nghiệp nhỏ. Chợ Lớn có đến 8 xưởng xay xát gạo ở bên bờ phía nam sông Lò Gốm (nay là kênh Tân Hóa-Lò Gốm).
Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay qua hình ảnh
Rất nhiều hình ảnh, bản đồ về Chợ Lớn nói riêng và Sài Gòn nói chung được tập trung trong kho lưu trữ Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh trên trang http://virtual-saigon.net/. Theo nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Gédéon, người phụ trách phần Saigon-Cholon, au fil de l’eau (Sài Gòn - Chợ Lớn, theo dòng nước), chương trình do Viện Đông Á (Institut d’Asie orientale), trường Sư phạm Lyon, phát triển năm 2013, trong khuôn khổ năm Việt Nam tại Pháp.
« Đây là một website tương tác kỹ thuật số, chương trình bao trọn thành phố Sài Gòn. Trong chương trình này, công việc của tôi chủ yếu tập trung vào khu vực Chợ Lớn. Mục đích là tập hợp tối đa dữ liệu về khu vực này, chủ yếu gồm hình ảnh, bản đồ, các bài viết về Chợ Lớn… để các nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến lịch sử hình thành thành phố có thể truy cập tham khảo.
Liên quan đến Chợ Lớn, tôi đã thiết kế một số chương trình khám phá qua hình ảnh, có nghĩa là những phần giới thiệu bằng hình ảnh được sắp xếp theo chủ đề liên quan đến thành phố. Ví dụ tôi lập hành trình khám phá con kênh Tàu Hủ-Bến Nghé chảy ngang Sài Gòn và nối Chợ Lớn với Sài Gòn để cho thấy con kênh này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển hoạt động kinh tế của Chợ Lớn, cũng như mối liên hệ được hình thành giữa Chợ Lớn và thành phố Sài Gòn ».
Ngoài những hình ảnh, bản đồ trích từ lưu trữ, « hành trình khám phá thị giác » vẫn tiếp tục được bổ sung để phác lại quá trình đô thị hóa của Sài Gòn-Chợ Lớn từ thời thuộc địa đến nay. Các nhà nghiên cứu mong muốn có được một cơ sở dữ liệu thường xuyên được cập nhật với những thông tin mang tính thời sự gắn liền với sự phát triển của khu vực Chợ Lớn và thành phố Hồ Chí Minh.
***
Địa chỉ để truy cập thông tin về lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn :
http://virtual-saigon.net/

Cùng chủ đề
  • TẠP CHÍ VĂN HÓA

    Nhà thờ Đức Bà, đặc trưng kiến trúc Pháp giữa lòng Sài Gòn
  • TẠP CHÍ XÃ HỘI

    « President Hotel » tại Sài Gòn : Một thời để nhớ…
  • VIỆT NAM - TP. HỒ CHÍ MINH

    Thành phố Hồ Chí Minh : Đô thị hoá và thách thức


http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190722-hon-hai-the-ky-nhon-nhip-cho-lon-sai-gon

No comments:

Post a Comment