Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 29 July 2019

SƠN TRUNG * CHIÊM TINH GIA ĐINH SƠN

SƠN TRUNG * CHIÊM TINH GIA ĐINH SƠN

 

CHIÊM TINH GIA ĐINH SƠN


Đinh Sơn quê ở ngoại thành Qui Nhơn. Thân phụ ông làm lý trưởng, có một cái nhà ngói và vài mẫu ruộng. Khi Nguyễn Nhạc khởi binh, bọn Lý Tài, Tập Đình cướp phá xóm làng, thân phụ của Đinh Sơn không chịu cung ứng vàng bạc, lúa gạo cho bọn họ nên bị Lý Tài kết tội là địa chủ, phong kiến, cường hào, ác bá rồi bắt giết. Đinh Sơn sợ hãi, bỏ vợ con trốn vào Gia Định sinh sống qua ngày. Đinh Sơn không được học hành nhiều cho nên vốn liếng chữ nghĩa cũng không là bao. Ông theo một ông thầy bói ở Gia Định học nghề bói toán. Ít lâu sau, ông thầy bói chết, Đinh Sơn nối nghiệp thầy mở một cửa hàng tướng số tại hương lộ 18, sau trở thành tỉnh lộ, là con đường nối liền Gia Định và Tây Ninh, và sau này thành khu Bà Quẹo, gần khu Bình Hưng Hòa.
Đinh Sơn làm ăn cũng khấm khá, mua được một căn nhà ngói ở mặt tiền, và cũng đã lập một gia đình mới, gồm một vợ và ba con. Khu nhà Đinh Sơn vốn xưa là một khu rừng. Sau khi chúa Nguyễn mở mang miền Nam, lập Gia Định trấn, khu này trở thành khu tân lập, gồm những người Bắc, người Thanh Nghệ theo Nguyễn Hoàng vào từ trước, và một số bà con người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phan Rang vào sau. Những người này sinh sống bằng nghề canh nông, một số đốn cây rừng từ Tây Ninh về cưa xẻ làm bàn ghế đem về Gia Định , Đồng Nai bán. Một số chuyên buôn hàng từ biên giới Miên Lào về Gia Định và chuyển hàng từ Gia Định đi Miên, Lào.
Khi quân Tây Sơn đánh thành Gia Định quân chúa Nguyễn thua đậm. Chúa Nguyễn phải bỏ chạy ra ngoài. Nguyễn Lữ ra lệnh tịch thu tài sản của những quan lại theo chúa Nguyễn, và những thương gia giàu có tại miền Nam. Những tướng tá và binh lính chúa Nguyễn đều bị bắt giam trong rừng sâu. Những thầy tu, thầy bói cũng bị giam giữ. Thậm chí có người bị giết. Đinh Sơn cũng bị bắt giam một thời gian.

Bỉ nhân cư ngụ tại Gia Định . Hôm hôm cưỡi ngựa đi thăm một người bạn ở vùng này, nhân đi qua nhà nọ, thấy bảng hiệu “Đinh Sơn, chiêm tinh gia” bèn xuống ngựa vào chơi. Vốn từ lâu, nghe danh Đinh Sơn nhưng chưa có dịp gặp mặt. Nay qua đây, tôi muốn vào thăm. Đinh Sơn có nhà, ông vui vẻ tiếp tôi. Trong khi ông xin phép vào nhà thay y phục, tôi nhìn xung quanh thì thấy căn nhà cũng khá đầy đủ tiện nghi như bao gia đình bực trung tại Gia Định lúc này, mặc dầu nền nhà có những vết cạy phá, chưa kịp sửa sang. Đinh Sơn chuyên coi tử vi. Tại phòng khách , ông vẽ lên tường một bản tử vi to bằng cái chiếu. Khi ông ra tiếp tôi, ông bưng ra một khay trà mời khách. Chúng tôi cùng uống trà đàm đạo như hai người bạn quen thân. 
Ông bảo tôi viết tên tôi vào tay rồi nắm lại. Tôi che kín tay và viết tên tôi, thế mà ông nói rõ tên tôi. Tôi hỏi ông lá số của ai trên tường. Ông bảo đó là lá số của ông, rất giống lá số Nguyễn Nhạc, là lá số làm giặc, làm vua. Nhưng ông không làm vua được, mà làm giặc, làm kẻ chống đối bạo quyền, vì cung mệnh của ông có Sát, Phá tọa thủ. Ông cho biết, ông làm nhiều nghề. Khách muốn trừ tà, xin bùa ngãi, ông đều có. Ông bảo nhà ông có phủ thờ thần linh. Ông dẫn tôi lên xem. Trên gác, ông có cả một phủ thờ gồm khoảng một trăm bát nhang. Ngày rằm , mồng một và mỗi đêm , ông đều cúng kiếng thờ phụng nghiêm chỉnh.
 Ông là một thầy bói và cũng là một thầy pháp. Ông kể chuyện khi quân Tây Sơn vào, ông bị giam một năm. Nằm trong tù rất khổ sở, thân hình gầy ốm như quỷ đói. Khi ông ra tù về nhà thì nhà cửa bị cướp phá. Bọn quan quân Tây Sơn và bọn lưu manh lấy các cửa ngõ, dở gạch ngói nhà ông để xây nhà chúng, hoặc bán chợ trời. Ông nói:
-Thưa ông, vài tháng nữa, tôi và các thầy bói được lênh phải tập trung lên huyện học tập chính sách của triều đình. Tôi thà chết chứ không đi tù lần nữa. Bọn nó đến nhà tôi, thì tôi sẽ liều chết chống lại. Tôi đã chuẩn bị cả rồi.
Ông bưng chén trà uống một hơi rồi nói tiếp:
-Chúng nói chống mê tín, dị đoan, nhưng sự thực là chúng muốn độc quyền buôn thần bán thánh. chúng sợ các thầy bói cạnh tranh với chúng, cướp nghề của chúng. Nguyễn Nhạc vốn làm nghề buôn lậu, ăn cướp. Nguyễn Nhạc cho bộ hạ đốt lửa trên núi, giả làm thần linh, kêu Nguyễn Nhạc lên nhận kiếm thần. Nguyễn Nhạc ghét thầy bói vì sợ dân nghe lời thầy bói mà chống lại chúng. Ngày nay, có hai loại thầy bói. Một loại không theo chúng thì bị chúng khủng bố và bắt giam. 
Một số theo chúng thì trong nhà đã có người của Tây Sơn phục sẵn. Ai có ý chống triều đình, hớ hênh đến xem việc thành bại, hay chọn ngày hưng binh, hoặc tỏ ý bất mãn, phê phán triều đình thì chết với chúng. Nếu thường dân đến xem xuất hành cát hung thì thầy bói hỏi đi xa hay đi gần. Nếu đi xa thì bất lợi, mà đi sông biển tất chết.
Ông kể chuyện nhà của ông. Ông có hai đứa con trai với bà vợ trước ở ngoài Quy Nhơn. Chúng hăng hái theo Nguyễn Nhạc. Sau khi quân Tây Sơn nhập thành Gia Định, chúng tìm vào thăm ông. Chúng ở lại khoảng hai tháng thì về. Ngày chúng về quê, ông mua vải vóc, sâm nhung , và cho chúng mỗi đứa vài lượng vàng. Mấy ngày trước, chúng rất mềm mỏng, hiếu thảo, nhưng sau khi nhận vàng, chúng trở mặt. Chúng chỉ mặt ông chửi mắng.
Thằng cả nói::
-Ông không phải là bố tôi. Ông là một thằng giặc. Ông bỏ quê hương Quy Nhơn và Đại đế Nguyễn Nhạc, mà chạy vào Nam theo ngụy quyền Nguyễn Ánh. Ông bỏ chính nghĩa theo giặc bán nước. Ông là đồ phản bội dân tộc, phản bội tổ quốc.
Thằng hai tiếp theo:
Vi ông mả chúng tôi khổ. Chúng tôi không ngửng đầu lên nổi. Chúng tôi bị lý lịch xấu, bị triều đình nghi kị, hành hạ vì có thân phụ bỏ vào Nam. Chúng tôi xấu hổ vì ông. Ông vào Nam theo giặc, ông còn làm nghề bói toán là nghề mê tín dị đoan, lừa dối và bóc lột nhân dân. Người như ông phải ngồi tù suốt đời mới cải tạo được tư tưởng đồi trụy và lạc hậu!

Cuộc gặp gỡ đó cho tôi một cảm giác buồn. It lâu sau, tôi có việc phải qua vùng này. Khi đi qua nhà Đinh Sơn thì thấy quanh cảnh quạnh hiu. Ngôi nhà có vết đạn và vết cháy xém. Tôi ghé một nhà cách nhà Đinh Sơn vài căn , vào xin bát nước lã. Tôi hỏi bà cụ chủ nhà:
-Thưa bà , tại sao ngôi nhà bên cạnh trông tiêu điều lại có vết đạn và vết cháy như thế? Chủ nhân ngôi nhà là ai?
Bà chủ nhà cho biết câu chuyện như sau:
-Đó là nhà của ông thầy bói Đinh Sơn. Ông có lệnh tập trung cải tạo nhưng ông không chịu đi.. Ông cho vợ con đi ở chỗ khác. Huyện phái hai tên lính Tây Sơn đến nhà bắt ông lên huyện trình diện. Ông cầm dao đâm chết một tên. Tên thứ hai sợ hãi chạy ra ngoài. Giờ sau, lính Tây Sơn kéo đến nhà ông vây chặt. Ông đóng cửa, đứng trên gác bắn súng và cung tên sát hại vài tên. Hết tên, ông ném tạc đạn, và phóng lao. Quân Tây Sơn bắn súng, bắn tên và phóng gươm giáo vào nhà ông. Hai bên giao chiến một ngày. Thiên hạ kéo đến xem đông như ngày hội. Cuối cùng ông mở tạc đạn tự sát.

Nghe tin ông mất trong một hoàn cảnh bi hùng như vậy, tôi rất buồn. Trong khi bao nhà khoa bảng và bao nhà tu hành bỏ nhân nghĩa, cúi đầu, khom lưng trước bạo quyền, Đinh Sơn là một kẻ thất phu, dám đem tính mạng tranh đấu cho tự do và chống lại kẻ ác. Riêng đối với tôi, tôi cũng vô cùng cảm kích vì tấm thịnh tình của ông. Thời buổi loạn ly, cha con không dám tin nhau, vợ chồng tố cáo nhau, bè bạn phản trắc, xóm giềng rình rập vu khống để tâng công, thế mà gặp tôi lần đầu, ông đã thật dạ tin tôi, coi như tri kỷ, kể hết chuyện lòng. Nghe đâu sau vụ Đinh Sơn tuẫn tiết, triều đình bỏ lệnh tập trung và cải tạo các thầy bói.

No comments:

Post a Comment