Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 26 July 2019

Nếu phụ nữ ép đàn ông quan hệ tình dục, đó có phải là cưỡng hiếp?

  • 26 tháng 7 2019
  • Bản quyền hình ảnh Getty Images
    Image caption Hình minh họa
    Khi một người đàn ông cưỡng ép một người phụ nữ quan hệ tình dục, đó là cưỡng hiếp. Nhưng nếu một người phụ nữ cưỡng ép một người đàn ông quan hệ tình dục thâm nhập thì sao?
    Theo luật của Anh và xứ Wales, đó không phải là cưỡng hiếp nhưng tác giả của một nghiên cứu mới về hiện tượng này nói rằng có lẽ nó nên được công nhận như vậy.

    Cảnh báo: Sẽ có một số chi tiết gây sốc

    Tiến sĩ Siobhan Weare thuộc Trường Luật Đại học Lancaster đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về sự trường hợp "cưỡng bức xâm nhập" (forced penetration) ở Anh vào năm 2016-7, và thu thập thông tin từ hơn 200 người đàn ông thông qua một cuộc khảo sát trực tuyến.
    Nghiên cứu mới nhất của cô, được công bố trong tuần này - dựa trên các cuộc phỏng vấn một-với-một với 30 người đàn ông trong khoảng thời gian từ tháng 5/2018 đến tháng 7/2019, về trường hợp nữ hiếp dâm nam, hậu quả của nó và phản ứng của hệ thống tư pháp hình sự.
    Tất cả những người tham gia đều được ẩn danh, nhưng tôi sẽ gọi một trong số họ là John.
    John nói rằng dấu hiệu đầu tiên cho thấy có gì đó không ổn là khi bạn gái anh ta bắt đầu tự làm hại mình. Sau một sự cố đặc biệt đáng sợ, anh đã nhanh chóng đưa cô đến bệnh viện điều trị. Cặp đôi đã dành hàng giờ để thảo luận về nguyên nhân tâm lý đằng sau.
    Khoảng sáu tháng sau, thay vì làm hại chính mình, cô bạn gái bắt đầu chuyển hướng sang John.
    "Tôi đang ngồi trong phòng khách và cô ấy vừa rời nhà bếp, cô ấy đấm mạnh vào mũi tôi và rồi bỏ chạy cười khúc khích," John nói. "Tình trạng bạo lực sau đó bắt đầu xảy ra khá thường xuyên."
    Cô ấy đi làm về "và cơ bản là đòi hỏi tình dục", John nói. "Cô ấy sẽ rất bạo lực, và đến mức có lúc tôi sợ mỗi khi cô ấy đi làm về."
    Image caption "Chúng tôi sợ nói ra chuyện này, và nếu nói ra thì chẳng ai tin chúng tôi," những người đàn ông nói
    Có một lần John tỉnh dậy và phát hiện ra bạn gái còng một tay anh vào góc giường. Sau đó cô bắt đầu dùng một cái loa nhỏ đánh vào đầu anh, trói cánh tay còn lại bằng một sợi dây nylon và cố gắng ép anh quan hệ tình dục.
    Sợ hãi và đau đớn, John không thể làm theo yêu cầu của cô, vì vậy cô lại tiếp tục đánh và trói anh trong nửa giờ, trước khi quay lại và thả anh ra. Sau đó cô từ chối thảo luận về những gì đã xảy ra.
    Không lâu sau đó, cô bạn gái có thai và bạo lực giảm dần. Nhưng vài tháng sau khi em bé chào đời, John lại thức dậy vào một đêm và phát hiện ra mình lại bị còng tay vào giường.
    Sau đó, John nói bạn gái của anh ép anh nuốt Viagra. "Tôi không thể làm gì được," anh nói.
    "Sau đó tôi vào tắm, ngồi xuống và ở trong đó không biết bao lâu... Cuối cùng tôi đi xuống cầu thang. Câu đầu tiên cô ấy nói với tôi khi tôi đi vào phòng là 'Tối nay ăn gì?'"
    Khi John cố gắng nói điều này với mọi người quanh anh, nhưng luôn gặp phải sự hoài nghi.
    "Tôi bị hỏi tại sao tôi không rời đi. Đó là nhà của tôi mà tôi đã mua cho con tôi. Và mặt tài chính nữa, tôi bị kẹt trong mối quan hệ này vì vấn đề tài chính," John nói.
    "Tôi vẫn nhận được những phản ứng như, 'Tại sao anh không đánh lại cô ta?' Tôi nghe điều này khá nhiều. Điều đó nói dễ hơn làm. Tôi ước gì tôi từ bỏ mối quan hệ này sớm hơn."

    Câu chuyện của John cũng tương tự như câu chuyện của nhiều người đàn ông khác mà Tiến sĩ Weare đã phỏng vấn. Một trong những phát hiện của cô là thủ phạm trong các vụ án "cưỡng bức xâm nhập" (forced penetration) là nữ. Và là một tình trạng thường thấy trong vấn đề bạo lực gia đình.
    Những người đàn ông được phỏng vấn cũng nói về sự hoài nghi của những người xung quanh.
    "Anh chắc phải thích thế chứ nếu không thì anh đã khai báo sớm hơn", một người đàn ông nói một cảnh sát đã nói với anh như vậy.
    Một người khác thì nói: "Chúng tôi sợ nói về nó và xấu hổ, và khi chúng tôi nói về nó, chúng tôi không được tin, bởi vì chúng tôi là đàn ông. Làm thế nào một người đàn ông có thể bị xâm hại? Hãy nhìn anh ta, anh ta là một người đàn ông cơ mà."
    Những phát hiện khác của Weare bao gồm:
    • Đàn ông thường xấu hổ khi phải khai báo mình bị "cưỡng bức" - họ có thể khai báo bị bạo lực gia đình mà không đề cập đến lạm dụng tình dục
    • Tác động lên sức khỏe tâm thần người đàn ông có thể rất nghiêm trọng, bao gồm chứng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn), ý muốn tự tử và rối loạn chức năng tình dục
    • Một số người đàn ông khai báo đã bị tấn công nhiều lần - một số bị lạm dụng tình dục từ bé, một số người gặp phải các loại bạo lực tình dục khác nhau từ các thủ phạm khác nhau, bao gồm cả nam giới
    • Nhiều người đã có quan điểm khá tiêu cực về cảnh sát, hệ thống tư pháp hình sự và luật pháp
    Nghiên cứu của Weare phá vỡ ba định kiến.
    Một là chuyện nữ hiếp dâm nam là không thể vì đàn ông khỏe hơn phụ nữ.
    Điều thứ hai là đàn ông luôn mong muốn mọi cơ hội quan hệ tình dục với phụ nữ.
    Image caption "Đàn ông có thể có và duy trì sự cương cứng ngay cả khi họ sợ hãi"
    Một định kiến thứ ba bị phá vỡ là nếu đàn ông cương cứng thì có nghĩa họ muốn quan hệ tình dục. Trên thực tế, Weare nói, "sự cương cứng hoàn toàn là phản ứng sinh lý đối với sự kích thích".
    "Đàn ông có thể có và duy trì sự cương cứng ngay cả khi họ sợ hãi, tức giận, kinh hoàng v.v.", cô nói.
    "Cũng có nghiên cứu cho thấy phụ nữ có thể đáp ứng tình dục khi họ bị hãm hiếp (ví dụ như đạt cực khoái) vì cơ thể họ đang phản ứng sinh lý. Đây là vấn đề cho cả nạn nhân nam và nữ mà chưa được thảo luận một cách đầy đủ, nhưng có bằng chứng rõ ràng về điều này."
    Một số người tham gia vào nghiên cứu năm 2017 của Weare nói họ bị cưỡng dâm sau khi say rượu hoặc say thuốc và không thể ngăn cản những gì đang xảy ra.
    Một người được phỏng vấn nói anh về nhà với một người phụ nữ sau khi rời một câu lạc bộ đêm, và hoàn toàn ngất đi vì nghi ngờ anh đã bị chốc thuốc. Anh nói sau đó anh bị ép buộc quan hệ tình dục trái với ý muốn.

    Làm sao để được giúp đỡ


    Một người khác thì nói anh đã bị ép buộc quan hệ tình dục khi làm việc tại một trại mùa hè, khi còn là một sinh viên. Một nữ đồng nghiệp phát hiện ra lá thư anh ta viết cho bạn trai và đe dọa công khai với mọi người anh là người đồng tính trừ khi anh ngủ với cô ta.
    Cô ta nghĩ rằng nếu anh quan hệ tình dục với một người phụ nữ thì "điều này sẽ thay đổi cuộc đời tôi và tôi sẽ dị tính", anh nói. Khi đó anh chưa sẵn sàng công khai với gia đình và bạn bè về giới tình của mình nên cảm thấy mình không còn cách nào khác ngoài việc tuân thủ.
    Weare nói rằng hầu hết những người tham gia vào nghiên cứu mới nhất coi những trải nghiệm bị ép buộc của họ là "cưỡng hiếp", và một số người đã thất vọng khi biết nó không được công nhận là cưỡng hiếp theo luật của Anh và xứ Wales. Cũng có sự thất vọng rằng xã hội Anh rất có thể sẽ không nhận ra đó là cưỡng hiếp.
    "Khi nói về việc bạn gái của bạn đã từng say xỉn và cưỡng ép bạn, hãm hiếp bạn, nghe có vẻ như là giấc mơ của nhiều gã trai phải không?" một người đàn ông tham gia nghiên cứu nói.
    "Đi xuống quán rượu, bạn biết đấy, cô ấy hơi say, cô ấy hơi điên cuồng 'Yay! Ôi thật tuyệt vời! Tôi sẽ thích điều này!' Không, bạn thực sự sẽ không, bạn sẽ không thích đâu. Đó sẽ không như cách bạn nghĩ. "
    Tuy nhiên, một số nước khác công nhận hành vi này là hiếp dâm.
    Như trong một trong những bài nghiên cứu của Weare - có tiêu đề "Ồ, anh là một chàng trai, làm sao anh có thể bị một người phụ nữ hãm hiếp, điều đó thật vô lý" - cô chỉ ra rằng ở một số tiểu bang Hoa Kỳ, hiếp dâm được định nghĩa rộng rãi là quan hệ tình dục không có sự đồng thuận, và tại bang Victoria của Úc, cũng cho rằng cưỡng hiếp là hành vi xâm nhập trái ý muốn.
    Còn ở Việt Nam, kể từ 2018, theo Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, tội hiếp dâm được quy định như sau:
    "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm".
    Như vậy bất kể thủ phạm là nam hay nữ có hành vi vi phạm nêu trên đều bị xử lý về tội hiếp dâm. Tuy nhiên mặc cảm về định kiến xã hội vẫn có thể ngăn cản nhiều người lên tiếng khai báo.
    Bạn hay người thân đã từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục? Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với series xâm hại tình dục của BBC. BBC sẽ đảm bảo giữ bí mật danh tính của người chia sẻ theo yêu cầu.
    Bạn có thể gửi email đến địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk với tiêu đề: MetooVN hoặc điền form dưới đây:
    Your contact details
    https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-49083774

    No comments:

    Post a Comment