Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Monday, 29 July 2019

Triết lý Giáo dục Việt Nam hiện nay Phần 1. 

Thảm trạng vô minh của triết lý giáo dục Việt Nam Phạm Văn (Danlambao) - Trong nhiều năm gần đây người ta đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận về triết lý giáo dục với hy vọng có thể chấn hưng, phát triển giáo dục Việt Nam. Tiếc thay nhiều cuộc bàn thảo chỉ thiên về lý thuyết, nặng triết lý suông, tức là kẻ bàn về triết lý giáo dục chỉ nêu ra, “đề xuất” các triết lý “cho người khác thực hiện” và cũng không quan tâm có thực hiện được hay không, còn bản thân họ thì chưa từng thực hiện một triết lý cụ thể, đến nơi đến chốn nào. Nhiều người còn cho rằng ở Việt Nam chưa hoặc không có triết lý giáo dục. Nhưng điều quan trọng nhất là nói chung, người ta chẳng nói rõ được triết lý giáo dục là gì. Và cũng rất đáng nói là người ta hầu như không nói đến những triết lý giáo dục đã từng tồn tại ở miền Nam trước năm 1975. Tôi đã từng tham dự nhiều cuộc bàn thảo nói trên, nhưng chỉ sau khi đọc cuốn “Ngựa chứng trong sân trường” viết về giáo dục Việt Nam ở miền Nam, mới nhân đây nói về triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay. 1. Triết lý và triết lý giáo dục nói chung Để có thể nói, hiểu đúng về triết lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay trước hết phải nói về triết lý giáo dục và do đó, triết lý nói chung. Tôi hiểu triết lý không chỉ là nhận thức, tư duy mà còn là tình cảm, cảm xúc, ý chí và khát vọng, còn là sự kết hợp của tất cả những cái đó và chúng được thể hiện dưới nhiều hình thức với những mức độ nông sâu, cao thấp khác nhau, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Có triết lý bằng lời, có triết lý vô ngôn (im lặng) hoặc chỉ thể hiện bằng thứ “ngôn ngữ” của cử chỉ, hành vi. Có triết lý của khoa học, triết lý của văn chương, nghệ thuật, xã hội học, tôn giáo. Có triết lý đời thường, có triết lý của học giả, bác học. Có triết lý của mỗi lĩnh vực hoạt động, nhận thức, tinh thần cụ thể, đồng thời có lĩnh vực riêng của triết lý (triết học). Triết lý có thể là từng luận điểm, quan niệm, tư tưởng hay gọi chung là ý thức riêng biệt, nhưng có thể là một, là những hệ thống như các học thuyết, các triết thuyết. Triết lý có thể tồn tại dưới hình thức lý thuyết, có thể đi vào thực hành, là chính quá trình thực hành-thực tiễn. Trong nhiều trường hợp người ta sử dụng chữ “triết lý” và “triết học” (philosophy) như nhau nhằm nhấn mạnh nội dung cơ bản, tinh thần hay tư tưởng căn bản của học thuyết, triết thuyết nào đó. Theo đó, triết lý là ý thức đến cùng về mọi tồn tại. Ý thức đến cùng là ý thức về bản chất, về cái căn bản, cái toàn bộ (một cách tương đối) của mọi tồn tại, mà mọi ý thức, hoạt động khác nhau của con người phải lấy đó làm căn cứ hay cơ sở để triển khai, thực hiện. Những ý thức, hoạt động riêng biệt của con người chỉ được xem là có căn cứ, do đó có thể tin cậy được nếu như nó dựa trên những triết lý nhất định, dựa trên việc đã ý thức đến cùng về lĩnh vực hoạt động của nó, hơn thế về tồn tại nói chung. Tùy theo các mức độ, phạm vi hoạt động mà những ý thức đến cùng này được hiểu với tư cách những triết lý tương ứng, trong đó ý thức đến cùng về tồn tại nói chung được hiểu là triết lý siêu hình hoặc siêu hình học. Hơn thế, ý thức đến cùng về tốn tại có nghĩa là triết lý phải được thực hiện đến cùng. Sẽ nói rõ thêm điều này ở đoạn dưới. Trong các triết lý những triết lý đúng đắn, sáng suốt, tốt đẹp hay có ý nghĩa, giá trị được gọi là minh triết, còn triết lý sai lầm, mơ hồ, viển vông, vô nghĩa được gọi là vô minh triết (triết lý vô minh). Có triết lý về căn bản là minh triết, có triết lý chỉ có những yếu tố minh triết còn về toàn bộ là vô minh triết. Mỗi lĩnh vực hoạt động, trong đó có giáo dục, nhất là đời sống xã hội nói chung, thường có nhiều triết lý hoặc hệ thống triết lý trong đó có triết lý hoặc những triết lý nền tảng. Vì vậy, một hệ thống được xem là minh hoặc vô minh chủ yếu căn cứ vào chỗ triết lý, những triết lý nền tảng ấy là minh hoặc vô minh. Tuy nhiên, tính chất minh hay vô minh của một triết lý, hệ thống triết lý là quá trình, có tính chất mở, tương đối, chứ không cứng nhắc, một chiều. Vì thế, không có triết lý hoàn toàn hay tuyệt đối minh hoặc vô minh, giá trị hoặc vô giá trị. Nói chung, các triết lý tự nó mang nội dung giá trị và tư tưởng. Về mặt giá trị, triết lý chỉ có thể tồn tại trong quan hệ-trao đổi với đời sống, giữa con người và con người. Về mặt tư tưởng, những con người, cá nhân đã nêu ra, đề xuất các triết lý phải là người thực hiện chúng, đi với chúng đến cùng. Điều này cũng có nghĩa là triết lý không tồn tại một cách chung chung, trừu tượng, chỉ trên lý thuyết, tức là tách khỏi những con người, cá nhân cụ thể. Một triết lý luôn xứng tầm với kẻ đề xuất nó cả về tinh thần và thực tiễn. Cho nên, triết lý không đưa đến hành động, không khiến con người phải thực hiện nó đến cùng, sống chết vì nó (“chết cho tư tưởng”), thì đó không phải là triết lý mà chỉ là triết lý suông, hoặc nửa vời. Không thể chấp nhận được, không thể hình dung nổi có triết lý-minh triết ở ngoài con người, không được và không thể thực hiện được. Đây có lẽ là một trong những khía cạnh đặc trưng nhất của triết lý khiến ta hiểu thêm về “một loại triết lý” nói chung và triết lý giáo dục đang tồn tại ở Việt Nam hiện nay. Căn cứ vào nội dung trên, ta hiểu triết lý giáo dục là ý thức đến cùng về giáo dục với tư cách một mặt, một lĩnh vực của tồn tại xã hội, của đời sống con người, xã hội. Cho nên, mỗi câu hỏi được đặt ra và cần phải trả lời như bản chất, mục đích, chủ thể, đối tượng giáo dục, nội dung, các hình thức, ý nghĩa, vai trò và các phương pháp giáo dục v.v., là gì? đều hàm chứa nhiều triết lý của riêng chúng và tất cả làm thành một hệ thống, những hệ thống triết lý trong đó có triết lý, những triết lý nền tảng. Nhưng triết lý giáo dục không thể tách rời, đúng hơn còn phải dựa trên các triết lý về con người, xã hội, lịch sử, văn hóa và cao hơn, sâu rộng hơn nữa, trên cơ sở những triết lý về tồn tại nói chung tức là triết lý siêu hình hay siêu hình học. Cho nên, thật là mơ hồ, viển vông và do đó, là bế tắc thật sự, nếu bàn về triết lý giáo dục mà không nói đến những cơ sở triết lý này, trong đó trực tiếp, trọng tâm nhất là triết lý về con người. Cũng như mọi triết lý, hệ thống triết lý, triết lý giáo dục có thể minh hoặc vô minh. Triết lý giáo dục được gọi là minh triết căn bản ở chỗ nó có những triết lý nền tảng là minh triết, nhờ thế các triết lý khác và hệ thống của chúng trở nên minh triết. Ngược lại, triết lý giáo dục với nghĩa là vô minh triết, là triết lý giáo dục dựa trên những nền tảng triết lý giáo dục vô minh. Tuy nhiên, tính chất minh hoặc vô minh của một triết lý giáo dục rốt cuộc do những triết lý cơ sở của chúng là các triết lý về con người, xã hội, siêu hình học hoặc minh hoặc vô minh quy định. Đương nhiên, triết lý giáo dục cũng không tách rời những con người đã nêu ra hoặc đề xuất nó. Triết lý giáo dục phải “theo” nhà giáo dục, người thầy, những người làm công việc quản lý, hoạt động giáo dục vào trong công việc giáo dục. Triết lý giáo dục ở ngoài những con người hiểu nó, nhất là đề xuất nó và thực hiện nó, là triết lý suông, là triết lý hình thức, triết lý chỉ để triết lý, là để khoe mẽ, thậm chí là dối trá, bịp bợm. Nói cách khác, cũng như mọi triết lý, triết lý giáo dục phải được thực hiện đến cùng. Điều này đồng thời cho thấy ý nghĩa, giá trị, thậm chí rất lớn lao của minh triết giáo dục đối với một nền giáo dục và do đó đối với con người, xã hội, ngược lại sẽ thấy thảm họa, thậm chí là khôn lường của giáo dục và xã hội khi đi theo, dựa trên những vô minh triết của nó. 2. Tính chất sai lầm, mơ hồ, hoang tưởng, hỗn loạn và dối trá hay thảm trạng vô minh của triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay Khi tham dự nhiều cuộc bàn thảo về triết lý giáo dục Việt Nam, cùng với sự quan sát và trải nghiệm, tôi được biết Việt Nam không chỉ có, mà hơn thế còn có nhiều, rất nhiều triết lý giáo dục. Cho nên, tôi hiểu điều mà nhiều người nói Việt Nam “không có triết lý giáo dục” thực ra là ở chỗ, người ta đang đòi hỏi ở Việt Nam cần có triết lý giáo dục với tư cách là minh triết, chứ không phải triết lý nói chung, không phải là những triết lý gắn với những con người làm giáo dục hiện có. Bởi vì, họ đang nói cái việc “không có triết lý giáo dục” kia một cách thực tế khi thấy rất rõ những thảm họa, sự khốn nạn, những căn bệnh vô phương cứu chữa, sự bế tắc, khủng hoảng nặng nề của nền giáo dục. Họ hiểu một cách thực tế, dù chưa thật sáng tỏ về mặt lý thuyết, rằng chỉ có minh triết giáo dục, minh triết nói chung mới có thể đưa giáo dục phát triển, nhờ đó phát triển con người, đất nước Việt Nam. Trong nhiều trường học các cấp cơ sở và trung học ở Việt Nam hiện nay người ta viết-vẽ và treo đủ loại băng biển, khẩu hiệu thể hiện các “triết lý giáo dục” như “tiên học lễ hậu học văn”, “tôn sư trọng đạo”, “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”, “Năm điều Bác Hồ dạy”, “học đề biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”, “học tập sáng tạo, rèn luyện chăm ngoan, vui chơi lành mạnh”, “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” v.v.. Đáng nói là ở nhiều ngôi trường người ta đồng thời trương ra nhiều loại băng biển, khẩu hiệu kiểu trên trong lớp học, ngoài sân trường, ở trên phía trước các phòng học, nhà làm việc, ở cả ba hoặc bốn phía. Ngoài ra, còn rất nhiều triết lý đủ kiểu loại khác nữa mà không thể kể hết ở đây được. Thoạt nhìn đã đủ thấy tính chất hồn loạn ghê gớm của triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhưng ta sẽ thấy rõ hơn điều này cùng với những tính chất khác. Người ta có thể thấy những băng biển, khẩu hiện treo ở toà nhà chính như những lời của Hồ Chí Minh, “vì lợi ích trăm năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và “học đề biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người” v.v.. thể hiện các triết lý giáo dục nền tảng, còn các băng biển, khẩu hiệu khác thể hiện các triết lý phụ thuộc. Nhưng đó chỉ là cái “thấy” hoàn toàn hình thức, vì thực tế người ta không hiểu bản chất của những triết lý “nền tảng” ấy cũng như toàn bộ “hệ thống” của các triết lý. Nói chung, người ta rất mơ hồ, vì chính tính chất mơ hồ của những triết lý ấy, cả “hệ thống” của chúng. Những triết lý này bao gồm cả những triết lý nền tảng được đề xuất hoàn toàn tùy hứng, ngẫu nhiên, ngay cả đối với những triết lý được xem là “đúng” ở mức độ, phạm vi nào đó như “tiên họ lễ hậu học văn” hoặc “học đề biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”, thì hãy xem kẻ nêu-vẽ triết lý ấy ra là ai, ta sẽ thấy ngay. Hơn thế, người ta hầu như không thấy những triết lý này được thể hiện trong thực tiễn giáo dục. Như thế, tính chất mơ hồ của các triết lý không chỉ gây nên bởi kẻ đề xuất hoặc không có cái gốc, cái căn cơ của sự học, hoặc chưa xứng tầm với chúng, mà còn do chúng không được thể hiện trong thực tiễn, do đó bởi những người tiếp nhận chúng. Tính chất mơ hồ của những triết lý nền tảng và cả những triết lý khác, đồng thời chúng được nêu nhất loạt, xen lẫn nhau, có cả cổ, kim, đông tây, thậm chí cả những triết lý rất tầm thường. Vì vậy, người ta không thể hiểu mối liên hệ của các triết lý, cả “hệ thống” trở nên mơ hồ, hỗn loạn (gồm cả sự hỗn tạp). Mặc dù rất không muốn nói và mất thì giờ phân tich những triết lý tầm thường, nhưng vẫn rất cần nêu ở đây một vài triết lý cụ thể, là triết lý-khẩu hiệu khốn cùng-khốn nạn như “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoặc triết lý-khẩu hiệu hết sức ngu xuẩn như “nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Xin thưa, thân thiện là cái đặc tính tự nhiên của nhà trường và nhà “trường văn hóa” chẳng lẽ không có ông thầy “gương mẫu”, “học sinh thanh lịch” ở đó! Đáng nói là những triết lý tầm thường, bần tiện này lại đang được rất nhiều trường học viết-vẽ, treo lên xem như “phương châm” hoạt động của nhà trường. Điều này cho thấy rõ thực trạng thảm hại-ngu tối, mất trí và mất dạy cúa giáo dục, của cái gọi là đội ngũ nhà giáo và người làm công tác giáo dục nói chung. Bạn đừng vội phê phán tôi và cho rằng những khẩu hiệu “ác nhân” nói trên không phải là những triết lý. Xin thưa, đó là những triết lý hẳn hoi đấy. Vì chúng cũng là ý thức, nhận thức đến cùng về giáo dục, chỉ có điều kẻ xem cái rất bề ngoài-tầm thường này là cái đến cùng của giáo dục, vì bản thân hắn cũng rất tầm thường, ngu xuẩn và khốn nạn. Thực ra, hắn là kẻ “làm” giáo dục như một hình thức, một bước để “làm” chính trị, hắn “làm” giáo dục chỉ để “làm” chính trị - một thứ chính trị cũng rất tầm thường và khốn nạn. Những triết lý tầm thường nói trên càng làm cho những triết lý giáo dục “nền tảng” trở nên mơ hồ và hệ thống triết lý trở nên mơ hồ, hỗn loạn hơn. Chúng và “hệ thống” của chúng chỉ là những triết lý giáo dục thuần túy lý thuyết, chỉ có tính hình thức, là những triết lý suông. Chúng chỉ tồn tại như những “khẩu hiệu”, những đồ trang trí thuần túy để làm cho trường học có vẻ “một trường học ra trường học”, có vẻ “một nền giáo dục ra một nền giáo dục”. Chúng ở ngoài người “thầy”, ở ngoài người làm công việc “giáo dục”, người “thầy” và những người làm công việc “giáo dục” hầu như không coi đó là những phương châm, nguyên tắc hoạt động, lẽ sống của mình. Chúng là những triết lý giáo dục dối trá cả về nội dung và thực tiễn. Đặc biệt, tính chất mơ hồ, hỗn loạn và dối trá nói trên còn bị quy định, được làm rõ thêm vì tính chất sai lầm, hoang tưởng của những triết lý giáo dục nền tảng khác và những triết lý xã hội, lịch sử, những triết lý khác. Trước hết ta thấy rõ những triết lý nói trên được-bị áp đặt bởi một bộ máy mà bản thân những con người của bộ máy ấy cũng không xem những triết lý này là tâm huyết của họ, trái lại chúng như một thứ mệnh lệnh từ đâu đến rồi kẻ trong bộ máy chỉ làm công việc truyền cái mệnh lệnh ấy cho những người “thực thi”. Cho nên, có một số trường học dù “sạch một chút” là không có khẩu hiệu-triết lý nào về “đảng-bác” thì vẫn có sự chỉ đạo từ cái tổ chức nằm trong đó, hoặc ngoài đó, hoặc cao hơn, là các chi bộ, các cấp ủy. Nói thêm rằng ở Việt Nam hiện nay trong một số trường học, tổ chức xã hội và giáo dục, người ta đang muốn hướng đến, tiếp cận ở mức độ, phạm vi nào đó các minh triết giáo dục. Chẳng hạn, ta được biết đến một trong những triết lý giáo dục của “Nhóm cánh buồn”, một tổ chức giáo dục do một số cá nhân lập nên, đứng đầu là nhà giáo Phạm Toàn, như “Mỗi ngày em đến trường là một niềm vui”. Tôi cũng đọc thấy trên các tấm bảng biển treo trước một tòa nhà ở khu đô thị Việt Hưng Long Biên những triết lý giáo dục như “Thời kỳ quan trọng nhất cuộc đời không phải là tuổi đại học, mà chính là từ 0 đến 6 tuổi. Bởi vì, đó là thời điếm mà trí tuệ - sự kiến tạo vĩ đại nhất, đang hình thành và phát triển” và “Một cách kiểm chứng sự đúng đắn của phương pháp giáo dục chính là niềm hạnh phúc của trẻ” (Những lời nói của Maria Montessori) v.v.. Nhưng để nói rằng trên thực tế, Việt Nam vẫn không, chưa có minh triết nền tảng trong giáo dục nói riêng, đời sống xã hội nói chung. Về thực chất, ở Việt Nam vẫn đang tồn tại cái triết lý về mục đích giáo dục mang tính nền tảng, là giáo dục-đào tạo ra những con người để duy trì, củng cố sự lãnh đạo-cai trị của đảng cộng sản, chế độ cộng sản trị ở Việt Nam. Có kẻ tuyến bố thẳng triết lý giáo dục Việt Nam là những nghị quyết, đường lối của đảng về giáo dục. Điều này không chỉ đơn giản thể hiện sự bế tắc tận cùng về nhận thức, lý thuyết, mà nhất là còn rất khốn nạn về tổ chức-thực tiễn ở chỗ quyết duy trì sự cai trị của đảng cộng sản, của chế độ cộng sản ngu tối không cho dân tộc, đất nước ngẩng đầu lên. Hơn thế, thực chất tính chất vô minh của triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay là ở chỗ các đường lối, nghị quyết của đảng cộng sản Việt Nam về giáo dục, còn dựa trên nền tảng là những triết lý vô minh là chủ nghĩa Marx – Lenin, cả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vốn sai lầm, đầy ảo tưởng, hoang tưởng. Không những thế, chúng còn hầu như được hiểu một cách méo mó, hời hợt, đầy ngụy tạo mà trước hết bởi chính những người đứng đầu đảng và chế độ đảng trị. Đó là cơ sở vô minh triết giáo dục trực tiếp quy định những triết lý mơ hồ, hỗn loạn hay tính vô minh của chúng, của cả “hệ thống” triết giáo dục như đã nói. Đáng nói là nếu như những triết lý ở nhà trường được nói trên kia, được xem là tách rời, ở ngoài người “thầy” và những người trực tiếp làm công tác “giáo dục” nói chung, thì ở đây triết lý thực sự gắn với con người. Sự lãnh đạo-cai trị tuyệt đối của đảng cộng sản ở Việt Nam chính là hiện thân của triết lý-vô minh triết căn bản nhất (cái gọi là triết học, chủ nghĩa Marx-Lenin và đường lối của đảng cộng sản ở Việt Nam), do đó của toàn bộ hệ thống triết lý giáo dục vô minh. Chính thể chế ấy – những con người cụ thể, nhất là những kẻ đứng đầu, như “cha già”, những ông “bác”, các loại “tổng bí”, “chủ tịt” v.v., đã chi phối toàn bộ đời sống xã hội trong đó có hệ thống giáo dục Việt Nam. Những triết lý vô minh ấy đương nhiên gắn chặt với sự nhồi nhét, áp đặt và cũng rất đương nhiên, đòi hỏi thực hiện bằng dối trá và bạo lực. Cho nên, triết lý giáo dục Việt Nam mơ hồ, hỗn loạn, càng thêm mơ hồ, hỗn loạn, vô minh càng trở nên vô minh. Trong vòng cương tỏa của chế độ cộng sản toàn trị lâu nay các triết lý-minh triết, nhất là những minh triết nền tảng nói chung, giáo dục nói riêng không thể nảy sinh hoặc nếu có nảy sinh được thì cũng không có đất sống. Chúng hoặc bị lợi dụng, làm cho méo mó, hoặc bị vô hiệu hóa. Còn những triết lý có giá trị phổ quát vốn có của nhân loại xưa nay, được nêu ra chỉ là hình thức, không thể thực hiện được, thậm chí là dối trá. Cho nên, giáo dục Việt Nam càng hỗn loạn để kẻ cai trị trục lợi. 3. Kết luận Hiện nay, những kẻ cầm quyền ở Việt Nam, những kẻ “có đầu óc”, có vẻ muốn “lập công chuộc tội”, nhằm thực hiện sự “tự chuyển hóa một cách hòa bình” sang nền tự do - dân chủ, đang “khao khát”, đúng hơn khát thèm minh triết không chỉ giáo dục mà cả đời sống xã hội nói chung, bằng cách hoặc đánh lạc hướng dư luận để không quan tâm đến địa vị thối tha, nhơ bẩn và tội lỗi của chúng, hoặc dùng rất nhiều thủ đoạn để khiêu khích-xâm kích lao động trí tuệ của những người dân tâm huyết với tiền đồ của Nhân dân, Dân tộc, đất nước. Chúng làm đủ trò, bần tiện, thô bỉ, thậm chí rất xảo quyệt như “tổ chức” các buổi thảo luận lớn nhỏ để kích động-khai thác, nắm thông tin, sẵn sàng đột nhập nhà riêng-phòng ở để lục soát, moi tìm thông tin, gây áp lực về tài chính-kinh tế, kể cả việc cho học sinh nam được phép mặc váy v.v.. Không, tôi không tin chế độ cộng sản có thể “tự chuyển hóa” (tôi viết với ý mỉa mai). Thực chất, bọn chúng đang tìm cách kéo dài thời gian tồn tại, mong có “phép màu” nào đó để che đậy tội lỗi, thoát tội. Nói chung, chế độ cộng sản sụp đổ như thế nào, bằng bạo lực hay hòa bình, cũng đều chỉ có thể là kết quả của cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam, tuyệt nhiên không có sự “tự chuyển hóa”. Vì thế, chừng nào những kẻ như Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Xuân Phúc, Nguyễn Kim Ngân, Tô Lâm, Hoàng Trung Hải, Phạm Minh Chính, Nguyễn Đức Chung và rất nhiều kẻ khác trong bộ máy cộng sản trực tiếp hoặc gián tiếp, vẫn còn tại vị, do đó chế độ cộng sản trị vẫn còn, thì không có minh triết giáo dục. Minh triết giáo dục nói riêng, minh triết nói chung ở Việt Nam chỉ có thể hình thành trong cuộc đấu tranh bền bỉ, không ngừng với nhiều hình thức, đầy sáng tạo của Nhân dân Việt Nam gắn chặt với cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ nhằm lật đổ các chế độ độc tài, nhất là độc tài toàn trị cộng sản ngu tối, độc ác, hèn nhát-bán nước, để xây dựng, phát triển nền tự do - dân chủ. Chỉ trong nền tự do - dân chủ, minh triết giáo dục và minh triết nói chung của con đường lao động sáng tạo của Nhân dân, Dân tộc Việt Nam mới hy vọng có thể bắt đầu đơm hoa kết trái. Viết xong ngày 29 tháng 7 năm 2019 Lưu ý: Phần 2. Triết lý-Minh triết giáo dục của “Ngựa chứng trong sân trường” (tác phẩm của nhà văn Duyên Anh, thời VNCH). Phạm Văn danlambaovn.blogspot.com

No comments:

Post a Comment