Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 29 September 2019

Những cặp vợ chồng phải sống xa nhau ở Hong Kong

  • 28 tháng 9 2019
  • Bản quyền hình ảnh Other
    Bạn có thể sống cách xa người bạn đời mình cả giờ đồng hồ về khoảng cách không? Thị trường nhà đất cao đến quá đáng tại Hong Kong đang buộc các gia đình phải sống xa nhau mà chưa tìm được cách khắc phục trong thời gian trước mắt.
    Lam Lok và Jason Chau yêu nhau khi họ làm việc tại Disneyland vào mùa hè năm 2012.
    Anh nhận thấy tính cách hướng ngoại của cô, còn cô cảm nhận được bờ vai vững chắc, tin cậy của anh.
    Anh mời cô đi ăn tối. Cô nhận lời. Ba năm sau, họ kết hôn và có một đứa con.
    Nhưng, khác với sự lãng mạn của thuở đang yêu, cuộc sống của họ không có một chút nào giống với chuyện cổ tích.
    Lok, 31 tuổi, sống cùng bố mẹ tại North Point, ở Quận Đông (Eastern District) của Hong Kong. Từ đó tới đảo Thanh Y (Tsing Yi Island), nơi Chau, 35 tuổi, sống với cha mẹ, phải đi mất hơn một giờ đồng hồ.
    Con gái ba tuổi của họ, Yu, từ thứ Hai đến thứ Năm thì ở với Lok, còn cuối tuần thì về ở với Chau. Họ không thể dọn về cùng một chốn, Lok nói, vì nhà của cả đôi bên đều quá nhỏ, phòng ngủ chật hẹp không đủ cho hai người lớn và một đứa trẻ.
    "Hồi đầu, tôi không thể chịu đựng được. Đôi khi chúng tôi cảm thấy nghi ngờ về cuộc hôn nhân này, bởi việc sống xa nhau khiến chúng ta cảm thấy như mình vẫn còn độc thân," Lok nói. "Phải mất hơn một năm chúng tôi mới quen được cách sống thế này."
    Tháng đầu tiên sau khi Yu chào đời, Lok đã trải qua một thời gian khó khăn chăm sóc con, ngay cả khi được mẹ đẻ giúp đỡ. "Chồng tôi không thể chia sẻ việc chăm sóc Yu bởi anh ấy sống quá xa. Chúng tôi cũng không thể cùng nhau chứng kiến Yu dần lớn khôn," cô nói.
    Chuyện trên nghe có vẻ như bất thường, thì nó thực sự trở nên phổ biến một cách đáng ngạc nhiên trong thị trường nhà ở siêu đắt đỏ của Hong Kong.
    Lok và Chau nằm trong số ngày càng nhiều các cặp vợ chồng thấy mình không thể trang trải nổi để được chung sống bên nhau.
    Bản quyền hình ảnh Megumi Lim
    Image caption Jason Chau, 35 tuổi, sống trên đảo Thanh Y, cách xa vợ con hơn một tiếng đi lại

    Giá cao

    Có gần một phần mười các cặp vợ chồng ở Hong Kong không chung sống với nhau.
    Trong số những người ở chung, có tới 12% các cặp vợ chồng kết hôn ở độ tuổi 25-34 sống cùng cha mẹ, theo dữ liệu của chính phủ năm 2018.
    Lok nói vấn đề là do các quy định chặt chẽ về nhà đất và do giá bất động sản cao chóng mặt ở Hong Kong, cao nhất thế giới trong chín năm liên tiếp.
    Theo nghiên cứu về khả năng chi trả nhà ở quốc tế của Demographia năm 2019, được thực hiện đối với 309 khu vực đô thị ở tám quốc gia, Hong Kong bị xếp hạng là thị trường 'khó đỡ' nhất.
    Một căn nhà có giá trung bình cao gấp 21 lần thu nhập trung bình hàng năm của hộ gia đình; để dễ so sánh thì ta có thể nhìn vào giá nhà tại thị trường đắt nhất châu Âu là London, nơi chỉ cao gấp 8,3 lần thu nhập trung bình hàng năm của một gia đình.
    Ngay cả việc tìm căn phòng riêng trong một căn hộ ở chung với người khác cũng đã khó khăn - loại chỗ ở như thế có giá khoảng 4.000 đô la Hong Kong (510 đô la), chỉ vừa đủ để kê một chiếc giường.
    Thu nhập trung bình hàng tháng của nhân công trong độ tuổi từ 15 đến 24 là 10.750 đô la Hong Kong, còn những người từ 30 đến 39 tuổi cũng chỉ đạt mức lương cao hơn không đáng kể, 21.000 đô la Hong Kong.
    Ngay cả khi hai vợ chồng cùng làm công việc chuyên môn và được trả lương tốt thì "tầng lớp trung lưu khó có thể mong có được một căn nhà riêng với diện tích đủ rộng", Michael Rowse, cựu tổng giám đốc chương trình InvestHK của chính phủ, nói.
    Sự tức giận về hoàn cảnh nhà ở đã giúp thúc đẩy các cuộc biểu tình hiện đang làm rung chuyển khu vực.
    Mặc dù các cuộc biểu tình được khơi mào bởi dự luật dẫn độ mà nay đã được giới chức rút lại, và bởi những lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh cùng thế đối đầu bế tắc trong việc xây dựng nền dân chủ lớn hơn, nhưng sự thất vọng về việc chính phủ không giải quyết được tình trạng bất bình đẳng - được cho là đang theo chiều hướng có lợi cho các nhà phát triển bất động sản và phớt lờ quyền lợi của người dân - cùng với những quan ngại về tác động của tình trạng người nhập cư từ đại lục vào Hong Kong đối với lượng nhà ở vốn đã khan hiếm, là những yếu tố cơ bản.
    Lok là nhân viên truyền thông và Chau làm việc cho Disneyland, cả hai đều có mức lương dưới mức trung bình một chút.
    Họ không trả tiền thuê nhà cho cha mẹ, nhưng vẫn phải chật vật tiết kiệm tiền mua nhà, trong khi còn phải trả các chi phí chăm nuôi con. "Chúng tôi có kế hoạch sống cùng nhau, nhưng điều đó không thể thực hiện được trong thời gian ngắn hạn," Chau nói.
    Bản quyền hình ảnh Megumi Lim
    Image caption Kathy Tam, 28 tuổi, và Louis Lee, 32 tuổi, thu xếp được một chỗ ở trong nhà công bởi Lee đã nộp đơn từ 2012, nhiều năm trước khi họ kết hôn vào năm 2017

    Cùng nhau nhưng riêng rẽ

    Để sống chung, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Hong Kong đang tìm cách thay vì ở nhà tư thì tìm kiếm nhà ở công.
    Tuy nhiên, không dễ mà có được một căn hộ công; do nhu cầu cao trong lúc quỹ nhà thì ít, thời gian chờ đợi trung bình cho các cặp vợ chồng là gần năm năm rưỡi. Tính đến tháng Bảy, đã có 147.000 người nộp đơn nằm trong danh sách chờ.
    Kathy Tam, 28 tuổi và chồng, Louis Lee, 32 tuổi, đã kiếm được một chỗ trong nhà công vì Lee đã đăng ký tham gia từ năm 2012, nhiều năm trước khi họ kết hôn vào năm 2017.
    "Lúc đó, chúng tôi rất tin tưởng về nhau, cho nên kể cả không có nhà thì chúng tôi cũng quyết tâm cưới," Tam nói.
    Bởi vì Lee đã sớm nghĩ từ trước, cho nên cặp vợ chồng này chỉ phải sống xa nhau một năm trước khi được phân một căn hộ rộng 21 mét vuông, nơi bây giờ họ đang ở và nuôi thêm con mèo.
    "Không được sống cùng nhau trong một thời gian dài khiến chúng tôi cảm thấy gia đình mình không trọn vẹn, vì vậy bây giờ chúng tôi thực sự biết ơn về việc mình có thể sống bên nhau. Nếu không có điều này, chúng tôi sẽ không thể nghĩ tới việc có con," cô nói.
    Việc Tam và Lee cảm thấy miễn cưỡng trong việc sinh con khi chưa có nơi ăn chốn ở chung phản ánh những tác động to lớn của vấn đề nhà ở đối với khu vực, bởi tương lai dân số Hong Kong sẽ phụ thuộc vào những cặp vợ chồng như họ.
    Nơi này có tỷ lệ sinh nở thấp và đang ngày càng suy giảm; tỷ lệ sinh giảm hơn 50%, từ 16,8 ca sinh trên 1.000 người năm 1981 xuống còn 7,7 ca vào năm 2017, theo dữ liệu của chính phủ.
    Hong Kong cũng có nhóm dân cao tuổi lớn nhất Á châu. Tới năm 2036, người cao tuổi sẽ chiếm gần một phần ba dân số vùng lãnh thổ này. Nếu tỷ lệ sinh tiếp tục duy trì ở mức thấp thì tới năm 2066, trẻ em dưới 15 tuổi sẽ chỉ chiếm 10% dân số Hong Kong.
    Bản quyền hình ảnh Megumi Lim
    Image caption Joyce Leung, 30 tuổi, sống ở nhà cùng bố mẹ và gia đình thay vì sống cùng chồng, Wilfred Wong, 30 tuổi. Cô ngủ trên chiếc giường tầng dùng từ hồi còn bé, nơi cô để rất nhiều thú nhồi bông

    Giữ lửa

    Nhân khẩu học không chỉ là mối quan tâm duy nhất khi các cặp vợ chồng phải sống xa nhau, mà còn là những điều căn bản nhất trong vấn đề tình cảm. Làm thế nào để bạn giữ một cuộc hôn nhân lành mạnh khi bạn không sống chung dưới một mái nhà?
    Wilfred Wong và Joyce Leung, cả hai đều 30 tuổi, đang sống cùng gia đình của mình: cô sống trên chiếc giường tầng dùng từ thời nhỏ, nơi cô tích trữ nhiều thú nhồi bông; anh sống cách đó 40 phút, ở bên kia cảng, tại khu vực Cửu Long (Kowloon). Họ biết rằng họ sẽ phải đợi nhiều năm mới có thể sống cùng nhau, nhưng vẫn quyết định kết hôn vào đầu năm rồi.
    Wong nói rằng họ nhắn tin, gọi điện thoại cho nhau hàng ngày để cảm thấy mình ở gần nhau. "Nghe thì có vẻ kỳ quặc," anh nói, "nhưng sống xa nhau thực sự giúp giữ lửa cho cuộc hôn nhân của bạn."
    Tương tự, Lok và Chau hẹn hò nhau và cùng có các chuyến du lịch đến Nhật Bản bất cứ khi nào cha mẹ họ có thể sắp xếp thời gian chăm sóc con gái Yu thay cho họ.
    Thỉnh thoảng, họ qua đêm tại các khách sạn địa phương và đưa Yu đến Disneyland để cả nhà cùng vui chơi. Mỗi tuần, Chau sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho vợ con bằng cách đi bộ đưa Yu và Lok đi bộ về nhà rồi anh mới bắt tàu điện ngầm trở về Thanh Y.
    Bản quyền hình ảnh Megumi Lim
    Image caption Ma Hoi-shing, 69 tuổi, hầu như luôn sống xa vợ, Jin Guo Fei, 62 tuổi. Nhà của ông Ma, căn hộ rộng 5,5 mét vuông, là nơi Jin không thể sống được vì lý do sức khoẻ
    Tuy nhiên, ngay cả khi các cặp vợ chồng thu xếp được thời gian để ở bên nhau thì cuộc sống hai người hai nơi vẫn khiến người ta cảm thấy cô đơn, bất kể là ở độ tuổi nào.
    Ma Hoi-shing 69 tuổi, trước đây làm việc tại một sòng bạc Macau, luôn cảm thấy cô đơn. Ông sống tách biệt với người vợ 62 tuổi Jin Guo Fei, người mà ông đã gặp khi bà tới đánh bạc.
    Nơi ở của ông Ma là một căn hộ được chia nhỏ ra, chỉ có 5,5 mét vuông, không có cửa sổ. Chỉ có vậy nhưng nó vẫn ngốn mất của ông gần hai phần ba khoản trợ cấp chính phủ hàng tháng mà ông nhận được, 5.000 đô la Hong Kong (635 đô la Mỹ).
    Jin trở về nhà mình ở Hàng Châu, Trung Quốc đại lục cứ vài tháng một lần, một phần do bà gặp vấn đề về sức khỏe khi sống trong căn hộ không thoáng khí của ông Ma.
    "Chỗ đó rất nhỏ, và tôi gặp rất nhiều khó khăn khi sống ở đó," bà nói.
    Ma đã nộp đơn xin phân căn hộ công ở Hong Kong để hai vợ chồng có thể có nơi ăn chốn ở tốt hơn, thay vì chỉ thỉnh thoảng mới về một chỗ như hiện nay. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn mà họ biết là mình sẽ phải đối mặt khi sống xa nhau, họ vẫn kết hôn.
    Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.

    Chủ đề liên quan

    Tin liên quan

    Câu chuyện kỳ lạ về lạc đà hoang tại Úc

    Việt Nam ‘thực ra đã có lực lượng đối lập’

    Cuộc ‘cách mạng’ của HLV Park Hang-seo

    Quảng Ninh muốn hội nhập với thế giới bằng "thuyền Hạ Long"

    Thương chiến Mỹ-Trung: VN có thể sẽ không tận dụng được hết cơ hội

    Du học sinh VN 'một đi không trở lại' – vì đâu?

    Thầy giáo Việt 'dạy đủ thứ' ở Campuchia

    Họp LHQ: Dịp cho Tổng thống Donald Trump ‘tỏa sáng’

    No comments:

    Post a Comment