Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday 29 September 2019



 

VÀI MẨU CHUYỆN “VUI” VỀ AN NINH HẢI PHÒNG(1)
FRIDAY, SEPTEMBER 20, 2019
Phamthanhnghien


Phần 1: Ô...ô... thế bây giờ mà vẫn có người vào đảng hả?
Có một số chuyện về an ninh Hải Phòng tôi chưa bao giờ kể hoặc sẽ không bao giờ kể. Không phải sợ, mà là giữ thể diện cho họ. Mặc dù nhiều khi tôi cũng đặt câu hỏi liệu công an của thể chế này có “thể diện” hay không? Nhưng thôi, cứ xuề xoà nghĩ là họ “có” đi, chả sao cả.
Song đôi khi mình càng giữ cho họ thì họ càng tỏ ra lếu láo, bất xứng. Nhân chuyện an ninh chính trị Hải Phòng gọi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa là “thằng” khi chúng cần ngăn cấm hay thuyết phục ai đó không được tiếp xúc, quan hệ với nhà văn nên tôi cũng kể đôi câu chuyện của an ninh, côn an đất Cảng như một cách riêng, kỷ niệm 11 năm ngày ăn bữa cơm tù đầu tiên 18/9/2008. Tất nhiên là chỉ kể vài mẩu chuyện vặt vãnh thôi, không kể hết để đỡ ôi mặt hàng ngũ luôn vênh váo cho mình là rắn nhất, quyết tâm nhất, giỏi và chuyên nghiệp nhất trong việc “trấn áp tội phạm”, nhất là đối với bọn “phản động”.
Chuyện đầu tiên xảy ra vào khoảng năm 2013 khi tôi vẫn còn đang bị quản chế. Vì không biết đi xe honda nên tôi nhờ thằng cháu chở ra ngân hàng ở đầu đường, chỉ cách nhà chừng nửa cây số. Nói thật là tôi không để ý ngân hàng này thuộc phường khác vì nó gần nhà tôi lắm. Vả lại, phường khác hay thành phố khác chăng nữa, có việc thì tôi vẫn phải đi. Tôi không công nhận bản án bất công, phi pháp dành cho mình thì chẳng lý do gì lại chấp hành cái án quản chế chết tiệt.
Tôi nhớ rất rõ hôm ấy đi ngân hàng để nhận tiền của PEN- (International Pen-Tổ chức Văn bút Quốc tế) qua dịch vụ Weston Union. Đây là khoản hỗ trợ của PEN dành cho 5 người bảo vệ nhân quyền là bloggers, nhà văn Việt Nam trong năm 2013. Tôi là một trong số năm người ấy.
Thường thì khi đã làm xong các thủ tục cần thiết, ngân hàng giao tiền ngay. Riêng hôm ấy, sau khi đã ký các giấy tờ mà nhân viên ngân hàng yêu cầu, họ vẫn để tôi chờ đợi. Thái độ lúng túng, thiếu tự nhiên của hai cô nhân viên khiến tôi linh cảm có điều gì không ổn. Tôi hỏi:
-Có trục trặc gì không em?
-Không chị ạ?
-Vậy giao tiền để chị về?
-Dạ, chị... chị... đợi em một tí.
Cô ta trả lời ấp úng, không dám nhìn tôi. Trong khi đó cô nhân viên bên cạnh liên tục nhắn tin điện thoại. Rồi tôi thấy di động cô ta đổ chuông. Không biết người bên kia đường dây nói gì còn cô nàng cứ “vâng, dạ vâng, vâng ạ”, mắt lấm lét nhìn tôi.
Tôi nhìn ra cửa, đã thấy mấy tay mặc quân phục màu cứt ngựa đang thập thò ngoài ấy. Có cả vài gương mặt nhàu quen thuộc bên an ninh chính trị thành phố cũng đang chầu chực sẵn ở đó.
Tôi đếm đủ số tiền, bước ra. Đám người kia bu lại. Không để bọn người ấy kịp ra oai, tôi phủ đầu:
-Thế nào, các anh định cướp tiền của tôi hả?
Một tên an ninh chính trị cau có trả lời:
-Chị đừng có vu khống, ai cướp tiền của chị. Mời chị về phường làm việc với chúng tôi. Chị đã đi khỏi địa phương mà không xin phép. Chị đang vi phạm quy định quản chế.
-Không cướp tiền thì tốt. Để tôi đưa tiền cháu tôi mang về, và phải biết chắc là các anh không bám theo nó để cướp tiền đã.
-Chị làm như chúng tôi là trẻ con.
Rồi hắn quay ra nói với thằng cháu tôi:
-Cháu cứ về đi, cô Nghiên đi làm việc xong sẽ về ngay.
Lẽ ra thì tôi chả định làm ầm lên đâu nếu một tên công an quèn không ra oai quát tháo:
-Đi ngay lập tức, vi phạm pháp luật lại còn vênh váo à? Đi ngay!
Tôi điên tiết, lại đúng lúc buổi trưa tan tầm, nhiều người qua lại nên chẳng thèm nhịn nữa:
-Đẹp mặt chưa. Mấy chục công an các anh đi theo, rình mò tôi rồi vây bắt giữa đường như bắt quân khủng bố. Giỏi thì các anh lo cho dân đi, đi bắt tội phạm đi, đi bắt bọn tham nhũng đi. Hoặc ra Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ biển đảo đi. Các anh không xấu hổ với người dân à.
Tôi nói to hết mức có thể để thu hút sự quan tâm của người đi đường. Hầu như ai đi qua cũng nhìn. Chắc họ ngạc nhiên vì “tên tội phạm” người quắt qoeo, lại không bị còng tay còng chân, đứng quát công an mà chả thấy “thằng” nào làm gì như các vụ phá án thường thấy.
Một tay an ninh quen mặt, tiến lại gần, giọng giả lả:
-Thôi chị Nghiên ơi. Ít cái miệng chứ. Đi về đồn làm việc cho nhanh còn về. Nói lắm thế không biết.
Theo nguyên tắc thì họ đưa tôi về đồn công an gần nhất. Rồi đưa về công an địa phương. Cuối cùng đưa về UBND phường Đông Hải 1 (là nơi tôi đăng ký nhân khẩu thường trú).
Tôi không muốn kể dài dòng câu chuyện mà chỉ nhấn mạnh một chi tiết. Suốt gần 7 tiếng làm việc (tôi bị bắt khoảng 10 rưỡi đến 5 rưỡi được thả), hầu như tôi giữ im lặng. Thỉnh thoảng nói kháy an ninh vài câu cho bõ ghét. Suốt 7 tiếng thẩm vấn, đe doạ có, nịnh nọt có, dụ dỗ và năn nỉ đều có. Chả ăn thua. Tôi bảo, “những gì cần nói với các anh, tôi đã nói mấy năm trước rồi, lúc tôi chưa đi tù ấy. Giờ có nói lại cũng chẳng ích gì”.
Biên bản làm việc trống không, chả có chữ nào. Thôi thì không trả lời cũng được, nhưng phải có chữ ký trình sếp. Tôi dứt khoát không ký.
Cuối cùng, tay Phó phường côn an buộc tội tôi thế này, lại còn giở trò xưng hô thân mật nữa chứ:
-Em có biết là hôm nay em làm mất rất nhiều thời gian của bọn anh không? Lẽ ra giờ này là bọn anh phải đi dự một buổi Lễ kết nạp đảng rồi đấy. Thế mà giờ vẫn còn ngồi đây thế này. Chết không cơ chứ.
Vớ được câu ấy, tôi lập tức nhoài người về phía anh ta đang ngồi đối diện, cố tình làm ra vẻ ngạc nhiên, trễ cặp kính cận, nhìn thẳng mặt anh ta rồi sửng sốt hỏi:
-Ô, ô ...thế anh ơi, đến bây giờ mà vẫn có người vào đảng cơ à?
Anh ta tối sầm mặt lại. Tôi không giấu vẻ đắc thắng, đưa mắt nhìn hết một lượt mười mấy người trong căn phòng làm việc hôm ấy, mặt tên nào cũng ngắn tũn lại.
Một tay an ninh trẻ đứng án ngữ ở cửa ra vào từ nãy giờ, thấy tôi phản ứng bất ngờ nên không kiềm chế được, hắn phì cười rồi bụm miệng chạy ra sân. Tôi nhìn theo anh ta, thấy một lô một lốc người mặc thường phục đứng đầy ngoài đó. Một tay mật vụ đứng tuổi đưa mắt lừ viên an ninh trẻ một cái. Anh ta nín bặt. Tôi đoán, sau vụ này chắc anh ta sẽ bị sếp chửi hoặc bạt tai cho mấy cái vì tội ngu.
Trong ba năm quản chế, tôi bị triệu tập không dưới 30 lần. Và lần bị bắt giữa đường này là lần thứ hai, cũng là lần cuối cùng. Không phải tôi không dám đi đâu hay họ không bắt tôi nữa. Mà là tôi vẫn đi và họ vẫn rình bắt. Nhưng bắt hụt.
FRIDAY, SEPTEMBER 27, 2019
VÀI MẨU CHUYỆN “VUI” VỀ AN NINH HẢI PHÒNG (2)
Phần 2: “Bọn anh cũng là người”
Gần đến ngày hết án 3 năm quản chế, tôi cũng hơi hồi hộp- quả là thế thật. Cái quyết định gia hạn thêm 8 tháng quản chế cho Ngô Quỳnh “can tội” cựu TNLT này đi khỏi nơi cư trú không xin phép xin tắc gì, khiến tôi suy nghĩ. Không biết công an Hải Phòng có học tập và làm theo tấm gương của công an Bắc Giang rồi giở trò cầm tù tôi thêm vài tháng như đã làm với Ngô Quỳnh không? Đúng là tôi không công nhận bản án vô lý, bất công dành cho mình, không chấp hành án quản chế, thích đi đâu thì đi, chẳng lên phường trình diện, báo cáo báo chồn gì dù bị triệu tập không dưới 30 lần. 
Nhưng nói thật, an ninh Hải Phòng cứ dựa vào cái án quản chế chết tiệt ấy để ngăn cản, bắt bớ, kể cũng rầy rà, phiền toái ra phết. Cơ mà nói đi cũng phải nói lại, không có án quản chế thì họ cũng phịa ra ối lý do để ngăn cản quyền tự do đi lại không chỉ của tôi, mà của bất cứ người bất đồng chính kiến nào họ muốn. Tức là thích thì ngăn cản, thích  nữa thì đánh đập, bắt nhốt.
Nhưng cái điều tôi hơi lo lắng đã không xảy ra.
Sáng 18/9/2015, vào cái ngày tôi hết hạn 3 năm quản chế theo lời tuyên án của cái gọi là “Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng”, họ đến.
Họ, gồm mấy công an cả nam lẫn nữ, nhưng chỉ có một người mặc sắc phục, đeo lon trung tá hay thượng tá gì đấy, tôi không nhớ rõ, đứng lố nhố ngoài cổng. Từ trên gác và nhìn qua khe cửa, tôi thấy họ đùn đẩy nhau việc gọi cửa. Kể cũng lạ, lần nào đến nhà tôi họ cũng thập thò và thiếu tự nhiên như kẻ đi ăn trộm:
-Nghiên ơi, chị Nghiên ơi!
Cuối cùng cũng có một người cất tiếng gọi.
Chị gái tôi chạy ra thưa, không mở cổng ngay mà quay vào gọi tôi:
-Có mấy anh chị công an đến kìa Liên ơi! (Liên là tên thường gọi của tôi).
-Chị cứ mở cổng cho họ vào.
Tôi từ trên gác đi xuống. Đám công an khoảng 5,6 người đã đứng ở sân nhưng chưa dám vào nhà. 
-Có việc gì mà các anh chị đích thân đến nhà tôi thế này? Hay là lại cho án tù nữa. Nếu bắt đi tù thì phải huy động lực lượng thật đông chứ mấy người thế này ăn thua gì. Mời các anh chị vào nhà.
Tôi cứ tuôn ra một tràng chẳng ra đùa cũng không ra thật như thế, khiến họ càng bối rồi. Đám người kia vẫn đứng ở ngoài, mấy tay công an trẻ khó chịu ra mặt, có người cười ngượng. Tay công an mặc sắc phục vừa cười trừ vừa đưa tay gãi đầu. 
-Ơ, mời các anh chị vào nhà. Vào đi chứ. Một khi tôi đã mở cổng cho vào thì các anh chị cứ tự nhiên, nhá. Không việc gì phải sợ. Cứ vào ngồi đàng hoàng như thượng khách ấy, nhá.
Tôi không bao giờ chửi những lời tục tĩu khi đối thoại hoặc đối diện với công an kể cả khi bị họ đánh đập. Nhưng tôi ưa nói với họ bằng giọng bề trên pha chút châm biếm, hài hước và chọc tức như thế. Nó khiến họ cay cú, nhưng khó bắt bẻ lại được.
Đám công an lục tục tháo giày đi vào nhà. Bộ ghế salon khá rộng nhưng bọn họ ngồi như dính chặt vào nhau, để thừa ra nhiều khoảng trống. Thái độ của họ đến là thảm hại, không giống với thói hống hách, hà hiếp người dân hàng ngày. 
Tôi vẫn tiếp tục cuộc huyên náo của mình:
-Ơ kìa, chỗ còn rộng. Đây, anh ngồi đây, chị ngồi đây, em ngồi chỗ này. Cứ tự nhiên, nhá. Mình đã được chủ nhà mở cửa cho vào thì cứ đàng hoàng ngồi, không việc gì phải sợ cả, nhỉ.
Tôi sắp xếp chỗ ngồi, miệng nói liến thoắng, trong bụng cười thầm vì biết họ đang rất tức tối nhunge vẫn phải răm rắp ngồi đúng vị trí như sự sắp đặt của chủ nhà.
Tôi mời nước từng người bằng thái độ rất lịch sự. Không biết họ có nghĩ tôi lịch sự thật không, hay là lại nghĩ tôi đang trêu ngươi họ.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, tay công an mặc sắc phục lấy tập tài liệu trong túi đựng hồ sơ, định nói điều gì nhưng tôi nhanh miệng hơn. Vẫn cử chỉ bề trên, tôi cất giọng oang oang hỏi trước:
-Nào, thế hôm nay các anh chị đến gặp tôi có việc gì? Các anh chị cứ trình bày, tôi nghe.
Nói câu ấy xong, tôi quan sát thái độ của mấy tay an ninh trẻ. Bọn họ có vẻ cay cú lắm, nhưng phải nhịn chứ biết làm sao.
-Nghiên ạ, thế này. Tụi anh đến đây hôm nay trước là để thăm em, sau là để thông báo với em về việc em đã hết thời hạn bị quản chế.
Tay mặc sắc phục nói với tôi bằng giọng nhã nhặn gượng ép.
Tôi kéo dài giọng,mỉa mai:
-Ối dời... ời... ời..., quý hoá quá. Hôm nay tôi được các anh chị công an đến tận nhà thăm hỏi sức khoẻ cơ à. Thế thì tôi nói luôn nhá. Kể từ hôm bị công an Hải Phòng đánh, đến hôm nay tôi vẫn còn sợ, tinh thần còn hoảng loạn đây này.
-Em cứ nói thế, công an nào đánh? Hắn cãi. Tôi chưa kịp đối đáp lại câu gì thì cô nàng an ninh quận Hải An ngồi cạnh tôi đã nhanh nhảu lên tiếng:
-Gớm, chuyện qua mấy tháng rồi mà nhớ dai thế.
 Vớ được câu ấy, tôi đốp lại luôn:
-Đấy nhá, thế là chị đã thừa nhận chính công an Hải Phòng là thủ phạm hành hung tôi hôm mồng 2/6 nhá. Mà chị có thừa nhận hay không cũng chả quan trọng. Toàn gương mặt quen thuộc từ cấp phường đến quận, đến thành phố hàng chục người. Chị tưởng hôm ấy tôi không nhìn thấy chị chắc.
Lỡ lời, chị ta cứng họng, mặt thộn ra trông đến là buồn cười. Thấy tình huống có vẻ bất lợi, tay an ninh mặc sắc phục vội cắt ngang cuộc đối thoại:
-Thôi ta vào việc chính đi chị Nghiên. 
Vừa nói hắn vừa lôi ra mấy tờ văn bản trong cặp hồ sơ. Dường như sợ tôi tiếp tục cuộc mỉa mai, châm chọc và buộc tội, hắn xoa dịu, kiếm câu chuyện làm quà:
-Nghiên ạ, tụi anh cũng là người. Hôm nay tụi anh đến đây...
Không để hắn nói tiếp, vớ được câu ấy tôi ngắt lời ngay. Tôi nhăn mặt, khoát tay, lên giọng xuống giọng với thái độ bông phèng pha chút mỉa mai, kiểu như đang đọc lời thoại cho một đoạn diễn châm biếm trên sân khấu:
-Rồi, được rồi, nhìn một cái là tôi biết các anh các chị là người rồi. Nhá. Không cần giới thiệu, không cần quảng cáo. Nhìn phát biết ngay.
Từng ấy gương mặt an ninh già trẻ, trai gái đều tối sầm lại. Tôi đang sỉ nhục họ. Tôi thấy mình chẳng quân tử gì khi làm thế, nhưng cũng không cảm thấy mình nhỏ nhen đi. Tôi không thấy xấu hổ. Hình ảnh hàng chục công an, côn đồ trong đó có những con người đang ngồi trước mặt tôi đây từng chửi rủa, đánh đập tôi và các chị gái tôi thậm tệ hôm 2/6 vẫn khiến tôi uất ức. Tôi không thể quên hình ảnh một tên công an chìm đấm vào mặt khiến tôi ngã gục, cặp kính cận văng ra xa. Khi tôi còn đang bò lê dưới đất vì đau đớn, hắn vẫn lao vào, giật ngược tóc, kéo lê tôi trên mặt đường rồi tiếp tục đánh đập trước sự chứng kiến của hàng chục tên khác, trong đó rất nhiều tên công an quen mặt từng thẩm vấn tôi. Lý do ư? Chúng muốn tôi bị cầm tù trong nhà, và cô lập tôi bằng cách ngăn cản bạn bè đến thăm viếng.
Nghĩ đến đấy, tôi sôi máu, định sẽ nói một tràng cho bõ ghét. Thấy thái độ tôi từ tỉnh bơ, châm biếm chuyển sang tức giận, gay gắt, tay mặc sắc phục lái câu chuyện về chủ đề chính. Hắn cố tỏ vẻ thản nhiên, làm như chẳng bị tác động bởi câu xúc phạm nặng nề của tôi:
-Đây, giờ Nghiên đọc rồi ký vào đây cho anh. Xong tụi anh còn về làm việc khác. 
Hẳn đẩy tờ “Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế” về phía tôi. 
-Tôi có chấp hành đâu mà ký nhỉ.
Tôi hoạnh hoẹ.
-Thì ai chả biết em không chấp hành. Nhưng nó chỉ là thủ tục thôi. Em ký là để xác nhận việc bọn anh có mang giấy đến nhà. Chứ quan trọng gì.
Tay mặc sắc phục giải thích.
Tôi không muốn đôi co, không muốn để họ ngồi trong nhà lâu hơn nữa, đành ký cho xong.
Bọn họ ra về. Tôi tiễn ra cửa, chào hỏi nhau vài câu xã giao. Tôi vẫn không quên bồi thêm một câu mỉa mai:
-Lần sau mà đánh tôi thì các anh chị nhè nhẹ tay một chút nhá. Khiếp, chứ cứ thẳng cánh cò bay thế thì đau bỏ xừ.
Bọn người ấy lờ đi, coi như không nghe thấy. Tôi trở vào nhà, tự cười thầm với câu “nhìn một cái là tôi biết các anh các chị là người rồi”. 
Chắc họ thù tôi lắm.
Phạm Thanh Nghiên
27/09/2019

  https://www.danchimviet.info/vai-mau-chuyen-vui-ve-an-ninh-2/09/2019/16515/

No comments:

Post a Comment