Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 7 February 2020

Cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bị lãng quên của Thomas Edison

Từ cuối thế kỷ 19, thiên tài phát minh Edison (1847 - 1931) đã đưa ra những dự báo thú vị về tương lai khoa học kỹ thuật của nhân loại.
Khi qua đời ở tuổi 84, Edion đã sở hữu hơn 1000 bằng phát minh (chỉ tính riêng tại Mỹ). Trong đó, ông được vinh danh đặc biệt nhờ những sáng chế hay cải tiến quan trọng liên quan đến bóng đèn điện, pin trữ điện, máy chụp hình chuyển động hay máy hát đĩa than, … Tuy nhiên, không nhiều người nhớ tới một công trình khác còn dang dở của ông, đó là cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng - được viết trong những năm 1890.

Mặc dù Edison đã từ bỏ dự án trước khi nó được hoàn thành, nhưng ông vẫn để lại một số trang viết mà sau đó, người cộng sự George Parsons Lathrop (1851 - 1898) sử dụng để cho ra đời In the Deep of Times (Trong sâu thẳm thời gian, xuất bản năm 1896).

Là một người viết văn, biên tập, viết kịch và thi sĩ được giới phê bình đánh giá cao, ngoài ra còn là con rể của nhà văn nổi tiếng Nathaniel Hawthorne (1804 - 1864) - người mở đầu cho dòng văn học bản sắc Mỹ trước Mark Twain (1835 - 1910), Lathrop đã chủ động tiếp cận Edison từ cuối năm 1888 để đề nghị hợp tác - theo Neil Baldwin (1995) trong Inventing the Century (Sự sáng chế ra thế kỷ), một bản tiểu sử về Edison.

Thời điểm hai người đàn ông bắt đầu viết cuốn sách, công chúng khi ấy đã khá quen thuộc với thể loại truyện, tiểu thuyết giả tưởng, dựa trên những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Có thể kể tới Jules Verne (Pháp) với những Từ Trái đất đến Mặt trăng (1865), Hai vạn dặm dưới đáy biển (1870) hay Phi vụ mua Bắc Cực (1889); hay những tiểu thuyết phiêu lưu thuộc hàng bestseller của Edward Bellamy (nhà văn Mỹ) như Looking Backward (Nhìn lại, xuất bản năm 1888); rồi tác giả nổi tiếng nước Anh H.G. Wells cũng gia nhập với The Time Machine (Cỗ máy thời gian) xuất bản năm 1895 – 3 năm sau thành công của The War of the Worlds (Cuộc chiến của những thế giới). Bởi vì Edison là tên tuổi danh tiếng nhất trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ở Mỹ khi đó, cho nên sự kết hợp của ông với Lathrop được đánh giá là không thể tuyệt vời hơn, và thu hút rất nhiều sự quan tâm lẫn giấy mực của báo chí.

Những ý tưởng của Edison đã trở thành chất liệu cho cuốn In the Deep of Times.
Ảnh: RTRO/Alamy Stock Photo
Khoảng cuối năm 1892, dự án bắt đầu gặp trục trặc. Lúc mới bắt đầu, Edison tỏ ra rất nhiệt tình, thậm chí trong những lần trao đổi với Lathrop, ông còn đưa ra những ý tưởng vượt xa khả năng tiếp nhận khi ấy của nhà văn.

Tuy nhiên, sự nhiệt tình ấy dần trở nên nguội lạnh, Edison cảm thấy mệt mỏi và chẳng còn thiết làm gì, để lại Lathrop cùng mớ hỗn độn và cuốn tiểu thuyết mới hoàn thành một nửa. Lathrop sau đó vẫn tiếp tục công việc và xuất bản nội dung của In the Deep of Time thành nhiều kỳ trên những tờ báo của Mỹ, từ tháng 12/1896. Trong hai số mùa xuân năm 1897, Tạp chí English Illustrated Magazine đã chạy dòng tít phụ là“George Parsons Lathrop thực hiện, hợp tác với Thomas A. Edison.”

Ngày nay, độc giả có thể thắc mắc, rằng chính xác thì Edison và Lathrop đã viết những phần nào trong cuốn sách. Đại học Rutgers (New Jersey) hiện đang lưu giữ 33 trang ghi chú nguệch ngoạc (có lẽ do viết vội), như một phần trong bộ sưu tập Thomas A. Edison Papers (những ghi chép của Edison), và được công bố trên mạng. Bên cạnh phần lớn các ghi chú trong bản thảo ‘From the Laboratory of Thomas A. Edison. Orange, N.J.’ (Từ phòng thí nghiệm của Edison, Orange, N.J)với nét bút rõ ràng làcủa Edison, còn có nhiều đoạn câu hỏi được viết bằng bút chì màu đỏ và nét chữ khác – mà rất có thể là của Lathrop.

Phù thủy Menlo Park đã tiên tri trước điều gì?

Thứ gây ấn tượng nhất trong số các tiên đoán của Edison, có lẽ là hình ảnh những con tàu vũ trụ di chuyển ở tốc độ 100.000 dặm/giây, có thể bay lên sao Hỏa từ bầu khí quyển Trái đất chỉ trong 8 tiếng. Tiếp đó, mối liên hệ giữa hai hành tinh sẽ sớm được thiết lập, theo cách mà Lathrop mô tả, chính là “điện tín liên hành tinh” (planetary telegraphing).

Trở lại Trái đất, Edison tưởng tượng ra cảnh con người lao đi vun vút trong không trung trên những con tàu bay (airship) – có cánh đập như ong để cung cấp lực đẩy; Trong khi những cỗ máy nhỏ không cần người điều khiển sẽ làm nhiệm vụ chuyển phát thư từ; Trên mặt đất, con người điều khiển các cỗ xe và xe đạp ba bánh chạy bằng điện, với pin có thể sạc tại bất cứ khách sạn nào; Ngoài ra, một loại phương tiện di chuyển phổ biến nữa là “bóng đi bộ” (walking balloon) - khinh khí cầu được lắp thêm buồm ở trên (như thuyền), và chân dài bằng nhôm bên dưới.

In the Deep of Times, xuất bản thành nhiều kỳ trên Seattle Post-Intelligence từ 27/12/1896. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ
Trí tưởng tượng của nhà phát minh còn chạm tới nhiều lĩnh vực khác như chế tạo, dược phẩm, hay những thứ rất gần với kỹ thuật gene ngày nay... Lấy ví du, ông tin rằng tất cả các loại bệnh tật thông thường sẽ được thanh toán nhờ áp dụng tiêm phòng bắt buộc đối với trẻ em. Nhưng thành công nhất, có lẽ Edison đã thấy trước được tương lai của quang điện, với “động cơ mặt trời” (sun engine) biến ánh sáng thành điện năng. Ông cũng hình dung đến việc chụp hình trong bóng tối bằng cách giữ lại các bức xạ nhiệt trên phim - giống với phương pháp chụp ảnh hồng ngoại. Ngoài ra, Edison còn nghĩ ra viễn cảnh, con người sẽ không chỉ ăn mỗi thịt động vật, mà có thể thay thế bằng những sản phẩm nhân tạo, như “bít tết thực vật” (vegetable steak).

Mặc dù vậy, không phải mọi tiên đoán của Edison đều đúng, hoặc chí ít là do chúng chưa xảy ra. Chẳng hạn, ông cho rằng một hội “Darwin quốc tế”, ngày nào đó sẽ tạo ra những con khỉ có khả năng trò chuyện bằng tiếng Anh.

Một điều đáng tiếc rằng George Parsons Lathrop đã mất quá sớm, ở tuổi 46 - chỉ 2 năm sau khi xuất bản In the Deep of Time; Edison thì may mắn hơn khi sống thêm được 3 thập kỷ - sang tận đầu thế kỷ 20, đủ để chứng kiến một số thành tựu khoa học kỹ thuật mà ngay đến bản thân ông cũng chưa từng nghĩ tới.

No comments:

Post a Comment