Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 12 April 2019

Việt Nam 40 Năm Dưới Chế Độ Cộng Sản (1975-2015) – Phần I



Phần I
Năm 2015, đánh dấu đúng 40 năm ngày chấm dứt cuộc chiến Quốc-Cộng tương tàn, đẫm máu kéo dài 20 năm (1955-1975) để bước vào một trang sử mới đen tối hơn. Trang sử đầy đau thương, chết chóc, chia lìa và nước mắt, chưa từng có trong lịch sử cận đại của dân tộc, bắt đầu vào ngày 30/4/1975, với những hệ lụy còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Đã có nhiều bài vở, tập sách viết về cuộc chiến này với nhiều góc cạnh khác nhau, kể cả những truy cứu về nguyên nhân và hậu quả. Ngoài ra, cũng đã có nhiều bài viết phân tích về các chính sách của đảng CSVN đã áp dụng tại miền Nam sau năm 1975 và trên cả nước trong 4 thập niên qua, khiến cho một nửa miền Nam (vào năm 1960 kinh tế VNCH đã vượt qua Thái Lan, Miến Điện, Nam Hàn) có nhiều tiềm năng để vươn lên sau khi có được hòa bình, thì lại trở thành địa ngục vì những “kẻ thắng cuộc” thử nghiệm chủ thuyết “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa’ hoang tưởng.
PNG - 275 kb
Chiến xa của CS Bắc Việt chiếm Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 khởi đầu trang sử đen tối trong 40 năm qua (1975-2015)
Vào năm 1975, dân số cả hai miền Nam và Bắc có vào khoảng 47 triệu 638 ngàn người. (1) Trong khi đó dân số Thái Lan cũng vào khoảng 42 triệu 391 ngàn người. (2) Nhưng tổng sản lượng nội địa (GDP) của Thái Lan vào năm 1975 là 7,4 tỷ Mỹ Kim, lợi tức bình quân đầu người khoảng 175 USD/đầu người (3) Về phía Việt Nam vì do ảnh hưởng của chiến tranh nên GDP vào năm 1975 ước tính khoảng 4,2 tỷ Mỹ Kim và lợi tức bình quân gần bằng Miến Điện khoảng 88USD/đầu người. Tức lợi tức bình quân của người Thái vào năm 1975 chỉ gấp đôi người Việt Nam. Nói cách khác, 40 năm trước đây, Thái Lan và Việt Nam cùng xuất phát là những quốc gia nghèo, chậm tiến lạc hậu.
40 năm sau nhìn lại tình hình phát triển của Thái Lan và Việt Nam đã có sự chênh lệch đáng suy nghĩ. Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố năm 2014 thì Thái Lan hiện có dân số là 67 triệu 100 ngàn người, GDP năm 2013 là 387, 3 tỷ USD và lợi tức bình quân đầu người là 5,772 USD/người. Trong khi đó dân số của Việt Nam là 89 triệu 200 ngàn người, GDP năm 2013 là 135 tỷ USD và lợi tức bình quân 1,513 USD/người.
Như vậy 40 năm sau phát triển, lợi tức bình quân của người dân Thái Lan tuy chỉ hơn 3,8 lần lợi tức của người Việt Nam, nhưng người Thái đang làm chủ thật sự cuộc sống và bước vào ngưỡng cửa của quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, người Việt Nam vẫn cỏn loay hoay với bài toán xóa đỏi giảm nghèo từ năm 2002 cho đến nay chưa xong. Theo cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thì mặt trái của tình trạng phát triển hiện nay của Việt Nam có nguy cơ đe dọa sự bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng tăng.
Nói cách khác là chính sách phát triển của CSVN hiện nay chỉ làm giàu cho một thiểu số ở trong guồng máy lãnh đạo và thân nhân của họ vì có điều kiện sang đoạt tài sản quốc gia, đặc biệt là thị trường địa ốc dưới các hình thức chuyển nhượng, đấu thầu, cổ phần hóa, trong khi thu nhập của đa số người dân vẫn còn rất nghèo. Hiện có khoảng 14,3% người dân Việt Nam (non 13 triệu) sống dưới 2 USD/ngày.
Đây là thực trạng của Việt Nam sau 40 năm dưới chế độ Cộng sản Việt Nam. Thực trạng này thay đổi theo từng giai đoạn CSVN áp dụng những chính sách cải tổ qua 4 thời kỳ như sau:
Thời Kỳ I (1975 – 1984): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN vô cùng ngạo mạn sau chiến thắng miền Nam nên đã phung phí tài nguyên, nhân lực vào những tham vọng không tưởng, trong việc xây dựng “Liên Bang Đông Dương” để làm bàn đạp nhuộm đỏ Đông Nam Á. Việt Nam trong thời kỳ rơi vào tình huống phá sản toàn diện.
Thời Kỳ II (1985-1994): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN phải rút quân ra khỏi Campuchia và mở rộng quan hệ với thế giới bên ngoài để vận động đầu tư cứu nguy sự phá sản kinh tế, sau khi Gorbachev cho phép “đổi mới”. Đây cũng là lúc Hà Nội bỗng chốc rơi vào hoàn cảnh mồ côi sau khi khối Cộng sản Liên Xô tan rã nên phải quay lại khấu tấu Bắc Kinh.
Thời Kỳ III (1995-2004): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN mở rộng quan hệ với các quốc gia trên thế giới sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và nối lại quan hệ bình thường từ năm 1995. Nhờ bang giao với Hoa Kỳ, CSVN đã bình thường hóa quan hệ với nhiều quốc, gia nhập vào một số cơ chế thương mại quốc tế giúp cho tình hình kinh tế phát triển và ổn định trở lại.
Thời Kỳ IV (2005-2014): Đây là thời kỳ mà lãnh đạo CSVN mơ ước theo chân Nam Hàn và Trung Cộng, gom hơn 3000 công ty quốc doanh để thành lập các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty như những pháo đài đẩy mạnh phát triển Việt Nam thảnh quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020. Giấc mơ hóa rồng đã hoàn toàn sụp đổ vì những tham lam và ngu dốt của lãnh đạo và đang đẩy xã hội rơi vào tình trạng đột biến khó lường.
THỜI KỲ I: 1975-1984:
Đất Nước Phá Sản Toàn Diện và
Phong Trào Chống Cộng Bộc Phát

Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc trước sự sụp đổ “quá nhanh” của miền Nam, theo một chuỗi những biến động khởi đầu từ sau tết Ất Mão. Sự kiện miền Nam, đặc biệt là Thủ đô Sài Gòn đã không có hiện tượng “tắm máu” khi quân cộng sản Bắc Việt tiến chiếm vào ngày 30/4 càng khiến cho những người lãnh đạo ở miền Bắc “say men” chiến thắng và ngạo mạn tự coi mình “đứng trên đỉnh cao trí tuệ của loài người”.
Bên cạnh việc áp dụng những chính sách đàn áp và trả thù đối với quân cán chính miền Nam, lãnh đạo Hà Nội, nhất là Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng Lao Động vào lúc đó, đã cuồng vọng nghĩ rằng họ sẽ dễ dàng cải tạo xã hội Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia công nghiệp xã hội chủ nghĩa trong vòng 20 năm, qua mặt cả Nhật Bản.
PNG - 79.1 kb
Lê Duẩn lãnh đạo CSVN miền Bắc chủ trương đánh chiềm miền Nam bằng mọi giá
Bất chấp tình trạng khác biệt về kinh tế, mô hình xã hội, tâm lý dân chúng của hai miền, lãnh đạo Hà Nội đã vội vã thống nhất Nam Bắc vào năm 1976 và đề ra chủ trương triệt để cải tạo miền Nam. Trong buổi lễ gọi là “mừng chiến thắng miền Nam” tổ chức tại Hà Nội vào ngày 15/5/1975, Lê Duẩn đã đọc bài diễn văn khẳng định như sau:
“Chúng ta có đủ tinh thần và nghị lực, sức mạnh và tài năng để khắc phục mọi khó khăn, vươn lên những đỉnh cao của thời đại, biến đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề và trên đó đế quốc Mỹ đã gieo biết bao tội ác, thành một nước văn minh, giàu mạnh, thành trì bất khả xâm phạm của độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương và Đông Nam Á.”
Với tham vọng đó, từ đại hội đảng kỳ IV (1976), Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã đưa ra chủ trương cải tạo cả nước để “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa” bằng cách:
Về chính trị, triệt để cải tạo xã hội nhằm xây dựng nhà nước vô sản chuyên chính dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN,
Về kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN) để quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa,
Về giáo dục – văn hóa, đẩy mạnh giáo dục tư tưởng XHCN, chống tư tưởng tư sản, quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa của chủ nghĩa thực dân ở miền Nam, đào tạo những con người mới XHCN “hồng hơn chuyên”,
Về đối ngoại, tăng cường mối quan hệ mật thiết với các nước XHCN anh em, thực hiện nghĩa vụ vô sản quốc tế, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ.
JPEG - 26.5 kb
Quang cảnh người dân chờ mua hàng ở khu quốc doanh tại Sài Gòn sau năm 1975.
Với những đường lối nói trên, lãnh đạo CSVN đã không những không xoa dịu vết thương chiến tranh như họ rêu rao tuyên truyền trong thời kỳ chiến tranh là “hòa hợp, hòa giải” dân tộc, mà còn làm phân hóa thêm tiềm lực dân tộc, tạo ra những hận thù mới bao trùm lên cả nước qua những chính sách đối nội và đối ngoại vô cùng sai lầm, đại cương gồm: a/ bế quan tỏa cảng với thế giới trong những năm đầu sau 1975 để bưng bít những chính sách trả thù người của chế độ cũ; b/ bóc lột và bần cùng hóa nhân dân; c/ chính sách trả thù và dùng khủng bố để cai trị.
Cụ thể, CSVN đã thi hành những điều sau:
A. Về mặt đối nội: lãnh đạo CSVN Bắc Việt đã khống chế cả nước trong gọng kềm “xã hội chủ nghĩa” qua việc:
1/ ĐỔI TIỀN:
Vào thời điểm tháng 4/1975, lượng tiền mặt trong ngân khố Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) có hơn 1000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD, và lượng tiền mặt được lưu hành trong dân chúng khoảng 615 tỷ đồng. Tại Sài Gòn, ngay chiều 30/4/1975 hầu hết các Ngân hàng đều bị niêm phong. Sáng ngày 1/5, Ủy ban quân quản ra lệnh “quốc hữu hóa” toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Ngày 6/6, chính phủ lâm thời miền Nam ra quyết định thành lập ngân hàng quốc gia cộng hòa miền Nam cử ông Trần Dương làm thống đốc, nhưng trong thực tế thì lúc này chính quyền miền Bắc đã kiểm soát toàn bộ hệ thống ngân hàng. Sau khi kiểm soát ngân hàng, CSVN tung chiến dịch đổi tiền nhằm vào 3 mục tiêu: 1/ thiết lập chế độ tiền tệ mới; 2/ ngăn chận giai cấp tư sản sử dụng tiền mặt thao túng thị trường, 3/ tước đoạt phương tiện hoạt động của gián điệp, tình báo. Vì lo sợ những người có nhiều tiền mặt lén nhờ vả người thân, bạn bè đi đổi tiền dùm nên CSVN đã giữ kế hoạch đổi tiền rất bí mật và chỉ cho đổi trong vòng non 12 tiếng đồng hồ vào ngày 22/9.
Mỗi gia đình được đổi tối đa 100 ngàn đồng VNCH ra 500 đồng tiền mới. Tiểu thương có thể đổi thêm 100 ngàn đồng nữa. Những xí nghiệp được đổi 500 ngàn đồng. Số tiền cũ còn lại thì đổi ra tiền mới và phải ký thác vào ngân hàng. Trương mục sau đó bị khóa cho đến đầu năm 1976 mới cho phép rút 30 đồng tiền mới mỗi tháng. Tuy nhiên đến tháng 12/1976 thì lại khóa trương mục và dân chúng không được rút tiền ra nữa. Thủ đoạn ăn cướp này được CSVN tổ chức rất công phu tại Sài Gòn, huy động gần 50 ngàn cán bộ và bộ đội tham gia. Tối ngày 21/9, CSVN đã điều động 10 ngàn cán bộ ngành ngân hàng, 11,921 bộ đội để giữ an ninh và 35,000 thanh niên xung phong được đưa đến các quận, các khu vực mà không cho biết trước sẽ giao nhiệm vụ gì. Những người này phải kê khai tất cả tiền bạc, tư trang mang theo và từ đó bị giữ lại không cho về nhà. Trong đêm 21/9 họ được hướng dẫn chi tiết các nhiệm vụ phải làm và đúng 2 giờ sáng ngày 22/9 được đưa đến ngồi ở các bàn kê khai đổi tiền.
Vào lúc 4 giờ chiều ngày 21/9, đài phát thanh Sài Gòn cho biết là kể từ ngày mai, 22/9, chính phủ lâm thời miền Nam ra lệnh cấm lưu hành tiền VNCH có mệnh giá trên 50 đồng và phải đổi sang tiền mới. Đài phát thanh cũng yêu cầu dân chúng phải về nhà trước 11 giờ đêm để đợi thông báo quan trọng. Lúc 2 giờ sáng ngày 22/9, đài phát thanh loan tin quy định đổi tiền sẽ bắt đầu từ 5 giờ sáng kéo dài đến 11 giờ trưa. Nhưng số người dân đến sắp hàng quá đông và cán bộ chỉ mới được hướng dẫn không quen việc kê khai, duyệt xét, nên CSVN đã phải triển hạn đến 21 giờ đêm 22/9.
Đến ngày 23/9 các quận bắt đầu thu tiền cũ, đổi tiền mới cho đồng bào nhưng do tình hình phức tạp, người dân vẫn kéo đến xin kê khai vì làm chưa kịp. Tuy nhiên CSVN quyết định ngưng không cho kê khai nữa. Hệ quả là cả nước cùng “bình đẳng” trong đói nghèo. Có người mất trắng cả tài sản, phẫn uát tự tử toàn gia đình. Chính sách cai trị hà khắc bằng bao tử bắt đầu từ đây. Chủ nghĩa xã hội đã được người dân báng nhạo là “Cả Nước Xuống Hố”.
2/ TÙ CẢI TẠO:
Ngay sau khi kiểm soát toàn thể miền Nam, ngày 5/5/1975 Ủy ban quân quản ra mệnh lệnh số 1 về việc trình diện, kê khai và nộp vũ khí của quân cán chính miền Nam. Tất cả sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo trong thành phố Sài Gòn và Gia Định phải ra trình diện từ ngày 8/5 đến 31/5. Tại Sài gòn có 443 ngàn người trình diện chiếm gần một nửa trên tổng số người ra trình diện vào lúc này trên toàn miền Nam.
Một tháng sau khi chiếm miền Nam, ngày 31/5/1975 CSVN ra thông cáo buộc các quân cán chính VNCH phải trình diện học tập: 1/Cấp hạ sĩ quan, nhân viên phường, xã học tập ba ngày; 2/Cấp ủy và nhân viên cấp quận học tập 10 ngày; 3/Cấp Tướng, Tá, Lãnh đạo các đảng phái chính trị học tập 1 tháng.
Hạ sĩ quan binh lính và nhân viên quận, xã, khóm, phường đi học tập 3 ngày từ 11/6 đến 13/6. Sau 3 ngày học tập, họ đã được cấp giấy chứng nhận và cho về nhà. Thủ đoạn này khiến cho nhiều người tin là việc tập trung cải tạo không có gì nguy hiểm nên rủ nhau đi học. Cấp Tướng, sĩ quan, lãnh đạo các đảng phái, trí thức phải tụ họp từ ngày 18 đến 20, chỉ mang theo 21 kí lô lương thực và một số bộ quần áo thay đổi trong vòng 1 tháng học tập. Đây là sự tráo trở đầu tiên của CSVN nhằm đánh lừa để có nhiều người tin tưởng ra trình diện, rồi chính họ và gia đình mòn mỏi trông chờ ngày về.

Theo bản tường trình 26 trang của Aurora Foundation vào năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn 1 triệu người đã đi cải tạo mà rất ít được về sau thời hạn 10 ngày hay 1 tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại tù cải tạo. Có khoảng 500 ngàn người được trả về nhà trong vòng 3 tháng; có 200 ngàn người bị giam giữ từ 2 đến 4 năm; có 240 ngàn người bị giam ít nhất 5 năm và nhiều chục ngàn người khác bị giam trên 10 năm.
CSVN tuyên truyền rằng mục đích của tập trung cải tạo là “để thay đổi con người từ chế độ lỗi thời vào kỷ nguyên mới của những công dân tốt” nhưng trong thực tế, nội dung các bài học đều tập trung vào ba chủ điểm mang tính chất nhồi sọ: 1/ đả phá chủ nghĩa đế quốc và sự thất bại của Mỹ; 2/ tội ác của ngụy quân ngụy quyền; 3/ chính sách khoan hồng của đảng, nghĩa vụ của người có tội.
CSVN dùng kỹ thuật nhồi sọ với mục tiêu tẩy não để biến tất cả tù nhân thành một “con vẹt” như một cái máy… cho đến khi nào phải nói giống nhau.
Vì chính sách dùng lao động để cải tạo tư tưởng nên lao động sản xuất là trọng điểm. Hàng ngày tù nhân bị bắt đi lao động sản xuất 8 tiếng. Mỗi tuần thì có hai buổi học tập chính trị. Trại “cải tạo” là những trung tâm khổ sai trá hình: người tù phải lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, bị đánh đập và làm nhục, thường xuyên bị đe dọa, và có nhiều trường hợp bị xử tử thẳng tay.
Ông Phạm Quang Giai, một cựu tù cải tạo viết trong tác phẩm Trại Cải Tạo xuất bản năm 1995 kể rằng: CSVN không cần đánh đập, không cần kết án, mà họ dùng cái máy chém vô hình và im lặng; ĐÓI. Họ lôi cái máy này đến mọi nơi, mọi chốn có tù chính trị miền Nam để trả thù, trả hận mà vẫn không mang tiếng là ác độc. Nhiều người đã thiệt mạng vì không chịu được cuộc sống khắc nghiệt, bệnh tật không có thuốc men. Thực chất đây là thủ đoạn trả thù quân cán chính miền Nam của lãnh đạo Hà Nội.
JPEG - 31.1 kb
Quang cảnh một buổi tẩy não chính trị của cán bộ CS với tù cải tạo tại miền Nam sau năm 1975
JPEG - 50.5 kb
Những trại cải tạo giam giữ quân cán chính VNCH sau năm 1975. Trên toàn quốc có 80 trại tù cải tạo.
3/ ĐÁNH TƯ SẢN:
Song song với kế hoạch đổi tiền, từ tháng 9/1975, CSVN bắt đầu tung ra kế hoạch đánh tư sản. Ngày 10/9/1975, CSVN cho báo chí loan tải hai tài liệu.
Tài liệu thứ nhất liệt kê 10 tội ác của tư sản mại bản như xuất ít nhập nhiều làm vật giá leo thang, lao động thất nghiệp; dùng đồng tiền đặt tay chân vào bộ máy chính quyền; đầu cơ tích trữ, mua rẻ bán đắt; thông qua đại lý tổ chức buôn lậu; xuyên tạc phá hoại chính sách của chính quyền; hối lộ, mua chuộc, gây chia rẽ đội ngũ cách mạng; vơ vét rồi tuồng hàng ra chợ trời; thông đồng với bọn phản động chính trị…
Tài liệu thứ hai là tuyên bố của chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam ra lệnh bắt giữ một số tư sản mại bản có chứng cớ là đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường như: Mã Hỷ (vua lúa gạo), Lưu Tú Dân (vải dệt), Bùi Văn Lự (nhập cảng); Hoàng Kim Quy (thầu quân đội Mỹ), Trần Thiện Tứ (cà phê). Trước khi công bố lệnh bắt, CSVN đã lập bản doanh chỉ huy chiến dịch đánh tư sản tại Dinh Độc Lập cũ do Phạm Hùng chỉ huy và từ 12 giờ đêm của ngày 9/9/1975 đã huy động 10 ngàn công nhân, thanh niên, sinh viên đã được điều động đến bao vây nhà và cơ sở làm ăn của những người nói trên.
Cho đến tối ngày 10/9, tất cả những người nói trên đã bị bắt cùng với 60 người khác. Tuy nhiên, Mai Chí Thọ cho rằng các đoàn, các đội chỉ mới bắt được đối tượng, mới nắm được tài sản nổi chứ chưa lấy hết tài sản chìm. Theo Mai Chí Thọ thì mỗi tên tư sản người Hoa có thể có từ 500 đến 1000 lượng vàng.
Sau khi trấn áp “tội ác của các trùm tư bản”, CSVN tung ra chiến dịch đổi tiền 22/9, và thiết lập một số tòa án xét xử “tư sản mại bản” để răn đe dư luận. CSVN kết án ông Hoàng Kim Quy bị gán ghép là thúc giục chính quyền VNCH vay 500 triệu USD để mớn hơi cho Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ bị kết án 20 năm tù tịch thu toàn bộ tài sản. Ông Lưu Trung bị cáo buộc về tội nhập cảng nông cụ chính là tiếp tay cho âm mưu xảo quyệt của Mỹ, dùng viện trợ kinh tế để biến nông thôn thành chỗ dựa cho nguỵ quyền bị kết án 20 năm tù và tịch thu tài sản.
Qua chiến dịch đánh tư sản mại bản, CSVN đã thu được 918,4 triệu đồng miền Nam, 134 ngàn USD; 61,121 đồng miền Bắc; 7,691 lượng vàng, 4,040 hột xòan; 40 hột kim cương; 97 hột cẩm thạch; 60 ngàn tấn phân bón; 8 ngàn tấn hóa chất; 3 triệu mét vải; 2,500 tấn sắt vụn; 1,295 cặp vỏ ruột xe; 27,460 bao xi măng; 644 xe hơi; 2 cao ốc; 96 ngàn chai rượu; 13 ngàn ký trà; 457 căn nhà phố; 4 trại gàn khoảng 30 ngàn con; 4,150 con heo; 10 con bò; 4 rạp hát; 1 đồn điền, cà phê, nho, táo rộng 170 hécta ở Đà Lạt.
Sau đợt đánh tư sản để dằn mặt dân chúng, tháng 9/1976, Bộ chính trị CSVN ra nghị quyết “tích cực cải tạo công thương nghiệp miền Nam”, mở đầu cho giai đoạn tịch thu toàn bộ tài sản, xí nghiệp còn nằm trong tay tư nhân vào tay nhà nước. Tuy nhiên chính sách tịch thu nói trên tiến rất chậm vì sự chống đối ngầm của người dân nên một năm sau, tháng 7/1977, Lê Duẩn cho lập Ủy Ban Cải Tạo Công Thương Nghiệp giao cho Nguyễn Văn Linh phụ trách.
Vì ông Linh là người sống ở miền Nam, đang là Bí thư thành phố Sài Gòn nên biện pháp của ông mềm dẻo và không tiến hành nhanh chóng dứt điểm như Bộ chính trị mong muốn nên Nguyễn Văn Linh bị Lê Duẩn cách chức Bí thư thành ủy vào năm 1978, bị đưa ra khỏi Bộ chính trị, điều sang phụ trách công tác dân vận, công đoàn. Lê Duẩn đã cử Đỗ Mười và Tố Hữu, cả hai đang là Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, vào Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo và đã gây ra không biết bao nhiêu bi kịch tại miền Nam.
Theo kế hoạch này, CSVN đòi hỏi là mỗi phường, khóm phải tìm cho ra một tỷ lệ tối thiểu nào đó những thành phần gọi là “tư sản” giống như hình thức tìm địa chủ trong thời cải cách ruộng đất năm 1953-1956 ở miền Bắc. Vì thế mà tại những xóm lao động, nhiều người chỉ hơn người khác một chút liền bị kết án “tư sản” và đưa đi trại tù cải tạo hay lên vùng rừng thiêng nước độc mà Hà Nội gọi là vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, vì người dân miền Nam đã có những thái độ bất hợp tác và phá ngầm nên có thể nói là chính sách cải tạo công thương không thành công, và nhất là tình hình chính trị trở nên phức tạp sau khi Hà Nội chiếm Campuchia vào tháng 1/1979, nên đảng CSVN đã không còn nhắc đến chủ trương cải tạo công thương nữa.
4/ KINH TẾ MỚI:
Song song với kế hoạch đánh “tư sản” là chính sách đưa người ra vùng “kinh tế mới”. Mục tiêu là để dễ ngăn chận thành phần chống đối trong thành phố và nhất là để có nhà cửa ban phát cho cán bộ từ miền Bắc đưa vào, hay từ Mật Khu ra làm việc ở những thành phố, đặc biệt là tại Sài Gòn.
CSVN đã cưỡng ép 5 thành phần sau đây phải ra khỏi thành phố: 1/ Những người bị ghép là tư sản, tiểu địa chủ; 2/ Những gia đình có người thân bị tập trung cải tạo hay sống trong các khu vực dành riêng cho công chức và quân nhân VNCH; 3/ Những người cư trú bất hợp pháp hay thất nghiệp; 4/ Những hoa kiều. Kế hoạch này bắt đầu ngày 19/5/1976 với phương thức cưỡng bức gồm thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo và nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học khiến đối tượng phải đi ra vùng nông thôn.
JPEG - 19.2 kb
Một ngôi nhà trong khu kinh tế mới sau năm 1975
Ngày 25/6/1976, Lê Duẩn đã trình bày về lý do lập khu kinh tế mới trong kỳ họp thứ nhất quốc hội thống nhất như sau:
Ở miền Nam, những người trước đây nhờ chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ mà có một mức sống vật chất vượt xa khả năng của nền kinh tế trong nước và kết quả lao động của bản thân họ, nên hiểu rằng đó là một cuộc sống phồn vinh giả tạo, đổi bằng đau khổ, chết chóc của hàng triệu đồng bào, bằng sự triệt phá biết bao xóm làng, thị trấn, bằng sự sa đọa của biết bao thanh niên, bằng sự chà đạp nhân phẩm của biết bao phụ nữ ở các vùng tạm bị chiếm, và bằng nhục mất nước. Họ nên hiểu rằng lối sống chạy theo những nhu cầu giả tạo theo kiểu “xã hội tiêu thụ”, đua đòi theo những thị hiếu tầm thường, hoàn toàn trái với cuộc sống hạnh phúc văn minh chân chính. Những đồng bào ấy ngày nay có thể và cần trở lại với thực tế, trở về với cuộc sống của dân tộc, sống bằng kết quả lao động của mình. Đó là con đường để tiến tới một cuộc đời tươi vui, đẹp đẽ, có ý nghĩa, có phẩm giá, có hạnh phúc thật sự và lâu bền cho chính mình và con cháu mình.
Với quan điểm của một người đứng đầu đảng và nhà nước có một nhận định vô cùng thiển cận theo tư duy cộng sản như vậy, đã khiến cho dân tộc phải đón nhận một bi kịch mới của đất nước không khác gì chính sách cải cách ruộng đất mà CSVN đã áp dụng ở miền Bắc từ năm 1953 đến năm 1956.
Trong 5 năm từ năm 1976 đến năm 1980, Thành phố Sài Gòn đã đưa về sống ở nông thôn 832 ngàn người. Mỗi gia đình khi bị đưa ra vùng kinh tế mới, chỉ được mang theo tối đa 800 kí lô hành lý. Hai dụng cụ được cung cấp là cuốc, thuổng và được cấp 2,5 mẫu dùng làm “đất sản xuất” để tự túc trồng trọt lương thực. Các khu “kinh tế mới” được lập ra vội vã tại Bình Dương, Bình Tuy, Bình Long, Phước Long, Tân Phú, Thủ Dầu Một, Định Quán, Lai Khê… Trên mảnh đất thuộc vùng khô cằn sỏi đá hoặc rừng rậm, chưa hề được canh tác, do đó, người dân phải tự lực cánh sinh và còn phải đóng góp 8 giờ cho Hợp tác xã.
JPEG - 34.9 kb
Khu kinh tế mới sau năm 1975
Cả đời sinh sống trong thành phố không hề biết đến lao động chân tay, nên đa số những người bị ép buộc về các khu kinh tế mới không thể sống nổi vì thiếu thốn thuốc men, bị bệnh tật hoành hành và hoàn toàn không có tương lai. Hầu hết đều tìm cách trốn về lại thành phố. Nhưng nhà cũ của mình thì đã bị người của nhà nước chiếm đoạt, đành phải sống vật vờ, xin ăn, tìm kiếm cơ hội đi vượt biên hoặc phải về quê tá túc với người thân.
5/ HỢP TÁC XÃ:
Tại nông thôn, rút kinh nghiệm thất bại của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, Bộ chính trị CSVN chỉ tiến hành chính sách đưa nông dân vào hợp tác xã mà thôi. Theo kế hoạch thì ruộng đất được tập hợp lại để tổ chức canh tác tập thể, sản phẩm được phân chia căn cứ theo mức đóng góp. Máy móc nông nghiệp của nông dân bị trưng mua để thành lập các hợp tác xã phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các hợp tác xã sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm của mình cho Nhà nước theo giá kế hoạch thấp hơn rất nhiều giá thị trường. Bù lại, nhà nước cung cấp vật tư và hàng hóa tiêu dùng cho các hợp tác xã.
Tháng 6/1977, Hà Nội đã buộc các Tỉnh phải đẩy mạnh việc đưa nông dân vào hợp tác xã và hoàn tất vào năm 1979. Tính đến cuối năm 1979, ở Miền Nam thành lập được 1.286 hợp tác xã và hơn 15.000 tổ sản xuất bao gồm khoảng 50% nông dân. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo trên hình thức vì kế hoạch này đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của nông dân các tỉnh, nhất là vùng đồng bằng vùng châu thổ sông Cửu Long. Nông dân đã bỏ ruộng không chịu canh tác và không chịu tham gia vào hợp tác xã khiến cho sản lượng cũng như năng xuất lúa tụt xuống một cách thảm hại, từ 11,8 triệu tấn lúa năm 1976 xuốn còn 9,7 triệu tấn lúa vào năm 1979. Đặc biệt là năm 1978 đã xảy ra trận lụt lớn chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến cả nước rơi vào tình trạng thiếu đói khủng khiếp.
Nông dân đã bỏ ruộng không chịu canh tác và không chịu tham gia vào hợp tác xã khiến cho tình trạng lương thực cả nước bị nguy kịch, đưa đến sự sụp đổ của nền nông nghiệp miền Nam. Rốt cuộc là Hà Nội đã phải ngưng chính sách hợp tác hóa vào cuối năm 1979.
Thay vào đó, chế độ tung ra chính sách khoán hộ, tức là mỗi nông dân đảm nhận ruộng canh tác và với mức khoán sản lượng thâu hoạch do hai bên thỏa thuận. Nếu sản lượng canh tác vượt hơn mức khoán thì nông dân có quyền sử dụng mức thu hoạch dư đó bằng cách bán ra ngoài thị trường hay bán cho nhà nước với giá thỏa thuận.
Những cải tổ này tuy giới hạn nhưng đã phần nào thay đổi đời sống thiếu thốn của người dân. Nhưng đến năm 1982, tại hội nghị 5 của Trung ương đảng, Lê Duẩn cho rằng phải tiếp tục chủ trương cải tạo công thương nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp thì mới có thể tiến lên CNXH. Chủ trương này của Lê Duẩn một lần nữa đã đẩy toàn thể đất nước vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, kéo dài cho đến khi Lê Duẩn từ trần vào tháng 7/1986.

B. Về mặt đối ngoại: CSVN đã hoàn toàn dựa vào Liên Xô, dâng hiến hải cảng Cam Ranh làm nơi đồn trú của lực lượng hải quân Nga và tiến hành tham vọng xây dựng Liên bang Đông Dương.
1/ THEO LIÊN XÔ:
Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào tháng 4/1975, mục tiêu chiến lược của Liên Xô lẫn Trung Cộng đối với CSVN đã thay đổi. Liên Xô chỉ bằng lòng giúp CSVN nếu Hà Nội chịu nằm trong quỹ đạo Liên Xô, kể cả về kinh tế lẫn quân sự, để giúp Liên Xô kiềm chế Trung Cộng và có một đầu cầu quân sự quan trọng trong vùng nam Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Trung Cộng ngày càng thân thiện với Hoa Kỳ và đang coi Liên Xô là kẻ thù số một, không thấy có nhu cầu phải giúp CSVN độc lập không chịu về phe mình để chống lại Liên Xô. Vì thế mà tháng 8/1975, CSVN cử Lê Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban kế hoạch nhà nước, người đã từng sang Bắc Kinh nhiều lần xin viện trợ trong thời kỳ còn chiến tranh sang cảm ơn và tiếp tục xin viện trợ tái thiết, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.
Không nãn chí, cuối tháng Chín, 1975, Lê Duẩn cùng với Lê Thanh Nghị dẫn một phái đoàn sang thăm Bắc Kinh một lần nữa. Đặng Tiểu Bình vừa mới được phục chức Phó Thủ Tướng đón tiếp Lê Duẩn và đề nghị CSVN liên kết với Bắc Kinh để chống bá quyền “Liên Xô”, nhưng Lê Duẩn từ chối khi cho rằng Liên Xô là “ân nhân” của CSVN. Thái độ của Lê Duẩn đã làm cho Bắc Kinh khó chịu và từ chối viện trợ; vì thế mà Lê Duẩn từ chối thảo Thông cáo chung và hủy bỏ tiệc liên hoan đáp lễ.
Ngày 25/9/1975, Lê Duẩn đáp tàu Lửa đi Thiên Tân trở về nước. Một tháng sau, Lê Duẩn dẫn một phái đoàn viếng thăm Liên Xô. Trái với chuyến đi Trung Quốc, Lê Duẩn đã ký một thông cáo chung giữa hai bên, trong đó CSVN nhất trí với Liên Xô về đuờng hướng đối ngoại.
JPEG - 22.6 kb
Lê Duẩn (Tổng bí thư đảng CSVN) và Brezhnev (Tổng bí thư đảng CS Liên Xô) chứng kiến lễ ký Hiệp định hữu nghị 1978.
Kể từ lúc này, CSVN đã công khai đứng về phía Liên Xô. Nhưng CSVN vẫn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với Bắc Kinh để tranh thủ nguồn viện trợ. Nhưng khi Khờ Me Đỏ tìm cách thoát ra khỏi vòng khống chế “Liên Bang Đông Dương” của CSVN bằng cách đi theo Trung Cộng và giận dữ trước sự kiện Hà Nội đuổi hàng loạt người Hoa rời khỏi Việt Nam nên Bắc Kinh đã ủng hộ chính quyền Khờ Me Đỏ (Dân Chủ Campuchia) và từ chối viện trợ cho Hà Nội.
Đầu năm 1977, Liên Xô và CSVN đã ký hiệp định hợp tác kinh tế; theo đó Liên Xô giúp Hà Nội xây dựng một số cơ sở kinh tế quan trọng như nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, hợp tác khai thác dầu khí. Tổng số viện trợ và cho vay của Liên Xô cho Hà Nội từ năm 1975 đến năm 1980 trị giá hơn 2,4 tỷ rúp chuyển nhượng. Qua sự bảo lãnh của Liên Xô, tháng 5 năm 1977, CSVN gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa (COMECON).
Tháng 7/1977, nhiều phái đoàn quân sự của Liên Xô viếng thăm Việt Nam và tiến hành một số hợp tác quân sự, qua đó Liên Xô giúp CSVN tái thiết một số phi trường, hải cảng ở miền Nam như Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang, Tân Sơn Nhứt.
Tháng 2/1979, trên hình thức, Liên Xô và CSVN ký hiệp định cho phép tàu thuyền hải quân Liên Xô ra vào, ghé đậu, và máy bay Liên Xô hạ cánh ở Cam Ranh; nhưng trong thực tế thì Hà Nội đã để cho quân đội Liên Xô đóng ở hai căn cứ Cam Ranh và Đà Nẵng vừa để giúp bảo vệ vùng trời của Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc và Hoa Kỳ, vừa để hải quân Liên Xô kiểm soát đường chở dầu hỏa qua biển Đông trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
2/ CHIẾM CAMPUCHIA:
Sau khi ký hiệp ước hữu nghị với Liên Xô, ngày 18/7/1977 phái đoàn đảng và nhà nước CSVN do Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang viếng thăm Lào qua sự tiếp đón rất long trọng của Chủ tịch đảng Cộng sản Lào Souphanouvong, Thủ tướng Lào Kayson Phomvihan. Tại đây hai phía đã ký Hiệp ước hữu nghị và tương trợ, với nội dung “hợp tác chặt chẽ để tăng cường khả năng phòng thủ và bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của hai nước.” Hiệp ước này trong thực thế chỉ là văn kiện hợp thức hóa sự chiếm đóng của 3 sư đoàn 325, 304 và 968 của CSVN trên đất Lào.
Với hiệp ước hữu nghị giữa Lào và CSVN đã làm cho phe Khờ Me Đỏ tức Dân Chủ Campuchia lo ngại không sớm thì muộn sẽ bị Hà Nội ép phải vào trong Liên Bang Đông Dương. Do đó mà Campuchia thấy cần phải liên minh chặt chẽ hơn nữa với Bắc Kinh và chuẩn bị một cuộc chiến tranh “tự vệ mới” để chống lại lực lượng quân đội CSVN.
Với sự yểm trợ ngầm của Bắc Kinh, đêm 30/4/1977, ba trung đoàn KMĐ thuộc các sư đoàn 210 và 250 của quân khu Tây Nam mở cuộc hành quân đánh lớn vào nhiều quận lỵ và làng mạc sát biên giới thuộc tỉnh An Giang. Bị đánh bất ngờ, bộ đội CSVN bỏ chạy, quân KMĐ tràn sang biên giới đốt phá làng mạc, tàn sát thường dân vô tội, nhất là phụ nữ và trẻ em.
Lúc đó, CSVN vẫn còn muốn lấy lòng Bắc Kinh nên chỉ xử dụng phi cơ oanh kích trả đũa những căn cứ quân sự của KMĐ trên đất Campuchia chứ chưa mở cuộc phản công. Ngay cả việc trao kháng thư phản đối, Hà Nội chỉ trao một cách kín đáo cho viên đại sứ KMĐ tại Hà Nội. Sự thụ động của CSVN đã làm cho Pol Pot càng hăng máu muốn đánh lớn để lập công dâng Bắc Kinh.
JPEG - 23.9 kb
Pol Pot viếng thăm Bắc Kinh được Chủ tịch Hoa Quốc Phong đón tiếp linh đình
Vì thế mà 3 ngày trước khi rời Campuchia sang thăm Bắc Kinh, đêm 24/9/1977, Pol Pot ra lệnh cho các đơn vị của hai sư đoàn 3 và 4 của quân khu Đông ồ ạt tấn công vào vùng biên giới Tỉnh Tây Ninh như Bến Cầu, Tân Biên, Xa Mát, Châu Thành. Khu kinh tế mới Long Cường cũng bị tấn công. Sau những trận đánh tháng 9, quân KMĐ tiếp tục mở những cuộc tấn công quấy rối, thăm dò, cho đến ngày 17/11/1977 thì mười ba tiểu đoàn thuộc các sư đoàn 3, 4 và 290 lại mở cuộc tổng tấn công lớn đánh chiếm những làng xã phía Tây Tỉnh Tây Ninh và nhất là khống chế Tỉnh Lộ 13 chạy song song với biên giới phía Tây tỉnh Tây Ninh.
Ngày 2/12/1977, Binh đoàn Cửu Long gồm các sư đoàn 7, 9, 341 dưới sự chỉ huy của Tướng Hoàng Cầm đã tổng phản công tái chiếm lại những vị trí ở tỉnh Tây Ninh, sau đó tràn sang biên giới Miên phá hủy những căn cứ quân sự. Trước sự phản công của CSVN. Cuối tháng 7/1978, Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Son Sen đã sang Bắc Kinh yêu cầu Đặng Tiểu Bình bảo đảm viện trợ quân sự mạnh mẽ để chống lại CSVN. Đặng Tiểu Bình hứa là nếu KMĐ trung thành giữ đúng bổn phận và cùng chung mặt trận thống nhất chống CSVN thì viện trợ không ngừng. Họ Đặng cũng đã thúc KMĐ phải tái lập Thái tử Norodom Sihanuok trở lại ngôi vị đứng đầu chính phủ để thu hút sự ủng hộ của thế giới. Lúc đó, Bắc Kinh cũng cố vấn cho Son Sen là nên chuẩn bị chiến tranh du kích, chôn giấu vũ khí để chuẩn bị đối phó với lực lượng CSVN bằng du kích hơn là trận địa chiến. Theo tình báo CIA thì cố vấn quân sự Trung Cộng tại Campuchia có khoảng 5000 người vào năm 1978.
Trong khi đó, từ mùa hè năm 1978, CSVN đã tiến hành một số nỗ lực: 1/ cử Phạm Văn Đồng viếng thăm các nước trong khối ASEAN nhằm vận động Mã Lai, Thái Lan chống lại Trung Cộng nhưng hoàn toàn thất bại vì các nước này đã bị Bắc Kinh lôi kéo trước đó để chống lại Hà Nội; 2/ thành lập Hội đồng cách mạng Campuchia do Heng Samrin và Chea Sim lãnh đạo để chuẩn bị tiếp thu Nam Vang khi Khờ Me Đỏ bỏ chạy; 3/ Huy động một lực lượng hùng hậu tấn công lực lượng Khờ Me Đỏ ngay trên đất Campuchia. CSVN đã chọn thởi điểm tấn công là tháng 12 khi lúa gặt xong và ruộng đồng khô ráo.
JPEG - 35.4 kb
Heng Samrin hiện là chủ tịch Quốc hội Campuchia, người do CSVN đào tạo đưa về lãnh đạo Campuchia sau khi lật đổ chính quyền Pol Pot.
Ngày 9/1/1979, lực lượng CSVN đã chiếm được thủ đô Nam Vang và đưa Heng Samrin xuất hiện với tư thế là chủ tịch hội đồng cách mạng. Ngày 18/1 Heng Samrin đã thay mặt hội đồng này ký một hiệp ước với CSVN, hợp thức hóa sự hiện diện của 180 ngàn quân đội CSVN do Tướng Lê Đức Anh chỉ huy trên đất Campuchia. Trong ba tháng chiếm đóng Nam Vang, các đoàn xa mườn nượp chở tủ lạnh, máy điều hòa không khí, đồ điện, máy móc và đồ điêu khắc về Sài Gòn.
Trong khi đó, Campuchia được tuyên bố là đặt dưới sự lãnh đạo của đảng Nhân Dân Cách Mạng, đảng này được lập ra một cách vội vã lúc lực lượng CSVN tiến vào Nam Vang với khoảng 200 đảng viên. Đa số họ là những người đã chạy sang lưu vong ở Hà Nội trong thời gian KMĐ cầm quyền và đã lập ra Hội đồng cách mạng Campuchia nhưng không đủ khả năng để lãnh đạo và điều hành Campuchia. Nhất là không đủ khả năng chống lại KMĐ.
Do đó mà hàng ngàn cán bộ CSVN đưa sang với tư cách làm “cố vấn” nhưng thực tế là điều động mọi thứ, từ việc tái lập lại vấn đề điện, nước, bệnh viện, trường học, chợ búa cho đến vấn đề tu bổ đường xá, cầu cống và xe cộ vận chuyển. Các bộ trong chính quyền được tái lập nhưng dưới sự điều động của các cố vấn CSVN từ Y tế, giáo dục, ngân hàng, ngoại thương, an ninh…
Để kiểm soát toàn bộ chính quyền Campuchia, CSVN đã thành lập 3 bộ phận bí mật. Thấp nhất là A-50: chỉ đạo các chuyên gia CSVN sang giúp cho các tỉnh Campuchia. Kế đến là tổ B-68 do Trần Xuân Bách lãnh đạo trực thuộc Ban Bí Thư gồm các chuyên gia CSVN có nhiệm vụ cố vấn các Bộ. Cao nhất là A-40 gồm mấy chuyên gia cao cấp của Ủy ban Trung ương đảng CSVN.
Hậu quả của chính sách xâm chiếm Campuchia đã đưa đất nước, một lần nữa, vào chiến tranh chết chóc với hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam bỏ xác trên trận địa mới, vừa tạo sự phẫn nộ của các quốc gia láng giềng, của dư luận quốc tế, và nhất là Trung Cộng.
JPEG - 29.8 kb
Bộ đội CSVN đã tiến chiếm Thủ đô Nam Vang đuổi lực lượng Pol Pot chạy ra biên giới Thái Miên.

3/ CHIẾN TRANH VỚI TÀU:
Tháng 2/1978, Bộ chính trị CSVN họp tại Sài Gòn bàn về cách đối phó tình hình mới. Hội nghị đã thống nhất trên ba điểm: 1/ Đối phó quyết liệt với KMĐ; 2/ Đương đầu với Trung Cộng; 3/ Giải quyết vấn đề người Hoa để trừ mối họa “thù trong giặc ngoài”; 4/ Liên minh chặt chẽ với Liên Xô và tiếp cận với khối ASEAN và Hoa Kỳ.
Một khi đã quyết định đối mặt với Trung Cộng, CSVN nghĩ đến hiểm họa của hơn 2 triệu người Hoa sống ở Việt Nam. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng người Hoa có một thế lực kinh tế mạnh ở Việt Nam. Hành động đầu tiên của CSVN đối với người Hoa là bắt phải nhập Việt tịch nếu không sẽ mất hộ khẩu và khẩu phần mua lương thực. Song song, CSVN âm thầm trục xuất những người gốc Hoa sống ở những địa phương sát biên giới và nhất là tổ chức cho người Hoa đi tỵ nạn để thu vàng. Nhưng khi CSVN tung ra chiến dịch “triệt hạ những thành phần tư sản miền Nam” mà cụ thể là nhắm vào giới tư sản Hoa Kiều ở miền Nam thì Trung Cộng không thể không phản ứng, nếu không sẽ mất mặt.
Bắc Kinh ra lệnh ngưng tất cả 75 dự án viện trợ cho CSVN, rút hết các chuyên gia về nước. Hành động đó là một biện pháp trừng phạt tương đương như Liên Xô đã dùng để đối phó với Trung Cộng vào năm 1960. Ngày 24/8/1978, Bắc Kinh gọi người Hoa sống ở Việt Nam là “nạn kiều” và tố cáo CSVN đã đàn áp và đối xử bất công đối với người Hoa. Từ năm 1977 đến năm 1979 đã có non 1 triệu người Hoa bị CSVN ngược đãi phải vượt biên giới chạy về Quảng Đông, Quảng Tây lánh nạn.
Trong khi đó, CSVN cũng tìm cách loại bỏ những cán bộ có nhiều quan hệ với Bắc Kinh như Hoàng Văn Hoan (Ủy viên Trung ương đảng), Chu Văn Tấn (tư lệnh quân khu 1), Lê Quảng Ba (phó chủ tịch quốc hội), Lý Ban (Thứ trưởng Bộ ngoại thương) ra khỏi bộ máy nhà nước. Sự đối đầu giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã lên cao điểm khi CSVN chuẩn bị cuộc chiến xâm lăng Campuchia vào cuối năm 1977.
Đối với Trung Cộng, sau khi bỏ ra gần 20 tỷ Mỹ Kim viện trợ cho Hà Nội trong những năm chiến tranh và nhất là xây hàng trăm nhà thương ngay trong lãnh thổ của mình để chữa trị các thương binh, sự trở mặt của CSVN là một hành động phản bội, cần phải trừng phạt. Trung Cộng đã lên kế sách tấn công CSVN vào cuối năm 1978. Mục tiêu của cuộc trừng phạt này, theo Đặng Tiểu Bình nói với thế giới bên ngoài là để dạy cho Hà Nội một bài học; nhưng thực ra, vụ trừng phạt này còn giúp cho họ Đặng dùng “kẻ thù Việt cộng” để tạo sự đoàn kết trong nội bộ đảng sau khi lật đổ xong nhóm Tứ Nhân Bang.
JPEG - 33 kb
Quân Trung Cộng tiến vào Lạng Sơn tong trận chiến biên giới 1979.
Ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc bắt đầu pháo kích ào ạt sang các vị trí quân sự của các quận Tiên Lĩnh, Hà Quảng thuộc tỉnh Cao Bằng, mở đầu cho cuộc tấn công quy mô trên một chiến tuyến dài 1 ngàn cây số dọc theo biên giới Việt Hoa, từ Lai Châu đến Móng Cái. Trung Cộng đã huy động 80 ngàn quân và hàng trăm ngàn quân yểm trợ cho cuộc chiến biên giới này cho đến ngày 16/3 mới kết thúc.
Cuộc chiến này đã gây thiệt hại cho cả hai bên rất nhiều, đặc biệt là số thương vong phía Trung Cộng lên rất cao. Theo điều tra của Tạp Chí Time thì bộ đội Trung Cộng bị thiệt mạng là 25 ngàn người và 26 ngàn bộ đội bị thương, phía CSVN bị thiệt mạng là 10 ngàn người và 1,600 bị bắt làm tù binh. Sau trận chiến biên giới, Bắc Kinh và Hà Nội đã đổi sang khẩu chiến, với những đòn tuyên truyền kích động và chống phá lẫn nhau trên các lãnh vực từ ngoại giao, truyền thông, báo chí cho đến phim ảnh, kịch nghệ.
Vào lúc này, ông Hoàng Văn Hoan, phó chủ tịch quốc hội, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Lục đã đào thoát sang Bắc Kinh nhân chuyến đi ngoại quốc vào năm 1979. Ông Hoan đứng về phía Bắc Kinh tấn công lại Hà Nội và đã bị CSVN khai trừ ra khỏi đảng.
4/ LIÊN BANG ĐÔNG DƯƠNG:
Sau khi thiết lập xong chính quyền bù nhìn tại Nam Vang, tháng 1/1980 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch một hội nghị của Ngoại trưởng ba nước Việt – Miên – Lào diễn ra tại Thủ đô Vạn Tượng của Lào để hình thành Liên Minh Hữu Nghị Ba Nước Việt – Miên – Lào. Tại Hội nghị này, ba nước đã quyết định là mỗi hai năm, nguyên thủ của ba nước gặp nhau một lần để trao đổi các vấn đề chiến lược và tất cả các tỉnh, thành ở Campuchia và Lào đều có một tỉnh, thành của Việt Nam đỡ đầu. Các cố vấn về quân sự và chuyên gia về kỹ thuật của Việt Nam sẽ sang làm việc, giúp ý kiến cho các cơ quan trung ương và địa phương của Lào và Campuchia.
Trong Hội nghị thượng đỉnh của ba nước cũng tại Vạn Tượng vào tháng 2/1983, ba nguyên thủ đã đồng ý thành lập Uỷ ban liên kết kinh tế Việt – Miên – Lào, cứ mỗi 6 tháng các Bộ trưởng kinh tế, tài chánh sẽ họp nhau một lần để trao đổi và đẩy mạnh các dự án hợp tác phát triển kinh tế giữa ba nước, xây dựng một loại công phiếu Đông Dương để dùng chung cho 3 nước. Dưới hình thức liên kết nói trên, CSVN đã không chỉ nắm chặt bộ máy điều hành của Lào, Campuchia mà còn đưa cán bộ và dân chúng sang sinh sống và làm việc – như một hình thức “xâm lược” mới – tại hai xứ này. Theo đánh giá của một số chuyên gia Đông Nam Á thì tính cho đến năm 1985, Hà Nội đã cho phép khoảng 1 triệu người Việt nhập cư tại Campuchia.
Với những chính sách đối nội và đối ngoại sai lầm nói trên, CSVN đã tạo ra một địa ngục ngay trên đất nước Việt Nam và hận thù đối với các nước lân bang.
Dân chúng Việt Nam ở cả hai miền Nam và Bắc không chỉ sống trong cơ hàn, đói khát, bị đàn áp, đe dọa với chính sách nghi kỵ, phải tố cáo nhau để sống còn – phá tan giềng mối gia cang và đạo đức trong xã hội, mà còn bị tước đoạt mọi quyền căn bản của con người. Trong bối cảnh khổ đau cùng cực đó, người Việt Nam đã có hai phản ứng.
Thứ nhất là tìm cách chạy trốn thảm họa Cộng sản để tìm tự do nơi xứ người với làn sóng thuyền nhân ào ạt vượt biên, vượt biển sang các quốc gia láng giềng tạo ra một chấn động lớn trong lịch sử cận đại thế giới. Hàng triệu người bất chấp cái chết đã tìm mọi cách ra đi và có nhiều người đã vùi thân nơi biển cả, rừng sâu trên đường chạy trốn. Bi kịch thuyền nhân đã tác động lên lương tri nhân loại và Liên Hiệp Quốc đã phải triệu tập một Hội nghị Quốc tế về Thuyền Nhân vào năm 1980 để huy động các quốc gia chung tay cứu giúp thuyền nhân.
JPEG - 22.4 kb
Thuyền Nhân Tỵ Nạn Cộng Sản: Chấp nhận cái chết để tìm tự do.
Những thuyền nhân ra đi dù sống tạm tại những trại tỵ nạn ở Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai, Nhật Bản để chờ ngày tái định cư, hay đã được định cư lập cuộc sống mới tại các quốc gia Hoa Kỳ, Úc Châu, Gia Nã Đại, Pháp, Thụy Sĩ vân vân… đều quây quần thành lập những hội đoàn, tổ chức để vừa duy trì tinh thần đấu tranh chống Cộng sản, vừa giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống mới. Tuy các thuyền nhân đã trải qua cuộc hành trình vượt biên, vượt biển rất hãi hùng, nhưng khi đến được bến bờ tự do đều không quên những người còn ở lại trong lao tù CSVN và đồng bào đang sống lây lất tại quê nhà, nên đã tiếp tục góp phần trong công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam tự do. Chính khối người Việt tỵ nạn với lòng yêu nước và chán ghét chế độ độc tài CSVN đã phát huy và duy trì chính nghĩa đấu tranh kéo dài đến ngày hôm nay.
Thứ hai là không chấp nhận đầu hàng chế độ và tiếp tục lập những tổ chức đấu tranh để chống lại chính sách cai trị độc tài và tàn ác của CSVN. Ở trong nước, đa số các tổ chức kháng cự được thành lập vào thời điểm ngay sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ bởi những người không chấp nhận lệnh đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Ở hải ngoại, những lực lượng đấu tranh được thành lập bởi những người tỵ nạn cộng sản tại Hoa Kỳ, Úc Châu, Pháp, Nhật Bản. Nỗ lực chính yếu của các lực lượng đấu tranh vào thời gian này là tìm cách liên lạc để tạo cái bắt tay giữa các lực lượng ở trong nước và ở hải ngoại để có thể hỗ trợ và nuôi dưỡng trận thế đấu tranh lâu dài.
Trong thời kỳ từ năm 1979 đến năm 1982, có nhiều cá nhân, tổ chức tại hải ngoại đã tìm cách trở về vùng Đông Nam Á để liên lạc, móc nối những tổ chức kháng cự tại quốc nội hầu thống nhất thành một mặt trận đấu tranh chung như các ông Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh. Trong các nỗ lực này, sự ra đời của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam qua buổi lễ công bố Cương Lĩnh Chính Trị vào năm 1982 tại vùng rừng núi Thái Lào, đã làm cho ngọn lửa kháng chiến bùng cháy trở lại trong lòng người Việt Nam sau những năm tháng tủi nhục của ngày 30/4/1975.
JPEG - 30.6 kb
Vì phải xây dựng lại lực lượng đấu tranh từ con số không trong bối cảnh buông xuôi của mọi người sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, lại thiếu thốn phương tiện và nhất là thiếu một sách lược đấu tranh đường dài để phối hợp các nỗ lực chung ở trong và ngoài nước, đa số các tổ chức kháng cự dễ dàng bị tiêu diệt hay bị phá vỡ bởi lực lượng quân sự của Cộng sản Việt Nam. Hơn thế nữa, hầu hết lãnh tụ của các đảng phái, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và nhất là hàng trăm ngàn sĩ quan, binh sĩ trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị tập trung trong các trại tù cải tạo, trong khi dân chúng bị những đòn khủng bố, răn đe của mạng lưới công an làm tê liệt, nên các lực lượng đấu tranh chưa thể tạo được những động lượng thay đổi khi biến cố Đông Âu xảy ra.
*
Qua những diễn tiến của 10 năm (1975-1984) nói trên cho thấy là do sự ngạo mạn, hiếu thắng và nô lệ chủ nghĩa, CSVN đã phá hoại đất nước với chủ trương “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”, bất chấp tình trạng suy kiệt của đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh. Trong 10 năm này, Lê Duẩn dồn mọi tài nguyên quốc gia vào việc thực hiện bá quyền trên vùng đất Đông Dương, sau đó bị sa lầy trên chiến trường Campuchia, kéo nước ta thụt lùi vào những năm đầu thế kỷ.
Trong giai đoạn cầm quyền này, Việt Nam đã có hai cơ hội lớn để khai dụng, đó là; 1/ Nguồn nhân lực ở miền Nam có nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật và một hạ tầng kinh tế vững chắc của Việt Nam Cộng Hòa để lại; 2/ Chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter đã có ý muốn thiết lập bang giao với Hà Nội. Nhưng hai cơ hội lớn đã bị Lê Duẩn và lãnh đạo Hà Nội phá hủy chỉ vì sự cao ngạo “thắng Mỹ” và đam mê “nhuộm đỏ” Đông Dương.
Nhận xét về giai đoạn 10 năm này, ông Trần Xuân Bách, lúc còn là Ủy viên Bộ chính trị, đã trả lời phỏng vấn của ký giả Hiebet, tờ Viễn Đông Kinh Tế vào tháng 12/1989 như sau: “Sau mười năm chiến thắng, chúng tôi đã thấy thất bại, lầm lỗi vì quá chủ quan. Chúng tôi cố gắng kỹ nghệ hóa nhưng chưa làm được những nền tảng vững chắc. Những cơ cấu quản trị cũ kỹ đã làm đình trệ sự đổi mới về kinh tế này.” Ông Trần Xuân Bách sau đó đã bị thất sủng vì những nhận thức thẳng thắn này.
Trong tình trạng đất nước tan hoang như vậy, dân tộc Việt Nam đã không đầu hàng nghịch cảnh, những người yêu nước đã can đảm vùng lên dựng ngọn cờ chính nghĩa dân tộc với mục tiêu đấu tranh giải phóng Việt Nam khỏi ách độc tài CSVN và xây dựng nền tự do dân chủ. Ý chí đấu tranh này đã không chỉ hun đúc nơi thế hệ tỵ nạn đầu tiên vào những thập niên 70 và 80 mà còn tiếp tục lưu truyền cho các thế hệ trẻ sau này ở hải ngoại, và nhất là đã chuyển lửa đấu tranh vào tận quốc nội ngày nay.

THỜI KỲ II: 1985 – 1994:
Liên Xô Sụp Đổ
Hà Nội Quay Sang Khấu Tấu Bắc Kinh.
Năm 1985 đã có một sự thay đổi lớn trong thế giới Cộng sản và tại Việt Nam.
Trước tình trạng phá sản của Liên Xô do cuộc chạy đua vũ trang không gian với Hoa Kỳ trong thập niên 70, Tổng bí thư Gorbachev của đảng CS Liên Xô đã đưa ra hai chính sách “mở cửa” và “tái phối trí” nhằm mục tiêu cứu nguy Liên Xô vào tháng 5/1985.
Khi mẫu mực cộng sản của mình bị phá sản, đến nỗi mất luôn khả năng bành trướng và phải quay sang cầu cạnh Tây phương để tìm cách cứu nguy kinh tế, Liên Xô không thể nào chi viện cả quân sự lẫn kinh tế cho các nước cộng sản đàn em. Trong Hội nghị của Hội đồng tương trợ kinh tế khối xã hội chủ nghĩa (COMECON = SEV) vào tháng 7 năm 1985, Gorbachev đã chính thức yêu cầu các nước phải mở rộng quan hệ với phương Tây. Tức là cho phép các nước đàn em tự xoay trở để cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng chung của thế giới cộng sản.
JPEG - 34.6 kb
Phiên họp giữa Gorbachev với lãnh tụ các nước cộng sản đàn em tại Ba Lan (1985) cho phép các nước mở cửa buôn bán với Tây Phương để tự cứu
Trong lúc đó, cho đến năm 1985, CSVN đã hợp tác hóa nông dân thành 30.086 hợp tác xã và 25,628 tập đoàn sản xuất trên toàn quốc, bao gồm các lãnh vực trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Nhưng điều trớ trêu là cả nước thiếu đói vì không đủ lương thực cung cấp cho cả nước. Lý do là vì nông dân đã bỏ ruộng không canh tác và không chăn nuôi.
Lạm phát tăng vọt, các xí nghiệp quốc doanh và tập thể sống thoi thóp, sản xuất không đủ để cung ứng nhu cầu tiêu dùng, khiến cho cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ lớn hơn giai đoạn mà CSVN vừa mới tiếp thu miền Nam từ 1976-1980, làm ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, công an, bộ đội.
PNG - 352.2 kb
Đời sống cơ cực của người dân trong những năm đầu sau khi CS chiếm miền Nam (1975-1980)
Trong lúc trung ương đảng vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, Tổng bí thư Lê Duẩn lại từ trần vào tháng 7/1986, khiến cho nội bộ CSVN càng rơi vào tình huống bi đát. Để sống còn và dựa theo khuyến cáo của Gorbachev, tháng 8/1986, Trung ương đảng đã tổ chức hội nghị lâm thời bầu Trường Chinh làm xử lý Tổng bí thư, bắt đầu bàn đến chính sách cải tổ. Tháng 12 năm 1986, CSVN tổ chức đại hội đảng lần thứ VI, dưới chủ đề “nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới cơ chế” và bầu ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí Thư.
Do áp lực của Liên Xô, CSVN phải tiến hành đổi mới, nhưng hoàn toàn mù tịt về viễn cảnh của tình hình và nhất là làm sao giải quyết vấn đề lý luận về sự chuyển hướng của phong trào cộng sản trong nội bộ. Hơn nữa sau nhiều năm bị cô lập với thế giới bên ngoài, tư duy của lãnh đạo Hà Nội vào lúc này không theo kịp đà tiến bộ của thế giới nên những phản ứng luôn luôn đi sau những biến động của thời cuộc. Bên cạnh đó, sự chiếm đóng Campuchia đã khiến cho Hà Nội khó có thể tiến hành chính sách mở cửa ra bên ngoài như Gorbachev đề nghị. Cuối cùng, CSVN đã phải mò mẫm tìm phương cách thoát hiểm qua hai chính sách đối nội và đối ngoại đầy mâu thuẫn như sau:
Về mặt đối nội: Lãnh đạo CSVN tìm cách xóa bỏ cơ chế bao cấp, vừa ngăn chận làn sóng dân chủ đa nguyên từ Đông Âu.
1/ XÓA BAO CẤP:
Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam vào những năm 1985-1987 bị khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng. Một mặt do chính sách cải tổ “giá – lương – tiền” nhằm kiểm soát chặt chẽ khu vực lưu thông phân phối, thị trường và giá cả đã tạo ra tình trạng vật giá leo thang, đồng bạc mất giá, hàng hóa lại khan hiếm, khiến cho đời sống người dân bị rối loạn, nhất là thành phần công nhân viên nhà nước vô cùng khốn đốn. Mặt khác do ảnh hưởng của biện pháp tập thể hóa nông nghiệp lần thứ hai từ năm 1982 nông dân đã không chịu canh tác, khiến cả nước bị thiếu hụt lương thực trầm trọng. Trong bối cảnh khó khăn đó, kế hoạch cải tổ kinh tế Việt Nam đã lồng trong chính sách đối ngoại “mở cửa” (triệt thoái Campuchia, vận động đầu tư nước ngoài) để tìm phương tiện thoát hiểm.
Kế hoạch cải tổ tập trung vào việc giải quyết bài toán khủng hoảng kinh tế trên cơ sở xóa bỏ chế độ tập trung bao cấp, bãi bỏ chính sách hai giá và thu mua nông sản của nông dân theo giá thỏa thuận chứ không theo lối ăn cướp như trong quá khứ. Đồng thời chấm dứt chế độ trợ cấp cho công nhân viên chức nhưng tăng lương theo kiểu “bù vào giá lương”. Về hệ thống quốc doanh, CSVN bắt đầu cho xí nghiệp tự quản, được quyền tự tổ chức kế hoạch sản xuất và ấn định chính sách nhân viên, lương bỗng. Đồng thời công nhận nhiều thành phần kinh tế hoạt động bên cạnh quốc doanh và tập thể, theo cơ chế thị trường. Về hợp tác xã nông nghiệp, CSVN bãi bỏ chính sách hợp tác hóa, cho nông dân thuê lại ruộng đất canh tác theo mức khoán sản lượng thâu hoạch theo giá hai bên thỏa thuận.
Những cải tổ nói trên có tạo một bộ mặt thay đổi trong xã hội Việt Nam với hàng hóa tiêu dùng nhiều hơn và chấm dứt thời kỳ nghèo đói kéo dài, nhưng lại xuất hiện một giai cấp quý tộc đỏ trong xã hội. Một thiểu số đã giàu có nhanh chóng nhờ biết móc ngoặc hoặc nằm trong vị thế quyền lực, tham nhũng sinh sôi nẩy nở, và giai cấp thiểu số mới này đã sống phè phỡn, hưởng thụ bên cạnh sự nghèo đói, bần cùng của đại đa số người dân.
2/ CỞI TRÓI NỬA VỜI:
Chính sách đổi mới cũng đã tác động vào nội bộ đảng tạo ra nhiều tệ đoan cùng với sự mất tin tưởng vào lãnh đạo, vào chủ nghĩa của đại đa số đảng viên phổ biến ở mọi cấp. Vì thế mà từ năm 1987, CSVN đã thảo luận về công tác chấn chỉnh nội bộ. Hỗ trợ cho nỗ lực này, lúc đầu Nguyễn Văn Linh đã dùng bút hiệu N.V.L viết một loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân nêu một số tệ đoan, tiêu cực trong xã hội.
Loạt bài của Nguyễn Văn Linh đã mở màn cho thời kỳ xuất hiện nhiều bài viết tấn công các tệ đoan, xã hội, nạn cường hào ác bá địa phương, nạn tham nhũng cửa quyền… tạo ra một cuộc bút chiến giữa cán bộ tuyên huấn của đảng với một số văn nghệ sĩ ủng hộ dân chủ hóa. Lo sợ những bài viết nói trên soi mòn quyền lực của đảng và nhất là cổ võ cho phong trào dân chủ tại Việt Nam bộc phát như các nước Đông Âu, nên Nguyễn Văn Linh phải ngưng các bài viết và đảng ra tay đàn áp, trù dập những văn nghệ sĩ viết bài kêu gọi dân chủ hóa xã hội.
3/ THANH TRỪNG NỘI BỘ:
Sự lớn mạnh của phong trào dân chủ tại Đông Âu đã có ảnh hưởng và làm chuyển biến tư duy một ủy viên bộ chính trị vào lúc đó là ông Trần Xuân Bách. Ông Bách đã đề nghị lãnh đạo CSVN nên đổi mới cả hai chân kinh tế và chính trị với sự tôn trọng dân chủ đa nguyên.
JPEG - 42.5 kb
Ông Trần Xuân Bách bị khai trừ ra khỏi Bộ chính trị và Trung ương vì cổ võ cho dân chủ đa nguyên
Ông Trần Xuân Bách đã từng phát biểu: “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát – do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại…“.
Vì là một ủy viên Bộ chính trị nên quan điểm của ông Trần Xuân Bách được phổ biến công khai trên các cơ quan ngôn luận của đảng, tạo ra một sự chú ý đáng kể của dư luận. Bộ chính trị CSVN đã cho rằng các quan điểm của ông Trần Xuân Bách quá nguy hiểm nên tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 3 năm 1990), ông đã bị phê phán gay gắt và bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Trung ương đảng nhưng không khai trừ khỏi Đảng.
Để ngăn chận các ảnh hưởng của ông Trần Xuân Bách đối với nội bộ, Bộ chính trị CSVN đã ra Nghị quyết 8 để buộc toàn đảng phải tổ chức học tập chủ trương “tiếp tục duy trì sự lãnh đạo của đảng, phủ nhận dân chủ đa nguyên”. Đồng thời Nguyễn Văn Linh còn ra chỉ thị kiểm soát nội dung loan tải của báo chí, truyền thông, đặc biệt là áp lực Thành ủy Sài Gòn giải tán nhóm lãnh đạo Câu lạc bộ Truyền thông kháng chiến của nhóm cán bộ miền Nam vào lúc đó do ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu lập ra.
Về mặt đối ngoại: CSVN tung ra Luật đầu tư mới để mở cửa giao thương với bên ngoài và tìm chỗ dựa mới sau khi khối Liên Xô tan rã toàn diện vào tháng 12/1991.
1/ RÚT QUÂN KHỎI CAMPUCHIA:
Một trong những áp lực từ phía Liên Xô là CSVN phải mở cửa buôn bán với các nước phương Tây; vì thế mà tháng 12/1989, Quốc hội CSVN đã phải công bố Luật đầu tư dành nhiều quyền lợi cho người ngoại quốc vào đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, CSVN vẫn còn bị thế giới cô lập vì chưa rút quân ra khỏi Campuchia và chưa xóa bỏ các trại tù cải tạo đối với quân cán chính VNCH, nên những vận động đầu tư của Hà Nội vào lúc này đa số là “ăn xổi ở thì” của thương nhân Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba… ; chưa có những xí nghiệp lớn đa quốc gia bước vào.
JPEG - 41.7 kb
CSVN làm lễ rút quân ra khỏi Campuchia.
Trong bối cảnh đó, một mặt CSVN mở các cuộc trao đổi tiếp xúc riêng với Bộ ngoại giao Bắc Kinh đề nghị các cuộc gặp gỡ, mặt khác tham gia vào các Hội nghị bàn thảo về vấn đề hòa bình Campuchia. Đầu năm 1989, khi Hà Nội bắt đầu rút quân ra khỏi Campuchia thì Trung Quốc mới xúc tiến các đàm phán, và phía CSVN chấp nhận một cơ chế giám sát quốc tế do Liên Hiệp Quốc chủ trì gồm bốn bên Campuchia tham gia để kiểm chứng việc rút quân của Việt Nam, cũng như thảo luận để tiến đến việc Tổng tuyển cử tại Campuchia vào năm 1993.
2/ KHẤU TẤU BẮC KINH:
Tháng 8/1990 đại sứ Trương Đức Huy của Trung Cộng tại Hà Nội đã chuyển một thông điệp của Tổng bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng muốn mời lãnh đạo CSVN sang Hoa Lục để hội đàm. Ngày 3/9/1990 Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước. Điều bất thường là Nguyễn Cơ Thạch, bộ trưởng ngoại giao Cộng sản Việt Nam vào lúc đó, đã bị Trung Quốc yêu cầu không được đi chung với phái đoàn. Sau hai ngày nói chuyện, kết quả ghi lại trong một biên bản gọi là “Bản Tóm Tắt” gồm 8 điểm, nhưng không hề được lãnh đạo CSVN tiết lộ.
JPEG - 78.5 kb
Hội nghị Thành Đô năm 1990. Đây là Hội nghị mở đầu giai đoạn CSVN quay đầu khấu tấu Bắc Kinh sau khi chỗ dựa Liên Xô tan rã.
Theo ông Trần Quang Cơ, Thứ trưởng ngoại giao CSVN vào lúc đó, sau này cho biết rằng, trong 8 điểm của bản tóm tắt thì 7 điểm đã nói về việc giải quyết Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về việc cải thiện quan hệ hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ của Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Theo ông Trần Quang Cơ thì cuộc gặp gỡ này hoàn toàn do Trung Quốc chủ động và Hà Nội làm theo ý của Bắc Kinh. Điều mà dư luận nghi vấn là trong cuộc Hội đàm này, CSVN đã chính thức khấu tấu Bắc Kinh và hoàn toàn đặt mình dưới sự chỉ đạo của Trung Cộng để được bảo bọc từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến các vấn đề an ninh chiến lược thông qua vòng kim cô “16 Vàng và 4 Tốt” được Giang Trạch Dân đưa ra sau này.
3/ TIẾP XÚC HOA KỲ:
Sau khi Hà Nội rút hết quân ra khỏi Campuchia vào cuối năm 1989 thì những liên lạc trao đổi giữa Bộ ngoại giao CSVN và Hoa Kỳ đã được xúc tiến mạnh mẽ để có những cuộc gặp gỡ cao cấp giữa hai phía. Ngày 29/9/1990, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Baker tại New York. Sau cuộc gặp này, ngày 11/11/1991 Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Những quyết định này của Hoa Kỳ đã khiến cho Bắc Kinh phải nhanh chóng tiến đến bình thường hóa ngoại giao với CSVN.
Ngày 14/12/1992, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ, và đến ngày 3/2/1994 Tổng thống Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Thượng viện Hoa Kỳ trước đó 1 tuần đã thông qua quyết định trên. Đến ngày 28/1/1995 Hoa Kỳ và CSVN chính thức mở văn phòng liên lạc. Nhưng đến ngày 11/7/1995 hai phía mới chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, chấm dứt các chính sách thù địch.
*
Qua những diễn biến trong 10 năm (1985-1994) nói trên cho thấy đây là thời kỳ mà CSVN đối diện với rất nhiều khó khăn từ bên trong lẫn bên ngoài. Ông Trần Bạch Đằng mô tả thời kỳ trong Hồi ức của mình là “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đáng chú ý trong thời kỳ này là ông Nguyễn Văn Linh đã dẫn một phái đoàn sang Đông Đức để dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Đông Đức tổ chức vào ngày 7/10/1989 tại Berlin. Phái đoàn Nguyễn Văn Linh hy vọng là chuyến đi này sẽ học hỏi đôi điều và mang về như một “cẩm nang” để áp dụng chính sách đổi mới tại Việt Nam. Không ngờ là ông Linh đã chứng kiến những cuộc biểu tình rầm rộ đòi dân chủ tại Bá Linh, dẫn đến sự từ chức của Tổng bí thư Erich Honnecker vào ngày 18/10 lúc ông Linh đang còn thăm viếng Đông Đức.
Sau khi về đến Hà Nội, ông Nguyễn Văn Linh lại nhận được tin Bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9/11/1989 khiến sức khoẻ của ông Linh bị suy sụp và đã phải dưỡng bệnh cho đến ngày 16/12/1989 mới xuất hiện trở lại.
JPEG - 25.9 kb
Người Tây và Đông Đức cùng đập phá bức tường Bá Linh tháng 11/1989.
Những sự kiện này cho thấy là biến cố Đông Âu đã làm cho thượng tầng lãnh đạo CSVN ở vào thế bối rối như trẻ bất ngờ bị “mồ côi”, và đã hốt hoảng chạy sang khấu tấu Bắc Kinh để tìm chỗ dựa mới.
Đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều tiếng nói đối kháng trong lòng chế độ Cộng sản Việt Nam đứng lên đòi đa nguyên đa đảng, đòi tự do tư tưởng, tự do ngôn luận cũng như phê phán các chính sách sai lầm của đảng CSVN một cách gay gắt.
Đặc điểm của thời kỳ này là sự xuất hiện của hai thành phần đối kháng là văn nghệ sĩ trí thức và cựu chiến binh đã từng phục vụ trong guồng máy xã hội chủ nghĩa. Thành phần văn nghệ sĩ trí thức đã khai thác chính sách cởi mở của Nguyễn Văn Linh để phê phán các tệ đoan xã hội do guồng máy cai trị độc tài độc đảng gây ra, đồng thời bút chiến với các nhà lý luận Mác – Xít về vấn đề đa nguyên xã hội. Trong khi đó, thành phần cựu chiến binh, đặc biệt là nhóm kháng chiến Nam bộ, cũng đã khai thác những thay đổi vá víu của chế độ qua các biện pháp đổi mới được đảng CSVN thực hiện từ năm 1986 để đưa ra những đòi hỏi cải cách chính trị, chấp nhận tự do ngôn luận, tự do lập hội…
JPEG - 33.5 kb
Một xe Hoa nêu cao nỗ lực tranh đấu cho Nhân Quyền Việt Nam của các đoàn thể tại hải ngoại.
Vào thời kỳ này, các đoàn thể, đảng phái, Cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng đã khai dụng được các phong trào đấu tranh của người dân tại Đông Âu, cho ra đời nhiều phong trào đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho Việt Nam tại các thành phố lớn ở hải ngoại, với hai mục tiêu: a/ Hỗ trợ các nỗ lực đối kháng tại quốc nội; b/ Mở rộng mặt trận quốc tế vận để tố cáo các hành động đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.
Nhờ sự xuất hiện đồng loạt và trải rộng trên nhiều địa bàn hải ngoại, các phong trào giành tự do dân chủ tại Việt Nam đã không chỉ tạo được một không khí đấu tranh tích cực trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, mà còn ngăn chận được phần nào những đòn khủng bố của Cộng sản Việt Nam đối với sự lên tiếng đấu tranh của các nhà đối kháng, các vị lãnh đạo tôn giáo ở trong nước.
(Còn tiếp phần II)
Lý Thái Hùng
28/4/2015.
– – –
Tham Khảo:
1/ Trần Hoàng Kim, Kinh Tế Việt Nam – Chặng đường 1945-1995 và triển vọng đến năm 2020. Nhà xuất bản thống kê 1999.
2/ The World Bank. GDP ranking 2014.
3/ Chương trình xóa đói giảm nghèo của UNDP tại Việt Nam 2015.
4/ Nguyễn Quốc Khải, Tại sao có nước giàu nước nghèo.
5/ Báo cáo Bộ chính trị trong Hội nghị trung ương 24 đảng Lao Đột Việt Nam khóa III năm 1075.
6/ Huy Đức, Bên Thắng Cuộc Tập I.
7/ Báo Time Ngày 16/2/1976.
8/ Đặng Phong. Tư Duy Kinh Tế Việt Nam: Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, Nhà xuất bản Tri thức.
9/ Nayan Chanda, Brother Enemy, Mac Millan Publishing Comp, Newyoor.
10/ Hoàng Duy, Chiến Tranh Đông Dương 3, Văn Nghệ 2000.

No comments:

Post a Comment