Từ Bảo Đại chỉ là niên hiệu của ông, tục lệ nhà Nguyễn các vị Hoàng đế chỉ giữ một niên hiệu nên dân gian hay dùng niên hiệu để chỉ vị Hoàng đế đó. Ông đồng thời cũng là Hoàng đế của Đế quốc Việt Nam (1945) và là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955).
Mục lục
- 1 Tiểu sử và sự nghiệp
- 2 Đánh giá
- 3 Gia quyến
- 4 Câu nói
- 5 Trong thơ ca
- 6 Trong điện ảnh
- 7 Tiền đồng "Bảo Đại thông bảo"
- 8 Chú thích
- 9 Liên kết ngoài
Tiểu sử và sự nghiệp
Thuở nhỏ
Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, tên tục lúc bé là mệ Vững, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913[1] tại kinh thành Huế, là con trai duy nhất của vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc. Về thân thế của Bảo Đại cho đến nay vẫn còn nhiều nghi ngờ, vì Khải Định bị mang tiếng là bất lực và không thích gần đàn bà.[2]Ngày 28 tháng 4 năm 1922, khi được 9 tuổi, ông được xác lập làm Đông cung Hoàng Thái tử.[3] Ngày 15 tháng 6 năm 1922, ông cùng Khải Định lần đầu sang Pháp để thưởng ngoạn cuộc triển lãm hàng hóa tại Marseille, Pháp.
Tháng 6 năm 1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ là Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và học ở trường Lycée Condorcet rồi sau ở trường Sciences Po, Paris (Học viện nghiên cứu chính trị Paris, tên cũ là École libre des sciences politiques). Tháng 2 năm 1924, ông về nước để dự Lễ tứ tuần đại khánh của Khải Định, đến tháng 11 trở lại nước Pháp để tiếp tục học.
Ngày 6 tháng 11 năm 1925, Khải Định mất, Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Ngày 8 tháng 1, khi mới 12 tuổi, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm hoàng đế kế nhiệm, ông lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Từ niên khóa 1930, Bảo Đại theo học trường Khoa học Chính trị (Sciences Po).
Sau 10 năm đào tạo ở Pháp, ngày 16 tháng 8 năm 1932, Bảo Đại xuống tàu D Artagnan về nước. Ngày 19 tháng 9 năm 1932, Bảo Đại ra đạo dụ số một tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam hoàng triều. Văn bản này hủy bỏ "Quy ước" ngày 16 tháng 11 năm 1925 lập ra sau khi Khải Định mất không lâu.
Hoàng đế Đại Nam (1925 – 1945)
Ngày 8 tháng 4 năm 1933, Bảo Đại đã ban hành một đạo dụ cải tổ nội các, quyết định tự mình chấp chính và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính là Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu, Võ Liêm, Vương Tứ Đại.[4]
Ông thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp và cho phép Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ, tháng 12 năm 1933, Bảo Đại ra Bắc kỳ thăm dân chúng.
Ngày 20 tháng 3 năm 1934, Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ bởi vì kể từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến vua Khải Định, các vợ vua chỉ được phong tước Hoàng phi, sau khi mất mới được truy phong Hoàng hậu. Ông là nhà vua đầu tiên thực hiện bỏ chế độ cung tần, thứ phi. Cuộc hôn nhân này cũng gặp phải rất nhiều phản đối vì Nguyễn Hữu Thị Lan là người Công giáo và mang quốc tịch Pháp.
Hoàng đế Đế quốc Việt Nam (1945)
Sau khi Đế quốc Nhật Bản đảo chính Pháp, bộ máy hành chính của thực dân Pháp tan rã, vì thế việc thành lập chính phủ mới được Nhật đặt ra như một đòi hỏi cấp bách và Đế quốc Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó.[5] Theo sự sắp xếp của quân đội Nhật, ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại gặp cố vấn tối cao của Nhật là Đại sứ Yokoyama Masayuki tại điện Kiến Trung để ký bản "Tuyên cáo Việt Nam độc lập" [6] (bản tuyên cáo này do Nhật Bản soạn sẵn và họ đã gây sức ép để các quan đại thần nhà Nguyễn phải ký vào đêm hôm trước). Tuyên cáo do Bảo Đại ký có nội dung chính là tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, thống nhất Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ và bất bình đẳng với Pháp trước đây. Tuy nhiên, đoạn sau của Tuyên cáo được Nhật cài thêm khẩu hiệu về Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á, theo đó quân Nhật có quyền trưng dụng tài sản trên toàn Việt Nam:[7]“ | Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.
Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên. Khâm thử!
|
” |
Ngày 16 tháng 8 năm 1945, khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng khối Đồng minh, Trần Trọng Kim tuyên bố bảo vệ nội các Đế quốc Việt Nam, và ngày 18 tháng 8 tạo ra một Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Theo lời khuyên của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bảo Đại gửi thông điệp cho các nước Đồng Minh (Tổng thống Truman, vua nước Anh, Thống chế Tưởng Giới Thạch, Tướng de Gaulle) đề nghị công nhận Đế quốc Việt Nam. Ngày 18 tháng 8, Bảo Đại gửi một thông điệp đến De Gaulle đề nghị công nhận Đế quốc Việt Nam. Thông điệp này cho rằng sự độc lập của Việt Nam "chỉ có nghĩa là bảo vệ lợi ích của Pháp và ảnh hưởng tinh thần Pháp ở Đông Dương".[cần dẫn nguồn] Tuy nhiên De Gaulle không quan tâm đến đề nghị của Bảo Đại, bởi ông ta đã thỏa hiệp với Nhật Bản, kẻ thù của Pháp. De Gaulle dự kiến sẽ hậu thuẫn cho một chế độ quân chủ mà người đứng đầu không phải là Bảo Đại, mà là Vĩnh San (vua Duy Tân), được xem như là một người "Gaullist" (người ủng hộ nhiệt tình De Gaulle).[8] Tất cả mọi bức thư mà Bảo Đại gửi cho những nước khác (Mỹ, Trung Quốc, Anh...) cũng đều không được hồi âm, vì theo Tuyên bố Cairo, các nước Đồng Minh sẽ không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế quốc Nhật Bản thành lập ở các vùng chiếm đóng, mà Đế quốc Việt Nam là một trong số đó.
Đến 24 tháng 8, khi cách mạng tháng 8 đã nổ ra khắp cả nước, được sự vận động của ông Phạm Khắc Hòe, Bảo Đại đã trả lời Hội đồng Cơ mật rằng ông quyết định thoái vị "để không phải là một trở ngại cho sự giải phóng của đất nước".[9]
Thoái vị
Ngày 17/8, quần chúng Hà Nội hạ cờ quẻ ly , dựng cờ đỏ sao vàng , biến cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức Đông Dương ủng hộ vua Bảo Đại thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Hai ngày sau, quần chúng Hà Nội chiếm dinh Khâm sai Bắc bộ, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.[11]
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Tại các địa phương trên cả nước, Việt Minh buộc chính quyền Đế quốc Việt Nam giao quyền lực cho họ. Trước tình thế đó, theo lời khuyên của quan đại thần Phạm Khắc Hòe, Bảo Đại quyết định thoái vị. Bảo Đại không rõ phải liên lạc với ai ở Hà Nội, nên gửi một điện tín tới "Ủy ban Nhân dân Cứu quốc" ở Hà Nội:
"Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban sớm tới Huế, để nhận bàn giao".[12]
Sáng ngày 23 tháng 8, hai phái viên của Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đến cung điện Huế. Theo lời yêu cầu của hai người này, chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945, Bảo Đại đã đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ Môn và sau đó trao ấn tín và bảo kiếm, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu. Ông trở thành "công dân Vĩnh Thụy". Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ".[13]
Tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Sau khi thoái vị, Bảo Đại được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khoản đãi rất tốt. Ông được chính phủ chu cấp về tài chính. Tháng 9 năm 1945, Vĩnh Thụy được Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ra Hà Nội nhận chức "Cố vấn tối cao Chính phủ Lâm thời Việt Nam", ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp do Hồ Chí Minh đứng đầu.Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Vĩnh Thụy được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[14]
Sống ở Trung Quốc
Ngày 16 tháng 3 năm 1946, Vĩnh Thụy được cử tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa.Nhưng sau đó ông không trở về nước, mà tách khỏi đoàn để tới Côn Minh rồi Hương Cảng (Hồng Kông). Tại Hồng Kông, Bảo Đại đã tiếp xúc với nhiều giới chính trị, trong đó có người Mỹ. Đại tướng George Marshall, đại diện Hoa Kỳ, đã đem bản giao ước với Bảo Đại về trình Tổng thống Harry S. Truman. Ông cũng thường lui tới các sòng bạc và sàn nhảy tại Hồng Kông với cái tên "Wang Kunney tiên sinh". Ông đã nhiều lần khiến các sòng bạc phải kinh ngạc vì những khoản tiền cược rất lớn trong các ván bạc.[15]
Dù biết việc này nhưng Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng ông, cho rằng ông có lý do riêng nên không chịu về nước. Đầu tháng 12/1946, chính phủ còn cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền và vàng qua Hồng Kông cho Cố vấn Vĩnh Thụy chi tiêu. Đến trước tháng 8/1947, trả lời phỏng vấn của báo chí, Hồ Chí Minh không ngần ngại đáp rằng: "Chúng tôi xa mặt chứ không cách lòng. Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng vào sự trung thành của Cố vấn Vĩnh Thụy hiện đang ở nước ngoài nhưng vẫn tiếp tục làm việc cho chính phủ quốc gia mà Cố vấn vẫn là thành viên”.[16]
Theo cơ quan tình báo Pháp thì chính Bảo Đại đã yêu cầu họ giúp đỡ sau khi đã tiêu pha sạch tiền bạc khi ở Hồng Kông. Thấy Bảo Đại chịu nhận tiền, các phái viên Pháp tiếp tục hỗ trợ tài chính cho ông, cứ mỗi tháng Pháp lại cấp cho Bảo Đại 5.000 đôla Hongkong. Bảo Đại trở lại cuộc sống xa hoa giàu có. Ông mua một tòa nhà rất đẹp theo phong cách kiến trúc Anh, gần bờ biển Stanley Beach, thường hay tiếp khách ở Causeway Bay, cho họ nghỉ tại Hongkong Hotel hoặc ở Paramount hay Saint-Francis. Về sau, khi bán tài sản riêng ở Hongkong, ông được một khoản tiền đến một triệu đồng Đông Dương. Nhân viên tình báo Cousseau, người phụ trách cấp tiền, nói với nhà báo Lucien Bodard: "Tôi tin sắp thành công đến nơi vì Bảo Đại rất cần tiền. Đó là một ông vua tầm thường, bị phế truất, không có tiền tiêu, không có hoài bão gì. Ông ta đang trong cảnh gần như khốn cùng. Thực tế đó là một công việc không dễ dàng chút nào. Tôi đã đem đến hàng triệu bạc, mà vẫn không đủ [...]. Trở lại với cuộc sống ăn chơi xả láng, Bảo Đại càng bị lôi cuốn..." [17]
Ít lâu sau, Bảo Đại bèn viết thư về nước xin từ chức "Cố vấn tối cao" trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận xét "Bác Hồ rất tin tưởng cố vấn Vĩnh Thụy, nhưng cố vấn Vĩnh Thụy vốn rất nhu nhược, không vượt qua được sự túng thiếu về tài chính và các cạm bẫy của mật thám Pháp và các thành phần thân Pháp nên ông đã bị đẩy vào cái thế phải trở lại làm bù nhìn cho thực dân Pháp, phản bội lại chính nghĩa của quốc gia, chống lại kháng chiến giải phóng dân tộc, đối đầu với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã cưu mang và tin tưởng ông".[18]
Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam
Đàm phán với chính phủ Pháp
Đầu năm 1947, D'Argenlieu bị triệu hồi về nước do bị người Việt Nam và các đảng phái cánh tả Pháp căm ghét. Trước áp lực của các đảng phái cánh tả Pháp như Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Xã hội Pháp, Thủ tướng Ramadier - một đại biểu Xã hội chủ nghĩa, thông báo rằng chính phủ của ông ủng hộ nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam: "Độc lập trong Liên hiệp Pháp [và] liên minh của ba nước An Nam, nếu người dân An Nam mong muốn nó" và Pháp sẵn sàng đàm phán hòa giải với những đại diện chân chính của Việt Nam.[19]Để hậu thuẫn cho Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam, các lực lượng chính trị bao gồm Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng liên kết thành lập Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp.[20] Ngay sau đó, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp quyết định sẽ ủng hộ Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam. Tháng 5/1947, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp cử phái đoàn đến Hồng Kông gặp Bảo Đại để thuyết phục ông này thành lập một Chính phủ Trung ương và đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam.[21] Bảo Đại được Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp bao gồm các lực lượng chính trị Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảng và Việt Nam Quốc dân Đảng hậu thuẫn.[20] Đây là những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo từng tham gia chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay hợp tác với Việt Minh chống Pháp nhưng do xung đột với Việt Minh nên chuyển sang ủng hộ giải pháp Bảo Đại của Pháp (thành lập Quốc gia Việt Nam).
Năm 1947, cựu trùm mật thám Pháp ở Đông Dương là Cousseau đã tiếp xúc với Bảo Đại tại Hồng Kông, ngỏ ý mời ông về nước nắm quyền, hình thành nên "giải pháp Bảo Đại". Có ý kiến cho rằng việc này nhằm chống lại cuộc chiến giành độc lập của phong trào Việt Minh,[22] cũng có ý kiến cho rằng giải pháp Bảo Đại được đưa ra nhằm phản ứng với xu hướng quốc tế trao trả độc lập cho các thuộc địa đồng thời nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương.[23] Còn bản thân Bảo Đại sau này nhận xét rằng "Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp".[24]
Mỹ ủng hộ nguyện vọng độc lập dân tộc tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhưng với điều kiện lãnh đạo của những nhà nước mới "không phải là người cộng sản", Mỹ ủng hộ việc thành lập các "nhà nước phi cộng sản" ổn định trong khu vực tiếp giáp Trung Quốc. Theo thuyết Domino, Mỹ hỗ trợ những quốc gia đồng minh tại Đông Nam Á vì không hài lòng với điều mà họ cho là "lực lượng cộng sản muốn thống trị châu Á dưới chiêu bài dân tộc".[25] Bằng viện trợ, Mỹ ép Pháp phải nhượng bộ chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam. Chính sách của Mỹ là hỗ trợ người Pháp chiến thắng trong cuộc chiến chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó sẽ ép người Pháp rút lui khỏi Đông Dương.[26] Đáp lại, phía Pháp nhận định là Mỹ quá "ngây thơ", và một người Pháp đã nói thẳng là "những người Mỹ ưa lo chuyện người khác, ngây thơ vô phương cứu chữa, tin tưởng rằng khi quân đội Pháp rút lui, mọi người sẽ thấy nền độc lập của người Việt xuất hiện".[27]
Ngày 7/12/1947, tại cuộc họp trên tàu chiến Pháp ở Vịnh Hạ Long, Bảo Đại và Pháp đàm phán rồi ký kết Hiệp ước Vịnh Hạ Long. Hiệp ước thể hiện sự đồng thuận của hai bên về việc thành lập Quốc gia Việt Nam trên cơ sở nguyên tắc độc lập và thống nhất của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, mặc dù nghĩa chính xác của từ "độc lập" và các quyền hạn cụ thể của chính phủ mới vẫn chưa được xác định. Chính phủ hoạt động dưới một hiến chương lâm thời, chọn cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ và bản "Thanh niên Hành Khúc" với lời nhạc mới làm quốc ca.[28] Quốc gia Việt Nam sẽ có một quân đội riêng tuy nhiên phải "sẵn sàng bảo vệ bất cứ phần nào của Liên hiệp Pháp". Sự độc lập chính trị của nhà nước Quốc gia Việt Nam được quy định trong Hiệp ước Vịnh Hạ Long quá nhỏ nên hiệp ước này bị Ngô Đình Diệm và cả những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích.[20]
Do bị các chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp chỉ trích, Bảo Đại chấm dứt đàm phán với Pháp và đi du lịch châu Âu trong 4 tháng. Người Pháp cử các nhà ngoại giao theo Bảo Đại để thuyết phục ông tiếp tục đàm phán và thành lập Chính phủ. Trong cuốn "Bảo Đại - hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam", Daniel Grandclément nhận xét:[29]
- Có lẽ ông [Bảo Đại] cũng biết ông chẳng có hậu thuẫn gì đáng kể ở trong nước, càng không đủ sức chống lại kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo, nhưng đã ngập sâu trong cuộc sống phù phiếm hưởng lạc, ông không thể lùi lại được nữa. Phải ký kết. Tháng 1-1948, ông đi gặp Cao ủy Pháp ở Genève…
Thành lập Quốc gia Việt Nam
Ngày 24 tháng 4 năm 1948, Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân và Trần Văn Hữu cũng bay tới Hồng Kông để gặp Bảo Đại xin thành lập Chính phủ Lâm thời cho Việt Nam, ngày 15 tháng 5, Bảo Đại gửi thông điệp cho tướng Xuân, tán thành sự thành lập Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam do tướng Xuân điều khiển "để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận Quốc tế".Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại đã gặp gỡ Cao ủy Pháp Bollaert ở vịnh Hạ Long, trên chiến hạm Duguay Trouin, để đàm phán về nền độc lập và thống nhất của Việt Nam. Tháng 1 năm 1949, Bản tuyên ngôn Việt - Pháp được công bố, theo đó nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp.
Việt Minh chỉ trích Bảo Đại là xấu xa, tội lỗi vì đã lấy lại từ người Pháp chữ "độc lập" thần kỳ mà Hồ Chí Minh đã cố gắng giành giật ở Fontainebleu không được. Những người Pháp có tư tưởng thực dân phản đối điều mà họ cho là sự đầu hàng của Bollaert, đồng thời yêu cầu cắt Nam Kỳ ra khỏi phần còn lại của Việt Nam, đòi đưa Việt Nam quay trở lại chế độ Bảo hộ. Các chính trị gia ở Paris ra sức trấn an những người Pháp ủng hộ chủ nghĩa thực dân và đảm bảo với họ rằng sẽ không có gì thay đổi - cuộc chiến tranh sẽ không chấm dứt. Các lãnh tụ Cộng hòa Bình dân và nhiều người thân cận với Cộng hòa Bình dân lại cho rằng kéo dài chiến tranh sẽ hết sức có lợi và đã đi đến quyết định không để cho cuộc chiến tranh kết thúc sớm.[31]
Sau đó Bảo Đại rút lui khỏi các hoạt động chính trị và đi châu Âu một lần nữa. Ngày 25/8/1948, từ Saint Germain, Bảo Đại báo cho E. Bollaert biết ông sẽ không quay về Việt Nam nếu Pháp không hủy bỏ chế độ thuộc địa tại Nam Kỳ và trao trả Nam Kỳ lại cho Quốc gia Việt Nam cũng như nếu ông không nhận được sự đảm bảo của Pháp cho Việt Nam độc lập.[32]
Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp định Élysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Bảo Đại yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.
Ngày 24 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 6, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Ngày 20 tháng 6 năm 1949, Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân đệ đơn từ chức, Chính phủ Lâm thời Nam phần tuyên bố giải tán. Ngày 21 tháng 6, thỏa ước Elyseé được công bố.
Cuối tháng 6 năm 1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc gia Việt Nam.[20] Pháp chuyển giao những chức năng hành chính cho Quốc gia Việt Nam một cách chậm chạp, hai chức năng quan trọng nhất là tài chính và quân đội thì vẫn phụ thuộc vào Pháp.
Trở thành Quốc trưởng
Ngày 1 tháng 7 năm 1949, Chính phủ Lâm thời của Quốc gia Việt Nam được thành lập theo sắc lệnh số 1-CP của Thủ tướng, tấn phong Bảo Đại là Quốc trưởng, Trung tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng[33] (Có tài liệu ghi Bảo Đại là Quốc trưởng kiêm Thủ tướng, Nguyễn Văn Xuân là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng[34]). Theo đánh giá của người Mỹ, Bảo Đại ít tham gia vào công việc của chính phủ, giành nhiều thời gian cho nghỉ mát.[35]Tháng 1 năm 1950, Bảo Đại chỉ định Nguyễn Phan Long làm Thủ tướng. Ngày 27 tháng 4 năm 1950, giải tán chính phủ Nguyễn Phan Long và ủy nhiệm Thủ hiến Trần Văn Hữu thành lập chính phủ mới. Tính đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt Nam.[36]
Từ tháng 6 cho đến tháng 10 năm 1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp họp tại Pau (Pháp) để bàn về việc chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính cho Quốc gia Việt Nam. Tài chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất bao gồm việc kiểm soát lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Kết quả tất cả các chức năng trên đã được Pháp chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu sau khi ký thỏa thuận với Pháp đã tuyên bố: "Nền độc lập của chúng tôi hiện nay thật tuyệt vời". Các quan chức Pháp phàn nàn về Bảo Đại: "Ông ấy tập trung quá mức vào việc lấy lại từ chúng tôi những gì có thể thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ nhân dân... Lịch sử sẽ phán xét ông ấy vì quá chú tâm vào chuyện này". Tuy nhiên người Pháp vẫn dành cho mình quyền quan sát và can thiệp đối với những vấn đề liên quan đến toàn bộ Liên hiệp Pháp. Người Pháp còn có quyền tiếp cận mọi thông tin nhà nước, tham dự vào tất cả các quyết định của chính phủ và nhận một khoản nhỏ từ lợi tức quốc gia của Việt Nam.[20]
Ngày 8/12/1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp ký Hiệp định quân sự thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Quốc gia Việt Nam. Dự kiến quân đội này sẽ bao gồm 120.000 quân và 4.000 sĩ quan. Tất cả sĩ quan đều phải là người Việt.[37] Pháp có trách nhiệm hỗ trợ Quốc gia Việt Nam thành lập những đơn vị mới do sĩ quan Việt Nam chỉ huy và đào tạo sĩ quan người Việt thay thế dần những sĩ quan Pháp đang hiện diện trong Quân đội Quốc gia Việt Nam. Nhà sử học Spencer C. Tucker cho rằng Quân đội Quốc gia Việt Nam được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt, Pháp chỉ đơn giản là đưa những người lính mới tuyển mộ được vào các quân đoàn Viễn chinh của chính Pháp, tại đó, người chỉ huy là các sĩ quan Pháp.[8]
Archimedes L.A Patti nhận xét: "Tất nhiên họ [Quốc gia Việt Nam] đã lầm, không bao giờ Pháp cho Việt Nam độc lập để mất Đông Dương. Bảo Đại trở về Việt Nam và cho rằng ông ta đã làm hết sức mình để người Pháp phải giữ lời cam kết. Ông sẽ chờ và xem. Có thể người Mỹ sẽ khích lệ giúp đỡ. Nhưng sau một ngày ở Sài Gòn, thấy Pháp từ chối không cho ông sử dụng dinh Norodom, trụ sở chính quyền thuộc địa Pháp, Bảo Đại liền rút lui về nhà ở Đà Lạt. Sự việc này cho thấy rõ tình hình chẳng có gì thay đổi cả".[38]
Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết: "Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên".[39]
Người Pháp trì hoãn một cách có tính toán việc thi hành thỏa hiệp Élysée với Quốc gia Việt Nam. Quân đội của họ tiếp tục tham chiến tại Việt Nam, nhân viên hành chính tiếp tục làm việc ở các cấp chính quyền; Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho một chút quyền hành thực sự nào, như bấy giờ người ta nói, Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự ngụy trang cho nền cai trị của Pháp.[40]
Thay đổi Thủ tướng
Ngày 20 tháng 11 năm 1953, hoàng thân Bửu Lộc từ Pháp về Sài Gòn lập chính phủ thay thế chính phủ Nguyễn Văn Tâm. Thời gian này, Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt. Xung quanh nơi ở của Bảo Đại có cả một trung đoàn Ngự lâm quân bảo vệ và có cả một đoàn xe riêng gọi là "công xa biệt điện", lại có cả một đội máy bay riêng do các phi công người Pháp lái phục vụ.
Ngày 11 tháng 1 năm 1954, Chính phủ mới do Bửu Lộc thành lập trình diện Bảo Đại nhưng đến ngày 16 tháng 6 năm 1954, Bửu Lộc từ chức. Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm về nước, ngày 6 tháng 7, Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới.
Sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải rút khỏi Đông Dương, chính quyền và quân đội Quốc gia Việt Nam tập kết ở miền Nam Việt Nam chờ tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam.
Ngô Đình Diệm tiến hành cải tổ chính phủ lần thứ nhất vào ngày 24 tháng 9 năm 1954 và lần thứ hai vào ngày 10 tháng 5 năm 1955.
Bị phế truất
Tháng 9 năm 1954, tướng Nguyễn Văn Hinh không chịu dưới quyền chỉ huy của Ngô Đình Diệm nên đánh điện sang Pháp nhờ Bảo Đại can thiệp. Bảo Đại điện về Sài Gòn triệu tập Diệm sang Cannes gặp Bảo Đại để bàn lại việc sắp xếp nhân sự nhưng Diệm không đi. Bảo Đại quyết định điện về Sài Gòn cách chức thủ tướng của Ngô Đình Diệm.Tuy nhiên, ngày 4 tháng 10 năm 1955, Ủy ban trưng cầu dân ý thành lập đưa ý kiến đòi truất phế Quốc trưởng Bảo Đại và đưa Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng. Khi cử tri đi đến nơi bỏ phiếu, họ thấy rằng nơi đây đã bị những người ủng hộ Ngô Đình Diệm kiểm soát. Một cử tri sau khi bỏ phiếu đã nói rằng "Người chỉ đạo nói cho chúng tôi hiểu rằng ở đây chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc là phiếu đỏ (Ngô Đình Diệm) sẽ được bỏ vào hòm phiếu hoặc phiếu xanh sẽ bị loại đi".[41] Về phía Bảo Đại, ngày 18/10/1955, ông đưa ra tuyên bố cắt chức Thủ tướng cũng như xóa bỏ mọi quyền lực của Ngô Đình Diệm từ văn phòng của mình tại Paris để phản đối một chính phủ công an trị và chế độ độc tài cá nhân do Ngô Đình Diệm đứng đầu.[42]
Cuộc sống lưu vong
Sau khi sang Pháp, Bảo Đại đã không còn nắm hệ thống kinh tế thu lợi cho bản thân như trước, nhiều cơ sở kinh doanh ở Việt Nam đã bị Ngô Đình Diệm tịch thu. Bị cơ quan thuế để mắt tới, không còn tiền tài trợ của chính phủ Pháp, ông phải bán dần tài sản của mình. Khoảng thập niên 1960, gia sản khổng lồ của Bảo Đại đã lần lượt hao hụt. Nhiều lâu đài tráng lệ, máy bay đắt tiền, xe hơi sang trọng… lần lượt phải sang tên người khác và bán thế chấp trả số nợ khổng lồ. Bảo Đại chỉ còn được nhận số tiền trợ cấp ít ỏi của Chính phủ Tổng thống Giscard với 8.000 franc/tháng.
Năm 1972, khi đã tiêu pha hết cả tài sản, Bảo Đại sống với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946), đến năm 1982 thì kết hôn. Bảo Đại nhập đạo Công giáo lấy tên thánh là Jean-Robert.
Trong thời gian này, ảnh hưởng của Bảo Đại tại các khu vực như Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phái các đại diện sang Pháp nhằm thuyết phục Bảo Đại tham gia một chính phủ liên hiệp nhằm thống nhất Việt Nam, nhờ đó thông qua Bảo Đại thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể thu hút thêm những người ủng hộ tại các địa phương mà Bảo Đại có ảnh hưởng.
Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng tộc ở hải ngoại, Bảo Đại lần đầu tiên sang thăm Mỹ với tư cách cá nhân. Trong chuyến đi này ông đã nhận tên cha để làm lại giấy khai sinh cho những người con ngoại hôn trước đây không ghi tên ông trong phần tên cha. Tại thị trấn Sacramento, ông được tặng chiếc chìa khóa vàng tượng trưng cho thị trấn này. Ông cũng được bà thị trưởng thành phố Westminster, California tặng danh hiệu "công dân danh dự" của thành phố. Ông cũng thăm viếng và chúc mừng các buổi lễ của cộng đồng Phật giáo và Cao Đài người Việt ở California cùng các cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Texas. Bảo Đại cũng nhân dịp này thăm dò ý kiến của các cộng đồng người Việt sống ở Hoa Kỳ về giải pháp cho việc hòa giải dân tộc.
Qua đời
Bảo Đại đã sống những năm cuối đời trong lặng lẽ tại một căn hộ nhỏ ở số 29, đường Fresnel, quận 16, thủ đô Paris. Tất cả gia tài đồ sộ và quyền lực một thời đều đã không còn, ông sống dựa vào khoản trợ cấp 20.000 Franc/tháng của chính phủ Pháp.Ông qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce,[43] hưởng thọ 85 tuổi. Cựu hoàng Bảo Đại là vị vua thọ nhất của nhà Nguyễn. Ông cũng là một phế đế sống thọ nhất trên thế giới thời hiện đại. Trước đó ông có nhận lời về tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie) được tổ chức tại Hà Nội vào 1997.[cần dẫn nguồn]
Đám tang Bảo Đại được tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 6 tháng 8 năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại Nghĩa trang Passy trên đồi Trocadéro.[43]
Trả lời BBC về sự kiện này, bà Monique nói: "Ngày hôm nay tôi rất đau buồn. Dĩ nhiên rồi, trước hết và trên hết là vì chồng tôi vừa qua đời. Nhưng hôm nay trang sử của triều Nguyễn Việt Nam cũng được chấm dứt. Tôi cầu nguyện cho chồng tôi".[44]
Đánh giá
Trong cuốn "Bảo Đại - hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam", Daniel Grandclément viết:[45]- Bảo Đại đúng như những gì mọi người Việt đã biết về ông: hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi, máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi... Ông chỉ không biết làm vua. Ông vua nước Nam cứ quẩn quanh, thậm chí mưu mẹo chỉ để có được từ chiếc xe hơi, máy bay cho đến khẩu súng săn, cuốn album bìa da, thỏa mãn những thú vui vật chất.
- Như lời Bảo Đại thú nhận: “Người Pháp lúc nào cũng muốn tôi ngồi yên một chỗ, không cho thân mật với dân nên trong hai mươi năm trời làm vua tôi ra Bắc một lần, vào Nam kỳ một lần, cũng là đi lướt qua, không thấy rõ ràng một điều gì. Xung quanh tôi họ đặt toàn những người mật thám. Tôi rất buồn biết mình không thể làm chi có ích cho đất nước...”
- Ông mơ hồ tin tưởng vào “nền độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp” đạt được dễ dàng cùng với các điều kiện vật chất. Quen sung sướng, quen được cung phụng, Bảo Đại dường như chưa bao giờ nghĩ đến việc đi tìm độc lập bằng con đường nếm mật nằm gai như các vua Hàm Nghi, Duy Tân trước ông.
- Ông đã khước từ những cơ hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra, mang đến cho ông... Khước từ cơ hội đi chung đường với cả dân tộc, dù ông đã cùng chính phủ cộng hòa non trẻ ngồi họp bàn từ việc lớn đến việc nhỏ trong những ngày khai sinh nhà nước. Con đường mà Bảo Đại chọn cuối cùng đã dẫn đến kết cục “ông hoàng bị quét đi như quét một hạt bụi vô giá trị...”
- Hành động lớn nhất trong đời ông là thoái vị, và ông đi vào lịch sử chỉ bằng một câu nói: “Tôi muốn làm dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ”.
- "Muốn gặp Bảo Đại ở Hongkong chỉ cần dạo mười bốn hộp đêm trong thành phố, dễ hơn là tìm ông trong một khách sạn Anh".[46]
Tháng 3/1948, khi một nhà báo quốc tế nhắc tới tin đồn rằng Bảo Đại sẽ chịu hợp tác với Pháp để thành lập chính phủ, với điều kiện quân đội và ngoại giao của chính phủ đó thuộc quyền chỉ huy của Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra tin tưởng Bảo Đại:
- "Ông Vĩnh Thụy [tên thật của Bảo Đại] là Cố vấn của Chính phủ Việt Nam. Ông ấy không thể đàm phán hoặc hành động gì trước khi Chính phủ Việt Nam đồng ý. Vả chǎng, nếu quân đội và ngoại giao Việt Nam ở dưới quyền Pháp tức là Việt Nam chưa được độc lập hẳn và vẫn là thuộc địa của Pháp. Điều kiện như thế thì ngoài bọn phản quốc ra, không có một người Việt Nam nào chịu nhận, cố vấn Vĩnh Thụy cũng vậy. Hơn 80 nǎm dưới quyền thống trị của Pháp, nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ".[48]
- "Vĩnh Thụy trở về với 10.000 quân viễn chinh Pháp, để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước, đó là sự thực. Âm mưu của thực dân Pháp là đặt lại chế độ nô lệ ở Việt Nam. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc. Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân. Quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh tan tất cả âm mưu của thực dân, quyết kháng chiến để tranh cho kỳ được độc lập và thống nhất thật sự".[49][50]
Gia quyến
- Ông: Nguyễn Cảnh Tông Đồng Khánh.
- Bà: Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục (18 tháng 4 năm 1868 - 17 tháng 9 năm 1944), được tôn phong Khôn Nghi Xương Đức Thái hoàng thái hậu (坤儀昌德太皇太后), còn gọi là Đức Tiên Cung (德仙宮). Khi Bảo Đại còn bé đều do bà nuôi dưỡng.
- Cha: Nguyễn Hoằng Tông Khải Định.
- Mẹ: Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc (28 tháng 1 năm 1890 - 9 tháng 11 năm 1980), còn gọi là Đức Từ Cung (德慈宮). Bà vốn là Cung nhân, xuất thân thấp kém, sau mang thai Bảo Đại mà được tấn phong Huệ phi (惠妃).
- Vợ:
- Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan (南芳皇后阮有氏蘭; 14 tháng 12 năm 1914 - 16 tháng 9 năm 1963), con gái của Nguyễn Hữu Hào và phu nhân Lê Thị Bính (con gái của Huyện Sỹ Lê Phát Đạt). Quê Gò Công, Tiền Giang, Việt Nam, có hôn thú, có năm người con.
- Monique Marie Eugene Baudot, người Pháp, sinh tại Lorraine vào ngày 30 tháng 4 năm 1946. Tháng 2 năm 1972 bà kết hôn với Bảo Đại, được xưng danh Hoàng phi (皇妃; Imperial Princess), không có con chung. Sau khi Bảo Đại băng hà, bà tự xưng làm Thái Phương Hoàng hậu (泰芳皇后).[51]
- Hậu duệ: Bảo Đại có 5 hoàng tử và 7 hoàng nữ, tổng cộng 12 người con.
- Con chính thức:
- Trưởng nam - Đông cung Hoàng thái tử Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, mất ngày 28 tháng 7 năm 2007. Mẹ là Nam Phương Hoàng hậu.
- Trưởng nữ Nguyễn Phúc Phương Mai, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1937 tại Đà Lạt. Mẹ là Nam Phương Hoàng hậu.
- Thứ nữ Nguyễn Phúc Phương Liên, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938. Mẹ là Nam Phương Hoàng hậu.
- Thứ nữ Nguyễn Phúc Phương Dung, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942. Mẹ là Nam Phương Hoàng hậu.
- Thứ nam Nguyễn Phúc Bảo Thăng, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943, mất ngày 15 tháng 3 năm 2017. Mẹ là Nam Phương Hoàng hậu.
- Con ngoại hôn:
- Thứ nữ Nguyễn Phúc Phương Thảo, sinh ngày 4 tháng 6 năm 1946 hiện nay đang sống ở Pháp. Mẹ là Thứ phi Mộng Điệp.
- Thứ nữ Nguyễn Phúc Phương Minh, sinh ngày 15 tháng 1 năm 1949, bà lấy chồng và lập nghiệp ở Pháp, rồi ly dị, trước tháng 4 năm 1975 về Sài Gòn thăm mẹ và bị kẹt lại đây, sau đó được bảo lãnh sang Hoa Kỳ lập nghiệp và qua đời tại Hoa Kỳ vào năm 2012. Mẹ là Thứ phi Phi Ánh.
- Thứ nam Nguyễn Phúc Bảo Ân, sinh năm 1951 đang sống tại Westminster, Hoa Kỳ, là người con nối dõi nhà Nguyễn. Mẹ là Thứ phi Phi Ánh. Ông Bảo Ân có hai con, gái là Nguyễn Phúc Thụy Sĩ, sinh năm 1976 và trai là Nguyễn Phúc Quý Khang sinh năm 1977. Như vậy, Nguyễn Phúc Quý Khang là cháu đích tôn của Cựu hoàng Bảo Ðại.[52]
- Thứ nam Nguyễn Phúc Bảo Hoàng, sinh năm (1954 - 1955), chết khi một tuổi. Mẹ là Thứ phi Mộng Điệp.
- Thứ nữ Nguyễn Phúc Phương Từ, sinh năm 1955,[53] hiện đang sống ở Pháp. Mẹ là Quý bà Vicky.
- Thứ nữ Nguyễn Phúc Phương An, sinh năm 1955, hiện nay đang sống ở Hawaii, Hoa Kỳ.[54][55] Mẹ là Hoàng Tiểu Lan.
- Thứ nam Nguyễn Phúc Bảo Sơn (1957 - 1987), chết khi 30 tuổi vì tử nạn tại Nhật. Mẹ là Thứ phi Mộng Điệp.
Một số nhân tình nổi tiếng
- Thứ phi Bùi Mộng Điệp(裴夢蝶 22 tháng 6 năm 1924 - 26 tháng 6 năm 2011), quê Bắc Ninh, không hôn thú, có ba người con chung là Nguyễn Phúc Phương Thảo, Nguyễn Phúc Bảo Hoàng và Nguyễn Phúc Bảo Sơn.
- Thứ phi Lê Thị Phi Ánh (暎妃黎氏) ở Huế (24 tháng 06 năm 1925 - 15 tháng 12 năm 1986), không hôn thú, có hai người con chung là Nguyễn Phúc Phương Minh và Nguyễn Phúc Bảo Ân.
- Lý Lệ Hà (李麗霞) quê Thái Bình, vũ nữ, không hôn thú, không có con chung.
- Hoàng Tiểu Lan (黃小蘭), còn tên khác là Jenny Woong, vũ nữ Trung Hoa lai Pháp, không hôn thú, có một con gái chung là Nguyễn Phúc Phương An, sau này cũng có đưa về Đà Lạt, cũng có một biệt thự như các bà thứ phi người Việt.
- Bà Vicky (Pháp), không hôn thú, có một con gái chung là Nguyễn Phúc Phương Từ.
- Clément (?), vũ nữ và buôn lậu ở xóm Cigalle (Pháp), không hôn thú.
Câu nói
- Ta không muốn một quân đội nước ngoài làm đổ máu thần dân ta.[57] Phát biểu khi từ chối sự bảo vệ của quân Nhật chống lại nguy cơ đảo chính của Việt Minh.
- Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị.[58]
- Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp.[24]
- Đã đến lúc kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn và ít nhất là phục hồi hòa bình cùng sự hòa hợp.[59] Phát biểu năm 1972 nhằm kêu gọi hòa bình và hòa hợp dân tộc ở Việt Nam.
- Xin cho tôi được sống và chết trong bình yên.[60]
No comments:
Post a Comment