Ông Trọng
Giá mà ông không gọi những người đòi cải tổ chính trị là suy thoái đạo đức. [1]
Giá như ông không nhất quyết giữ cho bằng
được ‘sở hữu toàn dân về đất đai’ và ‘kinh tế nhà nước chủ đạo’ trong
cả văn kiện đảng lẫn Hiến pháp. [2]
Giá mà ông không toàn tâm toàn ý đặt quốc
gia vào một lộ trình mà chính ông cũng không biết khi nào mới tới đích -
lộ trình xã hội chủ nghĩa. [3]
Giá ông chỉ tập trung vào đốt lò…
Thì khi ngã xuống bởi bệnh tật hay tai
nạn, với ấn tượng trong sạch trong mắt không ít người, lời thương xót
hẳn đã át đi tiếng bấc tiếng chì.
Không chấp nhận cải tổ chính trị, nghĩa
là không có báo chí tự do lẫn tư pháp độc lập, trong lúc thông tin không
minh bạch, hội đoàn dân sự không mở mang, tinh thần công dân và liêm
chính công chức không được vun đắp, thì làm sao chống được tham nhũng
lâu dài và hiệu quả?
Tương tự, ‘sở hữu toàn dân về đất đai’ và
‘kinh tế nhà nước chủ đạo’ là gì nếu không phải là hai
cỗ-máy-củi-hóa-hàng-loạt-cán-bộ khi đặt họ trước khối công sản cực kỳ to
lớn mà họ dễ dàng chiếm lấy cho bản thân, gia đình và vòng bè phái
trong khi các vũ khí phòng chống tham nhũng nêu trên đã bị vô hiệu hóa.
Đó là chưa kể, trên đường chiếm đoạt những nguồn lợi lộc vốn không thuộc
về mình - nhất là đất đai - những cấu kết quyền-tiền nhân danh Hiến
pháp và pháp luật đã để lại làng trên xóm dưới biết bao oan khiên ngút
trời.
Cuối cùng, ai cũng có quyền giữ quan điểm
và theo đuổi niềm tin của mình về con đường mà Việt Nam nên đi. Song,
một khi đã vũ trang quan điểm của mình bằng bạo lực trấn áp, củng cố
niềm tin của mình bằng cách buộc người khác phải im lặng trong sợ hãi,
chứng minh chỉ duy nhất mình đúng bằng lao tù cho những người trái ý,
thì dẫu có tôn trọng thanh danh trong sạch của người đó đến đâu đi chăng
nữa cũng phải gọi họ là độc đoán. Mà bất kỳ nền độc đoán nào, đến lượt
nó, cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham ô tham nhũng.
Tóm lại, cũng như chẳng ai thực tâm muốn
nhổ cỏ mà chỉ ngắt ngọn, rồi lại còn bón phân, vun gốc và xới đất xung
quanh, thật dễ hiểu khi có người nghi ngờ thực tâm chống tham nhũng của
người đốt lò khi thấy ông bảo vệ đến cùng
cỗ-máy-củi-hóa-hàng-loạt-cán-bộ và thường xuyên tiếp năng lượng để cỗ
máy đó hoạt động.
Mà dẫu không nghi ngờ thì cũng có lý do để tin rằng lửa chẳng cháy được bao lâu nữa, khi mà người đốt lò sớm muộn phải thay ca.
Biết đâu khi đó, củi lại gác lò.
—
[2] Nghị quyết 04 của BCH Trung ương ban
hành năm 2016 coi phủ nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘tự diễn
biến’, ‘tự chuyển hoá’: https://tuoitre.vn/nhan-dien-27-bieu-hien-suy-thoai-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-1211296.htm
[3] Góp ý sửa Hiến pháp ông Trọng nói: ‘Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.’
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment