Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Friday, 12 April 2019

Ông già Bến Ngự bên bờ sông Hương

 10:25 | Thứ ba, 14/02/2017  6
Gương mặt của chí sĩ Phan Bội Châu được khắc họa xong năm 1974. Tượng được đúc đồng tại phường Đúc. Năm 1987 tượng được đưa từ phường Đúc về đặt ở Nhà lưu niệm tại dốc Bến Ngự. Năm 2012 tượng được di dời về cạnh cầu Trường Tiền, vị trí hay nhất.
Sừng sững tượng đài
Công viên Lê Lợi thật thoáng, ngay đầu cầu Trường Tiền. Từ xa đã thấy tượng đài Phan Bội Châu. Tượng là khuôn mặt phóng lớn. Hai hàng chân mày gồ lên. Vầng trán cao rộng, những nếp da nhăn, bộ râu rậm rì. Nửa chùm râu và chiếc cằm cương nghị và thách thức. Hậu diện pho tượng, đôi tai và vành cổ đắp nổi hình ảnh vùng lên phá xiềng nô lệ thời Hai Bà Trưng.

Tác giả bên tượng đài chí sĩ Phan Bội Châu. Ảnh: Phan Cảnh Duy

Giờ đây, “Ông già Bến Ngự” thỏa lòng ngắm dòng sông mà suốt 15 năm Người thả thuyền lênh đênh. Ôi dòng Hương êm ả, cảnh vật hữu tình giúp bậc nghĩa sĩ kềm lòng chiến đấu rồi lắng lòng phát tiết kho tàng tâm tưởng sâu xa cho đồng bào, cho mai hậu.
Ông già Bến Ngự
Chí sĩ Phan Bội Châu thì tôi biết từ tuổi học trò, “Ông già Bến Ngự” thì mới nghe. Tôi thích tên gọi này quá. Nghe thân thương làm sao. Vì sao là ông già. Bắt đầu chuỗi ngày bị giam lỏng, chưa đến sáu mươi mà. Ngày xưa tuổi này đã được coi là ông già rồi chăng. Hay là biệt danh mới có lúc cụ già hơn.
Phan Bội Châu. Ảnh tư liệu

Dốc Bến Ngự. Thật cảm khái được thăm nơi cụ sống cũng là nơi yên nghỉ ngàn thu. Nhà tranh vách đất ba gian tại dốc Bến Ngự, tượng trưng ba kỳ (Bắc - Trung - Nam).
Ngôi nhà này được cụ dùng làm nơi ăn ở, diễn thuyết, dạy học trò, sáng tác văn thơ và gặp gỡ bạn hữu cuối đời. Năm 1925 cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc). Thực dân Pháp lén lút đưa về Hà Nội. Nhân dân cả nước đấu tranh đòi ân xá cho cụ. Cụ bị giam lỏng ở Huế 15 năm.
Bến Ngự. Theo đường Phan Bội Châu tôi đi bộ xuống dốc Bến Ngự. Có cây cầu vắt ngang sông An Cựu. Dọc theo hai bờ sông là hai con đường Phan Chu Trinh và Phan Đình Phùng. Ba con đường mang tên ba nhà ái quốc họ Phan. Thật là ý nghĩa. Đứng trên cầu Bến Ngự, tôi ngó bên này cầu, ngó bên kia cầu, theo mút dòng An Cựu. Tần ngần trước cửa chợ Bến Ngự, tôi như thấy bóng dáng một ông lão râu dài có gương mặt điềm đạm, dịu hiền, dáng người thẳng, áo dài mũ dạ thăm hỏi chuyện trò với người này người nọ.
Theo hồi ức của Đào Duy Anh: “Để thoát khỏi cảnh cô liêu tù túng trong ngôi nhà Bến Ngự cụ đã mua một chiếc đò và thuê người chèo, sống trôi nổi trên sông Hương với cảnh nước rộng trời cao... mỗi khi có khách xa muốn thăm thì phải hẹn trước để người nhà đưa xuống đò khi vào bến bên bờ tả sông An Cựu”. Chắc là đò đưa ông đã tới lui nhiều lần từ Bến Ngự dọc sông An Cựu ra sông Hương. Đâu là Bến Ngự xưa. Chỗ nào là bến đò của “Ông già Bến Ngự”?
Bậc thầy trong tâm tưởng
Ở trong ngôi nhà tranh dốc Bến Ngự, trên chiếc đò lênh đênh trên sông Hương, cảnh vật thật hữu tình, dòng sông thật êm ả, bao cảm hứng tuôn tràn, ông soạn biết bao nhiêu sách quý, cho bao lời dạy. Không biết duyên nào cho tôi gặp được sách Chu Dịch của Sào Nam Phan Bội Châu.
Nước giếng trong không đậy. Khi tôi là giảng viên trẻ chuyên ngành ung thư học Đại học Y khoa Sài Gòn, thầy tôi - giáo sư Đào Đức Hoành đã truyền sức cho tôi: “Hãy học tinh thần của giếng. Nước giếng trong ai cần thì cứ múc. Giếng không sợ cạn. Càng múc nước lên càng trong, đầy mà không tràn. Không được đậy lại, phải để mọi người dùng. Theo đó mà lo cho người bệnh, chỉ dạy cho đàn em”. Ông lật sách Chu Dịch của Sào Nam chỉ cho tôi đúng quẻ Thủy Phong Tỉnh dạy về tinh thần của giếng.
Ảnh: T.L

Tôi ngẫm nghĩ mãi về điều này, cứ theo gương của giếng chắc là tròn y đức. Thấy bệnh thì chữa, càng tận tình chữa bệnh thì càng thêm nhiều điều để học hỏi, thêm nhiều kinh nghiệm. Tận tình truyền thụ kiến thức cho đàn em và học trò, không hẹp hòi giấu nghề. Thì cũng như giếng vậy, giữ luôn được đầy mà không tràn, cung cấp nước trong nước mát cho mọi người.
Giếng Trời in bóng sao Khuê. Đến thủ đô Hà Nội, hễ có dịp là tôi viếng Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Gác Khuê Văn giản dị. Vách gác có cửa sổ hình tròn và những thanh gỗ tỏa ra bốn phía, sao Khuê tỏa sáng. Gác đơn sơ tao nhã, soi bóng giếng Thiên Quang. Thiên Quang Tỉnh là giếng Trời. Giếng hình vuông. Đây rồi! Cụ Phan Bội Châu bàn về hào thượng quẻ Tỉnh: “Nước đã lên miệng giếng rồi, thời nên để cho tất thảy người dùng, chớ nên che trùm lại. Hễ ai muốn múc thời tùy ý múc. Quân tử đem tài đức ra gánh vác việc đời. Hễ lợi ích cho thiên hạ thời cứ làm, mà chẳng bao giờ tiếc công”. Rõ là lời người xưa dạy các tiến sĩ theo đạo của giếng để làm phụ mẫu chi dân. Giếng Trời in bóng sao Khuê.
Thiên Quang Tỉnh. Ảnh: Trần Kim Liên

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời. Phảng phất như cụ Phan tâm đắc quẻ Phong Sơn Tiệm. “Tượng như con chim hồng bay tới tuột đường mây mà không chốn đậu: không phải là vô dụng mà chính là một hạng người siêu nhiên xuất thế, không làm việc nhân gian - có khí tiết thanh cao, nêu một cái gương cao thượng cho người đời. Thiệt là chim hồng bay ở đường mây, mà cọng lông rơi xuống còn được dùng làm nghi biểu (Hồng tiệm vu quỳ kỳ vũ khả dụng vi nghi)”. Học giả Nguyễn Hiến Lê tán thêm, “trong 64 quẻ Dịch, chỉ có Hào Thượng quẻ Tiệm cho hình ảnh đẹp nhất” “cánh hồng bay bổng đường mây tuyệt vời”. “Ông già Bến Ngự” đúng là con chim hồng trong quẻ Tiệm: cánh hồng bay bổng tuyệt vời. 64 quẻ trong Kinh Dịch là 64 tình huống của cuộc đời, dạy cho ta hiểu cuộc sống. Cụ Sào Nam Phan Bội Châu là bậc thầy trong tâm tưởng của tôi.
Tình bạn đẹp quá. Cụ Phan ra đời năm 1876, cụ Huỳnh nhỏ hơn 7 tuổi. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Lê Sỹ Liêm trực tiếp mua, xây ngôi nhà trên dốc Bến Ngự cho cụ Phan từ năm 1925-1927 bằng tiền quyên góp của đồng bào ba miền. Khi “Ông già Bến Ngự” qua đời (năm 1940), chính cụ Huỳnh cho xây mộ và nhà thờ.
Mỗi lần cầm quyển Chu Dịch của Sào Nam Phan Bội Châu mà tôi còn lưu giữ, có lời giới thiệu của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, nhà xuất bản Khai Trí, 62 Lê Lợi, Sài Gòn, lòng tôi bồi hồi cảm kích. Không có cụ Huỳnh chắc kho tàng quý báu này không tới tay hậu thế.
Sau này, thấy cụ Phan bàn quẻ Trạch Sơn Hàm tôi chợt hiểu tấm lòng của hai người bạn. Quẻ Trạch Sơn Hàm, hình tượng trên núi có cái chằm nước, “vì Sơn có vũng thũng xuống mà đựng được Trạch, Trạch vì trong lòng trống không mới chứa được nước”. Lòng mình trống không, chẳng có định kiến, mới tiếp nhận được người. Hàm nghĩa là cảm, là chứa. Cảm chân thật thì lâu dài.
Đứa con cưng của Bình Dương, trọn tấm lòng với Huế
Lê Thành Nhơn. Đứa con cưng của Thủ Dầu Một Bình Dương (cái nôi của mỹ thuật sơn mài) - học trò và người thầy yêu quý của Trường Mỹ thuật Sài Gòn lại dành cả tấm lòng cho Huế. Bộ ba tác phẩm cô gái Việt Nam, tượng Quán Thế Âm và tượng danh nhân Phan Bội Châu đứng mãi bên bờ sông Hương.
Cô gái Việt Nam. Tượng thiếu nữ bằng xi măng trắng cao 2,8m nặng gần 5 tấn, tạc tại Sài Gòn năm 1970 về Huế nhân dịp “Festival Nghề truyền thống Huế 2011”. Cô gái Việt Nam hiện đặt tại công viên Hai Bà Trưng, ngang trường Đồng Khánh cũ. Thật khế hợp.

Cô gái Việt Nam. Ảnh: Trần Kim Liên
Tượng Quán Thế Âm. Vào lúc phác thảo tượng Phan Bội Châu, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn làm tượng Quán Thế Âm bằng đồng dựng ngay ở sân Trung tâm Văn hóa Liễu quán của Phật giáo Huế trên đường Lê Lợi. Phong cách lạ, trên đầu là khối hình chóp gợi dáng các vũ nữ Apsara trong nghệ thuật Chăm.
Tượng Phan Bội Châu. Năm 1974, được nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn đắp bằng đất sét ở vườn trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, được ghép 13 mảnh đồng nặng 7 tấn cao 4,5m, dày 2,5m rộng 3,5m bằng kỹ thuật của phường Đúc.
Hãy nghe họa sĩ Vĩnh Phối: “... với cây trường kiếm thần kỳ dài hơn 1 mét là dụng cụ thay thế chiếc bay và dao của các điêu khắc gia... Như một hiệp sĩ với đường kiếm bay bướm diệu kỳ... Tái tạo một cách linh động tài tình khuôn mặt nhà ái quốc vĩ đại của đất nước... Tôi thường gọi anh là Michelangelo Nhơn...”. Sự so sánh quá đẹp. Tôi đã đến Florence nước Ý và chiêm ngưỡng mê man bức tượng David của nhà điêu khắc thần thánh Michelangelo thời Phục hưng. “Đất đai Thủ Dầu Một dễ đưa tôi đến điêu khắc”, nhưng chắc dòng máu pha trộn chất Chăm phải góp phần làm nên “truyền nhân” của Michelangelo.
Ngắm tượng “Ông già Bến Ngự” thật lâu thật kỹ tôi như thấy còn thiếu thiếu. Xem mấy tấm ảnh, thấy dáng một nhà nho áo dài, mũ dạ, mặt nghiêm trang mà thư thái. Làm sao được, nhà điêu khắc mới 34 tuổi khó mà nắm bắt cái sâu thẳm của Sào Nam Phan Bội Châu, khác nào cánh hồng bay bổng đường mây.
Cứ mong có dịp đến Huế để được chiêm bái “Ông già Bến Ngự”, bậc thầy cao cả luôn trong tâm khảm tôi.
Nguyễn Chấn Hùng


No comments:

Post a Comment