Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 13 April 2019

SƠN TRUNG * BẠCH TUYẾT VÀ CHÍN CHÚ LÙN

BẠCH TUYẾT VÀ CHÍN CHÚ LÙN

Đức vua là một người có tài chính trị, lại có tài quân sự. Quân phương Bắc thường đem quân xâm lấn biên cương, nhiều khi chúng còn đánh thẳng vào kinh đô khiến triều đình và dân chúng phảỉ bỏ chạy vào trong núi sâu. Vì vậy, Ngài đã đem quân chinh chiến liên miên, bảo vệ dân chúng, chống quân xâm lược.

Vua rất yêu Hoàng hậu vì hoàng hậu là một người rất đẹp và lại phúc hậu. Nhưng hạnh phúc trần gian quá ngắn ngủi, sau khi sinh được một công chúa thì hoàng hậu lâm bệnh mà từ trần. Vua đặt tên cho công chúa là Bạch Tuyết vì da của nàng rất trắng và khuôn mặt của nàng rất xinh đẹp.

Trong nội cung lúc bấy giờ đã có mười vị quý phi, ai cũng mong muốn đuợc vua tấn phong hoàng hậu. Trong mười vị quý phi, có Lê quý phi là người được vua sủng ái nhất. Bà vốn con gái của thượng thư họ Lê trong triều. Trước đây, khi nghe vua ra lệnh nạp phi, ông đem con gái dâng hiến vua để được vua ban tước lộc hơn ngừơi. Ông đã cho con gái học múa, hát, đàn địch và thi phú, và theo học các phép thuật của một pháp sư nổi danh trong vùng. Ông đem trân châu, bảo ngọc dâng hiến cho thái hậu và các quan trong triều để mua chuộc họ.

Ông còn đem vàng bạc hối lộ các cung nữ trong cung để họ đứng vào phe ông. Về phía Lê quý quý thì bà cũng thi hành nhiều kế hoạch để thu phục nhân tâm. Hàng tháng bà đi lễ chùa cầu cho đức vua chiến thắng quân địch và cầu cho quốc thái dân an. Bà lại đem vàng bạc mua gạo cứu tế dân nghèo. Đối với Bạch Tuyết, bà tỏ vẻ yêu thương như con đẻ, săn sóc từng món ăn, thức uống, và chiều chuộng hết lòng. Trong triều ngoài nội, ai cũng ca tụng bà là Quan Âm tái thế. Nghe tin hoàng hậu thất lộc, vua đem quân về triều và sắp đặt mọi sự. Vua đã đưa Lê quý phi lên làm Hoàng hậu. Rồi vua lại lên đường chinh chiến.

Khi Lê quý phi lên làm hoàng hậu thì Lê Thượng thư được thăng làm Tể tướng.Từ đấy, mọi quan lại trong triều đều phải xu phụ ông, ai muốn thăng quan tiến chức hoặc cầu lợi lộc thì phải đến cậy nhờ ông. Tài sản ông gia tăng gấp năm, gấp mười và uy thế của ông lên tận trời cao. Ai chống đối ông thì cả gia đình sẽ bị giết hoặc bị bỏ tù.

It lâu sau, tin tiền tuyến đưa về báo tin hoàng thượng thất trận, vua tôi xiêu lạc mỗi người một phương, không rõ sống chết như thế nào. Tể tướng vận động các quan trong triều tôn hoàng hậu lên tạm nắm triều chính cho ổn định lòng dân. Khi lên nắm quyền bính, hoàng hậu tuyên bố làm một cuộc cách mạng để cải cách triều cương và đem lại cơm no, áo ấm cho nhân dân.

 Đối với nhân dân, bà đưa ra chính sách hai không. Không thứ nhất là không nhà giàu. Bà cho rằng người giàu là bọn bóc lột đã làm cho nhân dân nghèo khổ. Trong khi nhân dân ở nhà tranh, ai ở nhà ngói là kẻ thù của nhân dân. Trong khi nhân dân không có cơm áo gạo tiền thì người nào có ruộng đất, vàng bạc là kẻ thù của nhân dân, phải tịch thu gia sản và giết sạch hoặc bỏ tù tùy theo gia sản lớn nhỏ. Không thứ hai là không tư hữu, không tư doanh. Bà bãi bỏ tư doanh, cấm buôn thúng bán mẹt; bắt mọi người phải lao động trong các công trường và nông trường quốc doanh , vì lao động là vinh quang.

Từ đó khắp nước vang tiếng khóc than. Mọi người trở thành nô lệ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, suốt ngày làm việc quần quật dưới roi vọt của công an. Tất cả lợi tức quốc gia vào tay hoàng hậu, tể tướng vả các huyện, tỉnh ủy viên. Các quan ngự sử đúng lên phản đối thì bà ra lệnh bỏ tù các gián quan, ghép họ tội phản động, chống đối triều đình và ra lệnh từ nay triều đình không còn chức ngự sử. Sinh viên đại học biểu tình chống đối thì bà ra lệnh đóng cửa đại học, cấm học hành, thi cử. Trong cung cấm, bà đuổi các cung phi về quê, chỉ để một số nữ tỳ làm việc vặt trong cung.

Bà lập đảng Dân chủ Nhân Dân mà mục tiêu là bình đẳng và Tự do. Bà tuyên bố bà theo chủ thuyết ‘’Dân vi quý’’ của Mạnh tử. Bà kêu gọi nhân dân theo đảng của bà, và ủng hộ các chính sách của bà vì đảng của bà là tinh hoa, là trí tuệ đỉnh cao của loài người. Và chỉ có đường lối của đảng Dân chủ Nhân dân là thực sự đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Các văn bút trong đảng của bà ca tụng bà là một nhà đại cách mạng, một triết gia vĩ đại đã thiết lập tân chính quyền cách mạng với chính sách tam vô :

-nội cung vô phi tần,
-triều đình vô ngự sử
-khoa cử vô tiến sĩ .

Bà là con một thượng thư, nhưng ông nội của bà xuất thân là kẻ cướp núi, sau bị triều đình đánh dẹp, trốn đến một nơi xa, đổi danh tánh, đem tiền của mua một chức quan. Nhờ khéo léo luồn cúi nên ông làm quan đến ngũ phẩm. Đến con ông, hưởng tài sản và địa vị của ông, được cử làm tri huyện rồi lên đến thượng thư. Vì vậy, bà rất khinh thường những kẻ học thức ‘’dài lưng tốn vải’’. Bà cho rằng đất nước cần công nhân vì công nhân là lực lượng sản xuất ra của cải cho nhân dân. và công nhân chính là giai cấp lãnh đạo. Người dân chỉ học đến tú tài là đủ, không cần đào tạo cử nhân, tiến sĩ cho hao tốn công khố. Bà lập đảng Dân chủ nhân dân, lấy công nhân làm nòng cốt, nhưng sự thật nòng cốt của bà là du đãng, trộm cướp và gian nịnh. Bà đưa các đảng viên của bà nắm quyền hành trong triều đình và các địa phương.

Từ khi lên làm hoàng hậu, tính tình bà hoàn toàn đổi khác. Bà không còn tươi cười và vui vẻ như trước đây. Bà tuyên bố từ nay bà sẽ lập lại kỷ cương triều đình, nghĩa là mọi người phải tuân theo kỷ luật sắt. Các quan lại ai có lỗi thì bị cách chức hoặc bị tống giam tuỳ theo tội nặng nhẹ. Dân chúng ai chỉ trích bà thị bị xử tử hoặc đày đi biên ải xa xăm. Chính sách này được gọi là chuyên chính vương quyền, nhằm biến cả nước thành trại lính hoặc trong trại giam.

Từ khi lên làm hoàng hậu, bà tự cho mình là đệ nhất anh thư, và đệ nhất mỹ nhân trong thiên hạ. Bà có một chiếc gương thần, và hằng ngày bà ngắm bóng bà trong gương thần và nói chuyện với gương thần.

“Gương thần ơi hỡi gương thần,
Ai là đệ nhất giai nhân ở đời?

Gương thần trả lời:

Khắp nơi trong cõi hồng trần,,
Bà là đệ nhất giai nhân ở đời!

Nghe gương thần khen ngợi như vậy, hoàng hậu rất vui mừng. Buổi sáng nào, hoàng hậu cũng hỏi gương thần như trên và được gương thần trả lời như vậy.

Khi công chúa Bạch Tuyết đến tuổi mười hai thì trổ mã. Tóc nàng mượt như mây trời, da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như son, nụ cười như hoa nở. Thân thể nàng bắt đầu có những đường nét sắc sảo của một giai nhân. Một hôm, hoàng hậu hỏi gương thần:

“Gương thần ơi hỡi gương thần,
Ai là đệ nhất giai nhân ở đời?

Gương thần bèn trả lời:

Ngày xưa, bà đẹp nhất đời,
Ngày nay Bạch Tuyết xinh tươi vạn lần.

Hoàng hậu nghe gương thần nói như vậy liền nổi cơn thịnh nộ. Bà sai một cung nữ đi tìm một lão tiều phu . Khi lão tiều phu đến, bà ra lệnh ông đem Bạch Tuyết lên rừng giết. Người tiều phu có lòng nhân hậu, không nỡ giết chết Bạch Tuyết. Ông bèn đem Bạch Tuyết thả vào rừng, và bảo nàng trốn đi thật xa, đừng trở về kinh đô nữa, vì hoàng hậu sẽ giết chết không tha. Nói xong, ông lấy tim gan loài vật đem về trình bà Hoàng hậu và bảo đó là tim, gan Bạch Tuyết.

Hoàng hậu rất sung sướng vì nay không còn ai có thể đẹp hơn bà nữa.


Sau bao ngày đêm băng rừng, cuối cùng nàng đã đến một khu rừng trúc, bên trong có một ngôi nhà tranh xinh xắn. Nàng bước vào thì thấy bốn bề im lặng. Nàng đẩy cửa vào, thì thấy có chín chiếc giường nhỏ sắp cạnh nhau, và các đồ dùng trong nhà cái gì cũng nhỏ nhắn xinh xắn. Cái bếp, bát ăn cơm, các đôi đũa, và các áo quần, chăn màn đều nhỏ nhắn, xinh xắn như đồ dùng cho trẻ con. Nàng nghĩ rằng ngôi nhà này có nhiều trẻ con. Nàng vội vo gạo thổi cơm, luộc rau. Nấu xong, nàng ăn một bữa no nê, rồi kê các giường lại gần nhau rồi đánh một giấc cho bỏ bao ngày băng rừng đói khát, mệt nhọc.

Ngôi nhà mà Bạch Tuyết bước vào là nhà của chín chú lùn. Ban ngày, họ vào rừng đốn củi, săn bắn và làm rẫy. Lai lịch của họ rất kỳ lạ. Nguyên tại khu rừng này có hai vợ chồng làm nghề săn bắn, rẫy bái qua ngày. It năm sau, họ sinh được một trai rất xinh xắn. Nhưng bao năm tháng trôi qua, đứa bé vẫn không lớn lên được, và nó trở thành một đứa bé lùn. Cứ mỗi tháng, ông lấy ghe chở củi về phiên chợ để bán. Mỗi lần như vậy ông đều đem con trai đi theo để cho nó biết đó biết đây. Một hôm, hai cha con ông bán xong củi sớm, liền đi loanh quanh trong chợ mua vải và it đồ gia dụng thì gặp một gánh xiếc nhỏ. Gánh xiếc chỉ có một ông già, một con chó và một con khỉ.

Cậu bé lùn trông thấy những trò xiếc thì rất thích thú. Ông lão làm xiếc, thấy một thằng bé lùn say mê xem những trò xiếc của ông biểu diễn, và ông nhận thấy thằng bé này như có duyên tiền kiếp với ông. Ông ngỏ lời với lão tiều phu muốn truyền thụ nghề làm xiếc cho cậu bé. Ông lão tiều phu nghĩ rằng thằng bé lùn khó sinh sống với nghề rẫy bái, biết đâu nghề làm xiếc chẳng giúp nó thành công. Nghĩ vậy cho nên ông bằng lòng cho thằng bé theo gánh xiếc học nghề. Cứ mỗi phiên chợ, cha con ông lại gặp nhau.

Vài năm sau, gánh xiếc lại thêm một thằng bé lùn giúp việc. Sau một thời gian nữa, gánh xiếc tập trung chín chú lùn. It lâu sau, ông chủ gánh xiếc lâm bệnh từ trần, thằng con ông tiều phu trở thành chủ gánh xiếc. Nhưng kinh tế khó khăn, bọn cường hào địa phương tàn ác và tham nhũng, chúng bắt gánh xiếc phải nộp tiền hàng ngày cho chúng. Không chịu nổi sự bóc lột của bọn cường hào, thằng con ông tiều phải dắt cả lũ về núi cũ. Ông lão tiều phu gọi con ông là thằng Cả, còn những thằng kia thì gọi theo thứ tự là thằng Hai, thằng Ba, cho đến thằng Chín.

Cạnh khu rừng trúc có một con suối lớn. Cả bọn làm thêm nhà, đóng thêm một chiếc thuyền. Cả bọn chia nhau làm việc. Chúng đi hái củi, săn bắn, làm rẫy, và câu cá. Cứ hàng tuần, chúng chia thành hai hoặc ba nhóm. Một nhóm đI chợ Dừa, hoặc chợ Gạo, một nhóm đi chợ Đệm, hoặc về Lập Thạch hay Tào Khê, và một nhóm ở nhà lo việc hái củi, và làm rẫy. Đến phiên chợ, chúng lấy ghe chở củi, lông thú, thịt rừng về chợ phiên bán, và làm xiếc. Cuộc sống tạm ổn định. Sau khi vợ chồng lão tiều phu từ trần, cả bọn vẫn sống vui vẻ trong căn nhà ở khu rừng trúc.


Hôm Bạch Tuyết đến rừng trúc thì chín chú lùn đang đi làm rẫy. Khi về đến ngoài ngõ, chín chú lùn đều ngừng lại. Cả chín chú linh cảm có điều gì xảy ra trong căn nhà tranh của các chú. Kìa khói lam nhẹ bay từ mái nhà tranh. Các cánh cửa đều mở rộng. Cả bọn sợ hãi không dám bước vào nhà. Cả bọn đùn cho chú Cả vào trước. Với tư cách là anh trưởng, chú Cả không thể lùi bước. Chú Cả bước vào trước, còn các chú kia theo sau.

Chú Ba kêu lên: Có người xâm nhập!
Chú Năm kêu lên: Có mùi hương lạ trong nhà!
Chú Sáu kêu lên: Ai lấy hết quần áo của chúng ta?
Cả bọn tiến vào trong thì thấy trên bàn cơm canh đã dọn sẵn. Và trên giường một thiếu nữ xinh đẹp đang nằm ngủ và nàng bắt đầu tỉnh dậy khi nghe tiếng kêu la của các chú lùn.


Sau vài phút bỡ ngỡ ban đầu, Bạch Tuyết và chín chú lùn trở thành bạn thân, cùng chung sống vui vẻ. Các chú lùn tiếp tục công cuộc đi săn, hái củi, còn Bạch Tuyết ở nhà lo bếp núc, vườn tược và giặt rủ quần áo.


Sau khi đã sai một lão tiều phu giết chết Bạch Tuyết, hoàng hậu vui sướng vô cùng vì từ nay không còn ai tranh danh hiệu đệ nhất hoa khôi của bà nữa. Một hôm, bà hỏi gương thần:

Gương thần, ơi hỡi gương thần,
Ai là đệ nhất giai nhân ở đời?

Gương thần đáp:

Hoàng hậu đẹp nhất trên đời,
Nhưng mà Bạch Tuyết xinh tươi vạn lần!

Bà tức giận la ó lên:

Bạch Tuyết chưa chết ư? Nó ở đâu?

Gương thần đáp:

Bạch Tuyết ở tại non đoài,
Tháng năm vui vẻ giữa loài cỏ hoa.

Nghe gương thần nói vậy, bà liền nổi điên lên. Bà làm phép hóa thành một bà già đi bán cam, tìm đến khu rừng trúc. Bà đứng trước cổng kêu to lên:

-Ai mua cam sành không? Ai mua cam sành không?

Bạch Tuyết nghe tiếng rao nhưng không dám ra mở cửa vì chín chú lùn đã dặn nàng không nên mở cửa cho người lạ vào. Bà già bán cam hiểu được sự lo sợ của nàng, bèn nói:

Không cần phải mở cửa. Tôi xin biếu một trái cam.

Bạch Tuyết thấy bà già run rẩy, yếu đuối, đem lòng thương hại. Nể lời, nàng đứng bên trong, thò tay lấy quả cam , và nếm thử. Sau khi ăn một miếng cam, Bạch Tuyết lăn ra chết giấc vì trúng độc dược của hoàng hậu. Bà hoàng hậu thấy Bạch Tuyết đã ăn cam độc, mừng ré lên, và chạy băng qua rừng trở về kinh đô. Gặp một con sông rộng, bà niệm chú làm phép ‘’ độ giang’’. Phép này đòi hỏi pháp gia phải niệm chú liên tục cho đến khi qua bờ bên kia. Không ngờ khi qua nửa giòng sông thì một đàn chim hải âu bay qua, chúng đại tiểu tiện vào mặt mũi của bà, khiến hai mắt của bà như hóa thành mù. Bà buột miệng kêu: Ối trời ơi, thì bà liền bị rơi xuống sông, trúng ngay mõm một con cá sấu. Cá sấu liền đớp gọn bà ta rồi lặn xuống sông biến mất.

Từ khi hoàng hậu lên nắm quyền, cướp tài sản dân chúng, và bắt toàn dân làm nô lệ, cùng bãi bỏ hàng gián quan, và đóng cửa đại học thì các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, thương gia cho đến các sĩ phu ai cũng căm hận bà.

Trần công tử là sinh viên Quốc tử giám, là con quan Ngự sử Trần đại nhân. Từ khi đóng cửa đại học, công tử chuyên đọc binh thư và tập võ nghệ. Công tử thường mượn cớ đi du sơn, du thủy để tìm bạn đồng chí. Chàng lập Quốc Gia Phục hưng hội nhắm lật đổ chính quyền gian ác và độc tài của tân hoàng hậu. Tổ chức của chàng đề cử chàng sang Bắc quốc tìm hoàng đế để báo cáo tình hình trong nước, và thỉnh cầu hoàng thượng đem binh trở về cứu nước. Phái đoàn của chàng gồm mười hai tráng sĩ, trong đó có hai thần y và năm hiệp sĩ tinh thông võ nghệ. Một hôm nọ, phái đoàn Phục hưng đi vào khu rừng trúc của chín chàng lùn. Gặp lúc Bạch Tuyết trúng độc dược, nằm bất động trên giường, Trần công tử và hai thần y tiến vào xem bệnh. Nhìn Bạch Tuyết, Trần công tử nhận ra công chúa.

Nguyên trước đây, khi chàng còn nhỏ, lúc trong triều có lễ hội, vua thường triệu các đại thần và gia đình vào cung để ăn yến và xem ca vũ nhạc. Vì vậy, Trần công tử được thấy dung nhan công chúa Bạch Tuyết. Chàng khẩn cầu hai thần y đem hết tài năng ra cứu công chúa. Sau mấy ngày trị bệnh, công chúa đã tỉnh lại và dần dần bình phục. Khi nghe Trần công tử cho biết mục đích cần vương của phái đoàn, công chúa xin tháp tùng phái đoàn để tìm vua cha. Thế là hôm sau, công chúa và phái đoàn giã biệt chín chú lùn để lên đường ra biên cương.


Sau mấy ngày băng rừng vượt suối, phái đoàn Phục hưng đã gặp hoàng đế. Vua rất mừng rỡ khi gặp lại công chúa Bạch Tuyết và nghe phái đoàn báo cáo tình hình đất nước, vua mới biết Thừa tướng đã cắt đứt liên lạc giữa vua và triều đình, không tiếp vận quân lương, đồng thời phao tin nhảm để đưa hoàng hậu lên nắm quyền. Vua liền phong Trần công tử làm đại tướng tiên phong dẫn binh đoàn hồi loan. Đại quân chiến thắng dễ dàng vì dân chúng ủng hộ quốc vương.

Nhà vua đã trở lại ngai vàng, chém đầu tể tướng gian ác, giải tán đảng Dân chủ nhân dân của hoàng hậu, bãi bỏ quốc doanh, trả ruộng đất, tài sản cho nhân dân và mở lại đại học. It lâu sau, Trần tướng quân kết hôn cùng công chúa Bạch Tuyết, cả nhà sống hạnh phúc. Công chúa Bạch Tuyết nhớ ơn xưa của chín chú lùn, bèn cùng Trần phò mã trở lại Trúc lâm, thăm viếng họ và ban vàng bạc, lụa là cho họ. Khi vua già yếu, vì không có con trai, vua truyền ngôi cho Trần phò mã. Từ đây đất nước thực sự hòa bình, dân chúng ấm no, tự do và hạnh phúc.


Tân vương cho chín chú lùn làm chủ ngọn Trúc Sơn , và giúp chín chú lùn xây những tịnh xá, những vườn hoa, cây cảnh, ao sen, đình tạ, và các ngọn giả sơn rất u nhã. Trúc Sơn từ đó trở thành thắng cảnh quốc gia. Nghe nói về sau, chín chú lùn tu hành đắc đạo rồi cùng nắm tay nhau mà bay lên trời. 

No comments:

Post a Comment