BÁO CÁO KHOA HỌC
Sau
khi đệ nhất hoàng đế băng, đệ nhị hoàng đế lên ngôi. Ông vua này chủ
trương ba dòng thác cách mạng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là
quan trọng nhất. Thực ra lời nói trên không phải là sáng tác của ông vua
đệ nhị này, ông chỉ nói theo vua mẫu quốc, khi vua mẫu quốc tuyên bố
theo đuổi chính sách bốn hiện đại hóa, lấy khoa học, kỹ thuật làm then
chốt. ( Đức vua ta không lẽ sao chép nguyên văn, người ta nói bốn hiện
đại thì ta cũng nói ba dòng thác cách mạng, người ta nói khoa học kỹ
thuật là then chốt, thì ta cũng nói khoa học kỹ thuật là quan trọng ).
Vì vậy mà toàn quốc, từ quan lại đến dân chúng, từ đại học đến trung
tiểu học đều được nghe thường xuyên báo cáo khoa học.
Hoàng
đế và triều đình thì ở Bắc kinh, còn Nam kinh là kinh đô cựu trào, nơi
đây còn có viện Đại Học Nam kinh là lớn nhất, tập trung các nhân tài
cựu triều còn sót lại. Sau này tân triều bỏ viện Đại học Nam Kinh, lập
thành nhiều trường, như trường Bách Hợp, trường Bách Khoa, Trường Y,
trường Dược, trường Canh Nông. . . . Đứng đầu mỗi trường là hiệu trưởng,
và các giáo quan được gọi là giáo viên, chỉ có những giáo viên được
triều đình tấn phong mới là giáo sư mặc dầu họ không có bằng tú tài hay
cử nhân. Các vị khoa bảng cựu triều chỉ là phó thường dân, được các
quan lại tân triều từ Bắc kinh cử về quản lý chặt chẽ. Về học hàm, học
vị, các vị tiến sĩ cựu triều được xếp ngang với cấp tốt nghiệp đại học
(tức cử nhân) ngoài Bắc. Nghĩa là họ bị coi khinh, bị lăng nhục và bị
giáng cấp! Có người ưu thời mẫn thế làm hai câu thơ:
Tiến sĩ còn chẳng ra gì,
Cử nhân, thạc sĩ khác chi thằng hề!
Các
vị tiến sĩ tân tòng hay nằm vùng xuất thân miền Nam cũng chỉ làm đến
đội trưởng, đội phó là cùng, còn các chức vụ ngon lành thì do quan lại
Bắc kinh nắm giữ. Thậm chí đầu bếp, gác dang, người quét dọn trong
trường đều là người tân triều từ Bắc kinh chuyển vào công tác.
Các
giáo quan cựu trào ai muốn nghỉ việc thì tân trào rất hoan nghênh vì
họ có thêm một chỗ để bán lấy tiền, vì lúc này, ngoài Bắc, kinh tế khó
khăn, trong Nam còn it nhiều cá thịt, nhà cửa và it nhiều tự do, nên ai
cũng xin vào Nam công tác. Ai không được giấy phép, cũng kéo nhau vào
đại vì trong Nam dễ sống hơn ngoài Bắc. Một lão hành khất quê Nghệ An
đã nói với một gia chủ trong Nam: Trong Nam sướng quá, đến nhà nào cũng
được cho, không tiền bạc thì cũng cho cơm áo. Ngoài Bắc thì đừng hòng
ai cho một xu!
Như
trên đã nói, tân triều bây giờ chú trọng khoa học, hàng tuần các cơ
quan, đoàn thể, các bộ viện và trường học thường được nghe báo cáo khoa
học, tức là nghe trình bày các thành tựu khoa học của ‘’triều đình ta
và nhân dân ta ‘’.
Công
cuộc báo cáo khoa học được chia ra hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất
là tại trung ương, triều đình mở cuộc báo cáo khoa học để nghe các khoa
học gia của chế độ trình bày các phát minh của họ, sau đó triều đình
sẽ chấm điểm. Ai có những phát minh xuất sắc thì được tôn là anh hùng
lao động, hay chiến sĩ thi đua, hay khoa học gia nhân dân, khoa học gia
ưu tú. Giai đoạn thứ hai là đem những thành tựu khoa học này truyền bá
khắp nơi, khiến cho cán bộ và dân chúng phải thán phục tài năng siêu
việt của triều đình, và sự lãnh đạo anh minh của hoàng đế bệ hạ.
Cuộc
báo cáo khoa học đã được thực hiện tại trường Đại học Bách Hợp, vì tại
đây có đủ các ngành, trong đó có ngành khoa học là chủ yếu. Một số
giáo viên, giáo sư, kỹ sư, bác sĩ các trường khác trong nước và trong
thành Nam kinh cũng được mời tham dự để vỗ tay và đóng góp ý kiến cho
xôm tụ.
Mở
đầu, quan Hiệu trưởng lên kêu gọi các giáo viên và quan lại triều đình
tích cực đóng góp ý kiến để công việc nghiên cứu khoa học đạt nhiều
thắng lợi ngỏ hầu đưa nước ta trở thành hùng cường bậc nhất trên thế
giới, và đời sống nhân dân ta tốt đẹp hơn mười lần xưa.
Sau
lời quan Hiệu trưởng, là một tràng vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng. Mở
đầu, một vị phó tiến sĩ Bắc kinh lên trình bày phát minh ‘’bèo hoa
dâu’’ của một khoa học gia ưu tú dất Bắc Hà. Theo báo cáo viên này, bèo
hoa dâu đem làm phân bón có thể tăng năng suất các vụ lúa. Sau khi
nghe vị phó tiến sĩ này trình bày, cả hội trường vang dội tiếng hoan
hô. Quan hiệu trưởng lại đứng lên yêu cầu hội nghị phát biểu ý kiến.
Tiến sĩ Ngô Gia Định của cựu trào lên tiếng:
Bèo
hoa dâu đối với các nước trên thế giới là một loài cỏ dại. Hơn nữa,
bèo hoa dâu đã được dùng từ lâu ở thôn quê nên không thể gọi là phát
minh. Tuy vậy, bèo hoa dâu chỉ dùng để trồng khoai, không được dùng
trồng lúa., vì bèo sẽ ăn hết chất màu mỡ của lúa..
Một số giáo viên Bắc Hà lên tiếng phản đối Ngô Gia Định. Họ bảo :
Đảng
ta sáng suốt , các khoa học gia ta tài ba cho nên những thành tựu như
được trình bày tại trung ương và tại đại học Bách Hợp là tinh hoa của
nhân dân ta và triều đình ta. Những ai dám chỉ trích tức là có ý đồ
chống đối triều đình. Chỉ có người dại chứ không có cỏ dại. Bèo hoa dâu
là một sáng kiến khoa học mới mẻ, phát xuất từ nhân dân để phục vụ nhân
dân, kết hợp hiện đại với truyền thống dân tộc ta!
Tiếp
theo, một vị Phó tiến sĩ Bắc Hà đứng lên trình bày sáng kiến của một
khoa học gia Bắc Hà là đem phân trâu, phân bò khô làm thức ăn cho heo,
gà bò sẽ giúp gia súc mau to béo và đẻ vượt chỉ tiêu! Cả hội trường lại
vỗ tay hoan hô ầm ĩ !
Tiến sĩ Bạch Xuân Hà cũng là tiến sĩ cựu triều lên phát biểu:
Thưa các đại biểu,
Phân trâu, phân bò chỉ là những chất thải, lại mang nhiều vi trùng và độc tính, chỉ có hại cho gia súc. Ngay cả việc nuôi gia súc thông thường cũng it ai cho gia súc ăn cám. Tại Nam Hà ai cũng nuôi heo bằng cơm hoặc gạo nấu với rau và cám và cho uống thuốc bổ, chứ không nuôi thuần cám như lối cũ mà nay ở Bắc Hà còn bảo lưu. Nuôi rau, cám thì cũng được nhưng không có ích lợi kinh tế. Nhiều người phản khoa học đã dùng nước tiểu chữa bệnh. Nếu dùng phân trâu bò cho heo gà ăn, e mai sau cũng có phát minh dùng phân trâu, phân bò và phân người cho người ăn nữa.
Ý kiến của ông có tính chất trào lộng nên được đa số vỗ tay nồng nhiệt xen lẫn với những tiếng cười hả hê.
Tiến sĩ Thanh Thiên Bạch Nhật lên phát biểu ý kiến:
Thưa các đại biểu,
Tôi
nhận thấy những báo cáo khoa học trên chỉ là những tập tục cổ lỗ trong
dân chúng trong bao đời, Ngay tại vùng Nam Hà không còn ai canh tác và
chăn nuôi theo lối đó nữa. Hơn nữa, những báo cáo khoa học trên không
có tính khoa học cao, vì không do các nhà bác học nghiên cứu, và không
được kiểm nghiệm. Không có thực nghiệm, không có kiểm chứng thì tất cả
lý thuyết chỉ là lý thuyết suông và rất tai hại cho công, nông nghiệp
và sức khoẻ của nhân dân.
Khoa
học khác với thi ca và tiểu thuyết là bộ môn của tưởng tượng. Trước
đây, không biết do đâu mà các bộ viện và báo chí ca tụng xuyên tâm liên
là thần dược, nhà nước đã sản xuất hàng triệu tấn thuốc loại này, và
cuối cùng đổ bỏ. Xin các đại biểu lưu ý điều này, vì làm khoa học thì
phải khách quan và thực nghiệm, không thể duy tâm thần bí, bẻ cong sự
thực, và đề cao một vài cá nhân nào đó trong tinh thần ích kỷ, tư lợi
và phản khoa học!
Ý kiến của tiến sĩ Thanh Thiên Bạch Nhật rất chính xác nhưng trong hội nghị có vài người tỏ vẻ khó chịu. Một vị đại biểu khác lên phát biểu:
- Xin báo cáo cùng các quan lớn và các đồng chí,
Triều
đình của ta là triều đình của công nông binh. Khoa học của ta là vì
nhân dân, xuất phát từ nhân dân và phục vụ nhân dân lao động và nhân dân
vô sản. Khoa học phải có tính bình dân và đại chúng. Ý kiến của Thanh
Thiên Bạch Nhật là hoàn toàn phản động, đề cao tư bản, khinh rẻ nhân
dân lao động. Tư tưởng này là tư tưởng lạc hậu và phản động, theo Nho
giáo đề cao kẻ sĩ, coi khinh công nông binh. Tư tưỏng này cũng là tư
tưởng đế quốc, coi trọng tư sản và tiểu tư sản, khinh rẻ quần chúng vô
sản. Nhân dân ta đã đại thắng các quân thù hùng mạnh nhất thế giới, như
thế là đã có trình độ đại học cao nhất thế giới và đã đạt nhiều thành
quả vĩ đại .
Nhân
dân ta đã dùng súng trường bắn hạ pháo đài bay tối tân của đế quốc.
Nhân dân ta đã có sáng kiến lấy ống đu đủ hút dầu lên nấu bánh chưng,
không cần những kỹ thuật tốn tiền như bọn tư bản. Và nhân dân ta đã chế
ra xăng bột, lúc nào cần thì đổ ra trộn nước lạnh là có thể dùng được.
Loại xăng bột này do nhân dân ta chế tạo mà tư bản không chế được. Vì
vậy những tư tưởng của đế quốc là lạc hậu, thấp kém không thể chấp nhận
trong chế độ văn minh của chúng ta! Với chiến thắng hôm nay, và với sự
lãnh đạo anh minh của hoàng thượng và triều đình,ta quyết xây dựng một
nền khoa học văn minh tiến bộ gấp năm, gấp mười tư bản!Những kẻ theo
tư bản, chống nhân dân vô sản sẽ bị nghiêm khắc trừng trị.
Nói xong ông giơ tay hô to:Hoan hô cách mạng vô sản!
Muôn năm hoàng thượng!
Muôn năm triều đình!
Cả hội nghị vang tiếng vỗ tay và hoan hô ầm ĩ có thể ngoài Bắc kinh cũng nghe rõ. Tiếp theo nữa, một vị phó tiến sĩ tân triều lên trình bày về công trình nghiên cứu khoa học của Hàn Lâm viện sĩ Nguyễn Khắc Vằn Vện, ca tụng phát minh của nhân dân ta là cầu tiêu hai đáy, đã được đại biểu các châu Âu, châu Mỹ và châu Phi thán phục là ưu việt nhất thời đại Sao vàng!
Nhiều tiến sĩ và học giả Nam Hà ngơ ngác, không hiểu phát minh cầu tiêu hai đáy là như thế nào mà vang dội khắp toàn cầu khiến cho biết bao phái đoàn quốc tế phải đến Bắc Kinh tham quan, học tập và trầm trồ khen ngợi. Vì không hiểu rõ nội dung như thế nào, nhất là Viện sĩ Nguyễn Khắc Vằn Vện mà đã bốc thơm thì không thể thúi được, nên không ai có ý kiến. Tiết mục này được thông qua. Đến giờ giải lao, ông nghè Đinh Đóng Cột kéo ông nghè Dương Như Dê , vốn là tiến sĩ tiền triều, ra ngoài sân đi dạo. Nhân lúc không có ai, hỏi nhỏ bạn:
Này
bác, ngoài Bắc cầu tiêu hai đáy là cái gì mà Âu Mỹ phải thán phục ghê
gớm vậy? Tôi ở Nam Hà mà từ trước đến nay chưa nghe ai nói đến. Ông là
người Hà Đông, thủ đô Bắc Kinh , ông biết việc này chứ?
Dương tiến sĩ cười ngặt nghẽo mà nói rằng:
Việc
này là nét văn hóa đặc thù của thủ đô Bắc Kinh, sách vở đời trước đã
nói nhiều. Có gì đâu bạn ơi! Tại thủ đô Bắc Kinh bao đời người ta đào hố
sau nhà, ngồi lên trên mà đại, tiểu tiện.Tại các miền thôn quê cũng
vậy. Cái khác biệt giữa thành phố Bắc Kinh và thôn quê là thành phố văn
minh hơn. Họ làm hai thùng đặt ở hai hố liền nhau, hể đầy bên này thì
sang ngồi bên kia.. Ban đêm gần sáng, thì phu đổ thùng vào khiêng đi,
chở lên vùng Láng, Bưởi mà bón rau, bón hoa, bón cây trái.
Trần Tế Xương đã nói việc này:
Thúi om sọt phẩn nhiều cô gánh,
Tanh ngắt hơi đồng lắm cậu yêu.
Gần
đây lão Phan Lạc Tiếp trong tập truyện Quê Hương 40 Năm Ngày Trở Lại
viết rằng nửa đêm cả nhà phải thức dậy để cho phái đoàn đổ thùng vào làm
công tác, chính là chuyện này. Sau ngày Bắc Nam thống nhất, phái đoàn
phụ nữ trong Nam ra tham quan Bắc Kinh đã phải kêu trời vì các bà phải
sắp hàng hàng giờ để ngồi cầu tiêu công cộng, trống trải tư bề, rất hôi
thối và đầy ruồi nhặng. Cầu tiêu này cũng giống như cầu cá tra trong
Nam.
Cầu
cá tra trong Nam là cầu tiêu một đáy, bất động, và chìm dưới nước, còn
cầu tiêu ngoài Bắc là hai đáy, di động, và nổi. Đó là chỗ khác biệt
giữa hai miền. Ngoài ra cầu cá tra để mặc bèo dạt mây trôi, không ai
động chạm đến đống vàng khối dưới đó. Còn cầu tiêu hai đáy hay cầu tiêu
trại giam thì hàng ngày, hàng đêm có người múc lên, bưng ra để tưới
cây, bón rau. Ông mà làm một chuyên đề báo cáo khoa học về ao cá Nam Hà
thì chắc cũng đuợc triều đình khen ngợi.
Ông nghè Đinh Đóng Cột lắc đầu than thở:
Không
ngờ một thằng bác sĩ đi học Tây Tàu về mà viết được một bài văn kinh
khủng như thế! Thằng cha này thuộc hạng đệ nhất gian nịnh chẳng phải
chơi! Cục phân mà nó ca tụng là kim cương!
Tiến sĩ Dương Như Dê cười mà nói:
Đúng
rồi, nếu không giỏi nâng bi thì sao gả lại được phong là Hàn Lâm Viện
Sĩ trong khi nước ta chưa có viện Hàn Lâm! Hàn lâm viện sĩ này ngoài
tài nịnh còn có nhiều tài khác mà bác không biết đó thôi!
Cuộc
báo cáo khoa học lại tiếp tục sau giờ giải lao. Tiến sĩ nông nghiệp
Lâm Tòng Xuân, biệt hiệu Xuân Tóc Đỏ, một người cựu triều nhưng đã bí
mật theo tân triều. Trước đây, thời chiến tranh, triều đình Nam kinh đã
ra sức cải thiện dân sinh và phát triển công, nông nghiệp.
Khi
Nam kinh nhập cảng cá rô Phi và trê Phi và khuyến khích dân nuôi hai
loại cá này vì chúng sinh sôi nẩy nở rất nhanh và thịt rất ngon thì tôi
tớ Bắc kinh phao tin là ăn cá trê Phi và cá rô Phi bị cùi. Khi Nam
kinh chăm lo sức khỏe dân chúng bằng cách khám sức khoẻ và phát thuốc
cho các trường học và khu phố, bọn nội gián Băc kinh rỉ tai phụ huynh
học sinh và dân chúng là Nam kinh hút máu trẻ con.
Xuân
Tóc Đỏ đã nằm vùng từ trước và cũng theo lệnh Bắc kinh nói ngược, nói
xuôi theo kiểu tuyên truyền phá hoại như đã kể trên. Tuy nhiên, ông là
nhà khoa học nên nói dối có trình độ. Trong khi Viện Nông nghiệp Nam
kinh nghiên cứu thành công các loại lúa mới R1, RM2, RS1 thành công và
phổ biến trong dân chúng, đồng thời nhập cảng thuốc trừ sâu và phân bón
hóa học thì ông đã phản đối việc dùng thuốc trừ sâu và phân bón của
tiền triều vì cho rằng chất hóa học làm hư ruộng đất. Tuy nhiên, ông
không đưa ra giải pháp nào để bảo vệ hoa màu và tăng năng xuất, mà lúc
này trên thế giới, Pháp Mỹ, Nhật, Nga, Tàu , và ngay triều đình Hà Đông
cũng dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cho các hợp tác xã nông
nghiệp ngoài đó.
Hôm ấy, trong hội nghị báo cáo khoa học, Lâm Xuân Tóc Đỏ nói:
Triều
đình anh minh, hoàng thượng sáng suốt nên đã thu thập được nhiều thành
tích khoa học có giá trị. Việc dùng bèo hoa dâu, phân người, phân heo,
phân trâu bò trong nông nghiệp và đời sống là một nền khoa học ưu
việt, khác với nền khoa học lạc hậu của Tây phương dùng quá nhiều hóa
học chỉ gây ô nhiễm môi trường.
Xuân
Tóc Đỏ là một nhà khoa học lại có tài chính trị và ngoại giao. Kết quả
ông được nhà cầm quyền Nam kinh khen ngợi là khoa học gia ưu việt.
Cũng ngay sau đó, tiến sĩ Ngô Gia Định, tiến sĩ Bạch Xuân Hà và tiến sĩ
Thanh Thiên Bạch Nhật được mời ra khỏi đại học vì tội phản khoa học và
chống đối triều đình.
Từ
thời chiến tranh Nam Bắc, Bắc triều đã hô hào tăng năng xuất. Muốn
tăng gia sản xuất thì việc đầu tiên là phá rừng. Một số khoa học gia đã
phản đối việc phá rừng bừa bãi sẽ gây tai họa cho môi sinh, mà quan
trọng nhất phá rừng thì sẽ gây lụt lội. Các quan đại thần trong triều
cho là ý kiến viễn vông và phản động. Xưa nay người ta vẫn đốn cây, phá
rừng, làm rẫy mà có gây gì tai hại đâu. Gió mưa, bão lụt là việc tự
nhiên của trời đất, không liên hệ đến việc phá rừng. Ông quan lại này
sính thơ đã đọc một câu thơ của ai đó:
Gió mưa là bệnh của trời!
Tấu chương của các đại thần dâng lên, kết tội các khoa học gia nọ là phản động, khiến họ phải bị lưu đày viễn xứ!
Các
khoa học gia nọ chỉ biết về khoa học mà không biết lòng người! Chính
sách tăng gia sản xuất, mở rộng diện tích canh tác chỉ là bề ngoài. Thực
tế là họ chặt cây rừng để bán gỗ ra ngoại quốc lấy tiền bỏ túi. Hơn
nữa, việc phá rừng đưa về cho họ bao ruộng đất khiến cho các đại thần
trở thành đại điền chủ. Ai chống đối việc phá rừng là chống đối lại họ,
sẽ bị họ giết sạch không tha. Ông Tô Hoài Tô Mãi trong sách của ông có
nói:
Ngày xưa Việt Trì Tam Đảo là rừng. Nay đứng ở Việt Trì Tam Đảo có thể ngó thấy Lạng Sơn .
Câu
này cho thấy công cuộc phá rừng tại miền Bắc ghê gớm là dường nào.
Quan đại thần Nguyễn Văn Trấn Áp trong quyển Thư Gửi Mẹ Tôi cũng viết
rằng ‘’tụi Bắc Hà đã phá núi rừng miền Bắc, chúng cũng sẽ chặt trụi núi
rừng miền Nam trơn tru như mu bà bóng!’’ chính là việc này.
Sau
khi hoàng đế ra lệnh phá rừng, nông dân đã thực hiện tăng gia sản
xuất, nhưng nông dân vẫn đói, lúa gạo vẫn không đủ ăn. Vua liền bắt các
đại thần và khoa học gia tìm phương án giải quyết. Bọn khoa học gia và
một số đại thần hội họp, tổ chức báo cáo khoa học rầm rộ, từ xã lên
huyện, từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên trung ương. Sau khi xài tốn hàng
tỷ bạc, họ đúc kết ý kiến đại hội báo cáo khoa học, và trình hoàng
thượng nghị quyết là phải giết chó mèo vì chó mèo không sản xuất, chỉ
ăn hại. Mỗi con chó, con mèo ăn mỗi ngày ăn bằng nửa số gạo cung cấp
cho công nhân. Tính toàn quốc, chó mèo ăn cả hàng triệu tấn gạo mỗi
năm! Hoàng thượng nghe theo ý kiến này mà ra lệnh giết chó mèo. Các đại
thần nghe vua ban lệnh, liền quỳ xuống tung hô:
Thánh thượng anh minh! Thánh thượng vạn, vạn tuế!
Trong
khi đó, một số nhà tu chân chính dâng sớ xin quốc vương đừng sát sinh,
đừng phạm giới, họ liền bị bắt mang xiềng xích, diễu khắp phố phường,
rồi đày ra biên cương. Một vài vụ mùa sau, hoa màu bị thiệt hại nặng vì
không có chó mèo thì chuột sinh ra đông đúc hàng vạn, hàng triệu, kéo
thành đàn. Triều đình lại ra lệnh nuôi chó, mèo và diệt chuột.
Chó
mèo đã giết sạch nay còn đâu. Bộ ngoại thương được giao hàng vạn lượng
vàng để thu mua chó mèo ở các nước lân cận. Lúa gạo vẫn hao hụt. Vua
ra lệnh triều đình và khoa học gia tìm phương cứu vãn. Các quan đại
thần và nhà khoa học lại tổ chức báo cáo khoa học. Cuộc hội nghị kéo
dài hàng tuần, tốn mấy chục con dê, con heo, con bò và hàng ngàn bình
mỹ tửu, và đi đến quyết định do Viện trưởng viện khoa học đến trước sân
rồng tâu lên:
Muôn
tâu bệ hạ, toàn dân, toàn đảng và viện khoa học đã nhất trí rằng chính
chim chóc phá hại mùa màng nên lúa gạo không đủ cho nhân dân. Vậy xin
bệ hạ ra lệnh giết chịm.
Vua bèn ra lệnh giết chim. Cả bọn họ quỳ xuống hô to: Hoàng thượng anh minh! Hoàng thượng vạn vạn tuế!
Ngay
lập tức, đại tướng tổng tư lệnh, tổng bí thư đảng, thủ tướng triều
đình ra lệnh các binh sĩ, thầy giáo, học sinh, bác sĩ, kỹ sư, nông dân
đều phải tham gia chiến dịch giết chim. Từ vũ khí hiện đại cho đến công
cụ thô sơ đều được vận dụng phục vụ chiến dịch. Súng đạn, cung tên,
bẫy sập, gậy gộc đều được đưa ra phục vụ chiến dịch. Vui thích nhất là
mấy đứa trẻ, được nghỉ học để bắn giết chim cho thỏa thích. Vừa vui
thú, vừa đuợc khen thưởng, lại vừa có chất tươi bổi dưỡng! Kết quả
trong một tháng, bầu trời không bóng chim bay và rừng không còn tiếng
chim hót. Sau khi giết hết chim, một tai họa khác lại sinh ra, là sâu
bọ xuất hiện hàng đàn bay kín bầu trời, đậu lên cánh đồng lúa chỉ vài
phút là cánh đồng lúa biến mất.
Các
khoa học gia và đại thần lại được triệu tập để nghe báo cáo tình hình
khẩn cấp. Hoàng đế bèn ra lệnh nuôi chim để chim giết sâu bọ. Nhưng
trong nước không còn chim chóc nữa. Bộ ngoại thương trình ý kiến là bộ
sẽ nhận trách nhiệm thu mua chim. Nhưng bộ trưởng bộ Canh nông đứng lên
phản đối, ông cho rằng việc này là nhiệm vụ của bộ Canh Nông. Đức vua
nhận thấy lời tâu của thượng thư bộ Canh nông là đúng nên sai ngân khố
xuất hàng vạn lạng vàng cho bộ Canh nông nhập cảng chim các nước.
Cả
nước lại rộn rịp tổ chức báo cáo khoa học. Bộ Canh Nông triệu tập quan
lại cao cấp và các nhà khoa học trong nước để thảo luận nên mua số
lượng là bao nhiêu và mua những loại chim nào. Kết quả, sau mấy tháng
hội họp, hội nghị không đi đến nhất trí. Thượng thư bộ Canh Nông phải
thỉnh thị ý kiến đức vua. Đức vua lấy hạt súc sắc ra lắc, kết quả là
mua sáu triệu con chim, và bảy loại chim nhưng ngài không chỉ thị rõ
phải mua loại nào. Quan thượng thư bộ Canh Nông lại tổ chức hội thảo
khoa học.
Ngài
Tả thị lang (đệ nhất thứ trưởng) đề nghị mua gà vì gà ăn sâu bọ. Nhưng
ý kiến Ngài bị hội nghị phản đối vì gà chỉ đào bới giun và ăn thóc lúa
quá nhiều nên không giúp gì cho việc trừ côn trùng. Ngài Hữu thị lang
(đệ nhị thứ trưởng ) đề nghị không mua các giống chim biển như hải âu,
cò, dịệc, vịt trời, bói cá vì chúng chỉ ăn hại cá, không trừ côn trùng.
Một
vị phó tiến sĩ Viện trưởng viện Nông Nghiệp đề nghị không mua các loài
quạ, diều hâu, chim ưng vì chúng chỉ ăn xác chết, ăn gà con, không
diệt côn trùng. Một vị phó tiến sĩ nông nghiệp cho rằng không nên mua
sáo, yểng, nhồng, vẹt là các chim chỉ biết ca hót, nói tiếng người,
không trừ diệt côn trùng. Công cuộc thảo luận kéo dài vài tháng. Kết
cuộc, quan thượng thư bộ Canh Nông phải cho đầu phiếu để xem ý kiến nào
được đa số thì thắng. Kết quả là chim sâu, gà, quạ, dơi, sẻ được ưu
tiên mua trước, các loại sau sẽ nghiên cứu bổ túc. Sau đó nghe tin vị
phó tiến sĩ nông nghiệp đề nghị loại bỏ sáo, yểng, nhồng vẹt bị bỏ tù
vì tư tưởng phản động, đã có ý xuyên tạc các đại thần hết lòng trung
thành với hoàng thượng là ngu dốt, nịnh hót.
Trong
thời gian này, Hội đồng Khoa học nhà nước triệu tập các quan đại thần
và nhà khoa học hội họp, tổ chức ăn mừng chiến thắng. Họ ăn hàng chục
con dê, con bò, uống hàng ngàn bình mỹ tửu, rồi đi đến nhất trí dâng sớ
ca tụng chủ trương sáng suốt của hoàng đế và triều đình!
No comments:
Post a Comment