Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 13 April 2019

SƠN TRUNG * HỘI HOA ANH ĐÀO

HỘI HOA ANH ĐÀO

Đại Nhật vương quốc và Thiên Nam vương quốc có một mối liên hệ mật thiết. Thiên Nam quốc là một quốc gia chậm tiến ở cạnh Thái Bình dương, luôn luôn bị ngoại xâm và nội chiến. Đại Nhật vương quốc là một quốc gia thịnh vượng, văn minh bậc nhất trong vùng này. Đại Nhật vương quốc đã sản xuất các hàng hóa tối tân và xuất cảng khắp nơi trên thế giới. Đại Nhật vương quốc năm ngoái đã viện trợ cho Thiên Nam quốc một ngân khoản tương đương ba trăm ngàn lượng vàng, và cũng đã xuất cảng nhiều hàng hóa sang Thiên Nam quốc.

Nhân ngày quốc khánh của Thiên Nam quốc, quốc vương nước này bèn gửi sứ điệp đến các sứ quán ngoại quốc, yêu cầu họ đóng góp vật chất và tinh thần cho ngày quốc khánh nước này. Sứ quán Đại Nhật tại Thiên Nam gửi sớ về quốc vương Đại Nhật báo cáo việc này, và đề nghị tổ chức một ngày văn hóa tại Thiên nam quốc. Vua Đại Nhật bèn ra lệnh quan thượng thư bộ Ngoại giao và bộ Văn hóa Đại Nhật họp bàn kế hoạch thực hiện ngày Văn hóa này. Cả hai bộ thống nhất ý kiến là tổ chức một hội hoa anh đào tại nước Thiên Nam.

Tòa Đại sứ Đại Nhật tại Thiên Nam quốc đã được thông báo đầy đủ chi tiết, được yêu cầu đứng ra tổ chức hội hoa anh đào và lo mọi thủ tục cùng thu xếp nơi ăn, chốn ở cho phái đoàn văn nghệ sĩ gồm vài chục người. Phái đoàn Đại Nhật đã mang theo một chuyến máy bay đặc biệt chở hàng trăm cây anh đào, cùng đội trống, ban nhạc, và một đoàn vũ công sang Thiên Nam quốc biểu diễn.

Thấm thoắt đã giữa mùa xuân, đoàn văn hóa Đại Nhật đã đến kinh đô Thiên Nam quốc. Họ thuê hẳn một khách sạn lớn để ăn ở và chuẩn bị mọi thứ. Hội hoa anh đào sẽ được tổ chức một ngày tại cơ sở Văn hóa quốc gia ở phố Đại Thắng lợi, là trung tâm điểm của kinh đô Bắc kinh của Thiên Nam quốc. Trung tâm này rất rộng lớn, có một khu vườn hoa rộng rãi, giống như một vườn Bách thảo, bên trong cùng bên ngoài có những sân khấu lớn có thể chứa chục ngàn người. 

Vì là mùa xuân, khí hậu mát mẻ, và trời có nắng ấm nên ban tổ chức dùng sân khấu ngoài trời để tổ chức ngày văn hóa. Trước mặt sân khấu là vườn hoa cho nên đoàn Văn hóa Đại Nhật đã mang năm trăm cây anh đào kết lại thành một cây anh đào rất to cao, có cả vạn cành hoa rất tuyệt vời. Trên sân khấu, các nghệ sĩ Đại Nhật đánh trống rất nhịp nhàng và hùng dũng. 

Bên cạnh, các cô gái Đại Nhật mặc quốc phục của họ rất sặc sở đầy ấn tượng. Trong vườn hoa, cũng có nhiều cây anh đào làm cho khán giả như lạc vào một rừng hoa anh đào tươi thắm. Bên cạnh các cành anh đào, nhân viên phuc vụ người Đại Nhật đã bày ra hàng dãy bàn dài, khoảng hai trăm bàn bánh, trái, mứt, kẹo, cà phê, trà cùng các thực phẩm khác của Đại Nhật quốc để khách Thiên Nam và quốc tế thưởng thức những nét đặc thù của văn hóa Đại Nhật.


Đúng chín giờ sáng thì ban tổ chức mở cửa. Khởi đầu là xe của chính phủ Đại Nhật và Thiên Nam tiến vào, sau là các thượng khách của các quốc gia bạn cùng các phái đoàn thông tín và báo chí các nước. Và cuối cùng là dân chúng Thiên Nam và một số khách du lịch được phép vào xem tự do.

Bổng người ta thấy hàng trăm trẻ em trai và gái người Thiên Nam xuất hiện, tuổi khoảng mười bốn, mười bảy, chúng không vào cổng chính, chúng công kênh nhau qua bức tường của cơ sở văn hóa quốc gia mà vào bên trong. Trong chốc lát, chúng ngắt trụi các hoa anh đào và ăn sạch các thực phẩm bày biện trên các bàn. Nếu ăn không hết, chúng vơ vét mang theo hoặc vứt bừa bãi. 

Trong khoảng vài phút thì chúng đua nhau chạy ra ngoài và biến mất trong các ngỏ hẽm của kinh đô Thiên Nam. Thái độ của bọn trẻ này đã khiến các cô gái Đại Nhật hoảng sợ và các quan khách ngoại quốc ngạc nhiên vô cùng. Tuy nhiên, các sở thông tấn ngoại quốc thì vô cùng sung sướng vì được môt dịp chụp những bức ảnh lạ trong đời.

Trước sự kiện này, các báo chí trong nước im lặng, không một tờ bào nào đả động đến việc thiếu nhi đại phá hội hoa anh đào. Báo chí Đại Nhật cũng im lặng vì sợ động chạm đến bang giao của hai nước. Một tờ báo Hàn quốc viết:

Cuộc triển lãm văn hóa Đại Nhật tại Thiên Nam đã thất bại vì tình hình an ninh ở thủ đô Thiên Nam không bảo đảm.Trước mắt quốc tế, bọn cướp, bọn vô gia cư và bọn hành khất lộng hành mà cảnh sát ở đây chỉ khoanh tay nhìn.

Một tờ báo Pháp bình luận:

Ở Thiên Nam ngày nay rất có tự do. Không thấy có hiønh bóng quân đội hoặc cảnh sát ngoài đường phố. Những thanh niên nổi loạn đã vào ra tự do, không hề bị ngăn chận hay bắt giữ. Đó là môt sự tiến bộ vượt bực không thể phủ nhận của nước Thiên Nam ngày nay.

Một tờ báo Mỹ viết:

Vương quốc Thiên Nam tự hào đã xóa đói giãm nghèo, nâng cao đời sống gấp năm, gấp mười thời trước, Nhưng sự kiện xảy ra tại hội hoa anh đào trong tháng hai vừa qua cho thấy thiếu nhi tại Thiên Nam đã bị đói khát cho nên chúng đã ngang nhiên cướp thực phẩm trước con mắt quốc tế mà không hề e sợ. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đói ăn vụng, túng làm càn “, chứng tỏ nền kinh tế Thiên Nam sụp đổ, xã hội bất công, trong khi có những nhà tư bản đỏ mua xe hơi hàng triệu Mỹ kim thì trẻ con và dân nghèo bị bỏ đói vô cùng thê thảm.

Một tờ báo Anh quốc có cái nhìn sâu sắc hơn:

Thiên Nam từ trước là một quốc gia có mấy ngàn năm văn hiến, và chú trọng giáo dục. Gia đình, học đường và xã hội luôn chú ý đến đạo đức nhưng nửa thế kỷ nay, nền giáo dục Khổng Mạnh đã bị hủy bỏ,học sinh như con vẹt được dạy ca tụng lãnh tụ, bắt đấu tố cha mẹ. Ngoài đường phố, nạn chửi thề, nói tục, phổ biến. Trong cơ quan, triều đình không tuyển chọn người tài đức mà tuyển chọn kẻ gian ác và nịnh hót. Trong các bộ viện, từ trung ương tới địa phương , nạn tham ô, nhũng lạm, ăn cướp của công và tài sản nhân dân càng ngày càng công khai và phổ biến. Bầu cử thì gian dối , pháp luật thì bất công, học đường thì mua bán bằng cấp. . . Một nền giáo dục như thế chỉ đào tạo lưu manh và trộm cắp thì không có gì là lạ lùng!

Về phía dân chúng Thiên Nam thì họ thảo luận rất sôi nổi. Trong một xóm nhỏ, Bà Sáu bảo :

-Bác Tư ơi! Hôm qua tại hội hoa anh đào của người Đại Nhật, trẻ con thủ đô Bắc kinh đã xông vào ngắt hoa và ăn hết các bánh kẹo mời khách!

Ông Tư bình phẩm

-Trẻ con bây giờ mất dạy quá! Ai lại trước mắt quốc tế mà làm như vậy không sợ thiên hạ chê cười! Xấu hổ quá.

Bà Năm nói:

-Ngày thường, đường phố đầy cảnh sát, tại sao trong lễ hội quốc tế lại không có cảnh sát? Tại sao cảnh sát để trẻ con vào làm loạn như thế?

Ông Tám cười mà nói:

-Chúng là con ông cháu cha đấy. Chúng đua xe gắn máy, chúng cướp gái nhà lành chẳng ai dám dám ho he, cảnh sát cũng bó tay thôi!

Ông Sáu nói:

-Nước Đại Nhật tội gì mà tổ chức hội hoa anh đào cho tốn tiền bạc và công phu! Dính với hủi làm chi cho khổ thân!


Cuối cùng, nhà vua Thiên Nam cũng được báo cáo tình hình vụ phá hội hoa anh đào. Vua ra lệnh cho Hình bộ thượng thư điều tra trách nhiệm về ai. Bộ Hình tâu :

-Muôn tâu bệ hạ, việc giữ an ninh trong kinh đô là trách nhiệm của quan Ngũ môn Đô thống.

Quan Đô thống quỳ xuống tâu:

-Chức vụ Đô Thống là chống phản loạn, bảo vệ hoàng thành và bảo vệ vua, còn việc trộm cắp là do các cơ quan an ninh và cảnh sát các quận, huyện phụ trách.

Vua cho gọi viên giám đốc sở an ninh kinh đô thì ông tâu như sau:

-Muôn tâu bệ hạ, tình hình kinh đô rất tốt đẹp, không hề có phản động hay gián điệp quấy phá. Chẳng qua là đám trẻ con thấy lạ thì vui đùa quá trớn mà thôi. Vì lòng từ bi mà cảnh sát không điều động binh mã để bắt trẻ con. Nếu lànm như thế, bọn quốc tế sẽ cho ta là đánh đập, giam cầm và ngược đãi thiếu nhi, vi phạm nhân quyền.

Đức vua nghe xuôi tai cho nên không hỏi đến việc này nữa mặc cho quốc tế và nhân dân kẻ nói ngược, người nói xuôi.

It lâu sau, bản tin thông tấn Đại Nhật cho biết viên thứ trưởng bộ Văn hóa Đại Nhật và Đại sứ Đại Nhật tại Thiên Nam từ chức vì đã phạm sai lầm trong việc tổ chức hội hoa anh đào tại Thiên Nam quốc. Các báo chí hai nước Đại Nhật, Thiên Nam và quốc tế xôn xao vì trên thế gian này không có ai lại chịu trách nhiệm về hành vi vô văn hóa của quốc gia bạn. Nhân dân và báo chí làm ầm ĩ vụ này, họ viết thư, gọi điện thoại, họ gửi fax và e mail yêu cầu chính phủ Đại Nhật giải thích. Trước áp lực của quần chúng, Bộ Văn hóa và Thông tin Đại Nhật tuyên bố sẽ mở một cuộc họp các ký giả để giải thích rõ ràng thể theo yêu cầu của dân chúng và giới truyền thông quốc tế.

Trong phòng họp, viên thứ trưởng văn hóa lên nói:

Thưa các đại biểu,
Thưa đồng bào trong nước,
Thưa nhân dân thế giới,
Thưa các thông tín viên báo chí,

Tôi xin nhận trách nhiệm là tôi và các nhân viên bộ văn hóa đã kém khả năng cho nên đã làm cho hội hoa anh đào bị phá hoại.

Sau đó, họ cho chiếu cuốn phim về việc tùy viên văn hóa Đại Nhật tiếp xúc với Giám Đốc Sở An Ninh kinh đô Bắc kinh của Thiên Nam quốc.

Cuộn phim bắt đầu là hình ảnh cuộc tiếp xúc giữa tòa đại sứ Đại Nhật và chính quyền Thiên Nam quốc. Tuỳ viên văn hóa Đại Nhật nói:

-Tòa Đại sứ chúng tôi thể theo lời yêu cầu của quý quốc mà quyết định tổ chức hội hoa anh đào tại thủ đô Bắc kinh của quý quốc, xin quý vị nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi.

Giám đốc Sở An Ninh Thiên Nam bắt tay tuỳ viên sứ quán và nói:

-Rất hân hạnh. Xin ông cho biết quý quốc sẽ có những tiết mục nào để chúng tôi biết mà sắp đặt công việc.

Tùy viên sứ quán trình bày:
-Chúng tôi sẽ mở hội văn hóa, triển lãm hoa anh đào, đánh trống, và ca vũ nhạc. Xin cho chúng tôi mượn một nơi rộng rãi khang trang.


Hai bên thỏa thuận về địa điểm, ngày giờ tổ chức. Và hai bên cũng thỏa thuận các điều kiện khác. Hai bên chào nhau ra về. Trước khi ra cửa, ông giám đốc sở An Ninh Thiên Nam dặn đi dặn lại nhiều lần:

Xin quý ông tôn trọng luật lệ nước tôi và các thủ tục đầu tiên.
Sau khi cuộc triển lãm hoa bị phá hoại, ông đại sứ và tùy viên văn hóa mở cuộn băng ra xem nhiều lần mà cũng không tìm ra nguyên nhân thất bại. Một hôm, một cặp vợ chồng người Đại Nhật vốn là bạn của ông đại sứ đi du lịch châu Á, nhân tiện ghé thăm Thiên Nam quốc, và đến tòa đại sứ thăm bạn cũ. Người vợ của ông bạn là người Thiên Nam quốc, và bà cũng được mời xem cuộn băng quay ngày hội hoa anh đào. Bà xem từ đầu đến cuối, rồi hỏi ông đại sứ:

-Ông hối lộ cho họ bao nhiều đô la?

Ông đại sứ ngạc nhiên đáp:
-Luật lệ nước Đại Nhật nghiêm khắc trị tội hối lộ. Làm sao tôi có thể hối lộ được? Hơn nữa, trong buổi họp song phương, bên Thiên Nam không hề đưa ra đòi hỏi về tiền bạc. Tại sao bà lại nói về việc hối lộ?

Bà đáp:

Việc đòi hối lộ đã rõ trong lời nói của tên giám đốc sở An Ninh: Tiếng Thiên Nam nói lái: “Đầu tiên” là “tiền đâu”? Thủ tục đầu tiên là phải nộp tiền hối lộ. Nếu ông chi tiền cho họ, họ sẽ sai công an đến canh gác. Vì ông không hiểu tiếng lóng và không hối lộ nên họ sai người đến phá hoại cho bỏ ghét. Đó là đường lối mới , phong cách mới, và nét đặc thù mới của văn hóa Thiên Nam ngày nay sau một thời gian theo chủ nghĩa Đại đồng!

No comments:

Post a Comment