Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 13 April 2019

SƠN TRUNG * SAU CƠN BÃO LỤT

SAU CƠN BÃO LỤT

Lúc bấy giờ thế giới lâm cảnh đại chiến, toàn cầu chia làm ba phe: phe xanh, phe đỏ và phe vàng. Phe xanh và phe đỏ kết hợp cùng nhau đánh phe vàng nên phe vàng đại bại. Nước ta chia hai phe, một bên theo phe đỏ, một bên theo phe xanh. Anh em Lưu Cáo là một trong những anh hùng của thời này đã theo phe đỏ. Lưu Cáo là người tinh thông thập bát ban võ nghệ, mà trí tuệ cũng hơn người. Ông tuyên bố thực hiện đường lối vương đạo, lấy nhân nghĩa làm đầu và thực thi công bằng xã hội. Ông cho ông là người kết hợp lý thuyết với thực hành, đưa triết lý từ trên trời xuống cõi nhân thế, còn Phật, Lão, Khổng Mạnh chỉ là lý thuyết suông, không đem lại cơm no áo ấm một cách thực tế cho dân nghèo. Ông ra lệnh triệt hạ chùa chiền, đình miếu, bắt các sư sãi phải nhập ngũ tòng chinh vì theo ông tôn giáo là thuốc phiện. Ông quan niệm rằng lao động là vinh quang, những ai không lao động tức là ăn hại xã hội, hoặc bóc lột nhân dân phải bị tiêu trừ. Vì vậy ông ra lệnh quân lính tịch thu gia sản các nhà giàu. Ai tỏ ý kháng cự hay than van là ông cho binh sĩ toàn quyền giết sạch hoặc bỏ tù họ.

Ông nhận định chỉ có công nhân và nông dân là đich thực tầng lớp lãnh đạo vì họ là thành phần lao động sản xuất, còn bọn khoa bảng thì không có giá trị bằng cục phân. Vì vậy, ông ra lệnh giết, bỏ tù hoặc thải hồi các vị tú tài, cử nhân và tiến sĩ. Một số cử nhân, tú tài vì sự sống, đã khai mình là công nhân, nông dân để được kết nạp vào hàng ngũ tân chính. Hạng thương nhân cũng bị gán tội là thành phần bóc lột, là gian thương, là kẻ thù của dân lao động. Ông hứa hẹn sẽ cho mỗi dân nghèo có một mẫu ruộng, mội cái nhà và một mảnh vườn trồng rau, cây ăn trái và trồng hoa bốn mùa.

Lưu Cáo vừa dùng lý luận, vừa hứa hẹn, vừa khủng bố cho nên dân chúng đa số đi theo ông. Quân lính càng ngày càng đông, lại được Mẫu quốc Đỏ ủng hộ nhiệt tình nên phe xanh thua trận, ông đem binh tiến về kinh đô rồi xưng hoàng đế, lập chế độ “quân chủ chuyên chế nhân dân”.


Sau khi Lưu Cáo lên ngôi hoàng đế, mưa gió tầm tã, bão tố triền miên gây ra những cơn lụt khủng khiếp tại miền Bắc. Làm vua được vài năm, Lưu Cáo bệnh chết vì không con nên em là Lưu Hồ lên ngôi. Khi Lưu Hồ lên ngôi lại một trận lụt khác nổi lên, mà nặng nhất là ba tỉnh Sơn Hưng Tuyên. Trước tình cảnh khốn khổ của dân chúng, đức vua triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong đó có tổng đốc Sơn Hưng Tuyên tham dự. Quan thượng thư bộ Lễ đề nghị kêu gọi quốc tế viện trợ và đồng bào trong và ngoài nước góp tiền bạc, áo quần và lương thực về cứu trợ nạn nhân bão lụt.

 Quan thượng thư bộ Binh tâu xin bắt hết những ai có thể chống chế độ và có thể gây nổi loạn trong nước. Quan thượng thư bộ Hình xin ra pháp lệnh việc cứu trợ là độc quyền của triều đình, tư nhân không được tham gia, ai tự tiện đem gạo vải trực tiếp cho nạn nhân thì sẽ bị trị tội. Tiền bạc, áo quần , thuốc men của tư nhân và quốc tế phải gừi về triều đình để triều đình định đoạt. Vua chỉ thị quan tổng đốc Sơn Hưng Tuyên chấp hành các nghị quyết của hội nghị triều đình.

Khi trở về nhiệm sở, tổng đốc Sơn Hưng Tuyên triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ông thông báo các nghị quyết mới nhất của triều đình về việc cứu trợ, và yêu cầu các quan dưới quyền đóng góp ý kiến. Quan đầu tỉnh Sơn Tây trình bày:

-Bẩm quan lớn, Sơn Hưng Tuyên có mười phủ, thực tế chỉ có sáu phủ là gặp thiên tai. Vậy ta chỉ tập trung nỗ lực cứu trợ sáu phủ. Còn bốn phủ kia phải cứu giúp tiền bạc, thuốc men, thóc gạo và y phục.

Quan đầu tỉnh Hưng Hóa phát biểu ý kiến:

-Thưa ngài tổng đốc, bỉ chức có ý kiến là chúng ta cho lính thu mua thóc gạo các nhà giàu để bán rẻ cho dân đói.

Quan án sát Tuyên Quang nói:

Bẩm quan lớn, hạ quan xin có ý kiến dâng lên để ngài định đoạt. Để tránh việc một gia đình nhận gạo nhiều lần, và tránh việc chen lấn mất trật tự, chúng ta nên thiết lập danh sách các gia đình và các nhân khẩu bị thiên tai. Gia đình nhiều người thì phát nhiều, ít người thì phát ít.

Ngay sau buổi họp, quan tổng đốc ra lệnh hai mươi huyện thuộc bốn phủ không bị thiên tai phải đóng góp để giúp đỡ nạn nhân thiên tai theo tinh thần “lá lành đùm lá rách “. Những quan viên và lại viên trong ba tỉnh Sơn Hưng Tuyên phải góp một phần tư số lương bổng. Quan tổng đốc ra chỉ tiêu cho mỗi huyện phải thu mua 20 tấn thóc, nhà nào không bán thóc thì sẽ bị bắt giam hoặc bị phạt vạ. Quan huyện Lập Thạch (Sơn Tây) đặt câu hỏi:

-Bẩm quan lớn, nếu thu mua thóc gạo của dân chúng, thì mỗi cân trả bao nhiêu và lấy tiền ở đâu mà trả?

Quan tổng đốc nổi giận, chỉ mặt quan huyện Lập Thạch mà mắng:

-Ông làm quan bao lâu mà lại đặt câu hỏi ngu xuẩn như thế?

Quan huyện Lập Thạch liền bị lôi xuống nhà giam. Nghe đâu ông bị giam vài năm vì tội bất tuân thượng lệnh, có tư tưởng chống đối triều đình, và không hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Sau vài năm ngồi trong nhà lao, ông chắc hiểu rõ bí quyết làm quan. Nhưng khi ông hiểu rõ thuật này thì đã trễ vì triều đình đã thải hồi ông về quê cày ruộng.


Công việc thu mua kéo dài đến vụ mùa sau, còn việc phát chẩn thì thực hiện gấp rút. Sau khi chờ đợi ba tháng lập sổ hộ khẩu, quan tổng đốc ra lệnh mở kho phát chẩn. Mỗi hộ được khoảng hai, ba cân gạo. Một số tiền bạc, hàng hóa gửi về triều đình thì bỏ vào kho lương thực nhà nước, còn tiền bạc thì chuyển vào ngân hàng hoàng gia. Kết thúc vụ thiên tai, quan thượng thư bộ Tài chánh báo cáo mật với đức vua là thâu được hai mươi ngàn lượng vàng. Đức vua vui cười mà bảo rằng:

-Các khanh làm việc rất tốt. Chúng ta sản xuất mười năm cũng không thắng lợi bằng một cơn bão lụt mất mùa. Cầu cho năm nào nước ta cũng bị hạn hán và bão lụt!


Công cuộc phát chẩn chưa kết thúc, sứ giả triều đình đã đến hối thúc quan tổng đốc báo cáo tình hình về triều đình, nhất là tình hình tài chánh thu được bao nhiêu, và phát ra bao nhiêu. Quan tổng đốc vội sai ban tài chánh đúc kết việc xuất nhập. Sau mấy ngày tính toán, viên thư lại già trình quan tổng đốc là thu được tám ngàn lượng vàng do quốc tế viện trợ và hải ngoại gửi về cho thừa tuyên Sơn Hưng Tuyên. Còn việc cắt lương viên chức và thu mua lúa dân cũng được ba ngàn lượng trong vòng ba tháng. Tất cả đã gửi vào ngân hàng Vạn Lợi rất bảo đảm.

Quan tổng đốc tính sẽ giữ lại năm ngàn lượng cho mình, còn sáu ngàn lượng sẽ dâng lên cho đức vua. Quan nghĩ rằng với món lễ vật này sẽ lảm cho hoàng thượng vui lòng, và ông sẽ được thăng quan tiến chức, và gia đình ông sẽ được hạnh phúc. Ông lên tiếng bảo viên lại già làm sớ tâu vua thành quả việc cứu trợ và hứa hẹn sẽ dâng vua sáu ngàn lượng vàng. Viên lại già tuân lời, và hôm sau quan tổng đốc đã ký tên vào tấu chương và cho người gửi đi.

Ông đã phục vụ hai triều vua, đã theo tiên hoàng chinh chiến khắp nơi, tay ông đã giết hàng ngàn mạng người kể cả binh lính và dân chúng nên ông mới được hoàng thượng tín nhiệm cất nhắc từ tri huyện lên tuần phủ rồi tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, mặc dầu ông là một võ tướng, không biết chữ nhất là một. Ông đã xây dựng cho tương lai ông và gia đình ông. Ông chợt nghĩ đến thằng con ông. Mấy hôm nay nó đi đâu mất biệt. Cũng như ông lúc nhỏ, con ông không thích học, chỉ thích chơi bời. Nó học rất dốt nhưng ông đã vận động cho nó vào Quốc Tử Giám. Dẫu sao, nó cũng mang danh là giám sinh cũng đủ xênh xang với người đời.


Buổi trưa, dùng cơm xong, quan tổng đốc định nghỉ trưa một giấc như thường lệ. Vừa định lui gót vào hậu đường thì viên lại già phụ trách Tài vụ đã chạy đến cấp báo:

- Bẩm quan lớn, vàng bạc hết sạch rồi!

- Sao? Ngươi nói sao?

- Bẩm quan lớn, hôm qua ai đó đã rút hai mươi ngàn lượng vàng. Trưa nay ngân hàng Vạn Lợi đã cho người báo tin này, và đổ trường Đại Thắng đã đến nhận hai mươi ngàn lượng vàng tại ngân hàng. Bẩm quan lớn, Tiền cứu trợ mất hết rồi, làm sao trả lời với triều đình?

Quan lớn nổi trận lôi đình, sai bọn tuần bộ đi điều tra. Họ đi một buổi, trở về trình quan tổng đốc là suốt tháng vừa qua, đại công tử đã thua hai chục ngàn lượng vàng, đã ký giấy nợ, và giao nạp sổ ngân hàng của ngài cho đổ trường. Đỗ trường bèn giao giấy nợ cho ngân hàng Vạn Lợi, và ngân hàng này đã lấy số vàng của quan lớn mà xiết nợ công tử.

Nghe tin dữ, quan tổng đốc xây xẩm mặt mày. Ngân hàng Vạn Lợi và đổ trường Đại Thắng đều là cơ sở kinh tài của Mẫu Quốc. Mắc nợ của họ thì chỉ có chết, không thể dùng tình cảm hay pháp luật nói chuyện với họ. Nếu là ngân hàng và công ty Việt Nam, ngài có thể dùng quyền uy mà từ chối hoặc bỏ tủ họ về tội sái luật, hoặc dùng tình cảm mà khất nợ. Nhưng đây là ngân hàng và công ty của Mẫu quốc. Họ có luật của họ. Cha mắc nợ thì họ bắt con trả.

Con mắc nợ thì họ buộc cha phải đền. Đó là pháp luật, là phong tục Mẫu quốc. Khi ký giấy vay nợ , các nạn nhân phải cam kết công nhận điều kiện này. Chính hoàng đế khi khởi binh cũng đã vay nợ ngân hàng Vạn Lợi để mua lương thực và vũ khí, và họ ngon ngọt bảo là họ viện trợ vì tình anh em quốc tế, “ núi liền núi, sông liền sông”. Nợ cha đẻ nợ con, cứ chồng chất lên cao, vua phải dâng một phần đất nước cho họ.

Sau khi lên ngôi, Lưu Cáo và Lưu Hồ cũng đã phải ký bán đất cho mẫu quốc. Tể tướng đầu tiên, tể tướng thứ hai, thứ ba cũng ký tên bán nước. Nay con ông lại vay nợ Mẫu Quốc, làm sao ông trả vàng cho triều đình? Nếu thủ phạm cướp tài sản của ông là người ngoài, ông có thể kiện để bỏ tù nó nhưng thủ phạm lại là con ông! Dù bỏ tù nó, số vàng của ông cũng đã bị ngân hàng mẫu quốc xiết nợ, không thể đòi lại. Số vàng ông thu được của tứ phương là tài sản của triều đình, ông không thể nuốt trọn, mà phải dâng nạp. Ông không thể giấu diếm vì bên cạnh ông, có nhiều tai mắt của triều đình. Mất tiền của triều đình thì phải bị ngồi tù hoặc bị chém đầu. Đằng nào ông và con ông cũng bị tội, không phương cứu vãn. Ông không biết làm sao giải quyết vấn đề!

Thấy quan tổng đốc buồn rầu, một viên Đô lại già xin vào hiến kế. Y nói:

-Bẩm quan lớn, xin quan lớn giao toàn qưyền cho con, con sẽ giải quyết mọi vấn đề cho ngài.

Quan lớn được lời như cởi tấm lòng, bèn chấp thuận đề nghị của viên lại già. Vài tháng sau, khắp nơi người ta thấy cáo thị của công ty Hoàn Mỹ tuyển chọn nhân viên. Lúc này, khắp nơi bão lụt, đói kém, lại nữa từ khi anh em họ Lưu cai trị, đời sống nhân dân ngày càng xuống thấp. Nay được thông báo tuyển lựa nhân viên thì nam nữ, trẻ gìà ai cũng phấn khởi.Mỗi người trúng tuyển phải nộp mười lạng vàng cho công ty. Sau mấy tháng thì dịch vụ đưa nam nữ ra lao động nước ngoài được thực hiện. Tiếp theo là chương trình giới thiệu hôn nhân ngoại quốc.

Cuộc làm ăn thành tựu vì người các nước đến Việt Nam chọn lựa người đẹp để đem về nước họ. Song song với các dịch vụ trên, còn có việc quan tổng đốc chiếm đất đai của nhân dân đem bán cho ngoại quốc. Viên Đô lại già lại hiến kế bắt các nhà buôn bán trong tỉnh nộp thêm thuế 5% , và các tiệm rượu, tiệm ăn phải bán bánh kẹo, đậu phụng cho khách, dù khách không ăn cũng phải tính tiền, tất cả đều bỏ vào quỷ “ xóa đói giảm nghèo”. Viên đô lại cũng vạch kế họach phá rừng, lấp sông để lấy ruộng đất bán cho ngoại bang. Chỉ trong mấy tháng mà quan tổng đốc đã thâu mấy vạn lượng vàng. Quan bèn trích ra một số tặng các kẻ thân tín và một số dâng hoàng thượng. Ông được vua ban cho danh hiệu “ nhà tỷ phú nhân dân”, là “ nhà kinh doanh tài giỏi nhất quốc gia” được ghi tên vào quyển “ Guinness quốc gia và thế giới” .

Vài tháng sau, quan tổng đốc được thăng Lại bộ thượng thư, rồi làm tể tướng. Từ đây, ông sống trong giàu sang và quang vinh nhất nước. Kể từ khai quốc đến nay, nước ta chưa có ai giàu lớn và giàu mau như thế. Đó là một niềm tự hào của tổ quốc và nhân dân ta, nhất là niềm tự hào của triều đình ta đã tiến nhanh tiến mạnh vượt qua tư bản và quân chủ! Vì vậy, khắp nước, phong trào buôn dân, bán nước trở thành mạnh mẽ trong triều đình và các địa phương. Người ta tranh nhau làm giàu bất kể thủ đoạn.


Về công tử con quan tổng đốc sau khi thân phụ cậu lên làm tể tướng thì càng ngày cậu càng thêm thanh thế. Công cuộc kinh doanh của cậu và gia đình cậu từ địa bàn Sơn Hưng Tuyên mở rộng qua toàn quốc và toàn cầu. Buổi sáng cậu du hí ở Bắc kinh thì buổi chiếu cậu có mặt tại Tokyo. Hôm nay cậu ở sòng bạc Thái Lan thì vài hôm sau cậu có mặt ở Las Vegas Mỹ quốc.

Bọn thanh niên con các quan trong triều ngày càng bâu xung quanh cậu đông đảo. Cậu say mê cở bạc mà cũng say mê ca vũ nhạc. Cậu say mê cô đào Nguyệt Minh, một hoa khôi tại trà lầu Bồng Đảo, mà cậu con trai con cựu thừa tướng cũng yêu Nguyệt Minh. Vì tranh gái đẹp, hai bên đi đến ấu đả nhiều lần. Một hôm con trai tân thừa tướng đến trà lầu thì gặp lúc con trai cựu thừa tướng đang ôm ấp Nguyệt Minh. Cậu tức giận xông vào đấm đá cặp ”gian phu gian phụ” .

Con trai cựu thừa tướng một mặt tức giận về cha cậu bị thất sủng, công việc kinh doanh bị tân thừa tướng lấn át, còn người yêu của cậu cũng bị thằng nhãi chiếm đoạt, y tức giận rút súng bắn con trai tân thừa tướng ba phát vào đầu, hai phát vào tim. Khi đưa cậu vào y viện thì cậu đã trút hơi thở cuối cùng! 

No comments:

Post a Comment