Cuộc du hành không tính toán vậy mà hay. Bạn xưa quá tuổi
85, ngày trước cao thanh mãnh, nay thành
lùn thấp, đã yếu nhiều. Gặp nhau cảm xúc tràn đầy. Không có thời gian trao đổi
chuyện đời thường. Khóe mắt bạn ‘Tuổi già
giọt lệ như sương’ xuất hiện ba lần
trong buổi hội ngộ. Bạn dẫn tôi vô phòng sách, trao cho gói trà, gói sâm
nói rằng mình không cần nữa. Bạn nhớ rõ ràng quà nầy từ đâu, người nào tặng, nhân
dịp gì… Tôi tay nào cầm lấy mà lòng không thẹn, nên phụ lòng tốt, từ chối lời mời
tặng. Ra lại phòng khách cùng nhau xem tới xem lui những hình ảnh bạn bè xưa cũ
để so sánh ngày ấy và hình dáng bây giờ của mọi người. Kẻ suối vàng xa chơi.
Người từ lâu nằm bẹp không ra khỏi nhà. Anh thì nghễnh ngảng. Anh chỉ
đủ sức thì thào. Thời gian quái ác đã buông mẽ lưới thần tướt bỏ nét trẻ trung của bao nhiêu người, không thương
tiếc.
Rời nhà bạn, khóe mắt cay cay, trầm ngâm thiệt lâu về bàn tay
ảo hóa của thời gian. Đường về như là phủ màu ảm đạm của cơn mưa lất phất trong
lòng.
Tạm trú mấy ngày nhà một nhân vật văn nghệ, hiện đang điều
khiển một tờ tuần báo địa phương đã hơn hai thập niên rồi. Anh đang sửa soạn in
ấn cho tập thơ đặc biệt của mình: Bách
Linh Nhứt Điểu. Một trăm lẽ một con chim với nhiều người đề tựa, giới thiệu.
Nhiều, có nghĩa là sự ủng hộ của bạn bè phong phú nhờ tánh tình sảng khoái và
giao tiếp rộng rãi của tác giả. Tập thơ đặc biệt ở chỗ tuy nói về chim nhưng
ngoài đặc tính từng con chim tác giả còn ẩn dụ để chỉ về
tình đời, về những thái độ con người đối xử với nhau. Một trăm lẽ một
nghĩa là 404 câu thơ liên tiếp một dòng, không đứt đoạn, liền vần. Tập thơ phải
nói là đặc biệt về đề tài với nhiều tên chim lạ chúng ta chưa từng nghe.
Cũng thời gian nầy tôi gặp lại người bạn học cùng thời ở trường
Petrus Ký, (khóa 54-62) nhà thơ Nguyễn Văn Thu với tập thơ ít lời nhiều ý của
anh: Thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán
nói về tâm trạng của người ‘tù cải tạo’
sau sáu năm bị lao động cưỡng bức. Đặc
biệt là trong thời gian bị tù đày đó thi sĩ Nguyễn Văn Thu đã đã được một bạn cùng
tù chỉ dạy chữ Hán và khi ra tù ông đã trang bị đủ một số vốn từ ngữ căn bản để
diễn tả những gì mình muốn diễn tả. Thơ khá tròn trịa, đúng luật, nhiều bài có
khả năng kéo người đọc miên mang đi xa hơn những gì tác giả đề ra.
Vùng Seattle ngày xưa có thi sĩ Thanh Nam làm tờ báo đầu tiên
nhiều tính văn nghệ và nổi tiếng với tập Đất
Khách. Seattle xưa đã dung nạp nhà văn Mai Thảo một thời gian dài, nay có
nhiều người viết sách làm thơ như nhà văn nhà báo Phạm Kim, như nhà thơ nữ Trần
Mộng Tú, người có thơ đã được tuyển dịch
trong Sách Tập Đọc (Reading) ở trường tiểu học Mỹ…
Seattle và vùng phụ cận còn nhiều người cầm bút, mà tôi hân hạnh
được gặp một vài trong mấy ngày ngao du. Xa hơn một chút, thành phố nhỏ
Portland của Oregon, có nhóm văn thơ Ngàn Thông, cũng có người viết và đã ấn hành mấy tuyển tập của thân hữu cũng đáng đọc và lưu giữ.
Thế giới cuộc đời là vậy. Tre tàn măng mọc. Cảnh già buồn, cảnh
trẻ vui với những tính toán đoán trước
thị trường để thành công nơi xứ người. Văn học nói chung hay truyện ngắn,
thi ca, bài khảo luận, tờ báo… là biểu trưng cho văn hóa của một sắc dân. Lớp U90 không viết nữa
được thì có những lớp trẻ hơn nối tiếp. Nối tiếp bằng cách sẵn sàng ngồi vô máy
gỏ bài. Nối tiếp bằng cách diễn tả theo
lối mới, có sáng tạo, về những vấn đề của người Việt nói chung và của người Việt
ở địa phương nói riêng.
Tôi chắc chắn như vậy khi thấy những người tha thiết đến văn
chương ở đây coi bộ nhiều và phần đông hăm hở trước những công trình đương thai
nghén của mình. Cũng là điều đáng mừng. Nhứt là viết lách ở đây không vì chút
tiếng tăm hay tiền bạc mà vì những thúc hối đêm ngày bên trong lòng mình để dàn
trãi tâm tư.
Nguyễn Văn Sâm (Victorville, CA Sept
05, 2019)
No comments:
Post a Comment