Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 5 September 2019

Gây căng thẳng với Việt Nam trên Biển Đông khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập

© AP Photo / Bullit Marquez
Quan điểm-Ý kiến
URL rút ngắn
0 0
Hành xử ngang ngược, chiến lược ngoại giao của kẻ “chuyên đi bắt nạt”, lấy mạnh hiếp yếu, coi thường luật pháp quốc tế và sự trơ trẽn khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, chuyên gia nhận xét.

Căng thẳng trên Biển Đông nhìn từ vụ tàu Hải Dương Địa Chất 8

Việc Trung Quốc liên tục phớt lờ phản ứng của Việt Nam và cộng đồng quốc tế khi hai lần đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng loạt tàu hộ tống quân sự của Lực lượng cảnh sát biển vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày một trầm trọng. Nhóm tàu HD-8 xâm phạm vùng biển ngoài khơi gần khu vực bãi Tư Chính từ ngày 4/7 đến ngày 7/8 rồi lần kế tiếp là hôm 13/8 vừa qua.
Tàu Hải Dương Địa Chất 8
Bắc Kinh đã phải nhận nhiều chỉ trích từ dư luận quốc tế vì hành vi gây bất ổn đến an ninh toàn khu vực và đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước láng giềng.
Hôm 29/8, khi đưa ra Tuyên bố chung, các nước Anh, Pháp, Đức cũng đồng loạt lên án lối hành xử, hung hăng của Trung Quốc gây ra những căng thẳng vừa qua trên Biển Đông:
“Chúng tôi (3 nước Anh, Pháp, Đức) đặc biệt quan ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trong khu vực thực hiện các tiến trình hòa bình và biện pháp giảm thiểu căng thẳng, đóng góp duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định chung trong khu vực. Trong đó, có việc đảm bảo quyền, chủ quyền của các nước khu vực hải phận, thềm lục địa của mình, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông”.
Ngoài ra, bộ ba quốc gia Anh, Pháp, Đức cũng hoan nghênh đàm phán giữa các nước thuộc khối ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), tuân thủ chuẩn mực, nguyên tắc hợp tác hiệu quả, phủ hợp với Công ước UNCLOS 1982 của LHQ về Biển Đông, khuyến khích các nước sớm thực hiện các bước đi cần thiết để hoàn tất Bộ quy tắc này.
Trong một thông cáo đăng tải trên trang điện tử của Cơ quan Đối ngoại châu Âu, phát đi ngày 28/8, bà Maja Kocijancic, người phát ngôn của Cao Ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định hành động đơn phương ở Biển Đông gây gia tăng các bất ổn, làm suy yếu an ninh và đe dọa đến sự phát triển của khu vực:
“Các hành động đơn phương trong những tuần qua ở Biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và làm suy yếu môi trường an ninh hàng hải, điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực”, bà Maja Kocijancic nhấn mạnh.
Tuyên bố chỉ ra điều cốt yếu đối với tất cả các quốc gia trong khu vực là phải kiềm chế, tránh quân sự hóa và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình:
“Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, thực hiện các bước đi cụ thể để đưa mọi thứ trở về nguyên trạng, kiềm chế việc quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các bên cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại tương ứng của họ nếu thấy điều này là hữu ích”, thông cáo nêu rõ.
Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ hy vọng ASEAN và Trung Quốc có thể nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý thông qua các cuộc đàm phán một cách minh bạch.

Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc ‘bắt nạt’ Việt Nam

“Trung Quốc đang ngang nhiên can thiệp với loạt hành động mang tính chèn ép nhằm vào các hoạt động khai thác dầu khí ở vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông”, Lầu Năm Góc lên tiếng chỉ trích chính quyền Trung Quốc đồng thời cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “chiến thuật bắt nạt” nước láng giềng.
Hôm thứ Hai, ngày 26/8 (theo giờ địa phương), Bộ Quốc Phòng Mỹ đã ra tuyên bố lên án hành động đi ngược lại các tuyên bố của Bắc Kinh và luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi liên tục gây áp lực và can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí mà Việt Nam đang tiến hành trên Biển Đông ngoài khơi, vùng biển thuộc chủ quyền của Hà Nội.
Thông cáo được đưa ra có tiêu đề “Trung Quốc không ngừng tăng cường áp bức nhằm vào hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông”.
“Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vô cùng quan ngại trước việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự, luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc còn tăng cường hành động can thiệp mang tính chèn ép nhằm vào các hoạt động khai thác dầu khí lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông” - Lầu Năm Góc tuyên bố.
Lầu Năm Góc thẳng thắn chỉ trích hành động của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với cam kết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), đưa ra gần đây trong bài phát biểu tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua rằng “Trung Quốc luôn kiên định với con đường phát triển hòa bình”.
“Trung Quốc sẽ không chiếm được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu cứ duy trì các chiến thuật bắt nạt, o ép của mình”, Lầu Năm Góc tuyên bố.

Phản ứng đưa ra từ hai nước và ý kiến chuyên gia

Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tổ chức ở Thái Lan, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tuyên bố tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng nêu đích danh tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc, được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.
Cũng tại hội nghị trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại đưa ra thông điệp cảnh báo cáo nước ngoài khu vực không nên tạo ra sự ngờ vực giữa các nước ASEAN và Trung Quốc bằng cách lợi dụng “những khác biệt vốn đã để lại từ quá khứ”. Ông Vương cho biết Bắc Kinh phản đối sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông; coi ASEAN là một ưu tiên trong khu vực lân cận của mình; đồng thời ca ngợi về những tiến bộ liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Nguyên Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), TS Nguyễn Ngọc Trường phát biểu:
“Trung Quốc đang bị cô lập trên trường quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Trong thế cô lập ấy, họ sử dụng sức mạnh của ba thứ quân (hải quân, cảnh sát biển, ngư dân quân) hoạt động tại Biển Đông và hiện tại ở khu vực bãi Tư Chính, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và trong thềm lục địa phía Nam.”
Theo TS Trường, đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế , trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai nước đề ra trong 5 năm qua.
“Những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông chính là minh chứng cho việc lấy mạnh hiếp yếu. Đó cũng chính là chính sách bá đạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây không phải là hành vi của một quốc gia có trách nhiệm, quan tâm đến vận mệnh chung của cộng đồng quốc tế”, TS. Trường nhấn mạnh.
Theo TS. Trường, chính quyền Bắc Kinh luôn thể hiện “bộ mặt thiện chí” trên bàn đàm phán COC, nhưng tất cả chỉ là “những tuyên bố đánh lừa dư luận”.
“Trung Quốc đưa ra thời hạn 3 năm trong đàm phán COC nghe có vẻ thiện chí muốn giải quyết sớm vấn đề, nhưng thực chất là nhằm lợi dụng lúc chính quyền của Tổng thống Duterte của Philippines điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc (2018-2021), đồng thời tạo áp lực thời gian đối với các nhà đàm phán ngoại giao ASEAN, như đã từng tiến hành với một trong số nước trong các cuộc đàm phán phân định biên giới trên bộ, trên biển cuối những năm 1990”, ông Trường nhận định.
Theo ông, “những hành động gây hấn của Trung Quốc cũng là nhằm gây áp lực lên các nước có lợi ích sát sườn tại Biển Đông trong khối ASEAN trên bàn thương lượng COC, thể hiện rõ ý đồ dùng COC để hiện thực hóa hiện trạng mới trái phép tại Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông”.
Và để đối phó với Trung Quốc, nếu chỉ mềm mỏng nhường nhịn sẽ không thể giải quyết vấn đề.
“Việt Nam muốn có hòa bình, Trung Quốc cũng không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, để đối mặt với một Trung Quốc quen lấy mạnh hiếp yếu, chúng ta cần có những biện pháp kiên quyết, nhưng đồng thời phải hành động lý trí, dựa trên luật pháp quốc tế”, ông Trường nói.
Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được những yêu sách của mình, cho nên những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và quá trình đấu tranh của Việt Nam, bao gồm cả đấu tranh dư luận và đấu tranh pháp lý. “Đấu tranh báo chí, dư luận kịp thời là hết sức cần thiết. Phải tiếp tục phi nhạy cảm hóa vấn đề Biển Đông và các sự cố trên biển”.
“Chúng ta cần đấu tranh dư luận, vận động quốc tế mạnh mẽ hơn nữa, nếu không muốn thấy Trung Quốc đẩy mạnh chiến thuật gây sức ép với Việt Nam, giống như đã từng làm với Ấn Độ tại khu vực giáp ranh biên giới giữa hai nước vào năm 2017. Việt Nam nên học tập bài học kiên định của Ấn Độ” - chuyên gia kết luận.
Giữa tháng 6/2017, căng thẳng Trung - Ấn nổ ra khi công binh quân đội Trung Quốc đưa máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam, giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng công trình giao thông. Bhutan sau khi phản đối bất thành đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam nhằm ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.
Ấn Độ sau đó triển khai vài trăm binh sĩ tới Doklam. Bắc Kinh yêu cầu New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu. Truyền thông “diều hâu” của Trung Quốc thậm chí cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thất bại tồi tệ hơn so với cuộc chiến biên giới năm 1962.
Tuy nhiên, mặc cho những uy hiếm liên tục được đưa ra từ phía Trung Quốc, Ấn Độ vẫn kiên quyết đóng quân ở lại. Cuối cùng, hai bên đã phải xuống thang căng thẳng, tiến tới đàm phán và đồng loạt rút quân.
Ấn Độ hôm 29/8 cũng kêu gọi các nước cần giải quyết căng thẳng Biển Đông bằng con đường hòa bình.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Ấn Độ, Raveesh Kumar, khẳng định, Biển Đông là một phần lợi ích chung toàn cầu và quốc gia này cũng được hưởng lợi đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. New Delhi ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tiến hành các hoạt động kinh tế hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền mỗi nước, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước về Luật biển 1982.
Đại diện Bộ ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định, mọi tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết bằng hòa bình, trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp lý, tránh sử dụng bạo lực.
Trung Quốc: Việt Nam cần tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

No comments:

Post a Comment