Quái Kiệt Trần Văn Trạch cùng các ca khúc hài hước
Trần Văn Khê: Về Trần Văn Trạch, em tôi Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Lê Thương – SàiGòn 1949 Trần Quang Hải & Trần Văn Trạch Anh Lữ Tân Kiệt muốn biết về cuộc đời và nghề nghiệp của Trần Văn Trạch Con tôi Trần Quang Hải đã viết tiểu sử rất đầy đủ và chính xác về chú ba của Hải. Tôi chỉ thêm vài chi tiết vềem tôi mà ít có người biết và hôm nay cũng lần đầu tôi mới ghi lại thành văn bản. Tên của Trạch trong gia đình là «Khê em»Khi Trạch mới sanh, cả nhà đều vui mừng. Ông nội tôi muốn đặt tên con cháu đều có bộ Thủy nên cha tôi tên Triều là dòng nước, tôi tên Khê là khe suối, em tôi tên Trạch là ao, đầm. Nhưng từ lúc lên một, mỗi khi trong nhà có ai gọi em tôi: Trạch ơi! là con cháu của bà cụ láng giềng trùng tên, thấy khó chịu, nên qua xin ông nội tôi đặt tên khác cho chú bé Trạch, để bà khỏi bị kêu réo tên bà. Cả nhà rất khó nghĩ, tên đã ghi trong sổ bộđời. Cậu Năm tôi, ông Nguyễn tri Khương, đến bàn với ông tôi, nhắc lại lịch sử bên Trung quốc dưới triều nhà Tống có hai anh em ruột, văn hay chữ tốt, thi cùng một khoá, đều đậu Tiến sĩ, và ra làm quan trong một triều. Trong nước ai cũng quí tài của hai anh em nên gọi anh là Đại Tống, em là Tiểu Tống. Nay muốn kiêng tên bà cụ láng giềng, cậu năm tôi đề nghị gọi tôi là Khê Anh và Trạch là Khê Em. Ông nội tôi bằng lòng và từ ngày đó, trong gia đình tôi và cả làng Vĩnh Kim, ai nấy đều gọi chúng tôi bằng hai tên Khê anh và Khê em Tuy chúng tôi cách nhau 3 năm, chúng tôi không rời nhau, như anh em sinh đôi. Tối đi ngủ, sáng thức dậy một lượt, cùng ăn lót lòng giống nhau, môt gói bắp nấu, một gói xôi đậu hay xôi nếp than có dừa nạo muối mè. Mỗi buổi ăn, ngồi gần nhau, đi tắm sông, tập đi xe đạp, học võ Thiếu Lâm với anh ba Thuận con của câu năm Khương, cả khi đi tiểu, đi tiêu cũng đều cùng một lúc. Nghe chuyện đời xưaMỗi tuần, cậu năm Khương rước chúng tôi vô ở chơi trong nhà câu năm cả ngày, từ sáng đến tối, đêm ngủ lại, nghe cậu năm tôi thổi sáo, và thuật cho chúng tôi nghe những điểm đáng nhớ trong thời thơấu của chúng tôi,
hoặc thuật chuyện đời xưa, chuyện Nhị thập tứ hiếu. Qua tiếng nói của cậu năm, chúng tôi được thấy Khổng Tửgặp Hạng Thác, nghe tiếng sáo Trương Lương làm tan binh Hạng Võ, theo Quan Công quá ngũ quan, trảm lục tướng, qua năm cửa ải chém đầu 6 tướng, làm anh em tôi đi ngang nhà nào có thờ Quan Công là chúng tôi ngừng lại quay vào nhà bái tổ theo nghề võ, cả làng rất khen Khê anh, Khê em biết kính «ông Bồn». 11 tuổi Trạch đã biết ra câu đối.Câu năm lại dạy anh em tôi đối chữ, đối ý, đối câu. Đầu tiên dạy chúng tôi phải biết đối một chữ, bình đối với trắc, màu đối với màu, như vàng đối với đỏ hay tím, trắng đối với đen, sốđối với số, năm đối với bốn, bảy hay tám, danh từđối với danh từ, trời đối với đất, sông đối với núi, động từđối động từ, đi đối với chạy, lên đối với xuống. Rồi đến 2 chữ như vàng khè đối với đỏ hoét, trời biển đối với núi sông. Cậu năm lại dạy cho chúng tôi biết những câu đối Việt Nam trong đó có những cách «chơi chữ», như câu: Ruồi đậu mâm xôi, mâm xôi đậu Kiến bò dĩa thịt, dĩa thịt bòHay «nói láy»,như «Ông mượn cháu, đi Giồng dứa, mua dừa giống vềươn mộng» «Ông mượn, ươn mộng ; giồng dứa, dừa giống». Đối lại : « Chồng sai vợ, đi Chợ Thủ kêu chủ thợ về chài sông » «Chồng sai, chài sông, Chợ Thủ, chủ thợ »Cậu năm dạy khi người ta ra câu đối Đông Tây, mình có thểđối Nam Bắc. Một hôm cậu năm ra câu đối : «Cỡi máy bay, bay vòng Đông Tây Nam Bắc»Không ai đối được, cậu năm đối : «Đi tàu lặn, lặn mãn Xuân, Hạ, Thu Đông».Cậu năm lại ra một câu rất khó đối ; «Thằng đàng Thổ, nằm dưới đất, ăn thục địa»Thổ là đất, địa cũng là đất lại nằm dưới đất . Lẽ tất nhiên không ai đối được. Chính cậu năm tìm ra câu đối : «Chà Châu giang, lội qua sông, hái bạc hà »Giang là sông, hà cũng là sông, lại lội qua sông. Thục địa là một vị thuốc, bạc hà là một loại rau nhưng cũng là vị thuốc. Năm 1934, Trạch mới được 11 tuổi ta, một hôm thấy con chó mực trong nhà làm đổ bình mực liền nghĩ ra một câu đối và thưa với cậu Năm : « Cậu ơi ! Con mới ra câu đối để cậu đối lại cho con : «Chó mực làm đổ bình mực, mực đổ trên mình chó mực»Cậu năm nói : «Cậu không đối liền được, hẹn con đến trưa nay cậu sẽ tìm câu đối». Cậu ra vườn trồng bông.
Vài giờ sau, cậu năm tươi cười gọi Trạch và tôi đến để nghe câu đối : «Gà bông bươi ngã bụi bông, bông rơi trên cánh gà bông »Anh em chúng tôi vỗ tay hoan nghinh, nhưng cậu năm nói : «Đối ý thì hoàn toàn, nhưng đối chữ còn chưa được. « ... làm đổ bình mực », chữđổ trắc mà cậu đối « làm ngã bụi bông », chữ ngã cũng trắc, nhưng cậu tìm không ra chữ nào giọng bình. Chữ làm đổ bình mực và mực lại đổ trên mình chó mực, hai chữđổ cùng âm mà khác nghĩa. Nhưng kể ra câu đối của con cũng khó đối lắm. Và cậu khen Khê em mới 11 tuổi mà đã ra được câu đối mắc mỏ như vậy.Mối tình đầu của TrạchNăm 1936 Trạch mới 13 tuổi và đã yêu một cô gái 12 tuổi, bạn của Ngọc Sương em gái chúng tôi. Cô bé rất đẹp, cũng có cảm tình với Trạch. Ngày nào cô bé cũng đến nhà chúng tôi để găp Ngọc Sương. Tình yêu rất ngây thơ, nhưng hai trẻ cũng thích chuyện trò, ngồi gần nhau. Trẻ con không quan tâm, nhưng người lớn lại đểý. Cô ba, người thay cha mẹ chúng tôi để nuôi chúng tôi, từ lúc tôi lên 10, Trạch lên 7, lại rất tinh đời. Cô đến tìm cha mẹ cô bé đề nghị cho cô bé về quê mẹ trong một thời gian. Khi cô bé không đến nhà như thường lệ, Trạch buồn dã dượi trong mấy hôm liền. Trạch đến nhà cô bé để gặp hai người anh của cô cho đỡ nhớ. Không ngờ người anh nhỏ, bằng tuổi với Trạch, có nghe lén cha mẹ và cô ba bàn việc cho em gái về quê để cho Trạch không có dịp gặp cô em nữa. Trạch rất buồn. Khi trở về nhà, lúc đó cô Ba đi vắng. Trạch bỗng nổi cơn giận dữ, bứt hết dây đờn tranh, đờn tỳ của cô ba. Hả cơn giận, Trạch bình tâm thấy dây đờn ngổn ngang, tôi lui cui lượm bỏ dây hư, lấy dây mới và đang mắc từng dây một, nét mặt buồn. Trạch đến gần tôi nói trong nước mắt ; «Em khổ quá anh hai ơi ! Lúc giận em không còn suy nghĩ gì nữa. bây giờ em tỉnh hồn. Nhớ tới cô ba về rầy, em chịu không nổi. Em lại làm cho anh hai cực, em giận em quá . Em đi khỏi nhà anh hai ơi ! Cô ba có hỏi, anh hai nói em buồn quá bỏ nhà ra đi. Em cũng không biết sẽđi đâu. Em sẽ không trở về. Anh hai đừng đi tìm em, vô ích..» Tôi khuyên can, nhưng Trạch đã nhứt quyết thì không ai cản ngăn em được. Nhìn theo em đi bộ xuống chợ cá gần bến xe đò đi Mỹ tho. Rồi cô ba về. Thấy tôi vừa mắc dây đờn, vừa lên dây mà nước mắt lưng tròng. Cô ba hỏi : «Tại sao dây đờn đứt hết vậy con?». «Thưa cô ba, Khê em buồn gì không biết, vừa bứt từng sợi dây đờn vừa khóc. Rồi nhờ con xin lỗi cô ba, và ra đi, nói sẽ không trở về nhà nữa. » «Con phải đi kiếm em, bảo nó trở về. Có chuyện gì buồn nói cho cô biết. Cô sẽ không rầy chuyện nó bứt dây đờn đâu. Con có biết em con đi đâu không?» «Dạ thưa không. Nhưng thấy em đi đến phía xe đò đi Mỹ tho, chắc nó đi theo xe xuống Mỹ. Nó có quen với anh «lơ» chắc họ cho nó đi khỏi trả tiền.» Nghe theo lời cô, tôi đi xe đạp xuống Mỹ tho, vì nếu đợi xe đò phải sáng hôm sau mới có chuyến đi, đêm nay em sẽ ngủởđâu? Tôi đạp xe mà lòng buồn vô hạn. Chưa bao giờ anh em xa nhau một bước. Nay em định bỏgia đình êm ấm, xa người anh mà em thiếu không thua gì con thiếu mẹ, tức là em đang khổ lắm. Tôi suy nghĩnếu mình buồn như em, mình sẽđi đâu ? Chắc mình sẽ xuống mé sông nhìn nước chảy, vì nước chảy sẽ cuốn trôi phiền muộn. Tại Mỹ tho có một chỗ tại bờ sông mà lúc phải đi Tam bình qua ởđậu nhà cô năm tôi để học mấy lớp Sơ học, vì nhà nghèo cô ba tôi không đủ sức nuôi tôi học trường tỉnh Mỹ tho, anh em tôi thích ngồi bờsông Tỉền giang, nhìn qua bên mặt có nóc đỏ nhà Cercle của người Pháp, nhìn phía trái có rặng cây dương xanh biếc. Hôm nay, chắc em tôi sẽđến đó. Suy nghĩ như vậy, và do tình thương em dẫn dắt, tôi đạp xe một mạch đến bờ sông. Đến chỗ tôi đoán, tôi rất mừng, vì thấy bóng em ngồi trên thềm gạch, chống tay trên cằm. Tôi đến nhẹ sau lưng em và gọi nhỏ : «Khê em ơi !Anh hai đi kiếm em về. Cô sẽ không rầy la đâu. Anh hai bảo đảm với
em.» «Sao anh hai biết em ởđây mà đến tìm em » «Tình thương đã dẫn anh hai.» Hai anh em ôm nhau không nói gì cứđể cho nước mắt tha hồ tuôn. Nghe lời tôi khuyên, Trạch chịu về nhà và xin lỗi cô ba. Tôi chở em tôi bằng xe đạp. Từ Mỹ tho về làng Vĩnh Kim, 15 cây sốđường làng, hôm đó trời mưa xối xả. Hai anh em ướt cả mình mNy, nhưng lòng tôi vẫn thấy vui ấm vì anh em tôi không vì lẽ gì phải xa nhau. Trạch thay anh em tôi báo hiếu.Tuy việc bứt dây đờn tranh xảy ra lúc Trạch còn nhỏ tuổi, mà mãi sau này, mỗi lần nhắc lại Trạch lắc đầu nhưtự trách mình, không biết ơn người cô đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi ba anh em chúng tôi nên người, vì mối tình của mình đã hành động không suy nghĩ, có thể làm đau lòng người cô mà chúng tôi thương kính như cha như mẹ. Nên năm 1944, khi cô tôi đau nặng, bịnh lao đã tới thời kỳ thứ ba, trắc nghiệm trong đàm đã thấy có vi trùng Koch, cô tôi có một người giúp viêc rất trung thành, tình nguyện nuôi cô tôi lúc đau ốm. Nhưng Trạch, sau khi thất bại trong việc làm ăn trên Sài Gòn, nhứt định bỏ cả công việc về làng Vĩnh Kim, vừa tìm việc làm ăn hùn hiệp với một người anh họđể làm lò chén, vừa để mỗi ngày đạp xe lôi đưa cô tôi đi hứng gió ở ngả ba chim chim, cách nhà cô tôi đang ở hơn 1 cây số. Trạch thuê đóng một chiếc xe lôi có ghế nệm, mỗi ngày khi mặt trời xế bóng về chiều, Trạch đạp xe đạp, đưa cô tôi đi hứng gió. Năm đó, tôi đang học Y tại Hà nội, vì nhiều lý do: sinh viên theo phong trào «xếp bút nghiên», trường Đại học đóng cửa trong hai tháng, tôi bịđau rét rừng nặng phải nghỉ học. Miền Bắc thiếu gạo, nhiều nơi bắt đầu có nạn đói. Tôi về lập với bạn Huỳnh văn Tiểng một gánh hát sinh viên đi hát trong lục tỉnh, lấy tiền thâu được, mua gạo gởi ra ngoài Bắc cứu đói. Rồi tôi lại lo việc con đầu lòng của tôi sắp ra đời, phải đi dạy học tư tại Sài Gòn để nuôi gia đình. Em gái tôi học nội trú trong trường áo tím Nữ học đường, em Trạch đã thay cho ba anh em chúng tôi báo hiếu với cô ba chúng tôi. Trạch, bị bắt tại Cần thơ vì có vợ ngưòi Pháp......Anh em lại xa nhau, tôi đi gặp bạn Huỳnh Văn Tiểng tại Chợ Thiên Hộ, và được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ cử tôi làm «Nhạc trưởng quân đội Nam bộ», và các bạn tôi đùa gọi tôi là «Tổng tư lịnh Kèn». Trạch lúc đó có dịp xuống Mỹ tho và gặp lại gia đình của một người Pháp sanh ởđảo Corse. Ông nầy thương Trạch từ hồi Trạch còn là học sinh trường Trung học Mỹ tho, nên lúc Nhựt đảo chánh năm 1945, ông bị bắt lên tập trung tại Sài Gòn. Trước khi đi lên trại tập trung, ông gởi gấm gia đình nhờ Trạch trông nom. Ông có một cô gái lớn rất đẹp, và trai tài gặp gái sắc, như sắt gặp đá nam châm. Và cuộc tình đó dẫn đến sự ra đời của em bé A. Tiếp theo là phong trào Việt Minh nổi dậy. Lúc đó ai có quần áo 3 màu xanh trắng đỏ thường bị gán cho danh từ «Việt gian». Trạch có vợđầm, có đứa con lai, cảm thấy mình bịđe doạ. Nghe nói tôi ở trong vùng kháng chiến miền Tây, nên Trạch đi liều, gặp Thanh niên tiền phong hay Thanh niên cứu quốc đều nói đi xuống Bạc liêu tìm «anh hai tôi» trong vùng kháng chiến. Lúc đó Trạch vừa mới ra trường Trung học Mỹ tho. Chưa đi hát, không ai biết tên, nên bị bắt mấy lần nhưng được thả ra. Đến Cần thơ, hai vợ chồng bị nhốt đểđợi ủy ban kháng chiến xét xử. Rất may cho Trạch, lúc đó có cậu sáu là một người quen thân trong gia đình đang làm Thanh tra chánh trị. Cậu sáu nghe nói có trường hợp một thanh niên có vợ Pháp mà muốn đi xuống tận Năm Căn tìm anh là Trần Văn Khê, cậu sáu liền lãnh phần giải quyết trường hợp đó. Cậu khuyên vợ Trạch làm giấy từ bỏ quốc tịch Pháp, và cậu cấp cho Trạch một giấy đi đường đến tỉnh Bạc liêu tìm tôi.
Trạch, binh nhì trong Đội quân nhạc Nam bộ. Anh em hội ngộ.Lúc đó tôi phải đưa đội quân nhạc đến vùng Cái nước, vì cả Ban Quân Y phải lui về vùng Lẫm Biện Tú, không có tiền lẻđể mua thức ăn trong vùng nhà quê. Ban quân y chỉ nhận được giấy 500 đồng khó lưu dụng ở thôn quê. Mỗi ngày cảđoàn quân nhạc chúng tôi tổ chức những đêm hát có ca, nhạc cách mạng, có dân ca ba miền, góp được tiền lẻ, giữ 30 phần trăm cho đội, 70 phần trăm để giúp trạm Y tế Lẫm Biện Tú mua thịt cá, rau cải cho các bịnh nhân. Một hôm, các anh trong ủy ban kháng chiến đến gặp tôi và cho biết rằng tôi có người em, có vợ Pháp, và con còn nhỏ, từ Hậu giang đến tìm tôi, rồi mời tôi theo anh ra trụ sở của Ủy ban. Vừa gặp tôi, Trạch chảy nước mắt, chạy lại ôm tôi, hai anh em không nói tiếng nào. Các anh trong ủy ban, đưa giấy giới thiệu của Thanh tra Chánh trị, tôi đọc qua rồi nói với các anh : «Thanh Tra chánh trị mà anh em tôi trong gia đình gọi là cậu Sáu đã gởi giấy giới thiệu. Dầu cho không có người giới thiệu mà nếu em tôi đến tìm tôi, tôi cũng sẵn sàng bảo bọc em tôi và gia đình. Tôi xin làm tờ bảo lãnh cho em tôi. Từ giờ nầy, em tôi được vào Đội quân nhạc và nếu em tôi có làm chi sai lầm, tôi xin chịu trách nhiệm trước ủy ban.». Trong thời gian mấy tháng, anh em sống lại cuộc đời thuở nhỏ, cùng ăn một mâm, cùng ngủ dưới một mái nhà, khi đi từ nhà đến bịnh viên, chống xuồng qua các rạch các kinh, Trạch khỏi sợ bị bắt như một «Việt gian » vì có vợ Pháp. Tôi vui vì trong cảnh xa nhà xa làng Vĩnh Kim, được chung sống với em tôi và gia đình của em. Ai có ngờ người nghệ sĩ quái kiệt đã có lúc vì tình phải mang tiếng «Việt gian», khi ngộ biến đã trong mấy tháng trời làm «binh nhì» trong đội Quân nhạc Nam bộ ? Rồi anh em lại xa nhau.Nhưng cuộc hôi ngộ nào cũng đi đến lúc chia tay. Khi tất cả các cơ sở thuộc Nam bộđều đi ra Bắc hay chạy theo căn cứ quân sự. Chúng tôi phải trở về Cần thơ, nơi anh hai con cậu năm tôi có một xưởng làm nước mắm mang hiệu Quê Hương. Trạch và gia đình được cậu năm tôi đùm bọc, tôi đi về Lộc Ninh tá túc nhà nhạc mẫu tôi, bà ngoại của mấy cháu. Năm 1949 tôi sang Pháp, Trạch làm việc tại Nhà hàng Théophile. Anh em lại xa nhau. Tôi nghiên cứu cổ nhạc. Em tôi nổi tiếng nhờ tân nhạc và được danh hiệu quái kiệt trong làng nghệ sĩ. Khi nghiên cứu âm nhạc truyền thống và soạn luận án Tấn sĩ tôi được vào Trung tâm nghiên cứu khoa học nhưng vì muốn xây dựng một Trung tâm học nhạc Đông phương để dạy nhạc châu Á theo phong cách truyền khNu truyền ngón, nên tôi chỉ làm việc bán thời gian cho Trung tâm nghiên cứu khoa học, còn phân nửa thời gian thì làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu âm nhạc Đông phương và làm Cố vấn nghệ thuật cho anh Ph.V M. Giám đốc Nhà hàng La Table du Mandarin. Tôi bày ra trò chơi L’Election du Mandarin (Cuộc bầu cửThượng quan của Nhà hàng) được diễn gần 20 năm mỗi buổi chiều. Lúc đó Bích Chiêu, Bạch Yến, Thiên Hương được hát tại La Table du Mandarin là do sau khi tôi nghe và bằng lòng đề nghị cho Anh Ph.V. M ký hợp đồng. Khi Trạch đến hát tại La Table du Mandarin, tôi đang giao việc giới thiệu chương trình bầu cử Thượng quan cho Nhạc sĩĐan Trường. Nhưng anh em thỉnh thoảng gặp nhau tại Paris. Trạch đến thường trú tại Pháp.Đến năm 1977, ban giám đốc nhà hàng La Table du Mandarin gọi điện thoại báo tin cho tôi biết Trạch mới từViệt Nam sang Pháp và muốn gặp tôi. Lúc đó tôi đã không còn làm Cố vấn chương trình nghệ thuật của Hiệu La Tabe du Mandarin, nên không có thể giúp Trạch tìm việc làm tại đây. Trạch phải đi nơi khác. Nhưng anh em lại có dịp cuối tuần về nhà tôi, anh em đờn hát thâu thanh tại nhà tôi, hay tại nhà nữ Bác Sĩ J. Ph. Tuy cùng sống trên đất Pháp, vì công việc khác nhau, tôi đang "bôn ba bốn biển năm châu“, Trạch đang tìm cách sanh sống bằng thương mãi, anh em gặp nhau trong những ngày Tết Việt Nam, hay những ngày họp mặt gia đình tại nhà Trạch. Mỗi khi Trạch có việc buồn thường hay gọi điện thoại cho tôi đểđến gặp tôi, Trạch thèm
Tác giả : Trần Quang Hải
Post by : Nguyễn Văn
Khuy
Audio : NGV.
Viết về cuộc đời của một danh tài
là khó. Viết về một nghệ sĩ «lập dị» đã từng chinh phục cảm tình của khán thính
giả qua ba thế hệ, mà người đó lại là chú ruột của kẻ viết bài này thì lại khó
khăn hơn. Làm sao có thể viết một bài phê bình, nói gần nói xa như «mèo khen
mèo dài đuôi» ?
Nghệ sĩ hài hước của làng tân nhạc Việt Nam
Cái khó của tôi là không biết
nhiều về ông chú của tôi đứng về mặt gia đình. Có thể nói là suốt thời gian tôi
sống ở Việt Nam,
tôi chỉ gặp chú tôi tổng cộng độ 10 lần thôi, gặp chú ít khi nói chuyện vì lúc
đó tôi hãy còn nhỏ quá đi. Tôi chỉ nhớ được xem chú Ba Trạch trình diễn ba lần
tại Saigon. Một lần vào khoảng năm 1948 ở tại Dancing
Théophile, vùng Dakao. Lúc đó tôi mới có 4 tuổi. Một lần khác chú tôi từ Pháp
về năm 1961 hát bài «Chiều mưa biên giới» của nhạc và lời : Nguyễn Văn Đông với
dàn nhạc Pháp thu vào băng sẵn để hát kèm theo kiểu hát playback và được xem
chú tôi biểu diễn trò múa rối học được ở Pháp mang về. Lần chót trước khi tôi
rời Việt Nam vào khoảng cuối năm 1961 tại một rạp hát ở Phú Nhuận với các màn
bắn súng, nhái các thú vật như chú đã thường trình diễn.
Hình ảnh người chú tóc dài, chạy
xe Mercedes cũ xì, được báo chí tặng cho danh hiệu «Quái kiệt» vẫn còn in rõ
trong trí nhớ của tôi.
Cái khó thứ hai là tôi không ở
trong nghề, không biết được bộ mặt thật sự của hậu trường sân khấu, cũng như
không có «sống», «nếm mùi» ngọt, bùi, đắng, cay của nghề bán giọng hát đổi lấy
chén cơm. Do đó, tôi không có một kỷ niệm nào để kể cho các bạn như đa số các
nghệ sĩ Việt Nam mà tôi may
mắn được gặp và nghe họ kể những bước thăng trầm của cuộc đời rày đây mai đó
trên những đường mòn Việt Nam
từ thành thị đến thôn quê.
Vài dòng về thời thơ ấu
Trần Văn Trạch, tên thật là Trần
Quang Trạch, sinh năm Giáp Tý (1924), tại làng Đông Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Trong gia
đình có rất nhiều người biết về nhạc, nhất là nhạc cổ. Ông sơ tôi, Trần Quang
Thọ, nhạc sĩ triều đình Huế. Ông cố tôi, Trần Quang Diệm, ngày xưa được gởi ra
Huế để học đàn tỳ bà trong thành nội và nổi tiếng về đàn tỳ bà trong Nam cùng
với sự chế cách viết bài bản cho đàn tỳ bà. Ông nội tôi, Trần Quang Triều, tự
Bảy Triều, nổi tiếng trong giới cổ nhạc qua tiếng đàn kìm lên dây theo kiểu dây
Tố Lan do ông nội tôi sáng chế ra.
Gia đình bên phía ông nội tôi còn
có bà cô Ba tên là Trần Ngọc Viện, người đã thành lập gánh hát Đồng Nữ vào
khoảng năm 1927 với một điểm đặc biệt là tất cả các diễn viên trong gánh hát
đều là Đồng Nữ, một hiện tượng duy nhứt trong lịch sử hát cải lương miền Nam.
Bên phía bà nội tôi thì có ông
Cậu Năm tên là Nguyễn Tri Khương (cháu nội của ông Nguyễn Tri Phương, một vị
quan nổi tiếng dưới thới triều Nguyễn), từ trần vào năm 1962, là một nhạc sĩ
chuyên về sáo, lại thông hiểu về lý thuyết nhạc cổ, đã giúp cho Ba tôi là GS
Trần Văn Khê khi viết luận án tiền sĩ về nhạc Việt. Ông Nguyễn Tri Khương còn
là thầy tuồng của gánh hát Đồng Nữ và là tác giả của những bài hát mới mà ngày
nay rất ít người biết như các bài «Thất trĩ bi hùng», «Yến tước tranh ngôn»,
«Phong xuy trịch liễu», «Bắc Cung Ai», vv… Ông Cậu Tư, anh của ông Nguyễn Tri
Khương, có một người con rất giỏi về. Đó là cố nhạc sĩ Nguyễn My Ca (tên thật
là Nguyễn Mỹ Ca) mất vào năm 1944 trong lúc chống Pháp. Bác My Ca là anh em cô
cậu với Ba tôi và chú tôi, chỉ được người Việt biết qua nhạc phẩm «Dạ Khúc».
Những dòng trên đây được viết ra
với mục đích là giúp cho các bạn hiểu rõ trong bối cảnh nào chú Trần Văn Trạch
đã sống và hấp thụ nhiều khía cạnh âm nhạc trong khoảng thời ấu thơ tại làng
Vĩnh Kim, làng Đông Hòa, làng Bình Hòa Đông của tỉnh Mỹ Tho miền Nam Việt Nam.
Ông Nội tôi có ba người con.
Người con cả là Trần Văn Khê (sinh năm 1921, từng là giáo sư dân tộc nhạc học
tại đại học đường Sorbonne, Paris, hưu trí năm 1987, và hiện giờ để hết thì giờ
để viết các quyển hồi ký về cuộc đời của mình – đã xuất bản được 6 quyển tại
Việt Nam từ năm 1998, sang Pháp năm 1949 và hiện sinh sống tại thành phố Vitry
sur Seine, ngoại ô Paris). Kế đến là Trần Văn Trạch, sinh năm 1924, nổi danh là
Quái kiệt trong làng tân nhạc Việt, từ trần năm 1994 tại Paris. Người con gái út, tên là Trần Ngọc
Sương, sinh năm 1925, từng là ca sĩ nổi tiếng lấy biệt hiệu là Ngọc Sương, sau
đổi lại là Thủy Ngọc trong những năm 1948-50, và hiện sống tại Montreal, Canada.
Chú Trạch lúc nhỏ rất có khiếu về
nhạc. Học đánh đàn kìm và đàn tỳ bà rất sành. Lại có giọng hát ấm êm, ca «vọng
cổ» mùi không thua gì Năm Nghĩa (chủ gánh hát Thanh Minh) thời thập niên 30.
Tuy biết nhiều về cổ nhạc, nhưng lại thích tân nhạc hơn. Lúc khoảng thời đó
(1937-39), nhạc sĩ My Ca rất giỏi về đàn violon, và Ba tôi thiên về đàn
mandoline. Hai người thường hợp tấu để đàn các bản nhạc Pháp nổi tiếng thời đó
như «J’ai deux amours», «Marinella». Phong trào phát động nhạc mới được giới
trẻ theo một cách mạnh mẽ. Chú tôi theo học chữ ở Collège de Mỹ Tho (trường
trung học Mỹ Tho) cho tới năm 1942 thì rời ghế nhà trường.
Tuy
ở trong gia đình nhạc sĩ,
nhưng lại là người thích buôn bán làm ăn, nên chú Trạch mới lập ra lò
làm chén
ở Vĩnh Kim. Sau một vài năm buôn bán, coi bộ không khá lắm, nên bỏ nghề
lên Saigon tìm việc sinh sồng. Khoảng năm 1945, sau khi Nhật
đầu hàng, Pháp trở lại Việt Nam,
những phòng trà nho nhỏ mở cửa trở lại. Chú tôi mới bắt đầu kiếm được
một phòng
trà nhỏ (loại salon de thé) ở đường Lagrandière.
Danh từ «Đại Nhạc Hội» xuất hiện
Có lẽ rất ít người biết từ đâu
xuất phát danh từ «đại nhạc hội». Chú Trần Văn Trạch làm hoạt náo viên và hát
tại dancing Théophile ở vùng Dakao từ năm 1947-48. Các bản nhạc hài hước đầu
tiên không phải do Trần Văn Trạch sáng tác mà là do nhạc sĩ Lê Thương
(1914-1996) viết ra đầu tiên. Nhạc sĩ Lê Thương được nhiều người biết qua các
bản «Thằng Cuội», «Hòn Vọng Phu 1, 2, 3». Chính nhạc sĩ Lê Thương đã chính thức
khơi mào một loại nhạc hài hước như bản nhạc «Hòa Bình 48» (Lê Thương, 1948) đã
do Ba tôi hát trong dĩa 78 vòng của hãng ORIA thu bên Pháp năm 1949, và Chú tôi
hát ở Saigon với những màn bắn súng, máy bay dội bom phát sinh từ đó. Bản nhạc
«Liên Hiệp Quốc» (Lê Thương, 1949) cũng được Ba tôi và chú tôi tung ra thị
trường với những màn hài hước bắt chước các thứ tiếng Anh, Nga, Tàu, vv…
Nhạc sĩ Lê Thương có viết năm
1948 một bản nhạc tựa là «Làng báo Saigon» do Trần Văn Trạch hát vài lần trên
sân khấu nhưng bị chánh phủ cấm. Lời nhạc có tính cách chính trị, nên sau đó,
Lê Thương, Trần Văn Trạch, Phạm Duy, Đức Quỳnh, đã «bị mời» vào bót Catinat mấy
ngày. Đến năm 1949, Trần Văn Trạch thấy rằng tân nhạc bắt đầu thịnh hành. Các
ca sĩ như Minh Trang, Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tâm Vấn góp mặt trên đài phát thanh
Pháp Á, trên các sân khấu trình diễn tân nhạc. Trần Văn Trạch mới có ý nghĩ
«lăng xê» (từ tiếng Pháp là động từ «lancer») danh từ «Đại nhạc hội» để chỉ
định những buổi hát bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch trong một chương trình văn nghệ.
Từ đó trở đi, «đại nhạc hội» được thông dụng cho tới ngày nay.
Sau đó, chú Trần Văn Trạch thấy
rằng muốn khuếch trương khía cạnh tân nhạc, chỉ có cách là mang tân nhạc xen kẽ
với những màn ảo thuật, xiệc, vào những buổi chiếu phim hát bóng vì lúc đó phim
hát bóng rất thịnh hành, người đi coi hát bóng rất đông, thuận tiện cho việc
phổ biến tân nhạc Việt hãy còn phội thai trong giai đoạn này.
Phụ diễn tân nhạc trong rạp chiếu bóng
Sau thế chiến thứ hai, cuộc sống
trên thế giới trở lại bình thường. Nền kinh tế bắt đầu tìm lại thế quân bình.
Dân chúng bắt đầu đi xem hát, nghe nhạc, có nhiều cách giải trí hơn. Lúc bấy
giờ, xứ Việt Nam
hãy còn là thuộc địa của Pháp. Mà ở xứ Pháp, vào thời buổi đó, bắt đầu có
chuyện phụ diễn tân nhạc hay những màn hát thuật giữa phim thời sự, quảng cáo,
và phim chánh.
Trần Văn Trạch thấy hình thức đó
hay nên mới tìm cách phổ biến hiện tượng đó tại Saigon.
Nhạc sĩ Đức Quỳnh và chú tôi hợp tác với nhau, và lựa rạp hát bóng Nam Việt làm
nơi thử thách đầu tiên.
Lúc đó là vào khoảng năm 1951.
Được dân chúng thích và đòi hỏi. Trần Văn Trạch mới lần lượt phổ biến chuyện
phụ diễn tân nhạc tới những rạp hát khác và lần lần làm thành «hệ thống dây
chuyền». Tân nhạc thiếu bài mới để hát. Các nhạc sĩ mới đua nhau sáng tác những
nhạc phẩm phù hợp với nhu cầu của dân chúng trong thành phố. Các ca sĩ không
thể đem lên sân khấu những ca khúc hùng mạnh đầy màu sắc đấu tranh, giặc giã.
Nhờ đó mà mới nẩy sanh ra phong trào sáng tác nhạc rất mạnh.
Trần Văn Trạch bắt đầu nổi tiếng
về tài hài hước và kể chuyện, rồi sang hát một vài bản nhạc diễu để chọc cười
khán giả. Bài bản lại thiếu, nên chú tôi bắt buộc phải sáng tác những bản nhạc
đúng «ni tấc». Nhờ đó mà một số bản nhạc «diễu» được ra đời và đi sâu vào lòng
dân chúng mãi cho tới ngày hôm nay nhứt là khán giả vào lứa tuổi 50- 80 tuổi.
Những nhạc phẩm hài hước
Trần Văn Trạch có một lối hát mộc
mạc, đúng giọng miền Nam.
Chú tôi là một trong số rất ít ca sĩ chuyên hát với giọng miền Nam, phát âm
không màu mè, dùng lời lẽ đơn giản, không cầu kỳ, những tữ ngữ được nghe trong
đời sống hàng ngày, nhưng chủ đề lấy từ cuộc sống người dân nghèo nên rất dễ
làm xúc động người nghe.
Bài hát hài hước đầu tiên được
Chú tôi sáng tác là «Anh phu xích lô» (1951). Về nhạc thì sử dụng âm giai thất
cung với những câu nhạc dễ nhớ được lập đi lập lại. Về tiết tấu thì sử dụng
nhiều nhịp ngoại, hát mau và phải «giựt» theo kiểu swing để tạo sự vui nhộn.
Tôi chỉ nhớ đoạn đầu của bài hát «anh phu xích lô» như sau :
Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn / Có
ai mà muốn đi tới Chợ Mới / Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới / Ê Tôi xin mời
lại đây / Chiếc xe này có bảo kiết thật chắc / Bánh xe thì tốt thùng có bọc sắt
/ Nếu khi mà có đụng phải xe jeep / Quý ngài chẳng hề hấn gì.
Khi thấy loại nhạc này «hấp dẫn»
người nghe, chú Ba Trạch mới tiếp tục viết thêm một số nhạc phẩm hài hước khác
như «Chuyến xe lửa mùng 5» (1952) kể lại chuyện một anh chàng đi xe lửa về thăm
mẹ. Trên xe lửa, để cho qua thì giờ, ngồi đếm cột đèn mà bị người bên cạnh hỏi
tới hỏi lui. Đến khi về nhà mới hay mẹ mình đã từ trần. Câu chuyện lúc đầu thì
thấy cười. Nhưng kết cuộc là «cười ra nước mắt».
Cho tới ngày ký hiệp định Genève
(1954), Trần Văn Trạch viết khá nhiều bài như «Cái tê – lê – phôn», «Cái đồng
hồ tay», «Anh chàng thất nghiệp», «Cây bút máy», «Đừng có lo». Để cho các bạn
biết sơ qua một số bài với âm điệu, tôi xin tạm ghi lại một đoạn nhỏ của một
vài bài điển hình như «cái tê – lê – phôn» được bắt đầu như sau :
Từ đâu nạn đưa tới / Gắn chi cái
tê lê phôn / Bởi tôi muốn làm tài khôn / Khiến tôi muốn thành ra ma / Không vào
Chợ Quán cũng đi Biên Hòa vv…..
Trong năm 1952, tôi muốn nói tới
hai bản nhạc của Trần Văn Trạch đã được nhiều người biết tới mà không phải là
nhạc hài hước. Đó là bài «Chiến xa Việt Nam»
và một bản nhạc khác mà hầu hết những người Việt miền Nam đều đã có
nghe qua rất thường. Đó là bài «Xổ số kiến thiết quốc gia». Trong vòng 23 năm,
từ 1952 tới 1975, mỗi tuần tại rạp Norodom (sau đổi lại thành rạp Thống Nhất),
đều có nghe hát bản nhạc này trước khi xổ số. Tôi ghi lại đây bản nhạc này mà
tôi không thấy trong những tập nhạc được xuất bản tại hải ngoại sau 1975.
Kiến Thiết Quốc Gia ( nhạc và lời : Trần Văn Trạch, 1952)
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Chỉ mười đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Mua số quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Mua số mau lên
Xổ số gần đến
Bài “Chiến xa Việt Nam”
(1952) đã được nghe nhiều lần thời đệ nhất cộng hòa. Nữ ca sĩ Bạch Yến lúc hãy
còn là em bé Bạch Yến đã hát bài này khi dự thi tuyển lựa tài tử ở Đài Pháp Á
khoảng 1953. Trong những kỳ đi diễn binh nhân ngày Quốc khánh, chúng ta cũng có
nghe nữa. Thời gian trôi qua, những bản nhạc hùng mạnh như Thúc Quân, Xuất
Quân, Hờn Sông Gianh, Chiến Xa Việt Nam, vv…. đã mờ dần trong trí nhớ người
Việt hải ngoại và trong nước.
Khi miền Nam trở thành
một quốc gia cộng hòa dưới thời cố tổng thống Ngô Đình Diệm (1956-1963), nhạc
sĩ Trần Văn Trạch sáng tác rất ít. Chỉ có một bài ca hài hước được ra đời. Đó
là bài “Ba chàng đi hỏi vợ”
Ban Sầm Giang
Những ai ở vào tuổi lục tuần đều
có dịp nghe ban Sầm Giang do Trần Văn Trạch đảm trách trên đài phát thanh Pháp
Á từ năm 1950 tới năm 1954. Con sông Sầm Giang ghi nhiều kỷ niệm trong cuộc đời
thơ ấu của Chú tôi nên khi lập một ban nhạc hay một đoàn hát, Chú tôi mới lấy
tên con sông này để “dựng bảng hiệu”. Bản nhạc được nghe báo hiệu chương trình
ban Sầm Gian trên đài là một bản nhạc do cố nhạc sĩ Nguyễn My Ca sáng tác cho
một tiệm mới khai trương tại Vĩnh Kim khoảng 1940 và Chú tôi lấy điệu nhạc này
và đặt lới mới vào.
Ban Sầm Giang quy tụ một số nhạc
sĩ gạo cội như cố nhạc sĩ Võ Đức Thu, Khánh Băng. Về sau có nhạc sĩ Nghiêm Phú
Phi (ở Mỹ hiện nay), các ca sĩ nổi tiếng thời 50 như Trần Văn Trạch, Ngọc
Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy Hoa, Tâm
Vấn. Đến năm 1953, có thêm những bộ mặt mới như nữ kịch sĩ Bích Thuận, ban
Thăng Long, Duy Trác, Tùng Lâm, và ….. em bé Bạch Yến. Với một chương trình
hàng tuần về ca, nhạc, kịch, Trần Văn Trạch đã chinh phục thính giả và nhờ đó
những chương trình “đại nhạc hội” được nối tiếp và phát triển trên toàn xứ.
Năm 1953, Trần Văn Trạch diễn tại
Hà Nội và rất được hoan nghinh, vì bộ môn hài hước không có trên đất Bắc. Chú
tôi phải dời ngày về Saigon mấy lượt khiến cho những bạn bè đi đón “hụt” mấy
lần ví Chú tôi “không chịu về”. Sau chuyến đi thành công này, Trần Văn Trạch dự
định đưa một đoàn văn nghệ miền Nam ra diễn ngoài Bắc lấy tên là “Đoàn Gió
Nam”. Việc tổ chức đang tiến hành thì hiệp định Genève (1954) đã chia xứ Việt
Nam ra làm hai, nên chuyến đi Bắc của đoàn nghệ sĩ miền Nam không bao giờ được
thực hiện.
Trần Văn Trạch Với Điện Ảnh
Nền điện ảnh Việt Nam ở
trong giai đoạn phôi thai. Khoảng 1955, Chú tôi mới cộng tác với hãng phim Mỹ
Phương bên Pháp do bà Mỹ Phương (vợ ông Trần Văn Trai, chủ nhà hàng Âu Cơ ở
Paris), làm giám đốc sản xuất với sự phụ lực của Phùng thị Nghiệp và Eric Lê
Hùng (từng làm đạo diễn nổi tiếng ở Pháp).
Hai cuốn phim được quay là “Lòng
Nhân Đạo” (1955) với Trần Văn Trạch, Kim Cương, Hà Minh Tây (anh Tây lúc trước
làm việc cho đài truyền hình Pháp, giờ về hưu) thủ vai chánh, và phim “Giọt Máu
Rơi” (1956) với Trần Văn Trạch và Kim Cương. Tuy rằng hai cuốn phim này chưa đạt
được đúng mức trình độ diễn xuất, nhưng rất được sự ủng hộ của khán giả Việt
Nam lần đầu thấy người Việt đóng phim.
Trần Văn Trạch sau đó mới rời
hãng phim Mỹ Phương để cộng tác với người Tàu ở Chợ Lớn để lập hãng phim Việt
Thanh, và tự làm đạo diễn cho hai cuốn phim về chuyện cổ tích Việt Nam. Đó là
hai cuốn phim “Thoại Khanh Châu Tuấn” (1956) với Kim Cương, Vân Hùng thủ vai
chánh và “Trương Chi Mỵ Nương” (1956) với Trang Thiên Kim và La Thoại Tân. Năm
1957, Chú tôi bị đau thập tử nhứt sanh suốt cả năm. May nhờ có bác sĩ Phan Văn
Đệ cứu sống. Rồi Chú tôi từ giã nghề điện ảnh Việt Nam lúc đó bắt đầu bành trướng và
phát triển mạnh với những nhà đạo diễn chuyên nghiệp và những tài tử điện ảnh
như Lê Quỳnh, Kiều Chinh, Kiều Hạnh.
Tuy Chú tôi không tiếp tục ngành
điện ảnh, nhưng cũng có đóng góp khá nhiều cho sự hình thành nền điện ảnh Việt Nam tại miền Nam Việt Nam.
Giai đoạn tổ chức đại nhạc hội
Không một nghệ sĩ Việt Nam
nào mà không biết Trần Văn Trạch. Đa số đã có dịp làm việc chung với Chú tôi ít
nhất là một lần trong đời. Có người gọi Chú tôi là “Anh Ba”, có người trong lớp
nghệ sĩ trẻ gọi Chú tôi là “Chú Ba”. Với những chương trình “đại nhạc hội”, Chú
Trạch đã có dịp đi khắp các tỉnh, các làng ở miền Nam. Trong thời đệ nhứt cộng hòa
(1956-1963), Trần Văn Trạch đã thực hiện nhiều chương trình ca, vũ, nhạc, kịch
ngày càng vĩ đại với một thành phần nghệ sĩ càng ngày càng đông. Rồi Kim Cương,
ban Dân Nam, Hoàng Thi Thơ…
nhảy vào làng tổ chức nhạc hội cho tới Saigon
thất thủ (tháng 4, 1975)
Năm 1960, Chú tôi mới đi sang Paris tìm những ý kiến
mới. Ở Paris, Chú tôi thường xuyên hát tại nhà hàng “La Table du Mandarin”,
Paris, quận 1, nơi duy nhứt ở Paris có chương trình văn nghệ Á châu mỗi đêm cho
khách Tây phương. Cũng nơi này do ông Phạm Văn Mười (từ trần vào thập niên 80)
làm chủ, đã được những ca sĩ Việt nổi tiếng thời đó như Thiên Hương (Tini Yong)
rồi Bạch Yến (lúc sang Pháp từ 1961-63), và Bích Chiêu (1962-64), kế đến tới nữ
nghệ sĩ Phùng Há và Kim Cương (1964-65) đến hát. Sau một thời gian lưu tại Pháp
khoảng 6 tháng, Chú tôi trở về Saigon với một tiết mục mới là trò múa rối
(marionnettes / puppet show) và bản “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Đông
được hát theo kiểu sound track, có nghĩa là hát thật sự trên sân khấu với dàn
nhạc của Pháp thâu sẵn trên băng nhựa. Tôi có dịp đi xem Chú tôi diễn lần đó
tại một rạp hát ở Saigon (dường như là rạp
Hưng Đạo, tôi không nhớ rõ lắm)
Từ khi có quân đội Mỹ vào miền Nam ngày càng
đông, những night clubs dành cho lính Mỹ mọc lên như nấm. Các ca sĩ hát nhạc
trẻ càng thấy nhiều hơn. Chú tôi đóng vai “ông bầu” để tổ chức những chương
trình nhạc trẻ cho lính Mỹ từ năm 1965 trở đi. Trong thời gian này, Chú tôi có
sáng tác một vài bản nhạc không được phổ biến cho lắm như bài “Highway 19” đặt
theo điệu Long Hổ Hội, nhạc cổ nhưng trên lời Anh và theo nhịp swing.
Trần Văn Trạch sau năm 1975
Sau ngày 30 tháng 4, 1975, Trần
Văn Trạch không còn giữ chức vụ “quản lý” các nghệ sĩ miền Nam nữa. Chú tôi tạm
sống một cuộc đời bình thường, với những chuyến lưu diễn địa phương cùng với một
số nghệ sĩ miền Nam như Nguyễn Long (tự Long Đất, vừa qua đời ở Cali, Hoa Kỳ,
làm nghề báo chuyên về văn nghệ, điện ảnh và sinh hoạt các nghệ sĩ Việt Nam ở
hải ngoại, chụp ảnh, Quốc Anh (sang Pháp và sau đó định cư tại Hoa kỳ từ thâp
niên 90)
Cho tới tháng 12, 1977, Trần Văn
Trạch rời Saigon sang Paris.
Từ đó trở đi cho tới ngày từ trần (12 tháng 4, 1994) nghệ sĩ Trần Văn Trạch,
từng nổi tiếng là “Quái Kiệt” vẫn âm thầm hoạt động trong văn nghệ. Có một dạo
đi đóng kịch với một đoàn hát Pháp, lưu diễn khắp các tỉnh ở Pháp. Rồi thỉnh
thoảng đi đóng một vài vai phụ trong các phim của Pháp. Chú tôi tạm ngưng làm
việc cho Pháp để xoay ra làm nghề khác để sinh nhai.
Sáng tác âm nhạc dường như bị
“nghẹn”đi. Suốt gần 18 năm sống ở Pháp, chú chỉ sáng tác một vài bài thôi, vì
lẽ cuộc sống ở hải ngoại thúc hối con người ta phải luôn luôn chạy với nhịp
sống quá ồ ạt, khiến cho Chú tôi lớp phải lo việc đem vợ con sang Pháp, rồi lại
phải lo kiếm việc làm độ nhựt.
Tuy nhiên Chú tôi cũng có góp mặt
trong làng tân nhạc Việt ở hải ngoại qua ba cuốn băng “Hài hước Trần Văn Trạch”
(Thúy Nga Paris, 1982) “Con đường hạnh phúc “ (Thanh Lan, 1983), và “Allô
Paris” (Giáng Ngọc, Paris 1986). Về phía phim video, Trần Văn Trạch cũng có làm
một cuốn kỷ niệm “Hài hước Trần Văn Trạch” do ông Cử ở quận Cam, Cali, Hoa kỳ
thực hiện năm 1983. Chú tôi cũng có góp mặt trong cuốn thi ca nhạc kịch “Việt
Nam” do Hà Phong thực hiện tại Paris năm 1984 với nữ nghệ sĩ Bích Thuận (vẫn
còn sống tại Paris), Trần Văn Trạch, Trần Quang Hải, Bạch Yến và Hùng Tiến (từ
trần tại Paris, 2002)
Chú tôi cũng có đi diễn cho cộng
đồng người Việt ở Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984, và thường trực
có mặt trong những buổi hát giúp lấy tiền cho những con tàu vớt người di tản. Ở
Âu châu từ Anh sang Đức, từ Bắc Âu sang Thụy Sĩ, Chú tôi vẫn còn tạo những trận
cười qua những màn diễu ăn khách ngày xưa. Tôi có dịp diễn chung với Chú tôi
tại Luân Đôn và tại Marseille vài năm trưóc khi Chú tôi mất. Đó là những dịp
duy nhứt hai chú tôi hàn huyên với nhau và nhờ đó tôi mới ghi lại đuợc một số
dữ kiện chính xác về cuộc đời của chú Trần Văn Trạch.
Trong những năm cuối cùng của
cuộc đời, Chú tôi thường đi sang Hoa kỳ làm nghề quảng cáo trên đài Truyền hình
Việt Nam
ở Quận Cam. Cơn ung thư gan hoành hành vào cuối tháng giêng 1994 đã đưa Chú tôi
trở về Paris, và nằm trị bịnh tại nhà thương
Thenon ở Paris,
quận 20 từ đầu tháng 2 cho tới ngày từ trần (12 tháng 4, 1994). Vợ chồng chúng
tôi thường vào thăm Chú và tôi tìm cách chọc Chú cười. Lúc đó chú tôi chỉ thều
thào nói không ra tiếng vì sức quá yếu sau mấy lần mổ gan mà không cứu chửa
được. Chú tôi nhắm mắt ra đi ngày 12 tháng 4, 1994 trong khi tôi đang ở Toronto (Canada).
Rất đông nghệ sĩ đã đi đưa tiễn
một nhạc sĩ thiên tài đến nơi yên nghĩ cuối cùng. Có GS Trần Văn Khê, cô tôi
Trần Ngọc Sương từ Montreal
sang. Nhạc sĩ Phạm Duy từ Hoa kỳ tới cùng với Duy Quang. Ở Pháp hầu hết các
nghệ sĩ đều có mặt như Hữu Phước (từ trần), Ngọc Lưu (từ trần), Cao Thái, Bạch
Yến và tôi từ Canada bay về Paris, Mỹ Hòa, Thiên Nga, Minh Đức, Thu Hương,
Hoàng Long, Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Minh Thanh, Kim Chi, Tài Lương, Minh Tâm,
Thanh Phong, vv… Di hài được chôn tại nghĩa tranh Cimetière intercommunal ở
Valenton, ngoại ô Paris.
Với trên 40 năm trong nghề, từng
là người tiên phong trong việc tổ chức nhạc hội, người đã đặt ra danh từ “đại
nhạc hội”, người đã góp công vào nền điện ảnh Việt, người duy nhứt của Việt Nam
đã viết những bản nhạc hài hước lấy từ những đề tài tả cảnh khổ của người dân
nghèo, Trần Văn Trạch ngày nay không còn nữa.
Tôi nghĩ rằng, đối với những
người làm văn nghệ, Trần Văn Trạch đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam như một
số nhạc sĩ đàn anh như Phạm Duy, Lê Thương, Hùng Lân, Hoàng Thi Thơ, Lam
Phương, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lưu Hữu Phước, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn Từ
Linh, Nguyễn Văn Thương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, vv…
Có ngưới sáng tác gợi hứng từ dân
ca (Phạm Duy), hùng tráng có tính cách tranh đấu (Lưu Hữu Phước), hay mang tính
cách địa phương (Lam Phương), và cũng có ngưới thích khôi hài (Lê Thuơng, Trần
Văn Trạch, Lữ Liên). Sự đóng góp của biết bao nhạc sĩ có tài của miền Nam Việt
Nam cần phải được duy trì qua những bài viết, hay những quyển sách ghi lại
những tài năng âm nhạc của miền Nam trong giai đoạn 1954-75. Chỗ đứng của Trần
Văn Trạch hoàn toàn riêng biệt trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam và sự đóng góp
của Chú tôi cho nền tân nhạc Việt sẽ để lại cho thế hệ mai sau một hình ảnh khó
kiếm giữa rừng nhạc Việt đầy hoa thơm cỏ lạ.
Trần Quang Hải
Những nhạc phẩm của Quái Kiệt Trần Văn Trạch :
* Kiến Thiết Quốc Gia Trần Văn Trạch* Cái Đồng Hồ Tay Trần Văn Trạch* Xe Lửa Mồng 5 Tết Trần Văn Trạch* Đêm Khuya Trên Đường Catina Duy Trác Trần Văn Trạch trìng bầy : * Chiều Mưa Biên Giới ( Nguyễn Văn Đông ) - Trần Văn Trạch |
No comments:
Post a Comment