S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Cỏ hoa thời thổ tả
Thụy Khuê
Nắng Chiều là một tuyển tập, gồm nhiều bút ký và tạp văn, của Phan Khôi. Tác phẩm này chưa bao giờ được xuất bản và đã bị chìm vào quên lãng. Độc giả chỉ biết được nội dung từng bài qua lời giới thiệu của một ngòi bút khác, Đoàn Giỏi.
“ Riêng bài Cây Cộng Sản được giới thiệu khá kỹ … Có một thứ thực vật nữa cũng như sen nhật bản, ở xứ ta trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy chỉ thấy trong mấy tỉnh Việt Bắc không chỗ nào là không có. Đầu tiên Phan Khôi thấy nó rải rác mấy nơi ở tỉnh Phú Thọ, và nhiều nhất là ở Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nó mọc trên thị trấn bị ta phá hoại ‘như rừng, ken kít nhau’. Nơi gọi là Cỏ Bù-xít vì nó có mùi hôi như con bọ xít, nơi gọi là Cây Cứt lợn, nơi gọi là Cây chó đẻ. ‘Tên đều không nhã tí nào hết’ thứ cây ấy những người có học không gọi bằng Cây Cứt lợn dại, mà gọi bằng Cây Cộng sản.
Rồi Đoàn Giỏi kể tiếp về gốc gác cái tên này: Phan Khôi bịa ra là trước kia xứ ta không có cây này, người Pháp đem đến giồng ở các đồn điền cà phê, cao su, rồi chẳng bao lâu nó lan ra, không diệt được, tình trạng này bắt đầu từ những năm 1930-31, cùng lúc Đông Dương Cộng Sản Đảng bắt đầu hoạt động, phong trào Cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là ‘herbe communiste’, đáng lẽ dịch là cỏ Cộng sản, nhưng nhiều người gọi là Cây Cộng sản.” (Thụy Khuê. Nhân Văn Giai Phẩm. Phần XVI: Phan Khôi – Bài 3: Con Đường Văn Hóa).
Loại cây này khiến tôi nhớ đến một đoạn văn cảm động trong truyện ngắn (Rừng Mắm) của Bình Nguyên Lộc:
“Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
Ông với lại tía của con là cây mắm, chân giẫm trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.”
Thảo dược cộng sản (herbe communiste) xem ra rất khác. Kể từ khi xuất hiện đến nay nó không chữa lành được vết thương (xã hội) nào ráo mà chỉ khơi thêm thù hận. Cây Cộng Sản cũng thế, cũng chả cho được trái lành (xoài, mít, dừa, cau, cam, quýt …) nào cả mà toàn là quả độc. Hậu duệ của đám Bù Xít ở VN rặt một lũ B.S (bullshit) mà chỉ cần nghe đến tên tuổi thôi cũng đủ khiến cho thiên hạ phải cau mày.
Danh sách của họ dài vô tận (“chặt hết trúc Nam sơn không đủ ghi tội ác”) chỉ cần ghi lại năm bẩy “vị” bộ trưởng đương nhiệm cũng đủ khiến thiên hạ thở dài và lắc đầu quầy quậy: Mai Tiến Dũng, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hồng Hà, Phùng Văn Nhạ, Trần Tuấn Anh, Tô Lâm …
Đó là chưa kể những quan chức đang được dư luận quan tâm vì có “khả năng” sắp bị đút lò: Lê Thanh Hải, Lê Tấn Hùng, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang … FB Bùi Văn Thuận kết luận: “Thằng nào, băng nào cũng rặt lũ cướp cả, dân đừng có thấy băng Hải- Cang bị đập sấp mặt mà vội mừng. Tải sản và thủ đoạn cướp bóc chỉ chuyển từ băng nhóm này sang băng nhóm khác, một khi thể chế độc tài này vẫn còn cai trị.”
Đúng thế, đúng là cá mè một lứa, và lứa sau vẫn thường tệ hơn lứa trước. Đến lớp hậu duệ Lê Thị Hiền (nhân vật vừa Đại Náo Tân Sơn Nhất) thì mới khiến cho thiên hạ hết hồn hết vía, và ngay cả báo giới (quốc doanh) cũng phải bàng hoàng:
Tờ Pháp Luật có bài “Dân mạng ‘sốc’ trước ngôn từ đại úy công an Lê Thị Hiền” của ký giả B. Bình:
Không thể tin nổi những lời lẽ đó lại được phát ra từ miệng một đại úy công an, một người phụ nữ trưởng thành đang đi cùng con nhỏ tại nơi công cộng như quầy check-in của sân bay Tân Sơn Nhất… Cách hành xử của nữ đại úy này đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Công an nhân dân và cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định,” một ‘cư dân mạng’ bày tỏ.
Ý Kiến của FB Nga Thi Bich Nguyen lại hoàn toàn khác:
Hôm qua xem, tôi không hề có cảm giác tức giận, phẫn nộ hay ngạc nhiên, nhất là đoạn clip bà ta chửi bới, xông vào các nhân viên an ninh, bảo vệ sân bay đánh họ và lu loa cào mặt vu vạ họ đánh bà ta. Tôi phì cười bởi cảnh đó nó quen đến mức tôi biết và tin chắc đó là bản chất của ngành công an hiện nay…Cái bản chất côn đồ hống hách ngang tàng khi ăn hiếp người yếu thế và sẳn sàng nói dối, lừa gạt …để tự biến mình thành nạn nhân khi không thể ăn hiếp được người. Những người đấu tranh chứng kiến điều đó như cơm bữa, nói ra không ai tin. Người ta nói bà ta “làm xấu bộ mặt lực lượng công an.” Dạ bớt ngây thơ dùm em đi. Bà ta là đại diện hoàn hảo, đúng bản chất của lực lượng công an…
Tôi lại nghĩ khác nữa. Đây “là đại diện hoàn hảo, đúng là bản chất” của cả chế độ hiện hành, chứ chả riêng chi “lực lượng công an.” Côn đồ, hống hách, lu loa, dối gạt … là thuộc tính chung của đám quan chức hiện nay mà bà Hiền chỉ là một thành viên tiêu biểu. Bà ta cũng không phải là một cái thứ nặc nô rách giời rơi xuống mà là sản phẩm trong “bách niên chi kế” của cha già dân tộc, Hồ Chí Minh.
Cái thói “cào mặt, vu vạ” đâu có mới mẻ gì. Hãy cùng T.S Nguyễn Xuân Diện lật lại một bài báo cũ, viết từ giữa thế kỷ trước xem:
Địa chủ ác ghê Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt.
Đây là một thí dụ: Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
– Giết chết 14 nông dân.
– Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
– Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người
– Năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là: Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng, Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!
(21-7-1953) C.B
C.B là một trong những bút danh của Hồ Chí Minh. Còn Cát Hanh Long là ai?
Wikipedia (giọng Hà Nội) ghi: “ Nguyễn Thị Năm (1906 – 9 tháng 7 năm 1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội), là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đất, bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn. Bà nguyên là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Bà còn được gọi là Cát Hanh Long vì đây là tên một hiệu buôn do bà làm chủ ở Hải Phòng.
Rành rành là bà Nguyễn Thị Năm bị Hồ Chí Minh đấu tố trên sách báo (giấy trắng mực đen, chứng cớ vẫn còn nguyên vẹn) chứ “nông dân địa phương” nào vào đó. Đối với ân nhân mà Bác còn giở giọng điêu ngoa, vu vạ bằng lời lẽ ti tiện và bẩn thỉu đến thế thì miệng lưỡi lu loa chỉ cỡ cháu ngoan Lê Thị Hiền – xem ra – nào có đáng chi mà phải rầm rĩ thế!
https://www.danchimviet.info/s-t-t-d-tuo%cc%89ng-nang-tien-co%cc%89-hoa-thoi-tho%cc%89-ta%cc%89/09/2019/16243/
No comments:
Post a Comment