Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 5 September 2019

Ông cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nói hoàn toàn chính xác về quyền tự do ngôn luận của báo chí VN

Nguyễn Văn Hải
2019-09-05
Hình minh họa. Một người bán báo trên phố ở Hà nội
Hình minh họa. Một người bán báo trên phố ở Hà nội
AFP
Việc bắt hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cuối tuần vừa qua không gây xôn xao gì lớn trong nước (bắt nhiều quá rồi). Con số ba triệu USD hối lộ cũng chẳng gây ấn tượng gì lắm. Người ta-rất Việt Nam, chỉ tò mò vì sao con gái của ông Nguyễn Bắc Son trước sau khai không nhận đồng nào trong số ba triệu USD hối lộ (riêng vụ AVG) từ bố, trong khi bố cô khai đã chuyển hết.
Dân mạng Việt Nam vốn sẵn tính giời cả dân tộc làm thơ, mặc dù sự tình vẫn chưa đâu vào đâu, bèn so sánh ngay con gái ông cựu bộ trưởng với … nàng Kiều:
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành
Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha
Ông Son may hơn Vương Ông nhiều. Chẳng những không bị thằng bán tơ nào vu khống cả mà ngược lại, chính ông thật thà khai báo “muốn có dấu ấn trong nhiệm kỳ bộ trưởng – là để Mobiphone mua được mảng truyền hình của AVG, đồng thời nếu mua bán thành công thì AVG chắc chắn sẽ cám ơn bằng vật chất”.

Cựu Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn (trái) và Nguyễn Bắc Son (phải)
Cựu Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn (trái) và Nguyễn Bắc Son (phải) Courtesy of Hội Nhà Báo VN

Ba triệu USD hối lộ, quy ra tiền Việt Nam khoảng 70 tỷ đồng. Với một ông bộ trưởng tham nhũng, khoản này bảo lớn thì không phải lớn, bảo nhỏ cũng không phải nhỏ.
Chẳng ai ngoài gia đình ông Son biết được sự thật số tiền trên có phải ông Son đã đưa hết cho con gái hay không, nếu đưa thì đưa để làm gì… Nhưng nếu không còn tiền để nộp vào giảm nhẹ thiệt hại, mức án hình sự của ông Son chắc chắn sẽ không nhẹ.
Vụ án mới chỉ vừa bắt đầu nên chúng ta không thể khẳng định sau này con gái ông Son có thay đổi lời khai, hay có dùng tiền cá nhân để giúp cha nộp vào bồi thường hay không. Biết đâu cô nói thật? Lúc ấy, dư luận sẽ lại có nhiều thứ hấp dẫn để xem, kịch tính hơn những show thực tế trên tivi nhiều.
So với người đồng sự tiền nhiệm và đồng bị khởi tố, ông Trương Minh Tuấn có vẻ sôi động hơn. Nhìn lại những phát biểu nổi bật của ông khi đương chức, đặc sắc nhất và có lẽ cũng tiêu biểu nhất cho tư duy của một bộ trưởng quản lý báo chí nhưng xem báo chí chỉ là công cụ, có lẽ là lần phản bác ý kiến của ông Võ Đăng Thiên, Tổng Biên tập báo điện tử Infonet vào cuối năm 2016.
Trước đó, ông Võ Đăng Thiên và một phó tổng biên tập của báo điện tử Infonet bị đình chỉ chức vụ 15 ngày do dẫn lời Chủ tịch Quốc hội để rút tít một bài viết như sau: “Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình”.
Nêu một trong những lý do dẫn đến đình chỉ chức vụ ông Thiên, ông Trương Minh Tuấn nói “Tiêu đề này nói không đúng bản chất nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, khiến cho dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ” (theo báo chí trong nước).
Ông Thiên nói “Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo … là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo, … lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc. ".
Tiếp tục phản bác, ông Tuấn nói: “đó là sự ngụy biện”, “Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều”.
Ông Tuấn tiếp tục khẳng định: “Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật… quả là chuyện nực cười. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí (…) càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo”.
Nhưng người làm báo nào trong nước cũng biết cái tờ giấy A4 hai mặt mà hàng tuần Ban tuyên giáo phát ra cho lãnh đạo các tờ báo, từ hàng chục năm nay đều giữ vững lập trường kiên định. Nó chỉ gồm hai phần, phần đầu khen-chê những gì các báo làm trong tuần qua (chủ yếu là chê, và chủ yếu là chê về những nội dung liên quan đến chính trị). Phần thứ hai không hấp dẫn bằng nhưng quan trọng hơn, bất cứ tờ báo nào cũng phải chăm chú theo dõi. Phần này chỉ gồm những mệnh lệnh vắn tắt của Ban Tuyên giáo, yêu cầu các báo “tập trung tuyên truyền” và “không đưa tin, không bình luận” về những sự kiện, thông tin nào đó sẽ diễn ra trong tuần tới.

Hình minh họa. Công an dùng loa yêu cầu người đi bộ và nhà báo đi khỏi khu vực gần đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 18/5/2014
Hình minh họa. Công an dùng loa yêu cầu người đi bộ và nhà báo đi khỏi khu vực gần đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội hôm 18/5/2014 AP

Về điều này, cũng vẫn ở thời điểm năm 2016, cựu bộ trưởng Tuấn nói “những lời khuyên nên thông tin điều này, không nên thông tin điều kia” của một số quan chức ở các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí đưa ra thực chất “chỉ là sự khuyến nghị, nhắc nhở”.  Giữ vững quan điểm cho rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận và thông tin đa chiều, ông Tuấn nói “Nếu báo chí thấy sự khuyến nghị, nhắc nhở đó là cứng nhắc, không phù hợp thực tế cuộc sống thì hoàn toàn có thể phản hồi, tranh biện để đi đến chân lý”.
Nói nghe có vẻ thẳng thắn như thế nhưng đơn cử vụ báo Infonet thì sao? Chỉ một cái tít không thuận tai chính quyền (chắc chắn báo Infonet không dám tự bịa ra câu nói của Chủ tịch Quốc hội mà phải ghi âm rất kỹ mới dám rút tít), dàn lãnh đạo báo đã bị cái án kỷ luật cực kỳ vô lý, vốn chỉ có thể tồn tại trong những thể chế rất… đặc biệt!
Những thời kỳ trước đây, tuy vẫn bị kìm kẹp bởi Ban Tuyên giáo nhưng báo chí Việt Nam vẫn còn nhiều không khí để thở hơn thời ông Son, ông Tuấn. Lãnh đạo của các tờ báo chính trị xã hội hàng đầu Việt Nam đều quá quen và có các mánh lới riêng để không tiếp nhận chỉ đạo của Ban Tuyên giáo khi nó can thiệp quá thô bạo. Trong làng báo chính trị xã hội ở Việt Nam lan truyền nhiều câu chuyện ví dụ tổng biên tập quyết định đăng bài báo thuộc dạng “không nên đăng”, rồi các lãnh đạo báo cùng tắt hết điện thoại để Ban Tuyên giáo không thể gọi điện trong đêm yêu cầu bỏ bài báo ấy đi. Sáng hôm sau, báo in ra xong, xem như chuyện đã lỡ, giả vờ “rút kinh nghiệm” là êm.
Việc tờ báo đưa thông tin sai, bị kiện ra tòa và phải đính chính, bồi thường… cũng từng xảy ra không ít. Sau một vài vụ đầu tiên gây sửng sốt thì cả người làm báo và xã hội Việt Nam đều xem đấy là bình thường. Và trong một xã hội pháp quyền, điều ấy phải là bình thường.
Đến thời bộ trưởng tiền nhiệm của ông Son là ông Nguyễn Doãn Hợp, báo chí bắt đầu bị siết lại. Qua các đời ông Son và ông Tuấn, sự hạn chế và can thiệp ngày càng sâu và công khai. Báo chí gần như bị bịt miệng.
Điển hình như vụ đình chỉ chức vụ tổng biên tập báo Infonet kể trên. Chỉ một phán quyết cảm tính của ông Tuấn, rất lo bò trắng răng là “có thể khiến dư luận hiểu sai về mối quan hệ giữa quốc hội và chính phủ”, lập tức có cái lệnh giáng xuống. Tuy việc đình chỉ chức vụ tổng và phó tổng biên tập chỉ 15 ngày không ảnh hưởng gì mấy đến hoạt động của tờ báo nhưng ai cũng hiểu sự đe dọa ngầm lớn hơn rất nhiều. Đó có thể là đóng cửa cả tờ báo và kết thúc cả sự nghiệp làm báo của những cá nhân bị điểm mặt.
Nhưng thực ra ông Tuấn phát biểu rất chính xác. Ở Việt Nam, nhà báo không bị cấm tự do ngôn luận. Nhưng tự do ngôn luận xong anh có còn tự do thể xác hay không thì lại là chuyện khác.
Dễ hiểu vì sao trên mạng xã hội, rất nhiều nhà báo Việt Nam đã công khai hả hê khi hai ông bộ trưởng “của họ” bị bắt. Sự nhớp nhúa của các cựu bộ trưởng không chỉ ở việc cố gài bằng được một vụ bẫy tiền Nhà nước (có mấy quan chức của Việt Nam không tìm cách bẫy tiền Nhà nước?), mà sau khi bị bắt còn hèn hạ ở chỗ nộp lại 500 triệu đồng để “bồi thường thiệt hại” hơn 70 tỷ.
Thật đẹp mặt cho hai kẻ từng là những lãnh đạo cao nhất của ngành báo chí Việt Nam. Và thật đáng thương, thật nhục nhã cho nền báo chí nước nhà!
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Ý kiến (0)
Bấm vào đây để n

No comments:

Post a Comment