Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday, 11 June 2014

NGƯƠI PHƯƠNG NAM ** NHỮNG NGÀY MỚI TỚI


Monday, June 9, 2014

Những Ngày Mới Tới

Là người tị nạn, có lẽ không ai quên được những ngày đầu tiên đặt chân lên xứ người...

Hình chụp ở cầu Jetty vài ngày trước khi rời đảo Pulau Bidong tháng 4 năm 1980. Từ con nít tới người lớn, ai cũng đăm chiêu tư lự trước tương lai mịt mờ
Sau sáu tháng dài đăng đẳng “holiday” ở trại tị nạn Pulau Bidong, sau sáu tháng trời "Phiền Lo Bi Đát" và hai chục ngày tắm nắng ở trại chuyển tiếp Sungei Beise, thứ  nắng  như thiêu như đốt của mùa hè xứ Mã Lai khiến ai cũng đen thui như Miên như mọi, gia đình thầy Thanh gồm hai vợ chồng, một đứa con gái nhỏ mới lên bốn và thằng em vợ 12 tuổi đã đuợc chính thức đi định cư ở Úc trên chiếc boeing 747 rộng lớn, sang trọng, mở màn cho một cảnh đời mới tươi sáng, tràn trề hy vọng tương lai sau hơn bốn năm trời sống ngột ngạt, hồi hộp, căng thẳng  trong trại  tù khổng lồ tập thể của bọn cộng sản vô nhân luật rừng.
Rời Mã Lai chiều 19/5/80, hừng sáng hôm sau gia đình thầy Thanh tới Úc đại lợi. Trước khi phi cơ hạ cánh, một phụ nữ trung niên người Úc có nét mặt phúc hậu đi cùng chuyến bay ngồi bên cạnh chỉ ra cảnh vật bên ngòai nói với thầy Thanh:
          - Anh hãy nhìn kìa, bên dưới là Sydney, thành phố chính của tiểu bang New South Wales. Nước Úc là một đất nước giàu có, rộng lớn mênh mông, nhiều tài nguyên, lại là một xứ sở thanh bình, người dân rất hiếu khách, cởi mở, tốt bụng. Anh chọn nơi này để định cư thật đúng nơi đúng chỗ, như người Jew khi xưa đã chọn Israel làm đất hứa, là một may mắn lớn trong đời cho anh. Chúc gia đình anh mọi sự tốt đẹp may mắn trên quê hương thứ hai này.    
Thầy Thanh bắt tay nói cám ơn bà người Úc rồi cùng gia đình theo nhóm người tị nạn xuống sân bay. Tương lai thì chưa biết ra sao nhưng qua cuộc sơ ngộ với một người bản xứ  đầy thiện cảm nhân hậu này, thầy Thanh đã có một dấu ấn thật đẹp về người Úc, về một xứ sở mà rồi đây mình sẽ nhận là nhà. Bao nhiêu hoang mang lo lắng từ lúc lên phi cơ bỗng chốc tiêu tan nhường cho một sự phấn chấn, một niềm tin yêu hy vọng rộn lên trong lòng.
Theo sự hướng dẫn của nhân viên Bộ xã hội, đòan người tị nạn được một chiếc xe bus đưa đến  bệnh viện Lidcomb để khám sức khỏe tổng quát. Thuở ấy, vào đầu thập niên 80, dân cư nhà cửa còn rất thưa thớt hoang vu, nhứt là mới hừng đông rạng sáng, đường sá im lìm vắng tanh, thỉnh thỏang mới gặp một chiếc xe chạy ngược chiều, còn người thì không một mảy may một bóng dáng. Từ phi trường Mascot đi tới Lidcomb, chiếc xe bus như một người còn ngái ngủ, chạy cà rịch cà tang  mất cả tiếng đồng hồ, trên xe ai nấy đều mệt mõi, nét mặt người nào cũng  trĩu nặng nỗi ưu tư về một viễn ảnh tương lai thật mơ hồ.  
Xuống xe bus rồi, mọi người mới cảm nhận ra cái lạnh thấu xương của thời tiết sắp lập đông ở xứ bốn mùa. Từ Việt Nam sang Mã Lai, ở một xứ nóng quanh năm, ai ai cũng chỉ mặc phong phanh một chiếc áo cánh, một chiếc quần mỏng, dép thì hở gót hở đầu. Thình lình vù một cái qua tới Úc, khí hậu trái ngược hòan tòan như hai thái cực khiến người nào người nấy như muốn đóng băng, chân tay tê cóng không biết dấu vào đâu, nhấc chân đi không muốn nổi.
Đòan người lần lượt đi vào bên trong. Gia đình thầy Thanh đi sau cùng. Bỗng đâu  một người đàn ông ăn vận lịch lãm bước đến bên cạnh thầy Thanh chìa tay ra bắt tay thầy gợi chuyện:
          - Chào anh, anh khỏe không? Anh đi một mình hay với gia đình? Chắc anh là người Việt Nam?
Thầy Thanh cung kính đáp:
          - Dạ, cám ơn ông hỏi thăm. Tôi đi với vợ con và thằng em vợ. Chúng tôi là thuyền nhân chạy nạn cộng sản, trốn từ Việt Nam sang Mã Lai tị nạn và được phái đòan Úc nhận cho định cư .
Người đàn ông gật gù bảo:
          -  Hoan nghênh anh tới Úc. Đây là một đất nước tự do, qua tới đây rồi anh đừng lo lắng gì nữa cả. Mọi sự sẽ có người hướng dẫn dìu dắt lúc ban đầu. Trông anh rất đạo mạo, xin lỗi tôi hơi mạo muội, anh có thể cho tôi biết tên và nghề nghiệp của anh không?
Thầy Thanh từ tốn đáp:
          - Dạ, tôi là giáo chức, dạy sinh ngữ Pháp và Anh. Tôi tên thánh Pierre, nhưng nói theo tiếng Anh là Peter. Từ khi miền nam chúng tôi mất vào tay cộng sản thì thành phần học thức là thành phần ngoan cố đáng sợ đối với bọn chúng. Chúng tôi không còn tòan quyền thực thi thiên chức nhà giáo như xưa. Mỗi giờ dạy chúng tôi đều bị giám sát gắt gao và báo cáo. Người dân không còn một chút tự do nhân quyền, cuộc sống trở thành địa ngục nên ai cũng tìm cách thóat thân với hy vọng có thể làm lại cuộc đời, nhứt là cho tương lai con cái.  
Ông nở một nụ cười như hài lòng về sự nhận xét không sai của mình:
          - Thảo nào, nhìn anh có vẻ trí thức. Tôi là bác sĩ giám đốc y tế phụ trách vùng phía tây Sydney (Regional Health Director of the Western metropolitan area of Sydney). Hôm nay nhân đến đây thanh tra bệnh viện, tình cờ gặp được anh, coi như ý Chúa. Anh cứ xem tôi là người bạn đầu tiên trên đất nước xa lạ mới mẻ này nhé. Trước lạ sau quen, rồi một ngày anh cũng sẽ trở thành công dân Úc như tôi thôi.
Rút tấm danh thiếp trong ví ra, ông nói tiếp:
          - Đây là danh thiếp của tôi, Tôi tên Chris, từ nay có chuyện gì cần tôi giúp, anh cứ phone cho tôi. Thôi xin tạm biệt anh. Anh vào trong khám sức khỏe với mọi người đi . Hẹn gặp lại anh một dịp khác.
Thầy Thanh cầm lấy tấm danh thiếp nói cám ơn mà trong lòng nửa cảm kích, nửa ngỡ ngàng. Nhìn ông ta rồi nhìn lại vợ chồng con cái mình, đứa nào đứa nấy xác xơ tái mét, ăn mặc thì xốc xếch ống thấp ống cao, chân cẳng tím lịm không vớ không giày. Vậy mà một người có địa vị cao sang như ông ta lại chịu ghé mắt ân cần hỏi han. Dân Úc này quả thật có lòng nhân đạo hào khóang lắm thay, chẳng những không kỳ thị chủng tộc, lại còn không phân chia giai cấp sang hèn, biết cúi xuống với người lỡ vận không may.
Sau thủ tục khám sức khỏe, nhóm người tị nạn được đưa về một hostel, nơi tạm cư ăn ở miễn phí cho những người di dân và dân tị nạn từ khắp nơi trên thế giới trong lúc chờ học tiếng Anh, chờ tìm việc hay mướn nhà họặc chờ thân nhân sắp xếp đón về. Những ai thuộc diện “mồ côi” thì chờ giáo hội bảo lảnh. Sau hai ngày lưu trú ở đó, gia đình thầy Thanh và ba gia đình khác nữa được thông báo là tuần sau sẽ rời hostel để đi về một vùng quê nơi có một nhóm giáo hội sẵn sàng bảo trợ. Biết được số phận của gia đình, sực nhớ đến ông bác sĩ đã gặp ngày đầu tiên, thầy Thanh muốn báo tin và nói lời từ giã với ông ta nhưng trong túi không có một cắc bạc nào (lúc đó muốn gọi phone công cộng chỉ cần bỏ 10 cents). Lúc ở trại tị nạn Mã Lai, thầy chỉ biết làm thông dịch viên cho các phái đòan nói tiếng Anh và Pháp giúp đồng bào khi được gọi phỏng vấn, vả lại dân thầy giáo như thầy đầu óc thẳng băng, có biết làm cách gì ra tiền hơn ngòai nghề dạy học ở xứ mình. Có chiếc nhẫn cưới và đôi bông tai của vợ thầy thì đã bán mất để mua rau tươi ăn mỗi ngày chớ ăn đồ hộp mỗi ngày thành khô đét. Thế nên khi đi định cư, gia đình thầy chỉ xách võn vẹn một túi hành trang nhẹ hững nhẹ tưng được may bằng bao nylon đựng đường trong đó mỗi đứa chỉ có một bộ đồ mỏng dánh. Bất đắc dĩ, thầy phải mượn 10 cents của một người trong nhóm để phone cho ông bác sĩ. Tưởng rằng chỉ từ giã ông Chris rồi thôi, nào dè ông hẹn chiều đó sau giờ làm việc ông sẽ tới hostel đón về nhà ông chơi và dùng cơm tối. Đối với một gia đình tị nạn vừa mới đặt chân lên xứ người  vài ba hôm thì chuyện đó quả là một nỗi vui mừng khôn xiết và là một vinh hạnh lớn lao bất ngờ.   
Buổi chiều, khi ông Chris đến rước thì trước khi đưa về nhà, ông chở cho đi một vòng ra city tới Botanical garden đứng bên này nhìn qua bên kia Opera House xem phong cảnh. Nhưng lúc đó có đứa nào trong bọn biết đâu là đâu và trời trăng ở hướng nào. Văn phòng ông thì ở Parramatta, từ đó ông chạy lại Villawood rước gia đình thầy Thanh chở ra city. Rồi từ city đưa về nhà ông ở Chastwood. Ăn tối xong sẽ từ Chastwood chở về trả lại hostel. Sau này khi đã rành rẽ đường đi nước bước và các khu vực đông tây nam bắc, nghĩ lại thấy ông thật quá  tử tế, đầy nhân bản. Gia đình thầy Thanh đâu mắc mớ gì với ông, đã không cùng chủng tộc, khác màu da ngôn ngữ, lại xa lạ hòan tòan mà ông vẫn bỏ công sức thời giờ để đem niềm vui đến cho họ.  
Về đến nhà ông, phu nhân của ông nghe bấm chuông vội chạy ra mở cửa và Welcome từng người bằng cái hôn thân mật làm gia đình thầy Thanh ai cũng cảm thấy ngại ngùng. Bà có đứa con gái bằng tuổi con gái thầy nên bảo cô bé mang đồ chơi ra để hai đứa chơi chung. Ông Chris sau khi thay đồ ra, ông vào bếp chòang cái apron đứng làm bếp. Ông nói ông có ở Trung quốc vài tháng nên cũng biết xào nấu theo kiểu Á châu. Bà đã nướng sẵn honey chicken. Ông làm thêm món thịt bò xào nấm đông cô xắt sợi chung với giá và cần tây. Đặc biệt, giá là do bà tự làm lấy ở nhà. Sau mấy ngày ăn đồ hostel ớn tới cổ, hôm nay gia đình thầy Thanh mới tìm lại được một chút hương vị cơm gia đình Á châu.
Trong buổi ăn, thầy Thanh kể chuyện mất nước, chuyện cộng sản, chuyện vượt biên. Hai ông bà bác sĩ tỏ ra rất xúc động thương cảm cho thân phận đen đủi của người Việt Nam và sự bất hạnh của một đất nước triền miên chinh chiến . Khi ra về, ông bà còn biếu cho hai trăm dollars để phòng thân trong lúc chờ tiền phúc lợi của chính phủ. Thầy Thnah cố từ chối nhưng ông Chris nói khéo là coi như ông cho mượn trước rồi sau này trả lại. Vì từ này về sau, nơi đây là quê hương thứ hai của thầy, trước sau gì thầy cũng phải lập nghiệp ở đây vĩnh viễn, ông không sợ thầy chạy đi đâu cả.    
Thế là không nhận không được, bất đắc dĩ thầy Thanh phải cầm 
lấy. Đưa ra cửa, bà bác sĩ còn trao cho cô Thanh và con gái cô mỗi người một chiếc áo ấm mặc dầu cô nói là giáo hội Vincent de Paul đã có phát cho mọi người trong ngày đầu khi tới hostel. Khi đưa gia đình thầy Thanh về tới hostel, ông bác sĩ dặn dò nhớ liên lạc cho biết tin tức và nếu có dịp trở lại Sydney thì hãy đến thăm ông. Gia đình thầy Thanh vô cùng cảm kích trước lòng tốt của ông bác sĩ  nhưng biết làm gì hơn là nói tiếng cám ơn trong niềm xúc động sâu xa tận đáy lòng. Thầy Thanh nhìn theo ông với cái nhìn của một Benhur lúc sa cơ, trên đường bị giải đi làm tù binh súyt chết khát  đã được Chúa nâng đầu lên đổ vào miệng cho gáo nước cứu tỉnh. Số mệnh con người quả là kỳ diệu, một khi đã tới thời gặp quý nhân thì dù muốn tránh cũng không tránh được, không muốn mang ơn cũng phải thọ ơn.
Cuối tuần đó, gia đình thầy Thanh và những người bạn đồng cảnh được đưa về một vùng quê cách thành phố Sydney về phía Bắc 500 km. Khi máy bay đáp xuống phi trường Port Macquarie thì đã có một nhóm  khỏang ba chục người trong hội bảo trợ đang quây quần đứng đón. Và cạnh bên họ còn có phóng viên nhà báo địa phương với chiếc máy ảnh trên tay. Những người bảo trợ niềm nở trao cho mỗi gia đình một bó hoa đón mừng và những vòng tay thân ái . Ông phóng viên vội vàng làm nhiệm vụ, chụp ảnh từng gia đình để mai này đăng lên báo nhà với đề tài Wellcome the first refugees to Wauchope. Nghĩ thấy thật tức cười. Dân cố cựu ở đây cả đời chưa chắc có ai đã được lên báo, tự nhiên một đám tị nạn da màu lạ huơ lạ hoắc từ đâu  lưu lạc tới lại được đón rước linh đình như đại sứ, con rồng cháu tiên quả thật có khác, vừa oai mà cũng vừa… quê quê làm sao!.
Sau đó họ chở mọi người trên những chiếc xe riêng của họ đi về quận hạt Wauchope, một timbertown cách Port Macquarie 21 km, chỉ có 4000 cư dân mà đa số là người lớn tuổi và những người trẻ còn trong lứa tuổi đến trường. Về đến nhà thì đã 3giờ rưởi chiều. Họ đã chuẩn bị sẵn một tiệc trà với bánh ngọt, sandwiches và cà phê. Họ mướn hai căn nhà lớn cho bốn gia đình chia nhau ở, mỗi căn bốn phòng với đầy đủ tiện nghi căn bản. Sau một hồi chào hỏi giới thiệu lẫn nhau, họ dẫn đi chung quanh nhà chỉ phòng này phòng nọ. Đến nhà bếp, một bà mở tủ lạnh chỉ thức ăn tươi để sẵn trong tủ cho buổi cơm chiều, một con cá snapper thật to, một dĩa ức gà, một bụi cần tây, nửa bắp cải, vài trái cà chua, mấy cái củ hành, hai hộp trứng, cheese và sữa v.v. Họ còn khoe rằng họ biết người Việt Nam thích ăn cơm nên cũng chuẩn bị sẵn một ít gạo. Cô Thanh thắc mắc hỏi vậy chớ gạo để ở đâu vì cô cứ đinh ninh rằng gạo là phải được chứa trong một cái khạp hay thùng gì ít nhứt cũng khỏang chục ký, đã bảo là biết người Việt phải ăn cơm mà sao không thấy lu gạo đâu hết. Ai ngờ bà bảo trợ chỉ lên một cái hộp cở hai lít trên kệ cao nói gạo để trong đó. Cô Thanh với tính thật thà chân chất nghĩ ngay trong đầu một ý nghĩ ngộ nghĩnh nhưng rất thực tế rằng nếu gạo mà để trên đó thì chắc ăn chiều nay là ngày mai phải lo “chạy gạo” nữa rồi.  Ở xứ mình dân khổ nhứt là chạy gạo, khổ cực biết bao mới qua được tới đây lại phải chạy gạo nữa sao trời!
Nhưng may thay sự lo lắng của cô Thanh không phải kéo dài lâu vì nhóm người bảo trợ trước khi ra về, họ hẹn ngày hôm sau sẽ trợ lại hướng dẫn thủ tục xin trợ cấp và đưa mọi người đi  shop coi cần mua sắm gì thì họ sẽ ứng trước. Vậy là yên chí lớn. Chiều đó cô Thanh thái con cá ra lấy thịt xào rau cần và chiên mấy quả trứng với hành tây, còn mấy miếng thịt gà đem nấu nồi canh cải bắp. Hơn sáu tháng trời ở Bidong ăn tòan đồ hộp của Cao ủy phát, qua tới Úc ở hostel một tuần thì ngày nào cũng nghe mùi thịt trừu và ăn cơm sống, đứa nào cũng mất hai ba kilos. Hôm nay mới chính thức được ăn lại bữa cơm đúng khẩu vị thuần túy của mình do chính mình nấu nên cô Thanh rất hăm hở lên tinh thần. Cũng may trước khi rời Sydney, những người Việt Nam ở hostel đã bày cho thầy Thanh mua hai chai nước mắm mực mang theo chớ không thôi bây giờ nấu ăn chỉ có muối không làm sao ngon cho được.
Sáng hôm sau và những ngày hôm sau nữa, liên tiếp hai tuần lễ, mỗi ngày những người bảo trợ đều đến để chỉ dẫn giúp đỡ bất cứ chuyện gì.Trước tiên thì đưa cả đám đến phòng thất nghiệp làm hồ sơ xin trợ cấp trong lúc chưa có việc làm, kế đến đi ngân hàng mở sổ bank để chính phủ gởi tiền vào đó. Và họ thay phiên mỗi người một ngày dạy Anh ngữ đàm thọai cho người lớn. Còn trẻ em thì họ ghi danh sắp xếp cho vào các trung, tiểu học tùy lứa tuổi. Cuối tuần họ chở  đi  Port Macquarie  picnic họặc du ngoạn ở những vùng lân cận.
Sau một tháng trời ăn ở không đi lỏng nhỏng, mọi người đều thấy “ngứa tay ngứa chân” sẵn sàng săn tay áo để làm việc nhưng ở một vùng nông thôn sàng dã, đời sống nhàn hạ không cần giành giựt bon chen thì làm gì có việc cho làm. Hảng xưởng không có, công sở thì le hoe, đâu đó đã đủ nhân viên. Riêng thầy Thanh, sau một buổi được một trường trung học mời  thuyết trình cho lớp 11 và 12 về nguyên nhân đi tị nạn của dân tộc thầy, ông hiệu trưởng đã nhiệt tình khuyên thầy nên đem gia đình trở lại Sydney vì Wauchope này không có cơ hội cho những người muốn khởi sự làm lại cuộc đời, lại càng không có tương lai cho con cái.
Và sau đó, ông hiệu trưởng liên lạc với giáo hội tin lành ở Sydney giới thiệu thầy Thanh với họ và hẹn ngày cho thầy Thanh gặp họ ở Sydney. Trước tiên, thầy Thanh trở lại Sydney một mình để gặp gỡ và trình bày hòan cảnh của mình với một người đại diện trong hội. Có nơi ăn chốn ở xong xuôi thầy mới về Wauchope tạ ơn hội bảo trợ, xin từ giã họ và rước gia đình về thành. Thầy Thanh tiên phong đi trước để rồi những người bạn cùng hội cùng thuyền sau đó cũng nối gót gia đình thầy lần lượt giã từ timbertown dọn đi nơi khác lập nghiệp. Nếu Việt Nam là quê mẹ ruột thì Wauchope là quê mẹ nuôi để về sau, mỗi khi có cơ hội, đàn con tị nạn lại trở về thăm viếng như một hình thức nhớ ơn nơi đã cưu mang họ những ngày đầu trên bước đường định cư.   
Vạn sự khởi đầu nan, cuộc đời ai cũng phải trải qua những chặng bắt đầu. Có gặp gian khó thì mới ló được cái khôn. Khổ nhứt là cô Thanh vì từ nhỏ tới lớn cô quen được bảo bọc trong vòng tay cha mẹ. Khi lấy chồng thì gặp được người chồng tốt rất mực chăm sóc gia đình nên cô không từng biết bôn ba. Bây giờ lưu lạc đất khách quê người, cô phải phụ giúp chồng lo sinh kế, như một người không biết lội rớt xuống sông cô thật chới với, không biết bám vào đâu, chỉ biết cậy trông nơi đấng thiêng liêng, Đức Mẹ hằng cứu giúp.
Nhớ thuở ban sơ mới tới bờ
Vai tựa chồng tay dắt con thơ
Lẻo đẻo theo sau thằng em nhỏ
Nắm chặt nhau sợ lạc bất ngờ
Thuở nhỏ quen sống cha mẹ lo
Đến khi xuất giá được chồng phò
Tới ngày mất nước đi tị nạn
Một mình bốn mạng mới biết lo
Ở xứ người, nghề chọn người chớ người không thể chọn nghề nên lúc bắt đầu ai cũng như ai, đụng đâu làm đó chẳng câu nệ gì. Có chút tiền dằn túi trước rồi muốn gì mới tính sau. Thế nên, sĩ nông công thương, thầy hay thợ, quân tử hay tiểu nhân, cùng đinh hay trí thức, những tâm hồn lớn hay nhỏ gì cũng có thể ngồi chung một chuyến thuyền, cùng chung một mục đích là kiếm tiền. Có lâm vào hòan cảnh thất sở thân sơ trôi nổi quê người như vậy mới thấy rằng thiên tử cũng đồng hạng với thứ dân. Tay làm thì hàm mới nhai. Có no ấm bản thân rồi mới nghĩ đến thù nhà nợ nước, ngồi bên tây đánh giặc bên tàu không mỏi miệng. Nhưng dẫu sao, ở một đất nước tự do chan chứa tình người như nước Úc này thì dù khổ cực bao nhiêu cũng chẳng thấm thía gì so với mấy chục triệu đồng bào còn kẹt lại nơi quê nhà đang ngày ngày sống vất vưởng đọa đày trong địa ngục cộng sản không biết đến bao giờ mới được giải thóat đầu thai...   
         
  Người Phương Nam

No comments:

Post a Comment