Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Sunday, 31 March 2019

Phạm Đình Trọng: Nước Mỹ và Donald Trump

10


Tạo ra thế giới và sắp đặt thế giới là một trò chơi ham thích, mê mải, nhiều sáng tạo nhưng cũng đầy bất ngờ của tạo hóa. Và tạo hóa đã chơi trò sắp đặt với loài người như sau: Người da đen đầy sức mạnh bản năng, đầy năng lực sinh sản và mang tố chất nghệ sĩ bẩm sinh cho ở trong những dải rừng nhiệt đới nguyên sơ và mênh mông châu Phi. Người da vàng hay lam hay làm cho ở trên những đồng cỏ chồn vó ngựa phi và trên những cánh ruộng nước thẳng cánh cò bay ở châu Á. Người da trắng hay nghĩ ngợi, thích lí sự cho ở xứ lạnh châu Âu, cứ đóng cửa lại, đốt lò sưởi lên mà ngồi nghĩ ngợi và lí sự rồi liên tục cho ra đời các định luật, các triết lí, các học thuyết làm nghiêng ngả cả thế giới. Người da đỏ ít ỏi cho ở một góc châu Mỹ. Phần còn lại của châu Mỹ, tạo hóa dành một không gian đủ rộng để tạo ra sự pha trộn, cho cả bốn sắc da đen, trắng, vàng, đỏ sống lẫn lộn với nhau, tạo nên nước Mỹ, hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Thực hiện bản thiết kế sắp đặt đầy lãng mạn đó, tạo hóa liền cho nổ ra những cuộc cách mạng long trời lở đất ở châu Âu, từ những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đến cách mạng xã hội. Tạo ra những thảm họa đói nghèo triền miên ở châu Phi. Giáng xuống châu Á những cuộc chiến tranh xâm lược và nội chiến đẫm máu. Cách mạng, đói nghèo và chiến tranh đã tạo ra dòng người da trắng, da den, da vàng từ châu Âu, châu Phi, châu Á hối hả, cấp tập vượt biển kéo đến nước Mỹ xa xôi nhưng yên ổn. Dòng người đủ màu da lánh nạn đến nước Mỹ kéo dài suốt mấy thế kỉ. Trong dòng người lánh nạn đổ bộ lên nước Mỹ có tổ tiên của ông nhà giầu kinh doanh đất đai, nhà cửa Donald Trump đến từ trung tâm châu Âu, nước Đức.
Đa chủng tộc là sắp đặt của tạo hóa với nước Mỹ, là định mệnh của nước Mỹ. Mỗi chủng tộc đều có một nền văn hóa rực rỡ và độc đáo, đều có một tín ngưỡng thần bí, cao siêu và linh thiêng. Đa chủng tộc là đa văn hóa và đa tôn giáo. Văn hóa Mỹ là tinh hoa folklore, văn hóa dân gian của cả loài người. Đó là sự ưu ái của tạo hóa dành cho nước Mỹ, là may mắn của định mệnh nước Mỹ. Lịch sử hình thành nước Mỹ đã đòi hỏi và đã cho nước Mỹ tấm lòng bao dung với cả loài người. Nước Mỹ là loài người. Nước Mỹ vĩ đại không chỉ bởi đứng đầu thế giới về kinh tế, về khoa học kĩ thuật và về quân sự mà nước Mỹ vĩ đại còn bởi gương mặt nước Mỹ là gương mặt loài người và tấm lòng nước Mỹ là tấm lòng bao dung con người.
Bốn mươi bốn đời Tổng thống Mỹ đều là con cháu những người từ mọi miền trái đất đến nhận nước Mỹ là Tổ quốc. Họ đều mang trong máu sứ mệnh loài người và mọi thảm họa của loài người dù xảy ra ở châu Âu hay châu Á xa xôi, cách nước Mỹ cả Đại Tây Dương, hoặc Thái Bình Dương, nước Mỹ đều mang máu của mình ra ngăn chăn. Họa phát xit ở châu Âu giữa thế kỉ trước, họa cộng sản ở châu Á nửa sau thế kỉ trước, các Tổng thống Mỹ đều đưa quân đội Mỹ vượt Đại Tây Dương đến châu Âu diệt phát xít, đưa quân đội Mỹ vượt Thái Bình Dương đến Triều Tiên năm 1950 và đến Việt Nam năm 1965 mang máu người lính Mỹ ra chống lại thảm họa cộng sản của loài người, thứ thảm họa còn tàn bạo, man rợ, hủy hoại tính người, hủy hoại văn hóa, tàn phá thế giới và di hại lâu dài gấp nhiều lần thảm họa phát xít. Hơn một triệu người lính Mỹ đã bỏ xác rải rác từ châu Âu đến châu Á trong những cuộc chiến chinh vì nghĩa cả, vì loài người đó. Những dòng máu Mỹ đó cũng làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ.
Cũng bởi mang tư cách loài người, nước Mỹ đã dựng ngay giữa thủ đô Washington D.C đài tưởng niệm hơn 100 triệu người đủ mọi màu da chết thê thảm, chết tức tưởi vì thảm họa cộng sản.
Trở thành Tổng thống thứ bốn mươi nhăm của đất nước mang tấm lòng bao dung và tầm vóc vĩ đại hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ông tỉ phú làm giầu bằng kinh doanh đất đai nhà cửa Donald Trump đưa ra tiêu chí “Nước Mỹ trên hết”, “Nước Mỹ vĩ đại” nhưng ông lại đang ngạo ngược theo đuổi những việc làm đi ngược với truyền thống Mỹ, giá trị Mỹ, đi ngược với thời đại toàn cầu hóa, làm cho nước Mỹ bao dung và vĩ đại thành nhỏ nhen, hẹp hòi, chật chội, tầm thường và lạc lõng. Chỉ nhìn ba việc ông nhà giầu Donald Trump đang hăm hở làm với tư cách Tổng thống Mỹ cũng thấy rõ điều đó.
Vừa ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ, Donald Trump liền kí ngay sắc lệnh xua đuổi không cho vào nước Mỹ đối với công dân bảy nước ở vùng đất chịu ảnh hưởng lớn của tôn giáo Islam và là vùng đất đang có chiến tranh đẫm máu, cuộc chiến tranh của lương tâm loài người tiêu diệt những kẻ nhân danh một tôn giáo chống lại cả loài người. Dân lành Islam phải bỏ nhà cửa, bỏ thánh đường tứ tán đi lánh nạn khắp thế giới và họ đã bị nước mỹ thời Donald Trump xua đuổi. Sắc lệnh của Tổng thống Trump xua đuổi cả những người Islam đã sống nhiều năm ở Mỹ, đã được nước Mỹ cấp thẻ công dân màu xanh, công dân dự bị của nước Mỹ. Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump vừa ban ra, lập tức quan tòa liên bang ra phán quyết ngưng thi hành. Đó là sự lên tiếng của luật pháp nước Mỹ và cũng là sự lên tiếng của lương tâm nước Mỹ, của trái tim Mỹ bao dung.
Chỉ có nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, manh mún, tự cấp tự túc mới khép kín trong từng vùng và trong một nước. Bước vào thời công nghiệp là bước vào thời mở cửa ra thế giới, thời toàn cầu hóa. Ngay từ khi nền sản xuất công nghiệp vừa ra đời, chủ nghĩa tư bản vừa hình thành, những người con quả cảm của nền công nghiệp non tơ, của chủ nghĩa tư bản thơ ấu đã lái con tàu gỗ bé nhỏ vượt sóng dữ Đại Tây Dương, vượt bão biển Thái Bình Dương tìm đất mới, tìm thị trường, tìm nguyên liệu, tìm sức lao động, tìm cả không gian để mở rộng sản xuất.
Bản chất của sản xuất công nghiệp là toàn cầu. Sản xuất công nghiệp đòi hỏi nguồn nguyên liệu vô cùng lớn và đa dạng, một nước không thể đáp ứng. Nền sản xuất công nghiệp tạo ra năng suất ngày càng cao, sản phẩm công nghiệp đòi hỏi phải được phủ toàn cầu. Sản phẩm công nghiệp nào không thể phủ toàn cầu, ngành công nghiệp đó không thể phát triển. Thời tư bản hoang dã, nhà tư bản làm giầu chủ yếu nhờ bóc lột sức lao động. Thời hoang dã đã đi vào quá vãng lịch sử. Xã hội công nghiệp, xã hội tư bản hôm nay là hiện thân của văn minh nhân loại không thể chấp nhận một nền sản xuất và một thể chế chính trị tồn tại bằng chà đạp lên phẩm giá con người, coi con người chỉ là công cụ, là nô lệ. Ở các nước công nghiệp phát triển, giá trị sức lao động ngày càng cao, ngày càng chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Trong khi ở các nước chưa phát triển đang trống vắng sản xuất công nghiệp, đang dư thừa sức lao động nên giá trị sức lao động quá thấp đến tội nghiệp. Đưa sản xuất công nghiệp từ nơi sức lao động đắt đỏ đến nơi sức lao động rẻ mạt làm cho giá thành sản phẩm giảm rất lớn thì trước hết người dân ở nước phát triển hưởng lợi nhiều hơn người dân ở nước chưa phát triển vì sức mua của người giầu phải lớn hơn nhiều lần sức mua của người nghèo. Đó là cái lợi lớn của nước Mỹ và của người dân Mỹ khi đưa những ngành sản xuất công nghiệp dân dụng của Mỹ ra nước ngoài.
Nhà sản xuất không phải chỉ đầu tư vào nước chưa phát triển mà đầu tư cả vào nước phát triển. Nhà sản xuất Mỹ đầu tư ra nước ngoài thì lại có nhiều nhà sản xuất từ nhiều nước khác đầu tư vào Mỹ. Đầu tư ra nước ngoài là đòi hỏi của nhà sản xuất nhưng cũng là đòi hỏi của người tiêu dùng, là đòi hỏi của thời cạnh tranh quyết liệt và là đòi hỏi của thời đại mà nền sản xuất công nghiệp hiện đại đã nâng con người lên tầm vũ trụ. Con người với tầm vóc vũ trụ, trái đất đã trở nên quá bé nhỏ và đã thực sự là ngôi nhà chung của loài người thì nhà máy đặt ở nước này hay nước khác mà mang lại lợi ích cao nhất cho con người đều cần thiết và là một đặc trưng của thời toàn cầu hóa. Làm giầu bằng kinh doanh đất đai, nhà cửa, không phải là nhà sản xuất công nghiệp, Donald Trump không thấm thía điều này và ở cương vị Tổng thống, ông đòi hỏi các nghiệp chủ Mỹ phải đưa nhà máy đặt ở nước ngoài về Mỹ tạo việc làm cho người lao động Mỹ là một đòi hỏi lạc lõng, thực sự chỉ là hành xử mị dân nông nổi.
Thành công trong kinh doanh đã cho ông chủ nhà đất Donald Trump lòng tự tin quá lớn. Chưa từng tham gia chính trường dù chỉ ở cấp tiểu bang nhưng khi trở thành Tổng thống liên bang, với sự tự tin đó, Tổng thống Donald Trump liền hủy bỏ dấu ấn chính trị đẹp đẽ, lớn lao và cần thiết của người tiền nhiệm và nước Mỹ của Donald Trump đã hủy bỏ hiệp định TPP mà Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama đã dành rất nhiều thời gian, công sức và trí tuệ thiết kế, hình thành, hoàn thiện, chỉ còn chờ những thủ tục cuối cùng để đi vào đời sống chính trị thế giới.
TPP là một hiệp định kinh tế nhưng thực chất là một đối sách chính trị của nước Mỹ và của thế giới trước hiểm họa bành trướng, Hán hóa thế giới của các hoàng đế Trung Hoa. Khởi xướng TPP, nước Mỹ nhận lấy trách nhiệm dẫn dắt thế giới trước thách thức đang đặt ra cho loài người
TPP ra đời nhằm ngăn chặn hậu quả nguy hiểm do sai lầm của hai Tổng thống tiền nhiệm từ hơn bốn mươi năm trước. Tổng thống Richard Nixon đi đêm với cộng sản Trung Hoa, phản bội đồng minh Việt Nam Cộng hòa, phản bội hơn nửa triệu người lính Mỹ đã bỏ xác ở Việt  Nam, phản bội sứ mệnh ngăn chặn thảm họa cộng sản ở châu Á, làm ngơ trước hành động xâm lược của cộng sản Trung Hoa cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa, giúp cộng sản Trung Hoa đặt được bước chân xâm lược vào biển Đông, đặt được sức mạnh quân sự cộng sản Trung Hoa vào giữa các nước Đông Nam Á, đưa sức mạnh quân sự cộng sản Trung Hoa đứng chân giữa dòng giao thương đường biển huyết mạch nhất, tấp nập nhất thế giới, chiếm giữ được vị trí chiến lược toàn cầu. Kế tiếp Richard Nixon, Tổng thống Jimmy Carter giúp vốn liếng, kĩ thuật vực dậy nước Trung Hoa cộng sản nghèo đói, tan hoang sau cách mạng văn hóa trở thành nước có sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, trở thành mối đe dọa ngày càng lớn của an ninh thế giới.
TPP là tầm vóc chính trị Barack Obama, là tư cách, là trách nhiệm loài người của nước Mỹ trước hiểm họa mới của loài người.
Từ lúc đất nước còn tan hoang, nghèo đói và dân tình còn hoang mang, li tán, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã kích thích máu dân tộc hẹp hòi, đánh thức tham vọng Đại Hán để tập hợp dân chúng bằng việc động binh cướp đất Tây Tạng, lấn chiếm biên giới Ấn Độ.
Cũng trong cảnh nghèo đói tan hoang đó, từ giữa thế kỉ trước Mao Trạch Đông, người đứng đầu nhà nước Trung Hoa cộng sản đã chăm chăm nhìn xuống Đông Nam Á với nỗi thèm khát truyền kiếp: “Tôi sẽ là chủ tịch dẫn 500 triệu nông dân Trung Quốc đi xuống Đông Nam Á”. Đông Nam Á là hơn mười quốc gia độc lập, có chủ quyền. Một hòn đảo chơ vơ giữa biển ở đó dù nhỏ nhoi cũng đã có chủ. Không cần biết đến chủ quyền của các nước Đông Nam Á đã được lịch sử xác nhận từ ngàn năm trước, Mao Trạch Đông coi Đông Nam Á như miền đất vô chủ.
Chỉ có khẩu tiểu liên AK 47 và chiếc xe tăng T54 cổ lỗ, nhà nước Trung Hoa cộng sản đã mang sức mạnh biển người của đội quân Bát Nhất đông đúc đi xâm lược láng giềng, đã nhăm nhe thôn tính Đông Nam Á. Nay đội quân biển người đó lại có vũ khí hạt nhân, có tàu sân bay và hạm đội mang tên lửa đạn đạo tầm xa thì tham vọng của họ không phải chỉ là các nước láng giềng, không phải chỉ là Đông Nam Á. Với vũ khí hạt nhân và hạm đội mang tên lửa đạn đạo tầm xa họ đang hiện thực hóa tham vọng ngàn đời của các hoàng đế Trung Hoa, họ đang hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình.
Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình cũng giống như lí thuyết chủng tộc Aryan của Adolf Hitler. Tự huyễn hoặc chủng tộc Aryan là chủng tộc thượng đẳng (master race), chủng tộc ưu tú nhất của loài người phải nắm quyền thống trị thế giới, Adolf Hitler ráo riết phát triển công nghiệp quân sự, xây dựng quân đội hùng mạnh, gây chiến tranh xâm lược nhằm thống trị thế giới. Với Giấc mơ Trung Hoa, Tập Cận Bình cũng đang hối hả hiện đại hóa đội quân biển người, dùng đội quân biển người có sức hủy diệt hạt nhân khuất phục loài người, Hán hóa thế giới. Loài người đang đứng trước hiểm họa bành trướng còn khủng khiếp hơn thảm họa phát xít giữa thế kỉ trước vì giữa thế kỉ trước phát xít Hitler chỉ có lò thiêu người chứ chưa có vũ khí hạt nhân.
Hán hóa thế giới, từ nửa thế kỉ trước, Trung Hoa cộng sản đã âm thầm đưa đàn ông ra thế giới để khắp thế giới có họ Mao, họ Tập, họ Bành, .  .  . Hán hóa thế giới, nhà nước Trung Hoa cộng sản đang ráo riết theo đuổi một tội ác man rợ: đầu độc loài người. Tẩm chất độc vào thực phẩm, vào trái cây, dùng nguyên liệu độc hại sản xuất hàng tiêu dùng. Hàng hóa độc hại China gây ung thư, gây vô sinh đội lốt hàng nhiều nước khác tràn ngập thế giới, hấp dẫn người tiêu dùng nhẹ dạ bằng giá rẻ bất ngờ.
Hán hóa thế giới, Trung Hoa cộng sản đang ném tiền ra mua những kẻ cầm quyền độc tài và tham nhũng ở châu Phi để ào ạt đưa người Hán đến làm chủ châu Phi, hối hả bòn rút tài nguyên châu Phi, đưa châu Phi vào thời thực dân hiện đại, sau thời thực dân cũ, thực dân mới. Tàn phá môi trường tự nhiên hoang dã hùng vĩ châu Phi. Tàn phá môi trường chính trị châu Phi, nuôi dưỡng những chế độ độc tài, tham nhũng trung cổ. Tàn phá môi trường nhân văn châu Phi, dìm những người chủ đích thực có tâm hồn nghệ sĩ của châu Phi trong nô lệ tăm tối.
Hán hóa thế giới, Trung Hoa cộng sản đang cố sống cố chết quân sự hóa những hòn đảo đã cướp được ở biển Đông, biến những hòn đảo đó thành những kho thuốc súng, thành những trận địa hạt nhân, thành ngòi nổ chiến tranh thế giới mới, một cuộc chiến tranh được kẻ gây chiến trù tính: “Chiến tranh hạt nhân nổ ra, người Hán có chết vài trăm triệu thì cũng còn vài trăm triệu làm chủ thế giới” như lời Mao Trạch Đông đã răn đe loài người từ khi Mao Trạch Đông đang lăm le dẫn đầu 500 triệu nông dân Hán tràn xuống Đông Nam Á.
Trước mối đe dọa đó, TPP là cánh tay liên kết của loài người, là vành đai sức mạnh kinh tế và sức mạnh văn hóa của loài người ngăn chặn tham vọng Hán hóa thế giới của Trung Hoa cộng sản. Hủy bỏ TPP, Donald Trump tự phủ nhận là người kế nhiệm xứng đáng của tầm vóc Barack Obama, từ bỏ tư cách loài người của nước Mỹ, đánh mất tầm vóc vĩ đại của nước Mỹ.
Nước Mỹ vĩ đại vì lịch sử cận đại của loài người đã trao cho nước Mỹ vai trò dẫn dắt thế giới chống lại cái ác, để thế giới phát triển bình yên, để con người được hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Với Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ chỉ biết có nước Mỹ, nước Mỹ trên hết, thì nước Mỹ dù giầu có của cải cũng quá nghèo túng giá trị nhân văn, nước Mỹ rộng lớn mênh mông cũng trở thành nhỏ bé, hẹp hòi, chật chội. Để rồi ngày càng xuất hiện nhiều người Mỹ như Adam Purinton, cầm súng xả đạn vào người nước ngoài đến làm việc ở Mỹ với tiếng thét: Hãy cút xéo khỏi đất nước của tao.
Phạm Đình Trọng

No comments:

Post a Comment